Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hàng rào hữu hiệu nhất ngăn chặn bành trướng Trung Quốc và bảo vệ Việt Nam |
Tác Giả: Phong Uyên-Đàn chim Việt | |||
Thứ Ba, 03 Tháng 1 Năm 2012 22:25 | |||
Như ước định, Thỏa ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ và 9 nước kể trên ký ngày 12-11-2011.
Trước ngày bế mạc Hội nghị APEC 2010 họp ở Nhật Bản cách đây một năm, tổng thống Mỹ Obama đề nghị với lãnh đạo 4 nước: Brunei, Singapore, Chili, New-Zealand đã ký năm 2005 Hiệp ước Pacific four closer Economic Parneship (P4) là sau Hội nghị APEC năm 2011 họp ở Honolulu (Hawaii), Mỹ sẽ mời thêm 5 nước nữa là Malaysia,Việt Nam, Úc, Peru, Nhật Bản cùng Mỹ mở các cuộc đàm phán để thay thế P4 bằng một hiệp định thương mại tự do đa phương toàn diện gọi là Thỏa ước Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Parnership Agrement), viết tắt là TPP. Đề nghị của Obama được lãnh đạo 9 nước tán thành. Như ước định, Thỏa ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ và 9 nước kể trên ký ngày 12-11-2011. Trong tương lai sẽ có thêm chữ ký của Canada và Mexique. Đại Hàn, Đài Loan, Philippin cũng ngỏ ý muốn tham gia. Hiện tại 9 nước thành viên và Mỹ vẫn tiếp tục những cuộc đàm phán để hoàn tất TPP trong một thời gian càng sớm càng hay. Trong những cuộc đàm phán trước khi ký TPP, các đối tác đều thỏa thuận mục tiêu của TPP là tập hợp kinh tế các quốc gia thành viên – phát triển cũng như đang phát triển – thành một cộng đồng thương mại tự do duy nhất không còn hàng rào quan thuế. Cộng đồng này sẽ gồm 800 triệu người, nắm 40% kinh tế thế giới với 2 nước chủ chốt là Mỹ và Nhật, siêu cường thứ nhất và thứ 3 trên thế giới. Nhưng Mỹ cũng đặt điều kiện là các đối tác trong TPP phải tuân theo những quy định về mậu dịch, về xuất xứ hàng hóa, về rào cản kỹ thuật và về trao đổi dịch vụ. Những đối tác nằm trong TPP phải tôn trọng những luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các sáng kiến và phải minh bạch trong chính sách cạnh tranh. Cũng trong khuôn khổ TPP, những khế ước ký với các chính phủ phải có những điều khoản bảo vệ công nhân, bảo vệ môi trường và công việc làm phải phù hợp với nhân phẩm. Dòng giao lưu tự do của công nghệ thông tin (báo chí, truyền thông) cũng phải được khuyến khích. Khó mà không thấy là TPP, tuy được coi là hậu thân của P4, nhưng thật ra chỉ là sáng tác của Mỹ. TPP còn có mục đích ngăn chặn bành trướng Trung Quốc về kinh tế và quân sự ở Tây Thái Bình Dương : Ngăn chặn bành trướng Trung Quốc về kinh tế : Cần nhắc lại là cho tới khi xẩy ra khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, giới tư bản tài phiệt Mỹ đã cấu kết với tư bản cộng sản Tàu để cùng thực hiện ý tưởng Mỹ – Trung Quốc đồng ngự trị (condominium) kinh tế thế giới mà Zoellick, chủ tịch Ngân hàng thế giới gọi là G2 (đối chọi với G20). Sự hợp tác và phân công giữa 2 tư bản – tư bản CSTQ cung ứng nhân công rẻ tiền, tư bản tài phiệt Mỹ góp tiền tài, trí óc, kỹ thuật – đã biến cả Trung Quốc thành một công xưởng thế giới chế tạo hàng hóa với giá thành hạ lũng đoạn thị trường kinh tế toàn cầu. Nhờ sự cộng tác “nước với lửa” này, tư bản Mỹ và Cộng sản Tàu đã thâu được rất nhiều lợi nhuận. Khi xẩy ra khủng hoảng tài chính – kinh tế từ Mỹ lan tràn khắp thế giới, Tư bản Mỹ mới vỡ lẽ ra rằng chỉ vì hám lợi đã tự đưa thòng lọng cho Tư bản cộng sản Tàu thắt cổ mình : công kỹ nghệ Mỹ bị đình đốn, thất nghiệp tăng cao, chênh lệch xuất – nhập khẩu mỗi ngày một lớn tạo ra khủng hoảng tài chính. Để dân Mỹ – vốn dĩ là dân tiêu thụ bậc nhất thế giới (70% GDP) - tiếp tục có tiền mua hàng Tàu, Trung Quốc lấy đô la thâu được từ xuất khẩu đưa lại cho Mỹ vay khiến Mỹ trở thành con nợ lớn nhất của Trung Quốc. Trái lại để hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu, CSTQ thẳng tay bóc lột sức lao động của 200 triệu min gông (dân công, di dân). Chính sách “định hướng kinh tế” của ĐCSTQ là : chỉ dành cho 1300 triệu dân Tàu 30% Tổng sản lượng nội địa (GDP) còn 70% GDP được phân chia cho các tập đoàn kinh tế quốc doanh (thật ra là Đảng doanh) và cho giới tư sản mại bản liên kết với Đảng để tiếp tục đầu tư kinh doanh xuất khẩu, mua công khố phiếu nước ngoài, cho nước ngoài vay hay giữ tiền mặt (đô la, euro) để các vai vế trong Đảng và giới đại gia mặc sức tiêu sài ở nước ngoài hay để mua chuộc, đút lót chính quyền những nước độc tài thối nát có nhiều tài nguyên, nguyên liệu cần thiết cho công kỹ nghệ xuất khẩu của Trung Quốc. Tất nhiên là người dân Tàu bị bóc lột sức lao động phải trả một giá rất mắc cho cái chính sách định hướng kinh tế kiểu cộng sản Trung Quốc này. Nhưng cũng nhờ vậy mà kinh tế Trung quốc (nếu chỉ căn cứ vào GDP) giữ được sức tăng trưởng cao nhất thế giới. Đã vậy Trung Quốc còn là một đối tác gian lận: Ăn cắp trí tuệ, bằng sáng chế và các phát minh để làm đồ nhái lại những sản phẩm cao cấp Mỹ rồi tung ra thị trường quốc tế bán phá giá khiến hàng cao cấp của Mỹ không xuất khẩu được. Dìm giá đồng yuan và gắn chặt yuan với USD để dân Mỹ có thể mua đồ Trung Quốc với giá rẻ mạt, trái lại người dân Trung Quốc không thể mua đồ nhập khẩu của Mỹ được vì giá quá mắc khi chỉ có đồng yuan để sài. Kết quả là trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Mỹ nhập siêu Trung Quốc gần 4 lần nhiều hơn xuất : Nội trong năm 2010 thâm thủng mậu dịch Mỹ với Trung Quốc đã lên đến 270 tỷ USD! Muốn cắt đứt cái tròng gian lận này, Mỹ chỉ có cách đem những quy định của TPP về bảo vệ sở hữu trí tuệ, về môi trường, về an sinh xã hội, về chế độ lương bổng… làm hàng rào ngăn cản hàng rẻ tiền Trung Quốc tràn ngập vào thị trường các nước trong khối TPP, đồng thời di chuyển những công xưởng sản xuất của Mỹ và của các nước trong khối TPP ở Trung Quốc qua những nước đang tiến triển đông nhân công cùng trong khối như Việt Nam, Mexique… Không còn chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, và nhờ có một thị trường TPP rộng lớn và đa dạng, cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ sẽ cân bằng hơn. Ngăn chặn bành trướng quân sự Trung Quốc: Trung Quốc luôn luôn nuôi tham vọng làm bá chủ 2 mặt biển Tây Thái Bình Dương tiếp giáp với Trung Quốc là Đông Hải mà Trung Quốc gọi là biển Đông Trung Hoa (Hoa Đông) và biển Đông mà Trung Quốc đặt tên là biển Nam Trung Hoa (Hoa Nam), để từ đó tiến xuống phía Nam Thái Bình Dương và xâm nhập Ấn Độ Dương. Trong những thập niên đầu của hậu bán thế kỷ thứ 20, Trung Quốc tăng cường lực lượng hải không quân trên mặt biển Đông Hải với mục đích duy nhất là sử dụng cường lực quân sự thâu hồi Đài Loan. Lực lượng hùng hậu của quân đội Mỹ đóng ở Đại Hàn, Nhật Bản và nhất là sự có mặt của hạm đội 7 Mỹ trấn giữ eo biển Đài Loan đã làm tiêu tan hi vọng hải lục không quân Trung Quốc có thể làm chủ Đông Hải, qua mặt được hạm đội 7, vượt biển “giải phóng” Đài Loan. Sau Giải phóng miền Nam 75, Trung Quốc thấy cơ hội làm bá chủ biển Đông đã đến: Mỹ rút khỏi Việt Nam, căn cứ Mỹ ở Philippines bị đòi lại, Mỹ không còn có mặt ở biển Đông. Người “anh em” Việt Nam, bắt buộc phải nhường mọi biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa cho Trung Quốc để trả ơn Trung Quốc đã viện trợ chống Mỹ, sẽ không ra mặt chống đối, chỉ phản kháng lấy lệ. Quần đảo Hoàng Sa với thời gian đã trở thành một căn cứ tổng hợp của các binh chủng Trung Quốc không quân, bộ binh, thủy quân lục chiến, pháo binh, bộ đội tên lửa. Nhiều hòn đảo được trang bị để trở thành sân bay cho máy bay chiến đấu và bến đậu cho tàu chiến, tàu ngầm. Những hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng sẽ trở thành những pháo đài, những tàu sân bay, bảo vệ đường Lưỡi Bò Trung Quốc vẽ và sẽ là những cứ điểm xuất phát những cuộc hành quân xâm chiếm Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, để một ngày kia bành trướng Trung Quốc đi đến tận Úc châu. Khống chế biển Đông, Trung Quốc có triển vọng nắm trong tay nguồn tài nguyên dầu khí vô cùng phong phú cần thiết cho công kỹ nghệ Trung Quốc đồng thời cũng chi phối được con đường thương mại quan trọng nhất hoàn cầu: mỗi năm số lượng hàng hóa đi ngang qua eo biển Malacca vào biển Đông trị giá 5000 tỷ USD (bằng GDP Trung Quốc) trong đó 1/4 là trị giá hàng hóa mậu dịch giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á. Để ngăn chặn bành trướng Trung Quốc độc chiếm biển Đông, có những thỏa thuận song phương giữa Mỹ và những nước bị Trung Quốc đe dọa : Malaysia và Singapore thỏa thuận cung cấp căn cứ cho tàu chiến duyên hải Mỹ bảo vệ eo Malacca và Sunda. Với Philippin có ký hiệp ước phòng thủ lẫn nhau với Mỹ cách đây 60 năm, Mỹ cung cấp tàu khu trục thứ hai. Với Indonesia, Mỹ cung cấp máy bay F16C/D. Thỏa thuận quan trọng hơn hết là giữa Mỹ và Úc: Úc để cho Mỹ đóng quân ở Darwin (cực Bắc Úc) với đợt đầu là 2500 lính thủy đánh bộ. Mỹ sẽ tăng cường máy bay chiến đấu, đem tàu sân bay tới Úc. Nhờ địa thế Darwin ngó ra vùng biển Đông Nam Á – Nam Thái Bình Dương bao gồm Indonesia, Brunei, 2 eo biển chiến lược Sunda, Malacca, Singapore, quần đảo Trường Sa, Philippin, Darwin là căn cứ tốt nhất từ đó có thể xuất phát các cuộc hành quân trong trường hợp cần bảo vệ những nước này và những cứ điểm chiến lược trong vùng. Nhưng Mỹ dự kiến Trung Quốc sẽ không trực tiếp đương đầu với Mỹ ở biển Đông mà sẽ xâm nhập Đông Nam Á qua ngả Lào – Việt : Các chuyên gia quân sự Mỹ thấy sự có mặt của hàng ngàn người Trung Quốc trong dự án khai thác Bauxite tại Tây nguyên, một vị trí chiến lược chủ chốt nằm giữa 3 nước Lào, Campuchia, Việt Nam, rất đáng quan ngại. Những đơn vị “dân công” khai thác bauxite có thể chỉ là những đơn vị xung phong của quân đội nhân dân Trung Quốc trá hình “nằm vùng”. Khi được lệnh xuất quân sẽ : Một mặt tiến xuống phía Đông cắt đôi Việt Nam, làm chủ bờ biển chiến lược Việt Nam từ Đà Nẵng tới Cam Ranh. Một mặt tiến xuống phía Tây hợp với những binh chủng đã nằm sẵn ở những cơ sở “dân sự”, ở những công trường làm cầu cống đường xá nối liền với miền Nam Trung Quốc tại Lào, tràn qua Campuchia, băng qua Thái Lan, chiếm Malaysia, làm chủ eo Malacca. Những căn cứ của hải quân Mỹ ở Singapore, Malaysia sẽ bị vô hiệu hóa nhanh chóng. Muốn ngăn chặn Trung Quốc, phải bịt kín lỗ hổng Tây Nguyên. Đó là lí do Mỹ cần Việt Nam tham gia TPP mặc dầu Việt Nam là một nước cộng sản thân Trung Quốc : Một khi đã là thành viên TPP, Việt Nam lấy cớ phải tôn trọng những quy định bảo vệ môi trường, đòi Trung Quốc phải hủy bỏ hợp đồng khai thác Bauxite. Trung Quốc sẽ không còn lí do ở lại Tây Nguyên. Ngoài lí do quân sự còn lí do kinh tế: Sách lược Trung Quốc là tràn ngập Việt Nam sản phẩm tiêu thụ và nguyên liệu cần thiết cho công nghệ xuất khẩu, gây nhập siêu khiến kinh tế Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc Trung Quốc về nhập cũng như xuất : Riêng năm 2010, không kể hàng lậu, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ USD trong đó nhập siêu lên đến gần 13 tỷ. Khó mà giảm được nhập siêu vì: - Các công ty Trung Quốc luôn luôn thắng các hợp đồng thiết kế, mua sắm và xây dựng vì có sự đồng lõa của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Thắng thầu họ nhập máy móc, thiết bị, vật liệu thậm chí cả nhân công và dịch vụ. Những công ty này không những phá hoại môi trường, giành công việc của công nhân Việt Nam mà còn cài gián điệp khắp cùng mọi chỗ có công trình của họ đồng thời cũng kéo theo thương nhân của họ đến mở quán mở tiệm. - Trung Quốc xuất khẩu qua Việt Nam đủ mọi mặt hàng từ một cây đinh đến những vật thông dụng trong gia đình với giá cực rẻ khiến hàng nội địa không thể nào cạnh tranh nổi, công nghệ sản xuất hàng tiêu thụ trong nước đều bị phá sản. Thậm chí rau quả thịt thà và hàng ngàn loại thực phẩm khác cũng đến từ Trung Quốc ! Hệ quả là thị trường tiêu thụ, cuộc sống thường ngày của nhân dân Việt Nam, đều hoàn toàn dưới sự chi phối của Trung Quốc. - Công nghệ xuất khẩu Việt Nam, chủ yếu là những ngành dệt may, giày dép… phải nhập từ Trung Quốc tới 60 – 85% vật liệu, nguyên liệu đã chế tác (vải, sợi, da giày…) rồi chỉ gia công chế biến, lắp ráp. Trung Quốc nắm quyền sinh sát: chỉ cần Trung Quốc tăng giá nguyên liệu lên 10-15% là công nhân Việt Nam hết đường sống, các khu công nghiệp phải tự đóng cửa. Ngành sản xuất hàng xuất khẩu Việt Nam vì vậy có giá trị gia tăng rất thấp. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi của Tập Cận Bình, chính quyền CSVN còn cam kết “nỗ lực thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch thương mại Trung quốc – Việt Nam 60 tỷ USD vào năm 2015… ra sức đẩy mạnh hợp tác 2 hành lang 1 vành đai kinh tế xây dựng khu hợp tác xuyên biên giới“. 60 tỷ USD là hơn một nửa GDP Việt Nam hiện giờ. Nhập siêu Việt Nam sẽ nhân gấp 3 lần ! Khó mà không thấy là trong tương lai rất gần, kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn dưới sự thống trị của kinh tế Trung Quốc. Đó cũng là nỗi lo ngại của Mỹ vì khi thực chất hàng xuất khẩu Việt Nam chỉ là hàng Tàu “made in Việt Nam” và xuất khẩu Việt Nam chỉ là xuất khẩu hộ Tàu thì thị trường tiêu thụ Mỹ sẽ lâm vào cảnh tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Việt Nam nằm trong TPP là phương cách hay nhất để ngăn ngừa kinh tế Việt Nam trở thành một chi nhánh của kinh tế Trung Quốc. Một khi đã nằm trong TPP, Việt Nam phải tuân thủ những qui định về xuất xứ hàng hóa, về bảo vệ môi trường, về bảo vệ tai nạn lao động, về an sinh xã hội, chế độ lương bổng… Tại Việt Nam, những công ty Trung Quốc không tôn trọng những điều kiện trên sẽ bị loại khỏi những cuộc đấu thầu và hàng hóa Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn cũng bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam để Trung Quốc gian lận dán nhãn hiệu Made in Việt Nam rồi xuất khẩu lại qua các nước trong TPP. Các doanh nghiệp sản xuất hàng thường dùng trong nước hay hàng xuất khẩu cũng nhờ vậy lấy lại được thị trường tiêu thụ trong nước và sản phẩm xuất khẩu Việt Nam sẽ có một chất lượng tốt hơn và sẽ được yêu chuộng trong một thị trường vô cùng rộng lớn là khối TPP. Việt Nam là nước đang phát triển đông dân cư nhất trong những nước ĐNÁ thuộc khối TPP. Các tập đoàn hàng công nghệ cao, hàng điện tử chất lượng tốt, sẽ không sợ thiếu nhân công có trình độ khi bỏ Trung Quốc tới Việt Nam mở công xưởng, mở trung tâm kỹ thuật cao và cũng không lo sợ bị ăn cắp sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế. Việt Nam sẽ trở thành công xưởng kỹ thuật cao và Việt Nam với 9O triệu dân, cũng tạo một thị trường tiêu thụ đáng kể cho ngành xuất khẩu các nước trong TPP, nhất là Mỹ, Nhật … Mỹ cũng muốn thông qua TPP khắc phục chính quyền CSVN nới rộng nhân quyền, dân chủ và tự do báo chí : Cho tới nay có những phần tử trong ĐCSVN lí luận là đi với Mỹ sẽ mất Đảng. Chấp nhận Việt Nam trong khối TPP, Mỹ đã gián tiếp công nhận ĐCSVN là đảng cầm quyền duy nhất và chứng minh là đi với Mỹ sẽ không mất đảng, trái lại nếu tiếp tục bám vào Tàu sẽ mất hết. Vả lại giới kinh doanh tư bản Mỹ hay bất cứ nước nào đầu tư vào Việt Nam, cũng không đòi hỏi gì hơn là có ổn định chính trị để dễ làm ăn. Những lobby quân sự và kỹ nghệ làm súng ống Mỹ còn cho là dễ làm giầu với những chế độ độc tài hơn là với những nước dân chủ hiếu hòa. Tất nhiên là những tổ chức đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi dân quyền Mỹ, Úc, Canada, Nhật… sẽ không chịu ngồi yên và sẽ làm áp lực với chính phủ nước mình để đòi hỏi chính quyền CSVN phải tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận. Chính quyền CSVN cũng khó mà từ chối quyền tư nhân được tự do xuất bản báo chí và tự do truyền thông vì những quyền này nằm trong quy chế tự do kinh doanh mà các thành viên TPP đều đã chấp thuận. Quan trọng hơn hết là một khi kinh tế Việt Nam phải vận hành theo những quy định, những luật lệ rõ ràng và phải có sự minh bạch trong sổ sách, trong kế toán, thì sẽ bớt được tham nhũng và nền tư pháp cũng sẽ độc lập hơn. Kết luận Có nhiều giải thích khác nhau về sự kiện Việt Nam gia nhập khối TPP: Có nhiều người hoài nghi cho rằng quyết định gia nhập TPP chỉ là kết quả của một sự thỏa thuận giữa 2 phái cố hữu trong ĐCSVN là phái “Đảng Lãnh đạo” mà người cầm đầu là Tổng bí thư Đảng và phái “Quản lí” mà người cầm đầu là Thủ tướng chính phủ. Hai phái đều thỏa thuận với nhau đi nước đôi : lệ thuộc Tàu về đường lối chính trị, lợi dụng Mỹ về kinh tế. Nói chung, cả 2 phái đều cùng một chí hướng là bảo vệ sự độc tôn của Đảng và tình trạng giậm chân tại chỗ về chính trị cũng sẽ vẫn trường tồn. Những người lạc quan hơn cho rằng phái Lãnh đạo đã bị cô lập, chỉ còn biểu lộ sự trung thành vì quyền lợi với Trung Quốc bằng một vài lời tuyên bố và bằng một vài phản ứng như huy động công an bắt cóc người này người kia. Những người này còn đưa ra nhận xét trong Đảng hiện nay có thêm một phái mới nổi là phái Trương Tấn Sang. Việt Nam gia nhập TPP phần lớn là công của Trương Tấn Sang. Xu hướng ngả về Mỹ có vẻ đang lên dù với Trương Tấn Sang hay với Nguyễn Tấn Dũng. Hai nhân vật này đang tranh đua nhau, sẽ làm thay đổi cơ chế chính trị Việt Nam theo chiều hướng của ĐCSTQ với một lãnh đạo duy nhất như Hồ Cẩm Đào và ĐCSVN sẽ không còn là nơi tụ tập của một tập thể vô hình vô thể, vô trách nhiệm chia nhau quyền hành mà sẽ trở thành công cụ cầm quyền của một người lãnh đạo duy nhất. Dù sao gia nhập khối TPP cũng tạo cho Việt Nam cơ hội tốt nhất để tạo dựng được một nền kinh tế vững bền, có nhiều triển vọng, thoát khỏi được sự khống chế của Trung Quốc. Những người Marxistes chân chính còn dựa vào biện chứng pháp của Marx khẳng định kinh tế là hạ tầng cơ sở, chính trị chỉ là thượng tầng kiến trúc, để tin tưởng là một khi nền kinh tế Việt Nam đạt được trình độ tiến triển để hòa nhập với nền kinh tế chung của các nước trong khối TPP thì chính trị Việt Nam cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng dân chủ của các nước này.
|