Home Văn Học Khảo Luận Gió đưa cành trúc la đà

Gió đưa cành trúc la đà PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Quốc Thúc * Dương Tử   
Thứ Hai, 28 Tháng 12 Năm 2009 09:13

 Những người gốc miền Trung đã sửa lại tiếng chuông Trấn Vũ thành tiếng chuông Thiên Mụ.

Mới đây tôi được đọc trên mạng lưới Internet một bài phiếm luận lý thú về hai câu thơ, thời tiền đô hộ Pháp. Đó là cặp câu lục bát:

Gió đưa cành trúc la đà,...
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương ...

Ngay từ hồi còn học ở Trường Thành Chung Nam Định (1934 - 1937), tôi đã được đọc hai câu thơ này, nhưng không phải là tiếng chuông Thiên Mụ mà là tiếng chuông Trấn Vũ. Theo tôi nhớ thì đây là hai câu đầu của một bài thơ tứ tuyệt:

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương,
Mịt mù bãi cát màn sương,
Nhịp chày Yên Thái , bóng gương Tây Hồ..

Thiên Mụ là tên một ngôi chùa danh tiếng ở ngoại thành Huế, còn Trấn Vũ là tên một ngôi chùa cũng rất nổi danh ở phía tây thành Thăng Long cũ (tức Hà Nội). Vậy thì địa danh nào mới đáng coi là chính xác? Dĩ nhiên những ai sinh trưởng ở miền Trung, đặc biệt ở vùng Thừa Thiên, có xu hướng chọn địa danh Thiên Mụ. Trái lại những người gốc miền Bắc tin rằng địa danh Trấn Vũ mới đúng sự thật.

Bản thân kẻ viết bài này không bao giờ có đầu óc địa phương phi lý như vậy: trái lại chúng tôi rất trân quý đồng bào miền Trung. Tuy nhiên khi bàn về một đề tài liên can tới văn học sử, chúng ta cần phải khách quan và tôn trọng tinh thần khoa học. Tôi tin rằng tiếng chuông trong câu thơ trên là chuông chùa Trấn Vũ vì những lý do sau đây.

Trước hết, địa danh Trấn Vũ không đưa ra một cách đơn lẻ mà đặt trong một tổng thể gồm 4 địa danh: Trấn Vũ, Thọ Xương, Yên Thái, và Tây Hồ. Cả bốn địa danh này đều thuộc một khu vực chung là vùng tây cố đô Thăng Long, tức Hà Nội cũ. Chùa Trấn Vũ là một thắng cảnh nằm trên đường Cổ Ngư, một đường đê ngăn cách Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Thọ Xương là tên cũ của một huyện sát thành Thăng Long, trên bờ Hồ Tây, trong đó có những làng danh tiếng như làng Bưởi, làng Thụy Khê, làng Yên Thái, vân vân... Đặc biệt là làng Yên Thái chuyên nghề làm giấy bản: trong làng suốt ngày vang tiếng chày giã bột giấy của nhân dân. Như vậy toàn bài thơ tứ tuyệt liên can tới một vùng nhất định là vùng ngoại thành phía Tây của cố đô Thăng Long. Nếu cho là tiếng chuông của chùa Thiên Mụ thì làm sao giải thích được sự hiện diện trong cùng câu thơ của huyện Thọ Xương, một nơi cách xa Huế hàng nghìn dặm?

Đọc bài thơ tứ tuyệt nói trên, ta có thể mường tượng là tác giả đã sáng tác ở đâu và trong hoàn cảnh nào. Rõ ràng là lúc đó ông (hay bà?) ta đang ngụ ở một nơi trông ra Hồ Tây cách chùa Trấn Vũ cũng như làng Yên Thái không xa lắm, nên mới nghe được tiếng chuông chùa cũng như tiếng chày giã bột giấy của dân làm giấy. Trước biến cố ngày 9 tháng 3 năm 1945 kẻ viết bài này từng cư ngụ ở đường Pépinière, một con đường đi từ đường Quan Thánh qua trường Bưởi (tức Lycée du Protectorat sau đổi tên là trường Chu Văn An), tới Vườn Ươm Cây của Thành Phố Hà Nội (vì thế con đường mới mang tên Pépinière) rồi tới các làng Thụy Khê, Yên Thái. Đứng trên gác ngôi nhà tôi cư ngụ, nhìn qua cửa sổ có thể thấy Vườn Ươm Cây và đàng xa là mặt nước Hồ Tây. Như vậy việc tác giả bài thơ thuật rằng mình nhìn thấy mặt nước Hồ Tây sau bãi cát phủ sương mù ở bờ hồ, đồng thời nghe thấy tiếng chuông chùa Trấn Vũ và tiếng chày giã bột giấy của dân làng Yên Thái, là việc có thực, không phải bịa đặt để thi vị hóa. Tác giả đã ngẫu hứng vào lúc nào? Theo tôi nghĩ lúc đó là bình minh vì bốn chữ canh gà Thọ Xương. Hồi theo cấp tiểu học, tôi từng thuộc lòng một bài thơ khác khởi đầu như sau:

Trống canh năm gà vừa gáy sáng,
Bừng mắt dậy trời đã rạng đông!
Ngắm phong cảnh đẹp vô cùng:
Hỏi ai thêu dệt? Ấy Ông Thợ Trời!

Tác giả không nói tới tiếng trống cầm canh của đồn Thọ Xương mà lại nói tiếng gà gáy. Tất nhiên gà gáy vào lúc bình minh chứ không gáy ban đêm: có lẽ tiếng gà gáy đã vang lên cùng lúc với tiếng trống điểm canh năm chăng? Vì thế tác giả mới nảy ra ý nghĩ ngộ nghĩnh là con gà gáy điểm canh! Đây là một nghệ thuật chơi chữ táo bạo của các nhà thơ, nhà văn, có dụng ý đánh động sự hiếu kỳ của độc giả hay thính giả. Từ xưa đến nay đã ai thấy gà gáy điểm canh suốt đêm đâu! Chẳng trách có người đã hiểu lầm và dịch canh gà Thọ Xương là chicken soup of Thọ Xương (bouillon de poulet de Thọ Xương)!

Tiếng chuông chùa cũng như tiếng chuông giáo đường thường có ảnh hưởng gây xúc động trong tâm hồn những người nhạy cảm. Thời Nhà Đường, một thi sĩ Trung Hoa, ngủ trên thuyền ở bến Cô Tô, giữa đêm bỗng nghe thấy hồi chuông từ chùa Hàn San vọng lại. Ông ta ngẫu hứng đã sáng tác một bài thơ trứ danh trong đó có hai câu:

Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh náo khách thuyền!

(Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San)

Hồi chuông mà tác giả của chúng ta đã nghe thấy không có tính cách bất thường như hồi chuông giữa đêm khuya của chùa Hàn San: đó chỉ là hồi chuông được gióng lên mỗi buổi sáng. Tuy nhiên đối với những người đang có chuyện ưu tư hay phiền não, nó nhắc nhở cho họ rằng mọi sự trên cõi đời trần tục này đều là vô thường!

Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm!
Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa!

Tác giả của chúng ta có ở trong trạng thái tâm thần đó không? Ta không thể quyết đoán, chỉ biết chắc rằng ông (hay bà) ta đã chú tâm đến hồi chuông này. Có thế thôi!

Dựa trên các chi tiết trong bài thơ, tôi giả thiết như sau: Tác giả vừa thức dậy, nhìn ra ngoài vườn thì thấy nhiều cành trúc trong bụi trúc trước nhà la đà trước gió, rồi nghe thấy tiếng chuông ban mai của chùa Trấn Vũ vang dội cùng lúc với tiếng gà gáy từ phía đồn canh của Huyện lỵ Thọ Xương. Tác giả thầm nghĩ 'Thật chẳng khác chi con gà đã thay lính cầm canh báo cho ai nấy biết rằng canh năm tới rồi!'. Tác giả nhìn về phía bãi cát ở bờ Hồ Tây, thì thấy sương mù mờ mịt. Mặc dù còn tranh tối tranh sáng như vậy, đã nghe thấy tiếng chày giã bột giấy của dân làng Yên Thái. Rồi qua màn sương, tác giả thấy mặt nước Hồ Tây lóng lánh như một tấm gương vĩ đại... Ngẫu hứng nhà thơ đã sáng tác bốn câu thơ thể lục bát, còn được truyền tụng cho đến ngày nay.

Rõ ràng đó là một bài thơ tả cảnh, rất hiện thực. Tuyệt nhiên không phải là thơ tả tình vì không có một câu nào, một từ nào, nói lên tình cảm của chủ thể. Điều bất ngờ là do các biến chuyển của thời cuộc, bài thơ dần dần trở thành thơ tả tình, hơn thế nữa: đã được dùng như một thông điệp để biểu lộ một thái độ chính trị.

a) chuyển thứ nhất là việc nước Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa (1863) rồi đặt nền bảo hộ trên hai miền Bắc Kỳ và Trung Kỳ (1884). Lợi dụng tình trạng khiếp nhược của Triều đình Huế, nhà cầm quyền Pháp đã dần dần biến chế độ bảo hộ trên giấy tờ thành một chế độ trực trị trong thực tế. Những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định ở Bắc Kỳ hoàn toàn do các cai trị viên Pháp quản lý. Bộ mặt của những thành phố này thay đổi sâu xa. Trước cảnh tang thương ấy, nhiều sĩ phu cựu học cảm thấy nhớ tiếc thời đất nước còn tự chủ: thời Hà Nội còn gọi là Thăng Long với những hình ảnh, những âm thanh được ghi trong bài thơ tứ tuyệt 'Gió Đưa Cành Trúc La Đà'... Các cụ đã ngâm nga bài này để nói lên tâm trạng hoài cổ của mình và gián tiếp bầy tỏ nguyện vọng cần vương phục quốc. Nhưng sau sự thất bại của các nhà kháng chiến như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật..., của các phong trào duy tân như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, sau khi thấy các vị vua có tinh thần đấu tranh như Hàm Nghi, Duy Tân, Thành Thái bị lưu đày ra hải ngoại... nhiều cụ đã chán nản, chua chát ghi nhận những sự thật ngang tai chướng mắt.

Thí dụ: Cụ Tú Trần Kế Xương trong mấy câu: Sự biến

Vợ lăm le ở vú!
Con tấp tểnh đi bồi!
Khách hỏi nhà Ông đến:
Nhà Ông đã bán rồi!

b) Sự biến chuyển thứ hai xẩy ra trong những năm đầu của thập kỷ 1930. Sau khi những âm mưu khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng và của Đảng Cộng Sản Đông Dương bị nhà cầm quyền thuộc địa thẳng tay đàn áp, Pháp áp dụng chính sách 'lập lờ đánh lận con đen' với hy vọng ru ngủ nhân dân hai miền Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vua Bảo Đại được Pháp đưa về hồi loan chấp chính, Triều đình Huế được tân trang với sự bổ nhiệm một số nhân vật tân học vào Viện Cơ Mật nhưng cơ cấu chính trị và hành chính vẫn giữ nguyên vẹn với các định chế lỗi thời như định chế quân chủ thiên mệnh, định chế quan lại, định chế xã thôn tự trị... Nguyện vọng của các tổ chức đấu tranh và những người yêu nước là phải canh tân toàn diện chứ không phải là cải cách nửa vời, giả dối! Bài thơ 'Gió Đưa Cành Trúc La Đà' bị coi như tượng trưng xu hướng thủ cựu, một xu hướng chỉ có lợi cho nhà cầm quyền thuộc địa. Sau khi vua Bảo Đại bổ nhiệm sáu vị thượng thư 'tân học' để thay thế lục bộ cũ, tuần báo hài hước Phong Hóa đã đăng một bức hí họa trong đó sáu cụ 'Thượng mới', quần trùng áo dài, đeo thẻ bài lủng lẳng, chen chúc nhau trên một con thuyền nhỏ bé lênh đênh trên sông Hương. Dưới bức họa ghi hai câu thơ lục bát:

Gió đưa cành trúc la đà
Một thuyền chật ních bài ngà thượng thư ...

Bài thơ 'Gió Đưa Cành Trúc La Đà' trước kia được coi là biểu tượng của thái độ chống thực dân Pháp thì nay đã biến thành biểu tượng của thái độ thủ cựu, hợp tác với nhà cầm quyền thuộc địa Pháp!

c) Sự biến chuyển thứ ba xẩy ra sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 với sự di cư của hơn một triệu người Việt tị nạn ra ngoại quốc. Nhiều người tị nạn đã mượn bài thơ 'Gió Đưa Cành Trúc La Đà' để nói lên nỗi lòng tưởng nhớ quê hương của mình. Tất nhiên những người gốc miền Trung đã sửa lại tiếng chuông Trấn Vũ thành tiếng chuông Thiên Mụ.

Ba mươi năm đã trôi qua. Số người tị nạn ở hải ngoại, cộng với con cháu họ và những người Việt không chịu hồi hương sau khi chế độ cộng sản Liên Xô tan rã, đã lên gần ba triệu. Khỏi cần chứng minh là nhiều thanh thiếu niên không biết gì về lịch sử cũng như văn chương Việt Nam. Nhiều người nói tiếng Việt còn không sõi. Do đó, khi đọc bài thơ trứ danh 'Gió Đưa Cành Trúc La Đà', họ đã không hiểu những từ ngữ dùng trong bốn câu thơ. Nếu tra tự điển để tìm nghĩa từng chữ thì có thể sai lầm thảm hại, như tác giả bài phiếm luận nói trên đăng trên internet đã chứng minh một cách rí rỏm. Chẳng hạn người ta có thể nghĩ rằng "la đà" là một đàn la và lạc đà rồi suy luận rằng cành trúc là cây roi tre của kẻ chăn đàn la và lạc đà này. Rồi Thiên Mụ thì được hiểu là Vợ của ông Trời, chuông đồng của chùa giống như chuông điện chỉ cần bấm là kêu leng keng, còn canh gà Thọ Xương có lẽ là canh xương gà trong các tiệm ăn Tầu! Tác giả bài phiếm luận đã dựa trên những sự lầm lẫn đó để làm bài thơ trào phúng sau đây:

Roi tre vun vút vung ra:
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng...
Vợ Trời giáng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà Tầu!

Nếu dụng ý của tác giả bài phiếm luận là chế giễu các thanh thiếu niên không có đủ kiến thức về ngôn ngữ và văn chương Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng cũng tội nghiệp cho họ quá! Họ đâu có được học hỏi về ngôn ngữ và văn chương Việt Nam như ông, cha của họ!

Kẻ đáng trách chính là chúng ta, những người lớn tuổi thuộc thế hệ ông, cha của các thanh thiếu niên ấy. Chúng ta đã không làm hay không làm đủ bổn phận truyền đạt cho con cháu chúng ta những kiến thức về văn hóa dân tộc mà chúng ta đã hấp thụ.

Thiên phiếm luận đăng trên Internet về bài thơ “Gió đưa cành trúc la đà” đã giúp chúng ta ý thức sâu sắc hiểm họa vong bản đang đe dọa con cháu chúng ta. Chúng ta không nên trì hoãn nữa: cần phải làm một cố gắng quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng này./.

 

Xin được góp ý về bài

“Gió đưa cành trúc la đà" của giáo sư Vũ Quốc Thúc

Bài của Dương Tử 

Phải công nhận rất, hiếm khi chúng ta đuợc đọc bài viết về văn học văn hoá của một chuyên viên kinh tế. Cám ơn Giáo sư đã sử dụng kinh nghiệm bản thân cụ thể để phân tích cặn kẽ 4 câu thơ:

“Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù bãi cát màn sương.
Nhịp chày Yên Thái, bóng gương Tây Hồ.”

Sau đây, chúng tôi xin mạo muội đóng góp một số ý kiến về bài viết của Giáo sư. Nếu có điều chi thất thố, xin Giáo sư vui lòng chỉ bảo.

I.- Ý THỨ NHẤT: Tiếng chuông TRẤN VŨ.-

Bốn câu thơ nêu trên với những địa danh Thăng Long (Hà Nội), rõ ràng là được sáng tác ở Miền Bắc. Tiếng chuông ở đây là tiếng chuông Trấn Vũ, chứ không phải là tiếng chuông Thiên Mụ. Tuy nhiên, trong kho tàng Văn Học Dân Gian ( Bình Dân) của chúng ta còn có 4 câu thơ khác như sau:

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông THIÊN MỤ canh gà Thọ Xương.
Thọ Xương có gái mỹ miều
Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều Trẫm đi.”

Câu ca dao nầy được xếp vào loại ‘ca dao có tình cách lịch sử’, ám chỉ việc vua Duy Tân rời bỏ kinh thành, mưu đồ khởi nghĩa chống Pháp: Theo kế hoạch, vào đêm 3 tháng 5 năm 1916, hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên đến cửa Hòa Bình đón vua xuất bôn. Không may âm mưu đã bị phát giác, vua tôi bỏ chạy, bị truy nã. Ðể đánh lạc hướng mật thám, vua đã gói ấn tín bỏ lại trên cầu Tràng Tiền mà theo Thái Phiên và Trần Cao Vân lẩn trốn. Nhưng cuối cùng vua tôi đều bị bắt tại chùa Thiên Mụ và huyện Phú Lộc (Huế ). Hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên bị xử chém, nhà Vua thì sau 10 ngày phải giam cầm ở đồn Mang Cá, bị đày sang đảo Réunion bên Phi Châu. Lúc bấy giờ Ngài mới 16 tuổi!

Như thế, câu ca dao nầy được sáng tác ở miền Trung, sau ngày âm mưu khởi nghĩa. Và tiếng chuông ở đây là tiếng chuông THIÊN MỤ. Chứ không thể nói là sau biến cố 30 Tháng Tư, tị nạn ở hải ngoại nhớ quê hương mà những người gốc Miền Trung đã sửa lại tiếng chuông TRẤN VŨ thành tiếng chuông THIÊN MỤ! Có điều là tôi không biết câu nào được sáng tác trước câu nào.

Nói về các câu ca dao có tính cách lịch sử, chúng ta có rất nhiều. Thí dụ như: “Phụ Hoàng Hoàng đế hà tội kiến thiên? Dực tông tôn lăng hà cô kiến quật?”(Sớ bí mật dâng lên vua Duy Tân kể tội việc đày vua Thành Thái và việc đào mả vua Tự Ðức.) “Tiếc thay cây quế giữa rừng Ðể cho thằng Mán, thằng Mường nó leo!” “Châu Ô, Châu Lý vuông ngàn dậm Một gái Huyền Trân của mấy mươi!” liên quan đến việc vua Nhà Trần gả Công Chúa Huyền Trân cho Chiêm vương Chế Mân, đổi lấy 2 Châu Ô và Châu LÝ. “Nghĩ ra nông nỗi thêm rầu. Ở giữa Ðồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi!” liên quan đến việc vua Ðồng Khánh được Pháp đưa lên ngôi ở Huế, trong khi ở hai miền Bắc và Nam, dân chúng vẫn trung thành với vua Hàm Nghi. “Tháng sáu có chiếu Vua ra Cấm quần không đáy, người ta ngặt ngùng Không đi thì chợ chẳng đông Ði thì bóc lột quần chồng mà mang” liên quan đến việc vua Minh Mạng cấm người phụ nữ miền Bắc mặc váy… “Nực cười châu chấu đá xe Tưởng rằng chấu ngả, ai dè xe nghiêng!”: đề cập đến việc vua Nhà LÝ năm 1076 sai Lý Thường Kiệt đem quân đánh TỐNG để đòi lại Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu . “Giặc Tây đánh đến Cần Giờ Ðừng thương, đừng nhớ, đừng chờ, uổng công!” :lời người chiến sĩ Nghĩa Binh tòng quân đánh giặc Pháp (1859) “Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết

Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường: Bên nầy sông Hương là triều đình Huế, bên kia sông là toà Khâm Sứ Pháp, từ tháng 6/1883 ( vua Tự Ðức mất ) đến tháng 10/1883, có 3 vị vua được/bị phế lập là vua Dục Ðức, Hiệp Hoà và Kiến Phúc; đó là điềm chẳng lành!

Và gần đây, có rất nhiều câu ca dao tân thời, liên quan đến các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội, chẳng hạng như về vấn đề ‘Ở TÙ CẢI TẠO’: “Bao giờ Trảng Lớn hết tranh, Núi Bà hết đá thì anh mới về!” “Con đường Cải Tạo chơi vơi, Tù mà không án biết đời nào ra!” “Ngày đi tóc hãy còn xanh, Ngày về mái tóc của anh bạc rồi!” hoặc “tếu” hơn nữa: “Ngày đi con hãy u, ơ. Ngày về cháu nội/ngoại đang chờ đón Ông!”

Về được là may. Chứ như giáo sư Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn Duy Xuân thay Dược Sĩ Ngô Khắc Tỉnh có 2 tuần lễ ( trong nội các của Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn), đã không chịu bỏ nước ra đi nên bị đưa đi tù cải tạo ở miền Bắc 13 năm và chết trong trại Hà Nam Ninh năm 1987!

II.- Ý THỨ HAI: Việc dịch “ CANH GÀ THỌ XƯƠNG”:

Về việc dịch nhóm chữ “Canh Gà Thọ Xương” ra tiếng Anh “ Thọ Xuong Chicken Soup”, hay tiếng Pháp “Bouillon de Poulet de Thọ Xuong”, chúng ta đã từng nghe nói đến từ trước năm 1975 nhưng theo thiển ý, và có lẽ nhiều người cũng cho đây là một ‘lối dịch đùa cho vui’ (joking translation, theme comique ): vừa dịch vừa cười, chứ có mấy ai cho đó là nghiêm túc đâu! Riêng về “bài thơ trào phúng trên Internet” mà giáo sư đã trích dẫn, rất tiếc chúng tôi không được xem, nhưng nghĩ chung chung thì đây cũng chỉ là một trò vui (joke) vậy thôi, chứ có mấy ai dốt nát đến nỗi cho rằng “La đà” là Con La và Con Lạc đà!

Thời tiếng Pháp còn thịnh hành ở Việt Nam, cũng đã có người dịch đùa cợt nhóm chữ “Năm khi mười hoạ” ra là “xanh căng đít cọt bô” ( cinq quand dix corbeaux ), hoặc dịch ra tiếng Pháp như sau: “Xòa xòa ca nạ ki xòa. Rớ gạt tôm mé, nốp xòa cớ man!” ( Soir soir canards crient soir- Regarde tombe mère neuf soirs coeur mal!) câu ca dao:“Chiều chiều chim vịt kêu chiều. Trông vời mả mẹ, chín chiều ruột đau!” cười thôi chứ có ai nói ai dốt đâu!

Cũng như có người nói đùa ( xin lỗi quí vị phụ nữ ) Miền Bắc Cali có một nơi “ phụ nữ giá rẻ lắm”: một trăm quan mà tới sáu nàng! Ðó là người ta cắc cớ bảo San Francisco đọc na ná như “cent francs six cô”: “Trăm quan có được sáu nàng. Ðem về mua gạch Bát Tràng mà xây. Xây dọc rồi lại xây ngang.Xây hồ bán nguyệt cho ( các ) nàng rửa chân! ( nhại lại câu ca dao xưa). Ðùa có quá lố, nhưng vẫn chỉ cho vui. Vậy, cũng không nên quá bi quan về sự ‘dốt nát’ của tha nhân. Chúng tôi vốn thuộc “tiếu lâm cái bang”, cũng thích những chuyện khôi hài, tiếu lâm nhẹ nhàng, tự biết mình không hơn ai nên không dám chê ai dốt nát cả, mình hơn mình đã khó, còn đòi hơn ai ? Thỉnh thoảng cũng “I can du”, “Du cho ai xin” lia chia.

III.- Ý THỨ BA: Canh gà và tiếng chuông chùa HÀN SAN:

1/.Qủa có tiếng “Canh gà” Xin kể câu chuyện vui sau đây: Có một nhà Nho, sáng mùng một TẾT khai bút: “Ðầu năm khai bút, bút khai hoa”..Ðịnh chấm mực tàu ghi thơ trên giấy hồng đào, nhưng bỗng thấy nghiên mực đã mài sẵn mà sao lại đầy cứt gà? ..Ồ, thì ra là con gà trống chứ ai vô đây. Ông kêu lên: Nghiêng mực mà sao lắm cứt gà! Ðúng là “hắn”, hễ cứ mỗi lần bọn gà mái kêu ổ cót cót, là hắn nhảy xổ lên bàn ông cào cào, tục tục, tìm ổ cho lũ gà mái. Càng nghĩ càng giận. Ông quát: Thì cứ đem ra mà cắt tiết. Bà Ðồ từ nhà sau chạy vội ra: “Ai can du! Du cho ai xin “ ( dịch đùa đấy nhé ): Lấy gì đánh thức lúc CANH BA!”. Vì thỉnh thoảng: “Ðang đêm gà gáy canh ba. Ông bà nổi hứng bắt gà đá chơi! ”. Ðủ rồi. Không dám kể tiếp sợ bị…mắng!

Kinh nghiệm bản thân. Thưở nhỏ, vì trường học ở xã không có lớp Nhì, nên chúng tôi phải đi bộ xuống trường Tỉnh để tiếp tục học. Cứ sáng sáng canh ba, GÀ “gáy hiệp nhứt’, MỢ tôi (tức vợ của Cậu tôi, chứ không phải Mẹ tôi ) thức dậy nhóm lửa, nấu cơm cho chúng tôi ăn và còn gói thêm đem theo cơm trưa, GÀ “ gáy hiệp ba” ( tức Canh Năm) là bắt đầu đi bộ 2 cây số, từ xã Phước Thành đến bến đò Trạm (qua sông Ðồng Nai ), chúng tôi qua đò miễn phí vì là học sinh. Rồi bạn hàng thì có xe ngựa chực sẵn chở người và hàng hoá xuống chợ, còn chúng tôi tiếp tục đi bộ, hoặc thường là chạy theo xe ngựa thêm 4,5 cây số nữa mới đến Trường. Vì sợ chúng tôi đeo theo xe, trì đít xe xuống mà càng xe lại ngỏng lên, ngựa không kéo được, nên thỉnh thoảng bác tài quất roi ngược ra phía sau nghe vun vút. Có lần vì sợ cặp mắt kiếng can rớt bể trong khi chạy theo xe, anh tôi gửi kiếng trong thúng hàng hóa của một bạn hàng rồi quên luôn, tưởng mất; vậy mà mấy hôm sau, có người tìm đến trả kiếng lại. Cám ơn hết sức. Chiều tan học, chúng tôi lại lội bộ về đến nhà thì đã “đỏ đèn”.

2/- Qủa tiếng chuông chùa HÀN SAN là bất thường.

Thường thì chùa chỉ nện chuông ‘công phu’ vào buổi chiều tối hay sáng sớm. Tiếng chuông chùa HÀN SAN trong đêm khuya quả là bất thường. Tương truyền, nhà thơ Trương Kế đang đêm neo thuyền ở bến Phong Kiều( Phong Kiều Dạ Bạc ), ngoại ô thành Cô Tô, trước cảnh u tịch, vắng vẻ, trăng tà, quạ kêu, sương xuống, muốn sáng tác một bài thơ, nhưng chỉ làm được hai câu đầu, rồi “hết ý”: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên. Giang phong ngư hỏa đối sầu miên”

Cùng đêm đó, một sự trùng hợp lạ lùng: vị sư trụ trì chùa Hàn San, trong một đêm đầu tháng, trăng non tỏa ánh sáng lung linh trên hoa lá, cũng muốn sáng tác một bài thơ vịnh trăng, nhưng cũng chỉ làm được hai câu đầu, rồi “ cụt hứng”: Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung. Bán tu câu liêm bán tự cung”

Cho mãi đến khuya, tứ thơ vẫn chưa đến, Ngài cứ lập đi lập lại hai câu thơ đã làm mong gợi hứng. Chú tiểu đồng theo hầu Thầy, cũng vừa đọc vừa suy nghĩ rồi đánh bạo đê đầu xin phép Thầy cho đọc tiếp hai câu cuối của bài thơ tứ tuyệt mà sư phụ nghĩ mãi không ra: “Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn. Bán trầm thủy để bán phù không!”

Sư phụ cả mừng khen rối rít, ngâm nga nhiều lần toàn bài thơ, giục trò nấu nước pha trà dâng Phật, và gióng một hồi chuông tạ ơn chư Phật đã ban cho hai thầy trò trí huệ minh mẫn, hoàn tất được bài thơ.

Ðúng lúc ấy, người được hưởng “lây” huệ sáng suốt nói trên là nhà thơ Trương Kế: ông đang lơ tơ mơ, có lẽ đã ngủ gà ngủ gật, chợt nghe tiếng chuông giật mình “đánh thót một cái”, như trái táo rụng trên đầu nhà bác học Newton, ý thơ bỗng dâng lên, giúp nhà thơ kết thúc tác phẩm “bất hủ” của mình, hiện được khắc trên đá để du khách bốn phương lũ lượt đến thưởng ngoạn:“Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự. Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền!”

Hay thì biết là hay vậy, chứ làm chi mà phải tốn bạc ngàn sang tận bên Tàu để xem thơ! Một sự “tôn sùng”, “vọng ngoại” quá đáng”! Cũng như Vạn Lý Trường Thành, không đi xem, có chết đâu! Thế mà có người bảo: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hớn!”

IV.- Ý THỨ TƯ: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA Ở HẢI NGOẠI

Cám ơn Giáo sư đã nhắc nhở. Xin được tường trình Giáo sư: Vấn đề nầy, riêng ở Miền Nam CALI , đã được chúng tôi và quí phụ huynh học sinh hợp tác với nhau thực hiện từ hơn ba mươi năm nay rồi: Phải hành động chứ không thể hô hào suông được. Riêng cá nhân chúng tôi, thì chị mới bắt tay vào việc 20 năm thôi, kể từ năm 1990 tị nạn sang Mỹ theo diên H.O.( Chương trình Tị nạn Nhân đạo) , sau mấy năm tù cải tạo và sau khi được thả từ nhà tù vượt biên. Bọn cai tù điều tra biết tôi là tù cải tạo vượt biên nên điểm mặt tôi: ”Người thường vượt biên còn có thể tha, chứ đã cải tạo rồi mà vẫn u tối ( tôi lầm bầm vừa đủ nghe “còn lâu”), vẫn còn muốn chạy theo bọn đế quốc để ăn bơ thừa sữa cặn, cho ở tù rụt xương luôn”. Nói vậy chứ không phải vậy: Bà Xã tôi lo tiền là nó thả. Ðược thả rồi, tôi vượt biên nữa, lại mất tiền mất bạc; và cuối cùng thì trắng tay, chờ đi theo diện H.O.

Xin trở lại việc‘ Dạy tiếng Việt, Lịch sử, Ðịa lý và Văn hoá Việt Nam’ cho các thế hệ trẻ tai Miền Nam California từ hơn 30 năm nay: Phụ huynh học sinh thì khuyến khích con em nói tiếng Việt, học tiếng Việt, tạo điều kiện và khuyến khích con em đến lớp học tiếng Việt vào mỗi cuối tuần, giúp đỡ Thầy Cô, trường lớp về vật chất cũng như tinh thần. Phương châm của quí vị là “Ðừng sợ con mình không nói giỏi tiếng Mỹ, mà chỉ lo con em mình không nói rành tiếng Việt!”

Về phía chúng tôi thì hai tổ chức đã liên tục nỗ lực: Ðó là Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ NAM CALI và Gỉai Khuyến Học Việt OLYMPIAD:

1.-Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ NAM CALI : là cả một phong trào thi đua. Các Trung tâm Việt Ngữ mọc lên như nấm, thi đua mở các lớp dạy Tiếng Việt, Lịch Sử, Ðịa Lý, và Văn Hoá Việt Nam vào mỗõi cuối tuần, với phương châm: “Tiếng Việt còn, Ðất nước ta còn”. Thầy Cô hy sinh đến dạy miễn thù lao, trường lớp thì xin chùa, nhà thờ cho mượn , cung cấp miễn phí bàn ghế, phấn bảng.. Hiện nay ở Nam Cali có hàng trăm trung tâm tiếng Việt như vậy. Thậm chí còn có Thầy Cô lấy phòng ốc của nhà mình để làm lớp học! Ðể phối hợp hoạt động, cácTrung tâm bầu lên một Ban Ðại Diện điều hợp, một chương trình chung, soạn và in sách giáo khoa, liên lạc với chánh quyền, với các hội đoàn bạn, thi đua Văn nghệ “VUI HỌC, VUI HÁT”, tổng kết mỗi niên học, báo cáo thành quả, họp mặt cuối năm, khen thưởng học sinh và tri ân Thầy Cô xuất sắc, kiên trì phục vụ không mệt mỏi, trong mười năm, mười lăm năm, hai mươi năm qua! Ðặc biệt tuyên dương những Thầy Cô liên tục dạy trên mười, mười lăm năm, hai mươi năm: Họ quả là duy trì sự kiên nhẫn, sự hy sinh vượt mức! Họ đã liên tục hoạt động “CHÙA” nhưng rất hăng hái và phấn khởûi và đã tạo được những thành quả cụ thể lớn lao trong hơn ba mươi năm qua. Ðịa chỉ liên lạc: Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, 14560 Magnolia St, Ste 105 , Westminster- CA 92683:Website: ttvn.org - E-mail: tavietlcs at yahoo.com.

2.- Gỉai Khuyến Học Việt OLYMPIAD đã tổ chức đến kỳ thứ 22, phối hợp nhịp nhàng vơí Ban ÐẠI DIÊN CÁC TTVN nói trên: một bên thì lo dạy, một bên lo kiểm tra để phát thưởng, khuyến khích:các em vui học với phương châm: “Ðược không kiêu, thua không nản”! Thật ra trước đây hai tổ chức nầy là một, về sau vì nhu cầu phát triển nên tách ra làm hai để dễ bố trí và điều động nhân sự. Hằng năm, cứ đến kỳ thi khuyến học Việt OLYMPHIAD, khoảng tháng 6, cả một bầu không khí rộn ràng, hào hứng. Phần các Trung tâm Việt Ngữ và Ban Ðại Diện lo ôn tập, lập danh sách thí sinh gởi về ban tổ chức, chuẩn bị tiền bạc để lo ăn uống , xe đưa đón các thí sinh trong mấy ngày thi, và lo chuẩn bị các phần thưởng của riêng từng trung tâm cho các học viên của mình. Ban tổ chức thì lo:

- Soạn đề thi, ra đề thi, chấm bài cho các cấp Tiểu học, Trung học, Ðại học, kể cả thi viết và Ðố Vui để Học, xem xét, định mức sức học và thành tích hoạt động cộng đồng của các Sinh viên và Học sinh ưu tú, xếp hạng các sáng tác đã nộp cho Ban Tổ chức, v.v… với sư giúp đỡ tích cực và kiên trì của các Thầy Cô trong HỘI CỰU GIÁO CHỨC VIỆT NAM HẢI NGOẠI và GIA ÐÌNH SƯ PHẠM HẢI NGOẠI

-Tổ chức các phòng thi và phát giải thưởng ( mấy năm sau nầy do GSTS Phạm Thị Huê giúp mượn được phòng thi và hội trường để phát các giải thưởng tại Trường ÐHCÐ Orange Coast College)

-Thực hiện các giải thưởng gồm các giải viết văn, học sinh và sinh viên ưu tú, luận văn, đố vui về lịch sử- địa lý-văn học, viết chính tả…Kinh phí thì có các mạnh thường quân quyên góp, tổ chức trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn, tổ chức tiệc gay quỹ, tổ chức rửa xe, thả thơ trong các Hội Chợ TẾT v.v…

- Phổ biến các Thông báo, tường thuật các Kỳ thi, lễ Phát các Giải thường, tri ân Thầy Cô giáo, quý vị Mạnh Thường quân, quý vị Ký giả, Phóng viên, Báo chí, các Ðài Phát thanh, các Ðài Truyền hình, v.v…

Kết quả là gì? Xin mời Quí vị đến phòng dạy học, phòng thi, dự khán Lễ Phát thưởng để xem chúng tôi làm việc. Vui lắm. Mệt nhưng mà vui. Chúng tôi hỏi một em bậc tiểu học về tên các con vật trong tác phẩm LỤC SÚC TRANH CÔNG và phần việc của mỗi con vật. Em kể đúng 6 con: TRÂU, NGỰA, CHÓ HEO, DÊ và GÀ nhưng đến phần công việc của DÊ và GÀ, em lúng túng “Dạ…dạ, con GÀ ÐẺ TRỨNG, con DÊ VẮT SỮA”.Thật đáng mừng: Em đã có một ít khái niệm căn bản về Văn học rồi đó!

Quí vị cũng sẽ gặp những thanh niên sanh tại Mỹ, học Trường Mỹ, làm việc hãng Mỹ nhưng nhờ trước có theo học các lớp tiếng Việt, nay cuối tuần trở về trung tâm dạy phụ, tiếp tay với Thầy Cô của mình.

Quý vị sẽ bắt gặp những gương mặt rạng rỡ khi các em nhận được các phần thưởng từ tay các Thầy Cô, Phụ Huynh và các nhà mạnh thường quân. Quí vị sẽ ngạc nhiên thích thú khi nhìn thấy tận mắt những bài hát tiếng Việt, những màn vũ dân tộc do các em luyện tập và trình diễn góp vui!

Quí vị sẽ thấy lòng rộn rã khi nghe tập thể học sinh vui hát các bản nhạc Tình Ca của Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nướùc tôi…” hoặc bài Vang Vang Tình Việt Nam của Trầm Tử Thiêng “Cây có cội, nước có nguồn…”

Lẽ dĩ nhiên đây cũng chỉ là những kết quả khích lệ, chứ hoài bão của chúng ta “to lớn gấp trăm, gấp ngàn lần” và chúng ta còn phải nỗ lực gấp trăm , gấp ngàn lần như thế!

Ðịa chỉ của Ban Qủan Trị Giải Khuyến Học Việt OLYMPIAD: Box 802 Garden Grove, CA 92843

Ð.t. (714) 531-8540 - (562) 225-4059

Xin được nhại lời hát của cố ca nhạc sĩ DUY KHÁNH :Hãy đến với chúng tôi, hãy dến với chúng tôi, đừng yêu TRẺ bằng lời!”

Xin cám ơn giáo sư. Xin cám ơn quý độc giả.