Nhà văn XHCN: Một cuộc đời, hai khuôn mặt |
Tác Giả: Nguyễn Mạnh Trinh |
Chúa Nhật, 02 Tháng 11 Năm 2008 07:42 |
Ghi lại sự thực bằng hồi ký có phải là một phương cách để làm rõ ràng hơn những dữ kiện văn học và khám phá thêm nhiều góc cạnh của những chân dung văn học? Gần đây có tập hồi ký của Nguyễn Ðăng Mạnh được phổ biến vài ba đoạn và đã gây ra nhiều phê phán bình luận. Bài viết về nhà văn Nguyễn Khải khi ông này vừa từ trần đã có nhiều chi tiết liên quan đến nhiều người thuộc vào những giai thoại mà những người nghiên cứu văn học nhiều khi phải để tâm tới. Nhất là từ những câu chuyện ấy để thấy được cái nhân cách của nhà văn trong nền văn học gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” Ở đó, người ta kèn cựa nhau giành dật nhau tìm cái danh cái lợi và nhất là tinh thần hèn hạ tùng phục người trên của những người được coi là trí thức... như Nguyễn Khải, dù trong bút mực của văn chương ông là một người coi như theo đảng triệt để và phần đông những tác phẩm của ông đều viết để theo những chính sách đã được đề ra cho văn nghệ sĩ. Trong bút mực, không bao giờ ông là người đi ngược đường, nhưng trong đời thường, ông lại nghĩ và nói hoàn toàn khác. Như Nguyễn Ðăng Mạnh viết: “Nguyễn khải có nhiều ý kiến táo bạo: Ðảng không bao giờ coi trọng trí thức, biến trí thức như Hoàng Xuân Nhị thành hèn hạ. Mà bị nó khinh. Tôi từng gặp Hoàng Xuân Nhị ở nhà Tố Hữu. Tố Hữu không thèm nói chuyện với ông ta cứ để cho ông ta ngồi một mình. Tóc bạc phơ, Tố Hữu chỉ nói chuyện với tôi là một thằng còn rất trẻ. Trần Ðức Thảo thì bị biến thành một thằng bệnh thần kinh. Sang Pháp bao nhiêu Việt kiều mời đến, không đến, cứ ở đại sứ quán tuy bị nó khinh như chó. Thụy An thì bị tù. Trong tù đi lao động ngã vào dây kẽm gai bị mù một mắt. Nay vẫn ở Sài Gòn sống rất khổ. Không đi Pháp vì là con gái lớn phải ở lại nuôi mẹ già... ... Chúng ta thuộc lứa người bị bỏ phí cả một thời trai trẻ để học theo một cái lý thuyết vớ vẩn chả nghĩ ra được cái gì chẳng làm ra được cái gì trong giới hạn của chủ nghĩa Mác Lê một thứ triết học của người cầm quyền. Mà có hiểu Mác Lê thực đâu. Toàn là nghe lãnh tụ nói và nói theo. Trong cái khung củ ý thức hệ còn ai nghĩ ra được cái gì nữa. Chủ nghĩa Mác thành ra một thứ tôn giáo. Tin mà không hiểu. Bao người hy sinh vì cái lý thuyết vớ vẩn ấy. Chủ nghĩa xã hội toàn đẻ ra những con người quái gở như Mao Trạch Ðông, Staline, Pôn Pốt, rồi Nguyễn Chí Trung... toàn lũ điên... Ta có một thời cứ tin tưởng ở cái không có. Như tin ở chủ nghĩa xã hội. Chính trị và quan điểm giai cấp trùm lên tất cả. Con người không có tình bạn. Bạn bè mà có vấn đề chính trị là không được quan hệ. Chủ nghĩa xã hội nếu không thay đổi thì con người thành mọi rợ rừng rú. Từ ăn ỉa mặc ở... Sợ quá...” Những đoạn như thế khá nhiều trong tập hồi ký. Như khi Nguyễn Ðăng Mạnh kể chuyện về Tố Hữu. “Tố Hữu trông người nhỏ nhắn nhẹ nhõm như một thư sinh. Nhưng rất hách. Tôi đã nghe Hoàng Cầm nói ông đã từng ra lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác bằng sáu tiếng ngắn gọn ‘Gọi nó về bắt lấy nó’. Tôi đã từng chứng kiến Nguyễn Ðình Thi sợ ông như thế nào, tôi ví như con cua co rúm người lại trước con ếch. Tôi đã nghe Hoàng Ngọc Hiến thuật lại về Tố Hữu trong cuộc họp nhà văn đảng viên hồi Tháng Sáu năm 1979, Nguyên Ngọc trình bày bản đế cương chống Mao-ít. Tố Hữu đã quạt cho Nguyên Ngọc một trận cho đây là hiện tượng ‘ngược dòng’, ông có lối nói mỉa mai rất ác. Nhân thấy Nguyên Ngọc người thấp nhân làm đổ cái micro trên bàn chủ tịch đoạn ông nói ‘Cái bục này đối với tôi hơi cao, đối với anh Nguyên Ngọc thì cao quá’. Ông còn đến vuốt râu Nguyên Hồng ‘Ðể râu sớm quá đấy để trốn họp chi bộ chứ gì’. Gần đây Kim Lân còn cho tôi biết hôm ấy Tố Hữu đến chỗ Kim Lân nói ‘Dạo này viết ít quá đấy’. Kim Lân buột miệng nói ‘Bác lại phê bình em rồi’. Có vậy thôi mà nghĩ sợ quá Kim Lân nói ‘tôi nhớ trong truyện Tam Quốc có hai anh bạn thân sau một anh làm to anh kia đến chơi nói suồng sã về những kỷ niệm thời hàn vi sau bị tay kia cho người đuổi theo thủ tiêu... Sợ quá... ’ ’ Tôi chắc Kim Lân sợ thì có sợ nhưng làm gì đến nỗi thế. Bọn nhà văn là chúa hay phóng đại. Nguyễn Khải cũng kể lại hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một cậu nói nhỏ với anh ‘Ông Lành đang nói sao cậu lại cười?’ Khải sợ quá vội chối ‘Không răng tôi nó hô đấy chứ, tôi có dám cười đâu!’” Vì những đoạn như thế mà Nguyễn Ðăng Mạnh bị tấn công tơi bời và tạo áp lực đến nỗi phải rút lại tác phẩm. Những bài tấn công thô bạo và chụp mũ nhất là của Hà Binh Trọng đăng trên Văn Nghệ Trẻ. “Nói tóm lại qua hồi ký Nguyễn Ðăng Mạnh đã tự miêu tả mình là một con người có tính hai mặt giả dối thân thì theo kháng chiến cách mạng cộng sản song tâm thì hoàn toàn trái lại, chống kháng chiến, chống cách mạng, chống Cộng Sản khi có dịp và cần thiết. Tính chất hai mặt này anh ta rất khéo che dấu ngụy trang song thường vẫn lộ ra lúc này lúc khác. Anh ta quy chụp người khác là cơ hội song không hiểu cơ hội là gì. Vì chính anh ta là một con người cơ hội hạng nhất, cơ hội thành bản chất, bản lĩnh, bản năng. Hà Bình Trọng còn lôi tam đại của Nguyễn Ðăng Mạnh ra sỉ vả. Nào là con của một ông lục sự thời Pháp, một thứ quan tham lại nhũng và tay sai của Tây. Rồi còn làm áp lực để bôi bỏ những trang hồi ký đã viết. Một bài viết khác, ký tên Văn Chinh thì viết với tư cách của một học trò viết cho thầy, nhẹ hơn nhưng lại nặng hơn ví các ý tưởng xiên xỏ cũng với mục đích để Nguyễn Ðăng Mạnh rút lại những đoạn hồi ký. Và, Văn Chinh lại cho rằng những chuyện kể trong tập hồi ký ấy toàn là chuyện ngồi lê đôi mách không xứng đáng để ghi chép lại... Ðộc giả có lẽ không đồng ý với lập luận ấy. Những chuyện kể ấy, nếu có thực, chính là những bằng chứng sống động của một số nhà văn “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Những vết chàm làm cho dung mạo vằn vện đen tối hơn cho một nền văn chương phục vụ cho chế độ cho chính trị. Có người hỏi những chữ viết ra có thể sửa chữa hay bôi xóa được không khi nó không còn hợp thời nữa? Hoặc là bút sa gà chết, khi đã thành văn chương thì dù tiếng thơm hay là vết xấu cũng còn đó chẳng thể nào gột rửa sạch được? Ở trong nước, văn học là một phương tiện để phục vụ chế độ nên nhận định cũng như cái nhìn về văn chương tùy thuộc vào từng thời kỳ. Nhà văn nhiều khi, lúc viết thế này nhưng có khi viết thế kia và rõ rệt là trái ngược nhau. Hiện tượng ấy khá phổ biến ở trong nước. Trường hợp Tố Hữu là một điển hình. Là một lãnh đạo văn nghệ, nắm trong tay quyền sinh quyền sát các văn nghệ sĩ, ông đã tạo thành một vụ án không thành văn kéo dài hàng mấy chục năm và làm bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình khốn đốn. Những nhà văn trong vụ án Nhân Văn đã phải chịu nhiều đắng cay, cho đến khi được cởi trói sau đại hội đảng lần thứ VI. Nhà thơ Hoàng Cầm kể rằng Tố Hữu đã có lần nói với Tướng Trần Ðộ khi phát biểu về thái độ với các nhà văn trong nhóm Nhân Văn: “Rất tiếc! Rất tiếc! Hồi ấy sao tôi không tiêu diệt hết bọn chúng nó đi!” Và, sau này Tướng Trần Ðộ đã thuật lại với nhà thơ Hoàng Cầm nguyên văn câu nói bất hủ đó. Thế mà sau này, khi đã bị bay chức và không còn quyền lực nữa thì lại có sự nói lại. Bao nhiêu là tội lỗi được vạch ra cho những nhà văn Nhân Văn thì nay lại trở thành những lời khen nồng nhiệt. Trong cuộc phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh với Tố Hữu được ghi lại và đăng tải trên các tờ báo có tính chính thức như Quân Ðội Nhân Dân, Tiền Phong, Thanh Niên, Người Hà Nội, những điều gọi là lời tâm sự đã biểu hiện được những nhận xét trái ngược với lúc trước. Tố Hữu ra vẻ là một người có lòng với văn chương và khi đề cập đến từng người toàn là những điều tốt đẹp. Nhà văn Hoàng Tiến đã trích dẫn những đoạn tiêu biểu trong bài viết “Sự thật ở đâu”: Như, về cụ Phan Khôi: “Không thể quên được hình ảnh dương mẫu và nồng nhiệt của cụ trong đội quân văn nghệ chống Pháp. Không thể bỏ qua được những kết quả của cụ trong việc đổi mới thơ Việt Nam trước khi xuất hiện phong trào thơ mới. Phan Khôi còn là một học giả về văn học Trung Quốc. Muốn hay không cụ cũng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học nước ta của thế kỷ 20...” Như, về nhà văn Trương Tửu: “Trương Tửu có năng lực đặc biệt về phê bình và lý luận văn học. Không thể tùy tiện quy kết anh là cơ hội, là tờ rốt kít. Ðến bây giờ chúng ta đều rõ anh sống thẳng thắn lương thiện và hết lòng với các công trình nghiên cứu của mình. Cần khẳng định những đóng góp độc đáo của anh đối với phê bình và lý luận văn học...” Như, về triết gia Trần Ðức Thảo: “Anh Thảo vừa nổi tiếng trong phong trào chống thực dân Pháp vừa nổi tiếng trên lãnh vực nghiên cứu triết học Mác Xít ngay từ hồi anh học đại học Sorbone và làm việc tại Paris. Anh Thảo suốt đời bảo vệ chủ nghĩa Mác kể cả khi Liên Xô sụp đổ. Anh Thảo là một nhà nghiên cứu triết học tài giỏi nhất ở nước ta. Anh Thảo có công lớn nhất trong việc phát triển ngôn ngữ lý luận Việt Nam, phát triển ngôn ngữ triết học Việt Nam, phát triển tư duy triết học và tư duy luận lý Việt Nam. Trần Ðức Thảo là một mẫu mực của lòng say mê nghiên cứu và sáng tạo vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên lĩnh vực triết học”. Như, về ông Nguyễn Hữu Ðang: “Người được bác Hồ trao cho nhiệm vụ trọng đại trưởng ban tổ chức Lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Anh Ðang suốt đời trung thành với bác Hồ và lý tưởng độc lập tự do của dân tộc. Anh Ðang đóng góp nhiều cho cách mạng nhưng đóng góp lặng lẽ. Anh Ðang có nhiều hy sinh đáng quý. Những hy sinh ấy chính là tấm gương sáng ngời treo cao trước mắt chúng ta”. Như, về học giả Ðào Duy Anh: “Tôi sẽ thiếu sót rất nặng nếu không tỏ bày cảm nghĩ của mình về học giả lớn và nhà yêu nước Ðào Duy Anh. Từng là tổng bí thư và sau đó là một trong những người thuộc bộ phận tiên tiến của Tân Việt Cách Mạng Ðảng, ông đã lặng lẽ và bền bỉ hiến dâng toàn bộ tài năng và nhiệt huyết của mình cho độc lập và tự do của dân tộc đến hơi thở cuối cùng. Hàng chục tác phẩm của ông bao gồm các loại từ điển và các công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam trở nên một hạt ngọc trong chuỗi ngọc di sản văn hóa dân tộc. Hồi ký của ông là hình ảnh trung thực của chính ông và của các đồng chí đồng nghiệp cùng thế hệ ông suốt mấy chục năm bão táp đấu tranh cứu nước. Trên mặt trận văn hóa và tư tưởng Việt Nam thế kỷ 20, Ðào Duy Anh được nhìn nhận như một nhà yêu nước một nhà đạo đức một bậc hiền tài...” Như về các văn nghệ sĩ Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hữu Loan. Quang Dũng: “Tất cả 6 anh đều góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng một nền văn học Việt Nam giàu tính hiện thực, tính phê phán, tính hiện đại và tính truyền thống. Tất cả 6 anh đều bền bỉ tiến bước dưới ngọn cờ cách mạng. Tất cả các anh đều là những nhà văn nghệ luôn luôn giữ vững phẩm vàng đạo đức của người cầm bút. Tất cả 6 anh đều xứng đáng được trao tặng những giải thưởng cao quý và những huân chương cao quý...” Toàn là những lời khen tặng, những lời tri ân, những cảm tình nồng hậu. Nhưng, nếu có một cục gôm để tẩy xóa tất cả những gì mà Tố Hữu đã viết hơn hai chục năm về trước. Những dòng chữ phê phán nặng nề, như những lời chửi rủa. Trong bài “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm trên mặt trận văn nghệ” còn rành rành những dòng chữ như: “...Trong cái công ty phản động Nhân Văn Giai Phẩm ấy thật sự đủ mặt các Loại ‘biệt tính’ từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt kít Trương Tửu, Trần Ðức Thảo đến bọn phản đảng Nguyễn Hữu Ðang, Trần Dần, Lê Ðạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động và đều ngoan cố giữ lập trường giai cấp cũ của mình cố tình chống lại cách mạng và chế độ”. Hoặc: “Không thể che dấu được cái lịch sử phản cách mạng của Phan Khôi một đời những 5 lần phản bội phá hoại phong trào cách mạng. Không thể che giấu được cái dã tâm của tên đầu cơ cách mạng Nguyễn Hữu Ðang hơn 10 năm trời ví cái đầu óc cường hào xôi thịt như cái gốc của hắn mà luôn luôn bất mãn kèn cựa hằn học dần dần đi vào con đường làm phản bán mình cho kẻ địch đánh lại nhân dân tổ quốc đánh lại chế độ chúng ta. Không thể che dấu được cái chân tướng trốt kít thâm căn ngót 20 năm nay của Trương Tửu và cái cốt cách đen tối của Trần Ðức Thảo ‘đứa con nuôi của đế quốc’ như y đã tự nhận cũng không thể che dấu được chân tướng của bọn gián điệp như Thụy An, mật thám như Trần Duy, trước kia đã từng lập công với bọn chủ Pháp nay lại ngựa quay về đường cũ và những phần tử phản động trong giai cấp tư sản tích cực ủng hộ bọn chúng như Trần Thiếu Bảo (nhà xuất bản Minh Ðức)”. Giá có những cục gôm để tẩy xóa đi cho bằng sạch những dòng chữ này thì người ta mới có thể tin tưởng vào những cái tốt đẹp của Tố Hữu. Với lời Tố Hữu viết trước đây với lời tâm sự sau này, cái nào là thực lòng cái nào giả dối. George Orwell trong tác phẩm “1984” đã mô tả một phương cách tẩy xóa lịch sử, tẩy xóa văn chương, bóp méo sự thật của chế độ độc tài toàn trị. Ðể điều chỉnh sao cho quá khứ ăn khớp với hiện tại tất cả các ấn loát phẩm, phim ảnh, tài liệu đều được up-date từng ngày từng giờ để làm sao chứng minh được rằng bất cứ trong hoàn cảnh nào, thời gian nào đảng thống trị cũng đều đúng và nắm bắt được chân lý. Muốn như vậy phải có một hệ thống thư lại khổng lồ để rà xét lại tất cả, để không một chi tiết nào dù nhỏ nhặt tới đâu chăng nữa cũng không thể mâu thuẫn với những nhu cầu của hiện tại. Lịch sử giống như được viết trên một tấm da, cạo sửa, viết đi viết lại tha hồ. thành ra sự thực bị thay đổi theo một chiều hướng mà đảng thống trị muốn. Ở Việt Nam bây giờ, hình như chân lý cũng đổi thay từng giờ từng phút và chỉ những người quay chong chóng theo lực hút mới có thể tồn tại được. Có khi chạy theo thị hiếu đễ làm thương mại nhưng cũng có lúc phải chịu những răn đe để làm người nhạc công hòa điệu vào bản đồng ca đã được soạn sẵn. Ai bước ra khỏi hoặc có giọng khác sẽ bị loại bỏ và, lúc nào cũng có sẵn sàng những vị sẵn sàng thổi còi bảo hoàng hơn vua để đóng vai trò mật thám, công an văn nghệ. Một người bạn thân hay có dịp về Việt Nam kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Một trong những chuyện ấy là chuyện sách vở. Bởi mỗi lần anh đi về tôi đều gửi mua rất nhiều sách và lần nào anh cũng đều than thở nặng quá. Muốn mua ra phố Bolsa mua thiếu gì. Tôi chỉ đành cười trừ. Ừ, mà ở phố Bolsa nhiều sách xuất bản ở trong nước thực. Những sách biên khảo nhiều lắm. Không còn những nhan đề sách của thời xưa nữa. Thời đổi mới nên tư duy cũng đổi và sách vở là mặt nổi dễ nhìn thấy nhất. Thời trước, in những tuyển tập của những tác giả tuy có công lớn với văn hóa Việt Nam nhưng ở phe đối nghịch với chính quyền trong nước là một hành động khá liều lĩnh. Lúc ấy, mà nhắc đến tên những Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo đã là một lỗi lầm ghê gớm, huống chi còn tập trung văn phẩm để in thành một tuyển tập bề thế. Cái gương Nhân Văn Giai Phẩm còn sờ sờ trước mắt với cái án tốn tại mấy chục năm khiến ai bạo gan đến đâu cũng phải e dè. Thế mà, thời thế cũng khác đi, và văn chương cũng chuyển hóa theo. Thời mở cửa, thế giới không còn chấp nhận những tư tưởng chủ quan giáo điều nữa. Huống chi, ông Mác, ông Lê-Nin chỉ là những bóng ma để dọa đe con trẻ thôi. Bây giờ, mọi người đều nghĩ đến lợi nhuận đến buôn bán, kể cả đất đai của cha ông. Thì, nhằm nhò gì ba cuốn sách hơi “thoáng” một chút. Thế là những cuốn sách tuyển tập như thế ào ạt ra đời nhiều đến tối mặt. Tự Lực Văn Ðoàn, được in lại toàn bộ tác phẩm cả mấy ngàn trang và những tác giả được nhìn ngắm lại, khách quan hơn nhưng cũng vẫn trong còng lẩn quẩn. Yêu nước nhưng đi sai hướng, thí dụ như vậy. Ðọc trong những trang sách, thấy lờ mờ một chủ trương, đánh lẫn lộn cái thực và cái giả. Thí dụ, để đánh bóng cái giả, phải làm thế nào để những Hồ Chí Minh, Xuân Thủy, Sóng Hồng (tức Trường Chinh Ðặng Xuân Khu, tổng bí thư đảng) cũng là những nhà thơ lớn của thời tiền chiến. Viết văn học sử theo chủ quan như thế khiến người đọc nhiều khi như sa vào mê hồn trận và lạc vào trong một mê cung mà không phân biệt nổi ảo và thực. Ngày trước khi vừa bắt đầu đổi mới, một giám đốc xuất bản có tiếng ở miền Nam như Mai Quốc Liên cũng nhắc đến những khó khăn khi in và phát hành những tuyển tập như thế. Mặc dù được sự đồng ý và yểm trợ của lãnh đạo nhưng vẫn có phản ứng từ phía những người cực đoan bảo thủ. Họ phê phán và tìm kiếm những sơ hở để công kích, với sự quy chụp rất “chính trị” nhưng, hiện thực bây giờ là những cuốn tuyển tập đã được in và phát hành tràn lan. Dường như, những chuyện lý luận như vậy đã thành chuyện xưa cũ. Ðiểm qua những cuốn sách tôi có, dù số lượng không nhiều cũng làm chóng mặt.Những tác giả chen lấn trong những bộ sách đồ sộ, bìa cứng, in đẹp. Tuyển tập Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Ðình Thi, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan... Có lẽ, đó là những công trình để lại cho đời. Nhưng, đó có phải là hoàn toàn những tâm đắc của tác giả chưa thì còn phải xét lại. Cũng lại anh “chính trị” ló đầu vào. Tuyển tập Hoài Thanh dường như thiếu phần viết về thơ tiền chiến chung với Hoài Chân. Tại sao vậy, bởi vì tác giả trước đó đã băn khoăn vì đã viết quá trung thực để vô tình đụng chạm đến chủ trương đấu tranh giai cấp của đảng. Có lúc Hoài Thanh đã cho những nhà thơ tiền chiến là “giặc” vì đã góp công ru ngủ dân trí, làm nổi bật cái “ta” bạc nhược mà quên lảng đi cái “tôi” anh hùng. Bộ Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại là một bộ phê bình thơ của một người yêu thơ, hiểu thơ, cảm thơ và tìm ra được những nét đặc sắc của một thời kỳ thi ca nở rộ. Thế mà, trong tuyển tập góp nhặt công trình một đời cầm bút lại không có phần quan trọng ấy. Có lẽ, chúng ta hiểu vì sao? Bởi có anh chính trị viên ló đầu vào và cái màn tự phủ tự kiểm đã làm Hoài Thanh năm lần bẩy lượt tự mổ xẻ tự đấm ngực ăn năn cho tác phẩm của mình. Hoặc nhà văn Nguyễn Tuân khi được in tuyển tập lần đầu tiên đã phẫn nộ và cho rằng chỉ có được một phần không đáng dù rằng như thế cũng đã được rồi. Nhà văn Nguyên Hồng khi được in tuyển tập của mình cũng băn khoăn không biết mặt ngang mũi dọc sẽ ra sao... Tôi có lần đọc một cuốn sách của Giáo Sư Phong Lê, viện trưởng Viện Văn Học ở trong nước: “Văn Học Trên Hành Trình Thế Kỷ XX”. Ông có cái nhìn khá khoa học về giá trị đích thực của hai nền văn học “cách mạng” và “kháng chiến”. Về giá trị nghệ thuật của nền văn học này, ông cho rằng đó là một thứ “công cụ tuyên truyền” do những “người viết văn” tạo ra “trong tư cách là... cán bộ tuyên truyền” (trang 308)... có “giá trị như là những tư liệu” (trang 432 ) mặc dù nó đã có hàng nghìn, hàng nhiều nghìn cuốn sách, hàng triệu, hàng nhiều triệu trang in (trang 430) và đã được khen, được ca tụng, được trầm trồ “hết nơi này đến nơi khác, hết năm này qua năm khác” (trang 431). Giáo Sư Phong Lê còn nhận xét nặng nề hơn nữa khi cho rằng nếu như nhân vật thời đại là thước đo của bất cứ nền văn học nào được xem là chủ lưu của thời đại đó thì khi cần làm việc ấy, văn học “cách mạng” và “văn học kháng chiến phải nhờ đến những con người” đến từ những trang sách khác, và không gian khác, chứ không phải của ta hôm nay (trang 430) “những nhân vật như Núp, chị Sứ, chị Út, anh Trỗi, anh Thuận, mẹ Tom, em Hòa, chị Lý... chỉ có giá trị hấp dẫn, cổ võ, nêu gương đối với bạn đọc, nhằm đưa bạn đọc đến các chiến công và đến với những thành công tất yếu của sự nghiệp cách mạng (trang 427). Những nhân vật này chưa bao giờ là những “điển hình văn học, mang bóng dáng con người thời đại”. Ðó chỉ là những “tượng, những phù điêu đã và nếu là hoa thì cũng là hoa mọc trên đá hoặc hoa đá” (trang 388). Ngoài lý do cách mạng và kháng chiến buộc người nghệ sĩ phải “hy sinh nghệ thuật để phục vụ chính trị,” Giáo Sư Phong Lê còn phân tích đến những nguyên nhân sâu xa, là cội rễ của những tình trạng văn học yếu kém không sinh khí. Một trong những nguyên do chính là lãnh đạo đảng đã áp dụng một cách cứng nhắc cái gọi là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông đã ví von đó là sự cưỡng lại của quy luật nghệ thuật là quái thai của lịch sử (trang 418). Lý luận rằng khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ thì chủ nghĩa hiện thực này cũng tan vỡ theo. Sau khi “trả lại sự công bằng” cho một loạt những tác giả như Boris Patenak, hay Milan Kundura hay Platonov, ông nêu ra những mâu thuẫn không thể nào điều hòa được. “Duy có điều chắc chắn là nếu không xếp những tên tuổi trên đây vào sở hữu của Chủ Nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thì rõ ràng chẳng có gì đáng bàn, đáng tự hào về một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng liệu lô-gich đó có thuận không nếu có một tên tuổi nào đó không chấp nhận, không chịu bước vào ‘ngôi đền thiêng này’, hoặc một tên tuổi nào đó được ‘xếp hạng’ rồi bây giờ lại được chứng minh là không xứng đáng và đã xa rời ‘hiện thực’ hoặc chỉ đứng lại ở một nửa sự thực hoặc tô điểm cho sự thực. Tóm lại chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thứ người ta tưởng tượng ra, phỉnh nhau giết nhau vậy thôi, chứ làm gì có!!!?” Cuốn sách “Văn Học Trên Hành Trình Thế Kỷ XX” của Phong Lê là một cuốn sách tôi tìm thấy ở trong nhiều chi tiết cũng như lý luận thích thú. Dù phần đầu với chân dung của 14 khuôn mặt tiêu biểu cũng có nhiều điều phải coi lại: có Hồ Chí Minh, Tản Ðà, Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ðình Long, Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Trương Chính, Hải Triều, Hoài Thanh, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng. Danh sách ấy còn thiếu nhiều khuôn mặt và cũng dư nhiều vóc dáng. Và tôi nhiều khi cố tìm những lý do để Phong Lê chọn lựa những tiêu biểu như vậy! Tới bây giờ vẫn còn ngờ ngợ phân vân. Theo Lê Quý Kỳ, một người phê phán nặng nề cuốn sách này thì Giáo Sư Phong Lê đã bị cách chức viện trưởng Viện Văn Học vì chủ trương và suy tư của ông đã biểu lộ trong tác phẩm. Thì có sao đâu, trong thời buổi đổi thay thay đổi. Ðúng, sai, có lúc lẫn lộn, thoảng khìa. |