Những người Ấn Độ từ tiện dân trở thành doanh nhân
Ông Ashok Khadechủ sở hữu tập đoàn Das Offshore Engineering DR
« Tiện dân … và doanh nhân » là một đề tài xã hội tại Ấn Độ được báo Les Echos số ra hôm nay 13/12/2011 đặc biệt quan tâm.
Theo bài viết, ngày càng có nhiều doanh nhân Ấn Độ xuất thân từ thành phần mà xã hội Ấn Độ cho là thấp hèn, nhưng họ đã thành đạt trên thương trường. Les Echos đơn cử trường hợp ông Ashok Khade, người sáng lập, chủ tịch và chủ sở hữu tập đoàn Das Offshore Engineering.
Ông vinh dự được trở thành người chủ tài trợ tái thiết một ngôi đền Ấn độ giáo trong làng của mình. Sở dĩ đối với ông đây là một vinh hạnh, đó là vì thời còn thơ ấu, ông không được phép đặt chân vào đền do xuất thân từ hàng tiện dân, cha ông là thợ sửa giày trong làng. Giờ đây, đối với ông, việc bỏ ra 20 triệu euro để trùng tu ngôi đền không có gì là khó khăn, mà nó còn minh chứng cho sự thành đạt của ông. Ông còn là thành viên của một câu lạc bộ doanh nhân, có tên gọi là Dalits (tên thường được sử dụng để chỉ đẳng cấp tiện dân). Les Echos cho biết, tại Ấn Độ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp được thành lập và do những người xuất thân từ thành phần bị coi là thấp hèn trong xã hội, điều khiển, trong đó không ít là nữ doanh nhân.
Les Echos nhận xét, đây là một hiện tượng xã hội gây ngạc nhiên tại Ấn Độ. Bị đè nặng dưới sự phân biệt đẳng cấp, những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội Ấn Độ trước đây chỉ làm những công việc ít đòi hỏi tay nghề cao như cuốc đất thuê chẳng hạn. Một giáo sư thuộc đại học Nehru tại Dehli giải thích cho Les Echos biết có hai nguyên nhân khiến cho giai cấp này trỗi dậy. Thứ nhất, những nghề truyền thống của giai cấp dalits đang trên đà biến mất. Nguyên nhân thứ hai, với sự tự do hóa nền kinh tế, số việc làm trong các công sở bị giảm xuống.
Do đó, giải pháp duy nhất cho một người dalit trẻ tuổi thường là phải có một số vốn khoảng 20 ngàn rupi (tương đương với 300 euro) và mở một cửa hiệu, một xưởng hay một phòng khám chữa bệnh. Mặt khác,theo nhận định của những doanh nhân thành đạt này, chính sự hiện đại hóa từ từ của nền kinh tế Ấn Độ đã kích thích lòng ham muốn thành lập doanh nghiệp.
Les Echos ghi nhận, dù đã thành đạt, nhưng số doanh nhân này vẫn là những nhà đấu tranh tích cực chống lại chủ nghĩa đẳng cấp. Đối với họ, trong môi trường kinh tế hiện đại như ngày nay, thì cấu trúc đẳn cấp truyền thống không thể nào trường tồn mãi được. Họ cho rằng chính sự « phân biệt đối xử tích cực » sẽ là một sự trợ giúp không thể thiếu cho giới trẻ xuất thân từ thành phần dalits. Thế nhưng, thành lập một doanh nghiệp đối với một dalit không phải là việc dễ làm. Theo lời giải thích của các chuyên gia với Les Echos, thường các doanh nhân dalit này là những người mới đến, họ chưa có mạng lưới kinh doanh và các quan hệ cần thiết. Do đó, những người này thường gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm một nhà cung cấp tín dụng, nhất là khi họ không có tài sản để thế chấp khi đi vay ngân hàng. Vì thế, sự phát triển chủ nghĩa tư bản trong thành phần dalit vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Chẳng hạn, từ nhiều năm nay, chính phủ cam kết các công sở và doanh nghiệp nhà nước sẽ dành 20% chi tiêu để mua hàng hoá của doanh nghiệp xuất thân từ thành phần tiện dân. Không những thế, chính phủ Ấn Độ còn ủng hộ họ về mặt tài chính. Ngoài ra, chính quyền New Dehli còn áp đặt một quota tuyển dụng các dalit lên các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, biện pháp này gây ít nhiều tranh cãi trong giới chính khách và các chủ doanh nghiệp lớn. Theo họ, việc tuyển dụng phải được thực hiện dựa trên « tính xứng đáng » chứ không phải theo « quota xã hội ».
Điều quan trọng là phải chú trọng đến giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và khả năng chuyên môn. Cuối cùng, Les Echos nhận xét, tuy trào lưu còn đang tiến triển chậm, nhưng nó cũng cho thấy những thành công đầu tiên và đóng vai trò kiểu mẫu cho giới trẻ dalits ngày nay. Người dân Nga giận dữ thách thức Putin trên đường phố
Tại Nga, người dân xuống đường biểu tình phản đối gian lận trong kỳ bầu cử quốc hội Nga là chủ đề được báo Le Monde số ra hôm nay quan tâm.
Theo nhận định của tờ báo thì « tầng lớp trung lưu giận dữ thách thức Vladimir Putin trên đường phố ». « Matxcơva nổi dậy », Le Monde viết. Có ít nhất 50 ngàn người đã tụ tập về quảng trường Bolotnaia, bên bờ sông Moskva, đối diện với điện Kremlin. Bất kể là ủng hộ đảng phái nào (từ những người vô chính phủ, những người cộng sản theo chủ nghĩa dân tộc, cho đến những kẻ cực đoan, những người thuộc đảng xanh, hay ủng hộ tự do), họ cùng hô chung một khẩu hiệu : « Putin hãy cút đi » , « Hãy chấm dứt nói dối » « Hãy trả kết quả bầu cử lại cho chúng tôi » hay « Putin là kẻ cắp » . Tuy biểu tình diễn ra êm thắm và không có vụ bắt bớ nào, nhưng theo ghi nhận của Le Monde cả một đội quân cảnh sát dày đặc đã được triển khai , đến mức cứ khoảng 50m có một cảnh sát, cứ như là các ông chủ điện Kremlin e sợ những người biểu tình đến tống cổ họ đi. Theo nhận xét của Le Monde, một điều nghịch lý là số người trẻ xuống đường biểu tình đòi hỏi « bầu cử công bằng » lại là những đại diện cho tầng lớp trung lưu, tầng lớp xã hội mà Putin rất tự hào khi thấy số người này tăng lên những năm gần đây.
Le Monde cho biết, số người trẻ này chỉ nằm trong độ tuổi 18 đến 35 . Họ đã có việc làm, đi du lịch nhiều và biết nhiều ngôn ngữ. Điểm đặc biệt là những người này đều không ưa thích chính trị. Vậy mà lần này họ lại giận dữ xuống đường biểu tình là vì họ cho rằng lá phiếu của họ đã bị « đánh cắp », rằng họ đã chán ngấy với những lời dối trá, với sự kiểm duyệt và thái độ vô sỉ của tầng lớp lãnh đạo. Trước làn sóng phản đối rầm rộ của người dân, trong khi thủ tướng Nga Vladimir Putin vẫn im hơi lặng tiếng, chỉ có tổng thống Medvedev lên tiếng kêu gọi phải kiểm lại kết quả bầu cử. Điều đáng chú ý là lời đề nghị đưa ra nhưng không nêu rõ cụ thể cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về sự gian lận : viện kiểm sát hay là ủy ban bầu cử trung ương ? Cũng liên quan đến chủ đề này, qua bài viết « Kremlin tìm cách trả đòn », Le Figaro cho biết hôm qua, hàng ngàn người ủng hộ đảng nước Nga thống nhất đã tụ tập ngay tại Matxcơva để chống lại đợt biểu tình diễn ra hôm thứ bảy. « Nước Nga muôn năm, Putin muôn năm ! » là khẩu hiệu những người ủng hộ điện Kremlin hô vang trong ngày biểu tình hôm qua, nhằm trả đòn lại đợt biểu tình hôm thứ bảy.
Le Figaro nhận định, mục đích của đợt biểu tình này rất đơn giản : cố bóp nghẹt từ trong trứng nước mọi ý định tiếp tục phong trào của những người phản đối. Cảnh sát Nga cho rằng có khoảng 25 ngàn người tham gia. Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng con số này đã bị đánh giá quá cao. Một thanh niên cho Le Figaro biết rằng anh ta và cô bạn gái được trả mỗi người 400 rúp (tương đương với 10 euro) để tham gia vào đoàn biểu tình ủng hộ điện Kremlin. Năm nước có thể là nạn nhân của biến đổi khí hậu
Liên quan đến sự kiện « Thỏa thuận Durban » về việc giảm khí thải CO2, Le Monde cho biết một kết quả nghiên cứu về tầm mức ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu đã được công bố hôm 5/12 vừa qua. Nghiên cứu này do Bộ năng lượng và biến đổi khí hậu Anh quốc thực hiện với sự kết hợp của Hadley Centre, Trung tâm nghiên cứu về khí hậu thế giới. Le Monde nhận định, đây là lần đầu tiên một nghiên cứu so sánh trên mức độ rộng về những hậu quả của biến đổi khí hậu được thực hiện. Kết quả nghiên cứu sàng lọc ra 24 nước – chủ yếu là các nước thuộc khối G20, cộng thêm các quốc gia phía Nam, có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu. Nghiên cứu được thực hiện dựa vào báo cáo nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu khí hậu (GIEC) vào năm 2007 và các công trình nghiên cứu được đăng kể từ đó. Để thực hiện công trình này, các nhà nghiên cứu tham chiếu vào một kịch bản (gọi là SRES A1B) đã có tính đến các yếu tố như về sự tiến triển của việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng trưởng kinh tế thế giới, mức tăng dân số, mức sống của người dân và các ngành công nghệ tiết kiệm năng lượng. Mỗi quốc gia được phân tích theo một thang chung có chú ý đến vấn đề an ninh lương thực.
Để thấy rõ vấn đề, Le Monde lấy 5 nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Brazil và Kenya làm ví dụ điển hình. Hoa Kỳ : sản lượng nông nghiệp giảm và bão lốc sẽ tàn phá mạnh hơn.
Các nhà khoa học tiên đoán nhiệt độ tăng trung bình từ 4° đến 4,5°C từ đây cho đến cuối thế kỷ, kéo theo lượng mưa sẽ giảm xuống tại khu vực phía Tây-Nam, nhưng sẽ mạnh dần lên tại các khu vực phía Đông-Bắc. Về hiện tượng ngập lụt, các nhà khoa học chưa chắc chắn. Các trận bão xoáy trên vùng biển Đại Tây Dương có thể sẽ giảm nhưng sức tàn phá sẽ mạnh hơn. Mực nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống của 13 triệu người dân vùng duyên hải trong những năm 2070. Trung Quốc : an ninh lương thực bị suy yếu và thường xuyên bị ngập lụt.
Theo nhận định, hiện tượng khí hậu trái đất ấm dần sẽ còn tiếp tục đè nặng lên Trung Quốc, nhất là tại vùng phía Bắc và phía Tây. Hiện tại, chưa có bằng chứng gì cho thấy Trung Quốc có thể sẽ bị áp lực thiếu nước. Và Trung Quốc cũng sẽ là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao. Pháp : hạn hán ở phía Nam và sản lượng bắp sẽ bị tụt giảm.
Nhiệt độ sẽ tăng trung bình từ 2,5° đến 3,5°C, nhất là vùng phía Nam. Lượng mưa sẽ giảm dần, nhất là vùng miền Trung và miền Nam. Tần suất và cường độ hạn hán sẽ tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao sẽ ít nghiêm trọng hơn so với các nước khác. Brazil : sản xuất nông nghiệp giảm và mưa sẽ ít hơn trên vùng Amazone, theo như sự tiên đoán của các nhà khoa học.
Nhiệt độ sẽ tăng lên ít nhất là 3,5°C trên cả nước. Tuy nhiên, việc dự báo về biến đổi môi trường nước không được rõ ràng lắm. Nhưng Brazil cũng nằm trong danh sách các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mực nước biển dâng lên, khoảng 30% người dân vùng duyên hải có thể bị liên đới. Kenya : các nhà khoa học cho rằng nguồn lương thực nước này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhiệt độ trung bình sẽ tăng thêm 3°C và lượng mưa sẽ tăng mạnh hơn, cũng như trên toàn bộ vùng Tây Phi. Theo dự đoán, sản lượng nông sản giảm (bắp và các loại đậu) có thể sẽ gây ra những căng thẳng quan trọng về nguồn năng lượng. Bên cạnh đó, lũ lụt từ các con sông có thể cũng sẽ mạnh hơn. Và mực nước biển Ấn Độ Dương dâng cao sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến 40% các vùng duyên hải.
|