Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Cây Mùa Xuân

Cây Mùa Xuân PDF Print E-mail
Tác Giả: Mộc Hương   
Thứ Tư, 31 Tháng 12 Năm 2008 11:55

Hôm nay đi làm về trễ nhưng tôi phải ghé chợ, dù trời tối và lạnh. Vì con gái tôi đã dặn năm lần bảy lượt, nhớ mua bánh trái để ngày mai nó mang vào lớp Việt Ngữ tham dự tiệc “cây mùa xuân”.

Mỗi lần nhắc tới ba chữ “cây mùa xuân” là tôi không sao quên được cái mùa xuân năm tôi học lớp nhứt.

Cũng như mọi năm, cứ Tết đến, thầy cô các lớp cho phép học trò hùn tiền lại mua vài món gì đó để cả lớp cùng nhau ăn và vui chơi trước khi nghỉ Tết.

Tết năm lớp nhứt, chúng tôi có cô giáo mới thay cho thầy giáo Phùng đã đi lính. Cô giáo trẻ, từ tỉnh về, rất thích nghe học trò ca tân nhạc. Cô biểu chúng tôi kê tất cả bàn ghế vào sát tường, chừa khoảng trống ngay chính giữa, để một bục gỗ nhỏ cho “ca sĩ” lên hát. Dĩ nhiên là tôi không làm sao thoát khỏi tiết mục này, dù rằng giọng của tôi chỉ để hát trong nhà tắm.

Thể theo lời yêu cầu của các bạn, tôi hát bài “Chúng Mình Ba Đứa”. Mặc tình cho bao khán giả “coi cọp” từ ngoài đứng bu quanh cửa cái, cửa sổ của lớp học, tôi say sưa trình bày hết bản nhạc. Để tỏ ra sành điệu, khán giả lớp tôi vỗ tay và la “bis, bis” nhiều lần. Cũng để đáp lại tấm thạnh tình của khán giả, tôi trình bày thêm một bản nữa, bài “Hoa Biển”. Toàn là mấy bản nhạc đang rất thạnh hành thời bấy giờ.

Hát xong, tôi đủng đỉnh trở về chỗ ngồi để thưởng thức các món ăn. Bỗng, đứa bạn ngồi cạnh đưa cho tôi một cây cà rem:

-“Có ai ở ngoài gởi cho mầy nè!”

Chẳng cần biết ai cho, có cà rem thì ăn thôi! Nhưng không phải chỉ có một cây cà rem, mà năm, sáu cây cà rem cứ được các bạn ngồi cạnh cửa sổ chuyền vô. Tôi chia cho các bạn chung quanh, và cùng nhau vô tư nhâm nhi cà rem như là một phần trong thực đơn “cây mùa xuân” của lớp. Tôi không hề hay biết gì về một tai họa đang chờ đón tôi.

Khi ra về, tôi mới phát giác là mình đã hết sức dại dột khi nhận những cây cà rem đó, vì có “cái đuôi” dính theo nó: một tên học sinh trung học, lớn hơn tôi tới mấy tuổi, lẽo đẽo theo sau tôi suốt đường từ trường về nhà.

Ở quê tôi, con trai và con gái không học chung lớp với nhau, nhưng phần lớn đều biết nhau. Con trai thì chia làm ba loại. Đa số là ngoan ngoãn, không làm phiền ai. Một số khác thì phá phách. Tôi không sợ bọn này. Có lần, bọn chúng ùa qua sân học trò nữ đang chơi, định lấn đất giành sân. Cả đám con gái chúng tôi giăng dây giựt cho bọn chúng té nhào. Lần sau, bọn chúng lại qua phá phách, mà không ngờ chúng tôi đã thủ sẵn những viên bi bằng đất sét phơi khô, rải khắp sân, khiến bọn chúng trợt lăn quay. Bọn chúng mà làm dữ nữa thì tôi méc thầy của bọn chúng. Tôi kể đích danh từng đứa là đố đứa nào trốn khỏi quì gối. Loại thứ ba thì không phá phách mà cũng chẳng ngoan ngoãn, là bọn hay đi “tán” gái. Chúng cứ theo sau mấy đứa con gái rồi lải nhải dai nhách, nhứt là con gái nào xinh xẻo một chút. Tôi chưa bao giờ bị mấy đứa như vậy quấy rầy. Có lẽ vì nhan sắc tôi không được mặn mòi. Lại nữa, tôi khá cao lớn so với bạn cùng tuổi.

Nhưng hôm nay thì “sao quả tạ” chiếu tôi rồi. Cái tên này tuy học trên tôi mấy lớp nhưng tôi thường gọi là Bé Năm, vì hắn rất nhỏ người, chỉ cao hơn tôi chút xíu. Ở chợ quận này, con nít đều biết Bé Năm, con nhà lò bánh mì. Đi tới đi lui, đụng mặt nhau hà rầm từ khi còn mũi dãi lòng thòng tới giờ, chớ có phải xa lạ gì đâu. Tự nhiên hôm nay lại trở chứng “theo đuôi” tôi. Hay vì cảm xúc bất chợt khi nghe tôi hát hò?

-“Bé Nhỏ hát hay quá!”. Bé Năm tìm cách khơi chuyện.

Tôi không biết làm sao để thoát thân. Khổ nỗi, mấy bữa nay lại “nghịch” với con bạn thân, nên không thể ghé vô nhà nó lánh nạn. Tôi giả bộ nghiêm mặt:

-“Bé Năm không được kêu tui là Bé Nhỏ, tên trong trường của tui là Hương, Mộc Hương, nghe chưa?”

Tưởng làm dữ như vậy thì Bé Năm “quê”, sẽ bỏ đi. Nhưng không, hắn rất lì lợm:

-“Vậy thì cũng đừng kêu tui là Bé Năm, tui tên Thành”.

-“Tên xấu hoắc”. Tôi xí một tiếng rồi ù té chạy một mạch về nhà.

Hết Tết, tôi đi học lại, tưởng chuyện cũ đã qua. Không ngờ, ngày nào tan học về, Bé Năm cũng lẽo đẽo theo tôi hết. Vừa bực mình, vừa lo sợ có ai thấy được, méc Ba Má tôi thì tôi no đòn, nên tôi chỉ cúi đầu lủi đi một nước, không dám trả lời. Con đường trải đá từ trường về nhà mấy hôm nay dường như lởm chởm hơn, khiến tôi đi đứng xiêu vẹo, vấp tới vấp lui. Cuối cùng thì tôi quyết định méc Má tôi:

-“Má, Bé Năm con nhà lò bánh mì theo con”.

Xui cho tôi, gặp ngày Má tôi bận rộn, mệt nhọc, nên vừa nghe qua, Má tôi nổi dóa:

-“Con nít con nôi mà theo cái gì!”

Tôi không dám nói thêm tiếng nào, đi tuốt vô nhà trong cho khuất mắt Má tôi.

Tới tối, khi công việc xong xuôi, Má tôi mới kêu tôi lợi biểu:

-“Con trai có chọc ghẹo gì, con cũng đừng trả lời, cứ im lặng riết rồi nó cũng chán. Trả treo lại, nó được thể, đi theo hoài”.

Tôi dạ nhưng trong bụng không thuận ý, tôi nhứt định phải tìm cách “khử” Bé Năm.

Một hôm, con nhỏ bạn ngồi bàn trên rủ tôi ghé nhà nó chơi. Nội trong lớp, tôi thích tới nhà con nhỏ này nhứt, vì vườn cây nhà nó thật sum xuê, phía sau lại có cái ao nuôi cá vồ. Dù có “cầu tiêu ao cá” nhưng là ao nhà nên “thức ăn” không đủ cung cấp cho cá, phải nuôi thêm bằng cám. Mỗi khi tôi tới chơi thì Mười, con bạn tôi, mang ra một thau cám, tụi tôi vừa trò chuyện, vừa rải cám cho cá ăn. Mấy con cá mập ú ngoi lên, đớp lớp bột cám nổi trên mặt nước, thấy mắc ham. Khi cám chìm xuống thì mấy con cá lặn theo, mặt ao lại yên lặng cho tới khi tụi tôi rải đợt cám khác.

Mê hơn nữa là cây mận đỏ cạnh bờ ao. Tôi không biết bơi nên không chơi dưới nước được, chớ mấy trò trên bờ thì không từ món nào. Tôi leo trèo như vượn, ngồi lắt lẻo trên cây mận, lựa trái nào dơi đã khoét, hái ăn tại chỗ mới thú. Mấy trái mận dơi khoét rất ngọt. Tôi cẩn thận bóp trái mận ra làm hai trước khi ăn. Vì đôi khi mận có giòi, nhất là trong mùa mưa. Mận có giòi thì bên trong rục rữa, thấy mà ghê, chỉ có nước vụt bỏ đi. Nếu trái mận không có giòi mà chỉ có sâu thì đỡ hơn. Con sâu đo thải ra những hột nhỏ như cát đen, nhưng trái mận khô rôm, rửa sạch là ăn được.

Tôi thót lên cái cháng ba cao hơn, tay nắm một nhánh mận ngang đầu, đung đưa hai chưn, ngó quanh ngó quất, coi còn trái mận nào vừa mắt không. Kia! một trái mận đỏ ối. Bỗng, tôi bắt gặp một chùm lá mận kết lại với nhau, thành một cái bọc dài dài, nằm gần bên trái mận đỏ. Đúng tỏng tòng tong là ổ kiến vàng rồi. May mà tôi chưa kịp trèo qua để hái trái mận. Chỉ nghĩ tới chuyện đụng phải ổ kiến vàng, tôi cũng đã nổi da gà. Nhứt là khi đang ngước nhìn lên tìm mận, kiến vàng đái vô mắt là xót muốn đui luôn. Hoặc đang vói tay hái trái, nó cắn vô bắp tay trong một cái thì có nước buông tay rớt xuống, mình mẩy rởn ốc, còn chỗ kiến cắn thì sưng tù vù. Đã vậy, nhánh mận còn de ra ngoài ao, loay hoay mà rớt ùm xuống ao thì có đường uống nước căng bụng. Ớn quá, tôi hái vài trái mận trong tầm vói rồi leo xuống, cho con Mười hay tôi đi về.

Trên đường về nhà, tôi vừa đi vừa bẻ mận ra ăn. Con kiến đen trong trái mận chui ra bò lên tay tôi nghe nhột nhột. Trong đầu tôi chợt nẩy ra một chuyện. Tôi cười tủm tỉm một mình, vừa đi vừa suy nghĩ, về tới nhà lúc nào cũng không hay.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, ghé nhà con Mười rủ nó đi học. Trước khi rời nhà, tôi nói với nó:

-“Khoan đã, cho tao xin vài trái mận.”

Tôi leo lên cây mận, đúng chỗ có ổ kiến vàng, nhưng không hái trái mận đỏ, mà rút trong túi áo ra một sợi nhợ có buộc sẵn cộng chưn nhang gập đôi. Nhẹ nhàng cầm bọc ổ kiến vàng, tôi tìm một khe hở giữa mấy cái lá, luồn cọng chưn nhang vào bên trong bọc, rồi chuyền qua một nhánh mận khác. Tôi cột sợi nhợ vào cái nhánh mận, tay nắm sợi nhợ giựt nhẹ coi cọng chưn nhang có đủ sức vướng lại trong bọc kiến không. Trước khi leo xuống, tôi còn cẩn thận cúi dòm bên dưới cho chắc là tôi đang ở bên trên mặt đất, chớ không phải bên trên ao cá, lỡ té thì không té xuống ao. Con Mười thấy tôi xuống lẹ quá thì ngạc nhiên ngó tôi:

-“Không hái mận sao?”

-“Thôi, trễ rồi, để trưa về hái”. Rồi tôi nắm tay nó kéo đi.

Tan học, tôi xin con Mười ghé nhà nó chơi. Hôm nay, Bé Năm cũng lại lẽo đẽo theo tôi. Làm mặt vui vẻ, tôi nói:

-“Bé Năm thích ăn mận không?”

Bé Năm mừng húm:

-“Thích chớ”.

-“Vậy thì ghé nhà đứa bạn tui, nhà nó có cây mận sai trái lắm”.

Tới nhà con Mười, tôi leo tót lên cây mận, chỗ đã định sẵn. Tôi ngó quanh, rồi giả bộ reo lên:

-“Bé Năm! Trái mận đỏ ngon quá kìa!”

Bé Năm theo tay tôi chỉ, leo lên đúng chỗ có ổ kiến vàng trên đầu. Tôi chờ cho Bé Năm vói tay hái trái mận thì giựt mạnh sợi nhợ. Cọng nhang bị vướng làm cái bọc bể tung, cả trăm con kiến vàng cháy, to bằng hột thóc rớt xuống, trên trán, trên má, trên mũi, trên tai của Bé Năm. Hai tay Bé Năm phủi lia, phủi lịa và cuối cùng thì Bé Năm rớt ùm xuống ao, cái ao cá vồ. Ngó Bé Năm bơi lủm tủm vô bờ, tôi thiệt hả hê, nhưng phải làm bộ la hoảng:

-“Trời ơi! Bé Năm có sao không?”

Sau khi lên bờ, Bé Năm bẻn lẻn đi mất, chẳng nói một tiếng. Không biết Bé Năm nghĩ gì và cái mùi ao cá vồ ra sao. Chớ tôi thì quá rõ chỗ kiến cắn trên mặt sưng cỡ nào. Cho đáng đời! Tôi thấy ghét cay, ghét đắng Bé Năm làm sao.

Mấy ngày sau, không thấy Bé Năm đón tôi đi học về nữa, nhưng tôi không biết chắc là Bé Năm đã thiệt sự bỏ cuộc chưa, vì tôi phải lên đường đi Sài Gòn học.

Gần hai năm xa nhà, khi trở về thì tôi đã trổ mã con gái. Ai cũng nói tôi nhổ giò rồi. Tôi cao hơn hẳn các bạn đồng lứa. Một hôm, Bé Năm đi ngang nhà tôi, thấy tôi đứng trước cửa thì liếc nhìn vô rồi đi tuốt. Bé Năm vẫn không lớn thêm được chút nào, bấy giờ có lẽ còn thấp hơn tôi nữa. Không biết Bé Năm nghĩ gì. Nhưng lần này, tôi chắc mẩm Bé Năm bỏ cuộc rồi.

Thời gian qua nhanh, “cây mùa xuân” lại nối tiếp “cây mùa xuân”. Năm tôi học lớp mười một, tiệc “cây mùa xuân” thật vui nhộn. Lớp tôi chơi nhạc sống đàng hoàng. Một bạn trai đánh trống, một bạn trai chơi guitar, lại nhờ thêm một tay guitar từ trường Quốc Gia Âm Nhạc. Bọn con gái chúng tôi tựu lại nhà Trưởng Lớp trong con hẻm gần trường, tập dợt hát hò om tỏi, với phần đệm đàn của tay guitar lớp tôi. Bài “Ly Rượu Mừng” rộn ràng, bài “Mộng Chiều Xuân” ướt át, bài “Con Đường Tình Ta Đi” thiết tha. Cái tuổi mười sáu của chúng tôi thật hồn nhiên và đầy hoa mộng.

Không chỉ chơi xuân, nhóm nhỏ mấy đứa lớp tôi còn tham gia lạc quyên gây quỹ cho trường để viếng cô nhi và ủy lạo chiến sĩ. Những buổi chiều đầu xuân hanh nắng vàng, cùng nhau rong ruổi quanh đường phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ giúp thu nhập khá nhiều cho quỹ, cũng giúp cho bạn bè thân thiết nhau hơn.

Khoảng hai mươi học sinh trường tôi tham gia kỳ ủy lạo chiến sĩ năm ấy. Dĩ nhiên, tôi lúc nào cũng là một trong những thành viên tích cực. Chẳng cần biết chiếc GMC không mui đưa chúng tôi tới nơi nào, chỉ được đi ngoài trời là lòng tôi nao nức lắm rồi. Cuối cùng thì chiếc xe dừng lại một nơi có nhiều dãy nhà trệt mái tôn, cách nhau bởi những con đường đất hẹp.

Chúng tôi cùng học sinh các trường khác được hướng dẫn vào một phòng lớn, để nghe giới thiệu về cuộc ủy lạo chiến sĩ, là những tù binh vừa được trao trả từ phía Bắc Việt. Lời dặn dò khiến tôi lưu ý nhứt là cách cư xử nhã nhặn với các chiến sĩ đặc biệt này. Mấy anh đã bị giam cầm lâu ngày, nên lắm khi tâm tính bất thường. Tôi vừa đi vừa hồi hộp, mong sao cho mọi việc suông sẻ.

Chúng tôi chia nhau vào các căn nhà mái tôn, nơi các anh đang an dưỡng. Đi giữa hai dãy giường có các anh đang ngồi chờ sẵn, mỗi đứa chúng tôi chỉ cần trao vài lời đơn giản, các anh cầm lấy gói quà và nói cám ơn. Việc làm cũng không khó khăn
chi!
Túi quà trên tay nhẹ dần, tôi sắp hoàn thành nhiệm vụ, thì một anh thay vì nói lời cám ơn, lại hỏi tôi:

-“Cô học trường nào vậy?”

Tôi đưa tay chỉ lên cái phù hiệu kết trên chiếc áo dài trắng tôi đang mặc. Anh ấy nhăn mặt:

-“Cô học trường tư à! Hôm nay Gia Long không đi sao?”

Tôi đã bắt đầu thấy gay gay:

-“Chắc có nhưng đi khu khác”.

Tôi lầm thầm trong bụng:

-“Vậy thì chờ mấy cô Gia Long tới tặng quà đi”

Tôi chỉ muốn giựt gói quà lại, nhưng nhớ lời dặn dò khi nẫy nên lẳng lặng cúi đầu chào rồi đi qua giường của anh khác. Trong lòng đang không vui mà thấy anh chiến sĩ này ngồi quay mặt vô vách, tôi định để gói quà xuống giường rồi đi luôn:

-“Tặng anh”.

Bất chợt anh ấy quay lại rồi nhìn tôi trân trối, nét mặt thiệt ngỡ ngàng. Hai chưn tôi chết cóng, muốn đi cũng không nhấc lên nổi, tôi mơ hồ thấy đôi môi anh ấy mấp máy:

-“Mộc Hương”.

-“Anh Thành!”. Tôi gọi nhỏ.

Phải! Đó là anh Thành, là Bé Năm. Tôi lặng người nhìn Bé Năm một lúc. Bé Năm ốm nhom trong bộ áo vải của bịnh viện. Dáng dấp nhỏ thó ấy bây giờ càng nhỏ thó hơn. Hai má phúng phính, đen dòn ngày xưa nay tóp rọp, xanh xao. Cặp mắt đen láy với hai hàng nheo cong lúc nào cũng ươn ướt đã mất đi một con. Mí mắt lành thẹo hõm sâu khiến cho cái nhìn của con mắt còn lại thêm buồn bã. Chỉ có đôi mày rậm với cái mục ruồi to bằng hột đậu đen ở cuối đuôi mày bên trái là còn y nguyên, để tôi có thể nhận ra Bé Năm.

Bé Năm đã bị bắt làm tù binh hơn một năm mới được trao trả. Trong thời gian đó, tù binh bị di chuyển nhiều lần vì sợ lộ. Có những lúc thấy phi cơ phe ta bay ngang đầu, Bé Năm muốn làm một dấu hiệu gì cho họ thấy được, nhưng lại sợ họ lầm lẫn mà bắn xuống thì chết cả bọn. Bé Năm cho tôi coi hai cườm chân mang thẹo hằn sâu :

-“Bị xiềng đó. Nhứt là khi nào có pháo kích, họ xiềng chúng tôi dính lại với nhau rồi bỏ đi ẩn núp. Chúng tôi không chạy được nên cũng có người trúng đạn pháo mà chết”.

Cánh tay mặt cũng đã ra đi cùng con mắt mặt, Bé Năm dùng tay trái vói lấy cái mủm dùa để trên đầu giường :

-“Mỗi ngày chúng tôi chỉ được ăn một lần thôi, cơm đựng trong cái mủm dùa này”.

Nhìn cái mủm dùa nhỏ xíu, được cạo láng lẫy, tôi không sao khỏi nghẹn ngào. Các anh giữ những di vật này, mai sau chắc có người ngỡ là sản phẩm mỹ nghệ của trái dừa. Mấy ai biết tới chứng tích của những tháng ngày nhục nhằn mà người trai quê tôi đã gánh chịu cho tự do của dải non sông hình cong chữ S này.

Tôi còn vạn lời để hỏi, nhưng một đứa bạn trong đoàn chạy vội tới :

-“Xong chưa? Tụi mình phải tập trung ra hội trường. Trời ơi ! Còn mấy gói nữa hả ? Đưa đây”.

Tôi lật đật chào Bé Năm và đi theo đứa bạn. Nó lanh lẹ phát hết mấy gói quà còn lại và chúng tôi đi tới hội trường dự buổi trình diễn văn nghệ.

Khi hai đứa tôi tới nơi thì văn nghệ đã bắt đầu. Nói là hội trường chớ thật ra chỉ là một sân khấu dã chiến. Các nữ sinh trường trung học Gia Long, Trưng Vương xinh như mộng, đóng góp những màn văn nghệ khá sôi động. Các anh ngồi trên những băng ghế xếp ngoài trời, vui vẻ vỗ tay và hát hò phụ họa, như mừng ngày qua rồi cơn ác mộng. Anh chiến sĩ đã hỏi tôi về trường Gia Long, giờ này chắc đang hài lòng vì được ngắm nhìn mấy cô nữ sinh trường công lập này tha thướt trong tà áo trắng. Cuối chương trình, tôi rủ một đứa bạn của lớp buổi chiều cùng lên hát tặng các anh. Không đàn, không trống, chúng tôi hát trong tiếng vỗ tay nhịp nhàng của khán giả bên dưới :

"Có những người anh tôi chưa biết tên
“Tha thiết cuộc đời đôi môi thắm duyên
“Quê hương trong khói lửa mùa chinh chiến
“Quên tình yêu riêng xông pha chiến tuyến.."

Tôi loáng thoáng thấy Bé Năm chen chúc giữa các anh, đang lúc lắc thân mình theo nhịp ca, cái tay áo rỗng cũng đung đưa.

“Có những người anh tôi quen đã lâu
“Năm tháng kề nhau chia bao khổ đau
“Thôn quê xa vắng hôm nào biệt ly
“Không ngại ngùng đi trong ánh nắng đào
“Các anh là nguồn thơ vô song
“Các anh là tình yêu mênh mông
“Là muôn tiếng ca vang vang tận cõi lòng
“Là trăm tiếng chim vui líu lo ngoài sân
“Các anh là vầng mây muôn phương
“Các anh là niềm vui quê hương
“Là tia nắng mai reo trên vạn nẻo đường
“Là cơn gió mang hương thơm tận ngàn phương
“Anh hỡi người trai đi trong gió sương
“Lưu luyến gì không khi xa cố hương
“Non sông hoa gấm đang chờ nơi anh
“Mang về vinh quang tự do no ấm

Cả hội trường vang rền tiếng ca và tiếng vỗ tay:

“Đâu những mùa xuân hoa khoe sắc tươi
“Đâu những mùa thu nghe lá úa rơi
“Yêu sông yêu núi tươi cười ra đi
“Anh là người tôi yêu mến muôn đời (1)

Dứt bài, tiếng “bis” lại rền vang như vẫn còn lưu luyến. Giờ đây, có lẽ không còn anh nào màng phân biệt trường công, trường tư gì nữa rồi. Hai đứa tôi hát thêm bài khác:

“Tôi viết tên anh trên lá trên hoa... Anh, lớp trai ngày nay, đắp xây ngày mai...Tôi chắc trong tôi đời đời còn nhớ nhung hoài”.

Lưu luyến bao nhiêu rồi cũng phải chia tay. Tôi tới từ giã Bé Năm. Nắng đã lên cao. Chúng tôi đứng dưới tàn cây bã đậu. Một con kiến vàng từ đâu rớt trên vai áo Bé Năm. Tôi lẹ làng bắt con kiến quăng xuống đất. Bé Năm ngó theo.

-“Con kiến vàng”.

Cả Bé Năm và tôi thốt ra một lúc. Bất chợt hai chúng tôi cùng cười vang. Không biết Bé Năm nghĩ gì. Còn tôi thì nhớ tới trái mận đỏ ối nhà con Mười. Tự nhiên tôi không còn thấy ghét cay, ghét đắng Bé Năm nữa.

Chiếc GMC không mui lại đưa chúng tôi về trường. Lúc nào đi ngoài trời tôi cũng đội nón, chiếc nón trắng cột dải quai màu thiên thanh, sắc màu muôn đời tôi yêu thích. Nhưng cái nắng chang chang giữa trưa khó mà tha làn da dễ ăn nắng của tôi.
Hôm sau vào lớp, một người bạn lên tiếng quở tôi:

-“Đi có một ngày mà thấy cái mặt khác liền”.

-“Đen thui phải không?”. Tôi cười.

Tôi phải mượn tập bạn chép lại bài của ngày vắng mặt. Tuy sửa soạn bài vở đầy đủ, tôi vẫn bị thầy Vật Lý rầy vì đã nghỉ học giờ của thầy.

Mặc bạn quở, mặc thầy rầy, tôi cứ vui lòng an thỏa vì đã trao tận tay Bé Năm gói quà đầu xuân. Dù gói quà đó không thể nào đền bù phần thân thể của Bé Năm đã hiến dâng cho quê hương, nhưng ít ra cũng đáp lại những cây cà rem năm nào được chuyền qua cửa sổ lớp.

Chợ vẫn còn đông dù đã trễ. Năm nay không có tháng nhuần nên Tết đến sớm, khiến cho mọi sinh hoạt đón Xuân có vẻ như cập rập hơn sau Giáng Sinh. Cái Tết nơi xứ người hiếm khi được hên mà trúng ngay cuối tuần như năm nay, để mọi người thuận tiện chuẩn bị cho các tập tục cúng kiến. Mấy người đi làm về trễ vẫn còn bu quanh các chậu bông cúc, các nhánh mai vàng, các giò thủy tiên, các cành đào đỏ. Tôi biết thân đơn chiếc nên năm nào cũng lo chuẩn bị trước một tuần, từ ngày đưa ông táo về trời, để giờ cuối không phải chen chúc giữa chợ đông.
Đã mua được mấy món mà con gái tôi dặn. Trả tiền xong, vừa ra cửa, tôi chợt thấy một dáng đàn ông nhỏ thó, cụt một tay, từ trong chợ đi ra. Tay còn lại xách hai, ba túi nylon. Tôi không đi theo, vì không phải trên quả địa cầu này chỉ có một mình Bé Năm là thương binh mất một tay.
Tôi dõi mắt nhìn người đàn ông lầm lũi đi lẩn khuất vào trong bóng tối của bãi đậu xe. Như bao người khác, chắc ông ấy cũng về lo chuẩn bị đón Tết, một cái Tết tha hương, cùng gia đình hay trong cô lẻ.
Tôi lái xe về. Đường đêm, ánh đèn điện sáng choang, tai chợt thèm nghe vài tiếng pháo đì đẹt của quê nhà năm cũ.


*Viết cho những ngày xuân tha hương.
* Viết xong ngày 14 tháng 12 năm 2008

- Dâng tặng đến tất cả Những Người Anh Tôi Chưa Biết Tên cũng như Những Người Anh Tôi Quen Đã Lâu. Riêng tặng Bé Năm.

- Kính tặng Giáo Sư Việt Văn Thái Chân, tức Thiếu Tá Ngô Minh Chà trong Phái Đoàn Trao Trả Tù Binh CS.

- Thân tặng các bạn lớp muời một B-1.

- Riêng tặng Người Tình Khoa Học cũng là ông xã yêu quí và tất cả các sinh viên Đại Học Khoa Học của một thời để yêu.

(1) Bài hát "Có Những Người Anh" của nhạc sĩ Võ Đức Hảo