Nụ Hồng Mùa Đông |
Tác Giả: Lưu Hồng Phúc |
Chúa Nhật, 23 Tháng 11 Năm 2008 09:02 |
Bầu trời mây xám bao trùm, ngoài khung cửa gió thổi từng cơn làm những cây Oak trước sân cũng ngã theo hướng gió. Trời sắp vào đông nhưng những bông hồng bên thềm vẫn nở, cùng nghiêng nghiêng trong một điệu múa như chào đón gió đông về. Mấy hôm nay nhiệt độ xuống thấp làm tôi cảm lạnh. Dù đã dùng nhiều thứ thuốc nhưng vẫn chưa thuyên giảm, tôi như chìm trong biển lạnh. Ngồi nhìn ra bên ngoài trờì đang đợi tuyết với những cánh hoa hồng đỏ thắm bỗng dưng tôi lại nhớ đến chị Hà, chị của Dung bạn học cùng lớp thời trung học với tôi với lòng cảm mến. Những cánh hoa hồng tươi thắm đẹp đẽ này sẽ chịu đựng được bao lâu khi trời đổ tuyết, cũng như chị Hà sẽ chịu đựng được bao lâu khi mỗi đông về.Tôi nhớ đến lời chị nói với tôi mấy tuần trước đây, khi tôi gọi thăm và chúc Lễ Tạ Ơn, chị than thở. - Ở đây buồn quá em à, mùa đông tuyết rơi trắng xóa ngập cả đường đi, ngồi trong nhà nhìn qua khung cửa sổ chỉ thấy toàn một màu trắng dày đặc. Đông đến nơi xứ người buồn, lạnh lẽo, cô đơn làm chị nhớ đến Việt Nam mình quá. Mùa đông của đời chị chắc đang đến rồi. Tôi vội nói vài lời như khuyên nhủ chị. - Sao chị không về thăm lại Việt Nam cho đỡ buồn vào những mùa đông, Các cháu khôn lớn cả rồi. Chị im lặng không trả lời nhưng tôi biết chị đang nghĩ gì vì đã nhiều lần chị nói với tôi về một quê hương nghèo nàn khốn khó. Quê hương Việt Nam ai mà chẳng nhớ chẳng thương. Nhưng dù có trở về cũng chẳng thấy thân quen. Phố phường xưa giờ đây đổi khác, chỉ thấy toàn là người xa lạ. Cách sống và những giao tiếp hằng ngày lạ lẫm. Ngay cả đến giọng nói cũng chẳng quen tai. Nhớ lại ngày nào liên lạc được với Dung và chị Hà do một người bạn cũ của chúng tôi đưa tin đến nay đã gần mười năm chẵn. Từ đó chúng tôi thường hay gọi thăm nhau, Dung kể cho tôi nghe rất nhiều về chị Hà và những đoạn đời chông gai chị đã đi qua. Tôi cũng thường trò chuyện với chị nhiều hơn, biết được thêm nhiều đoạn đường gian truân của chị.. Ngày ấy, sau tháng 4/1975 như mọi Sĩ Quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chồng chị Hà bị bắt đi tù cải tạo. Ở lại Sài Gòn với 4 đứa con thơ và đồng lương chết đói của một giáo viên, làm sao đủ sống để lo cho các con mà còn phải thăm nuôi người chồng tù tội. Tạm thời chính quyền mới lưu dụng chị để phô trương vở tuồng nhân đạo khoan hồng nhưng không ngày nào người ta không nhắc đến người chồng mang nợ máu với nhân dân của chị. Với thân hình gầy guộc ốm yếu chị phải đầu tắt mặt tối phần đi dạy học, phần lo buôn bán thêm để có đủ tiền mua gạo, mì, sắn cho các con đỡ đói. Chị Hà làm đủ mọi thứ nghề nặng nhọc, ngay cả đẩy xe, khuân vác ngoài giờ dạy học ở trường. Dung còn bảo với tôi nhiều hôm xếp hàng dài chờ mua thực phẩm của nhà nước phân chia, đến khi tới phiên chị thì đã hết thực phẩm không bán nữa, trong khi các con của chị đứa này đau, đứa kia ốm, và nhất là đói khát. Bạn bè trong xóm ai thấy cũng thương tâm và thay phiên giúp đỡ trông coi các cháu giúp cho trong khi chị đi làm hay đi buôn bán. Đó là những nghĩa cử đẹp của những người đồng cảnh ngộ. Có lúc Dung bực tức trong lòng nên thường cao giọng nói : chúng mình là những người ở trong một nhà tù lớn, phải tự kiếm sống, mà kiếm sống bằng cách nào khi bị giới hạn và kìm kẹp về mọi mặt, trong một đất nước tang thương, đói rách. Nhưng chị Hà thì chỉ cắn răng chịu đựng không hé răng than thở một lời nào. Thời thế đã tạo cho người đàn bà chân yếu tay mềm, ngày xưa chỉ sống dựa vào chồng nay trở thành người có ý chí và sức mạnh, vượt qua bao gian truân cùng khổ của cuộc đời. Nhưng nào chị đã yên thân vì từng ngày trong trường bọn cán bộ giáo dục dọa nạt, từng đêm bọn công an đọa đày sách nhiễu. - Ta phải làm gì bây giờ? Đó là những lời chị thường tự hỏi chính mình mỗi khi gặp những khó khăn nan giải. Rồi chị nghĩ đến chuyện bỏ nước ra đi sau bao năm lam lũ khổ cực nuôi con, nuôi tù, với biết bao nhiêu lần máu và nước mắt đã đổ ra. Nhưng vượt biển đâu phải là một chuyện dễ dàng như mua vé tàu thống nhất. Có biết bao nhiêu gian nguy gai góc đợi chờ. Tin tức về những con tàu không may chìm trong biển sóng được mọi người thì thầm bàn tán hàng ngày. Những xác người trôi nổi trên sông vì lằn đạn của bọn công an canh chừng cửa biển được kể lại từng đêm. Nhưng tất cả những điều đe dọa trên cũng không làm chị sờn lòng. Đôi khi chị nghĩ rằng thà mẹ con cùng chết trên biển Đông còn hơn chết dần mòn trong biển khổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ NghĩaViệt nam. Chị cương quyết nhủ lòng. - Ta phải ra đi. Ta phải dẫn con cái ta ra biển để tìm được tự do dù có ra sao đi nữa. Với ý chí cương quyết, chị Hà can đảm cầm thế nhà cửa, dành dụm, vay mượn anh em để đưa năm mẹ con tìm đường vượt biển. Thật là trời cao có mắt, đã ban cho chị Hà nhiều may mắn, nên chuyến đi thành công đến được bờ bến tự do. Nói sao cho đủ những niềm vui khi đặt chân lên mảnh đất tạm dung đầu tiên ấy. Chì quỳ trên bãi cát trong đêm mới đến, khi chiếc thuyền vượt biển mong manh tiến sát vào bờ, giữa đám người bản xứ vây quanh chào đón.. Nước mắt chảy dài trên má, chị khóc trong nỗi mừng vui và cảm tạ ơn trời. - Xin cảm ơn người đã cho con đến được bờ bến đầy những tình thương. Từ đây một chân trời mới lại mở ra trước mắt với bao nỗi lo lắng khác đang chờ đón mẹ con của chị, nhưng chị tin rằng những nỗi khó khãn này chỉ cần sự chăm chỉ và lòng kiên nhẫn chị sẽ vượt qua. Chị vững tâm dẫn đàn con bước tới trong những ngày đầu tiên đến Mỹ. Vốn liếng tiếng Anh trong những ngày dạy học ở Việt nam tạm đủ cho chị đi làm ngay để cho đàn con đi học. Nhưng kiếm được đồng tiền khi chẳng có một nghề chuyên môn nào trong tay thật không phải dễ dàng. Những ngày mùa đông mông mênh tuyết đổ, chị cắn răng xúc đống tuyết dày trước cửa để có đường đi đến sở. Những ngày hè nóng đổ trên vai chị vẫn ra đi. Các con chị đều ngoan và thấy được nỗi khổ cực của mẹ mình nên học hành chăm chỉ, không đua đòi cùng chúng bạn quần này áo nọ, luôn luôn giúp mẹ mỗi khi có dịp. Cần làm để kiếm thêm tiền cho các con ăn học nên chẳng ngại ngần những công việc khó khăn. Có lần một người bạn Mỹ đồng nghiệp trong sở hỏi chị khi thấy trên chiếc xe van cũ kỹ mà chị thường lái có chiếc máy cắt cỏ cũng cũ không kém chiếc xe. -Ô. Sao trong xe lại có máy cắt cỏ thế này. Ai cho bà đấy phải không. Chị bình thản trả lời. - Máy cắt cỏ của nhà tôi đấy chứ. Chốc nữa tan việc làm ở đây tôi sẽ đi cắt cỏ cho vài nhà chung quanh đây. Họ đã hẹn với tôi rồi. Người bạn ngạc nhiên gặng hỏi lại như chưa nghe rõ lời chị nói và không tin ở tai mình nghe.. -Bà đi cắt cỏ sau khi tan việc. Có thực như vậy không? Chị chỉ mỉm cười gật đầu thay câu trả lời. Chiếc xe van này cũ nhưng máy còn tốt lắm. Nó chưa bao giờ bắt chị phải đứng ở dọc đường. Chiếc xe thân thiết đã bao nhiêu lần chở năm mẹ con chị, không phải chỉ đi đến các siêu thị mua thức ăn mà còn đến những ngôi nhà cỏ cao, mỗi tháng một lần. Năm mẹ con cùng đi cắt cỏ. Mẹ đẩy máy cắt đi một lượt. Hai cô con gái lớn triêm những bụi cây và đường viền cho thẳng. Những đứa nhỏ hơn thì cầm chổi quét và hốt cỏ vào những bao để đố. Xong xuôi mọi người chui vào chiếc xe van cũ, chen chúc nhau quanh chiếc máy cắt cỏ đã mang thêm sự sống cho gia đình với những tiếng cười rộn rã niềm vui. Chị nhớ lại những lần giao bánh tới các căn nhà ở miền quê, xa thành phố. Lần mò mãi chị mới thấy đúng số căn nhà mình muốn tìm. Chủ nhân chưa mở cửa thì những đàn chó đã chạy ra vây quanh làm chị sợ muốn đứng tim. Cũng có những lần chị đã tìm đúng căn nhà nhưng chủ nhân nhìn thấy chị rồi từ chối. - Không, tôi không gọi mua bánh pizza bao giờ. Chị lấy lại bình tĩnh hỏi người khách một lần nữa vẫn nhận được những cái lắc đầu. Chị Hà đành lủi thủi ôm bánh mang về, vừa tiếc công vừa tiếc đoạn đường xa tốn nhiều xăng cho chiếc xe van. Nhưng về đến tiệm chị ngạc nhiên và cay đắng khi người manager cho chị hay rằng đã đưa người khác mang bánh đến đúng chỗ chị vừa đưa vì người khách không thích Chinese Lady đưa bánh. Nhưng dù vậy chị vẫn không bỏ việc làm vì phải kiếm thêm tiền chi phí và nghĩ rằng đó chỉ là số rất ít trong muôn triệu người Mỹ hiền lành và tốt bụng. Sau những năm tháng dài với biết bao nhiêu khổ cực để nuôi nấng và dạy dỗ, giờ đây các con chị Hà đã trưởng thành, học hành giỏi giang và thành công trên mọi lãnh vực về Y học và Khoa học. Những đóng góp của các con chị đã thay chị đền ơn đất nước đã cưu mang mẹ con chị, và cũng để cám ơn quê hương, tổ tiên Việt Nam cho các con chị mang trong người dòng máu Lạc Hồng để có người Mẹ hiền hy sinh cả cuộc đời mình cho các con. Ôi cao quý thay tấm lòng những người Mẹ Việt Nam. Tôi không biết đoạn đường lúc đầu của chị Hà thế nào? Nhưng có đến 4 người con, chắc chị cũng sống chật vật như những gia đình quân nhân khác. Đoạn đường giữa, chị phải khổ sở trăm điều cay đắng thay chồng nuôi con, nuôi tù, day dỗ các con nên người hữu dụng, đoạn đường còn lại của chị bây giờ là vui cùng các con, các cháu. Chỉ còn ít tuần nữa là Giáng Sinh và Năm Mới đến. Trong cái lạnh buốt của mùa Đông Bắc Mỹ, gia đình chị sẽ được sưởi ấm bằng những tiếng nói cười rộn ràng, những vòng tay ấm áp của các con, các cháu. Tất cả sẽ quay trở về nhà quây quần bên chị, chắc chị Hà sẽ thấy ấm lòng dù đang giữa mùa đông tuyết giá. Các con chị là những nụ hồng đang nở trong tuyết đông lạnh lẽo sẽ mang đến cho chị hơi ấm nồng nàn, thoang thoảng hương thơm. Đó là những viên thuốc bổ để tiếp sức cho chị vượt qua được những cô đơn buồn chán trong những mùa đông lạnh lẽo nơi xứ người. Tôi cũng muốn hái một bông hồng đang nở thắm trong vườn kia thân tặng chị Hà. Viết lên trang giấy này những lời chân thật tôi thương mến gửi đến chị một nụ hồng tươi thắm, nở rực trong tuyết lạnh mùa đông. Mong rằng chị sẽ vui với những gì đã cố gắng làm trong cuộc đời làm mẹ. |