Nhân Văn Giai Phẩm phần V : Nội bộ báo Nhân Văn |
Tác Giả: Thụy Khuê | ||||||||
Thứ Bảy, 27 Tháng 2 Năm 2010 16:24 | ||||||||
Nhân Văn Giai Phẩm do hai nhóm bạn hợp tác điều hành: Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo ba người bạn thân, trong kháng chiến, đã từng chủ trương việc xuất bản lại các tác phẩm có giá trị thời tiền chiến. Và Lê Đạt, Hoàng Cầm, là hai người bạn thân đã làm tờ Giai Phẩm mùa xuân
Trong vòng 4 tháng, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 12/56, phong trào đòi hỏi dân chủ và tự do tư tưởng bùng lên với hai tờ báo chính: Nhân Văn và Giai Phẩm do nhà xuất bản Minh Đức (Trần Thiếu Bảo) in hoặc giúp đỡ in ấn. Phần lớn những người viết cho Nhân Văn đều có mặt trên Giai Phẩm và ngược lại. Nhân Văn Giai Phẩm do hai nhóm bạn song song hợp tác điều hành: - Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo là ba người bạn, trong kháng chiến, đã từng chủ trương việc xuất bản lại các tác phẩm có giá trị thời tiền chiến (nhưng bị loại trừ sau cách mạng) như Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, v.v... - Hoàng Cầm, Lê Đạt, hai người bạn thân đã tranh đấu đòi tự do sáng tác từ những ngày đầu trong quân đội cùng với Trần Dần, Tử Phác, năm 1955, và làm tờ Giai Phẩm mùa xuân. Năm người này là những viên gạch nền móng, bằng những cố gắng xây dựng của họ, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1956, đã quy tụ được một số đông văn nghệ sĩ trí thức, họp thành phong trào NVGP. Nhân Văn do Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, trách nhiệm bài vở. Giai phẩm do Trương Tửu trông nom. Nhân Văn hướng về con đường đấu tranh chính trị. Giai Phẩm đi vào chiều sâu của tư tưởng. Giai phẩm xuất hiện trước với Giai phẩm mùa thu tập I (29/8/56), nhưng Nhân Văn vẫn được coi là "đầu não" của phong trào. Hiện nay, chúng ta chưa thể biết rõ về nội bộ tờ Giai phẩm vì Trương Tửu và Trần Thiếu Bảo đều không phát biểu gì, cho đến khi mất. Nhưng về nội bộ tờ Nhân Văn, chúng ta có thể biết được phần nào sự thật, nhờ tiếng nói của những thành viên chính.
Việc thành lập báo Nhân Văn Để dựng lại sự việc đã xẩy ra, chúng tôi dùng hai loại chứng: Những bản "thú nhận" của các thành viên chính, viết trong đợt đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm ở Thái Hà Ấp, giữa tháng 3 và 4 năm 1958 và những lời tuyên bố của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Duy, trên RFI, những năm gần đây. Khi nói về cùng một dữ kiện, trong hai loại chứng trên thì những lời "thú nhận" sẽ ưu tiên, vì đã được viết trong thời gian bi kịch xẩy ra, tại chỗ, nên không bị nhớ lầm, như trường hợp những lời viết hoặc tuyên bố sau này, nửa thế kỷ qua, trí nhớ có thể sai lạc. Nhưng về những lời "thú nhận" này, chúng ta cần biết: 1- Những lời "thú nhận" này đã viết trong điều kiện như thế nào? - Viết trong "lớp học" thứ nhì (đúng ra là "đấu trường" thứ nhì) ở Thái Hà giữa tháng 3 và 4/58 (có 304 người dự). Chúng tôi sẽ đề cập đên không khí gay gắt của hai đợt đấu tranh chống NVGP ở ấp Thái Hà trong chương VI, ở đây, chỉ xin nêu lên một số điểm liên quan đến các bài "thú nhận", được sử dụng trong chương này: -Theo Lê Đạt, ở hội trường, mọi người đứng lên "phát hiện tội" "Nhân Văn". Và "Sau khi tất cả mọi người phát hiện các tội của Nhân Văn xong rồi, thì mới đến lượt Nhân Văn, từng người một, nhận tội". Rồi sau đó, các "Nhân Văn" về tổ của mình làm "bài khai". "Bài khai phải được tổ thông qua, và lại phải đưa ra hội trường thông qua nữa, thì anh mới được xong". Tức là anh mới được về. - Như thế, những "bài khai" này, đã được viết dưới áp lực của "đấu trường" kéo dài trong một tháng, và cũng là bài "tổng kết tội trạng" mà mỗi thành viên Nhân Văn phải tự mình viết ra. Khi viết, họ không được trao đổi với nhau, sau đó phải đọc trong tổ, tổ thông qua, rồi mới đọc cho hội trường nghe và duyệt. Vì những lẽ đó, họ khó có thể "khai man" (vì sợ không đúng với những lời tố, lời khai, của người khác); vì vậy, chúng ta nên thận trọng, đối với một số dư luận buộc tội người này, người kia "khai man" trong lớp Thái Hà. - Vì những điều kiện trên, chúng tôi xem những bài khai hay bài thú nhận này là những văn bản sớm nhất (viết từ tháng 3/58) thuật lại một số sự việc thật đã xẩy ra trong nội bộ Nhân Văn. 2- Bài thú nhận của Trần Dần và Lê Đạt, "hai tên thơ phản động nhất nước", được/bị trích đăng trên hai báo Văn Học số 1 (25/5/1958) và Văn Nghệ số 12 (5/58), bài thú nhận của Hoàng Cầm và Phùng Quán đăng trên Văn Nghệ số 12, của Văn Cao trên Văn Học số 3 (5/6/58), của Trần Đức Thảo trên Nhân Dân số 1532-1533 (23-24/5/58), và trích in một số đoạn trong cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận. 3- Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Duy, "không được" dự lớp Thái Hà vì thuộc diện những "phần tử xấu". Vì vậy, không có bản "thú nhận" của họ. "Không phải là chị Thụy An, anh Trần Duy và ông Phan Khôi không chịu đi học. Ở đấy người ta chia ra: Những người nào hoạt động chính trị mà người ta cho là có tính chất phản động, là những phần tử xấu thì người ta "không cho" đi học lớp ấy: Phan Khôi, Thụy An, Trần Duy "không được" học. Chỉ có những văn nghệ sĩ mà người ta cho là những người vì quan điểm lầm lạc, được Ðảng chiếu cố cải tạo giúp đỡ, thì mới được đi học lớp ấy thôi. Cho nên đi học lớp ấy, gay go thế cũng là một "ưu tiên". (Lê Đạt trả lời RFI). 4- Các văn bản "thú tội" phản ảnh tâm thức của người viết: Qua những bài khai, Lê Đạt và Trần Đức Thảo giữ được phong cách của người trí thức: Chịu trách nhiệm việc mình làm. Không đổ lỗi cho người khác. Không gọi bạn đồng hành là tên, là nó, là bọn. Có lẽ đó là cách phải gọi những người Nhân Văn Giai Phẩm trong "đấu trường", nó phản ảnh không khí trù dập, đàn áp, xuống cấp và thù nghịch ở ấp Thái Hà và sức chịu đựng của từng người: Trong ba người bạn thân Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, thì Lê Đạt có bản lãnh hơn cả. Ý định ra báo Ý định ra báo là của Nguyễn Hữu Đang. Nguyễn Hữu Đang thuyết phục Hoàng Cầm trước. Hoàng Cầm về bàn với 5 người thân nhất trong nhóm Giai phẩm mùa xuân: Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Văn Cao và Đặng Đình Hưng. Phần đông đều e ngại, không muốn cộng tác vì nghi ngờ Nguyễn Hữu Đang là người làm chính trị. Một mặt khác, sau vụ đàn áp Giai phẩm mùa xuân, Trần Dần và Lê Đạt đều muốn nghỉ (một phần vì chuyện gia đình, mới lấy vợ, mới có con...). Hoàng Cầm nhận phụ trách phần văn nghệ của Nhân Văn. Đến Nhân Văn số 2, Lê Đạt mới thực sự vào ban biên tập. Hoàng Cầm thuật lại trên RFI: "[Sau lớp học 18 ngày] Thì lúc bấy giờ anh Đang anh ấy mới nẩy ra một ý: Đang lúc văn nghệ sĩ có nhiều thắc mắc như thế này thì chúng mình nên ra một tờ báo. Tôi bảo: Ra báo thì phải có tiền, chứ tự nhiên ra thế nào được. Anh Đang bảo: Tiền thì tôi sẽ nhờ người bạn đi vay và chắc chắn chỉ vài số báo là đã có thể trả được. (...) "Đầu tiên tôi không nhận lời, vì lúc ấy tôi đang làm ở nhà xuất bản của Hội Văn nghệ, nhiều công việc bận lắm. Nhưng mà anh ấy vẫn không tha. Anh ấy cứ bám riết lấy.(...) giữ riệt lấy tôi và thúc đẩy tôi. Thế rồi cuối cùng tôi cũng phải nhận lời. Bởi tôi cũng dễ tính và hay nể bạn". (Hoàng Cầm, RFI, 8/2/2008). Trong bài "thú nhận", tháng 3/1958, Hoàng Cầm viết: "Bàn về tiền ra báo, tôi tán thành tên Tước [là một người thân thuộc của nhà xuất bản Minh Đức] do Nguyễn Hữu Đang giới thiệu, bỏ tiền ra làm vốn. Tôi đã đi họp hai lần ở nhà tên Tước, lần đầu với Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Tước bàn về thể tài tờ báo. – Tư tưởng tôi lúc đó phản đối mọi đường lối, chính sách của Đảng nên tôi nghĩ: Báo Văn nghệ hay Văn hoá xã hội cũng được, miễn là ra được, nhưng chỗ tôi biết hơn cả là mặt văn nghệ, thì tôi tự nhận phần văn nghệ, còn ngoài ra ai muốn viết về vấn đề gì, tôi cũng tán thành. Một lần nữa, có Nguyễn Bính, Đang, Tước bàn về tên tờ báo và mời Nguyễn Bính làm thư ký toà soạn, thì tôi nghĩ là “tên báo gì gì cũng được” miễn là có báo ra được". (Hoàng Cầm, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958). Như vậy, theo lời Hoàng Cầm, Nguyễn Bính đã có mặt trong những buổi họp trước khi ra báo Nhân Văn. Lê Đạt, kể lại trên RFI như sau: "Trong buổi học tập văn nghệ đó [lớp học 18 ngày], anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng: "Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm (...) "Ðến lúc ra báo Nhân Văn, cũng lại có nhiều khó khăn. Anh Dần muốn trực tiếp lo chuyện gia đình vì anh ấy gặp nhiều khó khăn quá: bị bắt, rồi lại phải lo cho con cái. Còn tôi lúc đó, tôi cũng muốn nghỉ. Anh Ðang lại không thuộc nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân, anh Ðang là một cán bộ chính trị cũ, anh ấy chỉ biết tôi thôi, thế còn quan hệ với anh em Giai Phẩm Mùa Xuân, anh Đang lại không có. Mà các anh ở Giai Phẩm Mùa Xuân cũng không thích anh Ðang. Chúng tôi mới quyết định thế này: Anh Cầm đang rỗi rãi, bèn giao cho anh Cầm; tách anh Cầm ra làm việc chung với anh Ðang". (Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI). Trong bài "thú nhận", tháng 3/1958, Lê Đạt viết: "… Sau thời gian lớp học 18 ngày Nguyễn Hữu Đang cùng với Hoàng Cầm ra báo. Hoàng Cầm đặt vấn đề với nhóm Giai phẩm mùa xuân. Văn Cao, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm và tôi bàn ở tiệm trà Phúc Châu. Đa số đồng ý là không tham gia biên tập vì cho Nguyễn Hữu Đang không phải là người văn nghệ, có thể nhiều động cơ cá nhân không tốt, hai là tập họp anh em đông quá trong số đó có nhiều phần tử chạy theo, cơ hội không nắm chặt được, sợ manh động (viết lách ẩu, quá khích bị lãnh đạo đánh)". (Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958, trang 74). Vẫn về việc này, Trần Dần trong bài "thú nhận", viết: "… Đến lớp học mười tám ngày, Nguyễn Hữu Đang từ lâu nằm phục xuống, nhờ cơ hội này đứng dậy phất cờ. Nếu không có Đang sẽ không có tham luận với những đề nghị: Gặp Trung ương, ra báo v.v… mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn. Tư tưởng chống đối trong tôi cũng ngóc dậy. Tuy đồng tình với Nguyễn Hữu Đang, song không đồng tình về phương pháp (...). Nguyễn Hữu Đang định kéo nhóm Giai phẩm mùa xuân làm vốn cho hắn ra báo, đấu tranh với Đảng, vì từ lâu hắn đã ngửi thấy ở đó có vấn đề có thể kiếm chác được. Vấp phải sự rùng rằng không muốn tham gia của nhóm Giai phẩm mùa xuân (vì nhiều lẽ), hắn kéo lẻ từng người. Đầu tiên là Hoàng Cầm (...) "... Đến khi Nhân văn thông qua bài số 1, tôi đến, thấy hỗn độn táp nham quá, mình dự đây là dại, nên nửa chừng bỏ về. Lúc đó tôi đã nghi Nguyễn Hữu Đang, cho là thằng quá tả, vấn đề gì cũng định đưa ra công khai, tôi cho rằng hắn sẽ làm hỏng phong trào của lớp học mười tám ngày thôi. Sẽ lại thất bại như hồi bộ đội. Nên tôi tự đặt nhiệm vụ dùng Hoàng Cầm, Lê Đạt mà ghìm hắn lại." (Trần Dần, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, 5/1958, trang 61). Trần Dần vì nghi kỵ Nguyễn Hữu Đang, không muốn tham dự, nhưng cũng không bỏ hẳn. Như vậy, trong nội bộ Nhân Văn, từ đầu, đã có những khuynh hướng khác nhau: Nguyễn Hữu Đang muốn mở rộng cuộc tranh đấu sang chính trị: đòi hỏi tự do dân chủ. Hoàng Cầm thì thế nào cũng được. Trần Dần chỉ muốn đòi tự do sáng tác. Lê Đạt giữ vị trí trung gian: Đồng ý với Nguyễn Hữu Đang về đấu tranh tự do dân chủ nhưng muốn thực hiện bằng con đường sáng tác. Đó là những "khó khăn" mà Lê Đạt muốn nói đến khi lập tờ Nhân Văn, nhưng không chỉ có những "khó khăn" nội bộ, mà còn cả những khó khăn do áp lực bên ngoài. Một chủ trương "rầm rộ" như vậy, lãnh đạo không thể không biết. Và Trung ương đã tìm cách khuyên nhóm Nhân Văn dẹp ý định làm báo đối lập, bằng cách nói riêng với từng người. Bộ chính trị khuyên nên bỏ ý định ra báo Hoàng Cầm kể trên RFI: "...Trước khi ra báo thì các anh em đã rậm rịch nói với nhau rồi, cho nên tin tức đều đến tai lãnh đạo cả. Thì lãnh đạo, tức là bộ chính trị, đã bố trí cho cho ông Võ Nguyên Giáp mời Nguyễn Hữu Đang lên nói chuyện, mời riêng đấy. Còn ông Lê Đức Thọ, lúc bấy giờ cũng là bộ chính trị, thì mời Lê Đạt và ông Lê Liêm lúc bấy giờ là Tổng cục phó Tổng cục chính trị (về sau này ông ấy mới chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ giáo dục), thì mời tôi. Như vậy là ba ông ủy viên bộ chính trị gặp những người chủ chốt của Nhân Văn, và nếu mà ba ông ấy thuyết phục được ba người đó đừng ra báo, thì thôi, coi như là yên ổn cả, không có chuyện gì. Ông Lê Liêm gặp tôi đến ba buổi tối trong nhà khách của quân đội, ông Giáp thì gặp anh Đang, ông Lê Đức Thọ gặp anh Lê Đạt, tất nhiên là để nói đến chuyện ra tờ báo, thì họ cũng lấy tình đồng chí, tình bạn bè, khuyên bảo, chứ không phải để ra lệnh gì. Ông Lê Liêm gặp tôi rất khiêm tốn, nói hết những cái Đảng có thể có những sai lầm này, sai lầm khác v.v... trong việc lãnh đạo văn nghệ. Tự ông ấy nói ra để cho mình hiểu và yên tâm là Đảng cũng biết đấy, để Đảng sửa dần, để cho mình muốn nói cái gì về Đảng trên tờ báo của mình thì mình rút đi, rút lui cái ý kiến trên báo ấy đi. Mục đích của những cuộc gặp đó là như thế. Khổ một nỗi là lúc bấy giờ những thắc mắc của anh em văn nghệ nó ồn ã lắm. Mà nó nhiều cái sâu sắc lắm, cho nên anh Đang anh ấy kiên quyết là không, cứ phải ra báo, phải ra báo thì mới nói được. Anh Đang kiên quyết ra báo. Tôi thì ra cũng được mà không ra cũng được. Thế là trong nội bộ của mấy anh em hoạt động nhất trong báo Nhân Văn là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt và tôi cùng thống nhất với nhau là cứ ra. Thế là ra được Nhân Văn số 1". (Hoàng Cầm, RFI, 8/2/2008). Việc mời Phan Khôi làm chủ nhiệm Việc này do Nguyễn Hữu Đang nghĩ ra. Lê Đạt kể: "Ðang bảo: "Hay là mời cụ Phan Khôi? Mà cụ Phan Khôi cũng lại không thân gì với Ðang lắm. Thế là anh Hoàng Cầm được cử đến mời cụ Phan Khôi. Phan Khôi khẳng khái nhận lời ngay" (Lê Đạt trả lời RFI). Việc mời Trần Duy làm thư ký toà soạn
"Tôi không biết Trần Dần, tôi cũng không biết Hoàng Cầm. Mãi sau buổi họp ở 51 Trần Hưng Đạo, đưa bài Nhất định thắng của Trần Dần -hôm đó là cuộc hội rất lớn- kết tội bài đó [Buổi "hội lớn" của Hội văn nghệ, đánh Trần Dần (vắng mặt) với 150 người dự, một buổi tối giữa tháng 2/1956, chưa xác định được ngày]. Tôi với ông Phan Khôi ngồi gần nhau (...) Người ta quy rằng Trần Dần như thế là ngã về địch, bị gián điệp (...). Ông Phan Khôi nói với tôi: Quy cho người ta là gián điệp, là chính trị, nhanh quá, rất nguy hiểm (...). Vì thế tôi không quen biết những người này nhưng vì ông Phan Khôi, tôi đứng trên quan điểm của ông Phan Khôi, tôi rất ủng hộ ông Trần Dần mà tôi không biết ông Trần Dần là ai cả. Tôi cũng không biết ông Hoàng Cầm. Tôi biết anh Lê Đạt vì tôi cùng về báo Văn Nghệ (....) Do ông Phan Khôi tôi biết nhóm Lê Đạt và Trần Dần". (Trần Duy trả lời RFI, tháng 7/2008). Cũng về việc này, Hoàng Cầm viết trong bài "thú nhận" tháng 3/58, như sau: "Chỉ có việc Nguyễn Hữu Đang mời tôi làm thư ký toà soạn là tôi không nhận, lý do chỉ vì sợ trách nhiệm, muốn đùn trách nhiệm cho người khác. Tôi đã đùn cho Trần Duy trong một buổi tình cờ gặp Trần Duy ở nhà Minh Đức. Tôi gọi nó lên gác nhà tên Đang, giới thiệu nó với tên Đang. Trần Duy nhận lời ngay." (Hoàng Cầm, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958). Ai quyết định nội dung bài vở báo Nhân Văn? Trong bài "thú nhận", Lê Đạt viết: "Tôi tham gia Nhân văn với ý thức là người lãnh đạo lý luận của tờ báo vì tôi cho tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc đó gồm bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôi." (Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58, trang 75). Vậy trong bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và Lê Đạt, ai quyết định nội dung tờ báo? Trần Duy trả lời trên RFI: "Tất cả bài vở là do Đang và Đạt quyết định và bài vở tập hợp vào tôi, khi thiếu bài hoặc mise mà không có thì bảo tôi làm cái remplissage lấp lỗ trống hoặc thu dọn bài này, bài nọ, trang mấy, trang mấy có tranh, thì bảo tôi làm. Sự thật ra quyết định bài vở phần lớn là Đang, quyết định nội dung bài là Đạt. Còn thầy cò thầy kiện là ông Văn Cao. Ông Trần Dần, ông Hoàng Cầm là đứng sau lưng. Người chủ động và trực tiếp với tôi là Lê Đạt, người chủ động bài vở là ông Nguyễn Hữu Đang. Tất nhiên là tôi không quyết định được bài vở rồi, nhưng có bài nào cần thiết thì Lê Đạt bảo: Ông viết đi, vấn đề này ông viết được, ông viết hộ tôi, ví dụ như tự do sáng tác hay là gì đó thì ông cứ viết, ông lại hơi có cái giọng humour thì ông làm cho tôi... không phải chuyện cười, những chuyện thời sự ông đi góp nhặt các nơi. Thì tôi phụ trách mục đó và tôi đề TD, là Trần Duy đó. Sau khi mise những bài chính rồi thì tôi là người lấp remplissage phần còn lại của tờ báo. Sự thực ra người ta không bao giờ hỏi ông Phan Khôi về một cái gì cả." (Trần Duy trả lời RFI) Vẫn theo lời Trần Duy, Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang thường hay cãi nhau. Vậy sự bất đồng ý kiến đó là gì? Có phải về mục tiêu đấu tranh, hay là cái gì khác? Lê Đạt viết trong bài "thú nhận": "Về mục tiêu đấu tranh của Nhân văn: Một mặt, lật đổ bộ phận lãnh đạo mà tôi cho là bè phái (đồng chí Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi), một mặt nữa đấu tranh với Trung ương về tự do dân chủ, tôi tán thành nhưng vẫn muốn đấu tranh bằng hình thức văn nghệ. Lúc đó tôi có khuyên Hoàng Cầm nên đẩy mạnh mặt văn nghệ của tờ báo còn phần đấu tranh cho tự do dân chủ thì làm một phần nhẹ thôi" (Lê Đạt, Thú nhận). "Xét cho cùng lúc đầu tôi với Nguyễn Hữu Đang chỉ khác nhau về chiến thuật. Tuy không tham gia biên tập nhưng khi in số 1 thỉnh thoảng tôi cũng có đến". (Lê Đạt, Thú nhận). Nhân văn số 1: Ra ngày 20/9/56, gồm những bài chính: bài thơ Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt; bài Tiến tới xét lại một vụ án văn học: Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, bức tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo trên cổ; và bài Luật sư Nguyễn Mạnh Tường trả lời về vấn đề mở rộng tự do dân chủ. Nhân văn số 2: Ra ngày 30/9/1956, với ba bài chính: Phấn đấu cho trăm hoa đua nở của Trần Duy; Đào Duy Anh trả lời về vấn đề mở rộng tự do dân chủ và bài Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân Dân, do Nguyễn Hữu Đang viết. Nhân văn số 3: Nhân Văn số 3 (ra ngày 15/10/1956), xác định rõ ràng hơn đường lối tranh đấu cho tự do dân chủ với hai bài chính Nỗ lực phát triển dân chủ của Trần Đức Thảo và Đặng Văn Ngữ trả lời về mở rộng tự do dân chủ. Sau Nhân Văn số 3, có hai sự việc quan trọng xẩy ra: Trung ương tổ chức tọa đàm và Trần Duy lên gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trần Duy lên gặp Phạm Văn Đồng Trần Duy thuật lại trên RFI: "Tôi gặp anh Phạm Văn Đồng, ông Đồng gọi tôi lên, khi đó là số 3 rồi. Khi đó có những tin đồn là Nhân Văn muốn ngả về những mouvement, những phong trào đòi dân chủ ở Hung hay là ở Nam Tư gì đó, thì anh Đồng có cho gọi ban biên tập và tòa soạn lên, cuối cùng anh em bảo Trần Duy lên gặp, thì tôi lên. Việc tôi lên gặp ông Đồng cũng có một số anh em tán thành, một số không tán thành, cho rằng như thế là tự mình ràng buộc với... chính quyền. Nhưng tôi nghĩ rằng anh không thể nào vượt chính quyền được và anh không thể nào vượt khỏi tổ chức của đảng được, không thể chống lại được nó, làm cái gì cũng phải nằm trong cơ sở tổ chức của đảng thôi. Tôi lên gặp ông Đồng. Thái độ của ông Đồng rất cởi mở, gặp tôi bảo: Tôi hiện nay rất bận (...) , tôi ủy cho anh Phan Mỹ thay tôi để giải quyết những vấn đề gì của anh em còn vướng mắc, theo tôi thì đừng nói chữ đấu tranh, các anh cần gì, yêu cầu gì, các anh cứ việc đề ra và chúng tôi giải quyết chứ đừng đấu tranh, đòi hỏi cái gì mà phải đấu tranh (...). Ông Đồng đi thì tôi ngồi nói chuyện với anh Phan Mỹ, anh Phan Mỹ bảo: Các anh cần gì, vấn đề tài chính thì tất nhiên chính phủ làm được việc đó, các anh cần mua giấy thì chúng tôi cấp giấy cho các anh mua. Xong việc ấy tôi về gặp anh em ở một cái quán nhỏ đầu Hàng Nón, mọi người ở đấy, có Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, ... và tôi. Một lúc thì Đang đến, tôi nói chuyện tôi gặp như thế thì tất cả mọi người, trừ Lê Đạt, đều cho rằng thái độ của tôi là thái độ đầu hàng". (Trần Duy, trả lời RFI). [Theo tin trong Nhân Văn số 3: Sở dĩ Nhân Văn phải bán giá cao hơn các báo khác, vì "chỉ được Cơ Quan Mậu Dịch Trung ương cung cấp giấy đủ để in 2000 số", trong khi số 2, in 6000 và số 3, in 7000 số, vì vậy phải mua thêm giấy ngoài thị trường với giá đắt gấp đôi giá mậu dịch". Tin trong Nhân Văn số 4: "Kỳ này, in 12.000 số, mà vẫn chỉ được Sở Báo Chí và Mậu Dịch Trung ương cung cấp giấy đủ in 2000 số, tuy chúng tôi đã nhiều lần xin thêm]. Trung ương tổ chức toạ đàm Về việc Trung ương tổ chức toạ đàm, Võ Hồng Cương, Cục phó cục Tuyên huấn, trong bài tổng kết "Cuộc đấu tranh giai cấp trên mật trận văn nghệ hiện nay" (Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58), viết: "Ngay từ khi chúng xuất bản "Giai phẩm mùa thu" tập I và Nhân Văn số I, giới văn nghệ sĩ ta đã thấy rõ tính chất phản động của chúng, nên đã kịp thời phê phán chúng trước dư luận nhân dân. Trung ương Đảng Lao động Việt nam muốn mở đường cho chúng hối cải, nên tuy rất bận về công tác sửa sai rất khẩn trương, cũng đã để thì giờ gặp chúng đến ba lần, để nghe chúng phát biểu thắc mắc nguyện vọng và nghe chúng phê bình sự lãnh đạo của cán bộ phụ trách văn nghệ của Đảng rồi khuyên bảo chúng những điều nên làm và những việc nên tránh". (Hồng Cương, Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58, trang 36). Theo tin trên Nhân Văn số 4 (5/11/56), thì ngày 20/10/56 bắt đầu cuộc tọa đàm giữa đại diện ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động Việt nam và các ngành văn học nghệ thuật. Ba buổi tọa đàm này được tổ chức những ngày: 20, 21, và tối 23/10/56. Nhân Văn đề cử ba đại biểu đến tham dự. Như vậy những buổi toạ đàm này không chỉ dành riêng cho Nhân Văn. Một trong ba người của Nhân Văn đi dự tọa đàm là Trần Dần. Hai người kia có thể là Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang. Lê Đạt viết trong bài thú nhận: "Sau cuộc tọa đàm với Trung ương, tôi viết bài “Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng” để gây thanh thế cho báo Nhân văn. Một mặt khác tôi luôn luôn đả kích chuyên chính vô sản mà tôi cho là độc tài. Tôi tung ra trong anh em lập luận: “Từ khi về hoà bình mất đối tượng đế quốc và địa chủ, Đảng chĩa nhầm mũi dùi chuyên chính vào nhân dân.” (Lê Đạt, Thú nhận) Trần Dần viết lời "thú nhận" như sau: "Khoảng Nhân văn số 3, tôi được cử đi gặp Trung ương Đảng. Tôi chuẩn bị kết án sự lãnh đạo văn nghệ trước, và đòi trăm hoa đua nở. Song mọi người nói cả rồi nên thôi (sau có viết bài đăng báo Nhân văn). Trước cuộc họp tọa đàm này, Nguyễn Hữu Đang có họp [Nhân Văn] tôi không dự, nội dung đâu như chuẩn bị ra một số đặc biệt, lợi dụng cuộc tọa đàm với Trung ương đem mọi lời phát biểu phơi trần ra công khai đánh vào Đảng". (Trần Dần, Thú nhận). Theo lời khai trên đây của Trần Dần, thì từ số 3, Trần Dần không còn "ở ngoài" Nhân Văn (như ông đã khai ở đoạn trên) mà đã vào trong Nhân Văn, vì được cử đi gặp Trung ương. Trần Dần đến dự buổi tọa đàm này với mục đích "kết án sự lãnh đạo văn nghệ" và "đòi hỏi trăm hoa đua nở", nhưng chưa kịp nói thì "mọi người đã nói cả rồi". Tuy ông không cho biết mọi người là những ai, nhưng điều này chứng tỏ nhóm NVGP, đối diện với Trung ương Đảng, trong các buổi toạ đàm tháng 10/56, có vẻ dứt khoát không sợ hãi gì cả. Và đi dự tọa đàm về họ còn viết hai bài rất mạnh trên Nhân Văn số 4: - Bài "Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa" ký tên Người Quan Sát (có thể là của Nguyễn Hữu Đang) nêu lên việc Nguyễn Bính bị hành hung vì không đăng bài đả kích Nhân Văn trên báo Trăm Hoa, và yêu cầu Thủ tướng (Phạm Văn Đồng) lưu ý vụ này. - Bài "Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng" ký tên Nhân Văn, do Lê Đạt viết, đề cao hành động của "anh em văn nghệ đã đứng trong hàng ngũ tiên phong đấu tranh cho tự do dân chủ" và chỉ trích những kẻ đã gán cho họ cái mũ "phản động". Về phía Trung ương Đảng, kết quả các buổi toạ đàm được Võ Hồng Cương đánh giá như sau: "... Chúng đã cố tình chống đối. Chẳng những chúng đã không nghe những lời khuyên bảo chân thành đầy thiện ý của Trung ương, mà còn lợi dụng những buổi gặp gỡ đó để tuyên truyền xuyên tạc, tự đề cao uy tín và tiến hành hoạt động phá hoại. Chẳng những chúng đã không chịu đứng ở phạm vi đấu tranh nội bộ về vấn đề văn nghệ mà chúng còn cố tình chuyển sang chống đối về chính trị công khai và trắng trợn. Từ Nhân văn số 4 trở đi, tức là sau khi bọn phản cách mạng ở Hung-ga-ry được bọn đế quốc giúp đỡ, đã thực hiện được vụ bạo động phản cách mạng ở Buy-đa-pet, thì chúng đã chuyển hẳn sang chống đối bằng chính trị, kích động quần chúng biểu tình chống lại Đảng và Chính phủ ta nhân lúc Quốc hội ta đang họp". (Hồng Cương, Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58, trang 36). Việc Tọa đàm của Trung ương và việc Trần Duy lên gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng không có kết quả: Nhân Văn số 4 nghiêng hẳn sang đấu tranh chính trị. Ngõ quặt chính trị của Nhân văn số 4 Nhân Văn số 4 ra ngày 5/11/1956, Nguyễn Hữu Đang lần đầu tiên ký tên thật, trong bài xã luận chính Cần phải chính quy hơn nữa, ông đặt vần đề cần phải xây dựng một nhà nước pháp trị. Ngoài hai bài Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa, và Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng, đã nói ở trên, Trần Duy viết bài Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ, chỉ trích đảng cố tình đàn áp tờ Nhân Văn. Phùng Cung xuất hiện với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh. Văn Cao đăng bài Những ngày báo hiệu mùa xuân. Thanh Châu viết phóng sự Mua hàng mậu dịch. Những bài chính luận và sáng tác trong Nhân văn số 4 mang tính cách đấu tranh chính trị, xã hội rất mạnh. Hoàng Cầm viết trong bản "tự thú": "Từ sau số 3 Nhân văn, càng ngày tôi càng thấy tờ báo bị công kích dữ, nhất là sau số 4, Nhân văn bị thi hành kỷ luật, [Nhân Văn bị thi hành kỷ luật vì số 4, nộp lưu chiểu chậm. Cảnh cáo đầu của chính quyền]. Tôi bắt đầu chùn và muốn lảng ra, không phải vì tư tưởng chống Đảng đã giảm đi mà chính là vì sợ, muốn tìm chỗ yên thân, nên tôi lại cố sức đi vận động Trần Duy đóng cửa báo. - Muốn lảng ra không được, tên Trần Đức Thảo lại thuyết phục, tôi vẫn bị hút vào, nhưng vẫn chân trong chân ngoài chỉ chực trốn. - Thời kỳ cuối Nhân văn, cái tính chất “văn dốt, vũ rát” của tôi biểu hiện rất rõ ràng: nghe ý kiến của Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang nêu ra những “trách nhiệm với lịch sử” để tiếp tục ra báo, tôi cũng thấy phải - Về gặp Văn Cao, Trần Dần nêu ra vấn đề “đóng cửa báo, vì tờ báo đang phiêu lưu, dễ bị đánh chết” tôi lại thấy phải." (Hoàng Cầm, Thú nhận). Qua lời khai của Hoàng Cầm thì, sau số 4, Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần muốn rút lui, đóng cửa báo; trong khi Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo và Lê Đạt nhất quyết tiếp tục ra báo trong hướng đấu tranh chính trị.
Trần Dần khai: "Tới Nhân văn số 4 tôi nhận được giấy triệu tập đến họp về vấn đề: Báo có chuyển sang chính trị hay không? Trần Duy ký. Địa điểm ở nhà Trần Duy. Thực ra từ số 1 bọn Đang, Phan Khôi đã đòi làm chính trị và báo Nhân văn đã đề cập đến vấn đề tự do dân chủ ở mức độ nào đó rồi. Âm mưu chính trị có từ đó, đến nay nhân thời cơ thế giới, bọn họ muốn đẩy mạnh phần chính trị lên hòng làm sôi sục tình hình Việt Nam, gây ra những sự biến chính trị, nếu có thể. Tôi ngửi thấy sự nguy hiểm đó, tuy không rõ. Đến cuộc họp tôi can họ “sang chính trị sẽ bị bóp chết ngay.” Vẫn chỉ là cái ý thức sợ phong trào bị tổn thất nặng. Song Trần Đức Thảo (tôi gặp lần đầu) hắn nói: “Văn nghệ và chính trị không thể tách được, không có tự do dân chủ, làm sao có tự do sáng tác? Báo nên sang mọi vấn đề chính trị tùy cách mà bàn thôi!” Ý kiến hắn có poids [có trọng lượng], cuộc họp bị hắn dắt mũi đi. Tình hình gay gắt lắm rồi, tôi tìm Văn Cao. Văn Cao bảo “nên vận động đóng cửa báo, anh em đỡ thiệt hại, trên có đánh sẽ bị hẫng! Tôi hoàn toàn đồng ý. Đi vận động một số người đã ngả rồi, đến cuộc họp có Trường Xuân dự (bịa tin là Hồ Chủ tịch bảo con dao mổ trâu không đem giết gà) thì anh em lại bị bọn Trần Duy, Trường Xuân chúng dắt đi." (Trần Dần, Thú nhận). Lê Đạt trong bài "thú nhận", viết: "Lúc này tôi vẫn còn ở trong Đảng, nhưng tư tưởng chống đối trong tôi đã phát triển mạnh. Tôi còn tán thành và đi nói với anh em quan điểm của Nguyễn Hữu Đang. Bản thân tôi cũng từng nói “Đảng trị” cho nên trong cuộc họp số 4, Trần Đức Thảo, Trần Duy đưa ra chủ trương đề cập đến những vấn đề chính trị mạnh hơn nữa tôi cũng đồng ý". (...) "Tôi góp ý kiến với Trần Duy trong bài “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ” sửa chữa nhiều đoạn: “Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội. Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thế lực cản trở xuyên tạc phá hoại có khi bằng cả những phương pháp đen tối độc ác (chỗ này tôi ám chỉ các đồng chí lãnh tụ) đấu tranh cho tự do dân chủ không bao giờ chỉ là một công việc thuần tuý có tính chất quần chúng rộng rãi (...). Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của Đảng, tôi vận động Thanh Châu viết bài "Mậu dịch" và còn dự định vận động Thanh Châu viết về vấn đề nhà cửa. Tôi góp ý kiến vẽ tranh một người đẽo chân cho vừa giày mậu dịch (...). Tôi lại viết "lời toà soạn" cho truyện "Con ngựa già" của Phùng Cung, đả kích và vu khống lãnh đạo văn nghệ không chú ý đến các nhà văn trẻ" (Lê Đạt, Thú nhận). Tóm lại, những cố gắng của Trung ương Đảng về việc tổ chức tọa đàm và việc gặp riêng Trần Duy, chỉ gây được ít nhiều chia rẽ trong nội bộ Nhân Văn, nhưng cuối cùng, khuynh hướng đấu tranh chính trị vẫn thắng. Nguyễn Hữu Đang đặt nền móng đầu tiên cho một nhà nước pháp quyền, trong Nhân Văn số 4, và đến Nhân Văn số 5, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt còn tiến xa hơn nữa. Nhân văn số 5 ra ngày 20/11/1956 với hai bài xã luận chính: Hiến pháp Việt nam 1946 và Hiến pháp Trung hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? của Nguyễn Hữu Đang, nội dung đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1956, hoặc làm một hiến pháp mới, và Bài học Ba Lan và Hung ga ry ký tên Người Quan Sát, do Lê Đạt viết, ngụ ý nếu chính quyền không chịu cải tổ chính trị thì miền Bắc Việt Nam sẽ trở thành một Ba Lan, một Hung-ga-ry. Lê Đạt viết trong bài "Thú nhận": "Tôi đồng ý với Nguyễn Hữu Đang đề cập đến vấn đề Hiến pháp để làm áp lực chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp sắp đem bàn ở Quốc hội (...) "Trên thế giới lúc đó xẩy ra hai sự kiện: Vụ Poznan và vụ Hung-ga-ri. Lúc đó tôi rất bất mãn với nhận định của Đảng về vấn đề Hung-ga-ri mà tôi cho là “đổ tất cả cho địch” đồng thời đề ra khẩu hiệu tăng cường chuyên chính. Tôi viết bài “Bài học Ba lan, Hung-ga-ri” để làm áp lực đấu tranh với quan điểm đó (...) Quan điểm của Trần Dần trong bài “Phải để cho trăm hoa đua nở” [Tức là bài "Không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở" ký tên H.L, trên NV số 5] cũng là quan điểm của tôi và Trần Dần thường bàn chủ trương “Đảng không thể quyết định, quần chúng mới là trọng tài tối cao.”(Lê Đạt, Thú nhận). Nhân Văn số 6 Về Nhân Văn số 6, Trần Duy cho biết: "Xong số 3 thì tôi chuẩn bị mấy số sau, tôi chuẩn bị cái affiche về Ba Lan thì chính tôi lên tiếp xúc với sứ quán Ba Lan, họ cho tôi tất cả tài liệu, affiche, tranh ảnh về Ba Lan và tôi đang định làm số đó. Nhưng sau vụ tôi lên gặp ông Đồng ấy, thì ông Đang ông đùng đùng ông tự động thay đổi. Lê Đạt cũng bảo cái chuyện mà Đang lên nhà in tự động thay đổi nội dung rất là nguy hiểm. Thì rồi xẩy ra việc mà bên công an can thiệp, nhưng không can thiệp đến ban biên tập, không can thiệp đến người, chỉ đình số báo lại và không cho phát hành. Nếu số báo ấy ra thì chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Tất cả số báo đó tôi hoàn toàn không biết" (Trần Duy trả lời RFI). Lê Đạt viết trong lời thú nhận: "Đến số 6, Đang mượn được một số France Observateur, bàn nên ra một số đặc biệt về Ba lan. Tôi rất tán thành cho rằng Đảng ta hay bưng bít tài liệu bây giờ đấu tranh bằng cách trình bày những tài liệu nước ngoài tác dụng rất tốt mà Đảng có muốn phê bình cũng không làm gì được. Đây cũng là một chiến thuật tốt để tấn công Đảng." Bài vở số này do Đang và Trần Duy sắp xếp. Về bài xã luận của Nguyễn Hữu Đang tôi cũng xem cũng như những bài xã luận mấy số 4, 5 trước khi Nguyễn Hữu Đang đưa in. Đọc đến chỗ “nhân dân có quyền biểu tình”, tôi hỏi. Nguyễn Hữu Đang trả lời “Báo Nhân dân đã khoẻ chửi, đánh cho một đòn như thế là chịu”. [Chỗ này chắc Nguyễn Hữu Đang chơi chữ: Lê Đạt hỏi nhân dân, Nguyễn Hữu Đang trả lời Nhân Dân] Lúc đó tất cả tâm trí tôi chỉ lo đối phó với các báo của Đảng, nên đồng tình. Trong lúc đương in số 6, thì phong trào phản đối lên mạnh. Tôi muốn đóng cửa. Nhưng trong cuộc họp chủ trương tiếp tục, Trần Đức Thảo và Trường Xuân, Phan Khôi thắng thế. Nhưng kết quả báo cũng bị đóng cửa. Tôi ngại Chi bộ thi hành kỷ luật và cũng hoang mang, ngại sự phẫn nộ của quần chúng không biết làm thế nào nên lánh mặt và không gặp anh em nữa". "Đôi lúc tôi có nghĩ “Giá có biểu tình để Trung ương thay đổi đường lối thì tốt”. Nhưng lại lo không muốn biểu tình xảy ra vì nếu có “một là tôi sẽ bị bắt vào Hoả lò, hai là trong lúc hỗn quân hỗn quan sẽ bị treo cổ”. "Giữa tôi và Nguyễn Hữu Đang lúc đầu không phải là khác nhau về lập trường chống đối mà chính chỉ khác nhau về phương pháp mà thôi." (Lê Đạt, "Thú nhận") Như vậy, trong những ngày cuối cùng của Nhân Văn: Trần Đức Thảo và Phan Khôi vẫn là những kiện tướng, Trường Xuân không rõ là ai. Ngày 09/12/1956, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh: Báo chí phải "phục vụ công nông binh", phục vụ nền "chuyên chính vô sản". Phạt tù 5 năm đến khổ sai chung thân kẻ nào vi phạm những cấm điều. Theo Hoàng Văn Chí, những điều khoản trong sắc lệnh 15/12/56 đã được ban bố từ tháng 10/54, sau khi tiếp thu Hà Nội. Nhưng lúc đó báo chí phần lớn đều là của Đảng, nên những cấm điều chỉ "giao hẹn mồm" mà vẫn được áp dụng triệt để: -Không được chống chính phủ, chống chế độ. -Không được xúi dục nhân dân làm loạn. -Không được nói xấu các nước bạn. -Không được tiết lộ bí mật quân sự. -Không được đăng bài vở có phương hại đến thuần phong mỹ tục. (THĐNTĐB, trang 31). Nhưng từ khi Nhân Văn Giai Phẩm xuất hiện, những tờ báo "đối lập" này không tuân thủ những cấm điều nữa: Nội dung bài vở chuyển tải rõ ràng ý chống Đảng, chống chế độ. 15/12/1956, Nhân Văn số 6 đang in, bị chận lại và bị thu hồi. * Chúng ta vừa nhìn lại quá trình hình thành và một số sự kiện xẩy ra trong nội bộ báo Nhân Văn. Rất tiếc là điều kiện tư liệu hiện nay chưa thể soi tỏ những gì xẩy ra trong nội bộ Giai Phẩm. Nhưng qua những chứng nhân, đặc biệt của Lê Đạt trong phần Thú nhận, ông cho biết rõ sự thực về hậu trường Nhân Văn; về sự tranh đấu cũng như óc chia rẽ, phân hoá trong mỗi con người, trước hoàn cảnh lịch sử. Về mặt văn bản, Nhân Văn, với những bài viết của Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt... mở mặt trận đấu tranh chính trị. Giai Phẩm với những bài của Trương Tửu, Trần Đức Thảo... mở mặt trận tư tưởng. Phan Khôi như một vị thủ lĩnh tinh thần của hai tờ báo. Toàn bộ Nhân Văn Giai Phẩm là một kết hợp chặt chẽ giữa văn nghệ sĩ và trí thức trong cuộc đấu tranh cho tự do sáng tác và tự do dân chủ. Hai hình thái đấu tranh này đi đôi với nhau, không thể tách rời, như lời Trần Đức Thảo: "Văn nghệ và chính trị không thể tách được, không có tự do dân chủ, làm sao có tự do sáng tác? " Hết phần thứ V |