Mấy hôm nay ngồi xem ti vi, nghe đài, báo tôi có cảm giác như có ai đó đang sát muối vào lòng. Nơi cơn bão đổ bộ, tàn phá là mảnh đất quê hương tôi, ở đó có ba mẹ tôi, các em tôi và hình bóng người bạn gái đang chờ tôi ngày trở về... Mưa, những cơn giông bão càng làm cho bầu trời Hà Nội mấy ngày nay như u uất hơn, công trường ngổn ngang bùn đất, đám thợ nằm còng queo chờ mưa tạnh, nhưng trời làm ra bão hay bão trong lòng tôi?
Em gái tôi điện ra, cuộc điện thoại giữa hai anh em tôi chưa đầy một phút, dù cố ghìm nén nhưng giọng nó vẫn nghẹn ngào, nhà tôi mất trắng năm sào lúa, đàn lợn trong chuồng cùng mấy mái gà mẹ nuôi chờ ngày lành tháng tốt lo đón nàng dâu thảo bỗng chốc chẳng còn nổi một mống. Mẹ tôi phát bệnh vì tiếc của, vì lo cuộc sống của gia đình tôi những ngày sau bão.
Chỉ chừng ấy thông tin từ phía quê nhà, nhưng nó là bức thông điệp xóa mọi nguồn hi vọng trong tôi. Tôi buồn mà không sao khóc nổi. Nước mắt của thằng đàn ông đặc sệt chất nông dân vốn đã chai sạn chốn thị thành giờ không còn nữa. Tôi đau đáu một quyết tâm phải trở về. Nhưng tôi sẽ mang gì về với vùng lũ, về với các em tôi. Một bàn tay trắng?.
Thời gian như một mụ già khó tính nhích từng li trên chiếc đồng hồ cáu bẩn treo trên chiếc cột được xem là chắc nhất trong lán. Chậm rãi, đến ngờ nghệch, những chiếc kim phút đang chống chọi với những giọt mưa thi nhau tí tách rơi xuống. Giờ này, ba mẹ, các em tôi đã có miếng gì cho vào bụng, liệu có nhận được gói mì tôm nào không? Những món ăn được bày bán ở những quán cơm vỉa hè đang thi nhau tỏa hương ngào ngạt. Chỉ 10 ngàn đồng/xuất ăn, tôi có thể thưởng thức vài mẩu thịt, miếng cá, những món ăn năm thì mười họa mới xuất hiện trên mâm cơm nhà tôi. Nhà tôi nghèo đến nỗi, hôm nào bữa cơm có miếng thịt, em tôi vui mừng khôn xiết, nó reo lên như đứa trẻ lên ba được mẹ cho quà: "Nhà mình hôm nay có giỗ hả mẹ?". Cơm thợ của tôi tuy ít thức ăn, nhưng nếu ở quê, số thức ăn trong suất cơm của tôi cũng đủ cho máy đứa em tôi một bữa cơm ra trò.
Cơm chiều, là thời khắc nhà tôi vui nhất, các em tôi nhặt rau, mẹ tôi vo gạo bên cái giếng khơi trong vắt, còn cha tôi, bao giờ cũng giành phần nhóm bếp. Mỗi khi khói lam chiều bốc lên, cũng là lúc tôi và người yêu trở về sau một ngày làm ruộng vất vả. Chúng tôi chia tay nhau bịn rịn nơi đầu ngõ, đến nỗi các bà, các chị bên hàng xóm láng giềng phải ganh tị, có người còn ước ao được quay trở lại thời tuổi trẻ của mình.
Quê tôi nghèo, từng nóc nhà cũng nghèo, tôi quyết theo đám bạn ra thành phố đặng tìm được một việc làm ổn định, kiếm tiền, giắt chút ít làm lưng vốn để trở về cưới vợ, sinh con như ba mẹ tôi muốn. Tôi chia tay người yêu trong không gian vương vấn khói lam chiều, mẹ bảo tôi ăn cơm rồi hãy đi, nhưng mấy đứa bạn giục cho kịp chuyến xe. Thế là tôi đi, những bờ xôi ruộng mật, đồng lúa đang thì con gái và cả người tôi yêu... tất cả đều không giữ được bước chân quyết ra đi của tôi.
Cơm chiều... bữa cơm sau cả tuần mưa bão, từng hạt cơm bở bục trong miệng vì được nấu bằng thứ gạo bị ngâm trong nước quá lâu, thức ăn mua vội trong khu chợ tạm còn ngập trong nước mưa, trong bùn, rác cũng đắng nghét trong họng. Tôi lùa cơm vào miệng mà trong lòng đắng đót, mong bắt gặp màu của khói lam chiều. Giữa phố phường Hà Nội không có khói, người ta nấu nướng giờ toàn bằng bếp ga, những cái bếp đắt tiền bằng cả tấn thóc ở quê tôi. Hồi mới lên thành phố, nhập vào đội quân chuyên đi thông cống, tôi đã từng được tận mắt thấy người thành phố nấu ăn trên những cái bếp đắt tiền ấy. Và tôi đã quên cả sĩ diện mà sờ nắn cái bếp ga âm, trong lòng thì hỉ hả như thể cái bếp ấy là của tôi không bằng. Tối ấy tôi đã viết thư kể cho người yêu tôi về cái bếp, cuối thư còn hứa tiết kiệm tiền để mua cái bếp giống y đúc nếu không cũng tương tự để người yêu tôi không còn bị khói rơm, khói rạ làm cho cay mắt.
|
Ninh Bình vỡ đê, hơn 10.000 nhà dân chìm trong biển nước. Ảnh chụp ngày 03/11/2008 0:24. Nguồn: Thông tấn xã Việt nam
|
Giờ thì bếp ga âm không có, gạo ở nhà cũng còn đâu mà nấu, nước lũ đã cướp đi 5 sào lúa, có nghĩa là cướp đi mồ hôi, nước mắt của cả gia đình tôi, cướp nốt niềm hi vọng của gã trai quê là tôi. Ngày tôi đi, lúa đang thì con gái, mẹ bảo "đi vài tháng rồi về con nhé". Thế mà trời đất nỡ phụ công tôi, phụ công ba mẹ tôi và các em tôi. Cả 10.000 người dân quê tôi bỗng chốc thành tay trắng. Hàng ngàn hộ dân có làm mà chẳng có ăn.
Ra Hà Nội chưa đầy hai tháng, tôi về quê sao được?
Nằm giữa lán chờ trời tạnh, mưa, nước rút, tôi bồi hồi nhớ lại, mỗi lần bão đổ bộ về, để lại quê tôi cả làng ngập úng. Khi nước rút, khắp trên các cánh đồng làng quê tôi chỉ còn là những thửa ruộng thóc đã lên mộng, cây cối xác xơ èo uột, và nghìn vạn, triệu con người... tất cả đều đã kiệt sức, duy chỉ có đôi mắt vẫn ánh lên những nét cương nghị? Là vùng rốn lũ, năm nào chúng tôi cũng được cảnh báo về những tai hoạ của bão lũ, những cơn bão số 5, số 7 nằm ngoài sự dự tính cuả người dân. Nó liên tục mạnh lên và hoành hành dữ dội, quần nát những vùng đất nó đi qua. Chưa bao giờ tôi thấy thương người dân quê tôi như lúc này. Thương bao nhiêu, tôi lại thấy ân hận bấy nhiêu. Tôi - Thằng trai đặc sệt chất nhà quê đã có lần coi nhẹ công tác hộ đê, tôi đã từng rủ người yêu trốn, không đi lao động dân công, rồi lại cười khi người thành phố đóng tiền quỹ bão lụt. Tôi bảo họ thừa tiền và lo bò trắng răng. Giờ thì tôi đã hiểu, đê vỡ, lụt lội có phần trách nhiệm của tôi, của lãnh đạo xã, và cao hơn cả là của lãnh đạo địa phương, trung ương. Những kẻ đã vay tiền tỉ của các ngân hàng quốc tế để bỏ vào túi họ, như người dân thành phố Hà Nội - nơi tôi vừa kịp đến, vẫn nói: Tiền chùa vào túi lãnh đạo nhiều như nước sông Đà, còn tiền dành cho việc chống tắc cống, hộ đê, ngập đường chỉ ri rỉ như cà phê phin... nên kết quả đã nhỡn tiền như thế này, mưa vài giờ là ngập, vài ngày là lụt, úng, vỡ đê... nước dâng ngập tận mái, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, cả 10.000 dân trong các xóm thôn tê liệt, chết tắc. Gia đình tôi thiệt hại nặng nề về kinh tế, còn gia đình bạn gái tôi nữa, sao không thấy tin tức gì?
Hôm nay trời đã hết mưa, đâu đâu tôi cũng nghe người ta bàn tán về những thiệt hại do bão lũ gây ra. Những đứa con xa quê như chúng tôi đều thắt lại khi nghe nhắc đến tên những vùng đất bị nước lũ làm cho cô lập với bên ngoài, công trình Cửa Đạt chưa được bàn giao đã bị vỡ, thiệt hại về người và của lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trời làm ra thiên tai, nhưng lòng người cũng đang tơi tả. Mỗi đầu người hai gói mì tôm, là những "cố gắng" của các cấp chính quyền được đưa tới với người dân. Nhưng ngồi trên nóc nhà sao có thể tìm được ra lửa, nước sạch đâu mà nấu được lên ăn?
Dù trốn lao động, nhưng thóc dân công thủy lợi, năm nào người dân quê tôi cũng đóng góp đủ, tuy chậm nhưng chẳng thiếu một cân. Vậy mà đê vẫn vỡ, lụt vẫn hoàn lụt? Trời ơi...
Đứng trên giàn giáo, ngóng về phía quê, nhẩm tính tháng lương tôi sẽ nhận được. Trừ tiền ăn, tôi có được 500 ngàn đồng, nếu ở nhà hẳn tôi đã cảm thấy mình giàu có lắm. Nhưng ở chốn thị thành, làm quen với nhịp sống ở đây, tôi thấy sao nó ít ỏi đến thảm hại. 500 ngàn được đúng nửa tạ gạo. Với ba mẹ và các em tôi, nửa tạ gạo lúc này đã là giấc mơ từ trên trời rơi xuống. Vậy mà 500 ngàn ở đây không bằng một bữa nhậu của cai thầu công trình và nó không bằng một cái áo cô bồ của anh đang mặc.
Người Hà Nội kiếm tiền và tiêu tiền hồn nhiên đến chóng mặt. Họ ăn, họ mặc bằng người nông dân quê tôi chăm chỉ cả năm, đến như bọn trẻ con trạc tuổi em tôi cũng có đủ mọi thứ, nào xe ô tô chạy bằng ắc quy, máy vi tính, có đứa mải chơi bỏ học, lại có đứa cứ suốt ngày dán mắt vào màn hình vi tính cận đến lòi cả mắt ra, đeo kính mà mắt kính dày như hai cái đít chai, trông đến là buồn cười.
Nhưng dù buồn cười, tôi vẫn phải gật đầu thán phục sự đầy đủ mà chúng đang chiếm giữ, bọn trẻ con quê tôi có nằm mơ gặp ông bụt cũng không dám xin bụt cho cuộc sống đầy đủ như đám trẻ thành phố. Mà có gặp được ông Bụt thật thì chúng có biết bọn trẻ trên phố sống ra sao đâu để mà ước những thứ chúng chưa từng gặp một lần trong đời?
Nằm xem những đứa trẻ quê qua màn hình ti vi, tôi thấy chúng thật tội, chúng rửa bùn đất bám trên sách vở bằng chính thứ nước bùn đất vừa phủ lên sách vở của chúng. Người lớn nhìn quay đi lau nước mắt, ở thành phố còn nghỉ học cả tuần thì ở thôn quê hẻo lánh, đói khát, sự học chưa biết đến khi nào mới trở lại?
Sự sung sướng của trẻ con thành phố chẳng thể san sẻ chút nào cho bọn trẻ quê tôi. Có lẽ bố mẹ chúng giỏi, có đầu óc biết kiếm tiền?... Nhưng ai bảo người dân quê tôi không giỏi, không có đầu óc kiếm tiền. Song vì sao chúng tôi vẫn nghèo? Vẫn khổ, cái nghèo khổ hèn kém cứ theo đuổi chúng tôi hết đời, mãn kiếp?
Có biết bao mô hình làm ăn kinh tế được triển khai. Người dân quê tôi cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển trang trại. Nhưng hình như cái nghèo như cái duyên trời định cứ đeo bám triền miên. Ao cá sắp đến vụ thu, gặp bão lũ thành ra mất trắng. Những thửa ruộng cấy giống tăng sản trở thành thóc mộng, người không thể ăn mà chỉ dành cho chăn nuôi, nhưng con giống cũng bị nước cuốn trôi cả.
Cái đói là điều nhỡn tiền đang xảy ra tại quê tôi. Nhưng tôi không thể làm gì khác để có thể có được số tiền nhiều hơn 500 ngàn đồng hiện có. Số tiền trả hàng tháng mà tôi phải lao động kiệt lực mới có được. Tôi không phải thợ cả, không phải thợ trôn bê tông, tôi chỉ làm công việc khuân vác, đám thợ cùng làm nói, lương tôi thế đã là cao lắm. Ngày cả đám thợ mới nhận công trình này có đứa lương chỉ được trả có 700 - 800 ngàn đồng (không chỗ ăn, chỗ nghỉ). So với đám thợ mới vào, lương tôi được khoảng 1 triệu, chứng tỏ tôi đã gặp may nhiều hơn chúng. Giá số tiền tôi có được bằng một nửa bữa ăn đổ trần của gia chủ thì tốt biết mấy?
Bão đã tan... nhưng trong lòng tôi vẫn đang còn y nguyên một cơn bão với một sức mạnh ghê gớm. Gia đình, người yêu tôi đang phải vật lộn với những khó khăn sau bão.
Tôi hỏi vay tiền đám thợ, đánh bạo vay cả anh cai thầu, tôi mong tôi gửi về quê một số tiền kha khá hơn tôi đang có. Tôi sẽ gửi về cho mẹ phần nhiều, còn một khoản cho người yêu. Nhưng cai thầu không cho tôi tạm ứng, anh ta nói thuê chúng tôi là người lao động tự do, chẳng có gì làm bằng để tin tưởng, lỡ cho tôi ứng tiền rồi, tôi "bùng" về quê thì anh ta bắt vạ ai?
Tiền công của đám thợ như tôi không nhiều, phần lớn chúng tôi đều có một hậu phương túng bấn phía sau nên không ai có thể cho tôi vay quá 200 ngàn đồng. Dẫu tiền vay được chẳng mấy dễ dàng, song tôi vẫn mừng vì có được 1 triệu đồng gửi về quê.
Tôi hình dung nét mặt rạng rỡ khi ra ngân hàng lĩnh tiền của mẹ, và niềm kiêu hãnh hiện trên nét mặt của người yêu tôi. Chưa bao giờ tôi thấy thấm thía câu nói "Một miếng khi đói bằng cả gói khi no" như lúc này.
Tôi muốn trở về bên mẹ, bên người yêu tôi để được chung vai sẻ bớt nỗi khó khăn với quê hương mình trong ngày lũ. Nhưng tôi còn nghĩa vụ khác - tôi là nguồn hi vọng của ít nhất hai gia đình lúc này... Tôi sẽ cố gắng, nhất định tôi sẽ phải thắng cơn bão trong lòng tôi, nếu không, mẹ và người yêu tôi còn thất vọng cay đắng hơn cả khi sống trong lòng bão
Responses to "Bão trong lòng tôi"
1.
Bảo trong lòng cuồng phong sấm sét,
Xua mây đen càn quét bọ sâu.
Ươm mầm gieo luỵ song mâu,
Thiên Đường mộng ảo phá cầu sông Ngân.
Dấu hận thù khắc thân thể mẹ,
Vết thương lòng cắt xé tim cha.
Lợi danh đồng loại đạp chà,
Tà gian học thói âm ma lộng hành.
2.
Bảo trong lòng tương tranh tự huỷ,
Khí kiêu căng tường luỷ chất chồng.
Hận thù thù hận bòng bong,
Trường Sơn xương trắng được công cán gì?
Nọ tham quan kể chi đất nước,
Kià dân hiền nào được mở lời.
Ma hành quỷ lộng khắp nơi,
Xóm làng xơ xác tơi bời ruộng nương.
3.
Bảo trong lòng khắp phương cuồn cuộn,
Cánh Lạc Hồng những muốn cao bay.
Sao kia phải cảnh đợ trai,
Bán thân phận gái khoe bày trớ trêu.
Nết quen thói yêu đào hồ mị,
Tô môi hồng kiều mỹ chào hàng.
Được thời bổ dọc nghing ngang,
Thất cơ lở vận kiếm đàng xa bay.
4.
Bảo trong lòng tỉnh say say tỉnh,
Ca thịnh suy suy thịnh cơ huyền.
Lắm trò góp nhặt cuả tiền,
Gà cồ ăn bẩn nên ghiền cối xoay.
Rồi cũng phải xui tay nhắm mắt,
Tiếng anh hùng thẹn mặt tham ô.
Vết nhơ lịch sử ố hồ,
Bao nhiêu công ấy thành đồ bỏ đi.
5.
Bảo trong lòng sầu bi đoạn đoạn,
Ải Nam Quan thoang thoảng bóng mờ.
Kìa kià Bản Giốc trơ trơ,
Thác reo tợ sấm bện tơ tạc lòng.
Sóng Hoàng Sa ngóng trông bóng nhạn,
Vọng Trường Sa hùng tráng gọi lời.
Đằng Giang gầm chuyển ngàn khơi,
Diên Hồng rền dậy một lời sắt son.
6.
Bảo trong lòng héo hon phòng vắng,
Cưạ trở mình sao chẳng sáng ra.
Tiếng than cùng khắp xót xa,
Ruộng vườn tan nát ai mà cảm thương.
Sao quen thói bít đường dư luận,
Dân ngu hiền thuần thuận đáng thương.
Mắt hùm miệng sói phô trương,
Thương người tay trắng khó phương vẫy vùng.
7.
Bảo trong lòng trùng trùng oan nghiệt,
Có còn chăng khí tiết thưở xưa ?
"Ngàn năm Bắc địch dày bưà,
Mà còn đứng dậy tống đưa quân thù.".
Vết phân hoá khắc sâu chưa đủ,
Khoét vào thêm giấc ngủ muội mê.
Rả rời tan tác ê chề,
Rồng Tiên Hồng Lạc cam bề luỵ sao ???!!!
8.
Bảo trong lòng nấc cao trổi sáo,
Gọi hồn người cởi tháo oán thù.
Việt Nam khắc tạc muôn thu,
Phong Trào Dân Chủ trợ phù góp tay.
Nam Trung Bắc miệt mài tìm lối,
Kết trong ngoài một mối chuyển xoay.
Trượng phu chí cả râu mày,
Lạc Hồng nung chí tỏ tài Rồng Tiên.
Thiều phong trổi vọng ba miền.
Xin trân trọng. |