Chỉ Có Vậy Thôi |
Tác Giả: Mỏ Saigon |
Thứ Hai, 29 Tháng 12 Năm 2008 12:00 |
Mã Tuấn, tự là Long Môn, con người lái buôn. Lúc nhỏ khéo múa hát nên thường theo chúng bạn đi tập tành văn nghệ, đờn địch hát ca, thành thử chốn tâm can thường lấy làm vui sướng. Mẹ là Mã thị, thấy vậy, mới rầu rĩ âu lo mà nói với con rằng: - Nhạc hay kịch, thường buồn nhiều hơn vui. Con mà chìm đắm trong chỗ này, thì mẹ chỉ biết… ai tai. Kêu trời sao thấu! Tuấn, đang cao hứng là vậy, bất chợt bị mẹ đụng đến ý thích của mình, thời buồn bực hiện tràn trên khóe mắt, toan dợm bước chân đi, bỗng ở chốn tim gan nảy ra điều suy nghĩ: "Không được! Không được! Tết lại sắp về, mà ta thì cần tiền để sắm một ít đồ hóa trang, đặng mần văn nghệ. Nay ta không nhịn được chuyện nhỏ, thì chuyện lớn sao đang? Chi bằng nín thở qua sông cho đặng việc mình trước đã, rồi ngày dài tháng rộng, đợi đến hồi tờ lịch… rớt mẹ nó sang giêng, thời lúc ấy tính sổ với mẫu thân cũng chưa có gì là muộn…". Nghĩ vậy, mới nhỏ giọng thưa rằng: - Con thả hồn theo nốt nhạc. Chớ không phải đắm mình trong ý, lời, nên bất kể với chuyện buồn vui. Chửa lần mô dính chấu! Mã thị, nghe con trả lời trớt hướt trớt he, lòng cảm như có ai bưng cục đá táng mạnh vào đầu, liền đau đớn nói: - Đành là vậy, nhưng nếu cứ mãi mê với… cái đồ cái đố, thì ở mai này con sống đặng làm sao? Khi mấy nốt nhạc kia chẳng sao mà no được! Tuấn nghĩ mình đã vì việc lớn mà nhẫn nhịn. Chẳng những mẹ chưa vừa lòng lại còn thúc ép thêm, khiến dòng máu đang êm bỗng sôi trào sôi sục, bèn bực bội gắt: - Ai cũng như mẹ, thì cõi nhân gian còn chi là vui sướng? Lại nữa, con đang ở tuổi mộng mơ. Mẹ chẳng những không gìn giữ, lại nỡ lòng bứt kéo nó đi, thì ít nữa lớn khôn làm sao tìm lại được? Mã thị! Từ ngày làm mẹ đến nay, mới thấu được câu nói: Nước mắt ngàn năm chảy xuống, nhưng thấu là một chuyện. Chịu đựng được hay không lại là một chuyện khác, nhất là chịu hoài mà không thấy ngày mai, thành thử tâm tư cứ như cuồng như loạn. Mãi một lúc sau, mới gắng gượng mà nói rằng: - Con người ai cũng có những ham muốn riêng tư, những đam mê lăm le trói buộc chân người, nhưng nếu không quyết tâm thoát ra vòng dục vọng - thì chẳng những hạnh phúc đánh rơi - mà không khéo chốn tim gan lại… trĩu nặng đau thương kéo dài ra thêm nữa! Một thời gian ngắn sau, Mã ông đi buôn xa trở về, gặp lúc Mã Tuấn không có nhà, bèn gọi vợ. Hỏi: - Ta khổ cực tìm kế mưu sinh, đến độ ngày quên ăn, đêm quên ngủ, mà con cái lại vắng nhà kiểu này, là nghĩa làm sao? Mã thị thấy thái độ của chồng, lại sợ bị trách ở nhà mà không tròn bổn phận, liền run run đáp: - Gần cuối năm, tiệc tùng nhiều, mà con lại có chân trong ban nhạc, nên vắng mặt lia chia là vì duyên cớ đó! Mã ông nghe qua giọng điệu của vợ làm như thiếu thành khẩn, lại có ý bao che. Tức tối nói: - Con hư tại mẹ. Cháu hư tại bà. Đã đành là… máu văn nghệ luân lưu, nhưng hát xướng tối ngày, thì chẳng những không trả được… biu, mà sự nghiệp công danh cũng tanh bành ra thêm nữa! Mã thị dù biết lời của chồng cũng có đôi phần đạo lý, nhưng mẫu tử tình thâm, nên xoay chuyển ý nghĩ trong tâm mà bảo dạ rằng: "Chồng dù có... phu thê nhất bái, và giỏi giắn cỡ nào, cũng vẫn là người dưng. Còn con của mình, cho dù chưa có việc làm, vẫn là máu thịt đổ ra, thì lẽ trọng khinh đã bày ra trước mắt. Ta là mẹ, vẫn nhớ bài học từ con gà mái - ấp ủ con mình để chống lại diều hâu - thì không thể khoanh tay đứng đây mà coi được.". Nghĩ vậy, liền dứt khoát nói: - Chàng bận kế mưu sinh, thường hay vắng nhà, nên chuyện hướng dẫn con có phần hơi thiếu sót, trong khi thiếp là phận gái, quanh quẩn trong bốn bức tường, thì kinh nghiệm sống ở đâu mà truyền mà dạy? Lại nữa, con là của chung. Vậy nhân phẩm của con nhiều hay ít. Hư hay nên, cũng phải do hai người gánh chịu. Thế thì tại sao chàng lại trút cả lên… mình em như thế? Mã ông, từ ngày lấy vợ đến giờ, cứ lấy uy thế của người làm ra… tiền mà đối xử, nay bỗng nghe vợ chơi ngược kiểu này, bèn cháy ruột cháy gan, thảng thốt nghĩ rằng: "Thói đời, hễ đạp gai thì phải lấy gai mà lễ. Ngộ biến phải tùng quyền. Nay vợ mình… khí nộ xung thiên, thì ta phải tránh xa cơn bão này mới đặng.", liền nở nụ cười tươi. Nhỏ giọng nói: - Đã là vợ chồng. Có gì từ từ bàn luận. Đâu cần phải phẫn nộ ai bi, cho tình kia đau xót! Mã thị thấy chỉ một lời, mà chồng mau liền xuống nước, bèn đổi giận thành vui. Hớn hở nói: - Chàng đi nhiều, hiểu rộng, thì hãy tìm cho con một công việc mà làm, thời chuyện văn nghệ kia dù không cấm cũng từ từ đứng lại. Vừa khỏi phải la rầy, vừa không phật ý con, vừa giúp con tạo dựng phần cơ nghiệp. Chớ cây đang non mà không uốn. Lỡ mai nay già rồi. Uốn được hay sao? Mã ông gật gật đáp: - Là lỗi của ta! Là lỗi của ta! Thôi được, nội nhật ngày mai, ta sẽ sắp đặt công việc, đặng con của ta có trách nhiệm với đời, với người, với cả bản thân. Chớ không thể để con luông tuồng ra như thế! Mấy ngày sau, Mã ông chuẩn bị sổ sách, rồi gọi Tuấn đến mà nói rằng: - Đàn địch, tuy đã tay nhưng đói không thể đem ăn. Hát ca, tuy đã nhĩ nhưng khát chẳng thể đem uống, còn các thể điệu tuy đã tay chân nhưng rét thì không thể đem ra mà mặc được. Vậy nên con phải hết sức tạo lập công danh, để… ngày hưu thêm khoái! Mã Tuấn. Từ nào tới giờ ỷ vào cha mẹ, chớ chưa hề tự lực mưu sinh, nay bỗng dưng nghe đến chữ tạo lập công danh, bèn xanh mét nói: - Con đang còn nhỏ. Tóc xanh còn đầy, mà sớm bước vào chuyện bán buôn. E ngày mai không sáng! Mã ông nghe con thoái thác như vậy, mặt bỗng đỏ lựng lên. Bực bội gắt: - Nhỏ mà nhờ vào cha mẹ, là hợp lẽ trời. Lớn mà vẫn nhờ vào cha mẹ, là hợp với… cái gì chớ không phải với lẽ tự nhiên. Chân lý đó tại sao nhà ngươi không biết? Mã Tuấn thấy cha phừng phừng lửa giận, chưa kịp đáp, bất chợt nghe Mã thị nói rằng: - Từ ngày gá nghĩa với cha con đến nay, đây là một trong ít lần mẹ nghe cha con nói có phần lý lẽ. Vậy con hãy mau mau chấp hành, để trước là cha được vui, sau đối với chữ thê nhi mẹ cũng thêm phần khoan khoái. Mã Tuấn, hết nhìn cha, nhìn mẹ, rồi dõi mắt nhìn cây đàn nằm trơ trụi đàng kia, mà bảo dạ rằng: "Cha và mẹ một bên, thì dẫu là con một cũng khó bề chống đỡ. Lại nữa, cha mẹ muốn ta tự lập mưu sinh, là muốn cho ta hiểu được giá trị của đồng tiền, để khỏi phung phí vào những chuyện… trời bà không tính trước. Nếu ta chống lại việc này, thì trước là phụ công nuôi dưỡng, sau không hiểu được tấm lòng của mẹ cha, và sau nữa đối với bản thân cũng có nhiều sai sót ". Nghĩ vậy, liền gắng gượng đáp: - Cha đã cao tuổi, mà còn bươn bả thế này, coi đặng hay sao? Chi bằng ngơi nghỉ ở nhà. Sáng tập khí công. Chiều loanh quanh tản bộ, tối phim tập dài dài, đặng bù đắp những vất vã đã qua, của ngày xưa tê tái! Đoạn, vái chào cha mẹ về Thiểm Tây buôn bán, hẹn khi nào én liệng báo xuân sang, sẽ về trình tấu cùng cha mẹ, mà không biết do Cậu Bà ủng hộ, hay phúc phần của tổ tiên, mà Tuấn đụng tay tới đâu là tiền vô tới đó. Ngày nọ, Tuấn thấy thiên hạ nhộn nhịp đưa ông Táo về trời, thời biết giờ gặp mẹ cha đã điểm, bèn vội tới chợ đặc sản của làng bên, đặng mua ít ký khô nai đem về đi biếu tết. Lúc xẹt ngang một tiệc mừng tân gia, thấy một ban nữ nhạc hơn mười người thay nhau hát múa, bèn đứng lại xem. Chốc chốc lại xoa đầu bức tóc, khiến kẻ đứng bên không nén được thắc mắc, mà hỏi rằng: - Khách quan nghe nhạc, mà tứ chi hổng đặng yên. E đám nữ nhạc có điều chi thất thố? Tuấn vọt miệng đáp: - Diễn xướng mà chẳng hiểu từ khúc ý nghĩa gì? Nhịp điệu thì khi trật khi sai. Nhạc này chỉ thịnh với… tang gia chứ tân gia thì trật đến mười mươi không đúng! Người ấy vội vàng nói: - Chẳng giấu gì khách quan, tôi là con của chủ nhà. Vậy có thể đường đột mời khách quan biểu diễn một bài đặng hay chăng? Tuấn lâu ngày quên đờn địch, bây giờ bất chợt trở về, bèn hào khí bốc lên. Cao hứng đáp: - Kẻ hùng anh thì rút kiếm tương trợ. Ta không có kiếm thì dạo đàn. Tuy không dám nhận là hùng anh, nhưng ít ra cũng là hàng quân tử. Đoạn, xân xái bước vô cầm cây đàn, dạo vài nốt cho dãn cốt gân, rồi chơi liền năm bản, khiến chủ nhà phát há hốc miệng ra. Mừng reo nói: - Hay lạ hay lùng. Tiếng như phượng hót rồng ngâm. Tay lướt trên phím đàn nhẹ ru như liễu, tùng bay trong gió. Thiệt là quá đã. Rồi mời Tuấn vào thư phòng, thời thấy nghiên thủy tinh, bút lông, giấy trắng bày tràn trên án thư. Đoạn, trịnh trọng nói: - Công tử hát hay đàn giỏi, tất là bậc kỳ tài. Vậy có thể phóng bút viết giùm đôi liễn được chăng? Tuấn. Một tay đè giấy. Một tay vung bút. Loáng một cái đã xong. Lúc ấy, chủ nhân mới sung sướng nói rằng: - Hảo! Hảo! Nét chữ cứng mà mềm. Nhu mà cương, thời không xem tướng cũng biết mai này… nở hậu. Chẳng hay công tử đã có thê thiếp gì hay chưa? Tuấn lẹ miệng đáp: - Danh chưa có. Nghiệp chưa xong, thời với chuyện trăm năm làm sao dám tính? Chủ nhà nghe Tuấn trả lời như vậy, mặt mày hể hả. Sảng khoái nói: - Của tiền là chuyện nhỏ. Phận duyên là chuyện lớn. Con gái yêu của ta, tuy đã đến rằm, nhưng vẫn mình không gối chiếc, bởi chưa tìm được người trong mộng. Nay ta có thành tâm ký thác cho công tử. Chẳng hay tôn ý thế nào? Xin nói đại ngay cho, bởi tuổi thanh xuân mỗi ngày thêm mỗi ngắn… Tuấn ngẩn người ra một chút, rồi ấp úng nói: - Biết thì dễ cảm thông. Chẳng hay người trong mộng của tiểu thư thế nào? Xin tình thiệt tỏ ra, để kẻ hèn này liệu đường… vô hay thoái. Đáp: - Chỉ cần nhớ một điều: Vợ không bao giờ sai, thời đã đủ kết thành nên gia thất! |