Home Văn Học Khảo Luận Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Hưng Yên   
Chúa Nhật, 28 Tháng 9 Năm 2008 18:42

01-08-2008

Tục ngữ ca dao của Việt Nam ta - phải nói là cả rừng - vì nó nhiều lắm. Chỉ nội một cuốn Tục Ngữ, Thành Ngữ, Ca Dao và Dân Ca Việt Nam của soạn giả Trần Ngọc Ngải mà đã có: tục ngữ 4.079 câu, thành ngữ 5.809 câu, ca dao 5.010 câu và dân ca 1.449 câu. Nếu đem bàn từng câu, cộng thêm với những giải thích, rồi thêm mắm, dặm muối vô nữa thì có lẽ nó sẽ phải dầy bằng cả bộ tự điển bách khoa mất.

Để làm việc này, cả về khả năng lẫn tài trí, dứt khoát là chúng tôi không thể làm nổi. Bởi thế trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ xin nói đến một số ít câu mà chúng ta còn thường thấy xuất hiện trên sách báo hoặc còn được nói tới trong dân gian để làm vui cho quý độc giả trong những lúc trà dư tửu hậu, hay những khi lai rai tôm khô củ kiệu, ực Heineken, tán dóc để quên bớt đi những mệt nhọc vì phải cầy ngày cầy đêm cho có đủ tiền mà trả cho hết những bill này đến bill khác.

Ai lại không biết mọi loài mọi vật ở trên đời sở dĩ mà sống được là phải nhờ có: ăn, uống và thở, còn những thứ khác dù là gì đi nữa thì cũng chỉ là để thêm vào cho cuộc sống thêm phần phong phú, tươi đẹp hơn mà thôi. Các cụ ta ngày xưa làm quái gì có TV, tủ lạnh; làm quái gì có bếp ga, bếp điện; làm quái gì có... rất nhiều thứ như chúng ta đang có bây giờ, ấy thế mà xem ra các cụ vẫn cứ ung dung ra phết.

Trong ba thứ cần thiết nhất cho cuộc sống là ăn, uống và thở thì nước và khí trời Đấng Tạo Hoá đã cho ta sẵn trong trời đất, chả cần phải mua, chả cần phải làm mới có. Khí trời chỗ nào lại chả có, nước đã có nước mưa, nước giếng còn không thì ra sông, ra suối mà múc, chỉ còn có ăn là phải lo thôi. Mặc dù "ăn" được các cụ cho đứng hàng đầu trong tứ khoái, nhưng các cụ lại bảo: "Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn" hoặc "Người quân tử ăn chẳng cần no"! Nếu "ăn" chỉ để mà sống thì cho cái gì vào bụng lại chả được. Ngày còn trong tù cải tạo, chúng tôi chỉ được cho ăn toàn khoai lang khô, khoai mì khô hay bo bo thôi mà cũng có chết đâu? Nhưng nếu chỉ ăn để mà sống như thế thì cuộc sống còn gì là thú vị nữa, còn gì là đáng sống nữa? Thế thì theo thiển ý của chúng tôi, câu: "Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn" hoặc "Người quân tử ăn chẳng cần no" chỉ là sản phẩm của mấy cụ đồ nho vừa gàn vừa nghèo. Thấy người ta nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, ăn sung mặc sướng, còn mình thì "kiết xác" bèn tự an ủi bẳng mấy câu trên cho nó đỡ tủi, chứ ăn chỉ cốt đề mà sống thì "ăn" như thế không thể đứng đầu trong tứ khoái được. Cụ Tú Xương ngày xưa nghèo rớt mồng tơi: "Vợ lăm le đi ở vú, con tấp tểnh đi bồi " mà còn mơ "sáng rượu sâm banh tối sữa bò" nữa là! "Ăn để mà sống" nhưng nếu không sống thì làm sao mà ăn? Vua chúa, quan quyền xưa cũng như nay họ có chịu "ăn chỉ để mà sống" khối ra đấy, hay họ ăn toàn những cao lương mỹ vị? Thế thì họ là bọn "thất phu" cả chắc? Trong bài Khóc Bạn, cụ Nguyễn Khuyến đã khóc cụ Dương Khuê như thế này:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua!

Thế thì "Tha hương ngộ cố tri", gặp bạn hiền mà không có rượu ngon, thức nhắm tốt thì còn ra cái thể thống gì nữa nào?

Đã coi thường miếng ăn thì chớ, các cụ ta ngày xưa lại còn bảo: "Miếng ăn là miếng nhục". Câu này có lẽ cốt chỉ là để chặn bớt mấy tay tham ăn tục uống, cứ ngồi vào mâm là cắm đầu mà ăn, trợn mắt mà nuốt, không biết đằng trước có gì, đằng sau có gì, bên phải có gì, bên trái có gì. Hoặc ăn lén ăn lút, ăn vụng ăn trộm, ăn như thế mới là "ăn nhục", chứ cứ đàng hoàng mà ăn, hợp lý mà nuốt thì nhục cái nỗi gì? Bởi thế các cụ ta mới lại có câu: "Có thực mới vực được đạo", nho nhe một tí thì: "Dĩ thực vi tiên". Đói rủn chân tay thì chẳng những "ngủ" không được mà… giá có "làm gì" cũng chẳng ham nói chi đến những thứ khác.

Cứ lẩn thẩn ngồi mà nghĩ thì thấy ngay trong ca dao, tục ngữ của ta chỉ nội một vấn đề ăn uống thôi đã thấy có những câu mâu thuẫn với nhau. Tuy coi ăn uống không phải là vấn đề quan trọng nhưng các cụ lại khuyên: "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau". Lời khuyên này hợp lý quá đi chứ, ăn cỗ mà đến sau thì chỉ còn có nước gặm xương hoặc húp nước cặn chứ còn gì nữa đâu mà ăn, nhất là lại ở vào thời các cụ ta ngày xưa, thức ăn thức uống đâu có ê hề như bây giờ. Hơn nữa các cụ ta ngày đó lại "sĩ diện" ghê lắm, ăn thừa với ăn sau là không có chịu đâu. Ăn cỗ thì phải đi trước để khỏi bị ăn thừa hoặc mất phần ăn, trái lại "lội nước" mà le te đi trước, lỡ gặp phải chỗ sâu không biết, hụt cẳng chết đuối thì sao?

Ngồi vào mâm là cứ cắm đầu mà ăn, trợn mắt mà nuốt, ăn hết cả phần người khác, để nhắc nhở mấy tay tham ăn tục uống này, các cụ ta nhẹ nhàng bảo: "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng ". Mà cũng lạ, cứ để ý mà xem, hễ gặp phải cái thứ ăn tục là thế nào cũng nói phét, bởi thế người ta mới có câu "Ăn tục nói phét". Lúc ăn thì cắm đầu xuống, ăn không kịp nhai, nuốt không kịp thở, nhưng sau khi đã tọng đầy họng rồi thì lại một tấc lên đến trời, ba hoa phét lác, nói mà không biết là mình nói đúng hay nói sai, bất cần hậu quả. Để khuyên bảo hạng người này, tục ngữ ta có câu "Ăn có nhai, nói có nghĩ ". Ăn mà không nhai thì làm sao mà biết được món ăn ngon hay không, làm sao tránh khỏi nuốt phải xương, phải sạn? Còn nói mà không nghĩ thì làm sao tránh khỏi nói bậy nói bạ, nói láo nói lếu, có khi sinh ra vạ miệng.

"Ăn không nói có" đó là cái thứ người có nói không, không nói có, đặt điều đặt chuyện, vu oan giá họa hoặc lừa bịp người ta cốt để thủ lợi hoặc với một mưu đồ bất chánh nào đó. Loại người này là thứ chả ra gì, chẳng nên đến gần!

Chỉ nội có một chữ "ăn" thôi mà đã có đến mấy chục câu, còn nào là những: Ăn trên ngồi trốc, Ăn ốc nói mò, Ăn vóc học hay, Ăn sổi ở thì, Ăn sống nuốt tươi, Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối, Ăn cháo đá bát, Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, v.v. Còn nhiều nữa các cụ ạ, nhưng sợ nếu kể hết ra đây e quý vị sẽ nhàm chán. Vậy nên chúng tôi xin được nói sang một vấn đề khác, dĩ nhiên là nó cũng nằm trong phạm vi tục ngữ, ca dao thôi.

Ai cũng bảo thời xưa các cụ ta đạo đức hơn bây giơ, dĩ nhiên thời nào cũng phải ăn, phải yêu. Có "ăn" mới có sống, còn có "yêu" mới có người nối dõi tông đường, các cụ chẳng đã có câu "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" là gì đấy. Thường cứ "ăn nhiều" thì "yêu khoẻ", mà ai có quyền ăn nhiều, uống nhiều bằng mấy ông vua. Các vị ấy ăn nhiều yêu khoẻ, ngày đêm "yêu" lu bù rả rích, yêu quá hoá… chết yểu! Ông nào sống được đến 45 tuổi là đã thọ lắm rồi. Thế nhưng bỏ ra ngoài cái thành phần quá đặc biệt ấy thì các cụ ta ngày xưa điều độ hơn chúng ta bây giờ nhiều lắm. Con trai, con gái muốn lấy vợ lấy chồng là phải có sự đồng ý của cha mẹ, phải được cha mẹ lo cho, thế nên mới có câu "Dựng vợ, gả chồng". Ngày xưa thì "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", chứ bây giờ thì "Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy". Ngồi đấy cho nó có đủ bộ phận, đủ "lễ nghi quân cách" chứ giả sử như cha mẹ có không đồng ý thì cũng chả sao, chúng nó lấy nhau thì cũng vẫn cứ lấy nhau!

Đã "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy " thì chả lẽ các cụ ta ngày xưa không biết yêu à? Lấy ai cũng được, miễn là cứ có đủ "Trống" đủ "Mái" là được à? Rồi còn những "Nam nữ thọ thọ bất thân", trai gái nếu không phải vợ chồng thì cấm ngặt không có được xáp vào với nhau, đức Thánh Khổng đã dậy thế. Vâng nếu chỉ xét qua thôi thì nó là thế, nhưng nếu đi sâu vào tục ngữ, ca dao của ta thì "nói vậy mà không phải vậy". Các cụ ta xưa cũng yêu ra phết ấy chứ, chẳng những thế mà còn yêu "ẩu" nữa là đằng khác.

Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa là một tay "nho chùm", chữ thánh hiền một bụng, còn ai thấm nhuần "giáo lý" của đức Thánh Khổng hơn cụ nữa, đáng lẽ thì cụ phải nghiêm túc lắm, thế nhưng mà không đâu, cụ là tay tổ "yêu ẩu" đấy. Trong suốt cuộc đời, khi lên voi, lúc xuống chó, chuyện kể rằng thuở còn là học trò, đã có một thời cụ yêu mê mẩn một em đào hát, yêu đến nỗi cụ xin được làm một chân đánh trống cho nhà hát để được gần người trong mộng. Một hôm theo em đi hát ở đâu đó, có lẽ nhiệm vụ của cụ là vừa mang trống vừa gánh đồ cho em. Đến một quãng đồng vắng, không biết bằng cách nào, bằng văn hay bằng võ, hoặc năn nỉ ỉ ôi thế nào mà cụ đã "để nhẹ" được em một lần. Dĩ nhiên một khi "Con ong đã tỏ đường đi lối về" (Kiều) rồi thì tình cũng nhạt và sau đó thì "Anh đi đường anh, tôi đường tôi" (thơ Thế Lữ). Đường đời trăm ngả, bẵng đi một thời gian khá lâu, một hôm em lại được gọi đi hầu hát cho một vị quan lớn nọ. Khi nhìn thấy ngài, tưởng ai, hoá ra là cái "thằng" đánh trống phải gió độ nào! Nàng nhận ra chàng, còn chàng thì quên béng đi không nhớ nàng là ai (đàn ông hay bạc tình thế đấy, khi chưa được thì năn nỉ ỉ ôi, dai như đỉa đói, đến khi đã được rồi thì...) Để nhắc cho quan lớn nhớ lại chuyện xưa, trong bài hát em đã lồng vào câu:

Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?

Hai câu thơ thật tuyệt, nhất là hai chữ "ứ hự" hay không thể tả được. Nó vừa nũng nịu vừa như phản đối mà không phải là phản đối. Em ứ hự không chịu đấy, nhưng nếu anh bạo tay một tí thì cũng xong thôi, còn nếu mới thấy em ứ hự mà anh đã vội rụt vòi lại thì anh đúng là thằng... cù lần, có nhiều khi vì "đã" quá mà em cũng ứ hự nữa.

Dĩ nhiên bây giờ thì quan lớn nhớ rồi, có điều sau cuộc hát quan có làm gì nữa không thì... không ai biết.

Kể lại mẩu chuyện trên là chúng tôi chỉ muốn chứng minh là các cụ ta ngày xưa cũng yêu ra rít lắm, chả thế mà ca dao ta đã có những câu như:

Yêu em mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo (anh) cũng qua.

Gian nan, vất vả thế nào anh cũng chịu, cho dù mất mạng cũng chẳng sao, cứ miễn là "yêu" được em thì thôi. Thời bây giờ làm gì có cái chuyện trai đến ở nhà vợ, cưới xong là nó dẫn nhau đi mất biệt, năm thỉnh mười thoảng mới cho vợ nó về thăm bên nhà vợ một lần là đã quý lắm rồi, chứ "Trai ở nhà vợ như chó nằm gầm giường", mở miệng mắc quai, nhiều khi muốn cằn nhằn vợ một tí cũng sợ mích lòng ông bà nhạc, nói chi đến cái chuyện:

Dậy con từ thuở còn thơ
Dậy vợ từ thuở bơ vơ mới về!

Thời bây giờ đàn ông con trai mà chịu nép mình ở bên nhà vợ, chịu để cho nhà vợ sai khiến thì thường là dân cù lần chả ra gì, chứ vào thời các cụ ta xưa trước khi cưới được vợ lắm khi các chàng phải chịu nhiều gian khổ lắm, chả thế mà đã có chàng phải kêu lên:

Công anh làm rể đã ba năm trường
Nhà em lắm ruộng nhiều nương
Bắt anh tát nước cực lòng (anh) lắm thay!

Tát nước, bửa củi, chăn trâu, cắt cỏ, ăn cơm nguội, nằm đầu hồi, trăm đắng ngàn cay thế mà có anh sau ba năm ở rể còn hụt cẳng không cưới được vợ, đau còn hơn hoạn ấy chứ! Không biết có phải vì yêu hay không mà có cụ thay vì sỏ mũi vợ dắt về nhà mình thì lại khăn gói quả mướp về ở hẳn bên nhà vợ. Tình trạng này cũng thường xẩy ra vào thời xưa gọi là "cưới bắt rể ".

Ngày xưa trong nhà có con gái lớn, quá tuổi cập kê mà chưa có người rước đi cho thì cha mẹ lấy làm lo lắng lắm, vì nó như trái mìn nổ chậm, vô phúc mà tự nhiên nó phĩnh bụng ra thì cha mẹ chỉ còn có nước đeo mo vào mặt. Thế nhưng không phải vì thế mà bạ ai các cụ cũng gả con gái cho đâu:

Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho
Hoài con mà gả chồng xa
Trước là mất họ sau là mất con

Các bà các cô bây giờ nặng kí lắm, luôn luôn đứng hàng thứ nhất, anh nào quen thói vũ phu thì cứ coi chừng, chỉ cần đụng nhẹ đến nàng một cái là cũng có thể bị còng tay tống vô tù như chơi. Đừng có bắt chước các cụ ngày xưa mà bảo: "Một trăm đứa con gái không bằng cái hòn... thằng con trai". Các cụ chỉ nói cho nó sướng cái lỗ miệng, cho nó bớt đi những bực tức khi bị chèn ép quá mức mà thôi, chứ thực ra các cụ cũng yêu bà xã thấy mồ:

Mũi em những tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo lông rồng trời cho...

Ối giời ơi! Người đẹp mặt hoa da phấn mà lông mũi thò ra ngoài cả đốt ngón tay thì tôi đố vị nào có đủ can đảm "chụp" miệng vào mà hôn, thế mà vì yêu quá hoá cuồng, có cụ lại bảo "lông rồng trời cho" đấy. Chưa hết đâu, còn nhiều nữa chứ:

Đêm nằm ngủ ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm...

Yêu đến thế thì thôi chứ còn yêu thế nào nữa? Chẳng những chỉ yêu mà còn nịnh, nhưng một khi đã gét thì sợi tóc chẻ tư , vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, chả thế mà còn có những câu:

Khi yêu trái ấu cũng tròn
Khi ghét trái bồ hòn cũng méo

Hoặc:

Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
Ghét nhau đào đất đổ đi ...

Hoặc:

Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng

Trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng là cái nhẽ tự nhiên của con người, nếu không vậy thì loài người làm sao còn tồn tại cho tới ngày nay. Chỉ có điều hơi khác là thời bây giờ phần lớn con trai con gái họ tự đi tìm lấy ý trung nhân, trước khi thành vợ thành chồng thường là anh "tán" chị, mà cũng có khi chị "tán" anh, khi đã chịu đèn nhau rồi cha mẹ đôi bên chỉ có việc đứng ra tác hợp cho thôi. Còn các cụ ta xưa thì khác, cha mẹ chọn vợ chọn chồng cho con cái. Nào là phải "môn đăng hộ đối", nào là "lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống" v.v. Thế nhưng không phải cụ nào cũng thụ động ngồi đó đợi cha mẹ kiếm vợ kiếm chồng cho đâu, các cụ cũng "tán" nhau ra phết đấy, bởi vậy mới có những câu ca dao như:

Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay

Thời bây giờ chàng tán nàng bằng cách tặng hoa, bằng cách mời nàng đi ăn đi uống, đưa nàng đi shopping rồi mua tặng nàng cái này cái khác. Vật tặng càng đắt tiền thì chàng càng có giá, nói một cách khác là chàng phải tỏ ra thật là "hào hoa phong... dật". Mà muốn được như vậy tất nhiên chàng phải có tiền, phải có "job" thơm, chứ không thể đơn thuần tán gái bằng nước bọt được, còn các cụ ta ngày xưa có khi chỉ tán gái bằng nước bọt thôi. Theo thiển ý của chúng tôi bài ca dao tán gái hay nhất có lẽ là bài "Tát Nước Đầu Đình":

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?

Bốn câu mở đầu trên đây là bốn câu làm quen, để có cớ mà nói chuyện. Cũng như chúng ta bây giờ, trước khi muốn làm quen cô nào cũng phải lân la, giả vờ hỏi thăm cái này, hỏi thăm cái khác, đợi khi em chịu chuyện rồi mới từ từ bắt sang những vấn đề này, vấn đề khác được:

Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng...

Bốn câu này là bốn câu tả oán để dẫn người đẹp đi vào mục đích chính của chàng. Áo anh sứt chỉ đã lâu mà tội nghiệp anh quá, chẳng có ai khâu cho cả vì mẹ thì già mà anh lại chưa có vơ, thế nên mai cô em vui lòng vào khâu cho anh nhé. Dĩ nhiên khâu rồi anh sẽ trả công, mà trả một cách hậu hĩnh, chứ có phải là em làm không công cho anh đâu?!

Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho

Rồi chàng nêu ra rõ ràng những gì mà chàng sẽ cho khi nàng về nhà chồng:

Giúp em một thúng sôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo
Giúp em quan tám tiền treo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau...

Anh thật là một tay hào phóng quá sức, em chỉ giúp anh khâu lại một tí áo sứt chỉ đường tà thôi, thế mà khi em lấy chồng quà cáp anh cho thật là hậu hĩnh, nhưng khi nghĩ kỹ lại thì rõ ràng chính anh là chồng em chứ còn ai vào đây nữa? Vì chỉ có chú rể mới phải đưa đến nhà vợ rượu tăm, lợn béo, chỉ có chú rể mới phải nạp tiền treo, tiền cưới, chỉ có thằng sắp cưới vợ mới phải sắm chiếu sắm chăn , mua nhẫn, mua trầm cho vợ. Chứ nếu là một thằng bá vơ nào khác lấy vợ mà anh lại sắm sửa cho như thế thì anh đúng là một thằng... khùng, mà cũng ai cho phép anh làm như thế? Nhưng mà anh khôn bỏ mẹ, toàn là nói "vơ vào" thôi. Đấy, cứ tưởng là các cụ ta không biết tán gái đi!

Trong cả rừng tục ngữ ca dao của ta, nếu cứ ngồi mà ngẫm thì thấy nó vừa phong phú vừa hay không thể tả được, mà như chúng tôi đã thưa với các vị ở đầu bài nĩi chuyện, chúng tôi không thể đủ tài, đủ lực để viết ra hết được. Chỉ xin cống hiến quý vị một chút gọi là câu chuyện văn chương trong những lúc trà dư tửu hậu. Có lẽ câu chuyện cũng đã dài, chúng tôi xin được tạm ngưng, hẹn tái ngộ cùng quý vị trong một dịp khác.