Nguyễn Việt Thảo dịch
Một cặp vợ chồng người Việt, buồn lo rõ rệt, nói với tôi rằng ba đứa con của họ, đặc biệt là đứa con trai ở trường trung học Mỹ, dường như đã bỏ mấtø những truyền thống và giá trị Việt Nam. Thật là đau lòng mà thấy rằng các đứa con không giống như những trẻ em người Việt ở tại Việt Nam. Riêng người mẹ tự hỏi mình đã làm điều gì quấy. “Tại sao chúng quay lưng lại với gia đình và cộng đồng?” bà hỏi. Tôi phản ảnh rằng tôi hiểu sự thay đổi trong đám trẻ con là đau đớn cho cha mẹ của chúng. Nhưng tôi cũng nói rằng điều quan trọng là các bậc cha mẹ mới di dân đến Hoa Kỳ nên hiểu rằng vấn đề không chỉ là làm sao bảo đảm cho con cái vẫn còn thuộc về nền văn hóa Việt Nam. Xét xem trẻ con có còn hoàn toàn là Việt Nam hay đã hoàn toàn trở thành người Mỹ chẳng bổ ích gì. Càng ngày càng nhiều những cuộc nghiên cứu về các gia đình di dân chứng minh rằng giới trẻ thuộc thế hệ đầu tiên hạnh phúc và thành công nhất là những người thoải mái với nền văn hóa tại quê nhà và nền văn hóa mới. Họ là những người trẻ song văn hóa (bicultural) . Họ có thể chuyển hoán ngôn ngữ và thái độ thích hợp với hoàn cảnh. Những kỹ xảo song văn hóa đó có thể rất quan trọng cho sự thành công và hạnh phúc của họ ở Hoa Kỳ. Cha mẹ của những thanh thiếu niên song văn hóa, may thay, đôi khi hiểu rằng hỗ trợ cho con cái cũng giống như là bắc một nhịp cầu vững chắc. Một nhịp cầu lâu dài bám rễ vào gốc gác của nó và, ở bờ đối diện, đóng chặt vào điểm tới của nó. Sự yếu ớt, ở đầu này hay phía kia, đều làm cho cây cầu bấp bênh và không an toàn. Sự gá lắp thiếu kém ở hai đầu báo trước một thảm họa hay sự sụp đổ. Thế hệ thanh thiếu niên thứ nhất cần phải được đóng chặt một cách vững chắc vào cỗi rễ Việt Nam và vào xứ sở mới Hoa Kỳ. Tôi là con của một di dân. Cha tôi hoang mang không biết tôi có giống như ông không. Đặc biệt là những trẻ em ở tuổi thanh thiếu niên dưới hai mươi thường thích nghi với phong cách của người Mỹ về nói năng, ăn mặc, giao tiếp ngoài xã hội và vui chơi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên thất vọng về cái phong cách biểu lộ bên ngoài của con cái, bởi vì rất thường là vào những lúc quan trọng trong cuộc đời của chúng — như chọn vợ chọn chồng, cách cư xử trong vấn đề tang ma hay khi có đứa con đầu tiên — chúng sẽ hành động như là một người Việt thực sự; trong một ý nghĩa nào đó, chúng sẽ “trở về nhà” với căn bản gia đình. Những kinh nghiệm đời sống gia đình ở thiếu thời sẽ tồn tại rất mạnh mẽ, bất kể những thái độ bộc lộ bên ngoài của con cái có biểu hiện rất là Mỹ. Xã hội Hoa Ky, theo truyền thống, đòi hỏi sự đồng hóa từ những người di dân mới; sự đồng hóa có nghĩa là trở thành như số đông người Mỹ. Điều quan trọng là nhận thức rằng con cái của các bạn kinh qua nhiều áp lực để đồng hóa. Tuy nhiên, các nhà khoa học xã hội không ngớt tin tưởng rằng đây không phải là sự lựa chọn tốt nhất đối với những người Mỹ thuộc thế hệ đầu tiên. Ngay cả khi mà sự đồng hóa đưa đến cuộc sống thành công thì sự thích nghi cả hai nền văn hóa trong đời sống tại Hoa Kỳ còn tốt đẹp hơn nữa. Với sự đồng hóa, một cuộc sống mới ở Hoa Kỳ chỉ được bảo đảm ở cuối đường của nó, chứ không phải ở phía bên nó bắt đầu. Nguy cơ lớn nhất hiển hiện ở những đứa trẻ mà cuộc sống không bám được vào cội nguồn hay ở hướng đi đến. Giới trẻ mà đánh mất những kỹ năng và ý thức sống như một thành viên trong xã hội Việt Nam và thất bại trong việc tìm một chỗ đứng trong đời sống Hoa Kỳ thì cũng giống như một chiếc cầu bị gẫy đổ. Đây là những người trẻ rất dễ có vấn đề về thái độ, gia nhập băng đảng, dính líu vào xì-ke ma-túy, bị nhiều bất hạnh. Một phần của giải pháp cho những thanh niên bị rối loạn và gây rối loạn là nối kết mình lại với cả hai đầu cuộc sống của mình trong gia đình và cộng đồng Việt Nam và trong trường học, hàng xóm, cùng nơi làm việc ở Hoa Kỳ. Vậy các bạn có thể thực sự làm gì với tư cách là những bậc cha mẹ người Việt để giúp con cái của các bạn trở thành những người có hai nền văn hóa? Có lẽ các bạn không hiểu thật rõ ngôn từ và phong tục của người Mỹ. Có lẽ có những khía cạnh của đời sống Hoa Kỳ mà các bạn không ưa thích chút nào hết. Ấy, tôi mong tôi có thể cho các bạn một “công thức” áp dụng cho mọi gia đình. Tự hiểu rằng không thể làm việc đó, tôi sẽ đưa ra một vài gợi ý mà các bạn với tư cách là những bậc cha mẹ có thể thấy là có ích, nhưng tôi phải báo trước cho các bạn biết rằng khi sử dụng những ý kiến của tôi có nghĩa là trở thành uyển chuyển và điều đó mở ra những thay đổi cho chính các bạn. Dạy cho con cái của các bạn tại sao các bạn hãnh diện là người Việt. Con cái của các bạn không biết rõ về văn hóa và lịch sử VN như các bạn. Chúng cần phải được dạy dỗ về điều đó. Cái tự động đối với bạn lại là một cái gì đó mà chúng cần phải học. Hãy kể cho chúng nghe những truyện cổ tích. Hãy nói về lịch sử oai hùng của VN trong cuộc chiến đấu đánh đuổi quân xâm lăng và bảo tồn cách sống riêng của mình. Hãy cử hành những ngày lễ truyền thống; hãy giải thích những ngày lễ đó có ý nghĩa gì. Hãy đòi hỏi con cái của các bạn tiếp xúc với họ hàng thân thuộc ở Việt Nam. Hãy có kế hoạch làm những chuyến đi về thăm Việt Nam. Dạy cho con cái của bạn ngôn ngữ đầu tiên của chúng. Tìm cách sử dụng tiếng mẹ đẻ ở tại nhà. Tìm những sách nhi đồng và những sách khác của VN và cùng đọc chung với chúng. Chọn một ngày trong tuần làm “Ngày ngữ vựng tiếng Việt” khi đó trẻ con cùng học hành và chơi đùa với các bạn để học từ ngữ tiếng Việt về những vật dụng và hoạt động hàng ngày. Hãy dẫn chứng những lợi ích của khả năng song ngữ chẳng hạn như niềm hãnh diện cá thân và cơ hội kiếm công việc tốt đòi hỏi khả năng bắc nhịp cầu giữa hai nền văn hóa. Yêu cầu con cái của các bạn dạy các bạn tiếng Anh. Cho thấy rằng bạn hãnh diện về khả năng song ngữ bằng cách yêu cầu con cái của bạn nói một vài tiếng Anh với bạn. Lấy mỗi tuần một ngày làm “Ngày ngữ vựng tiếng Anh” nhân đó con cái của bạn giúp bạn học từ ngữ về những vật dụng và hoạt động hàng ngày. Xem chương trình vô tuyến truyền hình Mỹ với chúng và yêu cầu chúng thông dịch. Cùng nhau đọc tiếng Anh… và có thể những sách về lịch sử và văn hóa Việt cũng như Mỹ. Thật là khó khăn đối với các cha mẹ Việt Nam, đặc biệt là các người cha, học qua các con của mình. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ khám phá ra rằng việc đó sẽ làm tăng chứ không phải giảm lòng kính trọng của con cái đối với cha mẹ. Với tư cách là cha mẹ, hãy có uy quyền và lòng trắc ẩn. Các con của bạn còn cần cha mẹ dạy dỗ cho chúng điều phải điều quấy, tập cho chúng vào khuôn phép cũng như tưởng thưởng chúng. Chúng cần bạn để hết tâm trí vào cuộc sống của chúng. Chúng cần bạn truyền thụ những kiến thức về tôn giáo cho chúng nếu đó là một phần của truyền thống gia đình. Chúng cần phải tôn kính cha mẹ của chúng. Nhưng chúng cũng cần cha mẹ của chúng có thể hiểu cuộc tranh đấu nội tâm mà chúng trải qua trong cuộc đời khi sống giữa hai nền văn hóa, thường đi kèm với những giá trị và khuôn mẫu cư xử đối nghịch với nhau. Hỏi các con của bạn xem chúng kinh qua những tình trạng căng thẳng nào khi di chuyển giữa hai nền văn hóa Việt và Mỹ. Hãy hiểu rằng những người bạn Mỹ của chúng có thói quen chất vấn uy quyền của người trên và tự mình xúc tiến công việc thay vì qua gia đình. Hãy thảo luận với con cái của các bạn về phong tục và văn hóa của Mỹ. Cả các bạn lẫn các con của bạn đều đang phải tìm hiểu và tìm ý nghĩa về nước Mỹ. Vì thuộc thành phần đa số, người Mỹ thường không biết cách giải thích một cách dễ hiểu cho các bạn. Hãy hỏi các con của bạn xem chúng học hành ra sao trong trường. Thầy giáo mong chờ những gì? Người cố vấn là ai? Tại sao con gái lại có quá nhiều tự do? Trong trường có những nhóm dân tộc khác nhau ra sao? Hệ thống tính điểm như thế nào? Cũng tương tự như vậy, hãy giải thích cho các con trên mười hay mười hai tuổi của bạn về những điều bạn đang học hỏi để đối phó với nơi làm việc ở Hoa Kỳ, hàng xóm láng giềng, ngân hàng, chính phủ địa phương, các viên chức cảnh sát, và các dịch vụ y tế. Chung với nhau các bạn và con cái cùng tìm câu trả lời về các luật lệ ngoài xã hội và các cung cách nhân gian của những người xung quanh bạn, đôi khi ấm áp và hữu nghị, đôi khi ồn ào tự cho mình là trung tâm của vũ trụ. Tôi mời gọi các bậc cha mẹ góp ý với tôi tại văn phòng trung ương của UBCNVB ở VA. Tôi sẽ chia sẻ những điều đó trong một bài sắp tới. Có lẽ các bạn hiểu rằng có một thông điệp sâu xa hơn gửi đến các bạn về việc giúp đỡ các trẻ em trở thành song văn hóa. Tôi muốn nói rằng các bậc cha mẹ cần phải bắt đầu tiến trình tự mình trở thành một chút song văn hóa. Làm như thế, với tư cách là người mẹ hay người cha, các bạn ở vào địa vị mạnh hơn nhiều để hướng dẫn và khuyến khích con cái. Chính bạn cũng sẽ củng cố nền móng của các bạn cả về quá khứ ở VN và hiện tại cũng như tương lai ở Hoa Kỳ. Giới thiệu: Sứ mệnh của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển là để giúp người tị nạn và người di dân gốc Việt đạt được ước vọng có một đời sống tự do và nhân phẩm đươc tôn trọng, bằng cách giúp các cộng đồng Việt có khả năng tự tổ chức và hoạt động thật hữu hiệu để tiến đến tình trạng tự lập tự cường. Điện thoại liên lạc: 703.538.2190 Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|