Home Văn Học Khảo Luận Đọc thơ và đọc truyện

Đọc thơ và đọc truyện PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc   
Chúa Nhật, 04 Tháng 9 Năm 2011 18:05

Nếu đọc thơ là nhập vai vào một thế giới ảo thì đọc truyện sẽ là gì?

Thì cũng vẫn là nhập vai. Thơ hay truyện thì cũng vẫn là văn học. Đã là văn học thì thế nào cũng có những đặc trưng giống nhau. Vậy thì sự nhập vai khi đọc thơ và khi đọc truyện khác nhau ra sao?

Có thể nói một cách tóm tắt: Nhập vai khi đọc tiểu thuyết là nhập vai vào nhân vật; nhập vai khi đọc thơ phần nhiều là nhập vai vào tác giả - thật ra đó cũng chỉ là một thứ nhân vật: nhân vật trữ tình. Nhập vai khi đọc tiểu thuyết là một nhập vai nửa vời: chúng ta vừa là nhân vật đồng thời vừa tự biết mình không phải là nhân vật. Là nhân vật, chúng ta buồn, đau, mừng rỡ, lo lắng với nhân vật. Biết mình không phải là nhân vật, chúng ta không trốn chạy khi nhân vật gặp hiểm nghèo; chỉ thấy ghê chứ không thấy gớm khi nhân vật đối diện với máu me, chết chóc; vừa cảm thấy xót xa cái xót xa của nhân vật trong sự khốn cùng lại vừa cảm thấy thích thú vì được chứng kiến một màn kịch đầy éo le. Sự nhập vai khi đọc thơ toàn diện hơn, triệt để hơn. Đi vào thơ, không ai canh cánh trong lòng cái niềm nghi hoặc về mức độ thực giả của một tâm trạng. Cho dù chúng ta biết những mối tình trong thơ của Hàn Mặc Tử hay của Nguyễn Bính phần nhiều là những mối tình tưởng tượng, những người được gọi là “em” một cách đầy tha thiết trong thơ Xuân Diệu chưa chắc đã là con gái, chúng ta vẫn xúc động khi đọc thơ của họ. Cho dù chúng ta biết, như Mai Thảo đã kể, cảnh khóc lóc thảm thương của Vũ Hoàng Chương trong bài “Tháng Sáu Mười Hai” chỉ là chuyện bịa, “Thì tao cứ tưởng tượng Tố Uyển không còn để làm bài thơ ‘Gửi người dưới mộ’. Cho vui thôi.” (1), chúng ta vẫn cứ nao lòng theo những niềm ai oán tưởng tượng “cho vui” của nhà thơ. Như một quy ước bất thành văn, loài người, từ xưa đến nay, mặc nhiên chấp nhận thế giới ảo của nhà thơ là sự thực. Thế giới của thơ, do đó, có thể nói là thế giới của niềm tin. Không phải ngẫu nhiên mà, dưới mắt các nhà nghiên cứu, thơ là cái gì rất gần với tôn giáo và huyền thoại.

Khi nhập vai và khi hiện thực hoá thế giới ảo của thơ, người đọc đang tiến hành việc chuyển hoá một văn bản thành một kinh nghiệm. Thực chất quá trình chuyển hoá ấy là một sự diễn dịch. Thực chất việc diễn dịch này là xác định cho văn bản một nội dung biểu hiện và một nội dung quy chiếu: bài thơ bày tỏ một thái độ gì trước một cái gì đó. Cả sự biểu hiện lẫn sự quy chiếu đều là những quan hệ: yếu tố thứ nhất là quan hệ giữa văn bản và chủ thể; yếu tố thứ hai là quan hệ giữa văn bản và hiện thực. Có điều, khác với việc sáng tác, trong việc đọc, chủ thể ở đây chính là người đọc và hiện thực ở đây cũng là hiện thực chung quanh người đọc hoặc do người đọc tưởng tượng ra. Việc phát hiện ra yếu tố thứ hai làm cho chúng ta hiểu bài thơ. Việc phát hiện ra yếu tố thứ nhất giúp chúng ta đồng cảm với bài thơ. Chẳng hạn, đọc bài “Tương tư” của Nguyễn Bính, một mặt, chúng ta sẽ hiểu đó là nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi khắc khoải của một người con trai đang yêu một người con gái cùng làng; mặt khác, phần nào chúng ta lại cảm nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi khắc khoải như đó là nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi khắc khoải của chính chúng ta. Trong việc cảm thụ văn học, cái hiểu và cái cảm gắn liền với nhau: người ta chỉ hiểu những gì mình cảm được.

Khi văn bản được chuyển hoá thành kinh nghiệm, ý nghĩa của bài thơ xuất hiện. Đây là một trong những lý do khiến tôi đi đến nhận định cho ý nghĩa của bài thơ là kết quả của sự tương tác giữa người đọc và bài thơ ấy. Nhưng đó là sự tương tác đầy tính chất bạo động. Ở đây có hai nạn nhân chính. Thứ nhất là người đọc, kẻ bị hình tượng và nhạc điệu trong thơ mê hoặc, dẫn dụ vào một thế giới khác, ở đó hắn sẽ biến thành một người khác. Thứ hai là tác giả: khi đã đi vào thế giới của thơ, người đọc quên mất tác giả, trở thành chủ nhân ông của cái thế giới ấy. Như thế, người đọc vừa là nạn nhân vừa là chủ nhân, cũng như tác giả, vừa là chủ nhân vừa là nạn nhân. Tính chất lưỡng cực này sẽ giải thích bản chất của hành động đọc và viết. Đọc vừa tiêu cực vừa tích cực, vừa thụ động vừa sáng tạo. Viết vừa là việc tự thể hiện mình vừa là việc tự hư vô hoá chính mình, vừa có mặt vừa vắng mặt.

Sự tương tác giữa người đọc và bài thơ có hai đặc điểm: tự phát và tạm thời. Nó diễn ra trong vô thức và nó sẽ biến mất trong thời gian. Đọc xong, người đọc lại trở về với chính mình. Bài thơ lại vẫn là bài thơ, một cõi không, một khoảng trống. Người đọc, cuối cùng, không thêm được gì vào bài thơ cả. Người đọc mãi mãi vô danh. Sự sáng tạo của hắn là sự sáng tạo đầy tính chất riêng tư và khá phù du. Lần sau, đọc lại bài thơ ấy, hắn lại khởi sự một cuộc du hành khác, có khi hoàn toàn bất ngờ.

***
Chú thích:
1. Mai Thảo, "Sổ tay tháng sáu", Văn (California), số 144 (7.1994), tr. 4.