Biến cố Ðoàn Văn Vươn |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Năm, 19 Tháng 1 Năm 2012 00:26 | |||
Tại sao nói là Lê Ðức Anh muốn chạy tội? Thứ nhất, muốn gỡ tội cho cả đảng Cộng Sản; Lê Ðức Anh nói, “Có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện!” Phải gọi đó là một biến cố. Biến cố này đánh dấu một khúc quanh. Chúng ta chưa thể tiên đoán cuối cùng sẽ ra sao, nhưng sẽ còn biến chuyển, và có thể đưa tới các biến cố khác. Tên anh Ðoàn Văn Vươn sẽ đi vào lịch sử Việt Nam, như tên anh Mohamed Bouazizi trong lịch sử nước Tunisie. Trong bài báo cuối tuần qua, Lê Phan đã nhìn thấy những điểm tương đồng trong hoàn cảnh hai người. Họ đều là những người dân bình thường cố gắng vươn lên trong xã hội. Họ đều dùng sức lao động của mình, làm việc cực nhọc và có sáng kiến. Hẳn không ai muốn “sinh sự,” không ai muốn chống đối chế độ, vì họ không mong gì hơn là lo cho gia đình. Bouazizi, một sinh viên tốt nghiệp, sống ở thành phố thì xoay sở bằng nghề bán trái cây dạo. Ðoàn Văn Vươn là nông dân, người nông dân Việt Nam tiêu biểu, đổ mồ hôi trên đất bùn phèn mặn để biến thành ruộng, vườn, ao cá. Cả hai người cùng bị chế độ độc tài tham nhũng ở xứ họ đẩy tới “bước đường cùng.” Quả là bước đường cùng, không tìm đâu ra lối thoát. Anh Bouazizi, 26 tuổi, đã tự thiêu. Cái chết của anh khiến giới thanh niên phẫn nộ nổi lên lật đổ chế độ; châm ngòi cho Mùa Xuân Á Rập năm 2011. Anh Ðoàn Văn Vươn may mắn còn sống sót. Với tuổi 49, anh đủ đức tin và can đảm để không tự hủy mình; anh đủ kiên nhẫn để đi khiếu nại hết bàn giấy này tới bàn giấy khác xin người ta đừng cướp công lao khó nhọc của gia đình mình. Nhưng anh và gia đình anh cũng bị đẩy tới “bước đường cùng” không khác gì Bouazizi; và họ đã phản kháng bằng chất nổ. Vụ Ðoàn Văn Vươn có thể châm ngòi cho một cuộc nổi dậy của nông dân Việt Nam hay không? Dù chưa ai nghĩ sẽ có một cuộc nổi dậy, nhưng biến cố mà anh gây ra cho thấy lịch sử Việt Nam có thể bước vào một ngả rẽ. Lâu nay, những vụ nông dân biểu tình đòi đất, xô xát với đám khuyển mã của chế độ cướp đất, đều là những hành động tập thể. Nhiều người cùng kêu oan, tiếng kêu la lớn hơn. Ði trong đám đông, người nọ dựa người kia, nếu có xô xát thì trách nhiệm cũng được san sẻ cho nhiều người. Ðoàn Văn Vươn là một biến cố đặc biệt. Vì đây là lần đầu tiên một nông dân thấp cổ bé miệng, một thân một mình, đứng dậy khiếu oan; khi kêu oan mãi không được thì quyết tâm kháng cự lúc quân cướp kéo tới chiếm đất chiếm nhà mình. Kế hoạch cướp đất của huyện Tiên Lãng chỉ nhắm vào sản nghiệp của một gia đình Ðoàn Văn Vươn chứ không liên quan đến người khác. Ðoàn Văn Vươn không thể cầu cứu hàng xóm láng giềng, cũng không thể nào nhờ những phương tiện của giới truyền thông hay các đại biểu của cái Quốc Hội bù nhìn giúp. Anh hoàn toàn “đơn thương độc mã” như Triệu Tử Long đứng trước mặt trận quân Tào! Quân Tào đây là cả một đảng Cộng Sản với hai đại biểu là Lê Văn Hiền, Lê Văn Liêm. Hai anh em ruột làm chủ tịch huyện Tiên Lãng và chủ tịch xã Quang Vinh, đã bầy mưu lập kế, quyết tâm cướp cho bằng được mảnh đất mà anh Vươn khai phá, từ năm sáu năm nay. Họ đã bài binh bố trận, sử dụng hàng trăm công an, lôi theo cả bộ đội và lính biên phòng, một lực lượng vũ trang hùng hậu của chế độ độc tài đảng trị, kéo nhau đi cướp đất của một nông dân. Trong thế cô đơn như thế, gia đình anh phải dùng bạo lực đối phó lại guồng máy bạo lực. Ðúng là con giun bị xéo mãi phải quằn lên. Ðoàn Văn Vươn là một biến cố, vì nó đã gây chấn động tới những lãnh tụ to đầu nhất của đảng cầm quyền. Có hai tay “cố vấn tối cao” vẫn còn ngồi phía sau sân khấu điều khiển đám lãnh tụ đương quyền, là Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh. Bình thường các ông già đang chuẩn bị ngày tang lễ này không bao giờ bàn đến công việc trị dân của đám đàn em. Nhưng tuần này một người đã phá lệ; chứng tỏ tầm quan trọng của biến cố Ðoàn Văn Vươn. Lê Ðức Anh, từng đóng vai chủ tịch nước từ năm 1992 đến 1997, đã phải mượn bài phỏng vấn của một tờ báo đảng để “chạy tội.” Tại sao nói là Lê Ðức Anh muốn chạy tội? Thứ nhất, muốn gỡ tội cho cả đảng Cộng Sản; Lê Ðức Anh nói, “Có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện!” Nói vậy tức là trút hết trách nhiệm lên cấp dưới, các chính quyền huyện và xã, và giới hạn trách nhiệm trong phạm vi nhỏ đó mà thôi. Nhưng sự thật đâu là nguyên ủy gây ra vụ cướp đất dã man này? Nếu không có cái chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản Việt Nam thì làm sao sinh ra hai anh em Lê Văn Hiền và Lê Văn Liêm bao che nhau, đưa nhau lên làm chủ tịch, trên dưới một bè? Nếu hai anh em này sống trong một chế độ khác, có nền tư pháp độc lập, có đảng chính trị đối lập trong Quốc Hội, có báo chí tự do, thì làm sao họ dám bầy mưu lập kế suốt năm năm để cướp đất đai do công khai phá mấy chục năm trời của gia đình Ðoàn Văn Vươn? Ông Lê Ðức Anh phê bình các cấp thừa hành đã “để sự việc kéo dài quá nhiều năm.” Ông Vươn đã khiếu oan, kêu cứu bao năm trời nhưng phủ bênh phủ, huyện bênh huyện. Họ đã có kế hoạch làm sân bay quốc tế mới trong vùng huyện Tiên Lãng. Khu đất bùn mà anh Ðoàn Văn Vươn biến thành đất thịt sẽ có giá ngàn vàng. Cán bộ nắm quyền cho đất hay lấy lại đất, họ còn sợ ai nữa? Cả chế độ là một guồng máy đồng lõa với nhau trong kế hoạch ăn cướp, miếng ngon như vậy bỏ sao được? Nếu không có đảng Cộng Sản Việt Nam thì ai ngăn cấm đoán quyền sở hữu đất đai, ai giành độc quyền làm chủ ruộng đất cho guồng máy nhà nước; bắt người nông dân chỉ được hưởng quyền sử dụng trong 20 năm, rồi nhà nước có thể đòi lại! Nhà nước là đứa nào khi đưa ra những quyết định cho phép sử dụng hoặc đòi lại quyền sử dụng? Người dân nhìn lên chỉ thấy các quan chức cán bộ cộng sản toàn quyền quyết định. Không có báo chí tự do, không có hội đoàn, không đảng phái độc lập, người dân không có một cửa ngõ nào để lên tiếng phản đối những bất công áp bức. Một chế độ như vậy chắc chắn khuyến khích cán bộ lộng quyền làm bậy. Phải nói, một chế độ như thế đã tạo cơ hội mời gọi các cán bộ làm bậy; không ai có thể cưỡng mà không tham nhũng. Như thế mà ông Lê Ðức Anh lại muốn đổ hết tội lỗi lên đầu cá nhân các cán bộ cấp huyện và xã. Ðúng là ông chỉ muốn gỡ tội cho đảng Cộng Sản. Nói rõ hơn: Gỡ tội những kẻ điều khiển đảng; những kẻ đã lập ra đảng Cộng Sản; những kẻ đã dùng đảng Cộng Sản cướp chính quyền; những kẻ từ năm 1945 có dã tâm chiếm độc quyền chính trị nên tàn sát bao nhiêu người yêu nước không cùng chính kiến; những kẻ lợi dụng lòng yêu nước của dân Việt Nam để củng cố độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế cho một nhóm người. Bài phỏng vấn Lê Ðức Anh là một chỉ thị cho Ban Tuyên Huấn, đưa xuống cho các báo các đài thi hành: Ðược phép tha hồ phê bình hai anh em nhà Lê Văn Hiền, Lê Văn Liêm; nhưng giới hạn tới đó thôi. Tuyệt đối không đụng tới cấp cao hơn! Ðó cũng trở thành chỉ thị cho Nguyễn Tấn Dũng, phải mở cuộc điều tra, kết tội hai anh em nhà đó, nhưng không đi xa hơn một bước! Tất cả đồng lòng chối bỏ tội lỗi của đảng! Nhưng, trong thực tế ông Lê Ðức Anh còn muốn gỡ tội cho chính ông ta nữa. Các lãnh tụ cộng sản về hưu thường chỉ lên tiếng nói khi muốn chạy tội. Còn khi đang cầm quyền thì họ chỉ ngậm miệng mà ăn thôi! Nếu đảng Cộng Sản sụp đổ thì ai chịu trách nhiệm? Sau biến cố Ðoàn Văn Vươn mọi người đã nhìn thấy cơn phẫn nộ bùng lên khắp nước. Hỏi nhau: Chuyện gì sẽ xẩy ra? Không ai biết trước được. Mùa Xuân Á Rập đã tỏa hương sang tới bên Miến Ðiện. Cảnh tượng Miến Ðiện dân chủ hóa có thể thúc đẩy những nhà trí thức và thanh niên Việt Nam muốn nhìn xa hơn, và can đảm hơn. Ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra? Ông Lê Ðức Anh chắc phải được công an báo cáo tình hình nghiêm trọng như thế nào, cho nên ông mới phải xuất hiện công khai một lần nữa. Nhân khi đổ tội cho cấp xã, cấp huyện, ông nói thêm, “Nếu thành phố Hải Phòng và trung ương không xử lý nghiêm việc này thì rất nguy hại.” Nói như vậy là để báo động cả guồng máy đảng trước nguy cơ sụp đổ. Nhưng cũng cốt ý nói rằng nếu chế độ sụp đổ vì một biến cố này thì “Tôi đã bảo mà! Tôi không có trách nhiệm nữa nhé!” Việc xuất hiện của Lê Ðức Anh để báo đảng phỏng vấn cho thấy họ đang run thật. Biến cố Ðoàn Văn Vươn nếu chưa gây ra một cuộc nổi dậy của nông dân Việt Nam như cảnh tượng bên Tunisie sau vụ anh Mohamed Bouazizi tự sát; thì cũng đánh dấu một khúc quanh. Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang run sợ. Vì run sợ, ít nhất họ sẽ lo tìm hiểu, học tập kế thoát thân tập thể của bọn quân phiệt Miến Ðiện; thay vì chỉ lo một mình ôm tiền chạy, hoặc từng anh lo riêng “hạ cánh an toàn.” Nếu vậy thì biến cố Ðoàn Văn Vươn cũng vẫn là một khúc quanh quan trọng.
|