Tên Những Nàng Con Gái Huế… Một Thuở Nào |
Tác Giả: BS Lê Văn Lân |
Thứ Ba, 16 Tháng 6 Năm 2009 07:45 |
Đề tài này tôi đoan chắc không thiếu gì người hồi hộp nôn nóng muốn coi vì nó đầy chất thơ mộng, khêu gợi lại một thuở hoa niên. Nói đâu xa, xin chỉ gọi là khai mào nhè nhẹ thôi thì anh bạn cùng lớp thời 45 - 52 với tôi là MinhVũ Hồ-văn Châm - vị tổng trưởng Chiêu Hồi của VNCH lẫm liệt ngày nào - đã để hồn thơ lai láng của mình tuôn chảy trong một bài nhắc đến tám nàng bạn gái cùng lớp như sau: Thần kinh vui đón tiết XUÂN AN Té ra chàng trai trắng trẻo Quốc học Khải định này cũng như tôi đã một thuở ốt dột từng “ bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” theo những hình bóng nhiều o trong đó có một o hình như tên lót chữ Phương chi đó đã chịu về nâng khăn sửa túi cho chàng và làm thân cò vất vả lo lắng thăm nuôi chàng trong nhiều năm bị cải tạo! Ta hãy đọc lại lời thơ tha thiết của chàng trong cái thuở chàng đã lẽo đẽo theo o: Ta nhớ kinh kỳ ngày đầu thu năm ấy Hoặc giả một tiếng thơ khác là Trần Thương Bá đã nhắc đến vài o bạn gái như Ngọc Túy, Ngọc Trinh, Ngọc Cầm , Hoàng Lan qua những kỷ niệm sau: Dăm ba áo trắng, đò Thừa phủ, Rợp đường long não gót ai qua Vừa rồi, tôi lại có cơ duyên biết một chuyện vui ngày xưa về tên của hai bậc phụ nữ thuộc lớp trưởng thượng mà tôi mạn phép kể ra đây: đó là hai cụ bà Công tằng Tôn nữ Tuyết Lê (phu nhân của cố G/s y khoa Phạm biểu Tâm) và C.T.T.N Anh Lạc ( thân mẫu của B/s Lê đình Thương); thuở con gái, hai cụ thường hay đi học và đi chơi chung không rời nhau một bước khiến nhiều chàng trai - nay đã thành những cụ ông đã ăn thượng thọ bát tuần từ khuya rồi! - không dám theo đuổi sát tán tỉnh mà chỉ bóng gió đứng xa xa ngâm bài thơ tựa đề là “ Le Lac” ( Lê Lạc!) của thi sĩ lãng mạn Lamartine của Pháp! Nói theo tiêu chuẩn khảo cứu, chuyên đề nghiên cứu về” Tên những nàng con gái xứ Huế” chính là một đề tài văn hóa lớn, đòi hỏi tối thiểu một sự thống kê, điều tra, khảo sát, so sánh đầy nghiêm túc và khoa học hẳn hoi. Ví dụ như ít ra phải dựa vào sự thống kê từ những sổ bộ đời (vital statistics) tùy theo địa phương (dưới quê hay trên dinh) trong một thời điểm nào (thời cựu triều, Pháp thuộc, tiền hay hậu chiến), điều tra về thành phần giai tầng xã hội (hoàng phái, quan lại Nam triều, công chức tòa sứ, giáo chức, buôn bán hay công nhân), trình độ giáo dục (cựu khoa bảng hay Tây học, hay bình dân giáo dục), tôn giáo (Phật tử hay ki tô hữu) … Chao ôi là bắt bộn thứ phải làm! Chính vì rứa mà trong khuôn khổ một bài bút khảo đầy tính chất tài tử tùy hứng này, kẻ hèn tôi chỉ xin giới hạn trên những dữ kiện thu hẹp về tên những người phụ nữ đã từng ở Huế mà tôi đã có cơ duyên nghe, hay quen biết xa gần hay góp nhặt lang bang từ những tuyển tập hay đặc san về xứ Huế trong một thuở nào trong giới học sinh. Tôi không dám nói thế nào là “gốc Huế chay” bẩy mươi hai phần dầu mà chỉ nói là những vị “ phụ nữ từng ở Huế “ một thời gian đủ để làm “dân Huế” có “Huế tính” vì tôi nghĩ thế nào cũng có người hỏi vặn tôi có chắc những tên kê ra trên là những tên của những phụ nữ chính gốc bản địa Huế không? Nói của đáng tội, thiệt khó cho tôi mà trả lời! không lẽ tôi lại nói đến những nàng Chiêm thành của châu Ô châu Rí thuở Huyền trân công chúa mà chỉ đành nói là những cái tên mà tôi từng chính tai nghe ở Huế thời thơ ấu của những bà hay những cô thuộc lớp trước tôi, ngang tôi hay sau tôi. Lấy gốc gác địa dư mà nói, ngay cả mấy công chúa, mấy bà Tôn nữ của nhà Nguyễn thì gốc phát xuất từ làng Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống sơn, tỉnh Thanh Hóa hoặc giả như mấy nàng giòng Nguyễn-khoa thường có lót chữ Diệu thì tổ quán ở làng Trạm Bạc, tỉnh Hải Dương. Nói xa xưa thì mấy nàng gái Huế dưới Bao vinh một chút thuộc họ Trần tiễn… chính là gốc Tầu thời Minh! Huyện Tống sơn Thanh hóa quê của nhà Nguyễn chính là gốc Trung hoa đời Nam Tống trôi dạt tỵ nạn qua đảo Macao Áo môn rồi qua Thanh hóa, đặc biệt có họ Tống phước nghe quen ở Huế. Lục theo hoàng phả, ngọc phả của phủ Tôn nhơn, ta thấy cả thẩy 8 phụ nữ gốc miềm Nam kỳ tiến cung làm phi tần và hoàng hậu, hay mấy công chúa hạ giá với các phò mã gốc ở tỉnh khác. Trường hợp bà Từ dũ là mẹ của vua Tự đức người Gò công quá rõ, còn mẹ của gia đình gồm 4 thi sĩ trứ danh xứ Huế : Tùng thiện vương và 3 công chúa Qui đức, Mai Am và Huệ phổ là bà Thục tần Nguyễn thị Bảo người Gia định. Ở miệt trên Kim luông, có làng Nam Trung là làng của dân Nam từ Bến nghé, Đồng nai ra ở Huế nhiều đời như cố giáo sư y khoa Phạm biểu Tâm vừa tạ thế và cũng kể luôn trong đó có bà Nguyễn hữu thị Lan gốc Gò công là dân làng danh dự mà học giả Phạm Quỳnh chọn dâng lên cái tên Nam Phương hoàng hậu cho hoàng đế Bảo đại. Còn theo tiêu chuẩn thời gian sinh sống thiệt gần thì lấy trường hợp của hai cô em của tôi là Thiên Úy và Minh Mỹ, cha mẹ mới từ Bắc vô Huế lập nghiệp mới mẻ một đời thì khi nghe nói tiếng Huế đặc sệt và cách ăn mặc của hai cô đã “ Huế hóa” một cách sâu đậm qua sự đi học hay chơi bè bạn trong tuổi ấu thơ khó mà ai biết cha mẹ họ là dân Bắc kỳ chính hiệu. Trường hợp gia đình tôi cũng giống vài gia đình Bắc ở Huế như các chị B/s Bích Tuyết, Kim Hồng, anh bạn Ngô đình Long hay Âu ngọc Trác hay chị Bùi Bích Hà…Thành thử ra theo tiêu chuẩn lấy tổ quán và thời gian lập nghiệp ngụ cư khó mà định nghĩa cái “ Huế tính”. Cái Huế tính theo tôi là cái mẫu số chung về cung cách ở ăn, sinh hoạt của những người gốc bản địa nhiều đời đã đành mà còn bao gồm những dân ngụ cư tự nguyện có thái độ chấp nhận “ làm dân Huế mình” một cách ngon ơ, ăn bún bò, cơm hến, bánh bột lọc, bánh nậm chấm nước mắm dầm ớt tươi hườm hườm rồi hít hà, xuýt xoa không ốt dột hay cảm thấy ngụy tặc chút mô cả rồi trầm trầm nói: “răng mà ngon rứa thê !” Một đặc thù mà tôi chú trọng để đề cập trong bài bút khảo này là khuynh hướng cha me ở Huế thường đặt tên cho những con gái là đa số dùng tên đôi, tên kép gồm hai chữ ghép lại ở Huế phải chăng đã nhiều hơn các nơi khác ở Việt nam? Ví dụ điển hình cụ thể là lấy hình chụp của các bà học sinh lớp đệ nhất niên Đồng Khánh 1936 – 1937 đăng trong tập san Tiếng Sông Hương 1988 của anh luật sư Lê chí Thảo thì có tổng cọng 30 người (gồm bà giáo Rérat và 29 nữ học sinh) thì tôi chọn ra được 16 tên kép nghĩa là 55% đứt đuôi nòng nọc rồi như: Thu Cúc, Đào Nguyên, Vân Huyền, Xuân Diễn, Túy Nhạn, Tố Tâm, Phương Lan, Diệm Nga, Thoại Ba, Cẩm Lai, Kim Phụng, Thánh Tín, Tâm Thành, Diệm Song, Phú Xuân, Phương Thảo; kỳ dư là 13 tên chiếc một chữ như Tùng, Hựu, Đỏ, Cam, Hy, Sung, Oai, Phú, Tảng, Ngà, Du, Hường, Trai. Một ví dụ khác dựa vào Tuyển Tập nhóm Phượng vỹ “Kỷ niệm 80 năm trường Đồng Khánh”, trên hình ảnh của 11 vị Hiệu trưởng của trường này từ 1945 - 1975, tôi thấy 6 vị có tên đôi là Đào T. Xuân Yến, Đặng Tống Tịnh Nhơn, Tôn nữ Thanh Cầm, Thân thị Giáng Châu, Lê thị Tường Loan, Phan thị Bích Đào, nghĩa là cũng 55% chớ bộ dỡn sao. Còn trong 52 hình ảnh của những vị nữ giáo sư Đồng khánh trong cùng một thời gian, tôi điểm ra được 40 vị sau có tên đôi: Diệu Liễu, Hoa Diên, Nhân Đức, Giáng Châu, Hỷ Khương, Như Kha, Từ Nguyên, Thanh Tâm, Đạp Thanh, Kim Chi, Quỳnh Diêu, Khánh Tịnh, Như Lê, Vân Trà, Ngọc Thạch, Kim Anh, Mỹ Trang, A Trang, Phạm thị Hoàng Oanh, Nguyễn thị Hoàng Oanh, Quế Hương, Mộng Hà, Thu Cúc, Ngọc Khuê, Bách Diệp, Tiểu Bích, Như Quý, Thúy Nga, Ngọc Mỹ, Phương Chi, Tuyết Mai, Bạch Tuyết, Tuyết Anh, Thanh Thu, Quỳnh Chi, P.N. Đông Hải, Mộng Hoàn, Marybeth Thanh Mai, Thanh Ngọc, Chi Điền, Bạch Hạc. 40/ 52 là tròm trèm 77%, thật là một vườn hoa của những mỹ danh đôi. Một đặc thù cần nêu ra khác nữa là tên đôi con gái Huế đặt ít khi trùng hợp với những tên đôi thông dụng quen nghe ở những nơi ngoài Bắc hay trong Nam, ví dụ trong bài Vùng Kỷ niệm của bà Hạnh Nhơn trong tập san Quốc học & Đồng Khánh Nam California 1999, tôi nhặt ra những tên: Nhân Lý, Kiều Miên, Lan Huê, Diên Hy, Tiên Nhạn, Như Miên, Bích Sen, Việt Thường; trong bài Nhớ hoài ngàn năm của Công tằng Tôn nữ Tri Túc, tôi cũng lượm ra hai tên ít nghe là Phạm thị Thứ Vọng, Trần thị Hà Long, Tôn nữ Cẩm Bàn. Riêng cá nhân tôi, thử vận dụng trí nhớ, tôi cũng moi ra bộn bề biết bao là những cái tên đôi đặc biệt, chẳng hạn như Mộng Thu, Đạm Phương, Nhân đức, Tuyết Lê, Anh Lạc, Mộng Nhiên, Túy Thiện, Thương Túy, Thanh Lô, Thanh Hoài, Hồng Vinh, Trà Mi, Diệm Mi, Nga Mi, Dã Thảo, Miên Hoa, Như Ngộ, Diệu Hồi, Diệu Phước, Diệu Sâm, Diệu Hạnh, Diệu Điền, Diệu Cầm, Kim Soa, Thu Sương, Thiều Anh, Lạc Nhân, Hồng Tuyến, Dạ Khê, Lai Hồng, Bạch Trĩ, Tâm Thường, Khánh Trợ, Phùng Mai, Bội Lan, Bội Ngọc, TN Thượng Khanh … Ít khi trong Nam ngoài Bắc, có những tên tương tự, đúng không nà, bà con mình hỉ? Trước hết, nói chung về cái tên con gái đàn bà Việt nam, thì đã kể từ đầu thế kỷ này, ta đã giảm dần tục trọng nam khinh nữ không còn như sử sách xưa chép về những danh nhân chỉ nói mẹ là người thuộc họ Bùi (Bùi thị), hay vợ là người thuộc họ Nguyễn (Nguyễn thị), kê họ ra mà không bao giờ nói rõ tên. Đã qua lâu rồi cái thời mà trên giấy tờ hay văn kiện, phái nữ bị gọi xách mé chung là “ y thị”, do đó phải chăng hiện nay cái chữ “ thị” có khuynh hướng bị cắt đi như là một tàn tích cổ hủ vậy vì nó vô tình bị đàm tiếu là “thị mẹt”! Phái nữ Việt Nam bắt đầu có tính cách pháp nhân trong xã hội giống phái nam ngày xưa có tên ghi vào sổ đinh để thi hành nghĩa vụ với làng nước. Tôi nghĩ trước đây ở Huế cũng giống như các nơi khác, khi con gái còn bé mặc quần xẻ đũng vì còn đái mế, trong gia đình, họ vẫn có thể mang những tên tục, xấu hái như hĩm, hến, gái, cũn, lọ, vá, tẹt, tôm, tép… của lớp người bình dân quê mùa hay những tên thông tục nôm na thân mật dễ thương “gọi chơi “ở nhà: ví dụ theo thứ tự sanh ra thì Chút chị, Chút em, Chút xí; hoặc theo nghề nghiệp gia truyền như tấm, cám, hẻo, the, lụa, lượt, là…( tên hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhì vì sanh ở làng chuyên nghề tằm tơ quen gọi “kén chắc, kén nhì”) ; hoặc giả đặt tên dính liền với một kỷ niệm nào đó ( ví dụ như tên “ Út chòi” mà một vị hưu quan đặt cho con gái út mà vợ ông mắc rặn đẻ khi ông vừa ăn một ván bài chòi ngon lành vào ngày Tết). Các vua nhà Nguyễn khi còn bé cũng có tên gọi chơi như Mệ Tríu (Dục Đức), Mệ Mến (Hiệp Hòa), MệVững( Bảo Đại), và bà Từ cung húy là Hoàng thị Cúc nhưng tên tục là Khế hồi nhỏ ở Mỹ lợi nên sau này trong Nội gọi cữ trái khế là“trái khến”.Nhưng thông thường, khi mà các con gái đến tuổi đi học, cha mẹ ở tỉnh thành cũng thường đặt cho những tên nếu không hay ho thì ít ra cũng nghe được, tùy theo trình độ văn hóa gia đình. Có nhiều lối đặt tên ví dụ như có vần miệng hay tiếp ý nghĩa với tên cha mẹ hay anh chị em như mẹ tên Lê, con có thể là Đào, Lựu, hay Lý; chị Bưởi thì em Bòng. Hoặc là đặt tên theo bộ sậu của các anh chị em theo thứ tự năm sanh với tên 12 con giáp, hoặc theo những điều chúc phúc Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh; hay theo tên thảo mộc quí như Tùng, Bách, Trúc, Mai, Quế, Hòe, Cúc, Liên; các tên chim như Phượng, Yến, Nhạn, Thước hay tên các thứ quí kim, bảo ngọc như Kim, Ngân, Ngọc, Quỳnh, Dao, Bích.. Một điều tôi xin thưa rõ ràng là tôi nghĩ mọi người đều đồng ý rằng không nhất thiết chỉ có tên đôi, tên kép mới có ý nghĩa và đẹp, mà những cái tên đơn cũng ý nghĩa và đẹp không kém, ngoài ra chúng lại mang một ý nghĩa gọn gàng, tiêu biểu dứt khoát, khẳng định nữa, vì cũng có một số người cho rằng những tên đôi dài lê thê , chung qui là vấn đề sở thích. Tôi thiết nghĩ cũng nhiều người muốn đặt tên con đểù chuyên chở một ý nghĩa cao đẹp, tao nhã nhưng lại thận trọng, khiêm tốn và dè dặt sợ rằng con mình không đủ tư cách đáp lại điều mơ ước của mình khiến thiên hạ đàm tiếu. Hoặc giả họ cũng nơm nớp kiêng cữ những cái tên “hoa nguyệt” hoặc những tên quá diễm tuyệt, sắc sảo, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh sợ rằng nó vận vào số mệnh “hồng nhan đa truân”. Đương nhiên, cũng có người ít học mới giàu nổi nhưng học làm sang không cần hiểu ý nghĩa thâm thúy của chữ nghĩa mà chỉ cốt kiếm cái cầu kỳ về âm thanh du dương hài hòa của những cái tên hay đẹp nhưng rỗng tuếch, nghĩ cũng thật thương hại cho cái thói rởm trong đời. Chọn những tên đơn một chữ đã khó thay, huống hồ chi chọn những tên kép, tên đôi. Ngoài Bắc trong Nam, - nhất là cái xứ Bắc hà ngàn năm văn vật – nói nào ngay cũng không thiếu gì phụ nữ mang tên đôi tên kép mỹ miều, ý nghĩa, dựa vào điển tích Nho học sâu xa, nhưng tôi chỉ xin nói đến những tên nghe được ở Thừa thiên – Huế thôi. Trong bút khảo này, tôi chỉ nêu ra những tên con gái Huế theo giấy tờ khai sinh chứ không nói đến những tên, hay bút hiệu, bút danh mà vài cô, bà tự chọn về sau khi ra đời, lúc bấy giờ thì họ tha hồ, tự do hơn, không những tên hai chữ mà còn ba bốn chữ, để nói cái sở nguyện của bản thân. Khi còn nhỏ đi học, đặt tên ba bốn chữ thường rườm rà, gọi điểm danh không gọn mà viết ra còn choáng cột, nên rất dị òm, khiến bạn dễ chòng ghẹo. Muốn khảo sát, nghiên cứu về lối đặt tên, tôi nghĩ ta không những thống kê phải theo thứ tự vần A, B,C, theo bộ loại về ý nghĩa mà còn phải điều tra về gia đình, gia cảnh, gia phong của những tên liên hệ. Ví dụ như ta thấy vài cung cách hay khuynh hướng đặt tên sau: Chữ Diệu thường là của giòng họ Nguyễn-khoa, chữ Như của giòng Hà-thúc ở La chữ, chữ Diệm của giòng họ Lê văn ở Kim long, chữ Hồng của gia đình họ Võ ở An ninh thượng, chữ Ngọc trong gia đình Lê khắc …Ta cũng nên điều tra thử coi những chữ như Diệu, Tâm, Tịnh, Như , Ngộ có phải thuộc gia đình sùng Phật giáo không? Những chữ Mi có phải là đặc biệt riêng cho gia đình một thuở có con gái đẹp ở đường Hàng Me không? Đối với những gia đình hoàng phái thì sự điều tra còn xoáy vô gia phả tìm hiểu về thế hệ tiền hay hậu biên, chánh hệ hay phiên hệ, về thơ văn sáng tác vì liên hệ đến cách thức đặt tên theo các bộ Hán tự, theo những bài thi làm ra gồm những chữ cho từng thế hệ thuộc nam hay nữ. Còn những gia đình nổi tiếng khoa bảng, hay thi xã, thi đàn thì nhiều khi tên đặt mang một điển tích cổ hay lấy ý từ một bài thi phú ngày xưa. Thường khi điều tra thì có vẻ tọc mạch, nhưng cũng mang lại nhiều điều thú vị, bổ ích cho sự nghiên cứu nghiêm túc mà tôi nghĩ chưa có thể làm được vì thiếu dữ kiện. Những người đầy đủ tư cách làm công việc nghiên cứu đặc biệt về tên những cái tên học trò là những thày giáo, cô giáo nhiều năm ở Huế. Ngoài yếu tố gia đình cục bộ, người nghiên cứu phải chăng cần phân tách những yếu tố xã hội trong khung cảnh lịch sử, địa lý và nhân văn: Vùng đất cố đô Huế văn vật, thơ mộng hữu tình đã mang một sự tương phản về sắc thái là quá chật hẹp về diện tích không gian đất đai kẹp giữa chân núi và cửa biển, nhưng lại có một chiều dày về kích thước thời gian về lịch sử và văn hóa Nho giáo trong 9 đời chúa, 13 đời vua từ mấy trăm năm. Nơi đây đã từng là chốn tụ hội thi tài của bao nhiêu sĩ tử ngoài Bắc trong Nam đổ về để thi hương, thi hội, thi đình. Nơi đây đã từng là nơi vãng lai của những tao nhân, mặc khách, nơi có những thi xã, thi đàn, có Văn miếu, có Quốc tử giám, có cơ quan Lục Bộ làm việc của các quan lại, nhất là có triều đình Hoàng đế, có Tôn nhơn phủ với nhiều phủ đệ ông hoàng bà chúa kín cổng cao tường, có lăng tẩm với những bà cung tần nhang khói. Những yếu tố trên phải chăng giải thích cung cách đặc biệt cũa những nàng gái Huế cổ truyền mơ mộng, trang nghiêm, trầm lặng đi ra ngoài bao giờ cũng mặc áo dài và đội nón lá dù trời im nắng: Người xứ Huế yêu thơ và nhạc lễ Dân số của Tôn Nhơn phủ Huế cũng theo thời gian mà gia tăng nên hình ảnh của phái nữ hoàng phái đương nhiên phải lọt vào thơ văn, nói lên ít nhiều cái cung cách phủ đệ quí phái vang bóng một thủa vàng son: Gió cầu vương áo nàng tôn nữ Đất Huế trong một thuở huy hoàng trước đây được các tao nhân mặc khách cho đồng hóa với ý niệm Đẹp và Thơ, nên chúng ta không nên ngỡ ngàng nhìn hình ảnh “thăng hoa” của một mỹ nhân công chúa đất Thần kinh trong lời thơ chải chuốt óng ả của Vũ Hoàng Chương trích trong tập “ Mây” : Bồng bềnh mun chảy óng lưng thon, Công chúa – là đây mộng ngự thuyền, Môi chĩu mùa nho ngọt ý hương Kề song nguyệt chếch ngủ chung giường Và ngay một cô lái đò bình dân ở Huế với chiếc áo dài và vành nón cũng trở thành “yểu điệu” dưới mắt của người thơ: Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng Còn đối với những nàng con gái con nhà hay dân thường cắp sách đi học nhất là học tại trường École des Jeunes Filles hay tại Đồng Khánh là ngôi trường Nữ Trung học lớn nhất nước mở ra từ năm 1917, họ đương nhiên là mang truyền thống “ yêu Thơ và Nhạc, Lễ”. Lễ là cái trật tự bên ngoài, còn Nhạc là trật tự bên trong. Chính vì sự tôn trọng cái truyền thống ám tàng thầm lặng về tinh thần chuộng “yêu Thơ và Nhạc, Lễ” đã khiến các bậc cha mẹ của cái xứ văn vật thường kỹ lưỡng trong sự đặt tên, không nhất thiết phải kiều diễm, du dương nhưng ít ra nghe cũng thanh tao, nhũn nhặn, gói ghém cái đẹp ý nghĩa về tinh thần hơn là về thể chất. Phần lớn các vị nếu không phải là những vị hưu quan cựu khoa bảng thuộc Nam triều, những gia đình hoàng phái, tôn thất “tiếng cả nhưng nhà thanh”, những vị hàn nho từng lẽo đẽo trường ốc một thời, thì ít ra họ cũng thuộc giới trung lưu công tư chức trong ngạch hành chánh mới nhưng còn chuộng cái đẹp của nền cựu học. Đại khái nếu ta nhận xét chung chung về những tên đôi của phụ nữ xứ Huế một thời trước đây, tuy ta không hoàn toàn hiểu cặn kẽ cái ý nghĩa uyên áo ẩn tàng được gói ghém trong những từ ngữ chữ nho thì ta cũng cảm nhận cái thông điệp ca tụng cái nề nếp Công, Ngôn, Dung, Hạnh cho người con gái hay tinh thần chuộng cái đẹp thanh nhã, nhàn tản trong cảnh vật thiên nhiên của người xưa. Tôi còn nhớ câu nói về tiêu chuẩn lý tưởng về tư cách của một phụ nữ Huế là “ thô cũng đặng, mà thanh cũng hay”, ở nhà khi cần thì xốc vác, đảm đang chuyện nhà cực nhọc như gánh nước, chẻ củi, bếp núc lọ lem, ra ngoài thì áo nón chỉnh tề, đi đứng ý tứ, nói năng lễ độ, họp bạn thì ít nhiều cũng góp tiếng ngâm thơ đàn hát. Phải chăng lý tưởng này cũng đã phản ánh qua nhiều cái tên cho phái nữ mà các cụ muốn gửi gắm tâm nguyện dạy hai chữ “thanh thô” hay “ nhạc lễ“ cho các con gái sau này về làm vợ, làm dâu? Bản thân tôi thì học hỏi ăn đong chữ Hán nhưng cũng mù mờ hiểu tên Minh Đức hay Tri Túc là lấy từ câu trong sách xưa về đạo tu thân như Tại minh minh đức, hay Tri túc tiện túc hà thời túc…hay Thứ Vọng nói lên cái ước nguyện sống hài hoà trong tinh thần hỉ xả tha thứ với tha nhân; Túy Thiện phải chăng là mê say điều thiện hảo. Cái tên Hồng Nghê phải chăng là cái mầu hồng trên cái cầu vồng mà vị thâm nho thích ngắm nhìn khi trời mới tạnh mưa với con mắt nghệ sĩ? Nghe nói ở Huế có gia đình lấy chữ Nghê đặt cho những o con gái của mình? Cái tên Đạp thanh (dẵm lên cỏ xanh non) rõ ràng nói đến sự du xuân chạp mộ vào tiết Thanh minh trên núi Ngự. Tên Miên Hoa phải chăng đặt ra là để ghi lại kỷ niệm của mùa bông gòn nở…. Qua việc tìm hiểu cách đặt tên, tôi lại cơ duyên đặc biệt hiểu thêm nhiều điều lý thú, ví dụ như chữ Diệu nhuốm màu Phật pháp của đại đa số cô gái giòng Nguyễn-khoa ở Huế! Tôi chỉ nói là “đại đa số” thôi, ví dụ như bà Bội Lan ( con gái cụ Nguyễn khoa Vy), các bà Phương Dung, Phương Mai con gái của cụ Nguyễn khoa Du, họ không còn Diệu nữa! Ngược lại, cũng có một số bà giòng họ khác thích chọn chữ Diệu như Diệu Nhơn, Diệu Ngãi, Diệu Lễ (em ruột b/s Quyến ?). Vọng tộc Nguyễn khoa ở Huế nguyên thủy là họ Nguyễn–đình có tổ quán là làng Trạm Bạc, tỉnh Hải dương ngoài Bắc nhưng theo chúa Nguyễn Hoàng mà vào Nam và sau đó cải thành họ Nguyễn–khoa. Giòng Nguyễn-khoa có ông Nguyễn khoa Đăng chức Nội tán là vị danh nhân cóø công nghiệp dẹp giặc cướp tại truông nhà Hồ nên được dân gian ca tụng trong câu ca dao: Nhớ em, anh cũng muốn vô, Họ Nguyễn khoa là một giòng họ có truyền thống rất sùng đạo Phật, ưa xây chùa lấy công đức , thích vun xới phước điền như ông Nguyễn khoa Thuyên tước Hiến chương hầu khi về hưu lập Long Quang tự tại Vĩnh long mà tu. Trước khi về hưu tại Vĩnh long, ông đã lập một cảnh chùa tại Bình định là chùa Linh Phong mà dân địa phương quen gọi là Chùa Ông núi. Riêng đặc biệt ở Huế vùng Tây thượng có chùa Ba la mật do ông Án sát Nguyễn khoa Luận khai sơn và tu trụ trì với pháp danh là Viên giác thuộc đời thứ 41 dòng Thiếu lâm tế ở Việt nam, đệ tử của ông về sau là sư Viên thành và sư Thích Trí thủ. Về sau, lại có ông thượng thư bộ Hộ là Nguyễn khoa Tân từng làm chánh hội trưởng hội Phật học miền Trung và ông thượng thư bộ Kinh tế là Nguyễn khoa Kỳ lập chùa An lạc dưới chân núi Ngự bình. Lại có ông Nguyễn khoa Toàn, chữ nghĩa thông thái, vẽ đẹp , đàn hay chưa đủ lại còn kiêm tài nắn pho tượng Phật tại chùa Từ đàm nữa. Đi tu tức là như vun xới khu đất phước đức cho con cháu, và hạnh bố thí cho chúng nhân nên ta không lấy làm lạ tại sao trong dòng Nguyễn khoa có những tên Diệu Phước, Diệu Hạnh, Diệu Điền… Cũng trong việc tìm hiểu về tên, tôi lại gặp tên Như Ngộ cũng rất nhuốm màu Phật pháp vì “ngộ” tức là tỉnh ngộ, thoát khỏi u mê còn “như”thì nhắc tôi nhớ câu thơ đầu của cuốn sự tích của Phật bà Quan âm Hương tích nguyên là Chúa ba Diệu Thiện là “ Chân như đạo Phật rất mầu, Báo ân chữ Hiếu, niệm đầu chữ Tâm”. Nhưng câu chuyện lại khá trớ trêu, ly kỳ ở Huế thì cái tên Nguyễn thị Như Ngộ là tên người em gái cùng cha khác mẹ với linh mục Nguyễn Hy Thích, tự là Sảng đình tức là cha J.M. Thích dạy tại trường Quốc học mà chúng tôi rất kính thương. Cha Thích là con thứ hai của cụ Thượng thư Nguyễn văn Mại, hiệu là Lô giang Tiểu Cao, người làng Niêm phò hay Kẻ Lừ, tỉnh Thừa thiên; cụ Mại rất đông con, cả thẩy đến 25 người, con trai đều có tên lót chư HY cả. Cái tên tự Sảng đình của cha Thích phải chăng là ngôi đình ngồi hứng mát trên đỉnh núi Túy vân có ngôi chùa cổ nằm quấn quít với mây trời ở gần làng Mỹ lợi,huyện Phú lộc? Ngồi ở Sảng đình, tao nhân mặc khách có thể nghe vọng lại tiếng sóng biển Đông từ chân núi vọng lên, vừa tạo hồn thơ, vừa thoát tục. Tên Sảng đình khiến ta nhớ tới bài tuyệt cú của Tùng thiện vương làm lúc lâm chung, thắm đượm mùi Thiền: Bán sinh học đạo thái hồ đồ (Học đạo nửa đời thật viển vông! Gia đình cụ Mại vốn theo Phật giáo thuần thành nên cái tên Như Ngộ vốn là tên mà sư của chùa Tam Thai chọn đặt cho người em gái của cha Thích khi bà mới chào đời năm 1902. Cha Thích tự ý theo Công giáo và sau lại đi tu làm linh mục làmột chuyện rất trái nghịch với truyền thống gia đình. Người ta kể rằng khi cha còn tu ở tiểu chủng viện Cửa Tùng ở Quảng trị lúc 26 tuổi, một bữa cha về thăm gia đình cụ Mại bấy giờ làm việc ở Qui nhơn, bị cha mẹ ngăn cấm trở về nhà tu, nên cho người đón đường bắt về, nhưng cha đã cải trang thành con gái mà đi thoát ra nhà ga mua vé về lại Quảng trị. Về sau, bà em là Nguyễn thị Như Ngộ cũng chịu ảnh hưởng người anh cũng đòi đi tu khiến gia đình một phen lại ngăn cấm khiến bà phải trốn vô tu tại giòng tu kín Carmel ở Kim Long. Nghe đâu hai cụ ông và bà Thượng Mại đã đến nhà tu trách mắng, yêu cầu trả lại con và còn đích thân lôi con gái vế nhà, nhưng bà Như Ngộ (sau bèn cải ra là Nguyễn thị Ngọc) đã khóc lóc nằm trì xuống đất nên hai cụ cũng đành chịu thua. Bà này sau lấy tên dòng tu là Marie de l’Eucharistie năm 1921…Về sau, khi cụ Thượng Mại qua đời vào năm 1945 lúc 87 tuổi lại được chính cha Thích rửa tội cùng một lần với cụ bà mẫu thân thuộc giòng vọng tộc Thân trọng. Tôi nghĩ rằng thuở trước đây hồi Nho giáo còn thịnh thì mỗi cái tên mà gia đình nào đặt cho con, không ít thì nhiều cũng có một sự tích hay liên quan đến một qui cách chữ nghĩa nào đó hay một kỷ niệm riêng tư nào đó. Cái tên Giáng Châu – viên ngọc trời cao ban xuống – chính là trái măng cụt trong Nam đem ra di thực ở Huế trồng ở sơn lăng. Vua Minh Mạng rất ưa ăn nên đã ban cho cái ngự danh “ giáng châu tử” (Đại Nam nhất thống chí- Phủ thừa Thiên). Nhà vua nguyên đẻ ra là dân Nam vì sanh tại Sàigòn phường Tân Lộc hay tại góc hai đường Lê quí Đôn và Trần Quí Cáp sau này. Nhà vua rất mê ăn canh chua nên cũng đem trái tầm duộc trong Nam ra trồng và cũng ban cho ngự danh là “ Thanh Châu tử” và làm thơ ca tụng trái tầm duộc với bài “ Vịnh Thanh Châu tử” trong tập Minh Mạng thánh chế”. Sở dĩ gọi là “Thanh châu” –viên ngọc trai xanh” vì tầm duộc lúc chín vẫn giữ màu xanh. Còn quí bạn biết không, cái mỹ danh “Nam Trân” (hình như là phương danh của một vị phụ nữ giòng Thân trọng) chính là trái lòn bon mà vua này cũng khoái, bắt đem trồng ở sơn lăng. Nghe chuyện vua Minh mạng với mấy thứ trái giáng châu, nam trân, thanh châu, xin bà con đừng nhễu nước miếng. Tầm duộc nấu canh chua với cá lóc ngon lắm, mà cá lóc, cá tràu thì theo Đại Nam nhất thống chí cũng là trong Nam đem ra ngoài Huế chứ mô nữa! Theo kỹ sư Tôn thất Trình, quít Hương cần, mía Mỹ lợi cũng thảo mộc gốc Nam kỳ di thực. Vợ của vua Minh Mạng cũng dân Nam nhũ danh Hồ thị Hoa, con gái ông Hồ văn Vui người làng Thủ đức. Cái tên nôm “ Vui” viết theo chữ nho là Bôi, làm tôi nhớ đến cách nói trại ở Huế như “ thời cơm chơi ba hột cho bui hỉ!” Bà phi Hồ thị Hoa hiền thục, hiếu kính nên đẹp lòng vua cha Gia long nên được khen và cải tên rằng: Phi nguyên tên là Hoa, hoa thì chỉ nghe thơm mà thôi, chi bằng chử Thật ( nghĩa là cái hột trái ) là gồm có quả Phúc. Bà Hoa sanh ra hoàng tử Miên (sau là vua Thiệu trị), sanh mới 13 ngày thì bị sản hậu mà chết lúc bà mới 17 tuổi khiến hoàng gia thương tiếc vô cùng. Do đó hai cái tên Hoa và Thật trở thành tên húy kỵ nên ở Huế thường nói là huê, bông, ba,thiệt như những cái tên Lan Huê (con gái của cụ Tôn thất Quảng và là em của thầy Tôn thất Hanh trường Quốc học), chợ Đông ba, tiệm chụp bóng Thanh ba, kết bông kết ba đám cưới thiệt đẹp, ăn nói thiệt thà! Quí bạn có biết chỉ riêng cái tên húy một chữ là HOA cũng là cầu kỳ lấy ý từ bốn chữ cổ văn là “ Đặc dĩ phương văn” ( cốt để truyền hương thơm). Chưa hết, lúc bà Hồ thị Hoa chết sản hậu, đứa con mới sanh ra 13 ngày - sau này là vua Thiệu trị - cứ khóc riết ngày đêm nên được ông nội Gia long đến thăm và cho rằng còn nhỏ xíu mà biết thương mẹ như vậy thì lớn lên sẽ là con hiếu nên đặt cho là DUNG. Sau này, bà Từ Dũ – mẹ vua Tự Đức – cũng là dân Gò công, nên cũng đem vài thứ sản vật trong Nam ra Huế ví dụ như cá thác lác thịt làm chả rất ngon đem thả nuôi ở Huế, nên ở Huế có địa danh “ Cống Thác lác” (đọc trại ra là phát lác) qua khỏi Quẹo Dầng Xay gần cánh đồng trồng lúa de An cựu. Bà Từ dũ đã nhờ ông cậu Miên Thẩm (Tùng thiện vương) chăm sóc dùm hai thứ ngon miền Nam là “ trái Giáng Châu” và cá thác lác đểø các vua chúa trong cung nội dùng ngự thiện hay nói theo cung cách ngôn ngữ Huế thanh bai thông dụng là “ thời” vậy. Lý do là Tùng thiện vương đã xin mua 12 mẫu tự đìền để cất nhà gọi là Phương thôn thảo đường (nhà tranh ở xóm dậy mùi hương) và đào ao dẫn nước gọi là Hoàng tử pha (ao của con trai vua), trên ao có giường tre ngồi uống rượu ngâm thơ còn dưới ao thì thả cá chỉ việc vớt lên làm đồ nhắm, thiệt là thú vị. Nhân đây tôi cũng đôi khi thắc mắc về chính tả chính xác của vài tên như Bách diệp hay Bạch diệp. Bách diệp nghĩa là “ trăm lá” không biết dựa theo một điển cố văn thơ nào nhưng khiến vài kẻ tinh nghịch gọi lái là “ tra lắm!”. Còn nếu là Bạch diệp (lá trắng) thì khiến tôi nhớ lại câu ca dao: Hồ Tịnh tâm giàu sen bạch diệp! Sen Bạch diệp chắc là một giống sen quí, cánh trắng muốt quen gọi là Bạch Liên. Hay là loài sen Bách diệp có rất nhiều cánh nào đó đã được tiến kinh trồng đặc biệt cho nhà vua ngự trà hay lấy hột nấu chè hột sen bọc nhãn, hay dùng ngó sen nhồi đậu xanh trong những món bổ ngự thiện. Chuyện sen hồ Tịnh nhắc ta nhớ đến chuyện tương truyền các cung tần vào mùa hạ chèo xuồng nan để nhét trà trong những búp sen mà ướp qua đêm rồi sáng tinh sương hôm sau lại chèo ra lấy thu hoạch trà đồng thời hứng những giọt sương long lanh đọng trên tàu lá sen làm nước pha trà! Thôi mà gọi là Bách hay Bạch diệp chi cũng đặng cả vì cốt nghe để mà tưởng tượng đến cái hậu vị ngon tuyệt vời của chén ngự trà thơm ngát hương sen! Vua Minh Mạng cũng khoái bông sen lắm nên năm Minh mạng thứ 17 ngài cho khắc hình bông sen trên Nhân đỉnh trong Thế Miếu. Người ta phải phục nhà vua này vừa biết “ăn” vưà biết“chơi” thiệt đúng nghĩa yêu đương! Nói chuyện vua, xin nói qua chuyện dân về cái lối đặt tên con. Tôi có một ông bạn vong niên đặt tên con là Lạc thư. Mới nghe, tôi ngỡ anh thích nghiên cứu kinh Dịch với Hà đồ, Lạc thư. Ai ngờ lại khác hẳn, anh là loại mê đọc sách nên Lạc thư có nghĩa là tìm cái vui trong thú đọc sách! Khuôn khổ giấy không cho tôi bút khảo dông dài. Tôi chỉ nêu lên vài đặc thù cũng như về vài sự tích quanh những cái tên gọi ở cái đất Thần kinh cổ kính mà tôi có dịp lượm lặt. Điều này không có nghĩa là những tên phụ nữ Việt Nam ở ngoài Bắc hay trong Nam, kém hay, kém đẹp và không có những nét đặc thù và ý nghĩa riêng biệt đáng nghiên cứu đâu! Phụ nữ ở đâu cũng một vưu vật của vũ trụ cả. Nhìn chung, than ôi, chúng ta là những kẻ hậu sinh trong một giai đoạn lịch sử đã xoay chiều, đối với cái chiều dầy của nền văn học cũ uyên áo thâm thúy thì chúng ta đành thú nhận là dốt nát khi tìm hiểu toàn bộ những cái tên của những phụ nữ Việt nam – trong đó xứ Huế đã đóng góp một phần đáng kể trong một thuở nào? Phải chăng đó là những thông điệp bằng ngôn từ chúc nguyện hay giáo dục về trau dồi đức hạnh cùng là quan niệm nghệ thuật trang nhã được cô đọng gửi gắm cho lũ con đàn cháu mà những bậc sinh thành muốn truyền đạt để chúng noi theo dựa vào thuyết chính danh. Riêng ở Huế, những cái tên thâm thúy hay đẹp đặt ra kể từ thập niên 50-60 về trước, dần mai một, một loại“trân quí đang bị thất truyền” (endangered species!) về văn hóa vì cái dư vị Nho học, cái cung cách Huế thuần túy phai lạt hay tắt ngúm với sự ra đi vĩnh viễn của các ôn, các mệ thâm nho rồi. Trong bài này, tôi đã mạn phép kể ra nhiều phương danh mỹ tự của nhưng vị phụ nữ ở Huế mà tôi hoặc là qua trí nhớ hoặc là trích dẫn từ các tuyển tập, đặc san về Huế với mục đích thuần túy biên khảo. Có thể tôi đã phạm những sơ sót, sai lầm vô tình về chính tả hay lời giải thích này kia nên tôi chân thành mong quí vị hoan hỉ chỉ giáo hay nhuận chính, hay góp ý, bổ túc hay cung cấp những tài liệu cụ thể. Xin muôn vàn đa tạ. |