Thành kiến về xướng ca |
Tác Giả: Lê Văn Ngọc | ||
Chúa Nhật, 06 Tháng 3 Năm 2011 09:12 | ||
Xin đính chính dùm ông bạn Phùng Nhân trong bài nói về ca sĩ Khánh Ly và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng (chứ không phải xứ) Hậu đình hoa. Đây là hai câu trong bài tứ tuyệt của Đỗ Mục là “Bạc Tần Hoài” (Đỗ bến Tần Hoài):
Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa. Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia. Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
(Khói sóng lồng nước lạnh, bóng trăng lồng bãi cát, Ban đêm đỗ thuyền ở sông Tần Hoài, cạnh quán rượu. Thương nữ không biết đến mối hận mất nước,Vẫn hát khúc Hậu Đình Hoa bên kia sông.) Thương nữ được chú thích là người con gái bán tiếng hát làm nghề sinh sống. Thời nhà Đường, nơi các tửu lâu thường có các con hát đi hát giúp vui cho các bàn tiệc. Họ học thuộc một số bài hát của nhiều danh sĩ, xưa cũng như đương thời và hát theo yêu cầu của khách. Các thương nữ này có khác với ca kỹ, ở lầu riêng, giàu sang và có nhiều tài hơn. Câu được người ta chú ý và hay đưa ra dùng để chê trách các người làm nghề ca hát là: “Thương nữ bất tri vong quốc hận” (người con hát không biết đến mối hận mất nước). Thực ra, đúng theo tinh thần của bài thơ thì Đỗ Mục không có ý chê trách mấy con hát, mà chỉ là dùng cảnh buồn đêm trăng trên bến sông Tần Hoài để nói tâm sự một người trí thức trước sự suy vi của đất nước. Đỗ Mục (803-853) sinh vào thời Trung Đường và thành danh ở thời Vãn Đường. Ông đỗ Tiến sĩ năm 26 tuổi và có ra làm quan. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ này là đối diện với sự xa hoa, mà lo âu cho vận mạng đất nước. Ngồi trong thuyền, nghe tiếng hát giúp vui bữa tiệc ở nhà hàng bên kia sông vẳng sang,một khúc hát mang đầy tính cách xa hoa phù phiếm là “Ngọc thụ hậu đình hoa” của Trần Hậu Chủ, vị vua cuối của đời Trần (bên Trung quốc) có tên là Trần Thúc Bảo, tính rất dâm đãng, vung phí tiền bạc cho những cuộc ăn chơi sa đọa, trong khi dân chúng khốn khổ, bị thuế má nặng nề, khiến giặc giã nổi lên khắp nơi, đưa đến mất nước. Đỗ Mục nghe khúc Hậu Đình Hoa này trong khi đang sống vào thời đại mà ông cảm thấy triều nhà Đường càng ngày càng suy, nên mượn sự kiện mất nước của Trần Hậu Chủ để nói đến việc sống ở thời yên bình mà lo đến lúc nguy khốn (cư an tư nguy). Ông biết người con hát chẳng có tình ý gì khi hát bài ca này (Vì các con hát phải chiều theo ý khách trong lúc đang vui say hưởng lạc: “rượu ngon nhắm tốt” ai lại đi hát những bài buồn rầu hay “phản chiến”); nhưng người nghe thì thì có lòng cảm khái, nhất là trong một hoàn cảnh thê lương - tất cả đều bế tắc, con người bị sự ảm đạm vây quanh đè ép, không có lối thoát- Bài thơ dùng cảnh để nói lên tâm sự lo đời suy vi của mình. Người đọc thơ sau này chỉ cứ nghĩ rằng con hát vô tâm (bất tri vong quốc hận), mà không nghĩ đến thâm ý của Đỗ Mục là nói đến những người nghe hát (đều có thể là trượng phu, văn nhân, tài tử). Lời thơ kín đáo bị hiểu hẹp đi ở hình thức. Nó cũng giống như câu của Nguyễn Khuyến: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ ; đời trước làm quan cũng thế a!” Thiên lệch vẫn là thói quen của con người. Thành kiến về địa vị và tư cách của ca kỹ trong lịch sử đã tạo nên bao nhiêu thảm cảnh và nguyên nhân không hoàn toàn bởi ca kỹ, mà phần lớn lại là do người thưởng ngoạn nghệ thuật mà ra. I.-Ca kỹ ở Trung Quốc: Mục đích của bài này chỉ nhằm tìm hiểu thành kiến về con hát đã từ lâu gây nhiều oan khiên cho một lớp người mà xuất thân và vai trò rất quan trọng trong xã hội. Có thể nói ca nhạc sinh ra cùng với ngôn ngữ con người và ca nhạc cũng phong phú theo đà tiến hoá của xã hội. Cùng với sự giao tiếp của các xã hội, các dân tộc, ca nhạc chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng vẫn tạo được sắc thái riêng. Loại nghệ thuật trình diễn này là nền tảng của văn minh nhân loại, thế mà vì thành kiến, ca kỹ không được xếp vào một loại nào trong tứ dân:sĩ, nông, công, thương. Cái sai lầm này có thể do xuất xứ của con hát trong chế độ Phong kiến ở Trung Quốc, thường con hát phần lớn xuất thân từ gia đình hèn hạ (chỉ có nghĩa là nghèo khổ). Nguồn gốc con hát đại khái là do: trong đám nô bộc, chọn ra những người mặt mũi xinh đẹp, giọng nói rõ ràng rồi huấn luyện cho âm nhạc, vũ đạo, hài hước. Khi thành nghề được cung đốn cho sự giải trí thanh sắc của chủ nhân. Con hát cũng như một món hàng được trao đổi, thậm chí ở nhiều cuộc chiến họ còn bị bắt làm nô lệ để phục vụ kẻ chiến thắng. Cũng có khi con hát lại là do vợ con của các bề tôi có tội, bị biếm xuống hàng nô tỳ phân đi cho các nhà quan khác. Những người này nhờ thời gian còn sống trong giai cấp cũ đã quen với thanh sắc, nên dễ được tuyển làm con hát, mà không phải làm những công việc phục dịch vất vả. Cũng có khi các tiểu thư xinh đẹp con quan rất thích biểu diễn thanh sắc mà không quản ngại gì về thân phận. Những người quy kết hẹp hòi thành phần giai cấp của nghệ sĩ trả lời làm sao khi có trường hợp như Lộng Ngọc, công chúa con vua Tần Mục Công đời Xuân Thu Chiến Quốc. Lộng Ngọc có chiếc sáo bằng ngọc thổi lên điệu rất du dương. Vua cha cho xây một cái đài cao,trang trí rất đẹp, mỗi khi Lộng Ngọc thổi sáo ngọc thì chim phụng bay đến múa lượn theo tiếng sáo. Sau này sánh duyên với Tiêu sử có tài thổi tiêu: “Tiêu sáo hợp bích”. Một hôm hai người cưỡi phụng bay lên tiên.(Nếu để ý đến cách đặt tên thì có thể tên thật của hai nhân vật này không phải là Lộng Ngọc và Tiêu Sử. Vì chữ Lộng Ngọc có nghĩa là chơi đùa với ngọc (ở đây là sáo ngọc); còn Tiêu Sử chỉ là giỏi thổi tiêu). Tuy có một vài trường hợp nghệ sĩ trình diễn xuất thân ở tầng lớp quý phái, nhưng đại đa số thuộc thành phần nghèo.Bên Trung Quốc điển hình là khu vực Hàng Châu, Tô Châu (trên trời có Thiên Đàng, hạ giới có Tô Hàng), gạo trắng nước trong, buôn bán sầm uất, là nơi thu hút những người nghèo đến để kiếm sống. Dân nghèo các nơi phần nhiều bán con cái đi xa: con trai xinh xắn làm con hát, xấu xí làm tôi tớ; con gái đẹp thì làm thiếp, nàng hầu, ca kỹ. Xuất thân đã đáng thương như vậy, việc thành nghề không phải là không gian nan. Nghệ thuật trình diễn cho dù có được chút tài nghệ bẩm sinh, nhưng cũng phải tốn rất nhiều công phu tâm huyết, để đạt được một tài nghệ độc đáo, mới có thể được ưa chuộng mà cải thiện cuộc sống vật chất cũng như địa vị xã hội. Các vua chúa thường nạp phi, thiếp là những người có thanh sắc, nổi tiếng của chốn lầu hồng. Ở Việt Nam, vua Lê Thánh Tông (sử thường tôn là một vị minh quân triều Lê) lập một con hát đẹp làm Hoàng Hậu là Trường Lạc Hoàng Hậu.(1) Điều hợp lý là muốn thành được nghệ sĩ trình diễn, phải thông minh mẫn tiệp. Các sĩ đại phu thường tự phụ về tài mẫn tiệp, đi bảy bước làm xong một bài thơ, thì trong lịch sử con hát cũng phải mẫn tiệp hơn thế. Nhất là biến báo, vì chức năng của nghệ thuật trình diễn là giải trí mà còn là phúng thích, khuyên răn người sai quấy về nẻo thiện.Nói đến sự mẫn tiệp của ca kỹ, trong “Truyền kỳ Mạn lục” của Nguyễn Dữ có thuật trường hợp của một cung nữ là Hàn Than: “ Ả danh kỹ ở Kỳ Sơn là Đào Thị, tiểu tự Hàn Than, thông hiểu âm luật và chữ nghĩa. Niên hiệu Thiệu Phong thứ Năm (1345) đời nhà Trần (Vua Trần Dụ Tông -1341-1369) nàng được tuyển vào làm cung nhân, hàng ngày chầu vua ở tiệc rượu hay chiếu bạc. Một hôm vua thả thuyền chơi trên sông Nhị, rồi đi lần xuống bến Đông Bộ Đầu. Vua lãng ngâm rằng: Vụ ế chung thanh tiểu Sa bình thụ ảnh trường Nghĩa là: Mù tỏa tiếng chuông nhỏ Cát phẳng bóng cây trường (dài). Các quan chưa ai nối được, nàng Đào liền ứng khẩu đọc ngay: Hàn than ngư hấp nguyệt Cổ lũy nhạn minh sương Nghĩa là Bến lạnh cá đớp nguyệt Lũy cổ nhạn kêu sương. Vua khen ngợi hồi lâu, nhân gọi nàng là “Ả Hàn Than”.(2) Truyện này cho thấy nghệ thuật không chỉ này sinh nơi những người lầu thông kinh sử, mà nhiều khi ở những người thông tuệ có thi tài. Riêng về tài năng nghệ thuật lại không hạn chế ở thành phần giai cấp. Có nhiều ông đỗ Đại khoa, nhưng chỉ là “thợ thơ”, còn thơ có hồn, có nghệ thuật đôi khi ở những người không có khoa bảng.Nhất là ở nghệ thuật trình diễn như hát và múa, sự theo học kinh sử một cách huấn hỗ có khi làm thui chột tài năng bẩm sinh của người nghệ sĩ. Dù rằng có học thì vẫn hơn, nhưng trước hết phải có năng khiếu đã. Các xứ đồng văn với Trung Quốc đều có sinh hoạt ca kỹ giống nhau và cũng cùng nhận định phân biệt giai cấp dựa trên thành kiến về đạo đức. Cùng là một hành vi tồi tệ về đạo đức ở vua quan lại được biến báo cho nhẹ đi, còn ở giới ca kỹ thì bị tăng lên. Vua quan mê con hát đẹp, làm mất nước, tán gia bại sản lại bị buộc tội nhẹ hơn con hát là đã dung thanh sắc mê hoặc người. Những lý luận thiên lệch phi lý gây nên dư luận xã hội khinh ghét con hát. Điển hình như ở Trung Quốc vào thời Tống với bản cáo trạng: “8 tội trạng lớn của con hát là: Một, vô cớ tước đoạt máu mỡ của dân để tiêu phí bừa bãi; Hai, khiến dân bỏ nghề nghiệp mà theo chuyện vui chơi; Ba, xúi giục con em người ta chơi rong, mất ý cung kính cẩn thận; Bốn, dụ dỗ phụ nữ phòng khuê ra ngoài, nảy ý dâm tà (*); Năm, khiến kẻ tham phu nảy ý gian cưỡng đoạt; Sáu, khiến bọn hậu sinh thích ẩu đả; Bảy, khiến đàn ông chưa vợ, phụ nữ chưa chồng gặp nhau làm chuyện dâm bôn xấu xa; Tám, hai sân châu huyện nhao nhao dấy chuyện kiện tụng thậm chí có kẻ giả báo thù riêng, đánh nhau, giết người không hề sợ sệt.”(3) Kết tội con hát như thế cũng có nghĩa là nói tới ảnh hưởng của nghệ thuật trình diễn đến đời sống của người dân.Khác với văn học, người ta phải vận dụng tưởng tượng và tri thức để lập lại thực tế; còn nghệ thuật trình diễn, nhất là ca nhạc đi thẳng vào lòng người, nên khả năng cảm hoá mau lẹ và sâu sắc mãnh liệt hơn. Điều vô lý và hẹp hòi của cáo trạng trên đây là chỉ nhìn thấy ở khiá cạnh tiêu cực, trong khi khả năng giáo hoá của nghệ thuật tích cực hơn nhiều. Thực ra, những điều gọi là “tội trạng “ lớn của con hát ở trên phải thấy là có tính chất phổ quát ở mọi từng lớp người trong xã hội. Nhất là điều “vô cớ tước đoạt máu mỡ của dân để tiêu phí bừa bãi”, thì hoàn toàn đúng cho vua quan. Từ nhận định thiên lệch này sẽ đưa đến những luật lệ bất công, nhưng vẫn được ẩn dưới cái vỏ huyền thoại “bảo vệ phong hoá:”…Pháp luật Trung Quốc thời cổ bách hại nhân thân con hát cực kỳ nghiêm trọng, nhất là tuyệt đường tiến thân của họ. Con hát không được tham gia khoa cử khảo thí, đó là thông lệ của 3 triều Nguyên, Minh, Thanh. Thậm chí ngay các trường học ở tỉnh hay làng xã cũng không cho con hát bước vào (con hát biết chữ là do học lén hay gia đình dạy cho). Con hát còn phải mặc trang phục của nghề nghiệp mình để tỏ rõ thân phận hèn hạ - Theo pháp lệnh đời Nguyên quy định rõ ràng: “Những nhà hát xướng, những người mà tật nguyền tàn phế, những người phạm tội thập ác, những người gian trá trộm cướp không cho dự thi. Con hát được coi ngang những người ‘tật nguyền tàn phế’, hay phạm trọng tội. Huyền thoại cấm con hát thi cử vỉ để bảo vệ phong hoá cũng xuất phát từ một thành kiến cho rằng “ con hát là kẻ bị khuyết hãm về tinh thần, họ không phải là con người khỏe mạnh, hoàn chỉnh, khó có thể coi là nhân tài để tiến hành bồi dưỡng thành người hữu dụng” Không những cấm đoán con hát đương thời tham gia khoa cử mà còn bức hại dòng dõi họ, làm sao cho chỉ mãi mãi thuộc từng lớp nô lệ hèn hạ: “Nhà con hát, nô lệ, binh sĩ con em không được đưa vào trường xã học.”(*) Có lẽ vì nhận định rằng nghệ thuật làm hại tâm thuật, khiến mọi người mê man về thanh sắc mà bỏ bê công việc làm ăn; nhất là giới nho sĩ, vua quan bỏ bê chính sự, đưa đất nước vào chỗ suy yếu, nên người ta ngăn cấm con hát, xua đưởi và tước đoạt mọi điều kiện tiến thân, để họ vĩnh viễn là nô lệ. Giới cầm quyền phong kiến hầu hết là những sĩ đại phu, dùng nho học để nuôi dưỡng nhân tài và khoa cử để tiến thân, chèn ép, ngược đãi ca kỹ, không phải căn bản nội dung triết học của nó có đối kháng với nghệ thuật trình diễn, mà chỉ vì cá tính hẹp hòi và thiển cận của những người đang có quyền nhận định sai lầm về khả năng và ảnh hưởng của nghệ thuật trình diễn, “Ở Giáp Cốc nước Tề xây đài cao đón tiếp Lỗ Định Công. Các con hát biểu diễn giúp vui đều bị Khổng Tử đuổi. Người chấp sự tâu có thể dùng nhạc vũ trong cung chào mừng khách không? Tề Cảnh Công ưng thuận, lúc ấy nghệ nhân trong cung bước lên đài, họ pha trò bông đùa, biểu diễn rất náo nhiệt. Không ngờ Khổng Tử lại rảo bước lên đài cản trở, lời lẽ càng kịch liệt: “Bọn tiểu nhân thất phu dùng lời bông đùa mê hoặc chư hầu, tội đáng giết!” Dưới sự ép buộc của Khổng Tử, đám con hát ấy bị giết hại tàn khốc, tay chân bị chặt chia ra đặt dưới hai bên đài.” (4) Hoặc giả, Khổng Tử không thích ca nhạc nên “dị ứng” với con hát? Thực ra chính ông lo rằng đam mê ca hát sẽ làm hỏng chính sự, nên nghiêm cấm ca nhạc: “Thật ra Khổng Tử đối với nghệ thuật ca vũ quả rất khinh ghét ‘Luận Ngữ’ không phải đã nói: “Bỏ nhạc nước Trịnh (vì cho là dâm bôn), xa dời người nịnh sao?”. Theo Sử Ký, Khổng Tử thế gia, sau hội Giáp Cốc bốn năm, nước Tề sợ nước Lỗ cường thịnh, tuyển 80 nữ kỹ xinh đẹp để mê hoặc vua Lỗ, tương truyền từ đó vua Lỗ không đếm xỉa gì tới triều chính, suốt ngày thưởng thức nữ nhạc, nên Khổng Tử đành uất ức bỏ Lỗ ra đi”.(5) Với thân phận chỉ làm công việc giúp vui, ca kỹ là một thứ phi sản xuất của xã hội nên luôn luôn cứ bị thành kiến là thành phần ăn bám, nên bị đối xử như là một nô lệ tinh thần, có khi cả tình dục. Sự miệt thị này đành là vô lý vì nếu dựa trên căn bản đạo đức thì việc “trốn chúa lộn chồng” không phải là độc quyền của ca kỹ. Trong lịch sử con hát có biết bao nhiêu gương trung hiếu tiết nghĩa của gái “làng chơi” hoặc nhạc sĩ ca công. Điều mâu thuẫn, phi nhân của giới sĩ đại phu thời Phong kiến là vẫn hưởng thụ nghệ thuật cũng như gái đẹp, mà vẫn miệt thị đầy ải nghệ sĩ. Nó như một hiện tượng rất hài hước là ở xã hội cũ (nhất là trong thời Pháp thuộc), các trí thức vẫn lên án kịch liệt thuốc phiện làm hại nòi giống, đưa người ta đến chỗ bê tha, mất nhân cách v.v.. mà mồm thì vẫn “hăng hái ngậm dọc tẩu”. II.- Thân phận con hát ở Việt Nam: Nhìn thoáng ra những nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam cũng có đội ngũ xướng ca và cũng bị đối xử bất công phi lý như Trung Hoa. Về phương diện hình thức chưa chắc ở giới nào lại tập trung nhiều vẻ đẹp và tài như trong giới xướng ca. Còn thành kiến “xướng ca vô loài”, cho rằng vì con hát thay đổi vai trò hôm trước có thể đóng vai “minh quân, lương tể” mà hôm sau lại đóng vai “gian thần tặc tử” nên “lộng giả thành chân”, có hại cho trật tự xã hội. Như thế con hát là một hình thức mạo hoá, nhưng thực sự lại không nguy hiểm bằng những sự mạo hoá của các giới khác, nhất là giới sĩ đại phu. Vì khi xem hát ai cũng biết đó là giả. Người ta mê con hát là mê cái đẹp, cái tài thật của họ. Việt Nam lệ thuộc văn hoá Tàu về nhiều mặt, nhất là ở triều đình. Nhã nhạc dành cho nghi lễ ở cung đình đều là mô phỏng Trung Hoa, không những hình thức mà cả triết lý. Ý thức độc lập văn hoá ít được tán đồng. Thí dụ vào đời nhà Lê, năm Thiệu Bình thứ Ba (1436) vua Thái Tông sai Nhập Nội Hành Khiển Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng định lại nhã nhạc. Nguyễn Trãi dâng sớ từ chối. Lương Đăng định nhã nhạc mới, phỏng theo nhạc khí nhà Minh đặt ra khúc nhạc tấu ở trên điện và khúc nhạc tấu ở dưới thềm.(6) Thái độ khinh miệt con hát một phần bắt chước văn hoá Trung Quốc; phần khác có lẽ là kinh nghiệm của nhiều triều đại đã bị con hát khuynh đảo chính quyền, nên sợ không dám tạo điều kiện cho con hát có thể len lỏi vào chính quyền. Sự kiện Dương Nhật Lễ ở thời Trần chắc phải để lại kinh nghiệm cho giới vua quan triều đại sau: “Năm Kỷ Dậu (1369) vua Dụ Tôn mất, không có con. Triều đình định lập Cung Định Vương là anh Dụ Tông lên làm vua, nhưng mà bà hoàng Thái Hậu nhất định lập người con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ. Nguyên mẹ Nhật Lễ là người con hát, lấy người hát bội tên là Dương Khương có thai rồi mới bỏ Dương Khuơng mà lấy Cung Túc Vương, sinh ra Nhật Lễ. Nay lên làm vua, Nhật Lễ muốn cải họ là Dương để dứt ngôi nhà Trần, rồi giết bà Hoàng Thái Hậu và Cung Định Vương”. (7) Thời Phong kiến, ở thời bình người ta chỉ biết tiến thân bằng đường khoa cử. Cho nên để đề phòng giới ca nhạc vào khuynh đảo triều đình, người ta không cho con hát dự thi. Luật Hồng Đức đời Lê quy định rằng: “Những con hát, phường chèo cùng cả con cháu đều không được đi thi; Trái luật thì xử tội biếm hay tội đồ; Quan Giám Ty biết mà không phát giác, thì xử giảm nhẹ đi một bực.”(8) Luật còn triệt đường tiến thân của giới nghệ sĩ bằng cách không cho quan lại thành hôn với con hát (để tạo khả năng cải đổi giai cấp). Điều 40 Chương Hộ Hôn quy định: “Các quan và thuộc lại lấy đàn bà con gái hát xướng làm vợ cả, vợ lẽ, đều xử phạt 70 trượng, biếm 3 tư; Con cháu các quan viên mà lấy những phụ nữ nói trên, thì xử phạt 60 trượng, và đều phải ly dị.”(9) Như thế “vợ Cả, vợ Hai, hai vợ đều là vợ cả”; còn nàng hầu không được kể là vợ, nên cũng không có một địa vị hay quyền hạn gì trong đại gia đình thuộc xã hội cũ, cho nên không thấy ghi điều khoản cấm kỵ việc nạp nàng hầu thuộc thành phần con hát. Tuy vậy, xem ra luật pháp Việt Nam nhân bản hơn Trung Hoa. Trong luật Hồng Đức chỉ nêu điều cấm mà không nói đến triết lý sai lầm của giới gọi là sĩ đại phu nắm chính quyền như luật Trung Hoa. Luật Trung Hoa thời Càn Long (1771) nói: “Tra xét các nhà con hát, nô lệ, binh sĩ, lấy theo dòng đích, bản thân đã làm việc nô dịch hèn hạ, thì con cháu sinh ra theo lệ cũng phải vĩnh viễn không cho dự thi.” Cho dù con cháu kế thừa người khác, nhưng quan hệ và dòng máu vẫn không sao lọc sạch. Cũng pháp lệnh ấy lại nói: “Con cháu tuy đã thừa tự người khác, nhưng rốt lại vẫn là dòng dõi hèn hạ, chưa tiện cho dự thi.”(10) Như thế, ở thế kỷ 18 luật lệ bất công đối với con hát vẫn tồn tại. Ở Việt Nam vì bắt chước Trung Hoa, nên cũng đối sử khắt khe với con hát về việc tiến thân bằng khoa cử, hay kết thân (thành hôn với vua quan). Tuy nhiên Việt Nam nhờ một vụ “thất thoát chất xám”, nói rõ hơn là mất nhân tài do luật lệ khắt khe này mà giới cầm quyền tỉnh mộng, giải tỏa lệnh cấm trên qua vụ Đào Duy Từ. III.- Đào Duy Từ và việc bỏ luật cấm con hát thi cử: Sách Đại Nam Thực Lục chép: “Ất Sửu, năm thứ 12 (1625) (Đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên năm thứ 12 kể từ khi lên ngôi (1614), mùa đông, Đào Duy Từ đến theo. Duy Từ người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hoa, thông suốt kinh sử, rất giỏi thiên văn thuật số. Năm ấy có khoa thi Hương ở Thanh Hoa. Hiến ty cho Duy Từ là con phường chèo, tước bỏ không cho dự thi (*). Duy Từ buồn bực quay về. Nghe tiếng Chúa (Nguyễn Phúc) yêu dân quý học trò, hào kiệt đều quy phục, quyết chí đi theo, bèn một mình vào Nam. Ở huyện Vũ Xương hơn một tháng, không ai biết cả. Nghe tin Khám Lý Hoài Nhân Trần Đức Hoà là người có mưu trí, được Chúa tin dùng, bèn vào Hoài Nhân, thác là người ở chăn trâu cho phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy người biết rộng, nghe nhiềư, nói với Đức Hoà. Đức Hoà nói chuyện với, thấy không điều gì là không thông suốt, rất quý trọng, đem con gái gả cho. Duy Từ từng ngâm bài “Ngọa Long Cương” để ví mình với Khổng Minh. Đức Hoà thấy thế nói rằng: “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời nay chăng?”(11) Chúa Nguyễn Phúc Nguyên dùng ông làm Nội Tán. Gặp được thời cơ trổ tài, ông đem hết sức giúp chúa Nguyễn đạt nhiều thắng lợi trong việc chống nhau với chúa Trịnh và được phong Lộc Khê Hầu. “Khi Chúa Trịnh ở miền Bắc biết, thì hối không kịp cho nên cũng đã xem xét lại luật lệ khắt khe trong việc thi cử đối với con hát. Lại thêm từ khi bà Trương Quốc Mẫu, người Như Kinh, là kẻ hát xướng được tuyển vào cung phụng hầu Tấn Quang Vương (con Trịnh Cán) sinh ra Trịnh Nhân Vương (Trinh Cương), Biện Trưởng cung người Á Lữ, sau lại đắc sủng với Nhân Vương, nên các họ về giáo phường mới được kể bằng hàng với các nhà lương gia. Sau này các họ nhà đại khoa hiển hoạn cũng thường có người do dùng họ con hát mà phát đạt lên, nên những kẻ sĩ phu cũng cùng họ giao du tự nhiên, và rồi những nhà con hát cũng quên hẳn thế hệ nhà mình từ đâu mà ra.”(12) Như thế là vào giữa thế kỷ 18 đã không còn luật lệ bất công đối với giới hát xướng về thi cử nữa. Sang đến thế kỷ 19 với các vua triều Nguyễn do Gia Long mở nước, thì vốn cha ông họ đã cởi bỏ thành kiến với con hát mà thu được nhân tài xuất chúng, cho nên không muốn lập lại thành kiến kỳ thị đó, dù họ có tham khảo luật lệ của nhà Thanh vẫn chưa bỏ lệ cấm con hát thi cử. Điều chứng minh cho thái độ khai phóng này là luật thi cử ở triều Nguyễn không có điều nào cấm con hát đi thi cả: “Gia Long năm thứ Sáu (1807) chuẩn lời nghị, đến năm có kỳ thi trước 4 tháng, lý trưởng các xã làm tờ loại khai tên họ cước sắc của những sĩ tử xin đi thi nộp ở quan huyện, nếu có những người bất hiếu bất mục, loạn luân, điêu toa, và từ sau tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) trở đi, những kẻ phạm tội giặc cướp thì không được khai tràng, nếu lý trưởng cố tình không chịu khai phân loại, tra ra đúng sẽ có tội,”(13) Đến đời Minh Mạng năm thứ Ba, vua còn chiếu cố thêm cho sĩ phu Bắc Hà: “Minh Mạng năm thứ Ba (1822) chuẩn lời nghị; những hương cống đỗ các khoa Đinh Mão (1807), Quý Dậu (1813) và ân khoa Tân Tỵ (1821) cùng các hương cống đời Lê cũ còn chưa được thực thụ ra làm quan, thì trừ người ở nhà chịu tang 3 năm, và người phải phạt cấm thi, còn thì đều cho về kinh ứng thi”. (14) Như thế là thành kiến về con hát đã bị xóa bỏ từ hơn 200 năm nay, ít ra là về mặt luật lệ. Còn ở dư luận lại càng không có đất đứng. Chẳng phải ngày nay, với tinh thần dân chủ và bình đẳng người ta mới gạt bỏ thành kiến miệt thị con hát, mà trong lịch sử dù rằng luật lệ đối xử bất bình đẳng với con hát thật, nhưng ngay cả vua quan cũng vi phạm để trọng đãi những con hát tài sắc, dù phải che đậy quanh co hành vi gọi là ra ngoài danh giáo này.(15) Ai cũng có phần đóng góp cho xã hội cả, tùy người ta có lòng đóng góp hay không. Trong lịch sử con hát Việt Nam đã có những đóng góp to lớn và rất nhân bản, mà cũng may mắn cho lịch sử là đã không có kỳ thị khi ghi lại những đóng góp này, ngoài những người vô danh của nhiều trường hợp đáng biểu dương: “Song song với sức cảm hoá tinh thần, ca trù đôi khi lại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sinh hoạt của dân chúng. Đào Thị giết giặc Minh ở làng Đào Xá; Phùng Ngọc Đài giúp đỡ dân huyện Vụ Bản; Nguyễn Thị Kế cứu hai làng Lôi Động và Lập Thạch khỏi bị triệt hạ. Bấy nhiêu ca nhi lưu danh sử sách được các triều vua phong làm Phúc thần, được nhân dân tri ân lập đền thờ cúng tế hàng năm.”(16) Chỉ có người xấu, không có nghề xấu. Nhất là nghệ thuật (cả tạo hình lẫn trình diễn) đều nhằm mục đích tìm “Cái Đẹp” không nhắm tìm cái “Thiện”. Các nhà chính trị đạo đức đã lợi dụng nghệ thuật cho những mục đích riêng tư của mình. Người nghệ sĩ nào cũng đã có những nhượng bộ để sống hòa hợp và đóng góp cho sự tiến hoá của xã hội.
Chú thích: (1) Sách Tang Thương Ngẫu Lục của Phạm Đình Hổ chép rằng: “Khoảng đầu niên hiệu Thái Hoà, Tế Văn Hầu Nguyễn Trãi mắc tội. Có người con gái bị bắt vào nhà quan sung vào hàng nữ nhạc. Người con gái tư sắc tuyệt đẹp, tuổi đã 17,18 mà vẫn không biết nói. Đến nay theo đồng bạn vào cung hầu yến, vì câm nên chỉ ngồi gõ phách, hát tiếng lanh lảnh, phảng phất như khúc điệu Quân Thiên. Vua lấy làm lạ, hỏi thì thấy người con gái nói năng đi đứng, giống hệt người ngọc nữ trên chỗ Thượng Đế, bèn thu nạp vào hậu cung, sách lập làm Trường Lạc Hoàng Hậu” (TTNL trg 202). (2) Nguyễn Dữ - Truyền Kỳ Mạn Lục trg 76. Xét về nghệ thuật bài thơ tuyệt diệu và có thần là ở chỗ tả sự im lặng của một đêm trăng mùa thu. Cảnh trăng thu làm cho cảm giác con người trở nên tinh tế hơn, khiến nghe được nhũng sự sống tế vi của vũ trụ quanh mình. Bài này thể được xếp ngang với bài “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế đời Đường, cũng tả một đêm thu trăng sáng, con người hoà mình với vũ trụ bao la. (3) Đàm Phàm - Lịch sử con hát (Cao Tự Thanh dịch) trg 249 (*) trường mở ở xã (4) Sử Ký - Khổng Tử Thế gia (trích lại của Đàm Phàm - Lịch sử con hát,trg 270) (5) nt. trg 271 (6)Thực ra Nguyễn Trãi muốn có một thứ triết lý âm nhạc dùng để điều hoà văn hoá của dân chúng: “Lúc có loạn dùng võ, thái bình dùng văn, nay chế lễ tác nhạc là hợp thời. Nhưng e rằng gốc không chắc chắn thì văn dựa vào đâu mà đứng vững, vì hoà bình là gốc của nhạc mà thanh âm là văn của nhạc. Thần phụng chiếu định lại nhạc, đâu dám chẳng hết lòng, hết sức. Ngặt vì thần học thức nông nổi, âm luật nhạc tinh vi, tự nghĩ khó lòng mà điều hòa cho được. Vậy kính xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng trăm họ, khiến dân gian không có tiếng than phiền, oán giận, như thế là giữ vững được căn bản của nhạc rồi hãy bàn đến âm thanh” (Khâm Định Việt Sử) (7)Trần Trọng Kim - Việt Nam Sử lược, trg 170 (8)Quốc Triều Hình luật, mục Tạp luật - Điều 77 trg 227 (9)QTHL trg 131 (10) Đàm Phàm - Lịch sử con hát, trg 253 (*)Thân sinh ra Đào Duy Từ là Đào Tá Hán, làm Quản giáp trong nghề ca xướng, rồi được thăng chức Linh quan, trông nom đội nữ nhạc trong Đại nội (Triều vua Lê Anh Tông) (11) Đại Nam Thực Lục, QI trg 42 (12)Phạm Đình Hổ - Vũ Trung Tùy Bút, trg 84 (13) Khâm Định Đại Nam Hội Điển sử lệ, Tập IX Q 104 trg 38 (14)nt trg 43 (15)Câu chuyện Tiên đồng ngọc nữ giáng thế trong Tang Thương Ngẫu lục của Phạm Đình Hổ có ý hướng bao che cho việc vua Thánh Tôn lập Trường Lạc Hoàng Hậu vốn là một con hát. Trong khi chính luật Hồng Đức do vua ban cấm quan lại lấy con hát làm vợ chính hay vợ lẽ. (16) Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề - Việt Nam ca trù biên khảo, trg 139 – Saigon xb 1962 |