Sự Khác Biệt Giữa HÁN NHO và VIỆT NHO |
Tác Giả: Đông Lan |
Chúa Nhật, 04 Tháng 10 Năm 2009 21:55 |
Từ trước tới nay, ta thường chỉ căn cứ vào những sách của Tàu , và chỉ xét Tàu từ thời Tần, Hán trở đi, với lãnh thổ rộng lớn, dân cư đông đúc, nên sự ngộ nhận có tới hàng nhiều ngàn năm, rằng Tàu là “Trung Quốc”( nước ở giữa, chung quanh là chư hầu) như họ tự phong, và Nho giáo có nguồn gốc ở bên Tàu. Nhất là với Tây Âu thì không mấy người biết về Nho, mà chỉ đồng hoá Nho với Khổng Tử, Nho là “Confucianism”. Nhưng trước những công trình vô tư của khoa học liên ngành khảo cổ, di truyền, nhân chủng, hải dương…ngày hôm nay, thì những kiến thức trên bị coi là xưa cũ, không đúng với sự thực. Cũng như, với công trình nghiên cứu nghiêm túc một đời người với 32 tác phẩm triết học ,Triết gia Kim Định đã xác tín Nho Giáo đã có từ rất lâu, trước khi Tàu lập quốc, trước khi có một dân tộc là Tàu xuất hiện. Nho xuất phát từ thời khuyết sử và gồm có bốn giai đoạn: Một là Hoàng Nho thuộc Tam Hòang từ 4480-3080 trước Tây Lịch. Hai là Di Nho từ vua Thuấn 2255 – vua Vũ 2205 trước T.L. Ba là Việt Nho hay Nguyên Nho lối Xuân Thu 821 trước T.L. Nội dung Việt Nho được Khổng Tử công thức hóa thành Ngũ Kinh của Nho giáo. Bốn là Hán Nho cũng là Khổng Giáo từ nhà Chu 1122 trước T.L. nhưng bị sa đoạ với sự xuyên tạc của nhà Hán. Hoàng Nho là Nho của Tam Hoàng: Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông. Nho đợt này được chứa đựng trong bốn loại sách gọi là : Tam Phần, Ngũ Điển, Bát Sách, Cửu Khâu. Đời nhà Chu (1122-225 trước T.L.) có đặt chức quan” ngoại sử”, để coi về bộ sách cổ xưa này.( Chu Lễ, chương Xuân Quan Tông Bá, Tiết Ngoại Sử). Họ gọi là ngoại sử vì những sách đó có trước khi có nước và dân Tàu. Có lẽ chính vì không phải là kinh sử của họ ( nội sử), nên sử sách Tàu chỉ truyền lại một cách mơ hồ rằng nhà Chu đã “để mất” các cổ thư này. Cũng như làm người sau quên dần dòng văn hoá Hoàng Nho và họ chỉ còn tính lịch sử từ Hoàng Đế 2696 trước T.L. trở lên Thần Nông là 2737 trước T.L. , Phục Hy 2852 trước T.L. Phần Hoàng Nho này, đã là nền tảng của Nho mà sau này Khổng An Quốc ( Cháu nội 12 đời của Khổng Tử)trong bài tựa Kinh Thư gọi là “Đại Đạo”.( Hoàng Nho chi Đại Đạo dã) Thật ra những niên hiệu này do Tàu đặt ra sai với sự thực lịch sử, trái với những tin mới nhất về khảo cổ.Nền văn minh lúa nước Hoà Bình của người Việt cổ đã có ít nhất 10 ngàn năm, thì Thần Nông người thuần phục cây lúa cũng phải có từ thời xa xưa này. Cho nên niên hiệu lưu truyền trên về Hoàng Nho là bớt xa sự thực nhất. Đợt Tổ thứ hai là Nghiêu Thuấn. Sách Trung Dung chương 30 viết:” Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn hiến chương Văn Vũ”( Trọng Ni- tên Khổng Tử- thuật lại đạo của ông tổ mình là Nghiêu ,Thuấn, còn hiến chương thì theo vua Văn, vua Vũ.) Thế mà, trong sách Mạnh Tử ( Ly Lâu Hạ ) đề cập đến nguồn gốc của vua Thuấn và vua Văn Vương lại chính là người Man Di ( trích dẫn phần sau) .Vì thế, ta có thể gọi thời này là DI NHO, tức là Nho của dòng tộc Man Di.Xin lưu ý từ Man Di là chỉ tên của chủng tộc Man và Di , còn gọi chung là Tứ Di - từ thời Chiến quốc thì có tên là Bách Việt - hoàn toàn không có ý nghiã xấu xa “mọi rợ” như từ sau này do người Trung Hoa cố tình bôi bác. Chính bậc Vương giả vẫn xưng mình là Man Di. Triệu Đà khi làm vua Nam Việt xưng là “Đại Tù Trưởng Man Di”.Hùng Địch nước Sở năm 887 trước T.L.khước từ tước hiệu nhà Chu tặng, lấy lý do Man Kinh( tên cũ của nước Sở) ít ra cũng ngang hàng với nhà Chu, nên không thèm nhận chức tước nhà Chu. Hán Vũ Đế khi mới lên ngôi còn tự nhận mình là “ Hán Man”, và vẫn tế Ly Vưu một lãnh tụ của Di thời xưa vậy. Đợt ba là VIỆT NHO. Việt cũng là Bách Việt, là tên đặt ra sau để chỉ các dòng tộc cũ như Tứ Di hay Man Di. Đó là một liên đoàn các dân bản thổ đã cư ngụ từ phiá Nam sông Hoàng Hà trải dài tới phiá Đông bờ Thái Bình Dương, họ cư ngụ khắp nước Tàu ngày nay trước khi Tàu lập quốc và xuất hiện một dân tộc gọi là Tàu. Đoàn cư dân bản địa này gồm nhiều dòng tộc như Viêm Chủng, Tam Miêu, Cửu Lê, rồi còn là Cửu Di, Tứ Di...và sau này được gọi chung bằng tên Bách Việt gồm nhiều chi như : Bộc Việt : miền Kinh Sở. Liêu Việt : miền Hồ Quảng U Việt : miền Chiết Giang Mân Việt : miền Phúc Kiến Nam Việt : miền Lưỡng Quảng Lạc Việt : miền Bắc Việt Nam hiện nay. Chữ VIỆT của đoàn người Bách Việt này được viết với bộ Mễ, chỉ lúa Mễ của nền văn hoá nông nghiệp. Mễ là loại lúa nước , khác loại lúa khô, lúa tắc của du mục. Hòang Nho, Di Nho cũng chính là Việt Nho, vì khởi thuỷ chỉ có đại chủng tộc Bách Việt cư ngụ toàn cõi mênh mông từ miền Nam Hoàng Hà đến tận bờ Thái Bình Dương, với nền văn hoá chung là Nho Nguyên Thuỷ. Việt Nho do đó còn là Nguyên Nho. Thời HÁN NHO. Khi Khổng Tử ( 551-479 trước T.L.) san định nền văn hoá cổ xưa thành Ngũ Kinh ( Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc)vẫn cứ nhấn mạnh sự việc ngài chỉ thuật lại đạo lý của người xưa mà không hề sáng tác gì cả : « thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ »( Luận Ngữ, quyển bốn). Cho nên nền văn hoá của « người xưa » mà « vạn thế sư biểu » của Tàu ngưỡng vọng ở đây lại chính là người Tứ Di, Bách Việt của đại tộc Việt của chúng ta. Trong sách Trung Dung có ghi rất rõ ràng cái học thuật của Khổng Tử là : « Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn , Vũ ».Nghiêu Thuấn là hình ảnh những minh quân, hiền triết thời cổ xưa mà Khổng tử coi là bậc tổ của Nho. Mà chính trong sách Mạnh Tử( chương Ly Lâu Hạ) có câu « Vua Thuấn sinh ra ở đất Chư Phùng, về sau dời đến đất Phụ Hạ và mất ở đất Minh Điều. Ấy là người Di miền Đông vậy »( Thuấn sanh ư Chư Phùng, thiên ư Phụ Hạ, tốt ư Minh Điều , Đông Di chi nhân dã). Thêm nữa, Mạnh Tử xác nhận nguồn gốc Văn Vương cũng là Tứ Di « Vua Văn Vương sinh ra ở đất Kỳ Châu, mất ở đất Tất Dĩnh, ấy là người Di miền Tây vậy( Văn Vương sanh ư Kỳ Châu , tốt ư Tất Dĩnh, Tây di chi nhân dã). Sự việc quan trọng như vậy mà lịch sử ta thường bỏ quên không chú ý tới khía cạnh này và cứ tưởng các minh quân Thuấn, Văn Vương là vua của Tàu. Điều này lại càng thấy rõ văn hoá mà Khổng tử « chỉ thuật lại, mà không sáng tác » chính là Văn hoá Việt Cổ, còn có tên là văn hoá Man Di, hay sau này gọi là Văn Hoá Bách Việt cũng vậy. Xin mở ngoặc ở đây, Việt Nam chúng ta ngày nay là chi nhánh Lạc Việt của đại tộc Bách Việt, điạ bàn Dương Tử và sông Hồng. Điạ bàn của đại tộc Bách Việt rộng mênh mông, từ suốt bờ Nam Hoàng Hà đến Đông Thái Bình Dương. Đại tộc Bách Việt có rất nhiều chi tộc như : Mân Việt, Đông Việt, U Việt, Lạc Việt ... Điểm nổi bật chung của đoàn dân bản thổ Bách Việt là chung một Nền Văn Hoá Nho Nguyên Thuỷ : Anh em kế nghiệp tộc trưởng, khi múa đeo lông chim, huyền thoại mang nét Lưỡng Hợp. Kho tàng Huyền sử Dân Tộc Lạc Việt của ta vẫn mãi lưu truyền trong dân gian những câu chuyện với trình độ Tâm Thức Lưỡng Hợp như Con Rồng Cháu Tiên, Bánh Dầy Bánh Chưng ...Sau Khổng tử thì nhà Tần « phần thư, khanh Nho »( đốt sách, chôn học trò). Tiếp theo, khi Hán Cao Tổ mới lên ngôi còn tự đắc về cái dũng của kẻ ngồi trên lưng ngựa mà được ngôi vua, nên không trọng Nho. Sau đến đời Hán Vũ Đế nghe lời một Nho gia là Đổng Trọng Thư, theo Nho để sử dụng Nho Giáo như công cụ củng cố quyền lực. Hán Vũ Đế sai Lưu Hâm sửa kinh sách cũ của cổ nhân , gọi là bí thư trong thư viện Thạch Cừ của triều đình. Các nhà Thái Học ở kinh đô đều phải dùng nguỵ kinh ở thư viện Thạch Cừ. Sau này các triều đại của Tàu tiếp tục con đường của nhà Hán, cứ pha chế thêm các yếu tố của họ vào Nho, đó là tính chất của nguồn gốc DU MỤC phiá Tây Bắc, khiến trong Nho Giáo có vẻ mâu thuẫn :vừa có các nét nhân bản như nhân nghiã lễ trí tín, nhưng lại có những hình luật khắt khe như hoạn quan, chôn sống người, nặng về phần lễ nghi phiền tạp, đàn áp phụ nữ, tục lệ phi nhân ...Nhất là ta thấy những bộ tộc của Tàu còn tục bó chân phụ nữ, ngay cả thời đại này họ vẫn giết con gái, ăn thai nhi. Nho có nghiã là NHU thuận. Vậy mà Triều đình của Nho Tàu thì chủ trương bạo ngựợc đồng hoá các dân tộc nông nghiệp bản địa sau khi đã xâm lăng đất đai và chiếm hữu nền văn hoá của họ. Sự khác biệt sâu xa nằm trong vấn đề cội nguồn hình thành Nho Nguyên Thuỷ mà lịch sử cố tình bỏ quên. Văn hoá phát triển theo môi sinh . Công việc nhà nông tạo bản chất cần cù hiền hoà nên mới có đạo Nhu, còn hạng du mục quen dùng sức mạnh để chém giết thú rừng ăn thịt, sử dụng lý trí cứng rắn để cai trị bầy đoàn lang thang hung dữ, nên không có nhiều môi trường phát triển nhân đạo. Là một nhà nghiên cứu văn hoá ,Khổng Tử khi san định Việt Nho, thấu hiểu cái khác biệt cốt tuỷ ấy của hai nền văn hoá nông nghiệp và du mục, nên đã khuyên « Hãy làm quân tử Nho, đừng làm tiểu nhân Nho » và chủ trương dùng Vương Đạo thay cho Bá Đạo, tức lấy Văn Trị thay cho Võ trị. Trong Luận Ngữ , rất nhiều lần Khổng Tử bày tỏ sự so sánh khác biệt ấy ( Trích dẫn trong phần Nhà Chu ) .Tóm lại, Nho giáo thì lập thuyết trên đức Nhân Ái và Tương Dung, nhưng Tàu là dân tộc hiếu chiến và cực đoan nhất, đã đồng hoá tiêu diệt biết bao chi tộc Bách Việt .Việt Nho do đó đã bị sa đoạ thành Hán Nho trong thực tế. Khi vua quan triều đình Việt vì tiếp cận với Nho qua ngả Kinh Điển như Ngũ Kinh và Tứ Thư cùng các học thuật của người Tàu, nên có phần nào truyền bá loại HÁN NHO vào chính sách cai trị và học vấn. Tuy nhiên, vì trước khi là Nho gia , trước khi học để làm quan, thì nho sĩ cũng thường xuất thân từ dân giã, sinh trưởng giữa chốn làng quê, cái nôi của nền văn hoá nhân bản, trọng tình, nên dù có học Hán Nho, làm quan với triều đình ảnh hưởng Nho Tàu, nhưng giữ được bản gốc văn hoá dân tộc, nên các vua quan ta vẫn thường tiếp thu có chọn lọc Nho giáo. Thời vua Lê Thánh Tôn có để lại một Bộ Luật giá trị « Luật Hồng Đức » 1482 khác xa và cao hơn về tính Nhân Bản so với luật của Tàu.Về giáo dục đa số mọi người được đi học rộng rãi ,có trường tư thục do các thầy đồ hay nho sĩ hiển đạt không làm quan trở về dậy học. Về luật gia đình, hôn sản người đàn bà đưoc luật pháp bảo vệ nên có quyền giữ của hồi môn, có tài sản riêng, hưởng quyền thừa kế.... Ngược lại Tàu không có cho người phụ nữ các quyền trên, người đàn bà Tàu lệ thuộc hoàn toàn chồng và con trai, có nơi còn phải chôn sống khi chồng chết. Nhưng đặc biệt nhất là Nho nơi đời sống dân gian còn bảo lưu, chứa đựng nhiều nhất nền Văn Hoá Nhân Bản Tâm Linh của dân tộc. Người bình dân lao động không biết đọc, không biết viết, nên loại Hán Nho của Ngũ Kinh, Tứ Thư không tác dụng được. Người Việt trong đời sống xa triều đình, mộc mạc, hồn nhiên sống đời An Vi trong luỹ tre làng nơi thôn dã có một nền văn hoá tự cổ xưa, truyền miệng từ đời này sang đời khác, mà còn sót lại nơi các câu ca dao , các lời ngạn ngữ, các phong tục, lễ hội dân gian... Đây là loại Nho mà Triết Gia Kim định gọi là Nho Siêu Việt, là loại Nho đã khắc sâu vào đời sống, hoà làm một tri với hành, loại Nho « bất lập văn tự ». Loại VIỆT NHO này đã có từ thưở người Việt còn là đoàn dân Tứ Di , Bách Việt mênh mông từ Nam Hoàng Hà tới bờ Đông biển Thái Bình, thưở nước Việt còn trong nôi của Họ Hồng Bàng, truyền đến thời cácVua Hùng Vương . Việt Nho, Nho Siêu Việt, Nho của Việt Tộc có thể thấy rõ qua các câu chuyện tàng ẩn nền Minh Triết Nhân Bản Tâm Linh của cả một dân tộc .Những chuyện về vũ trụ quan như Con Rồng Cháu Tiên, về Nhân sinh quan như Bánh Dầy Bánh Chưng, Phù Đổng Thiên Vương nói lên cái nhận thức Hai Chiều Kích Rồng – Tiên, Tròn – Vuông làm nền tảng cho một sự dung hợp, tương quan hoà ái để tạo một cuộc nhân sinh THÁI HÒA từ trong nội tâm lẫn sinh hoạt ngoại giới. Ngoài ra với các vần ca dao tuyệt vời chuyên chở cả một nền đạo lý truyền đạt qua tâm tình lúc tát nước, giã gạo, mời nhau miếng trầu ... Rồi có khi lại là những câu nhắn gửi cho con cháu biết sự tiêu vong của Đạo Lý Thái Hòa Việt Nho theo bước chân xâm lăng du mục : « Cái cò chết tối hôm qua, có hai (2)hạt gạo với ba (3)đồng tiền »... Có lẽ từ xưa cứ cho là ca dao chỉ thể hiện yếu tố tâm tình của nhân dân , vì ca dao thiên về tình. Nhưng khi nghiên cứu sâu xa , nền tảng hơn,ta còn thấy trong ca dao chuyên chở những dấu chỉ của nền Minh Triết Việt. Hai và Ba ở đây lại trùng hợp với con số 2 vả 3 nền tảng của Kinh Dịch « : Tham( Tam) thiên lưỡng điạ nhi ỷ số » ( Số 2 và số 3 là số căn cơ của Trời Đất). Trước khi có ngôn ngữ, người ta dùng ký hiệu là hình ảnh và con số. Vào thuở khai sinh, Kinh Dịch chỉ xuất hiện với những ký hiệu đơn sơ của chân lý, thuần phác là hình tượng như hai vạch, vạch liền chỉ Dương và vạch đứt chỉ Âm . Cũng như những câu tục ngữ, các hoa văn trên các hình tượng khảo cổ, như trống đồng, những con số huyền bí 2 - 3,5,9...mà người Việt tin tưởng là những sắp xếp hài hoà của chân lý , nhất là cả một đời sống con người chan hoà lễ nghiã, nặng tình hơn lý, trong luỹ tre làng với trời cùng đất, tất cả đã chứng minh cho một nền Minh Triết Việt . Thật vậy, bản sắc dân tộc điển hình qua bốn lãnh vực : Ngôn ngữ huyền sử, hình tượng khảo cổ, những số huyền cơ và thể chế nhân chủ, dân chủ nơi chốn làng quê mà Triết Gia Kim Định khám phá và gọi tắt là : Từ , Tượng , Số Chế .(Xin đọc dunglac.org, Đông Lan,Tìm Hiểu Triết Việt , tập I ) . Do đó, VIỆT NHO chính là văn hoá dân tộc, trong tận cùng tiềm thức cái hồn dân tộc bàng bạc hồn nhiên mộc mạc chốn làng quê, hay kinh viện bác học nơi triều đình trường học. Nghiên cứu về nguồn gốc văn hoá Việt Nam Triết Gia Kim Định đã xác tín điều ấy. Ngài cho rằng , nếu bỏ Nho sang một bên thì ta chỉ tìm thấy ngọn chứ chưa đến gốc của Văn Hoá, vì Nho giáo chứ đựng những hằng số văn minh của nước ta. Vì, như đã trình bày ở trên, Nho giáo có từ thời xa xưa, chính Việt Tộc mới là tác giả của Văn hoá Nho giáo mà Khổng Tử chỉ là người làm cái việc san định 2000 năm sau mà thôi.Theo sau bao nhiêu nghiên cứu của Triết Gia Kim Định, cũng như gần đây khoa khảo cổ trên thế giới đã chứng minh, sắc dân BÁCH VIỆT đã vào và cư ngụ trên đất Tàu ngày nay trước khi có một dân tộc thực sự là Tàu xuất hiện. Thật vậy, về nguồn gốc dân tộc Trung Hoa, dưới ánh sáng mới nhất của khoa học ngày nay, sự việc hầu như được khẳng định là khởi thuỷ người Trung Hoa là do nhóm dân định cư tại vùng Đông Nam Á đến từ Phi Châu ở đợt thiên di đầu tiên qua ngả Nam Á, cách đây khoảng 60,000 năm, tiến đến Đông Á cách đây khoảng 40,000 năm khi khí hậu miền Bắc bắt đầu ấm áp, sau đó từ Đông Á và Đông Nam Á tiến lên phía Bắc Trung Hoa. Đó là những nhóm dân đầu tiên cư ngụ trên nước Tàu mà sau này được gọi chung bằng tên Đại Tộc Bách Việt. Còn người Hoa Hán là kết quả của đợt thiên di về sau từ Phi châu vào đất Trung Hoa qua ngả Trung á và Âu Châu khoảng một, hai chục ngàn năm sau, và lai giống với những người đã định cư từ trước tại Tàu.. Về sử ký, nước Tàu chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ thứ 17 trước T.L. Trước đó tuy có tộc Hạ nhưng không tìm được ấn tích, nên giới nghiên cứu chưa công nhận. Nhưng dù có tính từ nhà Hạ thì Tàu cũng chỉ có từ khoảng 20 thế kỷ trước Tây Lịch và chính thức gọi là Tàu từ đời nhà Tần năm 221 trước Tây Lịch. Do đó, ta có thể tạm phác hoạ lịch sử Tàu một cách rộng rãi như sau : Khởi đầu của lịch sử nước Tàu trước đời nhà Tần là nhà Hạ, Thương, Chu. Nhà HẠ kéo dài 439 năm( 2205-1766 trước T. L.) Tiếng Hạ không phải là tên chủng tộc, mà chỉ là môt mảnh đất nhỏ ở mạn Nam sông Hoàng Hà. Đối với người mạn Bắc thì Nam kể như Hạ. Nhà THƯƠNG kéo dài 612 năm.( 1776-1154 trước T. L.) Về văn hoá thì nhà Thương xuất phát từ Di, Việt. Di và Việt có liên hệ chặt chẽ về tiếng nói và cùng một gốc Nam Á. Bà Giản Địch tổ nhà Thương sinh con theo lối Dã Hợp của Di, theo mẫu hệ, gọi tên theo lối Việt như vua Đế Ất( Tàu thì gọi Ất Đế, Hoàng Đế). Tộc Thương là một bộ tộc hùng mạnh , đất đai nhỏ bé , sau bao chinh phục đất đai mà chỉ rộng chừng 120,000km2, còn nhỏ hơn Bắc Việt của ta bây giờ( 160,000 km2). Còn chung quanh toàn là đất của Di, có thể nói suốt từ bờ Thái Bình Dương đến mạn Nam Trung quốc đều là đất của Di. Khối lớn lao đó gồm hàng vạn nước , mỗi nước chỉ nhỏ bằng một tổng hoặc huyện bây giờ. Sử thường gọi là « vạn quốc chư hầu. ». rồi cứ bộ tộc này mạnh thì thôn tình các bộ tộc yếu họn để sát nhập thành một nước lớn hơn. Tất cả các bộ tộc này đều có CHUNG một nền văn hoá cổ, không có chi phân biệt , như đã viết ở trên: Anh em kế nghiệp tộc trưởng, khi múa đeo lông chim, huyền thoại mang nét LƯỠNG HỢP. Huyền Sử « Con Rồng Cháu Tiên », « Bánh Chưng Vuông, Bánh Dầy Tròn. »...của Lạc Việt chúng ta là một điển hình của nét văn hoá Tứ Di hay còn gọi là Bách Việt sau này. Ngoài ra, tục « Tả nhậm » tức là trọng tay trái, dùng tay trái để cài nút áo của Tứ Di còn ghi lại trong Kinh Thư là một cổ thư mà Khổng Tử san định sau này « Tứ Di Tả Nhậm ». Người Việt mặc áo cài tay trái, theo dấu văn hoá « tứ di tả nhậm » ( vạt áo tay phải) (Ngược lại, Tàu mặc áo vạt bên trái, dùng tay phải cài nút áo , là hữu nhậm). Nhà CHU kéo dài 897 năm(1122-225 trước T.L.) phát xuất từ Tây Di, họ Cơ, thuộc bộ tộc Khương. Đến thời nhà Chu các bộ tộc còn lại từ vạn quốc là 160. Xem trong bản đồ Kinh Thư của Legge ( quyển IV, trang 126) địa vực nhà Chu chỉ quanh quẩn bên sông Hoàng Hà, tức là điạ phương Hà Nam, Trực Lệ, Sơn Tây, Hiệp Tây ngày nay, mà chung quanh còn vô số những bộ tộc của Di.Nhà CHU thuộc dân phía Tây Bắc thuộc về dân Du Mục, hoặc bán du mục, hiếu chiến, theo phụ hệ, trọng võ lực. Khổng Tử sống dưới thời nhà Chu, tôn thờ Chu Công, nhưng có lẽ khi nghiên cứu san định kinh sách của dân bản địa , tâm truyền tâm, Khổng Tử không tiếc lời ca ngợi. Trong sách Trung Dung, Tử Lộ hỏi về Sức Mạnh. Khổng Tử đáp : « Cái sức mạnh nào ? Sức Mạnh của nhà ngươi ? sức Mạnh của Phương Bắc ? Hay của Phương Nam ? Khoan Hoà mà Giáo hoá, không báo thù kẻ vô đạo, đó là Sức Mạnh của người PHƯƠNG NAM. Người QUÂN TỬ theo đạo lý Phương Nam . Còn khi ngủ cũng đeo gươm mặc giáp, vào chỗ chết cũng không sợ. Hạng cường dũng trụ nơi sức mạnh ấy » ( Tử Lộ vấn cường. Tử viết : « Nam Phương chi cường dư ? Bắc Phương chi cường dư ? Ức nhi cường dư ? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vộ đạo : Nam Phương chi cường dã. Quân tử cư chi. Nhẫm kim cách, tử nhi bất yếm : Bắc phương chi cường dã, nhi cường giả cư chi » Trung Dung 10)., Khổng Tử cũng thường QUAY MẶT VỀ PHƯƠNG NAM để tỏ lòng tôn kính nền Văn Hoá Nho của Phương Nam. Là một nhà Văn Hoá, nên Khổng Tử có những thái độ trung thực với lòng , nên ông mới có thể làm cái việc san định gia tài văn hoá bản điạ một cách chân thành và truyền lưu muôn thế hệ.Ta thấy sau này vua thường hướng về phía Nam mà tế Trời . Điều này càng thấy phương Bắc chịu ảnh hưởng văn hoá bản điạ của phương Nam mạnh mẽ dường nào ! Trở lại với nhà CHU , sau khi nhà Chu chinh phục xong nhà Thương là một xã hội định cư, nông nghiệp. Khi xếp đặt guồng máy cai trị, nhà Chu đưa vào văn hoá Di những yếu tố khác biệt : - Ý niệm Thiên Tử. - Quân đội chuyên nghiệp - Luật hình - Hoạn quan - Trọng tay phải, ưa số 6,8 ( số chẵn) - Đàn áp phụ nữ - Khinh miệt dân chúng, gọi là lê dân( dân đầu đen) - Chuyển tài sản từ làng xã sang tay nhà vua. - Những yếu tố chính như thiên tử , hoạn quan, luật hình là vay mượn bên miền Lưỡng Hà như Perse, Assyria ngược lại với văn hoá cổ, làm bẻ quặt Di Nho, nên sau này so với Di Nho, nhà Chu đã là văn hoá du mục. Và cũng từ đấy, thì xã hội bắt đầu phân biệt Tàu với Di Việt bằng cách coi khinh và chữ « Di, Địch » mới bị hàm nghiã « rợ, mọi », chứ trước thời Chu không hề có thế. Vì Tàu đều xuất phát từ Tứ Di cả, nhưng khi chinh phục được Tứ Di rồi, thì quay lai khinh dễ chính gốc rễ của mình. Do đó khi pha trộn các yếu tố văn hoá, nhà Chu trở thành bán du mục. Và , Khổng Tử là người cuối cùng đại biểu cho Việt Nho, san định nền văn hoá Việt Nho, trước khi Nho giáo chuyển sang tay chế độ phong kiến Tần, Hán, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh với tất cả biến thiên và sa đoạ của nó mà lịch sử còn ghi lại. Như vậy, thời Khổng Tử nước Tàu vẫn còn nhỏ bé, chưa có tên nước , và các nước tranh giành ngôi báu, không thần phục nhà Chu . Khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Nguyên 221 trước T.L., tuy để lại hình ảnh một nước Tàu to lớn, mà địa vực chưa quá sông Dương Tử bao nhiêu. Thời gian cai trị ngắn, , 49 năm( 255-206 trước T.L.) . Nhà Hán ( 206-32 trước T.L) cũng phát xuất từ Tứ Di, miền Giang Tô. Khi mới lên ngôi còn tế Li Vưu , tù trưởng của Tứ Di xưa, và xưng mình là Hán Man. Chữ Hán là một hình dung từ chỉ cao sang vinh hiển, chứ không là tên một dòng tộc nào, y như chữ Hạ và Hoa cũng thế. Vì Tàu chỉ từ Tứ Di mà ra nên không có dòng tộc riêng và tên riêng. Do đó Tàu chỉ như một thực thể chính trị, văn hoá chứ không có nghiã một chủng tộc nào Nhựng vị thủy tổ mà Tàu nhận là của họ như Phục Hi, Nữ Oa đều xuất thân từ Di, miền châu thổ sông Hoài. Rồi nhà Hán tiếp tục sự xâm lăng, chiếm đất, giành dân, mở rộng nước Tàu thêm ra, cuối cùng Tàu mới có một nước rộng lớn như ngày nay.. Theo sự nghiên cứu của Triết Gia Kim Định, ít nhất 70% dân Tàu ngày nay là gốc Việt. Có nghiã là liên đoàn người Bách Việt ở lại trên mảnh đất của mình, bị đồng hoá bởi đoàn du mục hiếu chiến Tây bắc tràn xuống tạo thành người Tàu ngày nay.Người Tàu ngày nay không muốn nhớ tới nguồn gốc Bách Việt của mình vì tổ tiên họ đã cam chịu nhục đồng hoá, và nhà cầm quyền cũng muốn người Bách Việt quên đi quá khứ để dễ cai trị, nên toàn bộ sử sách bị cạo sửa. Nhà Thương sửa sách của nhà Hạ, nhà Chu sửa sách của nhà Thương, nhà Tần còn tàn bạo hơn cả, đốt sách Nho, chôn sống nho sĩ. Nhà Hán cũng sai Lưu Hâm sửa kinh sách tại thư viện Thạch Cừ... Rồi cứ mỗi triều đại người cai trị đều sử kinh sách theo ý mình nên ngày nay muốn tìm về Nho Nguyên Thuỷ không phải là việc đơn giản. May mắn là trong đại tộc Bách Việt đông đúc lớn lao cổ xưa chỉ có được một chi tộc duy nhất đã kiên cường bất khuất tồn tại đó là tộc Lạc Việt chúng ta. Do đó tìm về Nho Nguyên Thuỷ qua Từ, Tượng, Số, Chế của Tộc Lạc Việt rồi quán chiếu lên những văn bản khả tín còn lại như Ngũ Kinh mà Khổng Tử san định của Việt Nho ta thấy sự trùng khớp đó là Nho Nguyên Thuỷ của nền văn hoá nông nghiệp. Thêm vào những khám phá mới nhất về khảo cổ, di truyền, sinh học, hải dương.. với những nền văn minh lúa nước mà Triết gia Kim Định gọi là lúa Mễ của người Hoà Bình, nền văn minh trống đồng của Việt Tộc . Giới khoa học khảo cổ đã xác nhận chủ nhân người Hoà Bình làm chủ hai nền văn minh lúa nước và Trống Đồng . Triết Gia Kim Định đã xác tín nền văn hoá Việt Nho là của người Bách Việt, của nền văn minh Hoà Bình. Phát kiến mới mẻ này làm chấn động các niềm tin xưa cũ.Sau Kim Định người ta không thể suy nghĩ như trước Kim Định nữa. Vấn đề hôm nay là chúng ta phải cần đẩy mạnh cái thuyết Khoa Học VIỆT NHO ra ánh sáng công luận bằng những công trình dài hơi của nhiều đóng góp trí tuệ để trả lại sự thật cho lịch sử . Cũng như tạo điều kiện cho một tương lai các giống người Bách Việt của Đông Nam Á tìm về cội nguồn chủng tộc và nhất là Văn Hoá Nho của đại chủng Việt. Về Ý Niệm Thiên Tử Đây là môt điểm trọng yếu đầu tiên để phân biệt Hán Nho và Việt Nho. Lý tưởng là những điều ấp ủ trong giấc mơ, có khi chưa hiện thực được, nhưng nó lại là cái ánh sáng dẫn đường cho lịch sử.Lý tưởng về chân thiện mỹ thời nào cũng có, mặc dù những biểu tượng trình bày khác nhau. Gạt bỏ yếu tố lệ thuộc tính lịch sử giới hạn, ta hãy xét sâu rộng hơn về Nghiêu Thuấn như một biểu tượng văn hoá, là lý tưởng của văn hoá.Phần trên khi đề cập đến đợt tổ thứ hai của Nho giáo là Nghiêu -Thuấn, thì chính sử sách còn ghi lại về sự việc vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn không dựa trên yếu tố dòng tộc cha truyền con nối như các triều đại phong kiến sau này. Thuấn là một nông dân hiền đức, thờ cha rất có hiếu, đang cầy ruộng trên núi Lịch thì được vua Nghiêu thân hành ra đến giữa đồng mà cầu người hiền thay mình làm vua . Như vậy đề cao vua Nghiêu ở đây là đánh giá cao tinh thần « truyền hiền » chứ không « truyền tử » như quân chủ phong kiến . Chính vì tinh thần truyền hiền này mà vua Nghiêu mới là vua thời Hoàng Kim, con người còn sống trong nền văn hoá Nhân Bản của Nho Nguyên Thuỷ trước khi bị Hán Nho làm sa đoạ với ý niệm « vua là con Trời » , và cứ thế mà cha truyền con nối cái ngôi vị thiên tử. Khổng Tử có công san định Ngũ Kinh( Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc) Nho được rõ ràng rành mãch với những câu văn súc tích. Kim Định gọi công của Khổng Tử là đã « công thức hoá » Việt Nho . Chẳng hạn Truyện Con Rồng Cháu Tiên là ngôn ngữ Huyền Thoại của nền văn hoá truyền khẩu trong nhân dân. Rồng và Tiên là hai biểu tượng chỉ sức sống linh thiêng của vũ trụ vạn vật, nhưng bình dân không cần ý thức một cách minh nhiên, cái tâm thức lưỡng nghi Hai chiều kích nó đã ở tại miền tiềm thức, vô thức, siêu thức để muôn người như một ai cũng tự nhận mình là Con Rồng Cháu Tiên, để rồi sống như Rồng, sống như Tiên : « Có thực ( Rồng) mới vực được đạo( Tiên) ». Hay là khi bị Hán Nho xâm lược thâu tóm vật chất và cả tinh thần thì chỉ còn rấm rức mà thương nhớ cái con cò Văn Hoá ruộng đồng Việt Nho « Cái cò chết tối hôm qua, có HAI hạt gạo với BA đồng tiền. »... Phải rồi Hai hạt gạo Rồng Tiên gia bảo ấy đã bị bọn vô chủng tộc, vô tổ quốc xâm lược chiếm hữu, bôi xoá. Nền văn minh du mục hiếu chiến tranh dành tận dụng thiên nhiên làm gì dung chứa nổi cái chiều kích GIAO CHỈ sâu xa trên thông với TIÊN trời cao dưới hợp với RỒNG đất nước .Kim Định giải thích tài hoa cái nghiã Giao Chỉ : Giao Chỉ là Chỉ Trời với Chỉ Đất giao nhau, giao cái HỮU với VÔ, thành AN VI tức là Chân Không Diệu Hữu. Người là tác hành đong đưa giữa hai đối cực, ngày nay ta có thể gọi những đối cực này như tinh thần với vật chất, tuyệt đối và tương đối, thời gian và không gian... thật ra đó chính là Ý Nghĩa Minh Triết GIAO CHỈ mà không may bị Hán Nho đã xuyên tạc ra nghiã cuả « hai ngón chân cái giao nhau » . Trên thực tế có ai thấy hai ngón chân cái nào hướng về nhau đâu ? Vậy mà hàng bao ngàn năm, không ai hoá giải sự mạ lỵ này của Tàu. Cho nên, khi dân tộc Việt có triết gia, ta phải suy nghĩ khác - Cuộc cách mạng tư duy Việt. BA đồng tiền trong câu ca dao « Con cò chết tối hôm qua, có HAI hạt gao với BA đồng tiền... » là ám chỉ mẫu mực của con người lý tưởng Giao Chỉ mà Tổ Tiên Lạc Việt thừa hưởng của Việt Nho. Hán Nho thông diễn thành thuyết Tam Tài Thiên Địa Nhân thừa tự tinh hoa Minh Triết Giao Chỉ, ca dao ta gọi là BA đồng tiền gia bảo đã bị mất đi rồi theo cái cò Văn Hoá Việt Nho.Về hình tượng cổ xưa thì thời Phục Hi thì chỉ có biểu tượng hai vạch liền và đứt , sau này gọi là âm và dương. Đến Khổng Tử mới thành « Nhất âm nhất dương chi vị đạo , kế chi giả thiện dã, thành chi giả, tính dã » . Là một hiền triết, một nhà tâm lý và giáo dục, nhưng ông cũng còn là một người dân trong thời đại mà chế độ quân chủ phong kiến cha truyền con nối hàng mấy ngàn năm, mặc dù ngưỡng vọng cái vũ trụ quan âm dương nhân chủ thái hòa của phương Nam, Khổng Tử cũng không thể vượt qua cái tầm nhìn chính trị hàng ngàn năm được. Ông chủ trương thi hành chính sự nhà Chu, tức tôn quân, trong sự dè dặt phải có của một người trí thức giữa thời đại phong kiến hàng ngàn năm.Sự sáng suốt và minh triết của Khổng Tử là đã đề ra thuyết CHÍNH DANH, để tiết chế các quan hệ xã hội. tạo nên cuộc sống tương kính, hài hòa, an lạc . Khổng Tử không là một nhà cách mạng triệt để theo nghiã ngày nay, nhưng ông thực tế giải quyết các vấn nạn của chế độ quân chủ nói riêng và con người nói chung . Về chính trị, nói rộng ra, chính trị là quyền lực, thì thời nào cũng vậy, không phải chỉ quân chủ phong kiến mới có vấn đề quyền lực. Vấn đề là như ngày nay nói, « quyền lợi đi đôi với trách nhiệm », thì xưa Khổng Tử dùng thuyết chính danh để chỉnh đốn lại từquân vương cho đến thứ dân. Trong Luận Ngữ, Vấn chính., khi Tử Lộ, một học trò,hỏi Khổng Tử rằng « Nếu vua nước Vệ đợi Thầy về đặng giúp ngài cai trị, Thầy sẽ làm điều gì trước hết ? », Khổng Tử đáp : « Ta sẽ làm cho ra Chính Danh định phận »( Vệ quân đãi Tử vi chính, Tử tương hề tiên ?, Tử viết : « Tất dã Chính Danh hồ » ). Ta có thể tìm thấy tư tưởng Chính Danh qua các câu : Luận Ngữ : Nhan Uyên,XII : « Chính giả, chính dã, tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính » :Chính trị là làm mọi việc cho ngay thẳng, ông lấy ngay thẳng mà khiến người, thì ai dám không ngay thẳng ? LN, tử lộ XIII: « Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành, kỳ thân bất chính , tuy lệnh bất tòng. » Mình ngay chính, thì không sai khiến, người ta cũng làm, mình không ngay chính thì tuy có sai khiến, cũng không ai theo. LN , Tử Lộ XIII : « Danh bất chính,tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận, tắc sự bất thành ». LN, Bát Dật III : « Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung ». LN, Nhan Uyên : « Quân quân, thần thần,phụ phụ, tử tử ». Ngoài ra, Khổng tử làm kinh Xuân Thu để bày tỏ ý kiến mình về đuờng chính trị, chủ yếu :Chính danh tự, định danh phận, tôn quân quyền. Xuân thu cắt cái nghiã chính danh, định phận, khiến cho sự ngôn luận có tiêu chuẩn Như vậy chế độ nào cũng vậy, nếu người có quyền mà thực hiện Chính Danh thì cũng xứng đáng hưởng cái quyền ấy, như vua cho ra vua, thì tôi mới làm tôi được, lãnh đạo cho xứng danh lãnh đạo thì người dân mới làm công dân tốt được, cha cho ra cha thì con mới là con hiếu được. Do đó khi đề cao việc đầu tiên của chính trị là phải chính danh, vào thời quân chủ cũng đủ giá trị như công dụng của một giám sát viện . Khổng Tử là một nhà cách mạng ôn hòa, dùng văn hoá sửa đổi định chế chính trị, cũng như điều hòa nhân tâm, nên Ý Niệm Thiên Tử của tinh thần du mục trọng võ đã chuyển sang chiều hướng chính danh để phục vụ đạo HÒA của Nho giáo hay chính xác hơn là Việt Nho. Hán Nho triệt để khai thác Ý Niệm Thiên Tử để cai trị và hưởng lợi, nhưng sĩ tử theo học Nho Giáo, mà Nho Giáo lại có thuyết Chính Danh của Khổng Tử làm giám sát viện của nhân tâm, thế đạo. Nên tuy Hán Nho nơi triều đình của vua quan có cái phần chuyên chế, lễ nghi phiền toái, giả tạo,nhưng đời sống dân gian lại duy trì được phần nhân nghiã, nhất là kẻ sĩ theo học Nho, hiểu biết thiên lý,đạo nghiã, cũng tiết chế nhân dục.Có thể nói , Khổng Tử là cái gạch nối giữa tinh thần Nhân Bản Việt Nho và chuyên chế Hán Nho . Tổ Hùng Vương của chúng ta cũng chính danh là Tổ Văn Hóa Việt Nho. Ta thấy sách Tàu còn chế giễu « Vua gì mà ở trần mà cũng xưng vương ». Nhưng chính trong chi tiết này ta lại thấy sự khác biệt về Việt và Tàu trong quan niệm về ngôi vua. Như đã phân tích ở trên, ý niệm Thiên Tử của Tàu xuất phát từ văn hoá du mục, trọng võ lực, nên vua cai trị bằng quyền lực, nên phải bày đặt ra thuyết vua là con trời để lấy uy quyền tối cao của ông trời mà trị dân. Ngược lại vua Hùng vương , tổ văn hoá Việt lại sống theo tinh thần dung hoà, đơn giản, chất phác của người nông nghiệp, nên làm vua chỉ là để giúp dân an cư lạc nghiệp, nên không có cách sống cao xa với dân, không xem mình là con trời mà dân là kẻ phục vụ. Thuở vua Hùng, vua như người cha lo cho dân như con mình, vua cùng sống đơn giản như dân, con cái vua cũng vẫn phải làm việc bình thường như bao người . Chính vua Hùng mới là hậu thân của hình ảnh vua Nghiêu Thuấn như xưa. Chính vua Hùng mới là Tổ Văn Hoá Nho như Nghiêu Thuấn, mà Khổng Tử ca ngợi lấy làm mẫu mực. Nơi vua Hùng, ý niệm Thiên Tử vắng bóng.Nơi biểu tượng vua Hùng, Nho Nguyên Thuỷ sáng danh. Nơi vua Hùng, Việt Nho đã thực hiện. Khổng Tử chẳng từng tuyên Bố « Nghe giết một tên bạo ngược là Kiệt và Trụ, chứ chưa hề nghe giết vua Kiệt vua Trụ bao giờ ! ». Như vậy thuyết Chính Danh hai chiều tương quan nhân bản của Nho mới giải quyết cái bế tắc của tính một chiều của nền quân chủ. Như vậy, Việt Nho là Nho thời trước Khổng Tử. Sau khi Khổng tử thu thập văn hoá Việt Nho mà san định Ngũ Kinh , rồi lại trải qua các thời Tần, Hán, khi Hán Vũ Đế nghe lời một nho gia là Đổng Trọng Thư phát triển Nho giáo để xây dựng quyền lực cho chế độ phong kiến, thì Việt Nho bị phá sản. Kèm theo ., nào là nhà Tần đốt sách, chôn học trò, nhà Hán sữa đổi kinh sách: Hán Vũ Đế sai Lưu Hâm làm « nguỵ kinh » tại thư viện Thạch Cừ trong triều, các nhà Thái học sinh phải sử dụng loại nguỵ kinh này. Rồi biết bao nhiêu biến cố, triều đại, kinh sách Nho mà chúng ta có ngày nay rút cục lại là tổng hơp các biến cố trên, là một thực thể hỗn độn, nhiều mâu thuẫn, bất nhất. Trong Nho giáo, có những yếu tố nhân nghiã, đạo lý cao siêu thâm diệu, nhưng cũng có nhiều yếu tố nghịch lại, phi nhân, thiển cận . Thí dụ quyển Luận Ngữ là quyển được coi như khả tín gần với tư tưởng Khổng Tử nhất, vẫn có những câu đặt vào lời Khổng Tử mà ta không thấy có lý chút nào ( về Quản Trọng). Tóm lại, Việt Nho quan niệm Vua là người có trách nhiệm bảo vệ đời sống an bình cho dân, điển hình như vua Nghiêu Thuấn. Thể chế truyền hiền thời Nghiêu Thuấn không truyền tử. Khi cuộc sống người dân thời Xuân Thu hỗn loạn mà Khổng tử là người muốn ổn định trật tự cho chế độ phong kiến, đã tìm ra thuyết Chính Danh để giới hạn cái uy quyền của Vua và nâng cao cái nhân quyền của dân. Khổng Tử là một nhà cải cách của xã hội phong kiến. Khổng Tử đã mang cái văn hoá Việt Nho của dân bản địa kết hợp trong môi trường nhân sinh thời đại của ông để làm thành cuộc san định vĩ đại thành lập nền văn hoá Nho của Trung Hoa với Ngũ Kinh. Sau này nhà Tần đốt sách, chôn học trò, cũng như Hán Vũ Đế, Đổng Trọng Thư, Lưu Hâm...cầm đầu một cuộc biến thể, tô vẽ lại để Nho trở thành công cụ phục vụ triều đại phong kiến, đàn áp con người mà ta thường biết chính là loại Nho trá nguỵ từ Hán Nho. Gần ba ngàn năm sau khi Khổng Tử san định Ngũ Kinh cho Nho giáo, máu vẫn không ngừng đổ cho một chữ VIỆT linh thiêng, đã đúc kết tâm tình và trí tuệ của một thiên tài, KIM ĐỊNH mới tìm lại được cội nguồn văn hoá quê hương bị lãng quên và ân cần trao lại cho thế hệ chúng ta công trình khám phá VIỆT NHO, một bức hoạ đồ nền tảng khi « ôn cố tri tân » để đổi mới tư duy - Triệt để và viên mãn. |