PGS-TS Trịnh Sâm, Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM: "Đây là chủ trương có thể chấp nhận được, song phải có hướng dẫn chi tiết vì tác động của nó đối với xã hội là không nhỏ..."
|
Thêm ký tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt - đề xuất này đã được đưa vào dự thảo thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính của Bộ GD-ĐT - hiện đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Chiều 9-8, PGS-TS Trịnh Sâm, Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đã có bài viết dưới đây gửi riêng cho diễn đàn của Báo Người Lao Động Online:
"Chữ viết tiếng Việt là một thứ chữ ghi âm, trên đại thể hễ phát âm như thế nào thì viết như thế ấy. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên tắc âm - chữ một đối một không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách trọn vẹn. Hiện chữ viết Quốc ngữ có một số trường hợp "bất hợp lý", trong quá khứ không xa có nhiều học giả chủ trương phải cải tiến nó, việc này đã tốn khá nhiều giấy mực, trong đó có việc thêm bớt chữ cái, Thật ra, hệ thống chữ viết nào cũng tồn tại ít nhiều điều bất hợp lý, nhìn sang chữ viết tiếng Anh thì rõ, vấn đề là ở chỗ thuộc môi trường giao tiếp nào.
Việc chủ trương thêm 4 chữ cái trong môi trường sách giáo khoa và máy tính của Bộ GD-ĐT, theo chúng tôi là có thể chấp nhận được, vì không gây xáo trộn lớn, lại bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và rất quen thuộc đối với người sử dụng máy tính. Cần thấy, trước đây Nhà xuất bản Giáo dục cũng đã có một số quy định về hệ thống chính tả áp dụng trong sách giáo khoa. Lúc đầu cũng có ý kiến này nọ nhưng bây giờ nhìn chung là đã ổn định.
Về 4 chữ cái mà Bộ GD-ĐT đề xuất, vì chưa đọc dự thảo nên không biết là Cục Công nghệ Thông tin có hoàn toàn thay thế F = ph, z= d/gi hay chỉ áp dụng cho thuật ngữ và tên riêng tiếng nước ngoài?
Tôi ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chi tiết, bởi tuy chỉ trong phạm vi 4 chữ cái và môi trường khoa học, những ảnh hưởng của nó đối với xã hội là không nhỏ". Trước đó, cùng ngày, Báo Người Lao Động Online đã phỏng vấn một số chuyên gia ngôn ngữ về vấn đề này.
|
GS-TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ: Tôi ủng hộ
"Trong bảng chữ cái tiếng Việt theo mẫu tự Latin không có 4 ký tự F, J, W và Z nhưng trong thời kỳ hội nhập quốc tế dựa trên nền văn minh thông tin hiện đại, người Việt Nam đang sử dụng rất nhiều cả 4 ký tự này. Từ điển của Viện Ngôn ngữ học và một số từ điển khác đã đưa bốn ký tự này vào. Cá nhân tôi ủng hộ việc đưa 4 ký tự này vào bảng chữ cái tiếng Việt vì ngôn ngữ này đã gắn với đời sống, dùng quá phổ biến.
Ví dụ, chữ F đã hiện diện trong nhà trường từ rất lâu với lực F, thang nhiệt độ F, với nguyên tố hóa học Flo hay ký hiệu Fe của sắt... Trong văn hóa và nghệ thuật, từ “phim” Việt hóa đang dần dần được thay thế bằng từ “film”, hãng phim TPHCM còn được gọi là TFS, những từ như Fafilm, Fahasa... đều dần trở nên quen thuộc, còn Festival thì được sử dụng rất nhiều. Trong các quan hệ quốc tế, dân ta đã rất quen với tên các tổ chức được viết tắt theo tiếng Anh như UNICEF, FAO, IMF... Về thể thao thì là FIFA, UEFA, AFC, FIBA, FIDE... và cả VFF.
Chữ J cũng được dùng từ lâu trong nhà trường với thời đại cổ sinh học kỷ Jura, định luật Jun-Lenxơ... Những từ jazz, jeans, judo, jambon, jacket... đã đi vào tiếng Việt một cách tự nhiên.
Chữ W cũng được người Việt làm quen từ trong nhà trường với ký hiệu về công suất điện, với nguyên tố hóa học Wonfram, Trong xã hội, nó thường xuyên xuất hiện với những tên viết tắt của các tổ chức quốc tế như WB, WTO, WHO...".
|
Vũ Thị Sao Chi, Trưởng phòng Biên tập - Tạp chí Ngôn ngữ: Cần hết sức cân nhắc "Những ký tự đó trong hệ thống chữ cái của tiếng Việt không có. Theo tôi, cần hết sức cân nhắc khi đưa ra những quyết định quan trọng. Đưa F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt tức là chúng ta chấp nhận sử dụng những âm vị này. Nếu thế, trẻ con thay vì viết từ “gia đình”, sẽ viết từ “za đình”, như thế là không chuẩn mực.
Đúng là trong xu thế hội nhập, mình tiếp nhận rất nhiều thuật ngữ nước ngoài nhưng cần rất cẩn trọng, nếu không sẽ thành một bộ chữ nửa Việt, nửa quốc tế".
Báo Tuổi Trẻ ngày 9-8 dẫn lời ông Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người trực tiếp soạn thảo thông tư trên - cho biết dự thảo nói trên sẽ công bố trong tháng 8-2011 để xin ý kiến các nhà ngôn ngữ học, tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến ban hành chính thức vào tháng 10-2011.
Giải thích về việc bổ sung các ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt, ông Ngọc cho rằng chữ viết của VN hiện nay được sáng tạo trên việc sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt nhưng đã phức tạp hóa bằng các chữ kép thay thế cho nhóm ký tự F, J, W, Z khiến cho tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong cộng đồng người sử dụng máy tính thì các ký tự trên đã trở nên quen thuộc, chủ yếu phục vụ việc gõ các ký tự riêng của tiếng Việt là ă, â, ê, ơ, ư. Vì vậy, việc thừa nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái tiếng Việt là cần thiết để thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt trên môi trường máy tính và sách giáo khoa.
Dự thảo thông tư trên còn một nội dung khác là làm rõ xung quanh chữ “y” và “i” trong những trường hợp phát âm giống.
Nếu thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 ký tự.
PGS Trịnh Sâm - H.L.Anh - A.Q |