Cuối năm âm lịch,nhớ về những ngày xưa,nếp sống xưa vào dịp tết,chúng tôi xin sưu tập một ít tư liệu về ông Đồ một thời vang bóng trong sinh hoạt dân gian và trong thơ văn Việt Nam để quí bạn đọc có dịp ôn lại một giai đoạn nhiều tính lãng mạn của dân tộc mình. Ông Đồ đúng ra người thầy dạy đạo lý,kiến thức chữ nghĩa cho người ta,nhưng vào thời nho mạt thì ông đồ bỏ nghề dạy học đi làm nhiều nghề khác như thầy lang,thầy bói, tướng- số-tử- vi và viết mướn ,đoán thẻ ở các đình chùa v.v..Vũ đình Liên đã có bài thơ Ông Đồ làm rung động bao trái tim hoài cổ : Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu, giấy đỏ Bên phố đông người qua Bao nhiêu người thuê viết Tấm tắc ngợi khen tài Hoa tay thảo những nét Như phượng múa, rồng bay Nhưng mỗi năm, mỗi vắng Người thuê viết nay đâu Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu Ông đồ vẫn ngồi đấy Qua đường không ai hay Lá vàng rơi trên giấy Ngoài trời mưa bụi bay Năm nay đào lại nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ (1936) Tú Sót tức Chu Thành kể về Vũ đình Liên : "Rất ít người biết rằng, bài thơ Ông Đồ và nhiều bài thơ khác của cụ Vũ Đình Liên còn nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần của nhà thơ. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã theo cụ trọn cuộc đời. Bà chẳng làm nghề gì cao sang, chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, chàng trai trẻ thi sĩ này đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng nhu mì, đôi má ửng hồng e thẹn, nhưng chàng thanh niên Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bình dị mà chỉ có trái tim thi sĩ mới rung lên được sợi tơ tình cảm đó: bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Họ ngồi cạnh nhau nhiều tháng trên hè phố cùng kiếm sống nhưng cũng không bị "Pu-lít" (cảnh sát) đuổi phạt bao giờ.
Thời đó, kẻ sĩ nước mình có mấy ai giàu. Ông đồ nghèo đến nỗi không có nhà phải ngồi ở vỉa hè để bán chữ, mà còn không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: "Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút", vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết rằng, có một anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh đó trong lòng.” Nhưng những người đồng thời đã viết về ông đồ với những cái nhìn khác nhau.Chẳng hạn như Ngô tất Tố với bài Chân dung ông Đồ Hán học cuối năm Kỷ Mão(1940). “Tôi muốn nói về văn chương của bọn nhà Nho ở phố Hàng Bồ Hà Nội . Gọi là nhà Nho kể ra cũng chưa ổn thoả vì các ông ấy chỉ là những người biết cầm cái quản bút lông, đáng lẽ còn phải đi một đoạn đường dài lắm , mới vào đến cổng làng Nho . Nhưng mà từ khi dân phu Nam Định rỡ đi hết những bức rào nứa của trường Hà Nam khoa cuối cùng , vận mệnh Hán học ở Bắc Kỳ cũng như những chiếc chõng một lều tàn , không phải đắc dụng với thời đại , thì họ đã phải dừng chân mà họ vừa bước tới nơi . Ất Mão đến Kỷ Mão , thấm thoắt hai mươi nhăm năm. Một ngày không được chăm sóc đứa trẻ măng sữa sự bị tiều tuỵ hao gầy . Những ông này chỉ là măng sữa của một thời đại cũ , không được hưởng sự chăm sóc của xã hội . Hai mươi nhăm năm lạc bước trong thời đại mới , họ vẫn bơ vơ đúng giữa ngã ba với những cơn gió mưa cát bụi, để chờ có ngày chấm dấu hết cho trang lịch sử Hán học của nước Việt Nam , cái lịch sử đã trải nhiều phen rực rỡ. Ngày thường họ vẫn tản mác đi ra nhiều ngả. Xem bói , xem tuớng , đoán thẻ ở các cửa đền , đó là những đường sinh nhai của họ. Cố nhiên cách sinh nhai ấy , với họ không có gì là vẻ vang . Vì vậy họ vẫn mong đợi cái ngày thiên hạ nô nức đón tin xuân, để cùng nhau trở lại dãy ghế bán bồ ngày xưa mà ghi dấu vết điêu tàn của Hán học . Có ai trông thấy quang cảnh lủi thủi của dânh Chàm không ? Tôi có cảm tưởng như đi vào một làng Chàm Bình Thuận tuy tôi gặp họ giữa cái Hà Nội ngày Tết . Năm nay vắng hơn năm ngoái . “ Xóm Chàm” của Hán học đó chỉ lơ thơ độ mười lăm người. Hình như sự kinh nghiệm từ mấy mươi năm nay đã bảo họ rằng ngồi bên số chẵn không lợi , nên họ đua nhau sang bên số lẻ , cố góp với sự náo nhiệt của mấy mụ hàng tranh . Đó ai mà không cảm động , khi ngó thấy những ông rau ráu ngồi trên chiếc chiếu nửa trải nữa cuộn , đăm đăm nhìn vào chậu mực ruồi bâu . Người ta thình lình phải nhớ đến sự thịnh vượng của thời đại khoa cử . Sự cảm động ấy giục tôi phải nhìn cho rõ chân tướng của “Xóm Chàm” ấy , để thử đánh dấu cái mực sa sút của nền Hán học đương tàn. Nhưng việc đó không thể tựa vào mấy bức câu đối chữ Hán, vì nó toàn là sáo cũ . Tôi phải tìm đến thi ca quốc âm. Bắt đầu vào bức rào nứa của một toà nhà đương phá , tôi thấy sau đống gạch mới , một cụ đương cùng ông bạn nói chuyện tầm long(1) với chiếc ba-đờ-xuy đen xẫm và ba chòm râu phất phơi, cụ này coi bộ phong lưu nho nhã hơn các đồng nghiệp . Người ta có thể ngờ là cụ bảng , cụ nghè , nếu không gặp cụ đi bán câu đối . Mọi ngày cụ ấy thường viết thơ nôm. Hôm nay trên bức rào nứa , văn nôm của cụ chỉ có hai câu thế này : Ba vạn sáu nghìn ngày , già trẻ ấm no nhờ lộc tổ; Một năm mười hai tháng , phong lưu nhàn hạ đội ơn trời. Thì ra văn chương của cụ, không “ nghè” không “ bảng” chút nào . Qua dãy tranh gà chuột , đến cái chiếu của hai cụ khác. Hình như trước đây tôi đã có thấy các cụ ngồi ở ven hè với một quyển sách vẽ hình bát quái , nhưng không nhớ là hè phố nào. Các cụ tiếp tôi một cách vồn vã , và giở thi tập ra đọc , khi tôi hỏi các cụ có thơ nôm không. Nhưng lúc tôi muốn coi lại bản nháp, thì cụ nọ đưa mắt cụ kia , tỏ ra thái độ khinh bỉ , như sợ tôi ăn cắp mất những giai tác(2) để làm một nghề với cụ . Thế cũng phải . Văn chương bây giờ không còn là của vô chủ , nó đã có quyền sở hữu, lẽ nào người ta lại để cho mình xem không, nhưng cái quyền sở hữu của một bài thơ ngày Tết , hợp với cả tờ giấy đỏ , mới đáng có năm đồng xu. Tôi phải hy sinh một số tiền ấy để xin các cụ giáp cho hai thiên kiệt tác cất kín ở trong đáy trap. Các cụ lại vui vẽ đãi tôi vào hàng quý khách và sốt sắng chép cho hai bài sau đây : Mừng nay xuân đã đến từng nhà, Ắt hẳn xuân tình bạn với ta, Xuân tưới cụm lan pha vẻ ngọc , Xuân đầu khóm quế đượm mầu hoa. Xuân vui rượu cúc chừng năm, bẩy. Xuân hứng chè sen độ một vài Trời đất lâu dài xuân mãi mãi, Xuân đi xuân lại biết bao là. Bài thứ hai nó còn hay hơn nữa. Nó như sau này : Đông đã qua rồi lại đến xuân. Mưa hoà, gió thuận, sắc thanh tân, Xanh, vàng , đỏ, tía , hoa trăm thức, Nồng nhạt thơm tho , rượu mấy tuần, Trồi quế tốt tươi hương sực nức, Chim oanh ríu rít tiếng xa gần, Ơn trời khang thọ xuân còn rộng, Tam chúc hoa phong cũng có phần. Từ giã hai lão tiên sinh , tôi xuống gian hàng kế tiếp phía dưới. Ở đây cũng hai cụ. Tuy cũng là kiểu bó gối gọng bừa, nhưng mỗi cụ ngồi mỗi khác: cụ này úp hai bàn tay lên trên đầu gối, cụ kia thì khoá bàn tay ôm lấy hai ống chân. Bằng cái số tiền năm xu, tôi được hai cụ vui vẻ giáp cho hai bài thơ nữa. Một bài như vầy: Mới độ xuân nào, nay lại xuân, Muôn hồng nghìn tía nở đầy sân, Câu thơ Lý Bạch ngâm vài khúc, Chén rượu Lưu Linh chúc mấy tuần, Trước cửa hoa chào phô vẽ sắc, Lầu cao yến hót hứa đa ngân, Trăm năm cảnh thế xuân còn mãi, Hạnh phúc trời cho tiếp lộc dân. Giả sử không có mấy chữ “ hứa đa ngân” , thì hai xu rưỡi một bài thơ này cũng chưa đắt lắm. Còn bài nữa xin miễn chép lại. Cách hai cụ đó chừng năm sáu cửa, thì là chỗ ngồi của một ông trẻ tuổi. Khốn nạn! ông này hẳn không đẻ kịp cái hồi xô sát của cuộc lều chõng, cớ làm sao cũng đi vào con đường này? Tôi rất áy náy khi thấy nét chữ ông có vẻ hoạt bát, và không nguệch ngoạc như bút tích của mấy cụ kia. Với năm đồng xu nhuận bút, ông ấy giở sách ra chép cho tôi một bài thơ và một bài hát nói. Nhưng nó vô ích cho tôi vì bài thơ đó trùng nhau với bài thứ nhất trên kia, còn bài hát nói thì thiếu mất hai câu đầu và hai câu cuối. Nhưng mà ông ấy nhất định cãi thế là đủ. Có lẽ tác giả chưa biết cái điệu hát nói thế nào. Bây giờ đến chỗ cuối phố, cái chỗ gần nơi máy nước Hàng Thiếc. Canh cái lon sành đựng mực, một cụ đương thu hai tay vào bọc, ngơ ngẩn nhìn những người đi qua. Tôi đã phạm vào tội ăn trộm, vì tôi không mất năm xu mà đọc được một bài sau này, không biết là thơ hay gì: Cửu thập thiều quang xuân lại thủ, Khách chơi xuân tỉnh say với xuân. Khi chè K.Th. khi rượu Vân Hương, Ra sức ngả nghiêng trong vũ trụ, Nào pháo B.Đ. nào câu đối đỏ, Để mà tô điểm vói giang sơn, Trời đất có xuân, xuân mới mãi, Trẻ già thêm tuổi, tuổi càng cao, Xuân tình, xuân tứ, xuân tâm, Cỏ xuân muôn tía, nghìn hồng thiếu chi. Lan hữu tú hề, cúc hữu phương. Có lẽ nó là thơ mới, ai bảo phong trào thơ mới chưa lan đến hạng lão thành! Nếu như mất năm đồng xu mà mua bài thơ mới ấy thì cũng oan cho cái túi của tôi. Với bài ấy đáng lẽ có thể kết luận được rồi. Muốn cho tài liệu dồi dào, tôi phải sang thăm ông cụ ở bên số chẵn. Khác hẳn các cụ ở bên số lẻ, cụ này lại có một cô con gái theo hầu và cái biểu đề chữ “ Liễu trang đệ tử”. Té ra cụ ấy kiêm cả nghề thầy tướng. Chữ cũ tuy không tốt, song không đến xấu lắm. Trong bức tứ bình đả thảo(3) , nét chữ múa may như ngọn cỏ gặp cơn gió cuồng. Tôi cũng xin nộp số tiền như đã nộp cho các cụ kia, để xin cụ giáp cho mấy bài thơ của cụ. Và tôi suýt nữa phải sa nước mắt, khi thấy cụ kèo nèo nài thêm một xu. - Tuyết ơi! Tuyết ! Hãy trông hàng đấy. Vừa dặn con gái, cụ vừa lục cái thúng nhòi(4) tìm cây bút nhỏ, rồi viết mấy bài như sau : Hoa đào hớn hở báo tin xuân, Mới cả giang sơn, mới cả dân, Pháo nổ mừng xuân vang thế giới, Rượu mùi chúc thọ nức hương lân, Ngày xuân đầm ấm cảnh thung dung, Trở dậy trông ra sắc đỏ hồng, Hoa cỏ tranh đua đều biếc biếc, Màu xuân rực rỡ khắp non song, Năm canh vắng vẻ giấc êm đềm, Tiết khí xuân hồi ấm suốt đêm, Ví được quanh năm như thế mãi, Thì cây dương liễu nảy chồi thêm, Xuân về lá cỏ xanh mầu biếc, Thì đến hoa mai nhoẻn miệng ra, Quanh gối chia bùi cùng cháu chắt, Ngoài hiên thỏ thẻ tiếng oanh ca. Thế là đủ. Đủ bằng chứng để xét cái mực Hán học cuối năm Kỷ Mão. Tuy không phải toàn thể Hán học là như thế, nhưng nó cũng đã đi tới bực ấy. Có ai ngờ rằng một nền học thuật đã hơn nghìn năm làm khuôn, làm mẫu cho đạo đức chính trị của một dân tộc, bây giờ sa sút đến thế này! Nếu dưới suối vàng bà Huyện Thanh Quan và cụ Tam nguyên Yên Đổ nghe được những bài thơ ấy , chắc phải uất lên mà chết một lần nữa. Ngô Tất Tố (Hà Nội tân văn,Số Chúc Mừng Năm Mới,Số 5 – 6.2.1940) Trần tế Xương có bài phú tự đánh giá mình và vợ : Bài 1 Thầy đồ thầy đạc Dạy học dạy hành Vài quyển sách nát Dăm thằng trẻ ranh Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía Võ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh Ý hẳn thầy văn dốt vũ dát Cho nên thầy lẩn quẩn loanh quanh Trông thầy Con người phong nhã Ở chốn thị thành Râu rậm như chổi Đầu to tày giành Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo Cũng nhiều lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoanh Nhà lính tính quan: ăn rặt những thịt quay, lạp xường, mặc rặt những quần vân, áo xuyến Đất lề quê thói: chỗ ngồi cũng án thư, bàn độc, ngoài hiên cũng cánh xếp, mành mành Gần có một mụ, sinh được bốn anh: Tên Uông, tên Bái, tên Bột, tên Bành Mẹ muốn con hay, rắp một nỗi biển cờ mũ áo Chủ rước thầy học, tính đủ tiền chè rượu cơm canh Chọn ngày lễ bái Mở cửa tập tành Thầy ngồi chễm chện Trò đứng chung quanh Dạy câu Kiều lẩy Dạy khúc lý kinh Dạy những khi xuống ngựa lên xe, đứng ngồi phải phép Dạy những lúc cao lâu chiếu hát, ăn nói cho sành! Bài 2 Có một cô lái Nuôi một thầy đồ Quần áo rách rưới ,ăn uống xô bồ Cơm hai bữa: cá kho rau muống, Quà một chiều khoai lang lúa ngô Sao dám khinh mình? Thầy đâu thầy bậy thầy bạ ! Chẳng biết trọng đạo,cô gì ? cô lốc cô lô... Đoàn Văn Cừ trong “Chợ Tết”. Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ. Cũng vào thời điểm bài thơ ấy ra đời, Thạch Lam có truyện ngắn Ông đồ nho, đăng trên báo Phong Hóa (số 171, 21.1.1936) cũng nêu lên thân phận ông đồ: ... “Đến năm cuối cùng, tôi lên mười tuổi. Buổi phiên chợ ấy, ông cụ bày câu đối bán. Nhưng trước mặt ông có một chú khách không biết ở đâu đến, treo các tranh Tàu bán. Tranh đẹp, giá rẻ, vẽ những cô gái hồng hào, xinh đẹp, người ta tranh nhau mua, không biết đến câu đối của ông cụ nữa... Cụ ngồi suốt buổi chợ mà không bán được tí gì. ... Từ năm sau tôi không thấy ông cụ đem bán chữ nữa”. Những ông đồ thời mạt làm nhiều việc lố lăng nên Ngô tất Tố viết : Mấy Lời Nhắn Nhủ Các Ông Đồ “Đời vua Thái tổ Thái tôn, ngòi bút lông còn làm chúa tể cõi học đất Việt, thế lực của các ông đồ mạnh lắm kia chứ, ông đồ muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, thiên hạ chẳng ai dám trêu, lúc ấy vô phúc trêu đến ông đồ, thì ôi thôi! Nguy hiểm là nguy hiểm. Các cụ truyền lại: Một khoa thi cuối đời Tự Đức (trường thi Hương còn ở Hà thành) có con gái của ông bá hộ K. là người giàu nhất thành phố, chỉ nói chua với ông đồ một câu, thế mà đồ nọ rủ đồ kia, trong một lúc kéo đến hàng nghìn, hò nhau phá nhà cụ Bá! Lính phòng thành không dám can thiệp. Cực chẳng đã cụ Bá phải chuồn cửa sau và kêu với quan tổng đốc. Lập tức quan tổng đốc tự mình đến điều đình, bắt cô con gái cụ Bá K. phải ra trước mặt ông đồ mà tạ tội. Bấy giờ các ông đồ mới tha cho. Kinh không? ông đồ thời ấy chẳng khác gì quân Tam phủ đời Lê, mình nghe chuyện mà dựng tóc gáy! Từ ngày lối học "chi hồ giả giã" đã chuyển sang lối "a, b, c" thế lực ông đồ chẳng còn chút nào, điều đó ai cũng biết, không cần phải nói. Trò đời, giậu đổ bìm leo, vận hội ông đồ đã suy, thiên hạ hay tìm ông đồ mà kiếm chuyện, bấy giờ ở Hà Nội này, vẫn có kẻ theo chân ông đồ mà xét nét từng tý, ông đồ hở đâu là họ chộp đấy... Quả có thế thật, trong rừng "nhà hướng đạo cho quốc dân" (!) bây giờ vẫn có thói giả mạo như vậy, thầy đồ thì hay nói đến Nã Phá Luân, Hoa Thịnh Đốn, Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu mà thầy ký thì luôn luôn nhắc đến Khổng tử, Mạnh tử, có khi thầy còn giở cả Trang tử, Lão tử nữa kia. Nhưng mà có ăn thua gì, đụng đâu trật đấy, thầy đồ cũng vậy, thầy ký cũng thế... Vậy xin có lời cảnh cáo mấy ông đồ rằng: Người ta xét nét các ông là như vậy đó, mà nay về sau, cái gì không biết thì xin các ông chớ nói, nhất là về môn học Phơ lăng xe! Vả chăng các ông không biết môn học này, cũng chưa chắc đã là dốt bởi vì cụ Khổng nhà ta đã dạy "biết đấy là biết đấy, chẳng biết là chẳng biết ấy biết vậy" kia mà.” Kể chuyện về các ông đồ xưa,trong số đó có thể có ông cha chúng ta,càng khiến chúng ta vừa buồn cho vận nước,vừa buồn cho thời cuộc đẩy đưa,những suy tàn của một chương giáo dục trong lịch sử dân tộc,liệu có lập lại cho thời đại chúng ta khi cứ tiếp tục suy tôn khoa bảng bằng cấp,danh hiệu mà không quan tâm tới thực chất của việc học. |