Mạn đàm về nghệ thuật và nghệ sĩ |
Tác Giả: Trần Công Nhung |
Thứ Hai, 11 Tháng 5 Năm 2009 01:43 |
Đôi lúc tôi không hiểu nguyên thủy ai là tác giả định vị, định nghĩa các từ ngữ. Nhiều chữ chỉ cùng một việc làm lại được dùng cho giới này mà không dùng cho giới kia. Những người làm đẹp cho đời, như viết văn, làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh…ca hát v.v.. được gọi là sĩ: Văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ…trong khi anh phó nhòm cũng làm công việc tương tự lại gọi nhiếp ảnh gia chứ không nhiếp ảnh sĩ, người tạc tượng là điêu khắc gia không gọi điêu khắc sĩ, tương tự có kỹ nghệ, gia thương..v.v. Những ai mang lại niềm vui, hứng khởi, lợi ích cho nhiều người đều được phong là “sĩ” hoặc “gia”. Người làm ruộng quanh năm vất vả để có cái ăn cho xã hội cũng được gọi là gia: Nông gia. Nhưng, ai cũng hiểu “nông gia” khác xa “điêu khắc gia”, lại càng xa “chính trị gia”, “khoa học gia”, cùng lắm chỉ ngang với “thương gia”. Rắc rối chứ không đơn giản, lại còn có người cho rằng “nghệ sĩ” là đẳng cấp trên cả “sĩ” và “gia” kia. Trước 75, tiếng “nghệ sĩ” thường để chỉ giới làm văn nghệ và đặc biệt cho những người quanh năm đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch, nghĩa là có gì đó không bình thường. Trên diễn đàn thường nghe: Nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ sân khấu... Sau 75 tôi thấy chữ nghĩa thay đổi khá nhiều, ngoài những chữ mới từ Bắc vào, những chữ ở miền Nam hiểu một cách bình dị như lâu nay, bỗng được “nhà nước” cho lên ngôi sáng giá hơn. Chữ “nghệ sĩ” mang ý nghĩa cao quí hơn hẳn, nghệ sĩ làm nổi bật nét văn hóa của một người. Thế mới có danh hiệu “Nghệ Sĩ nhân dân” (?). Có một sự kiện cho đến bây giờ Nam Bắc vẫn khác nhau, giới nhiếp ảnh miền Bắc rất thích danh hiệu nghệ sĩ nên lập “Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh”, trong khi miền Nam chỉ nói Hội Nhiếp Ảnh. Trong nhiều trường hợp chữ nghệ sĩ bị gò ép đứng vào cho tổ chức thêm danh giá? Theo tôi, muốn gì cũng được nhưng trước hết phải có nghệ thuật. Phải có tác phẩm nghệ thuật trước đã rồi mới nói đến danh hiệu, phải học thực sự mới thi lấy bằng. Một thầy thuốc tận tâm thương người, cứu nhân độ thế thì đương nhiên được người đời gắn cho danh hiệu lương y. Điều này thầy không phải bận tâm, không do nhà nước trao tặng, mà tự chính thầy chứng tỏ tài năng của thầy. Đi đây đi đó, tôi thấy hầu hết các di tích lịch sử khắp nơi đều có “bảng công nhận” của cơ quan văn hóa nhà nước. Khi đọc những lời nguệch ngoạc, vô nghĩa, sai câu văn, tôi thấy khó chịu. Chính đây là điều bôi bác di tích, vì thực ra người cấp “bằng công nhận di tích” không đủ tư cách làm việc này. Công nhận hay không là do toàn thể xã hội, do lịch sử. Cơ quan văn hóa chỉ có bổn phận giới thiệu giữ gìn vì là tài sản của toàn dân. Rất tiếc nơi nào lớn bé cũng đều được công nhận còn dặn dò thêm: “cấm vi phạm” (!) Thế mới mất mặt. Trở lại chuyện tác phẩm, tác phẩm có giá trị tất nhiên được mọi người thưởng ngoạn tán dương. Và, nếu một người có tài năng thật sự, giá trị nghệ thuật của anh không phải chỉ một hai tác phẩm gặp may. Trong trường hợp đó, anh không cần hô hoán, không phải vỗ ngực xưng tên, người đời vẫn gọi anh là nghệ sĩ. Tiếc thay đời thường có những người ham danh hám lợi, tài không có nhưng muốn lên hàng “sĩ” với “gia”. Chưa vẽ được bức tranh ra hồn, chưa chụp được bức ảnh sạch sẽ đúng “văn phạm” đã vỗ ngực xưng là họa sĩ, là nhiếp ảnh gia, là nghệ sĩ. Đồng ý ở đời cũng “Phải có danh gì với núi sông”, song phải chính danh. Danh chính ngôn thuận, ai cũng hiểu như vậy. Thế nhưng, cuộc sống hỗn tạp lại sinh sản nhiều lớp người háo danh mới đẻ ra: Hư danh, danh hão, xú danh… Người trình độ mới lớp 5, đi mua bằng đại học để làm thẩm phán xử án, người mới viết được dăm ba câu đã in danh thiếp “thi sĩ”, mới chụp vài ba tấm ảnh vô hồn đã vội xưng “nhiếp ảnh gia”... Trật tự xã hội bị đảo lộn do lớp người háo danh hám lợi, lộng giả thành chân. Hễ đạt được hư danh là tìm cách thủ lợi bằng mọi cách, bất chấp lương tri đạo đức. Bởi hư thì khó bền, nên gom góp càng nhanh càng tốt. Một thân hữu gửi cho bản hòa tấu Stand by me. Bản nhạc lời thật ngắn tình ý thật cô đọng: “Oh yea, my Darling stand by me”. Người tình ơi, xinh ở bên em. Có thể hiểu như thế, hay cứ hiểu như thế cũng chẳng sao. Bởi không cần biết anh là ai (No matter who you are) Không cần biết anh về đâu trên đường đời (No matter where are you going in your life), xin anh đến bên em... Tôi đã theo ban nhạc này mấy hôm liền. Bởi bản hòa tấu phát xuất nơi mà nhiều năm trước tôi thường dẫn anh em đến chụp ảnh: Con đường đi bộ dành cho du khách ở Santa Monica.. Hàng ngày nơi đây tập trung đủ các thành phần nghệ sĩ quần chúng, họ trình diễn đủ các bộ môn, ca hát, độc tấu Tây Ban Cầm, Vĩ cầm, Dương cầm, Xiếc, Ảo thuật.v.v.. vừa mua vui thiên hạ vừa kiếm sống qua ngày. Anh già Mỹ đen râu ria xồm xoàm, với cây Tây Ban Cầm trên tay, anh ca sĩ có giọng hát khàn khàn mà tha thiết như tiếng van nài điều gì đó sắp mất, “Stand by me, stand by me..” điệp khúc nhắc lại nhiều lần trên vỉa hè mà bao nhiêu người vẫn đi qua, họa hoằn mới có một hai dừng chân, họ nhìn anh “hát xẩm” cách vô cảm. Từ Santa Monica tiếng nhạc bay qua kết hợp với tiếng hát của một người da đen ở Louisiana, người nghệ sĩ này có đôi mắt toàn tròng trắng tròn xoay, khuôn mặt đen nhánh và đầy như một quả banh. Anh hát như chẳng hát cho ai, mắt anh chớp chớp nhìn trời khi nhanh khi chậm theo nhịp đàn. Cùng lúc trong một hẻm nghèo ở Netherlands một chàng trai homeless kêu gào thảm thiết làm cho người nghe phải nhức nhối. Tiếng nhạc lan đi hầu như khắp nơi trên địa cầu, từ ban mai đến trưa, chiều rồi đêm tối, trong công viên hay nơi quãng trường. Dù không gian cách nhau hàng vạn dặm, thời gian khác nhau mọi múi giờ: Santa Monica (California), Pháp, Nga, Nam Phi. Itali, Brazil…nhưng lời ca, tiếng nhạc cùng một nhịp, một hòa âm làm cho người nghe tưởng như đang ngồi trước một ban nhạc được diễn tấu bằng nhiều giọng hát, nhiều ngôn ngữ, nhiều nhạc cụ khác nhau: Tây ban cầm, đại hồ cầm, vĩ cầm, saxophone, tambouring, trống…v.v. Không ai nghĩ bản hòa tấu đã do một bàn tay điệu nghệ gom lại từ nhiều miền trên địa cầu. Những người hát rong, hát xẩm ngày đêm, quanh năm suốt tháng, sống không cầu danh, mua vui cho mọi người bất luận giai cấp, họ không kêu xin van nài… Chúng ta gọi họ là gì? Theo tôi, họ là người có thực tài, ít ra cũng có tài đứng bằng đôi chân của mình. Và, rõ ràng họ xuất hiện công khai bốn mùa trước thiên hạ, họ không lén lút, họ không phô trương học trường này, tốt nghiệp tường kia, không dựa vào bất cứ ai, họ là nghệ sĩ đường phố chính danh. “Tác phẩm” của họ không có gì sắp đặt máy móc, không giàn dựng giả tạo, không có ẩn ý bất chính, không mưu đồ hèn mọn, không đánh lừa người nhẹ dạ, họ ngay thẳng với nghiệp dĩ của mình, họ phơi bày tất cả trên đường phố…Và, họ không hề gây ồn ào trong cộng đồng của họ. Tôi nghĩ, họ xứng đáng là nghệ sĩ, bởi họ đã mang lại cho mọi người những giây phút thoải mái, họ giúp cho mọi người thư giãn thật sự sau những giờ làm việc mệt lã người! Những người như thế, nhiên hậu cũng gặp sự may mắn an vui. Nhiều năm trước đây, trên con đường số 3 Santa Monica, có cậu bé, con một quân nhân người Việt, với cây Guitar, em vừa đàn vừa hát vừa nhún nhẩy theo nhịp lời ca, bao nhiêu người tán thưởng. Những bài nhạc ngoại quốc quen thuộc được em trình diễn tuyệt vời, làm cho người qua đường phải dừng chân, vây quanh nghe em hát. Tôi nói với các bạn: “Đây là tài năng tương lai, chụp đi”. Lúc ấy em mới 11 tuổi, ít năm sau thấy em xuất hiện trên Paris by night Thúy Nga. Tôi trở lại tìm thăm, vẫn cây đàn vẫn mua vui cho thiên hạ: Nghệ sĩ Adam Hồ. Nếu nghệ thuật là thứ hóc búa, thứ bạo loạn, thứ gây xáo trộn, thứ mang lại bất ổn thương đau, có lẽ chỉ dành riêng cho số nhỏ và cho tác giả là chính. Tất nhiên, trên hết, nghệ thuật hoàn toàn tự do không lệ thuộc bất cứ gì, bất cứ ai. Nhưng không có nghĩa, cứ trưng ra một mớ lộn xộn rồi cho đó là “tác phẩm” lớn. Dù tác phẩm được treo giá bao nhiêu thì cũng chỉ là sự điên khùng trong khoảnh khắc. Nếu đó là một món thực phẩm, chắc chắn khó lọt mắt FDA, bởi nó chứa bao nhiêu mầm bệnh độc hại. Con người sống không chỉ áo cơm mà cần nhiều thứ khác nữa, trong đó có nghệ thuật. Không hẳn nghệ thuật vị nhân sinh, nhưng nghệ thuật không được phép gây bất ổn, phá hoại cuộc sống của nhân loại. Nếu có thứ nghệ thuật như thế, nên để một nơi riêng dành cho người “sáng tác” và cho bạn hữu của mình. Lúc ấy, tác giả muốn xưng gì cũng chẳng sao, “nghệ sĩ” hay “cuồng sĩ” cũng chẳng ảnh hưởng gì, không phải thắc mắc “chính danh” hay “hư danh”. Tháng 5-2009 |