Tuần này tình hình Trung Đông có vẻ căng thẳng. Trước hết ba xe bom đã nổ ở Baghdad, thủ đô Iraq, các giới chính quyền cho biết ít nhất có 17 người chết.
Có một bom đã nhắm vào đoàn người hành hương của hệ phái Shi-a của Hồi giáo, có vẻ mở đầu cho một giai đoạn giết chóc lẫn nhau giữa hai hệ phái Shi-a và Sun-ni. Xe bom thứ hai nổ gần một xe Cảnh sát trong khu vực của người Shi-a giết chết 3 cảnh sát và 4 thường dân. Trước đó một bom chôn trên đường giết chết 2 người Shi-a ở vùng ngoại thành Baghdad.
Tính chung đây là một loạt những cuộc bạo động của phe Sun-ni nhằm vào hệ phái Shi-a đã giết chết hơn 90 người từ gần một tuần nay. Các lực lượng an ninh đã thấy một chiếc xe thứ ba chở bom gần một khu có nhiều người Sun-ni sinh sống ở vùng phía Tây Baghdad vào chiều tối. Bom này đã nổ khi lính gỡ ngòi đã lỡ tay làm nổ khiến anh ta thiệt mạng. Các lãnh tụ Iraq thuộc các hệ phái khác nhau đã chống đối lẫn nhau từ tháng trước khi nhà cầm quyền thuộc hệ phái Shi-a đã đòi phải bắt giam Phó Tổng Thống thuộc hệ Sun-ni là Tariq al-Hashemi vì tội tổ chức khủng bố vào lúc Mỹ rút hết quân khỏi nước này. Al-Hashemi là chính trị gia cao cấp nhất của hệ Sun-ni tại Iraq. Cuộc khủng hoảng chính trị đã làm các lãnh tụ của hai đảng thuộc các hệ dân tộc và tôn giáo khác nhau ở Iraq kình chống lẫn nhau. Phe thiểu số Sun-ni đã ngự trị khi kẻ độc tài Saddam Hussein còn sống. Nhưng sau khi Saddam bị lật dổ, phe Shi-a đã nắm chính quyền.
Nhưng không phải chỉ có Iraq là điểm nóng. Tin báo New York Times cho biết tại Iran tòa án Cách Mạng đã tuyên án tử hình một cựu quân nhân Mỹ gốc Ba Tư, 28 tuổi, tên là Amir Mirzaei Hekmati. Hekmati đã bị bắt ở Iran từ hồi tháng 8 năm ngoái, bị Tòa Iran kết tội đã được huấn luyện làm gián điệp ở căn cứ Mỹ tại Afghanistan và Iraq trước khi lén nhập Iran.Vụ bắt giữ Kekmati đã được công bố tháng trước khi đài Truyền hình Iran loan tin Hekmati là người gốc Ba Tư sinh trưởng ở Arizona. Cũng trên TV này, một người tự nhận là Hekmati nói đã gia nhập quân đội Mỹ sau khi học hết Trung học năm 2001, đã từng đóng quân ở Iraq và tại đây anh ta được học về ngôn ngữ và tình báo. Tuy nhiên tin giờ chót cho biểt vụ bắt giữ này cũng có một ý đồ riêng của Iran. Tin từ Teheran cho biết Iran sẵn sàng điều đình với Mỹ để thả tù. Mục tiêu tối hậu của Iran là kiếm một lợi điểm nào đó trong mối quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Sau hết một điểm nóng khác có lẽ ngoạn mục hơn hết lại mới nẩy ra ở Trung Đông. Đó là vấn đề Syria. Vào tối thứ Hai theo giờ Mỹ, Tổng Thống Syria Bashar Assad lên tiếng cứng rắn, thề sẽ đối phó với những mối hăm dọa ông “bằng bàn tay sắt”, và không chịu tử chức. Assad nói ông ta vẫn được dân chúng ủng hộ, mặc dù cả thế giới đều biết dân Syria nổi loạn từ 10 tháng nay. Hình ảnh trên TV về vụ này được TV nhà nước Syria truyền ra ngoài. Báo chí quốc tế có mặt ở Syria không được mời đến dự. Cuộc họp diễn ra ở Đại học viện Damascus, Assad nói: “Mục tiêu ưu tiên của chúng tôi là tái lập tình trạng an ninh chúng ta đã có từ 10 năm qua, và điều này chỉ có thể duy trì bằng bàn tay sắt. Chúng tôi không khoan dung với những kẻ nào làm tay sai cho bên ngoài phản lại đất nước của chúng ta”.
Assad năm nay 46 tuổi, còn phản kích chống Liên đoàn Á rập, nói tổ chức này thành lập ở Cairo, Ai Cập, đã không bảo vệ được quyền lợi của các dân tộc trong suốt 60 năm qua. Mới đây Liên đoàn Á rập đã loại Syria ra khỏi Liên đoàn, và phái một số nhân viên đến Syria theo dõi tình hình, xem chế độ Assad có thực hiện hòa giải như Liên đoàn đã đề nghị và Assad đã đồng ý ngày 19-12 vừa qua hay không. Assad trả đũa nói: “Trong 60 năm qua Liên đoàn đã không bảo vệ được quyền lợi của người Á rập. Chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy họ đã không thành công như hiện nay”.
Assad là người đã được cha ông ta truyền lại chức vị từ 11 năm qua. Nếu bây giờ ông ta không thích dân chủ hay tự do dân chủ, cũng là lẽ tự nhiên. Hãy nhìn xem độc tài Assad còn tồn tại đến ngày nào.
|