Quân Mông Cổ Mới trên Biển Ðông? |
Tác Giả: Việt Nguyên | ||||
Thứ Tư, 21 Tháng 3 Năm 2012 21:49 | ||||
Bộ mặt chính trị thế giới lộ rõ sau ngày Phó Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình hội kiến với Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc ngày 14 tháng 2 năm 2012. Chánh sách cô lập Trung Cộng từ thời Tổng Thống George W. Bush nay được tổng thống của đảng Dân Chủ Barack Obama tiếp tục. Trung Cộng và Nga hợp tác ngăn chặn ảnh hưởng của siêu cường duy nhất còn sót lại sau thời chiến tranh lạnh như anh chàng buôn bán vũ khí quốc tế Viktor Bout lạnh lùng nhận tội ở tòa án Nữu Ước “Chúng tôi chờ đợi đế quốc Mỹ sụp đổ.” Trung Cộng đứng sau lưng những vụ “tháu cáy” về vũ khí nguyên tử ở Iran và Bắc Hàn, ủng hộ chính quyền Syria tạo ra cuộc nội chiến. Trung Cộng phê bình bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton “ngạo mạn” khi bà chỉ trích Nga và Trung Cộng không đồng ý với nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Syria. Trung Cộng cố tình tạo ra những rối loạn ở Trung Ðông để Hoa Kỳ bận tay không can thiệp về phần đất ở Ðông Á và Biển Ðông, nơi được xem là “vườn đất sau nhà” của Trung Cộng, và sau chuyến thăm viếng Hoa Kỳ, Trung Cộng đã nhắc nhở chánh quyền CSVN bằng chiến thuật đe dọa trong mấy năm qua, bắn vào các thuyền đánh cá Việt Nam ngoài khơi biển Ðông. Cuốn sách của Friedberg Cựu Thủ Tướng Tân Gia Ba Lý Quang Diệu, người đã dạy cho Trung Cộng và Việt Cộng phát triển kinh tế đi đôi với độc tài chánh trị đã nhận định: “Nếu nước nào không giữ được Thái Bình Dương, nước ấy sẽ không thể thành cường quốc trên thế giới.” Tầm quan trọng của Biển Ðông đã đưa đến tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải giữa các quốc gia trong vùng trong thế kỷ 20, ngay cả giữa các nước đồng minh như Nhật và Phi Luật Tân. Ðông Hải là một trong những đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới, điểm chủ yếu của người Trung Hoa từ thời Trịnh Hòa. Trong những năm của TT George W Bush, Trung Cộng đã hằn học yêu cầu Hoa Kỳ không được can thiệp vào vùng này để chặn đứng “sự vươn lên trong hòa bình” của Trung Cộng. Những người thân Trung Cộng, sống lâu ở Trung Hoa, như ký giả James Fallow của Atlantic và Richard Bernstein của New York Times đã xem chủ thuyết đe dọa của Trung Cộng không đúng, họ xem chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng là giả tạo. Họ cho rằng Trung Cộng khác với Xô Viết và chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Trung Cộng đã cung cấp vũ khí cho các chánh quyền ở thế giới thứ ba nổi dậy lật đổ các chánh quyền thân Tây phương. Giáo Sư Aaron Friedberg, Ðại Học Princeton, nguyên cố vấn cho Phó TT Dick Cheney, nay là cố vấn chánh sách ngoại giao của ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney có cái nhìn khác. Trong cuốn sách “Tranh đua dành ưu thế, Trung Hoa và Hoa Kỳ tranh phần làm chủ ở Á Châu.” Ông đã có ảnh hưởng đến cả hai đảng và đã khiến TT Obama cứng rắn hơn với Trung Cộng trong năm chót của nhiệm kỳ tổng thống. GS Friedberg bắt đầu cuốn sách bằng một cảnh cáo: “Hoa Kỳ và Trung Cộng đã gắn liền vào nhau qua những tranh chấp mạnh mẽ về quyền lực và ảnh hưởng chẳng những ở Á Châu mà còn vòng quanh thế giới, và Hoa Kỳ đang trên đường thua cuộc.” Trong mấy năm qua, Trung Cộng đã tăng gia vũ trang ở vùng Tây Thái Bình Dương, nhất là tân trang hải quân với hàng không mẫu hạm mới trang bị hỏa tiễn tầm xa đã nghiêng phần thắng về Trung Cộng, khiến Hoa Kỳ khó có thể bảo đảm an ninh cho các quốc gia đồng minh tại đó như Nhật, Nam Hàn và Phi Luật Tân. Trung Cộng một mặt nói chuyện thân thiện hòa bình với Hoa Kỳ và các nước ở Thái Bình Dương, mặt khác có thái độ hung hãn vì bản chất của chế độ độc đảng, tham nhũng, hành vi bí mật với những quyết định mờ ám nhưng mục đích của họ cố ý nhắm vào tăng cường quân sự, ngoại giao ở Tây Thái Bình Dương để đẩy ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi vùng Ðông Á. Quan trọng nhất đối với Hoa Kỳ là sự đe dọa của Trung Cộng đối với Ðài Loan, họ vẫn tiếp tục chế tạo vũ khí và hỏa tiễn tầm gần nhắm vào Vịnh Ðài Loan, mặc dầu trong kỳ bầu cử vừa qua, phe chủ trương Ðài Loan độc lập thua phe chủ trương hợp tác kinh tế với Trung Cộng. Trung Cộng coi Ðông Hải quan trọng vì hai lý do rõ ràng: Ðường biển quan trọng cho việc vận chuyển thương mại và quân sự, các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa phải chiếm bằng được vì dầu hỏa và dầu khí. Cái nhìn của GS Friedberg là “Trung Cộng tăng cường quân sự không phải đề đối mặt với Hoa Kỳ nhưng đủ để ngăn chận Hoa Kỳ không có thì giờ và con đường đến giúp các quốc gia đồng minh kịp thời.” Trong vòng 20 năm qua, Trung Cộng đã thay đổi cán cân quyền lực quân sự ở vùng Tây Thái Bình Dương bằng cách xây dựng vệ tinh truyền thông thám thính có thể theo dõi các tầu chiến 100 dậm ngoài khơi, cũng như hỏa tiễn có thể bắn vào bất cứ địa điểm nào trong vùng Ðông Á! Dưới biển, Trung Cộng đặt những máy để theo dõi tàu ngầm của Hoa Kỳ. Hệ thống hỏa tiễn tầm trung của Trung Cộng có thể bắn vào các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh trong vùng. Gần đây nhất là Hoa Kỳ đã lo ngại về hệ thống hỏa tiễn trên không gian nhắm bắn hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ từ trên xuống. Ý kiến của GS Friedberg không hẳn được giới nghiên cứu quân sự đồng ý hoàn toàn. Trên thực tế về mặt quân sự Trung Cộng vẫn thua xa Hoa Kỳ về mọi mặt. Trong cuộc nghiên cứu về an ninh và quân sự 6 năm trước, ông Robert Ross cho thấy hiện đại hóa quân đội của Trung Cộng đối với sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ vẫn là một điều không đáng kể. Nếu đụng độ với Hoa Kỳ trên mặt biển, toàn bộ hạm đội của Trung Cộng sẽ bị tiêu diệt đưa đến thảm họa quân sự và kinh tế. Sức mạnh quân sự của Trung Cộng chỉ đủ đe đọa được các nước láng giềng. Chính sách của TT Obama Bà Elizabeth Economy, trong Hội Ðồng Ngoại Giao, bác bỏ điều lo ngại về kinh tế. Khác với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh năm 1991, cuộc chạy đua vũ trang giữa Hoa Kỳ và Xô Viết đã làm kinh tế Xô Viết kiệt quệ đưa đến sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, từ năm 2008 kinh tế Trung Cộng mạnh trong khi kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn trong tình trạng suy thoái, cuộc chạy đua vũ trang với Trung Cộng có thể làm cho Hoa Kỳ tốn kém nhưng bà Economy cho thấy phát triển kinh tế hiện nay ở Trung Cộng rất tốn kém. Những chi phí cho hạ tầng kiến trúc từ đường xe điện cao tốc cho đến chi phí đập nước, kinh đào đưa nước từ sông Dương Tử về các vùng đồng bằng và thành phố Bắc Kinh rất cao, dân bị đuổi khỏi vùng xây dựng đã bất mãn, cùng với nạn tham nhũng, ô nhiễm đã gây ra những cuộc nổi loạn biểu tình, trung bình mỗi năm có 90,000, hay 250 vụ biểu tình mỗi ngày. Cái khó khăn nhất mà Hoa Kỳ phải đương đầu với Trung Cộng là chánh quyền độc đảng nguy hiểm với sức mạnh quân đội và công an. Chánh quyền độc tài đi lên sẽ không giống như những chánh quyền dân chủ phát triển thành cường quốc kinh tế như Nhật Bản và Ðức Quốc. GS Friedberg bi quan, hai giá trị của hai quốc gia Mỹ-Hoa hiện nay không thể hòa đồng, Chánh sách của TS Kissinger trong ba thập niên qua “họ sẽ tiến bộ và giống như chúng ta” đã sai lầm. Ông Friedberg viết: “Căn bản kiểu mẫu chánh trị của hai quốc gia dẫn đến cạnh tranh không thể hòa đồng, dù có vẻ như không đụng độ đối mặt.” Ông cổ võ một chiến thuật trả đũa Trung Cộng và tái quân bình về quân sự và kinh tế không để cho Trung Cộng đi thằng lên dựa trên sự yếu kém tạm thời của Hoa Kỳ. “Trung Cộng phải ngưng chánh sách giao thương có lợi cho Trung Cộng vì không theo luật chơi, giữ giá đồng Nguyên thấp và Mỹ kim cao, tạo thặng dư cho Trung Hoa, về đường dài phải có chương trình thuế tiêu thụ và thuế trên năng lượng các quốc gia dùng trong kỹ nghệ.” Trong buổi họp ngày 14 tháng 2, 2012, rõ ràng là TT Obama đã nghe những lời khuyên của ông Friedberg. Giả pháp của ông Friedberg về quân sự là Hoa Kỳ phải sử dụng vũ khí trên không gian, với các phi cơ tàng hình, phi cơ không người lái, hạm đội phải trang bị vũ khí chính xác với hỏa tiễn xuyên lục địa, cũng như phi cơ ném bom mới không người lái. Ông Friedberg cảnh cáo, “Nếu chúng ta cho phép Trung Cộng thay thế Hoa Kỳ ở một vùng quan trọng nhất thế giới, hậu quả sẽ tai hại cho cả thế giới. Muốn đương đầu với Trung Cộng, các quốc gia ở vùng kinh tế quan trọng này gồm cộng đồng các quốc gia dân chủ ở Á Châu phải đoàn kết với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.” Chánh sách ngoại giao của TT Obama đã áp dụng “giải pháp cân bằng” chống lại sự tăng trưởng quyền lực của Trung Cộng. Hoa Kỳ trở lại Ðông Á theo sự cố vấn của Giáo Sư Friedberg, cũng như nhờ sự vận động của TNS Jim Webb, cựu bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ thời TT Ronald Reagan, chứ không phải nhờ ý kiến của ông Nguyễn Cao Kỳ. Chánh sách này cần sự hợp tác của các quốc gia trong vùng, kể cả Nhật, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, và Việt Nam, nhắm vào hai kỹ thuật: hỏa tiễn chống tầu ngầm và chiến tranh không gian. Gần một năm sau cuốn sách của GS Friedberg, trong mùa bầu cử sắp đến, TT Barack Obama trở nên diều hâu như Cộng Hòa vì quyền lợi của Hoa Kỳ. Ông đã cứng rắn đối đầu với Trung Cộng. Tháng 11 năm 2011, Hoa Kỳ loan báo 2500 Thủy Quân Lục Chiến sẽ đóng ở căn cứ quân sự vùng Ðông Bắc Úc. Trong hội nghị khối ASEAN, Hoa Kỳ chỉ trích thẳng Trung Cộng về các thái độ hung hãn và chánh sách của đảng CSTQ trong vùng Ðông Hải. Thành công lớn nhất là chánh quyền quân sự Miến Ðiện xoay chiều không chịu làm chư hầu cho Trung Cộng, ngưng tất cả các chương trình xây dựng hạ tầng kiền trúc, đập nước, v.v... của Trung Cộng. Cuộc chạy đua vũ khí trong vùng Ðông Á gia tăng hơn cả trong thời Chiến Tranh Lạnh, từ Phi Luật Tân, Nam Hàn, Ðài Loan, Tân Gia Ba, Mã Lai, Úc cho đến Việt Nam, nước nào cũng mua tiềm thủy đĩnh và tân trang quân đội. Ngay đến Na Uy sau ngày trao giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba, cũng phải dòm chừng cặp mắt của Trung Cộng ở Bắc Băng Dương. Trên không cũng bắt đầu thấy cuộc chạy đua với những máy bay tàng hình hoặc không người lái sản xuất từ Do Thái. Chiến thuật cô lập của Hoa Kỳ đã mạnh hơn nhờ Tổng Thống Miến Ðiện Thein Sein nhìn ra cái họa của mô hình Trung Quốc. Một nhà độc tài quân phiết trở thành một “nhà dân chủ tái sinh,” ông Thein Sein quay mặt lại với Trung Cộng để bắt tay với Ấn Ðộ, ngăn chặn Trung Cộng trên đất liền. Cùng ngày với cuộc viếng thăm Ấn của Ngoại Trưởng Trung Cộng Yang Jeichi, ngày 3 tháng 3, 2012 Ấn Ðộ đã thao diễn quân sự 4 ngày gần biên giới Ấn-Hoa với tất cà các lực lượng Không quân và Bộ binh để đáp ứng lại lời tuyên bố gia tăng chi phí quốc phòng của Trung Cộng lên 11.2% trong năm 2012 (110 tỷ Mỹ kim), và sẽ tăng gấp đôi con số ấy trong năm 2015. Chi phí cho quân đội nhân dân là 106 tỷ Mỹ kim (tăng gấp đôi mỗi 6 năm), trong khi Hoa Kỳ cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong năm nay. Chi phí quốc phòng của Trung Cộng đứng hàng thứ nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ, nhưng con số thật sự cao hơn con số loan báo 50% vì Trung Cộng dấu ngân sách về nguyên tử và không gian. Chi phí quốc phòng của Ấn Ðộ chỉ bằng 1/3 Trung Cộng (36 tỷ Mỹ kim năm 2012), nhưng với biên giới dài 4,000km Ấn Ðộ giữ vai trò quan trọng trên đất liền trong chánh sách cô lập TC của Hoa Kỳ. Ở thế kỷ thứ 21, Trung Cộng giống như quân Mông Cổ thời nhà Nguyên. Chiến thuyền quân Nguyên đi đánh các quốc gia ở Ðông Hải. Thuyền quân Nguyên vào cửa sông Ðà Nẵng (hiện nay) bị quân Chiêm Thành đốt cháy bằng tên lửa. 60,000 quân Nguyên trên 900 chiến thuyền bị Võ Sĩ Ðạo và Sóng Thần Kamikaze đánh tan tành ngoài khơi Nam Dương và Nhật Bản. Ðức Trần Hưng Ðạo đánh tan quân Nguyên trên sông Bạch Ðằng với chiến thuật đóng cọc dưới sông và với lòng dũng cảm: “Xin bệ hạ chém đầu thần rồi hãy hàng!” Câu nói khẳng khái của ngài với Vua Trần Thánh Tông đã giúp vua bền lòng vững chí. Chừng nào 15 ông “thái thú” trong Bộ Chính Trị Trung Ương đảng CSVN bỏ không theo hàng đảng CSTQ? Ðọc sách của Aaron Friedberg Chánh sách và chiến thuật cô lập Trung Cộng của Hoa Kỳ
|