Home Tin Tức Bình Luận "Kỹ nghệ" từ thiện của Mỹ

"Kỹ nghệ" từ thiện của Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa/ Thanh Hà (RFI)   
Thứ Tư, 25 Tháng 1 Năm 2012 12:08

Ở Mỹ có 400 nhà tỷ phú và 10 % trong số đó cam kết cống hiến ít nhất là một nửa tài sản bạc tỷ của mình cho các hoạt động từ thiện.

Nhà tỷ phú Warren Buffet và Bill Gates đã thuyết phục được gần 40 nhà tỷ phú Mỹ khác cam kết cống hiến đến 50 % tài sản cho các công tác từ thiện.
REUTERS

Ở Mỹ có 400 nhà tỷ phú và 10 % trong số đó cam kết cống hiến ít nhất là một nửa tài sản bạc tỷ của mình cho các hoạt động từ thiện. Sự hào phóng của các đại gia cho việc công ích chỉ là phần nổi của tảng băng : bất chấp khủng hoảng kinh tế, người Mỹ vẫn dành tới gần 300 tỷ đô la cho các chương trình từ thiện.

Năm 2010 chiến dịch « Giving Pledge » do hai ông đại gia là Bill Gates và Warren Buffet đề xướng đã thuyết phục được gần 40 nhà tỷ phú khác trên toàn quốc cam kết cống hiến đến 50 % tài sản cho các công tác từ thiện.

Sau thành công tại Hoa Kỳ hai ông Gates và Warren Buffet đã lên đường đến Bắc Kinh để vận động các đại gia Trung Quốc làm việc thiện. Là nền kinh tế thứ nhì thế giới, Trung Quốc hiện có 64 nhà tỷ phú và 25 % đại gia của toàn châu Á hiện đều đang sinh sống trên quê hương Mao Trạch Đông. Thế nhưng các ông nhà giàu và doanh nhân Trung Quốc không mấy mặn mà hưởng ứng chiến dịch « Giving Pledge ». Chỉ có một nhà triệu phú duy nhất của Trung Quốc bằng lòng cống hiến toàn bộ tài sản 440 triệu đô la -một khi ông qua đời- cho các chương trình từ thiện.

Nước Pháp không thiếu gì các đại gia bạc triệu hay bạc tỷ nhưng hảo tâm của tầng lớp này không thể so với các doanh nhân giàu có ở Mỹ. Một công trình nghiên cứu của nhà xã hội học Michel Pinçon cho thấy là người Pháp thường kín đáo hơn người Mỹ rất nhiều khi nói về tài sản của họ và lại càng « kín đáo » hơn trong các công tác từ thiện.

Đâu là động lực của các ông tỷ Mỹ khi họ sẵn sàng cống hiến một phần lớn gia sản để làm những việc công ích ? và tại sao người ta có thể nói đến cả một nền « kỹ nghệ » từ thiện trong trường hợp của Hoa Kỳ ? RFI đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California và theo ông trước hết việc phân phát tài sản cho người khác dường như là một truyền thống của Hoa Kỳ.

RFI: Mượn chữ của cụ Sào Nam Phan Bội Châu, chúng ta có thể gọi họ là những người "hằng sản" vì có tiền, mà cũng "hằng tâm" vì lại phân phát tài sản của họ cho người khác. Anh nghĩ sao về hiện tượng này ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngược với quan niệm của nhiều người rằng kỹ nghệ lớn nhất của Mỹ là "kỹ nghệ chiến tranh", do sự cấu kết về thủ tục ngân sách giữa các tập đoàn kinh doanh chiến cụ hay là bọn lái súng với giới dân cử, kỹ nghệ lớn nhất của Mỹ chính là "hoạt động từ thiện" vì lên tới gần 300 tỷ Mỹ kim một năm và có ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội và nay đã ra toàn cầu.

- Khi nói đến "kỹ nghệ", ta để ý đến ảnh hưởng, cách tổ chức và vận hành phức tạp trong khuôn khổ luật lệ chặt chẽ. Vì hoạt động từ thiện được miễn thuế nên các hội thiện là đối tượng kiểm tra kỹ lưỡng của sở thuế liên bang lẫn những tư nhân giao tiền cho họ. Thật ra dân Mỹ đóng góp rất nhiều vào các sinh hoạt trong xã hội, từ lĩnh vực tư tưởng, lý luận, tôn giáo đến y tế, giáo dục và phổ biến kiến thức. Thuần về kinh tế thì ngạch số của các hoạt động từ thiện tại Mỹ đã vượt 1% Tổng sản lượng Nội địa GDP, trung bình thì gấp đôi Âu Châu và đấy là một truyền thống.

- Nói về sự đóng góp cho hoạt động từ thiện, dân Mỹ vẫn chi tiền, từ vài ba chục đến vài ba ngàn cho cả triệu hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, tôn giáo, y tế hay giáo dục... Song song, họ cũng có cả ngàn "sáng hội" hay "sáng viện", là "foundations", của nhiều gia đình doanh gia. Nổi tiếng trong lịch sử thì có Ford Foundation, Rockefeller Foundation, Carnegie Foundation, MacArthur Foundation, hay J. Paul Getty Trust, v.v...

- Từ hơn chục năm nay, người ta mới để ý đến các tên tuổi trên doanh trường như ông bà tỷ phú Bill và Melinda Gates hoặc Warren Buffet hay Georges Soros đã dành một khoản tài sản cho các hoạt động từ thiện. Trẻ nhất trong số đó là người sáng lập và Tổng quản trị mạng lưới xã hội Facebook, nhân vật Marc Zuckerberg, mới 26 tuổi đã làm chủ bảy tỷ đô la và đã đồng ý tặng Sáng viện của ông bà Gates mấy tỷ bạc để tài trợ việc công ích.

RFI: Như anh trình bày thì có phải rằng hoạt động từ thiện này nằm trong truyền thống văn hóa của nước Mỹ từ đã lâu ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nước Mỹ thật ra thành hình từ "thuyền nhân", những người vượt biển qua xứ lạ để làm lại cuộc đời, đa số là để tránh nạn bách hại tôn giáo từ Âu Châu. Đi tìm tự do, họ tin vào Thượng Đế ở trên đầu và tình liên đới của người tỵ nạn với nhau. Hai tinh thần sùng đạo và lân tuất là đặc tính nguyên sơ. Từ đầu thế kỷ 17, việc ba vùng đất mới được họ lập ra, là Massachusetts, Pennsylvania và Virginia, có tên là "Thịnh vượng chung" cũng hàm ý đó.

- Sau đấy, tinh thần liên đới thể hiện ở một lý tưởng rất Mỹ - không hẳn là Âu Châu - rằng ta được sinh ra là để làm việc thiện. Việc thiện ấy có góp phần phát triển cộng đồng và xây dựng quốc gia sau khi dân Mỹ giành được nền độc lập. Ngày nay tinh thần ấy vẫn còn.
- Tôi nhớ viên Chủ tịch một doanh nghiệp Hoa Kỳ mà tôi làm việc ngày xưa, có khuyên mình một điều là "làm gì thì cũng cố dành ra khoảng 30% thời giờ cho việc công ích", đó là tôn chỉ của nhiều người Mỹ. Khi ấy, tôi nghĩ ngay đến tỷ lệ tiết kiệm trung bình của dân Á châu là khoảng 30% lợi tức! Dân Mỹ xài rộng và tiết kiệm ít dần, nhưng vẫn có một trương mục khá dày về "công đức" nếu ta nói theo lối duy tâm. Và về mặt tâm linh thì điều ấy có lẽ đúng.

RFI: Nhiều người thì hoài nghi tinh thần từ tâm đó, có thể là vì dụng ý tránh thuế. Anh nghĩ sao về chuyện này ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có lẽ đấy là cách suy nghĩ của các xã hội cần chụp giựt. Dĩ nhiên một số người tưởng cho là làm việc từ thiện thì cũng như mua sẵn vé lên Thiên đàng sau này, và ngay trước mắt thì được bớt thuế! Trong năm 2010, chẳng hạn Tổng thống Barack Obama đã trích ra 245 ngàn trong khoản lợi tức một triệu tám để tài trợ hoạt động từ thiện và số tiền đó được giảm trừ trong căn bản tính thuế lợi tức. Nhưng nếu ta nêu câu hỏi là ông ta có nghĩ đến việc tránh thuế không và tránh được bao nhiêu thì mình thấy ra yếu tố thuế vụ không thể là chính!

- Khi chúng ta vào nhà thờ hay nhà chùa mà bỏ tiền vào thùng phước sương thì có ai đợi lấy giấy biên nhận để cuối năm tính thuế đâu? Vả lại, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn từ vài năm nay, người ta thấy rằng giới bình dân tại Mỹ vẫn chi tiền khá mạnh cho hoạt động từ thiện, mà họ không thuộc thành phần có thư ký riêng hoặc sẽ chi ly gom lại từng giấy biên nhận để khai thuế.

- Còn các doanh gia hay triệu tỷ phú Mỹ thì họ suy nghĩ khác khi bỏ ra cả triệu cả tỷ cho hoạt động công ích. Đáng chú ý là họ đem cho người dưng, ở tại Mỹ và trên thế giới, mà dành lại rất ít tài sản cho con cháu vì tin rằng con cháu sẽ phải phấn đấu để làm giàu và khi có tiền rồi thì cũng phải san xẻ cho người khác. Tỷ phú George Soros có một lời phát biểu khá đặc biệt, rằng "tiền bạc cũng như phân bón - phải rải ra chứ!"

RFI: Anh nhắc đến ông Soros nên chúng ta trở lại đề mục chính là các tỷ phú Mỹ. Động lực của họ là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước khi nói đến các khuôn mặt nổi tiếng nhất thì có lẽ mình cần nhìn vào bối cảnh chung. Dân Mỹ đều sốt sắng tài trợ hoạt động công ích và ta cũng nên chú ý tới quần chúng đông đảo này. Sau đó mới là thiểu số những tỷ phú và khi ấy, ta cần phân biệt hai động lực. Đầu tiên, họ có thể chi tiền cho các tổ chức vô vụ lợi và được miễn thuế. Nhưng trong loại vô vụ lợi, có tổ chức chuyên về quảng bá tư tưởng theo một triết lý chính trị nào đó, đấy là các "think tank", lò trí tuệ có chủ đích chính trị. Thứ hai, trong các hội vô vụ lợi, có loại chỉ theo đuổi mục tiêu công ích hay lợi ích công cộng và theo định nghĩa của Hoa Kỳ thì đấy mới là hội từ thiện và động lực ở đây chính là lòng vị tha.

- Là di dân gốc Âu Châu, sau khi có tài sản mấy tỷ bạc tại Mỹ, George Soros nổi tiếng trước tiên ở hoạt động có tính chất chính trị. Thí dụ gần đây là khi ông tài trợ một tờ báo Canada để vận động phong trào "Chiếm đóng Wall Street". Trước đó ông lập ra viện "Open Society" hay "Xã hội Cởi mở" và Soros Foundation để phát huy dân chủ, nhất là tại các quốc gia thuộc quỹ đạo Xô viết cũ sau khi Liên Xô tan rã. Thành thử, ta cần phân biệt hai động lực chính trị và từ thiện.

- Ở giữa quần chúng và thiểu số tỷ phú ta không quên rằng doanh nghiệp Mỹ cũng có ngân sách tài trợ các tổ chức vô vụ lợi. Mục tiêu có thể là quảng cáo, là xây dựng thiện cảm với cộng đồng cư dân ở nơi hoạt động, cho nên yếu tố giảm thuế chỉ là một phần nhỏ. Trong số các doanh gia quyết định về đối tượng yểm trợ của doanh nghiệp tất nhiên là có nhiều triệu phú, đôi khi họ tài trợ ngôi trường cũ và thực tế có đóng góp cho việc xây dựng hệ thống giáo dục tư thục Mỹ

- Sau những tiền lệ xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngày nay người ta sở dĩ nói đến các tỷ phú hằng tâm là do hiện tượng Bill Gates, khi ông lập ra "Sáng hội Bill và Melinda Foundation". Đấy là hội thiện hiện có tài sản hoạt động lớn nhất, trị giá hơn 33 tỷ đô la, so với hội thiện đứng hàng thứ hai, được thành lập từ năm 1936 là Ford Foundation chỉ có 11 tỷ hay Getty Trust chỉ có 9,6 tỷ.

- Ông Gates không chỉ bỏ ra hơn 30 tỷ trong số tài sản trị giá 56 tỷ của mình vào hoạt động từ thiện mà còn kêu gọi các tỷ phú khác cùng tham gia trong một câu lạc bộ các tỷ phú hằng tâm. Đáng chú ý không kém là Sáng hội Gates còn quan tâm đến các vấn đề của nhân loại, từ phát triển, y tế, gíáo dục đến môi sinh. Thí dụ như trong năm 2010, đến 84% chi phí cho các chương trình của Sáng hội là dành cho thế giới ngoài nước Mỹ.

RFI: Anh nhắc đến hai trường hợp là George Soros và Bill Gates, chúng ta còn có ông Warren Buffet hay nhiều người khác nữa. Liệu mình có thể phác họa ra một loại chân dung điển hình của các nhân vật này hay không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngoài trường hợp các nghệ sĩ có hằng tâm, thí dụ như ca sĩ Michael Jackson hay tài tử điện ảnh Paul Newman là các triệu phú hoạt động mạnh về từ thiện lúc sinh thời, phần lớn các tỷ phú như ông Buffet, Gates hay Soros đều là doanh gia xuất sắc nên mới có tài sản lớn lao như vậy. Trên doanh trường, họ là người sắc bén, thậm chí lạnh lùng, thì mới có thể thành công vượt bậc.

- Một thí dụ mà nhiều nước Âu Á còn nhớ là George Soros. Ông có thành tích đánh xập đồng Anh kim năm 1992 và kiếm ra mấy tỷ bạc, làm nước Anh phải rút khỏi hệ thống tiền tệ Âu châu SME năm 1993. Sau đó, ông bị nhiều nước Á châu đả kích là góp phần gây ra vụ khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997. Quỹ đầu tư Quantum Fund của ông cũng bị phê phán là liên hệ đến việc trốn thuế và rửa tiền. Dù doanh nghiệp của ông có giúp cho công ty của ông George W. Bush khỏi bị phá sản năm 1990, ông cũng lại tung ra 12 triệu Mỹ kim để đòi đánh bại Tổng thống Bush trong vụ tái tranh cử năm 2004 và đang chi tiền vào việc vận động cho tự do buôn bán cần sa. Con người doanh gia và hằng tâm Soros là nhân vật khá phức tạp!

- Warren Buffet là nhà đầu tư khét tiếng có biệt danh là "bậc Tiên tri đất Omaha" nhưng cũng lấy nhiều quyết định đầy rủi ro. Thực tế là trong vụ khủng hoảng 2008-2009, tài sản đã sụt từ 65 tỷ xuống còn có 37 tỷ đô la, tức là mất 28 tỷ trong vòng một năm! Từ năm ngoái, ông trực tiếp tham gia vào ban tranh cử của Tổng thống Obama và cũng gây tai tiếng khi tuyên bố rằng ông trả thuế suất lợi tức còn thấp hơn người thư ký của mình và đề nghị Chính quyền nên tăng thuế biểu của các tỷ phú. Đấy là vài đặc điểm nổi bật của mấy nhân vật này.

- Trong số đó, Bill Gates là người ôn hoà, kín đáo và dung dị, nhất là sau khi chấm dứt hoạt động kinh doanh để giành toàn thời cho hoạt động từ thiện. Nói chung, ngược với quần chúng bình dân Mỹ đã bỏ tiền rất nhiều cho việc từ thiện là thành phần bảo thủ và đứng về phía Cộng Hoà, các tỷ phú lại thiên về đảng Dân Chủ và đấy cũng là chi tiết lạ!

RFI: Chi tiết cuối này khá ly kỳ, anh giải thích thế nào về hiện tượng đó của xã hội Mỹ ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Dân Mỹ theo xu hướng bảo thủ, mà người ta cứ tưởng là ích kỷ và chỉ nhắm vào doanh lợi, thật ra lại góp tiền cho các hội thiện nhiều hơn dân Mỹ thiên tả mà ta cho là lý tưởng. Có lẽ xu hướng thiên tả thì muốn nhà nước đảm nhiệm nhiều việc công ích và phó thác chuyện đó cho nhà nước, trong khi phía bảo thủ thì tin rằng đó là phần vụ của từng người dân và họ xung phong đóng góp trong tinh thần tiên phong truyền thống của nước Mỹ.

- Trên cùng, một thiểu số có tiền và đầy lòng hảo tâm thì có tham vọng làm thay đổi bộ mặt của cã hội và cả thế giới bằng thiện chí và tài sản của mình. Đấy cũng là một nghịch lý đáng chú ý của xã hội này khiến ta nhớ đến một câu ca dao của mình:

Vua Ngô có chín lọng vàng
Đến khi xuống lỗ chẳng mang được gì !
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Đến khi xuống lỗ kém gì vua Ngô ?

- Khác nhau ở đây là các tỷ phú của nước Mỹ đang mắc nợ như Chúa Chổm lại không uống rượu mà xem tiền như phân bón nên rải ra khắp nơi cho thiên hạ! Có lẽ vì vậy mà nhiều người thấy là chính trị Mỹ đáng ghét nhưng xã hội và dân Mỹ thật ra rất đáng yêu.