Home Văn Học Khảo Luận Dĩ thân nhi giáo

Dĩ thân nhi giáo PDF Print E-mail
Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm   
Thứ Hai, 08 Tháng 2 Năm 2010 13:15

Nơi tôi sinh trưởng là một làng quê thuộc tỉnh Nam Định, trong vùng châu thổ sông Hồng thuộc miền bắc Việt nam.

Vì họ nội cũng như họ ngoại đều ở trong cùng một làng, nên bà con xa gần của gia đình chúng tôi luôn sống gần gũi gắn bó bên nhau, trong một khu vực được bao quanh bằng lũy tre xanh. Bọn trẻ con 7-8 tuổi như tôi mà nghịch ngợm làm điều gì trái phép, thì thường bị cô bác la rày đại khái như : Cháu không được làm như thế, lần sau mà còn làm như vậy nữa, thì tao sẽ đến mách cho bố mẹ cháu đấy nhé. Nghe vậy là lũ trẻ chúng tôi đâm sợ hãi hoảng hồn, vì nếu mà cha mẹ biết được chuyện xằng bậy đó, thì thể nào chúng tôi cũng bị ăn đòn, chẳng thể tránh vào đâu được.

Đứa nào mà làm điều chi tệ hại quá, thì có thể bị mắng cho là “đồ mất dạy”, hoặc nặng nề hơn : “bố mẹ mày không biết dạy mày à?” Trong gia đình, thì anh chị em chúng tôi luôn được cha mẹ nhắc nhở cho là : “Các con phải cố gắng ăn ở theo đúng khuôn phép của một gia đình gia giáo. Dòng họ nhà ta xưa nay chưa hề bị mang một tiếng xấu nào, thì các con phải hết sức giữ gìn để mà bảo toàn được cái danh thơm, cái nền nếp gia phong, gia đạo của nhà mình…”

 Cha tôi là con trai trưởng của một cụ đồ dậy chữ nho, nên ông luôn cố gắng để giữ được cái phong thái của một vị trưởng tộc, tức là giữ vững được cái giềng mối, cái căn bản của truyền thống do tiền nhân để lại. Cụ hay nói : “Giấy rách thì vẫn phải giữ lấy lề”, “ Mình có thể nghèo túng, nhưng không thể lại là người hèn hạ, đê tiện, khiến thiên hạ khinh rẻ chê bai” … Ông thường không có nói nhiều, mà ông để cho mẹ tôi rỉ rả khuyên nhủ bọn tôi. Bà cụ luôn dịu dàng, chỉ dẫn cho anh chị em chúng tôi chi tiết cụ thể từng việc một. Tôi nhớ rất rõ điều mẹ dạy là : các con phải tránh đừng bao giờ mà “ lỗi phép công bằng”, khiến làm thiệt hại cho người khác. Đó là cái tội mà Chúa Trời dù có nhân lành đến đâu, Ngài cũng chỉ tha tội cho ta “ với điều kiện là ta phải đền bồi thiệt hại cho người ta trước đã”.

Gia đình tôi rất đông, tất cả có đến 11 anh chị em, mà người chị cả lớn hơn chú em út đến trên 20 tuổi. Ông bà cụ thường nhắc mấy anh chị lớn là : “Phải làm gương tốt cho các em noi theo”, “Anh chị phải yêu thương bảo bọc cho lũ em còn thơ dại “ v.v… Các cụ rèn cặp cho mấy anh chị lớn cho thành nền nếp, để rồi các em nhỏ bọn tôi cứ việc bước theo cái đường lối đã được vạch sẵn ra đó. Đúng như nhân gian thường hay nói : ”Đầu xuôi, đuôi lọt”, “ Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”.

 Và quả thật, cha mẹ chúng tôi mất sớm, lúc mấy em nhỏ cuả tôi còn thơ ấu, chưa được học hành ra sao cả. Nhưng nhờ được mấy anh chị lớn ra sức bao bọc chăm sóc, nên các em cũng lần hồi trưởng thành chững chạc, không đến nỗi bị thua thiệt quá đáng so với ai khác. Nói vắn tắt là anh chị em chúng tôi thật may mắn, vì được thưà hưởng một sự rèn luyện tốt đẹp, vững chãi trong tình yêu thương nồng ấm cuả gia đình. Và chúng tôi thật biết ơn cha mẹ về điều quý báu này, và luôn nhắc bảo lẫn nhau là : mỗi người phải cố gắng noi theo cái truyền thống tốt đẹp cuả ông cha mình.

Sau này, khi lớn khôn hơn, thì tôi được nghe bà con nhắc cho biết về cái phương thức giáo dục mà có hiệu quả nhất, nó bao hàm trong có 4 chữ thật xúc tích, ngắn gọn như sau : “ Dĩ thân nhi giáo “. Tức là lấy chính cái nhân cách, cái gương thực tế sống động cuả mình ra, mà dậy bảo con em cuả mình, hơn là chỉ biết dùng lời nói suông mà khuyên bảo tụi chúng phải thế này, thế nọ. Và bài viết này chính là để khai triển cái đường lối giáo dục thực tiễn đã được cô đọng trong 4 chữ nói trên, mà người viết dùng làm nhan đề cho sự trình bày cuả mình.

Ngay chính người Mỹ cũng vẫn thường nói : “Lời nói suông thì rẻ tiền, chẳng có giá trị gì cả” (the talk is cheap). Cốt yếu là phải có việc làm cụ thể, hành động thực tiễn đi kèm theo, thì lời nói đó mới rõ ràng có sức thuyết phục, lôi cuốn được người khác nghe theo mình. Như cách nay không lâu, tôi có dịp nhắc đến bài thơ trào phúng cuả cụ Tú Mỡ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn có ý chê trách học giả Phạm Quỳnh về việc từ bỏ tờ báo Nam Phong, để đi ra làm quan tại triều đình Huế vào hồi thập niên 1930, khiến cho tờ báo vốn có danh tiếng này bị đóng cưả, trước sự luyến tiếc cuả bao nhiêu độc giả đã từng ưa thích mến mộ.

Bài thơ có câu thật đáng chú ý như sau :  “ Việc làm, lời nói trăm phần khác xa “. Bài tôi viết đó nhằm phê phán cái tệ trạng cuả người cộng sản chuyên môn “nói một đàng này, mà lại làm một nẻo khác”, nên người dân không thể nào mà có thể giữ mãi được sự tin cậy nơi họ được. Tình trạng này, dân miền Nam đã chứng kiến rõ rệt sau năm 1975, khi kẻ chiến thắng áp đặt chế độ cộng sản độc tài chuyên chế để thay thế cho chế độ Việt nam Cộng hoà. Cho nên dân gian mới phát biểu rất ngắn gọn, mà lại rất dứt khoát là : “ Nói vậy, mà chẳng phải vậy! “, “Nói không phải vậy, mà là vậy !” Dân miền Nam cũng còn hay nhắc với nhau:  Cái ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày trước nói nhiều câu không đúng, nhưng ông ấy lại có một câu thật chí lý, mà chỉ sau này khi người cộng sản nắm được quyền hành ở cả miền Nam rồi, thì mọi người mới nghiệm ra được. Nhưng tiếc thay, lúc đó thì đã quá trễ mất rồi. Câu nói ấy nguyên văn đại khái như thế này : “ Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ xem những gì cộng sản làm”.

Trở lại với chủ trương “ Dĩ thân nhi giáo” này, thì vào năm 2002, trong một buổi hội thảo tại Viện Xây Dựng Hoà Bình Muà Hè thuộc Đại học Eastern Mennonite University trong tiểu bang Virginia, gần thủ đô Washington DC  ( SPI Summer Peacebuilding Institute), tôi đã có dịp trình bày về cái đường lối giáo dục thực tiễn đó, mà có người còn nói vắn tắt lại chỉ trong có 2 chữ “ Thân giáo”. Tôi phải cắt nghiã dài dòng hơn bằng tiếng Anh cho cử toạ gồm toàn là người Mỹ và người từ nhiều nước khác, đại khái như sau : “Education by means of your personal living examples, your own personality”. Và cử tọa đã tỏ ra rất chú ý đến cái kinh nghiệm khôn ngoan đó, được truyền tụng lâu đời tại Á châu. Tôi còn dẫn giải thêm với các bạn này rằng  : ” Ngay đối với lũ con cuả tôi, thì tôi cũng ít khi phải dùng lời nói để nhắc nhở tụi chúng phải thế này, thế nọ. Mà chính yếu là các cháu trong nhà thấy được tôi say sưa miệt mài làm việc (hard working), cũng như là sống một cuộc đời lương thiện, đơn giản, khiêm tốn. Đó mới là cách thức hiệu quả nhất, mà tôi đem áp dụng để hướng dẫn, rèn luyện cho lũ con cuả mình, chứ không phải chỉ dùng lời nói suông...”

 Và cả trong các bài viết đại khái như bài này, thì tôi luôn cố tránh không sử dụng những ngôn từ kiểu cách, cầu kỳ, hoặc trưng diễn cái vẻ trí thức uyên bác cuả mình, mà dân gian miả mai gọi là “cái giọng đao to buá lớn”. Trái lại, tôi phải bình tĩnh trình bày cái quan điểm nhận định cuả mình bằng một lối văn nhẹ nhàng, hoà nhã kín đáo, để bạn đọc tuỳ nghi xét đoán. Tôi luôn tâm đắc với lời nhắc nhủ rằng : “văn tức là người” ( như trong câu tiếng Pháp  : le style, c'est l'homme), nên phải hết sức thận trọng trong cách bày tỏ cảm tình và sự quý trọng chân thật cuả mình đối với công chúng độc giả là đối tượng trong sự phục vụ cuả bất kỳ người cầm bút chân chính nào.

Như các cụ ngày xưa vẫn thường nói : “ Văn dĩ tải đạo”, tức là dùng lời văn để chuyển tải cái đạo lý ở đời. Như vậy, thì chính bản thân người viết văn cũng phải thấm nhuần cái đạo lý đó trước, rồi mới có thể chuyên chở đến cho độc giả được. Cũng như là trong tâm hồn mình phải có ngọn lưả yêu thương nồng ấm, thì mới có thể chuyển sức nóng đó ra cho người khác, như người Mỹ hay nói “ from heart to heart “ (dĩ tâm truyền tâm).

Vì thế, tôi quan niệm rằng người viết văn, viết báo không những cung cấp thông tin, kiến thức cho công chúng, mà còn trải cả cái tấm lòng chân thật yêu thương cuả mình ra, để mà gửi gấm lời tâm huyết cuả mình đến với bạn đọc. Phải có cả trí tuệ và tâm hồn như vậy, thì người viết mới hoàn thành được cái sứ mệnh cao quý “văn dĩ tải đạo” vậy./
 
California, Tháng Hai 2010