“Mày Tên Gì?” |
Tác Giả: Tuệ Chương hoànglonghải |
Chúa Nhật, 19 Tháng 4 Năm 2009 21:50 |
Tiếng Việt nghĩa lý rất rõ ràng, nhất là về thứ bậc, trên dưới đâu vào đó. Vợ kêu chồng bằng anh. Chồng kêu vợ bằng em. Khi chồng kêu thì vợ dạ. Cả tiếng anh và dạ cho thấy người chồng lớn hơn người vợ. Chồng là anh, vợ là em! Cha mẹ gọi con bằng con. Con thì “thưa ba, thưa má” và xưng con. Với ông bà thì xưng là cháu, với anh chị thì xưng là em…Với người trong máu mũ huyết tộc, bà con thì theo vai vế mà xưng, gọi: Cậu, mợ, o (cô) dượng, bác chú thím thì xưng là cháu… Bạn bè thân thiết thì gọi mày tao chi tớ… Với người lạ lớn tuổi thì gọi bằng ông, bà, xưng cháu hoặc tôi. Ngang tuổi thì gọi bằng anh chị, xưng tôi hoặc em. Nhỏ tuổi hơn thì gọi bằng em, cháu… Với người già hoặc già lắm, muốn tỏ lòng tôn kính thì gọi cụ, ông cụ, bà, bà cụ… (ngôi thứ ba). Khinh thường thì gọi bằng thằng, thằng chả, con mẹ, con mẹ ấy (ngôi thứ ba), trẻ thì gọi bằng thằng: thằng nọ thằng kia… Dùng mày, tao có hai trường hợp: bạn bè thân thiết chí cốt như nói ở trên; còn ngoài ra thì để tỏ ý khinh thị, ghét, coi thường. Với thằng chăn trâu, ông ăn mày thì người ta gọi bằng mày, xưng tao: “Mày làm gì ở đây?”, “Mày cút khỏi mắt tao!” Cách gọi chứng tỏ được sự tôn trọng hay coi thường, không tôn trọng hoặc sự khinh ghét. Cách gọi của người Việt Nam, mỗi nơi mỗi khác. Người miền Trung, người Huế, gọi một cách bình thường như tôi vừa trình bày ở trên. Vào miền Nam, tôi hơi lạ cách gọi của mấy “lơ” xe đò: “Bà con cô bác lên xe lẹ lên, tới giờ rồi!” Ai mà họ gọi là bà con cô bác? Ai là bà con (có huyết tộc). Ai là cô? Ai là bác? Về tới miền Tây Nam Bộ thì rõ hơn: Dù lạ, dù quen, những người trẻ gọi các người lớn tuổi hơn bằng chú, bằng dì, theo nghĩa “bà con”. Té ra trong cuộc Nam Tiến, người ta bỗng thấy sợ khi tới vùng đất mới. “Tới đây đất nước lạ lùng, Nghe con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng” nên họ sinh ra tâm lý tìm tới nhau, gần nhau hơn để bớt đi nỗi sợ nơi xứ lạ: “con chim kêu, con cá vùng” từ đó mà nảy sinh gọi bằng chú, dì, cô hay anh em… Người Miền Trung, nhất là người Huế, người có học, có đỗ đạt, có bằng cấp thì rất lễ nghĩa, đúng với câu “Tiên học lễ, học hậu hoc văn.” Đặc biệt, đối với những người yêu nước, vì nước vì dân mà hy sinh, chịu tù tội, lưu đày, cực khổ thì người ta tôn trọng lắm. Huế là nơi xung đột giữa Tây với ta. Ta là người Việt Nam, - xin đừng hiểu méo mó triều đình không phải là của ta! - Thời kỳ đó, văn hóa đó, dân tộc đó thì vua là dân tộc, là đất nước. Vì vậy, ông vua theo Tây là ông vua bán nước. Ông vua chống Tây là ông vua yêu nước. Chuyện thằng tướng Tây De Courcy, ỷ có tàu sắt súng đồng, khinh mạn triều đình Huế quá lắm, khiến người Việt ai cũng bất mãn; chuyện ông vua Hàm Nghi bị bắt ở Nghệ Tĩnh rồi giải về giam ở Huế, chuyện ông vua Thành Thái bị truất ngôi, ông vua Duy Tân bị đày làm náo động lòng người Huế dữ lắm. Gần nửa thế kỷ sau khi ông Duy Tân bị đày, tôi đến Huế, vẫn còn nghe các bạn học trò, hướng đạo, các thầy cô và người Huế nói về những biến cố ngày xưa ấy. Họ nói với nhau, với tôi chỗ giam vua Hàm Nghi trong thành Mang Cá hay ngôi chùa vua Duy Tân trốn lên trên ấy, hay chuyện ông già Bến Ngự, lăng cụ Phan, trụ sở tòa báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh thúc Kháng ở đường Hàng Bè, v.v… Những câu “Đày vua không Khả...”, “Chiều chiều trước bến Văn Lâu…” hoặc “Chiều chiều ông Ngự ra câu…” đều bày tỏ lòng kính trọng của người dân đối với người yêu nước, dù người đó là vua, là quan hay dân thường. Ở Huế nhiều người biết cụ Tuần Chi, tức là cụ Tuần vũ Nguyễn Đình Chi, (phu quân của bà Tuần Chi hay còn gọi là Tùng Chi, nguyên hiệu trưởng trường Đồng Khánh, Huế). Khi ông làm tuần vũ Quảng Ngãi, đọc lời khai một người tù mới bị bắt, tên là Hoàng Đức Nậy (trước 1975, ông nầy là ủy viên trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam), con cụ Cử Hoàng Đức Cự bạn đồng liêu với ông, bèn gọi ông Nậy lên rồi tha về. Ông Nậy bấy giờ là đảng viên đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, hồi ấy, người ta không phân biệt ai thuộc đảng nầy, ai thuộc đảng kia, ai Quốc Gia, ai Cộng Sản. Người ta gọi chung là “Người làm Cách mạng”, gọi như thế để tỏ lòng tôn kính, tránh dùng tiếng chống Pháp, “e ngại” với chính quyền thực dân. “Người làm cách mạng” là người chống Pháp giành độc lập. Người dân tôn trọng và yêu mến tất cả những “người làm cách mạng” đó. Ai bị tù, không bị người ta gọi một cách khinh miệt là người tù hay thằng tù. Cụ Tuần Chi tha cho ông Nậy vì ông Nậy là “người làm cách mạng” chứ không phải ông Nậy là đảng viên đảng Cộng Sản, thêm một lý do nữa là vì ông Nậy là con của người bạn ông. Việc làm của cụ tuần Chi có thể bị Tây bắt tội. Cũng trong ý nghĩa bày tỏ sự tôn kính đó, người ta gọi cụ Phan Bội Châu một cách tôn kính là Cụ Phan, cụ Huỳnh Thúc Kháng là cụ Huỳnh, cụ Ngô Đức Kế, cụ Ngô Đình Diệm là cụ Ngô, và cả ông Hồ Chí Minh, thời kỳ 1945, 46 là cụ Hồ. Người Tây phương, người Tàu thì khác. Người Pháp, người Mỹ gọi ông bà, cha mẹ, anh chị người lạ người quen thì gọi là Vous hay You, tự xưng là Je hay I. Tiếng Tàu thì Ngộ, Nị tuốt luốt, già trẻ, trong ngoài đều như nhau. Ý nghĩa tiếng Vous hay You rất phổ quát và phức tạp. Tự điển ghi như sau: Vous: (đại từ) anh, chị, ông, bà...; các anh, các chị, các ông, các bà... You: (đại từ) anh, chị, ông, bà, ngài, ngươi, mày; các anh, các chị, các ông, các bà, các ngài, các người, chúng mày. Vous, theo tiếng Pháp, gọi chung, dù là ông bà cha mẹ, là anh chị, mày tao. Khi dịch, cứ theo ý nghĩa nội dung câu chuyện mà dịch thành ông bà hay mày tao, tỏ ý khinh thị hay tôn kính như thế nào cũng được. Trong cuốn “Tự Phán” của cụ Phan Bội Châu, - cuốn hồi ký cụ Phan viết về cuộc đời cụ và tự phê phán xấu tốt, hay dở -. Cụ có thuật lại việc cụ bị bắt ở Thượng Hải năm 1925, đem về Hà Nội rồi bị đưa ra Hội Đồng Đề Hình để xét lại cái án của cụ. Trước đó cụ đã bị Tây xử tử hình vắng mặt. Khi ra tòa, dĩ nhiên quan Tây ngồi ghế chánh án, ông Bùi Bằng Đoàn làm thông dịch viên. Quan Tây hỏi: - “Comment vous appelez vous?” Ông Bùi Bằng Đoàn dịch là: - “Mày tên gì?” Ông Bùi Bằng Đoàn dịch chữ Vous là mày. Nghe có được không? Có người cho là không được; trong đó có tôi! Tôi đọc cuốn “Tự Phán” của cụ Phan, khoảng năm 1956, do nhà Anh Minh xuất bản. (1) Tôi ngạc nhiên, bất mãn về chữ mày đó, do cụ Phan tự tay viết lại trong sách. Biết thì biết vậy nhưng quên thì không quên. Mới đây, đọc Việt Thường, thấy ông nhắc lại việc nầy, tôi rất thích thú. Cái ông Việt Thường nầy cũng lạ! Cái gì ông cũng nhớ mà sao nhớ dai thế? Ông ta đọc “Tự Phán” lúc nào nhỉ? Cuốn “Tự Phán” chỉ mới xuất bản lần đầu tiên sau khi nước Việt Nam bị chia cắt năm 1954. Không lý Việt Cộng cũng cho phổ biến cuốn sách ấy ở ngoài Bắc để khen ông thông dịch viên Bùi Bằng Đoàn dịch “hay”? Năm 1904, sau khi “vào Giám” (Vào Giám là vào học ở Quốc Tử Giám”, cụ Phan tìm cách kết hợp những người yêu nước. Kể từ đó cho đến khi bị bắt năm 1925 là một khoảng thời gian dài 20 năm, cụ có rất nhiều hoạt động chống Pháp. Cụ là nhân vật chính trong số các ông như Tiểu La Nguyễn Thành, Kỳ Ngoại hầu Cường Để, Thượng thư Hồ Lệ, Thượng thư Nguyễn Thông, Tây Hồ Phan Chu Trinh, Thái Xuyên Trần Quí Cáp, Thạnh Bình Huỳnh Thúc Kháng, v.v…thành lập Duy Tân hội, lãnh đạo Phong Trào Đông Du, tác giả rất nhiều thơ văn kêu gọi lòng yêu nước của dân chúng như Á Tế Á, Lưu Cầu huyết lệ tân thư, v.v… trong nam ngoài bắc, ai cũng biết tiếng tăm của cụ. Cái tiếng ấy lớn lắm đến nỗi Hội Nhân Quyền Pháp phải can thiệp vào cái án của cụ. Không lý ông Bùi Bằng Đoàn không biết cái tiếng tăm ấy của cụ Phan mà dùng tiếng mày một cách khinh thị để dịch chữ vous của quan Tây? Cụ Phan là người yêu nước, hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, ai cũng kính trọng, sao gọi là mày? Cho dù Tây nó có gọi là mày đi nữa, tại sao không dịch là ông. Sợ mất lòng Tây hay muốn dịch cho đúng ý chủ? Vậy lý do chính để ông Bùi Bằng Đoàn dịch như thế là cái gì? Có phải dưới con mắt của ông Bùi Bằng Đoàn, cụ Phan là “thằng làm giặc”, dám cả gan chống lại “nước Đại Pháp” nên phải dịch là mày? Có phải ông Bùi Bằng Đoàn nịnh Tây, giả bộ miệt thị cụ Phan để quan “nước Đại Pháp” vừa lòng? Không chắc ông Bùi Bằng Đoàn dám miệt thị cụ Phan là thằng giặc. So với cụ Phan là người yêu nước thì ông Bùi Bằng Đoàn chẳng là cái thá gì cả! Có lẽ ông cũng biết quá rõ cụ Phan là người yêu nước, nhưng nếu dịch là “Anh tên gì? hoặc “Ông tên gì?” thì sợ quan “nước Đại Pháp” sẽ không vừa lòng, không chứng tỏ được lòng trung thành, khuyển mã và ngưỡng mộ của ông với “nước Đại Pháp”. Một trí thức như ông Bùi Bằng Đoàn, một nhà khoa bảng, ông biết hết, biết tất, dù ông có kính nể cụ Phan bao nhiêu đi nữa, ông cũng dấu kín trong lòng. Ông Bùi Bằng Đoàn phải chứng tỏ cho “chủ Pháp” biết ông ghét “thằng giặc” ấy vì nó dám chống lại “nước Đại Pháp”, là “mẫu quốc”, chứng tỏ cho “chủ Pháp” biết ông chống lại “thằng giặc”, không theo nó bao giờ để ông được “nước Đại Pháp” chiếu cố tới vinh hoa phú quí mà ông thèm muốn! Quả thật ông Bùi Bằng Đoàn là người thông minh khác thường, vạch được hoạn lộ cho ông. Sau vụ xử án Phan Bội Châu, trong khi cụ Phan thì bị tù, bị giam lỏng ở Bến Ngự thì đời ông Bùi Bằng Đoàn lên hương lắm, lên tới chức thượng thư bộ hình để xử tội những người làm cách mạng chứ không tha về như ông Tuần vũ Nguyễn Đình Chi đã tha cho ông Hoàng Đức Nậy. Sau tháng 8 năm 1945, ông Bùi Bằng Đoàn theo ông Hồ Chí Minh, và đời cũng lên hương một lần nữa, tới chức Phó Chủ tịch Quốc Hội (bù nhìn, phải không nhỉ?!!). Theo tử vi thì người ta có tuổi và mạng. Tôi không rõ ông Bùi Bằng Đoàn tuổi con gì, nhưng có lẽ ông mạng thủy, cốt con lươn. Con lươn đầu trơn, chui đâu cũng lọt. Con người như thế, mai mốt đây, lỡ khi tôi gặp ông Bùi Bằng Đoàn dưới âm phủ, tôi hỏi “Mày tên gì?” thì ông Bùi Tín có tức giận tôi không nhỉ?
|