Home Văn Học Khảo Luận Suy nghĩ về lòng yêu nước của người Việt Nam

Suy nghĩ về lòng yêu nước của người Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Hoài Nam   
Thứ Tư, 28 Tháng 9 Năm 2011 06:49

Trong suốt bốn ngàn năm lịch sử, đất nước chúng ta luôn luôn phải đương đầu với hiểm họa xăm lăng từ phía Bắc

  

Bản đồ Viêt Nam năm 1754

   Mặc dầu VN dành được độc lập sau 1000 năm bị đô hộ, nhưng hiểm họa Hán-hóa không bao giờ chấm dứt. Lần cuối cùng nước ta bị họ đô hộ là sau triều đại Hồ Quý Ly, kéo dài 13 năm từ năm 1414 đến năm 1427. Và bây giờ, một lần nữa sự tồn vong của đất nước đang bị đe dọa. Nếu bị mất nước lần này thì có lẽ sẽ không phải là 13 năm mà không biết đến bao giờ mới có thể dành lại được độc lập.

 Vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Trung công quyết định thành lập quận Tam Sa trong tỉnh Hải Nam vào ngày 2 tháng 12 năm 2007, bao gồm các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đưa ra "Đường Lưỡi Bò" mà họ cho là thuộc chủ quyền của Trung công. Kể từ đó nhiều ngư phủ VN đánh cá trên Biển Đông đã bị hải quân Trung công bắn chết, bị bắt và bị đối xử tồi tệ. Mới đây hai tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam là Bình Minh 2 và Viking II đã bị tàu của Trung công cắt đứt dây cáp ngay trong hải phận của Việt Nam và còn nhiều hành động khiêu khích khác. Điều này cho thấy rõ tham vọng của Trung công muốn chiếm trọn Biển Đông để từ đó bành trướng ra các vùng chung quanh.

Trung công có diện tích lớn hơn Hoa Kỳ và dân số đông hơn 4 lần, hiện đang là chủ nợ của thế giới, sức mạnh kinh tế chỉ sau có Hoa Kỳ và khoảng cách đó càng lúc càng ngắn lại. Từ ngàn xưa Trung công đã có tham vọng làm bá chủ thế giới và bây giờ là lúc thuận tiện nhất để thực hiện tham vọng đó. Gần đây nhiều bài viết trên báo chí Trung công, một cách trực tiếp hay gián tiếp đã đưa ra quan điểm là đã đến lúc cần phải phân chia lại ảnh hưởng trên thế giới, trong đó một phần của Thái Bình Dương phải thuộc về Trung công.

 Kém may mắn là đất nước của chúng ta nằm dưới Trung công và ở vị trí khá quan trọng trong vùng biển Thái Bình Dương, và đáng buồn là trong suốt một thời gian rất dài chúng ta đã không đầu tư trí tuệ để tìm ra một chiến lược hữu hiệu đối phó với tham vọng bành trước từ phương Bắc.

Hiện tại Trung công đang quyết tâm thực thi "Đường Lưỡi Bò" mặc dầu bị tất cả các nước chung quanh chống đối. Nếu theo sự phân chia này thì lãnh hải của Trung công sẽ kéo dài từ vùng biển phía bắc VN xuống tận Malaysia. Đây là vấn đề "sinh tử" đối với VN - chúng ta có biển mà trở thành gần như không, ta không chỉ mất quyền lợi về đánh cá, du lịch, dầu hỏa.... mà gần như sẽ bị cắt đứt giao thương với thế giới bên ngoài bằng đường biển. Về mặt chiến lược, nước ta bị bao vây hai mặt - phía bắc và phía đông.

 Trong thời gian qua đã có hàng ngàn bài viết trên báo chí và các diễn đàn internet trong và ngoài nước phân tích mọi phía cạnh về tình hình chính trị tại Việt Nam và hiểm họa của Trung công.

 Qua đó, một cách tổng quát chúng ta có thể thấy những quan điểm như sau:

 - Nếu muốn chống lại Trung công, trước hết phải lật đổ được chế độ CSVN

- VN phải trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ, vì chỉ có sức mạnh quân sự của Hòa Kỳ mới mong chống lại nổi Trung công. Và một khi đã là đồng minh của Hoa Kỳ thì VN bắt buộc phải từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản.

- Tranh đấu chủ quyền tại Biển Đông bằng giải pháp ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Liên Hiệp Quốc, trong đó có vấn đề làm vô hiệu hóa Thông hàm nhượng bộ của Phạm Văn Đồng ký với Trung công năm 1958.

- Vận động người dân trong nước xuống đường để làm một cách mạng giống như ở Trung Đông

- Kêu gọi sự thức tỉnh của đảng viên và thành phần đảng lãnh đạo CSVN

- Chờ đợi xuất hiện một Gorbachev, Yelsin ở Việt Nam

- Kêu gọi lòng yêu nước của người VN

- Có người bi quan cho rằng chúng ta đã mất nước rồi, Trung công chỉ chờ cơ hội thuận lợi để hợp thức hóa mà thôi.

- Có người còn đưa ra một giải pháp táo bạo là mong cho Trung công chiếm VN, bởi vì theo họ đây là cách duy nhất để lật đổ CSVN và sẽ làm sống lại lòng yêu nước của người Việt.

- Có người lạc quan cho rằng đất nước VN với lịch sử 4000 năm văn hiến, "anh hùng hào kiệt thời nào cũng có", hồn thiêng sông núi, lòng yêu nước của người Việt vẫn còn đó chỉ chờ cơ hội bộc phát. Chế độ cộng sản chắc chắn sẽ sụp đổ và ngày vinh quang của dân tộc sẽ không còn xa.

- vân vân và vân vân....

 Trong những điều nêu ra trên có một điểm mà mọi người đều thấy, đó là dù chưa mất nước hẳn đi chăng nữa, thì chỉ trong nửa thế kỷ qua dưới chế độ CSVN, chúng ta đã mất nhiều thứ vào tay Trung công. Chúng ta đã mất Ải Nam Quan, mất thác Bản Giốc, mất một phần đất dọc theo biên giới phía bắc và một phần của Vịnh Bắc Bộ, mất Hoàng Sa, mất Trường Sa... và có thể còn nhiều thứ nữa mà chúng ta chưa được biết. Đất nước VN đang đứng bên bờ vực thẳm.

 Trung côngcó cần dùng giải pháp quân sự để chiếm VN hay không?

Ngày nay muốn xâm lăng một xứ không nhất thiết phải dùng giải pháp quân sự mà có thể bằng kinh tế, văn hóa và chính trị. Và VN hiện đang bị Trung công khống chế về kinh tế, văn hóa và chính trị.

 Về kinh tế: Các hãng xưởng và công nhân Trung côngcó mặt trên khắp đất nước VN. Hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa của Trung công - vừa rẻ vừa tốt hơn. Làm sao VN có được những đặc khu kinh tế như Thẩm Quyến, Quảng Châu, Thượng Hải... để cạnh tranh thu hút nguồn đầu tư của ngoại quốc, chưa kể về mặt kỹ thuật VN thua xa Trung công.

Về văn hóa: Phim ảnh, TV, sách truyện, báo chí, thời trang... của Trung công tràn ngập xã hội VN. Chỉ riêng phim tập Trung công, phố biến đến độ mà có nhiều người ưu tư trong nước lên tiếng cảnh báo là phần lớn dân VN ngày nay thuộc lịch sử của Trung công hơn lịch sử VN. Trung công đang áp dụng chiến thuật "tầm ăn tơ", đến một lúc nào đó VN sẽ tự động trở thành một tỉnh của Tàu.

 Về chính trị: Sai lầm lớn nhất của đảng CSVN là đã để mất tinh thần độc lập. Người Trung Quốc ngày nay vào ra nước ta như chỗ không người. Mỗi khi xảy ra đại hội đảng CSVN, Trung công đều gởi qua Hà Nội một phái đoàn hùng hậu để chứng kiến cuộc bầu cử, coi như một hình thức để thừa nhận thành phần lãnh đạo mới. Sau đó tân Tổng Bí Thư đảng CSVN đều dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu không kém sang Bắc Kinh để ra mắt "Thiên Triều". Đó là những cái chúng ta có thể nhìn thấy được, còn những ảnh hưởng bí mật bên trong thì khó mà biết được.

 Mặc dầu ai cũng biết là muốn chống lại Trung công thì trước hết phải lật đổ được chế được CSVN. Nhưng lật đổ được chế độ CSVN là một bài toán nan giải, gần như không thể xảy ra trừ phi họ tự sụp đổ, khi mà người Việt trong nước cúi đầu cam chịu vì sợ hãi, còn người ở hải ngoại thì không thể ngồi lại với nhau. 

 Có thể có một cuộc "Cách Mạng Bông Lài" ở VN giống như ở Trung Đông hay không?

Vào cuối những thập niên 70 và 80, chúng ta hy vọng những Phong Trào Phục Quốc tại hải ngoại sẽ làm nên lịch sử. Cuối cùng chỉ phung phí tiền của, sinh mạng, làm mất thêm niền tin, tạo thêm chia rẽ, mặc dầu chúng ta không thể phủ nhận sự hy sinh của một số người thật sự vì lý tưởng. Vào cuối thấp niên 80 và đầu 90 chúng ta chờ đợi một cuộc cách mạnh xảy ra tại VN giống như các nước Đông Âu, gần đây chúng ta hy vọng có một cuộc “Cách Mạng Hoa Lài” như ở Trung Đông. Tất cả đã không xảy ra như ở Đông Âu hay Trung Đông. Tôi còn nhớ sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ Ben Ali ở Tunisia và Mubarak ở Ai Cập, một số người kêu gọi người Việt trong nước xuống đường theo gương người dân Tunisia và Ai Cập. Ngay sau đó hai ông Nguyễn Minh Cần ở Nga và Nhạc sĩ Tô Hải ở Việt Nam có viết bài phân tích tình hình chính trị, xã hội, dân tình Việt Nam chưa thể có một cuộc cách mạng như ở Trung Đông. Ngay sau đó hai ông này đã bị "đánh tơi tả" trên các diễn đàn. Thậm chí có người còn mang cả “background” cộng sản của họ để đặt nghi vấn. Điều đáng nói là hầu hết những người kêu gọi người dân trong nước xuống đường là những người đang sinh sống an toàn tại hải ngọai. Kêu gọi mà không cần biết xác suất thành công, những thiệt hại về sinh mạng, vật chất và những hậu quả lâu dài nếu thất bại, là một hành động vô trách nhiệm. Nên nhớ rằng chúng ta đang đương đầu với tập đoàn lãnh đạo CSVN, là loại người sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện tàn ác nhất, miễn sao duy trì được quyền lực.

 Chờ đợi người CS thức tỉnh hay chờ một Gorbachev, Yelsin VN xuất hiện?

 Kêu gọi sự thức tỉnh của đảng viên, công an, bộ đội trong nguồn máy cai trị trong nước là một việc cần thiết trong công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ hiện nay. Nhưng chờ đợi xuất hiện một Gorbachev, Yelsin tại Việt Nam, hay chờ đợi thành phần lãnh đạo CS thức tỉnh trả quyền lại cho dân – nếu xảy ra là một diễm phúc lớn nhất cho đất nước, những có thể nói đó chỉ là ảo tưởng. Chúng ta đã chờ đợi quá lâu và sẽ còn chờ đợi đến bao giờ?. Bản chất người Cộng sản, cộng với yếu tố lịch sử văn hóa của ta khó làm cho họ chịu hy sinh những quyền lợi đang có.

Trong những hoàn cảnh khó khăn, họ luôn luôn biết cách biến hóa để duy trì quyền lực. Những cách biến hóa đó đôi khi làm cho chúng ta lầm tưởng là họ đã phần nào thức tỉnh hay chịu nhượng bộ. Nhưng sự thật thì không phải như thế.

 Từ hơn nửa thế kỷ qua, dân tộc VN đã bị người CS gạt rất nhiều lần. Cũng vì nhẹ dạ mà một số người quốc gia đã tham gia vào Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến năm 1946, để rồi không lâu sau đó phải "bỏ của chạy lấy người". Chỉ vì tin vào chiêu bài yêu người, người dân nhiệt tình tham gia "9 Năm Kháng Chiến", hy sinh khoảng nửa triệu người và thiệt hại nặng nề về vật chất với chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, để rồi cuối cùng hình thành một chế độ tại miền Bắc còn tàn ác hơn cả dưới thời Pháp thuộc.

Tiếp theo đó họ phát động cuộc chiến dưới danh nghĩa "chống Mỹ cứu nước" với sự tiếp tay của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và nhiều thành phần trí thức miền Nam, đã biến đất nước VN trở thành bãi chiến trường khốc liệt, để rồi cuối cùng trở thành một trong những nước thống nhất nghèo khổ nhất thế giới và gây ra một sự sụp đổ toàn diện về phương diện tinh thần.

 Trong 36 năm qua, chính quyền CSVN chỉ sử dụng người Việt ở hải ngoại như một nguồn cung cấp ngoại tệ chính yếu và chưa bao giờ chứng tỏ có thiện chí muốn hòa giải với người Quốc Gia.

 Nêu ra những điểm trên không phải để gây thêm hận thù nhưng chỉ để cảnh giác là chúng ta không nên để cho người CS gạt thêm một lần nữa. Cụ Lý Đông A đã từng nói: "Chúng ta phải có cái tâm để không lường gạt người, nhưng cũng phải có cái trí để không bị người gạt."

 Lòng yêu nước của người Việt Nam?

 Việt Nam muốn thóat ra khỏi khỏi nanh vuốt Trung công cần phải có những bộ óc sáng suốt, những chiến lược khôn ngoan, sự đoàn kết của người dân, một chính quyền thật sự vì nước vì dân và nhiều yếu tố khác. Nhưng theo quan điểm của người viết, yếu tố quan trọng nhất là lòng yêu nước của dân tộc. Thiếu lòng yêu nước thì mọi cố gắng khác chỉ là làm phung phí thêm sức lực của dân tộc.

 Trước tình hình không mấy sáng sủa của đất nước hiện nay, một số người vẫn lạc quan cho rằng lòng yêu nước của người Việt rất cao, chỉ chờ cơ hội bộc phát. Có đúng là lòng yêu nước của người VN cao hay không? Ngay từ nhỏ chúng ta đã được giáo dục như vậy và nhiều năm tôi vẫn tin như thế. Nhưng càng khôn lớn, có dịp tiếp xúc nhiều hơn, quan sát thực tế rõ hơn, hiểu mình rõ hơn và có cơ hội đọc thêm về lịch sử và văn hóa VN, tôi bắt đầu nghi ngờ về lòng yêu nước của người Việt.

 Tại sao một dân tộc như dân tộc VN, có một quá trình lịch sử kéo dài hơn 4000 năm với những trang sử rất đáng tự hào, thế mà ngày nay trở thành một quốc gia nghèo khổ, bất công, một dân tộc điêu linh, phân hóa, bạc nhược... ? Nếu lòng yêu nước của dân tộc chúng ta cao thì chuyện đó không thể xảy ra.

 Đồng ý là chúng ta có những điểm son mà những dân tộc khác không có. Ngoài người Do Thái ra, ít có một dân tộc nào dành lại được độc lập sau gần 1000 năm mất nước. Chúng ta đã từng oai hùng đánh bại quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Hội Nghị Diên Hồng là một điểm son thể hiện tinh thần đoàn kết và ý chí tự chủ một cách mãnh liệt. Tổ tiên chúng ta cũng đã vượt qua mọi gian nan thử thách để mở mang bờ cõi trải dài đến mũi Cà Mau.

 Nhưng vì tự mãn với những hào quang trong quá khứ, cũng như không có cam đảm dám nhìn thẳng vào những khuyết điểm của mình để sửa chữa, khiến cho chúng ta trong nhiều năm sống trong ảo tưởng là đất nước chúng ta giàu mạnh, dân tộc chúng ta là một dân tộc yêu nước, anh hùng.

 Sai lầm đó một phần do trình độ dân trí, một phần do mưu đồ của người cầm quyền và người làm chính trị.

Trong hơn 200 năm qua chúng ta chưa bao giờ biết nuôi dưỡng, trân quý lòng yêu nước như là một di sản quý giá nhất của một dân tộc. Trái lại lòng yêu nước đã bị lợi dụng như một phương tiện để thực hiện những mưu đồ của một số người.

 Đừng nên đổ lỗi hết cho người CSVN. Cộng sản chỉ là sản phẩm của văn hóa VN. Đứng trước sự chọn lựa giữa Hồ Chí Minh và những người ái quốc có tinh thần dân tộc nhân bản như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… dân tộc VN đã chọn Hồ Chí Minh và những bi kịch của ngày hôm nay là giá phải trả cho sự chọn lựa đó.

 Sự chọn lựa đó không phải là một sự tình cờ. Tất cả chỉ vì văn hóa của chúng ta thiếu lành mạnh và chúng ta không có một quan niệm đứng đắn về lòng yêu nước. Lòng yêu nước sẽ không giúp ích gì, trái lại còn gây thêm tai họa khi lòng yêu nước xây dựng trên hận thù và bạo lực. Và đó là những gì mà người CSVN đã áp dụng hơn nửa thế kỷ qua, họ thành công chỉ vì biết khai thác tâm lý của người VN. Ngay từ đầu họ đã chủ trương “đấu tranh giai cấp”, đó là tiếng gọi của cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn”. Họ thành công vì được sự hậu thuẫn rộng rãi của quần chúng. Nhiều người ngụy biện rằng “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, nhưng thật sự chưa bao giờ có chuyện phương tiện xấu mà mang đến kết quả tốt.

 Lòng yêu nước!!

Lòng yêu nước không phải tự nhiên mà có, mà là quá trình tích lũy từ máu, mồ hôi và nước mắt của một dân tộc.

 Lòng yêu nước không thể được xây dựng bằng sự khoác lác của lời nói mà phải bằng những hành động cụ thể và những tấm gương thiết thực.

 Lòng yêu nước không phải chỉ do công sức của những anh hùng đánh nam dẹp bắc, gìn giữ non sông mà còn là sự đóng góp của những người làm giàu cho đất nước.

 Lòng yêu nước không phải chỉ phát xuất từ những tiếng reo mừng của chiến thắng mà còn phải từ những chiêm nghiệm của sự thất bại.

 Lòng yêu nước không phải chỉ phát xuất từ những chiến công hiển hách mà còn là những nghĩa cử hào hiệp mã thượng của người lãnh đạo.

 Lòng yêu nước không thể xây dựng trên sự hận thù mà phải xây dựng trên tinh thần nhân bản.

 Lòng yêu nước không nhất thiết là những việc làm to lớn vĩ đại mà là những việc bình thường trong đời sống hằng ngày, như nhà văn Peurzinger đã nói: "Yêu nước là học tập, là trung tín với bạn trăm năm, là giáo dục con cái về mọi mặt, là sống đàng hoàng, là nỗ lực làm việc, là dám hy sinh cho đất nước khi cần thiết."

 Lòng yêu nước của người Việt Nam xuống thấp từ lúc nào?

Khi nói lòng yêu của người Việt đang xuống rất thấp, không có nghĩa là tự hạ thấp mình, làm cho chúng ta sinh ra tự tin mặc cảm, nhưng người viết thiết nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải có cam đảm dám nhìn thẳng vào chính mình, biết rõ mình đang đứng tại đâu và cần phải làm những gì.

Nếu mỗi người trong chúng ta ý thức được rằng lòng yêu nước của dân tộc chúng ta không cao, niềm kiêu hãnh dân tộc không nhiều, thì chúng ta sẽ có một suy nghĩ khác về lòng yêu nước. Chúng ta sẽ biết trân trọng từng con người có tấm lòng, từng sự hy sinh, từng nghĩa cử cao quý... để xây dựng lại niềm tin và lòng tự trọng của dân tộc.

Thật sự thì lòng yêu nước của dân tộc không phải bây giờ mới xuống mà đã bắt đầu từ hơn 200 năm trước vì những sai lầm của các vua chúa nhà Nguyễn và những đổ vỡ liên tục của niềm tin từ đó đến nay.

 Đọc lại những trang sử cũ được viết lại khi người Pháp xăm lăng đất nước VN không khỏi làm cho chúng ta bùi ngùi xót xa tủi nhục.

 Việt Sử Toàn Khoa là cuốn sách sử được biên soạn công phu và đáng tin tưởng nhất trong những quyển sử của Việt Nam, trong đó tác giả Phạm Văn Sơn đã ghi lại thảm bại của quân ta tại miền bắc trước quân Pháp như sau:

“Để đánh thành Hà Nội lần thứ nhất ngày 15/10/1873, Pháp chỉ cần 170 quân dưới quyền chỉ huy của Đại úy Francis Garnier và đã chiếm thành Hà Nội chỉ sau vài giờ giao tranh, ông Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, cương quyết không chịu băng vết thương và nhịn đói mà chết. Lần thứ hai xảy ra vào ngày 25/4/1882 khi Đại tá Henri Riviere chỉ huy 2 tàu chiến cùng với gần 500 quân đã chiếm được thành Hà Nội một cách dễ dàng giống như lần trước, Tướng giữ thành Hoàng Diệu uất hận tự tử”. (Việt Sử Toàn Khoa, trang 650)

 Đó là thành Hà Nội, còn những nơi khác thì quân ta còn thua thê thảm hơn nữa. Việt Sử Toàn Khoa ghi lại: "Hautefeuille và 7 tên lính Pháp hạ được thành Ninh Bình và chỉ trong 20 ngày Pháp chiếm được 4 tỉnh Trung Châu Bắc Kỳ." Khiến cho sử gia họ Phạm đã phải viết ra những dòng chữ đầy tủi nhục: "Cái hào khí của con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo đánh Tống diệt Nguyên thảm bại đến thế là cùng...mà cũng vì đâu?" ”. (Việt Sử Toàn Khoa, trang 651)

 Vì đâu chúng ta có thể thua một cách nhục nhã như thế?

Trong quyển "Tổ Quốc Ăn Năn, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhận xét về thực trạng này như sau: "Vũ khí, kỹ thuật tổ chức, ngay cả số đông cũng không phải là tất cả. Chúng ta thua và thua rất nhục nhã, chỉ vì tinh thần dân tộc ta không còn nữa. Mỗi lần quân Pháp ra đánh Bắc Hà dân chúng kéo nhau "đi xem quân Tây và quân Nam đánh nhau" như những người bàng quan. Các vua nhà Nguyễn đã chỉ coi miền Bắc và miền Nam như những vùng đất xa xôi. Các chính sách hà khắc, giết hại công thần, cấm đạo đã làm tan vỡ hoàn toàn đồng thuận dân tộc. Nước Việt Nam vào giai đoạn đó chỉ còn là một hư cấu và vì thế đã mất hết sức tự vệ."

 Mặc dầu không thua dễ dàng như ở miền Bắc, nhưng ở miền Trung và miền Nam, người Pháp cũng chỉ gặp một sự kháng cự yếu ớt. Điều này cho thấy là lòng yêu nước của chúng ta đã suy sụp trước khi người Pháp đặt chân đến VN.

Ngoài lý do "Các chính sách hà khắc, giết hại công thần, cấm đạo đã làm tan vỡ hoàn toàn đồng thuận dân tộc" mà ông Nguyễn Gia Kiểng nêu ra, còn có 2 lý do quan trọng khác đã ảnh hưởng rất lớn đối lòng yêu nước của người VN trong giai đoạn này. Đó là ảnh hưởng của Nho Giáo và sự kỳ thị của nhà Nguyễn đối với người miền Bắc.

1/ Vua Gia Long lên nắm quyền mở đầu cho thời kỳ cực thịnh của Nho Giáo tại VN. Lý do nhà Nguyễn nâng đỡ Nho Giáo là vì đây là thứ văn hóa thuận lợi nhất cho chế độ độc tôn. Trong nhiều tai hại mà Nho Giáo mang lại cho đất nước, tai hại lớn nhất là chính nho giáo đã làm suy sụp lòng yêu nước của người VN. Nho giáo kêu gọi người ta tôn quân chớ không kêu gọi người ta yêu nước, cho nên cụ Phan Chu Trinh đã gọi “Văn hóa Nho Giáo là văn hóa vong quốc”. Tôi sẽ trình bày vấn đề này trong phần sau.

2/ Sự kỳ thị của nhà Nguyễn đối với người miền Bắc cũng là một yếu tố quan trọng khác đã đã làm suy yếu sức mạnh của dân tộc.

200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, không phải chỉ chia cắt trên phương diện địa lý mà còn làm chia cắt lòng người, giữa người Đàng Ngòai và người Đàng Trong. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1802, thay vì phải hàn gắn lại vết thương như người Mỹ đã làm sau cuộc nội chiến chấm dứt vào năm 1865, thì các vua chúa nhà Nguyễn đã làm cho sự chia cắt đó càng trầm trọng hơn. Hậu quả là một dân tộc phân hóa kéo dài đến tận hôm nay.

Đổ thừa cho người Pháp đã chia đất nước VN ra làm 3 kỳ để tạo sự chia rẽ giữa người ba miền mà không hòan tòan đúng. Người Pháp chỉ tiếp nối tinh thần của các vua nhà Nguyễn.

Đất Bắc là nôi văn hóa và là lò chính yếu đào tạo nhân tài kẻ sĩ cho cả nước, thế nhưng từ vua Gia Long cho đến Tự Đức luôn ưu đãi người miền Trung và người miền Nam hơn là người miền Bắc. Trong bài nghiên cứu khá công phu “Huế đối với trong Nam và ngòai Bắc” trong  quyển "Tùy Bút" của nhà văn Võ Phiến, ông đã nói về sự kỳ thị này, chỉ xin trích lại vài đoạn tiêu biểu:

"Triều đình Huế thiên vị về tình cảm đối với người Đàng Trong: thiên vị đối với cỏ cây (trái bòn bon, trái sa-kê v.v...), đối với hạng tôi tớ hầu hạ (bé gái Bình Thuận), đối với đàn ông trong những chuyện quốc gia, đại sự, đối với đàn bà trong chăn gối riêng tư v.v...

Thật sự, một số lớn các phi hậu triều Nguyễn được tuyển ở trong Nam, rất hiếm ở Bắc. Từ Vua Gia Long cho đến cháu chắt ông, cho tới vua Bảo Đại cuối triều Nguyễn cũng vẫn chọn bạn lòng ở tận trong Nam. Nơi đây có tỉnh như Gò Công có đến ba bà hoàng hậu....

Những khai quốc công thần đến với vua Gia Long trong buổi đầu toàn người Đàng Trong là sự tự nhiên; nhưng đến khi thống nhất sơn hà rồi nhà vua vẫn chỉ thực sư tin cậy ở Đàng Trong.

Tổng trấn Gia Định là người Đàng Trong, tổng trấn Bắc Hà cũng là người Đàng Trong.

Khi chọn thái tử để nối ngôi, Gia Long bàn bạc với các ông Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức, toàn người Đàng Trong.

Khi chọn người tài để phụ chính và dạy dỗ các hoàng tử, vua Minh Mạng chọn Trương Đăng Quế, ông cử nhân đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, mà không nghĩ đến những vị tiến sĩ dòng dõi mấy đời khoa bảng ở Đàng Ngoài."

Còn về khoa thi cử để tuyển chọn nhân tài thì sự kỳ thị đó lại càng rõ nét hơn.

Trong bài viết "NHỮNG ĐẶC ÂN CỦA TRIỀU NGUYỄN DÀNH CHO NHO SĨ MIỀN NAM hay là Những "kỳ thị" của nhà Nguyễn đối với sĩ phu miền Bắc", tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã viết như sau: "Về việc phân phối các trường thi hương trong toàn quốc thì miền Bắc vốn đất rộng, dân đông, xưa nay nổi tiếng văn học, sĩ tử nhiều, thế mà chỉ có 2 trường thi hương, trong khi miền Trung đất hẹp, dân ít, mới thiết lập mà có đến 4  trường, miền Nam khai thác chưa xong cũng có được 2 trường như miền Bắc. Về việc chấm bài thi: dưới đời Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, đã mở 27 khoa thi hội tại kinh đô Huế, lấy đậu hàng trăm người, mà trong số ấy, chỉ có 4 người Bắc phần mà thôi. Ngoài ra, sĩ tử Bắc hà thi hương đỗ được cử nhân, vào kinh đô Huế để thi hội, nhiều khi bài thi hay hơn mọi người mà vẫn bị dìm xuống. Như ở khoa Mậu Tuất đời Minh Mệnh (1838), Phạm Văn Nghị điểm cao nhất, nhưng bị xếp xuống dưới để cho Nguyễn Cửu Trường, là người tỉnh Thanh Hoá quê hương nhà Nguyễn, lên Đình Nguyên, đứng trên Phạm Văn Nghị là người miền Bắc".

Vào thời đó giới sĩ phu Bắc Hà rất căm phẫn Nhà Nguyễn vì chính sách kỳ thị của Triều đình Huế và đó cũng là lý do tại sao khi người Pháp tấn công Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, người dân đi xem như những kẻ bàng quan nhìn thế sự.