Định cúi xuống trên cây đàn dương cầm đặt ở giữa phòng. Chàng định ngồi vào và đàn một bản nhạc, Beau Danube Bleu hoặc Serenade chẳng hạn. Nhưng con chim trong chiếc đồng hồ treo tường bỗng chui ra, “cúc cu! cúc cu!” vài tiếng báo giờ, nhắc chàng nhớ đến giờ này đã khuya mà Phượng-Mai chưa về. Một chút bận tâm thoáng qua, nhưng rồi Định bình tâm lại. Chàng tự nói với chàng:
“Cô ấy vẫn thường đi sớm về khuya như vậy. Có sao đâu. Vả lại...” Định chép miệng khi biết rằng chàng đã xem Phượng-Mai như thế nào trong mái gia đình nhỏ bé của chàng. Phượng-Mai là một người vợ? “Ồ, không! Không bao giờ. Chưa bao giờ chàng coi Phượng-Mai như một người vợ.” Vì nếu vợ, nghĩa là một người đã sống chung với chàng, đã qua đêm với chàng, ít nhiều cũng cho chàng những lạc thú vợ chồng, thì Phượng-Mai có thể đã là vợ chàng. Nhưng nếu vợ là người tâm đồng ý hợp với chàng, thì chưa bao giờ chàng xem Phượng-Mai là vợ chàng. Bởi vì về suy nghĩ, về trình độ và về nhân sinh quan, Phượng-Mai xa cách chàng cả một đai dương trí tuệ. Phượng-Mai là một người bạn gái? “Chưa, chưa bao giờ, vì cô ấy đi suốt ngày, với cõi văn thơ và với bè bạn.” Phượng-Mai là một quản gia? “Chưa đúng. Cô ấy có coi sóc gì đến việc nhà đâu.” Phượng-Mai là một người giúp việc? “Chưa hẳn. Vì người giúp việc thì tối tối, không thể chung giường với ông chủ được, cho dẫu là nằm quay lưng lại với nhau!” Thế thì Phượng-Mai liên hệ thế nào trong đời sống của chàng nhỉ? Ồ, Định kêu lên kinh ngạc khi ba chữ “người thuê phòng” vừa xẹt qua trong trí chàng và trụ yên tại đó, không chịu hoán chuyển, xê dịch đi đâu nữa. Phải rồi. Phượng-Mai chỉ là một người thuê phòng – “share” phòng - trong ngôi nhà năm phòng rộng mênh mông của chàng, mà hình ảnh người vợ đã khuất không bao giờ phai nhạt trong ký ức của chàng. Một chút buồn thoáng qua, nhưng rồi Định mau chóng quên đi. Chàng quay trở lại ý nghĩ ban đầu. Ngồi vào đàn và chàng say sưa đàn bài Come Back To Sorrento. Tiếng đàn nhịp nhàng và mười ngón tay dồn dập đuổi nhau trên phím đàn. Tiếng nhạc êm dịu, vui tươi, xua tan những ý nghĩ u ám trong đầu Định, những ý nghĩ không tốt về Phượng-Mai, về đời sống phóng túng, quá tự do của nàng. Phóng túng và tự do đến nỗi nhiều khi chàng tưởng nàng là một con thú hoang, chưa bao giờ được thuần dưỡng, giống như khi nàng chưa chung sống với chàng, còn lang bang, vô định, nay chỗ này mai chỗ kia với mẹ cùng em gái. Con chim lại chui ra khỏi chiếc đồng hồ và kêu “cúc cu! cúc cu!” báo giờ. Lại một tiếng đồng hồ lạnh lùng trôi qua. Phượng-Mai vẫn chưa về. Chàng định đi ngủ, vì đã coi nàng là “người thuê phòng”, thì chờ đợi làm gì cho hoài công nữa nhỉ? Định đi qua phòng nàng để về phòng chàng. Cửa phòng nàng mở rộng. Chàng bước hẳn vào. Màn hình máy computer của nàng sáng xanh và những dòng e-mail của nàng mở ngỏ như mời gọi. “Nàng quên tắt e-mail?” Một thoáng tò mò, một chút nghịch ngợm, chàng tiến đến bên bàn giấy và đưa tay đẩy “con chuột” cho những hàng chữ chạy lên, chạy lên. Nhưng chỉ vài phút sau, chàng ngưng công việc lục soát kém lương thiện này. Tia nhìn của chàng đảo quanh khu vực làm việc của nàng. Khá bề bộn vì có quá nhiều thứ được để trên mặt bàn. Mắt chàng dừng lại ở một xấp giấy in đặt bên cạnh bàn, trên tất cả những giấy tờ khác, ngay phía tay phải của màn hình. Không phải giấy tờ của văn phòng bảo hiểm của nàng. Chàng thoáng nhíu mày suy nghĩ. Rõ ràng hoàn cảnh bắt chàng phải chú ý đến những hoạt động riêng tư của nàng. Chàng cầm xấp giấy trên tay, ngập ngừng nửa muốn đọc những e-mail in ra trên đó, nửa muốn trả nó về chỗ cũ. Nhưng dòng chữ đầu tiên đập vào mắt chàng, gây sự tò mò. “Thư nàng viết cho ai đó, được nàng in để lưu lại?” Chàng cầm xấp thư, trở về phòng riêng, kéo ghế ngồi xuống và chậm rãi đọc: “Hãn yêu quý, Hãn ơi, em nhớ anh. Em tha thiết và năn nỉ mời anh đi uống cà-phê. Cà-phê đối với em là vô vàn kỷ niệm để em tưởng nhớ về một thói quen của anh, anh biết không? Em đang cố gắng quên anh đây. Biết bao giờ mới được gặp lại nhau, cho vơi nhung nhớ, cho sầu thương biến mất đi? Đêm nay, bên cửa sổ, ánh trăng thật sáng, với bầu trời thật trong, em nhớ anh vô cùng. Em đã rời xa thành phố có anh. Thế là chúng ta đã cách xa ngàn trùng! Từ nay em sống trong cõi bơ vơ “bên cạnh chồng nghiêm, luống tuổi rồi” như thi sĩ TTKH đã ai oán kêu thương. Em cô đơn bốn phía, chung quanh là không gian hững hờ... Anh ở nơi xa xôi đó, có bâng khuâng, xao xuyến nhớ em không? Chắc là không, phải không anh?” Định nhíu mày. Phượng-Mai biết uống cà-phê? Từ bao giờ? Sao lại tha thiết mời người tình đi uống cà-phê? Nàng chê chàng là “chồng nghiêm, luống tuổi”. Quả thật với nàng, chàng luống tuổi, vì hơn nàng nhiều tuổi, hai người đến với nhau do sự sắp đặt của mẹ nàng để trừ một món nợ tinh thần. “Chồng nghiêm”, vì Định đã từng tử biệt ở cuộc hôn nhân thứ nhất, người vợ đầu yêu dấu đã bỏ chàng, mà đi về cõi vĩnh hằng. Với Phượng-Mai là cuộc hôn nhân thứ hai của chàng. Cuộc hôn nhân không do tình yêu. Chỉ là một sự sắp xếp lại cuộc đời vừa bị tan nát và rối tung bởi sự ra đi của người vợ yêu quý. Định chắp nối với nàng, cùng lúc chàng đã đến với Phật Pháp nhiệm mầu. Thật là vô lý khi Phượng-Mai trách chàng. Mẹ nàng đã từng tả oán về nàng: “Con Phượng-Mai tuổi Dần, thật khó lấy chồng. Bác lo cho nó, nhất là nó đã qua một lần dang dở. Nếu “anh” không thương tưởng đến gia đình bác, chắc Phượng-Mai đành ở vậy để lo cho tuổi già của bác mất thôi.” Thôi, nàng muốn nói, muốn viết gì cũng được. Chàng không buồn, cũng chẳng giận. Cho dẫu nàng đã yêu thương một người khác, cho dẫu nàng đang giả lả nói rằng nàng muốn quên người đó. Đối với chàng, mọi sự đều trở nên vô thường như những lời giảng dạy trong những cuốn Kinh Phật trên tủ cao kia. Cuộc đời có đấy, mất đấy, ngay cả bản thân chàng. Sau một đêm không thức dậy, vì trái tim không chịu đập nữa, vì một cơ quan nào đó trong cơ thể trục trặc, không chịu làm việc. Thế là xong. Thế là hết. Có gì để băn khoăn. Có gì để nuối tiếc. Tài sản? Vô nghĩa. Danh vọng? Cũng vô nghĩa. Vợ con? Lại càng vô nghĩa hơn. Định thản nhiên lật tờ thư khác và đọc tiếp: “Hãn yêu quý, Tháng ngày dài chồng chất, nỗi nhớ thương anh cứ tràn lên. Em muốn ấn xuống, muốn nhận chìm, nhưng đành bất lực. Từng đêm em thao thức, tại sao trời chẳng cho em một giấc ngủ yên? Hồn phiêu du bến mộng, em cúi nhìn thân phận đã long đong trọn cuộc đời bất hạnh của em. Hãn ơi! Em nhớ anh thật nhiều. Mong được thấy anh, dù chỉ là trong mộng. Bên cạnh em, Định đang say sưa trong giấc ngủ, anh ấy ngáy như người cưa gỗ trong rừng già.” Định bật cười. Quả thật chàng phải là người đàn ông bằng thép nên mới nở nụ cười lạnh lùng, khô khốc khi nghe Phượng-Mai khắc nghiệt phê phán chàng, gọi chàng là “người cưa gỗ trong rừng già?” Phượng-Mai nói cũng có lý và ví von thật hay. Ước gì khi về bên kia thế giới, chàng được làm người cưa gỗ trên non Bồng, hay người gánh nước trên cõi Nhược. Định bình thản đọc tờ thư tiếp theo: “Hãn thân yêu, Quanh em, bao nhiêu vết tích của một thuở một đời yêu anh. Trong tâm trí em, dấu yêu đã khắc sâu kỷ niệm với anh qua những con đường, những góc phố, cho dẫu khu phố ngày xưa đã tan theo dòng đổi mới của đô thị đông đúc, nhưng vẫn còn đó dấu tích của một thuở em trao yêu. Những kỷ niệm đầu đời... Những lời tâm sự chơi vơi... Những giọt nước mắt của một quãng đời truân chuyên để anh phải thương cảm. Cây thông già bên quán nước... Con chim nhỏ đơn côi làm chứng cho tình em yêu anh. Yêu thương chẳng hề phai nhạt trong em, nên yêu dấu đời đời với cuộc hóa thân huyền diệu, không gian và thời gian không làm yêu dấu tan theo nỗi thương nhớ ngút ngàn về anh...” Định mỉm cười, nụ cười của một vị Bồ Tát, của Di Lặc Tôn Phật. Cái cười không nói lên một điều gì cả, mà chỉ là sự vô tâm trước cuộc đời biến chuyển khôn lường. Khi vĩnh biệt cuộc đời, ai mang theo được gì không? Chỉ nhắm mắt xuôi tay. Ngày xưa, có người giầu có vô cùng, sống trên tiền rừng bạc biển. Trước phút lâm chung, đã căn dặn người nhà rằng phải khâm liệm ông trong một áo quan bình thường, không đắt tiền, nhưng với một yêu cầu duy nhất: hai bên áo quan có đục hai ô vuông để hai bàn tay ông ngửa lên và thò ra ngoài. Để làm gì? Theo ý nguyện của ông là để cho người đời thấy rằng: giầu có tột đỉnh như ông, cuối cùng rồi cũng phải chết. Nhưng khi chết đi, không đem theo được gì, ngoài hai bàn tay trắng. “Cúc cu! Cúc cu!” Định ngẩng đầu lên. Có lẽ Phượng-Mai sắp về. Lật tiếp trang thư, Định đọc vội: “Hãn yêu quý, Chiều nay, trên đường về nhà, em đếm bước cô đơn, chẳng ai thương nhớ thì em hờn giận làm gì? Anh ở xa, có lắm kẻ yêu vì, có đường hoa lát mộng, có đóa tường vi rực hồng. Em mãi thương thân mình và lẩn thẩn hoài mong trong không gian vắng lặng mông mênh. Gọi thầm tên anh, anh ơi! Nghe như cõi sa mạc buồn tênh dặm trường... Thôi thì em đành gói kín dư hương, nụ hôn chiều ấy xa xôi muôn trùng... Mơ qua sương khói mịt mùng, còn đâu tiếng sáo gọi hồn Trương Chi hở anh?” Định lại cười. “Chà, viết thư mà như người ta làm thơ”. Chắc chắn anh chàng Hãn nào đó phải xót xa, cảm thương cho thân phận của nàng nhiều lắm. “Nếu như không có mình vướng vào, không vì những giọt nước mắt mẹ già của Hương, thì tâm sự nàng đâu phải não nề như thế? Lạy Trời, mình không phải là nguyên nhân của những oan trái này? Hoặc có thể không có mình xuất hiện, cuộc đời của nàng sẽ ba chìm bẩy nổi như cánh bèo trên sóng nước chăng?” Lá thư kế tiếp với mấy dòng chữ: “Cảm ơn anh đã nhọc công lo lắng cho ngày khai trương văn phòng của em. Định không một mảy may quan tâm đến công việc làm ăn của em. Định làm như đã nuôi em đầy đủ, đã cung cấp cho em đời sống vương giả. Nhưng thực ra, chính anh mới là người em mơ ước để sống chung trong quãng đời còn lại, cho dẫu em không còn trẻ nữa...” Định thản nhiên, đọc tiếp tờ thư cuối cùng. Trang thư ngắn gọn với mấy dòng duy nhất trên bức thư nàng gửi người đàn ông tên... Hãn, cũng được nàng trân trọng in ra để cất giữ trong xấp thư của nàng: “... Những phút xuất thần Địa đàng một thuở Lòng em rộng mở Mừng đón trăng sao Những lời yêu đương tha thiết em trao. Ngực ấm, môi mềm... Ôi, khoảnh khắc thần linh về nhập thể Em dìu anh Bay vào cõi huyền hư...” Đọc đoạn thư yêu đương bỏng cháy này, mà Định vẫn thấy tâm chàng hết sức bình thản, không một gợn tức giận, không một thoáng ghét khinh, thì quả thật Định là một người đàn ông bằng thép - lạnh lùng hơn những khối thép - với trái tim bằng đá - cứng hơn những tảng đá vô tri - và một ý chí kiên cố của những vị Bồ Tát mà chàng đang hướng về với tất cả tâm nguyện của những ngày cuối đời. Định xếp gọn những trang thư của Phượng-Mai và đem trả lại chỗ cũ cho nàng... Chàng thản nhiên đi về phòng riêng và khép cánh cửa. Chàng mở ti-vi lên giường nằm. Giấc ngủ đến với chàng thật nhẹ nhàng. Trong mơ, chàng nở nụ cười như một trẻ thơ...
|