Home Văn Học Khảo Luận Hai Cõi Thiên Thai

Hai Cõi Thiên Thai PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳnh Giao   
Chúa Nhật, 11 Tháng 10 Năm 2009 14:40

Trong dịp Trung Thu, khi ngồi ăn miếng bánh dẻo thơm phức mùi hoa chuối, người viết bỗng nhớ về tuổi ấu thơ ở nhà... Bánh nướng thì có khi mình còn nhường người Tầu, chứ bánh dẻo thì của Việt Nam mới ngon! Từ ở nhà đã thấy như vậy.

Văn Cao, người viết “Thiên Thai”.

Ngồi tại Cali thưởng trăng mà cắn miếng bánh dẻo nhân hạt sen cà của Bảo Hiên thì thấy mát ruột và nhớ nhà. Uống ngụm trà rồi miên man nhớ tới chuyện ấu thơ. Nào là Ðường Minh Hoàng du nguyệt điện, nào là vũ khúc nghê thường... Với lũ nhóc, cõi Thiên Thai lúc đó có khi chỉ là đường Ðồng Khánh trong Chợ Lớn nhờ mấy cái tủ kiếng và hình tiên múa treo lơ lửng ngang đường dây điện...

Thế rồi mình nghĩ đến cõi Thiên Thai trong thi ca, thơ phú...

Với người yêu nhạc và lại đi hát từ tấm bé, cõi Thiên Thai ấy gợi nhớ tới hai ca khúc nổi tiếng của Văn Cao và Phạm Duy. Xin hãy ăn bánh thưởng trăng bằng cách tìm về hai ca khúc ấy...

Dường như vào thuở bắt đầu sáng tác nhạc, Phạm Duy đã coi Văn Cao là một mentor (người dìu dắt) của mình. Quỳnh Giao đã có lúc so sánh sự nghiệp của hai nhạc sĩ, một Văn Cao già dặn từ trẻ và một Phạm Duy tràn đầy phong độ lúc trung niên. Khi Văn Cao viết các tác phẩm “lớn” như Thiên Thai, Trương Chi hay Trường Ca Sông Lô, thì Phạm Duy mới chỉ có Cô Hái Mơ, Cây Ðàn Bỏ Quên, Chú Cuội, Ðêm Xuân...

Nhưng thiên tài Văn Cao tắt ngúm sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc, và Phạm Duy của thập niên 50-60 thăng hoa ở trong Nam với những ca khúc xưng tụng quê hương như Tình Ca, Tình Hoài Hương, Người Về, Chiều Về Trên Sông, hay trường ca Con Ðường Cái Quan, ngoài những tình khúc để đời như Ngày Ðó Chúng Mình, Thương Tình Ca, Ðường Chiều Lá Rụng, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Còn Gì Nữa Ðâu, Nước Mắt Rơi, v.v... Qua thập niên 70, Phạm Duy vẫn lừng lẫy với đời qua những ca khúc hay và đẹp như Kỷ Niệm, Trả Lại Em Yêu, Nghìn Trùng Xa Cách, Cỏ Hồng và một trường ca nữa là Mẹ Việt Nam...

Với ngàn lời ca như Phạm Duy đã từng kể và ghi lại, thì tài năng của ông quả đã vượt qua Văn Cao quá xa. Vậy tại sao mỗi một sáng tác của Văn Cao lại như một nỗi ám ảnh của Phạm Duy?

Sở dĩ người viết dám nói vậy, vì chính Phạm Duy luôn luôn phân tích kỹ càng nhạc thuật và lời từ của Văn Cao, và khiêm nhượng tự nhận rằng mình có bị ảnh hưởng của Văn Cao. Khi Văn Cao viết Trương Chi, ông có vẻ kể chuyện cổ tích, mà thật sự là lời ta thán (hay xưng tụng) về cõi cô đơn của chính mình. Sau đó vài năm Phạm Duy viết bài Khối Tình Trương Chi hoàn toàn trong sáng theo lối kể chuyện. Quỳnh Giao cũng đã viết về cả hai ca khúc này trong mục tạp ghi (“Có hai chàng Trương”) vào đầu Tháng Chín năm ngoái.

Khi sáng tác bài Ðường Em Ði hồi cuối thập niên 60, tức là khá lâu sau Cung Ðàn Xưa của Văn Cao, Phạm Duy cũng thừa nhận rằng mình bị ảnh hưởng Văn Cao với “gót hài khai hoa,” mà viết nên “Ðường em có đi, hằng đêm bước qua, nở những đóa thơ, ôi dị kỳ”... Nghĩ vậy nên hôm nay, Quỳnh Giao tìm đến hai cõi Thiên Thai của hai đại nhạc sĩ, đó là hai bài Thiên Thai, và Tiếng Sáo Thiên Thai...

Văn Cao viết Thiên Thai đầu thập niên 50, trong bản in của nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế thì ghi là 1953. Nhạc của Văn Cao và lời của Văn Cao và Hoàng Thoái. Bài hát viết trên cung Ré thứ, hầu như là loại âm giai mà các nhạc sĩ mới sáng tác ngày xưa đều dùng. Hai đoạn mở đâu cung Ré thứ có những chuyển đoạn khéo léo như cách kể câu chuyện khi du dương, khi kỳ bí. Chỉ đến đoạn cuối, ông mới chuyển qua Ré Trưởng trong sáng và rộn rịp. Các ca sĩ ngày xưa hát toàn giọng kim thì mới ca cho đúng “ton”, toàn những nốt Fa Năm (tức là nốt Fa ở hàng kẻ thứ năm) cao chót vót, véo von trong trẻo.

Văn Cao quả là người khéo kể chuyện!

Ông bắt đầu bằng tiếng hát, “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng”... Nhưng mà “ai” hát? Chữ “ai” này đắc địa quá chừng! Chúng ta không cần biết là ai hát, chỉ thấy tiếng hát vang vọng trên sóng nước, làm cho âm ba rung cánh đào rơi, và làn khói phủ quanh trời khiến tác giả nhớ tới cảnh Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Ðào Nguyên...

Từ đây chúng ta bước vào truyện với Thiên Thai ngày tháng không tàn, và gặp cả thiên tiên dâng trái đào thơm trong điệu vũ nghê thường mờ ảo... Nét nhạc đến đây trở thành lộng lẫy, nghe như có loan, có phách và có cả đèn hoa rực rỡ của một hội hoa đăng... Nhưng non tiên nào rồi cũng hoang vắng vì thiếu tình yêu nơi dương thế! Ðiệp khúc ròn rã tiếng gió cùng tiếng phách, như tiễn người về trần, rồi thành man mác buồn khi mỗi chiều xa khơi người về trần lại nhớ tới cõi tiên...

Thật là một tuyệt tác về cả ý nhạc lẫn lời từ. Bài hát này, Quỳnh Giao thích nhất khi được nghe giọng hát trượng phu Anh Ngọc trình bày, với dàn phụ họa giọng nữ trong chương trình Hoàng Trọng ngày xưa...

Phạm Duy sáng tác bài Tiếng Sáo Thiên Thai năm 1959 tại Saigon, mà theo lời của chính tác giả là viết cho cặp song ca Thái Thanh, Thái Hằng lúc đó đang rất ăn khách và thiếu bài hát song ca.

Không như Thiên Thai là truyện cổ tích kể lại bằng nhạc, Tiếng Sáo Thiên Thai không kể chuyện hai chàng Lưu Nguyễn, mà là một bài hát lấy ý thơ của Thế Lữ phổ vào nhạc. Nhưng Tiếng Sáo Thiên Thai là một cảnh tiên êm đềm và thơ mộng. Âm điệu Habanera dìu dặt và êm ái rất thích hợp với lời ca khi lửng lơ, khi cao vút, khi xa vắng, khi mênh mông...

Tiếng Sáo Thiên Thai được viết trên cung Mi giáng Trưởng, lên cao vút (cũng là nốt Fa Năm) đều đặn như một bài thơ năm chữ và đặc biệt là cứ mỗi cuối câu, lại có một câu láy.

Xuân tươi,

Êm êm ánh xuân nồng

Nâng niu sáo bên rừng

Dăm ba chú kim đồng...


Vào thời đó, modulation của Tiếng Sáo Thiên Thai mới thật là tài tình mới mẻ vì Phạm Duy chuyển từ cung Mi giáng Trưởng qua cung Sol thứ / Ré 7/ Sol thứ / Ré 7/ Mib Trưởng / Ré 7/ Sol thứ. Rồi lại chuyển qua cung Do thứ / Fa 7, để chuyển về cung Si giáng Trưởng / Fa7/ Si giáng Trưởng, lập lại hai lần, vào nốt cảm âm để về lại nguyên cung là Mi giáng Trưởng. Hát bài này với một người đệm đàn không được cứng và không biết chuyển cung thì ca sĩ phải giữ lấy hồn mình, kẻo đi lạc lên Thiên Thai mà không hay...

Ngoài hai cô Thái Thanh và Thái Hằng thường trình bày rất quyện và điêu luyện, Quỳnh Giao nhận thấy hầu như những cặp chị em hát song ca bài này đều hay và đẹp vì hình ảnh dễ thương nữa. Thí dụ như cặp Mai Hương và Bạch Tuyết, cặp Thái Hiền và Thái Thảo, và Quỳnh Giao cũng đã hát bài này với em gái Vân Quỳnh trong tape nhạc Jo Marcel năm xưa...

Nhắc lại năm xưa, mình mới nhớ rằng Tết Trung Thu nào các trường tiểu học cũng đều dùng Tiếng Sáo Thiên Thai làm nhạc nền cho các em bé gái nhỏ múa, kể cả em nhỏ này (là người viết) khi còn học lớp Năm. Ngày nay, nếu các em nhỏ của chúng ta vẫn được múa hát trên giai điệu ấy, có lẽ chúng sẽ tìm hiểu nhiều hơn. Và biết đâu lại chẳng yêu thích hơn trò dọa ma trong ngày Halloween!