Home Tin Tức Bình Luận Bản Án Treo Cổ

Bản Án Treo Cổ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn đạt Thịnh   
Thứ Ba, 10 Tháng 1 Năm 2012 23:02

Có thể không cố tình chạy đua với tổng thống George W. Bush, nhưng tổng thống Barack Obama cũng vừa đoạt được thành tích treo cổ một tổng thống Ả Rập: ông Mahmoud Ahmadinejad, tổng thống Iran.

Độc hơn Bush, ông Obama chọn Kailua, bãi biển đẹp nhất Hawaii, và chọn đêm giao thừa, thời điểm yên bình nhất trong một năm, để ký lệnh treo cổ tử tội Ahmadinejad.
                                            
                                              Ahmadinejad: ME?

                                                                                          Barack Obama: YES, YOU!
 
Đạo luật ông ký ấn định những biện pháp trừng phạt mọi tổ chức ngân hàng, kể cả ngân hàng trung ương (ngân khố) của mọi quốc gia, nếu những ngân hàng này trang trải, hay làm trung gian trang trải tiền mua dầu của Iran.
Sở dĩ phải đánh giá đạo luật này là tàn độc vì chữ ký của ông Obama bên dưới trang thứ 500 của đạo luật dầy 500 trang này, đột ngột biến dầu thô, món hàng lúc nào cũng đắt hơn tôm tươi, lại trở thành ế thiu, ế chẩy trên thị trường thế giới, nếu những thùng dầu đó bơm lên từ giếng dầu Iran.
 
Chỉ cần hình dung một đạo luật khác cấm không cho Trung Quốc bán mồ hôi người Trung Hoa là có thể hiểu chính xác mức tàn độc của đạo luật "đêm giao thừa 2011"; tàn độc vì chỉ vài tiếng đồng hồ trước, tổng trưởng Dầu Hỏa Iran, ông Rostam Qasemi, còn mạnh miệng tuyên bố, "Nếu Hoa Kỳ phong tỏa dầu Iran thì hậu quả là giá dầu sẽ vọt lên tới trần nhà, vọt cao hơn mức $200 mỗi thùng."
Nhưng Qasemi đã xủ quẻ trật lấc: giá dầu trước và sau đêm giao thừa 2011, vẫn nằm ở mức $100 mỗi thùng. Bí quyết: Hoa Kỳ đã yêu cầu và đã được Saudi Arabia cam kết gia tăng bơm dầu trên mức sản xuất dầu của Iran, để thị trường vẫn có đủ số lượng dầu như thường ngày.
 
Đạo luật của Hoa Kỳ còn dự trù một ân hạn từ 2 tới 6 tháng miễn trừ không thi hành hình phạt, đối với các ngân hàng trung ương của vài quốc gia có những liên hệ đặc biệt trên thị trường dầu hỏa đối với Iran, nhưng những quốc gia này phải chứng minh là họ đang giảm giao thương với Iran đến mức tối đa.
Hình thức trừng phạt những ngân hàng ngoan cố là họ sẽ bị tẩy chay ra khỏi thị trường giao thương với Hoa Kỳ.
 
Hình phạt nghe "nhẹ như bấc" nhưng lại "nặng hơn chì", vì xuất cảng sang Hoa Kỳ là lối sống của nhiều quốc gia hiện nay; những nước kỹ nghệ như Trung Quốc, Nhật, Anh, hay Pháp, không thể bất chấp luật "tẩy chay dầu Iran" vừa ký, dù Iran có đại hạ giá, có rao to khẩu hiệu khuyến mãi "buy one, get one free".
 
Một nhân vật khác, phó tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi, cũng không nuốt trở vào được lời ông cảnh cáo là sẽ không cho một giọt dầu nào qua lọt eo biển Hormuz, nếu Hoa Kỳ phong tỏa thị trường xuất cảng dầu Iran.
Đô đốc Habibollah Sayyari, tư lệnh hải quân Iran, còn khoe , "Chúng tôi có khả năng theo dõi hoạt động của hải quân Hoa Kỳ." Ý Sayyari nhắc lại việc Iran cho trinh sát cơ bám sát mọi hoạt động của chiếc hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis khi chiến hạm này vào vùng biển Oman quan sát cuộc thao dượt 10 ngày của hải quân Iran.
 
Tiếp xúc với truyền thông, Sayyari nói, "ngôn ngữ Iran có câu 'dễ như uống ly nước' để mô tả những việc làm không đòi hỏi nhiều nỗ lực; tôi muốn dùng câu này để nói về việc phong tỏa eo biển Hormuz -việc không khó hơn uống ly nước. Sở dĩ chúng tôi không phong tỏa Hormuz vì eo biển này cũng như Vịnh Persian đều nằm trong khả năng kiểm soát của Iran."
Đô đốc Sayyari muốn nói về khả năng quân sự, cái khả năng mà bọn cướp biển Somalia cũng có khi chúng dùng vũ khí uy hiếp và bắt giam những chiếc tầu chở dầu quốc tế để đòi tiền chuộc.
 
Phát ngôn viên George Little của Ngũ Giác Đài tái khẳng định lập trường Hoa Kỳ "không tha thứ việc Iran 'khóa biển'." Ông nói thêm, "...vấn đề không chỉ gói gọn vào góc cạnh an ninh và ổn định của Trung Đông, mà vấn đề còn là cuộc sống kinh tế của mọi quốc gia trong địa phương này."
Lên tiếng nhân danh bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, một phát ngôn viên khác, ông Mark Toner, nhận định là các tướng lãnh Iran đang ... thả bong bóng thăm dò.
 
Tất cả những giao động đó đều xẩy ra trước đêm giao thừa, thời điểm tổng thống Obama đang bơi lội, vui đùa với vợ con giữa những lớp sóng hiền hòa của biển Thái Bình.
Phản ứng của Iran sau đạo luật Obama ký ngăn cấm các nước khác mua dầu của Iran, vẫn chỉ giới hạn trên địa hạt chiến tranh ngôn từ, đánh võ miệng.
 
Họp báo tại thủ đô Tehran, đô đốc Sayyari vẫn chỉ trình diễn những tấm ảnh phô trương khả năng hỏa tiễn của hải quân Iran - hỏa tiễn Shahab-3, tầm bắn 1,000 cây số, hỏa tiễn Ghadr-1, tầm bắn 1,600 cây số, và hỏa tiễn Sajjil-2, tầm bắn 2,400 cây số.
 

Báo chí và truyền thanh, truyền hình Iran ra rả phổ biến những con số phô trương sức mạnh của quân đội; một phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP viết lại lời nhận xét của ông thương gia Mohsen Sanaie, 62 tuổi, cư dân Tehran.
 
"Tôi đã chứng kiến cuộc chiến tranh giữa Iran với Iraq trong thập niên 1980," Sanaie nói. Trước khi súng giao tranh nổ trên chiến trường, thì nhạc quân hành cũng vang dội trên những làn sóng truyền thanh, truyền hình như hiện nay."
Nghe và đọc những luận điệu hiếu chiến của chính quyền, người Iran lo chiến tranh sẽ là điều không tránh khỏi; và họ biết chiến tranh sẽ xẩy ra ngay khi Iran áp dụng những biện pháp khóa eo biển Hormuz.
 
Trong khoảng hẹp nhất, eo biển này rộng 34 cây số, chiều rộng không lấy gì làm rộng này giúp hải quân Iran khóa biển "dễ như uống ly nước," nếu Hạm Đội 5 của Hoa Kỳ án binh bất động. Nhưng phó đô đốc Mark I. Fox lại không được lệnh ngồi yên nhìn Iran ngăn cấm việc tiếp tế dầu cho thế giới. Ông đô đốc có ria mép và có nụ cười tống tình, đang quan sát màn ảnh radar, chờ đợi để phản ứng ngay khi Iran có hành động khóa biển.
 
Chiến tranh có xẩy ra hay không đang tùy thuộc vào thái độ của hải quân Iran. Hãng thông tấn Iran ISNA phổ biến lời tuyên bố của phát ngôn viên hải quân, ông Mahmoud Mousavi, "Ngay khi được lệnh, mọi đơn vị hải quân, gồm tầu nổi, tầu ngầm, không lực hải quân sẽ dàn kín eo biển Hormuz, và từ phút đó, không một tầu dầu nào vượt qua Hormuz được nữa."
Không khí căng thẳng đến nghẹt thở, và Iran nói là họ đã sẵn sàng.
 
Sẵn sàng là những căn cứ hỏa tiễn với tầm bắn được điều chỉnh trước, và sẵn sàng còn là những hạm đội tuần dương, những giây thủy lôi dài hàng chục cây số, chờ lệnh để giăng ra khóa kín eo biển Hormuz. Điều duy nhất chưa sẵn sàng là lệnh của Teheran, phát động cuộc phong tỏa.
Lệnh chỉ đến từ những nhân vật nắm giữ quyền lực tối cao của Iran, nhưng cả giáo chủ Ali Khamenei lẫn tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đều không dám tự chuyên quyết định; mọi người đều ý thức được hậu quả khiếp đảm của một quyết định thiếu cân nhắc.
Không dám ra lệnh phong tỏa Hormuz, nhưng họ cũng không thể ngồi đó, chết điếng, và không có phản ứng trước việc Hoa Kỳ phong tỏa không cho Iran xuất cảng dầu.
 
Nuốt bồ hòn làm ngọt, tử tội Ahmadinejad đang ngồi thừ ra nhìn đoàn tầu dầu an toàn nối đuôi nhau vượt eo biển Hornuz.
Nhưng Obama có biết nắm thời cơ để vươn tay dài ra thêm một đoạn nữa hầu dứt khoát giải quyết nguy cơ Iran, một trong vài mối đe dọa cuối cùng của nền hòa bình thế giới không?
 
Và nếu giải quyết được, ông có xứng đáng lãnh giải thưởng Nobel hòa bình thêm một lần nữa vì ngón tối độc chưởng ông đánh ra giết chết một người ngay vào đêm giao thừa, trong cảnh vacation đề huề bên vợ, bên con, và bên bờ biển Thái Bình không?