Home Tin Tức Bình Luận Nợ nước, tình nhà

Nợ nước, tình nhà PDF Print E-mail
Tác Giả: Hàn Giang Trần Lệ Tuyền   
Thứ Hai, 30 Tháng 1 Năm 2012 06:37

Quê Hương! dù đã xa khuất, dù tang thương, nhưng có một ai lìa xa quê mà không nhớ, không thương.

Chính vì thế, một con người nếu không biết yêu Quê Hương, thì họ không thể yêu một điều gì khác ngoài cái bản thân của họ cả. Riêng Phúc, từ khi có chút hiểu biết, Phúc đã hiểu những điều Phụ thân đã dạy, và có lẽ vì lòng trung nghĩa với Quê Hương, mà Người đã phải chết dưới bàn tay của kẻ thù ở bên kia chiến tuyến.

Cũng vậy, cho đến bây giờ, Chồng-vợ của Phúc, cả hai đều đã di qua những năm tháng dài của chiến tranh khốc liệt, đã từng phải ở trong các nhà tù “cải tạo” của cộng sản Bắc Việt. Phúc đã từng bị trọng thương, mà Phúc cứ tưởng rằng sẽ không bao giờ bình phục được. Nhưng thế rồi, như một vị Thần Y, Nguyên đã đến với Phúc, đã chữa lành những vết thương cho Phúc, rồi Nguyên-Phúc đã trở thành Chồng-vợ, những mầu nhiệm mà khó có ai được biết được, và cũng từ đó, Nguyên-Phúc đã cùng nhau tận dụng ngọn bút của mình, bất chấp mọi hiểm nguy, như song đao, song kiếm để dấn thân trên con đường đấu tranh, hầu mong góp được một phần bé nhỏ vào công cuộc giành lại quyền tự quyết cho dân tộc.

Phúc vẫn nhớ cho đến mãn đời về giây phút đầu tiên, khi Nguyên đã đưa vòng tay ra để cứu Phúc qua được một giòng sông, hay giòng đời oan nghiệt, và sau này, khi thấy rõ đối phương cứ luôn luôn tìm cách để ly gián giữa Chồng-vợ của mình, thì Nguyên đã nói: “Anh đã đưa tay ra, đã ôm em vào lòng, nhất là mình đã là vợ-chồng rồi, thì Anh đâu em đó, Anh không bao giờ buông tay ra nữa, chỉ có sự chết mới có thể làm cho Anh xa em, còn ngoài ra, trên đời này, không có một kẻ nào khiến cho Anh phải xa em được”.

Phúc hoàn toàn tin tất cả những gì Nguyên đã nói. Kể từ đó, Nguyên-Phúc vốn từ lâu, trước khi gặp nhau, cả hai đã đứng dưới lá Cờ Chính Nghĩa: Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu, thì lại cùng nhau tiếp tục một cách quyết liệt hơn, để đồng tâm, liên thủ hầu đánh tan những âm mưu đen tối của kẻ giặc đã và đang dùng nhiều Mưu-Kế, để xâm nhập - đánh phá; đăc biệt, là dùng Ly Gián Kế ngay trong nội bộ của mình.

Nguyên đã nhiều lần thương-cảm Phúc đến nghẹn lời, khi nhìn thấy Phúc vẫn bình tĩnh ngồi lặng yên, đầu tựa vào vai Nguyên, trong lúc Nguyên nghe điện thoại, để cùng nhau nghe những lời lẽ bịa đặt và xúc phạm của đối phương đã nói về Phúc và cả những bằng hữu của Phúc nữa... mà Phúc chỉ cười, chứ không hề tỏ vẻ tức giận; để rồi, sau những lần như thế, Nguyên lại nói: “Chính những điều đó, đã làm Anh càng thương em nhiều hơn nữa”.

Sỡ dĩ Phúc bình tĩnh được như vậy, là vì nhớ những lời của Phụ thân đã dạy: đôi khi những người đã dấn thân vào con đường tranh đấu cũng cần phải nghĩ đến “Quy luật nhượng bộ”, mà đối phương không hề biết; bởi Phúc đã lĩnh hội và đã thâm khắc những lời giáo huấn của Phụ thân, và sau này khi Phụ thân đã chết dưới bàn tay của kẻ thù, thì Phúc lại càng phải tự học hỏi nhiều hơn.Vì thế, trong tất cả, mọi tình huống, Phúc đều phải cố gắng “tùy cơ ứng biến”, không được “giục tốc” vì sợ “bất đạt”, cũng không được khinh xuất, mà phải biết cương-nhu tùy thời.

Phúc đã, đang, và mãi mãi vẫn luôn phải ghi nhớ những lời này:

“Kế là để chế ngự, có kế chỉ để chế ngự kẻ ngu mà không chế ngự được người trí; nhưng cũng có kế chế ngự được người trí mà không chế ngự được kẻ ngu. Kế dĩ nhiên là kế rồi; tuy nhiên, có lúc không dùng kế mà chính là kế. Kế nào hết sức chu đáo thì mới mong chế ngự được cả hai người trí lẫn kẻ ngu. Trí bề mặt nhưng trong lòng ngu, thì rất dễ mắc kế, kẻ ngu nhưng hay mưu mẹo, phải dùng trí... Cho nên dùng kế cần xét từng người.

Khổng Minh chỉ có ba ngàn quân trong thành, bỗng nghe thám báo hàng vạn quân Tư Mã Ý đến vây đánh. Ông sai người mở cổng thành, rồi sắp bàn rượu ngồi trên mặt thành gẩy đàn. Tư Mã Ý mới trông cảnh tượng ấy, trong bụng nghi hoặc Khổng Minh có mưu gì, nên vội cho quân rút lui. Thấy Tư Mã Ý rút quân rồi, Khổng Minh tức tốc đem quân chạy.

Giả thử Tư Mã Ý là Lã Bố, chắc Khổng Minh không dám dùng cái mưu nguy hiểm đó. Lã Mông xin Tôn Quyền cho Lục Tốn ra thay mình lãnh đạo Kinh-Châu là mưu lấy một người giỏi nhưng chưa danh tiếng để lừa Vân Trường vốn là con người hiếu danh, giả thử Vân Trường vốn là Tuân Úc hay Quách Gia, những con người cẩn trọng, thì cái mưu kia vô dụng”.

Nguyên-Phúc cũng biết, từ lâu, đối phương đã thực hiện nhiều “thuật”; từ “cấy thế - mượn thế - tranh thế...” và cứ tin rằng sẽ “thắng thế”. Chính vì vậy, nên Chồng-vợ của Nguyên-Phúc phải quyết liệt không bao giờ để cho đối phương bước qua được những giai đoạn cuối cùng, để đứng vỗ tay reo trên cái đỉnh của “Khải Hoàn Môn”.

Nguyên đã từng trắng đêm thao thức theo vận mệnh của đất nước. Nguyên lo sợ đất nước Việt và dân tộc Việt sẽ phải rơi vào bàn tay của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, là lũ giặc Tầu hung tàn, bạo ngược. Phúc luôn luôn chia xẻ những ưu tư cùng chồng. Vì thế, năm nay, vào dịp Tết Nhâm Thìn, 2012, Nguyên và Phúc đã lo xong hết mọi việc từ trước lễ Giáng Sinh, rồi cả hai cùng gói bánh chưng cho xong trước chiều 30 Tết, để hướng lòng Tưởng Niệm 44 Năm Cuộc Thảm Sát Tết Mậu Thân, và nguyện cầu cho các nạn nhân đã bị thảm sát tại Huế cũng như khắp nơi trên lãnh thổ của nước Việt Nam Cộng Hòa.

Đồng thời, Nguyên-Phúc cũng đã nhận ra: “Cơn gió lớn (quẻ Phong địa quan” mà chính đối phương cũng đã thấy, nên Nguyên-Phúc và các chiến hữu lúc nào cũng phải hết sức cẩn trọng, không bao giờ được khinh xuất. Đêm đêm Nguyên-Phúc đều “đốt đèn” để dò tìm cho ra từng khe hở nho nhỏ, để “nước” không thể rỉ vào “thuyền”, để nếu thấy có một khe nhỏ nào đó, thì phải bịt kín ngay lập tức.

Tuy nhiên, vì lực bất tòng tâm, nên hằng đêm Nguyên-Phúc vẫn ngồi bên nhau nguyện cầu: Xin Hồn Thiêng Sông Núi Việt soi đường, dẫn lối, để Chồng-vợ Nguyên-Phúc không thể lầm lạc trên con đường đem tâm thành phụng sự Chính Nghĩa Quốc Gia.

Nguyên cũng thừa biết, điều trước mắt, là đối phương muốn dùng Ly Gián Kế, để triệt hạ Phúc cũng như những người Quốc Gia yêu nước chân chính đang đứng dưới Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ: Lá Cờ Chính Nghĩa Quốc Gia. Nhưng, Nguyên đã khẳng khái với vợ rằng: “Ngày nào Anh còn sống, thì không bao giờ có bất cứ một kẻ nào làm nổi chuyện đó đối với Anh được”.

Phúc đã đặt hết lòng tin tưởng vào những lời nói của Nguyên, nên chỉ biết lo chăm sóc cho chồng. Thế rồi, ba ngày Tết đã qua, bây giờ, là đêm Mùng 5, Tết Nhâm Thìn, 2012. Nếu vào một thời xa cũ ở Việt Nam, thì hương vị Tết, và không khí Xuân vẫn còn, vì “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Song ở đây, là đất tạm dung của những người Quốc Gia tỵ nạn cộng sản, thì Xuân chỉ là một cái gì nghe rất đắng cay, chua xót khi nhớ về cố hương yêu dấu. Và bất cứ trong hoàn cảnh nào, Nguyên cũng luôn nghĩ đến các chiến hữu đã một thời khoác chiến y, vai ba lô, tay súng băng rừng, lội suối trên những bước quân hành gian khổ, với ước mong đem thân mình giữ yên bờ cõi. Nhưng giờ đây, trong cái giá buốt giữa trời Đông, Nguyên cũng như các chiến hữu ngày xưa, tất cả đều phải đi làm với những hoài niệm của một thời đón Xuân ở những nơi địa đầu, giới tuyến.

Nguyên thường nói với Phúc: “Vợ-chồng mình Tâm phúc tương tri”, nên sáng nay, khi thức dậy, xuống nhà bếp, để chuẩn bị bữa ăn trưa cho Nguyên ở sở làm, Phúc đã cắt hai miếng bánh chưng, và thêm mấy món bánh ngọt, trái cây, rồi cẩn thận bỏ vào chiếc hộp nhựa dùng để phần ăn trưa, là vật “bất ly thân” trong những ngày đi làm của Nguyên. Phúc vẫn nhớ như in, hình ảnh của Nguyên vô cùng rạng rỡ trong lúc rót “Chén rượu Hồng Đào” là “Chén giao Bôi” để Nguyên-Phúc cùng uống, để rồi kể từ giây phút ấy, cả hai đã trở nên một, và Nguyên đã gieo những vần thơ:

    “Tay ta rót rượu Hồng Đào,
    Mời em cùng uống cạn bao ân tình.
    .....”

Ôi ! “Chén Rượu Hồng Đào”, và những lời thơ của Nguyên đã viết tặng vợ, Phúc đã thuộc nằm lòng như lời ru của mẹ; nên hôm nay, vì muốn để đến giờ nghỉ trưa, lúc giở thức ăn ra, thì Nguyên sẽ “tương tri” ngay, nên Phúc đã bỏ vào hộp thức ăn một “bức tờ mây” với những dòng do chính tay của Phúc viết, mà Phúc đã xem như là một món quà Xuân để tặng Chồng:

    Mai này Trời lại thêm xanh,
    Hoa Vàng lại nở trên cành yêu thương.
    Dắt nhau về lại Quê Hương,
    Hồng Đào năm cũ còn vương Ân-Tình.

Pháp quốc,
Đêm Mùng 5, Tết Nhâm Thìn, 2012
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền