Nước ta có sử từ đời nào? Ai viết Việt sử trước tiên?
“Ðáp câu hỏi đó, trước giờ nhiều người vẫn cho rằng nước ta có sử từ đời Trần (1225-1258) và ông Lê Văn Hưu (1230-?) là người vâng mạng vua Trần Thái Tông (1225-1258) đầu tiên đứng biên soạn bộ “Ðại Việt Sử Ký.”
Bìa Tạp chí Tri Tân số 1, tháng 6, 1941, chủ bút Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, tờ báo chuyên về sử học và văn học sử xuất bản lần đầu cách đây vừa đúng 70 năm.
Nhưng thật ra, trước bộ “Ðại Việt Sử Ký” ấy, nước ta chắc cũng đã có những bản biên-niên (annales) ghi chép mọi việc đại yếu trong nước rồi. Chứng cớ? Thì từ đời Triệu Ðà (207-137 tr. JC) đã có chức nội sử. Trong bức thư của Triệu Ðà gửi cho Hán Văn Ðế có nói đến Nội Sử Phan. (1) Vậy Phan (chắc là họ), đó là một sử quan đời Triệu, không còn phải ngờ nữa.
Ðến đời Lý (1010-1224) đã có ít sách về loại Hiến Chương như “Ngọc Ðiệp,” “Hình Thư” v.v... thì nhà Lý chắc cũng đã có sử thần làm việc biên chép những sách ấy. Chẳng qua vì đời xưa sinh hoạt đơn giản, ít khi có những sự biến hằng xảy cần phải ghi chép, nên dầu có sử thần cầm bút nhưng trên trang “biên niên,” cũng chỉ lưa thưa ít nét, chứ lấy đâu được có những bộ sử dày dặn và to tát như đời sau.
Lại vì cuộc thế biến thiên “thẻ” cũ, “lá” xưa đã bị gặm mòn dưới “răng” thời gian và tản mác sau những cơn binh lửa nên, về sau, không thể biết rõ “sử” của bộ sử Phan ở đời Triệu và “Ngọc Ðiệp” (chừng là phả ký của hoàng gia) của đời Lý ra sao. Còn Lê Văn Hưu? Phải chăng ông là người làm sử đầu tiên ở đời Trần? Không phải! Trước ông đã có Trần Tấn.
Trong An Nam Chí Lược, quyển XV, tờ 6b, tác giả Lê Tắc chép: “Trần Tấn, được vua Trần Thái Tông (nguyên văn nói là Thái Vương) dùng làm Tả Tàng, rồi thăng lên chức Hàn Trưởng, có làm (tác) Việt Chí.” Cũng tờ sách trên, dưới việc Trần Tấn, Lê Tắc nói đến Lê Văn Hưu: “Lê Văn Hưu tu (sửa) Việt Chí.”
Xét thứ tự trong sách trên, ta thấy tác giả An Nam Chí Lược nói việc Trần Tấn trước, rồi đến việc Lê Văn Hưu sau. (Hai nhà sử thần ấy đều là người đồng thời với nhau, cùng sống dưới triều vua Trần Thái 1225-1258.) So sánh (tác) với (tu), ta thấy công việc Trần Tấn là khởi đầu làm ra; còn việc làm của Lê Văn Hưu là sửa sang vậy. Như thế, trước Văn Hưu, còn có Trần Tấn, một sử thần đời Trần, đã đứng làm Việt Chí, tức là Việt Sử rồi. Bộ sử do Lê Văn Hưu đứng làm đây, theo lời tựa của Ngô Sĩ Liên trong bộ “Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư” thì chỉ là công việc trùng tu (refonte). Khi làm bộ Ðại Việt Sử Ký ấy, sử thần Văn Hưu, một tay đa thủ bút đời Trần tìm nhặt tài liệu ở các sử cũ và trong mọi sách vở, biên thành 30 quyển: trên kể từ đời Triệu Vũ Ðế, dưới chép đến đời Lý Chiêu Hoàng (207 tr. JC-1224 s. JC) Mãi đến tháng 1 năm Trần Thánh Thiệu Long thứ 15 (tháng 2, 1272) bộ sử ấy của Nhân Uyên Hầu (tước của Lê Văn Hưu) mới nên trọn.
Sở dĩ Ngô Sĩ Liên gọi việc làm sử của Văn Hưu là “trùng tu,” có lẽ là vì trước đó đã có những bản “biên niên” cũ, thưa thớt lặt vặt, mỏng mảnh, sơ sài, chưa thể gọi được là sử, bấy giờ Văn Hưu mới thâu nhặt tài liệu trong những bản cũ ấy và tham khảo trong các sách vở, nhất là của Tầu mà làm thành một bộ sử đầy đủ, dày dặn, có đầu mối, có thứ tự, có lời bàn, tức là bộ “Ðại Việt Sử Ký” làm căn cứ cho các sử thần sau này đấy.
Vậy nay có thể kết luận: nước ta, từ đời Triệu Ðà đã có chức Nội Sử, đời Lý đã có những sách thuộc loại hiến chương; còn sử thì đến đời Trần Thái Tông đã có bộ Việt Chí mà nhà sử thần Trần Tấn chính là người lính tiên phong trong đội quân sử ký Nam Việt.
Tiếc rằng bộ Việt Chí do Trần Tấn làm đó không truyền, nên về sau người ta chỉ thấy có bộ “Ðại Việt Sử Ký” của Lê Văn Hưu, là người có công lớn với sử học giới Nam Việt.” (Hoa Bằng, Tạp chí Tri Tân) (2)
Tác giả Hoa Bằng, nguyên chủ bút tạp chí Tri Tân, là nhà văn, nhà nghiên cứu văn sử học nổi tiếng từ thời tiền chiến ở Hà Nội. Ông quê ở Hà Ðông, tự học làm nên, được tiếng là người uyên bác, yêu dân tộc, yêu đất nước, luôn luôn đặt ra những vấn đề thiết yếu, và tự mình tiên phong giải quyết bằng cách viết những bài trả lời với lòng tâm huyết, lời văn giản dị, minh bạch. Trước tác của ông được phổ biến rộng rãi trên những tờ báo uy tín hồi đầu thế kỷ trước như Thực Nghiệp, Trung Bắc Tân Văn, Tiểu thuyết Thứ Bảy, Thế Giới... Ông để lại nhiều sách giá trị, trong có Quốc Văn đời Tây Sơn, Trần Hưng Ðạo, dịch thuật Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Ðại Nam Thực Lục, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí... Về viết báo, ông để lại hàng trăm bài, cả về sử học lẫn văn học. Với câu hỏi ở đầu bài, ông đã trả lời ngay như trên. Nhưng câu hỏi và câu trả lời là dành cho loại sử biên niên, loại sách sử chính thống, nhà nước. Còn một cuốn quan trọng là An Nam Chí Lược của Lê Thục (quen gọi là Lê Trắc hay Lê Tắc, viết về đời Trần trở về trước) song vì Lê Thục chạy qua Tầu, ở Tầu, ăn bổng lộc Tầu, nên cuốn sách của ông tuy hay, mà thuộc loại ngoại hạng.
Còn một loại khác vô cùng quan trọng: Những cuốn sử dân gian, sử truyền khẩu sau được ghi chép lại, thoại sử, sử nhân sinh của dân tộc Việt, ta có những tác phẩm quan trọng nào? Về câu hỏi này, xưa nay chúng ta thường nghe nói đến những Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, Việt Ðiện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên, khoảng thế kỷ XIV, hai tác phẩm quan trọng và nhiều liên hệ; và sau đó là những Tang Thương Ngẫu Lục của Phạm Ðình Hổ, Nguyễn Án, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ, sau này có thêm Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính và một cuốn tuy thuộc đời Trần Hồ, nhưng ít thấy là Nam Ông Mộng Lục của Hồ Nguyên Trừng. Những cuốn sách này không thuộc qui ước phàm lệ bác học nào, phần lớn là truyện kể, giai thoại, song lại nói rất nhiều về lịch sử cổ đại của dân Việt.
Gần đây (1999), học giả Lê Mạnh Thát phổ biến một phát hiện quan trọng: có thể ngay từ Lĩnh Nam Trích Quái cũng là sách đã dựa vào một cuốn có trước nó: Thiền Uyển tập anh của Thiền sư Kim Sơn trong phái thiền Trúc Lâm. Thiền Uyển được viết trước cả Lĩnh Nam, đầu thế kỷ 14, và Tổ sư Kim Sơn có thể đã soạn Thiền Uyển theo lệnh của vua Trần Minh Tông vào năm 1337. Nhưng lịch sử thiền học Việt Nam quan trọng thế nào trong liên hệ với Việt sử? Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát viết: “Trong công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc ta, vấn đề khai thác những tư liệu phản ảnh quan điểm và lập trường đấu tranh của dân tộc là cần thiết,” nhất là trong “lĩnh vực nghiên cứu cổ sử và trung sử.” Và vì “chính sử ta thường chép rất sơ sài, thậm chí chép lại những gì do những ngòi bút thù địch với dân tộc viết ra... ca ngợi (cả) một tên xâm lược đầy tội ác đối với nước ta như Cao Biền. Trong số những tư liệu ấy, ta chỉ có vỏn vẹn ba tác phẩm đó là Việt Ðiện U Linh tập, Lĩnh Nam Trích Quái truyện và Thiền Uyển tập anh.” (3) Chưa bao giờ như lúc này, giới cầm bút trong nước không dám gọi tên sự vật đúng như tên của nó. Kết ước thi hành giải ngân và nợ đáo hạn trở thành “tôn trọng 16 chữ vàng.” Phiên quốc trình tấu công việc với thiên triều trở thành thảo luận song phương. Tầu hải tặc, tầu cướp biển thì các “ký giả truyền thông” nặc danh hóa là tầu lạ.
Việc tìm hiểu cội nguồn Việt tộc xem ra sẽ rất khó khăn cho các lớp trẻ sau này. Sự việc sẽ càng khó khăn hơn nếu họ không có các nguồn tài liệu từ hải ngoại; và các nguồn tài liệu còn nguyên vẹn (không bị sửa chữa bởi các viên chức có tên là “chịu trách nhiệm xuất bản” ghi nơi phía sau của mỗi cuốn sách xuất bản ở Việt Nam trong khoảng 50 năm nay.) Cho nên quan chức viết “chính sử,” mọi người yêu nước, người dân, cần phải viết sử lấy cho dân tộc: viết ngoại sử, sử dân gian, sử truyền khẩu. Khi mà kẻ ngoại xâm được đề cao trong chính sử, sử nhà nước, thì đó là lúc người dân viết lịch sử dân tộc, sử truyền khẩu, thoại sử. Chú thích: (1) Bức thư này có in trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư Ngoại Kỷ, quyển 2, tờ 3, 4. (2) Hoa Bằng tên khai sinh là Hoàng Thúc Trâm (1902-1977), người Hạ Yên Quyết, Hà Ðông, có bài đăng các báo từ thập niên '20 thế kỷ trước. Năm 1941 ông làm chủ bút Tạp chí Tri Tân, tờ báo chuyên về văn học sử, và sử học, qui tụ những cây bút uy tín nhất đương thời: Nguyễn Văn Tố, Ng. Thiệu Lâu, Trúc Khê, Dương Quảng Hàm, Ðào Duy Anh,... (3) Lê Mạnh Thát (1999) - Nghiên cứu về Thiền Uyển tập anh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Sài Gòn. |