Phút soi gương: nữ quyền hay nhân quyền |
Tác Giả: Tiểu Thư | |||
Thứ Hai, 14 Tháng 11 Năm 2011 22:52 | |||
Ngày hôm qua, tôi biết được một chi tiết thú vị: rằng ở nước Pháp, cho đến nay, giấy tờ chính thức vẫn liệt kê phụ nữ là Mademoiselle hay Madame, trong khi đàn ông luôn luôn là Monsieur. Bài bình luận trên radio đi sâu hơn vào nguồn gốc của chữ mademoiselle, và chữ nam tính tương ứng damoiseau (nghĩa chính xác là con trai còn trinh). Chữ damoiseau đã biến mất từ sau thời Trung cổ, nhưng mademoiselle vẫn còn trong tất cả lãnh vực của đời sống hiện đại. Cũng như đa số các từ ngữ nặng giới tính nữ, phản ứng của giới nữ đối với nó không rõ ràng, hay nói đúng hơn, không có nhất trí đa số. Có những phụ nữ hoan hô phong trào đòi bỏ đi chữ mademoiselle trong văn kiện, cũng có nhiều phụ nữ khác cho rằng đấy là một từ vuốt ve và nâng niu với phái nữ, vốn vẫn được gọi là phái đẹp, sắc đẹp các bà các cô ở nước Pháp xưa nay cố bảo vệ bằng mọi giá. Đã mười năm hơn vào thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới, chữ empowerment (tạm dịch là trao quyền) đã trở thành bè bạn thân thiết của nữ giới, thường cặp kè đi chung trong những bài viết về phái nữ, vẫn là phái hạng nhì trên bảng kê giới tính. Chữ “trao quyền” này, một thứ từ “đúng đường lối” (politically correct) của thời đại, rõ ràng làm hài lòng đa số các ông cũng như các bà. Các ông được đóng vai trò rộng lượng biết điều, nhường quyền cho các bà, và các bà vui vì được trao quyền. Những người, nam hay nữ, đắc ý và an lòng với chiều hướng “nhượng quyền” từ đàn ông sang đàn bà, với thiện ý và lòng nhân ái, hoàn toàn không biết rằng họ đang gạch dưới, viết hoa, nhấn mạnh thực tế rằng phụ nữ là phái hạng nhì. Tệ hơn thế, họ khẳng định rằng phụ nữ tất nhiên và theo lẽ tự nhiên là phái hạng nhì, một hình thức ngôn từ khác của “phái yếu”, trong ấy chữ “yếu” mập mờ sẽ có những định nghĩa khác nhau tùy vào hoàn cảnh và đối tượng. Nếu bạn thuộc phái hạng nhì và không hiểu nhận định gắt gao ở trên, bạn nên đi soi gương. Khi nhìn vào gương, bạn nhìn thấy gì? Tóc, tai, mắt mũi, họng, bạn nhìn thấy một người hay bạn nhìn thấy một phụ nữ? Bạn có thể cho rằng phụ nữ và người (nữ) chẳng có chi khác biệt, nhưng xin bạn hãy suy ngẫm lại. Nếu bạn nhìn thấy một người, thì người ấy khi sinh ra đời đã được ban cho nhân quyền (quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, etc.), hay chính xác hơn, thứ nhân quyền ai cũng chấp nhận đương nhiên với một người đàn ông. Nếu bạn nhìn thấy một phụ nữ, thì bạn đã và đang nằm trong gói bọc êm ái của những danh xưng đẹp đẽ như phái đẹp, phái yếu (cần được che chở) và mademoiselle. Chấp nhận là phụ nữ trước tiên (thay vì là một người trước tiên), bạn phải đặt câu hỏi cũ rích (nhưng chưa bao giờ được giải đáp cho thỏa đáng) là phụ nữ có bình đẳng với những người khác phái, i.e., đàn ông hay không, thay vì mặc nhiên chấp nhận sự bình đẳng ấy đã nằm trong danh xưng con người. Hình như chế độ nô lệ nào cũng bắt đầu bằng bạo lực và kéo dài bằng tâm lý. Tâm lý nô lệ, khi người ta tin rằng chế độ nô lệ ấy là hợp lẽ (luật pháp hay xã hội) hoặc nỗi bất lực xuất phát từ hoàn cảnh và bản thân. Đến một lúc nào đấy, nô lệ là một tình trạng được thỏa thuận bằng lời lẽ hoặc ngấm ngầm của cà hai phía chủ nô và người nô lệ. Và nó chỉ được xóa bỏ khi có đủ người từ hai phía quyết định nó là sai lầm và từ chối không chịu tin hoặc chấp nhận nó, và sống theo lòng tin của mình, vì lời nói không thôi, như một câu phổ thông của tây phương, rẻ mạt. Hiện nay, sau mười năm của một thiên niên kỷ mới, những tàn tích của chế độ nô lệ ở nước Mỹ vẫn còn, ẩn mình thoải mái giữa những dòng sách luật và đâm rễ trong những thói quen và thành kiến. Tình trạng nô lệ ấy không khác bao nhiêu với sự nô lệ giới tính của phái nữ, tuy có vẻ bình đẳng trong con mắt luật pháp nhưng trên thực tế không thoát ra được sự kỳ thị và tư tưởng lỗi thời. Trở lại với bạn và tấm gương: bạn nhìn thấy gì? Nếu bạn nhìn thấy một con người (trước khi lọt vào phân loại nữ), chúc mừng bạn đã qua khỏi bức rào của nô lệ giới tính. Nhưng con đường còn xa lắm từ bức rào của chính bạn và bức rào của xã hội và văn minh. Câu hỏi thứ nhì của tôi với bạn là: ngắm khoảng cách xa là thế giữa bạn và bình đẳng giới tính thật sự, phản ứng của bạn là gí? Dậm chân đấm ngực kêu khóc? Hỏi thượng đế giúp đỡ? Đòi phái nam phải “trao quyền”? Than trách số phận? Bạn có thể làm tất cả những chuyện ấy, nhưng không chắc sẽ gặt hái được gì. Tôi thì tôi xin bạn hãy nghĩ đến một bước chân, nửa bước chân hay ít hơn thế cũng được. Bước chân của chính bạn. Về hướng sự bình đẳng thật sự bạn muốn có. Đừng nghĩ đến những chuyện lớn lao ghê gớm. Hãy nghĩ đến Rosa Parks từ chối không chịu ngồi ở những hàng ghế hạng nhì cuối xe bus. Hay, gần gũi với thời đại của chúng ta hơn, Maha al Qatani lái xe đi làm ở Saudi nơi phụ nữ không được quyền lái xe, dù rằng hành động đơn giản và thường ngày của triệu triệu phụ nữ khác trên thế giới có thể mang đến hình phạt bị quất mười roi. Không cần biểu tình, xuống đường hay kiến nghị, những người phụ nữ như Rosa Parks và Maha al Qatani sống và hành xử theo những điều họ tin tưởng. Họ là những người nhìn thấy mình, một người (nữ) trong gương.
|