Bàn Bốn |
Tác Giả: Tư Mã Giang Châu |
Thứ Bảy, 31 Tháng 1 Năm 2009 11:16 |
Ghi chú : Ở các trại tỵ nạn bên Mã Lai , hồ sơ xin định cư tại Mỹ thường được chuẩn bị bởi bàn một, hai (ba?) và công việc này do nhóm JVA (Joint Voluntary Agency) đảm nhiệm. Họ giúp cho đương sự chuẩn bị các hồ sơ cần thiết, từ Lệnh Tha, Khai Sinh, Sự Vụ Lệnh cho tới Bản tướng mạo quân vụ v.v...sau khi các thứ xong xuôi, đương sự sẽ được phỏng vấn bởi một giới chức INS ( Immigration and Naturalization Service) Hoa Kỳ, ngày đó, bàn bốn trực thuộc bộ tư pháp. Đây là giây phút quan trọng nhất trong "đời định cư" đối với nhiều người nên không khí cuộc phỏng vấn này hết sức căng thẳng và buồn vui lẫn lộn. Đại khái cũng như sỹ tử ngày xưa đi thi và khi đi xem bảng. Có khi còn hơn vậy nữa, vì thi rớt, ta thi lại. Bị bàn bốn xù, rất khó có cơ hội thứ hai trong đời. hic. Vậy mà tui phải làm cho bàn bốn, khổ thiệt. Từ Bidong, đi chiếc Blue Dart về Terengganu rồi lên xe bus đi Sungei Besi, tới nơi đã là 4 giờ sáng, tôi vừa mới thiu thiu ngủ là nghe loa phóng thanh réo tên, số tàu lên cho cao ủy cần gặp gấp. Vừa dụi mắt, vừa chưởi thề, tôi chạy lên văn phòng thì gặp ngay bà May, hì, em gái Tàu Mã chanh chua mà tôi ghét thậm tệ. - Chào, mới qua hả. - Chào, tui mới tới, có chuyện chi hong ? - Tao nghe nói mày làm cho Addington bên giới chức quân sự hả. - Ai nói ? Tui mới tới được có ba tiếng đồng hồ, chưa ngủ nghê gì hết trọi. Hôm đó, chả qua Bidong, tui có làm cho chả mấy ngày thôi à. - Vậy thì hôm nay mày làm cho "bàn bốn" luôn hén ? - Má ơi, tui mới tới, cho tui vài ngày đi mà. - Mày dài dòng quá, có hay không ? Nói đi. -....Ờ, ờ...ừ....(hừ, cái đồ mắc dịch). Bước ra khỏi văn phòng em gái phù thủy, tôi hỏi một thằng có bản mặt quen quen - Bàn bốn ở đây không có ai làm sao em ? - Có mà thiếu anh à, ông Ring thì có anh Thanh, bà Fong thì hôm qua, chê bác T. nên bỏ về mất. Có anh chắc là bả chịu rồi. Nghe nói bả dữ dằn lắm, mới vô làm 1 tuần mà xù tùm lum. Ai lên bàn gặp bả là coi như xui. Tôi bước về mà vừa mệt, vừa lo. Cái bàn bốn (INS) của Mỹ nó căng thẳng, đau khổ lắm lận. Ngày làm bên Bidong cho Addington, tôi đã biết chút ít rồi. Nay lại nghe bà Mary Fong này là hung thần, chắc chắn những ngày sắp tới sẽ là những ngày căng thẳng, đau lòng. Biết vậy, hồi đó làm cho Sickbay vui hơn nhiều. Hic. Vậy là ngay sáng hôm đó, ăn mì gói xong là tôi lại phải quay lại hội trường để chờ giới chức bàn bốn. Đúng 8 giờ sáng, từ ngoài cổng, hai người nhanh nhẹn bước vào. Một người đàn ông Mỹ to con, mắt xanh lè mà tôi đoán là ông Ring, bên cạnh là một bà già người châu Á, tóc bạc cắt ngắn và nhỏ con mà tôi đoán là bà Mary Fong(chắc giống cô ha cô Ngô ?) cả hai bước ngay vào phòng của mình. May kéo tay tôi tới phòng bà Fong. Trời, em May này ngày thường láo lếu như vậy mà hôm nay lịch sự gõ cửa nhè nhẹ rồi còn đứng chờ nữa. Từ bên trong, có giọng nói: - Vô đi, cứ vô. - Dà, khỏe không bà Fong ? Hôm nay, em có thằng (anh) này tới giúp cho bà nè, ảnh đã làm cho Addington rồi và cũng đã là cánh tay phải của bà Maureen bên trường Trung Học (bà Maureen thuận tay trái) đó, hy vọng bà sẽ hài lòng. Bà Mary Fong vừa quan sát tôi vừa thò tay ra bắt: - Chào em (cháu?) khỏe ha? Đã sắp đi định cư đâu chưa ? - Dạ có, cháu đã được Canada nhận và đang chờ ngày đi. - Ừ, luật là làm thông dịch cho INS thì phải đã được nước nào đó nhận, còn nếu đang chờ thì không được làm. - Dà, cháu cũng có nghe nói về bà,... cứ nghĩ bà là người da trắng chớ. Bà Fong cười ha ha vui vẻ rồi nói: - Tui họ Fong mà, gốc Tàu, nhưng tổ tiên tui qua Honolulu lâu lắm rồi, hổng biết nói ngộ nị gì ráo. Em học tiếng Anh ở đâu dzậy, nói nghe ngon quá ta. - Dạ, cháu học ở Việt Nam thôi à, chưa bao giờ ra nước ngoài hết. - Ờ, nè, làm với tui thì làm ơn nhớ nhe, nghe gì thì dịch đó, đừng có dịch dư hay là mớm cho ai điều gì, tui bực mình thì lại có hại hơn là có lợi. Cám ơn May, tụi tui sẽ sẵn sàng trong 5 phút nữa. Nàng May chào xong, bước ra là tôi bắt run, run vì cái không khí căng thẳng thì ít nhưng run vì lạnh có lẽ nhiều hơn. Cả đời, có bao giờ tôi biết cái máy lạnh quỷ quái này hở trời ? Mã lai nằm sát xích đạo nóng như cái lò, khi nào cũng 35, 40 độ, nay tự nhiên rớt xuống 20, tôi lại ốm đói nên chưa chi đã cảm thấy khổ, kiểu này chắc ngày mai phải thủ áo len theo. Lúc đó, không khí bên ngoài bàn bốn ra sao, tôi nào có biết, vì gần ba tháng liền tôi cứ phải ngồi bên trong đó, cái cảnh mừng vui, đau khổ bên ngoài, nay tôi phải nhờ ngòi bút của Đông Nghi, trích từ truyện "Trong trái tim lặng lẽ". ...Một tuần sau tôi được gọi lên bàn bốn. Buổi sáng hội trường B đông nghẹt người. Những người sắp sửa lên bàn ngồi bên trong. Những người thân, những người hiếu kỳ đứng vây phía ngoài. Không khí nôn nao, bức rức. Tiếng người nói râm ran. Những gương mặt lo lắng. Những ánh mắt bồn chồn. Một người đàn ông trung niên tóc chớm hoa râm, khoanh tay trước ngực, đi đi lại lại, nụ cười nửa miệng trên môi ra vẻ bình thản bất cần nhưng thực sự để che dấu nỗi âu lo sâu kín. Một gia đình ngồi trước mặt tôi. Ba đứa con nhỏ. Người vợ khoảng ba mươi, ngượng nghịu trong bộ âu phục mới ủi. Người chồng đen đúa, vẻ nông dân còn rõ rệt trong cử chỉ nét nhìn. Cả hai cúi đầu thì thầm bàn tán. Bên trong góc, một thiếu nữ ngồi lặng lẽ. Tập hồ sơ ôm chặt trước ngực. Đôi môi mím. Hai bàn tay bức rức không yên. Tôi cũng đang cố trấn tĩnh. Tự chế giễu sự căng thẳng trong lòng. 65 tuổi. Đã một dạo muốn làm thiền gỉa mà bây giờ nhấp nhổm mong vào hội chợ phù hoa. Bốn trường hợp đầu tiên không ai được nhận. Hai đứa cô nhi khóc lóc ầm ĩ. Gia đình anh nông dân lủi thủi bước ra. Người vợ sụt sùi. Người chồng lơ láo. Mấy đức bé lếch thếch đi theo. Mọi người xúm xít hỏi han. Những tiếng thở dài. Những lời an ủi. Thôi đừng buồn. Mỹ xù thì chờ đi nước khác. Canada sắp sửa vào nhận nhân đạo đó. Rán học Anh văn đi. Trước sau gì cũng được nhận thôi. Người con gái ngồi trong góc đứng dậy. Cô đã được gọi tên vào. Tập hồ sơ vẫn ôm trước ngực. Bước chân lóng cóng. Đôi mắt mở to thất thần. Tôi nghĩ có lẽ cô không thấy gì khác ngoài cánh cửa trước mặt. Người đàn ông ngồi bên cạnh tôi thì thầm: - Cuối mùa rồi. Tất cả đều trở nên khó khăn. Cái đáng sợ nhất là bị trả về Việt Nam. Tôi gật đầu : - Mười năm trước các nước mở rộng vòng tay đón chúng ta. Vấn đề định cư thật dễ dàng. Bây giờ thời thế thay đổi.... Người đàn ông chua chát : - Màn đã hạ. Thành ra bây giờ họ muốn dán cho chúng ta cái nhãn tị nạn chính trị hay kinh tế gì cũng được. Chỉ cốt để họ thu xếp với nhau. Bác nghĩ xem, nếu nghèo đói thì làm gì chúng ta có năm ba cây vàng để vượt biên. Mọi người đột nhiên ồn ào. Có tiếng kêu hốt hoảng : - Nhanh lên! Khiêng cô ấy sang Sick Bay. - Tiếp một tay bà con. Bị xù, xỉu rồi. Người con gái được khiêng ra khỏi phòng. Gương mặt tái mét, đôi mắt nhắm, hai dòng nước mắt ràn rụa thê lương. Không khí trầm hẳn xuống. Đâu đó có tiếng thở dài, bức rức...Một nhân viên hội trường bước ra gọi tên tôi. Tôi bật dậy. Người đàn ông bên cạnh nói nhỏ : - Chúc bác may mắn. Anh bạn trẻ reo lên đắc thắng khi thấy tôi hớn hở bước ra khỏi phòng : - Thắng rồi, phải không bố? Con biết ngay mà. Mỹ làm sao dám xù bố. Tôi trợn mắt nhìn anh ta, nhưng miệng nở nụ cười nhẹ nhõm : - Nhận rồi. Nhưng đừng làm ồn thế anh bạn. - Già Thuận, chú Lộc và mấy anh em khác đang chờ bố ở nhà. Lên bàn năm luôn nghe bố ! Tôi nắm tay anh ta kéo ra khỏi hội trường: - Ừ. Lên bàn năm luôn. Nhưng để tôi sang lãnh thư đã. Nếu không, hết giờ phải lãnh thư trễ anh bạn ạ. Gần 12 giờ. TMS đã thưa người. Tôi đưa thẻ tị nạn vào. Cô gái quen mặt bên trong mỉm cười trao lá thư cho tôi. Thư Bidong. Thất vọng. Cứ tưởng thư của Quyên và Vũ. Thôi về nhà hẳng hay. Tôi nhét lá thư vào túi, bước vội vã theo anh bạn trẻ hân hoan đi trước. Buổi trưa nắng gay gắt. Mọi bữa nắng như thế này tôi đã rút vào nhà. Tuổi già và 8 năm cải tạo làm tôi suy yếu, không còn sức chịu đựng nắng mưa. Nhưng hôm nay tôi thấy lòng phấn khởi. Nắng như ấm lại. Trời như xanh hơn. Còn tôi, người chứng kiến và có tham dự chút ít vào cái căng thẳng, nỗi vui buồn, hân hoan, tuyệt vọng đó của người Việt tị nạn thì giờ đây đang run vì lạnh và tâm hồn chưa đủ chai sạn trước nỗi buồn, thất vọng của con người. Ngày nay, nếu ta hỏi ai đó, là tại sao bạn rời Việt Nam, thì ôi thôi, chắc chắn là ta sẽ nghe được một loạt những chữ như: bất công, đàn áp, vô thần, khát máu, tự do, nhân quyền các thứ,.nhưng nếu ta đem những chữ đó vào nói với giới chức INS để xin được định cư tại Mỹ (theo diện tị nạn) thì chắc chắn là không ăn thua. Bà Fong sẽ nhăn mặt và hỏi : _Thưa ông, xin ông nói cụ thể cho tôi biết ông đã bị phân biệt đối xử như thế nào ? Cái mà những người hàng xóm của ông không bị mà ông lại bị. Còn nếu ông nói chung chung như thế, chắc là tôi phải nhận tất cả mọi người ở đây vào nước Mỹ ngay cho gọn. _Dà, ... tụi nó nhốt tui vô tù. _Lý do gì vậy ông, bao lâu ? _À,...năm đó, tại tui tổ chức vượt biên nên nó đánh tui ghê lắm, nhốt riêng mấy tháng rồi ở tù thêm 2 năm nữa. _Vậy cái lần đó, lý do gì mà ông tổ chức vượt biên ? _Nói sao giờ hả chú, giúp tui đi (tiếng Việt) _Em cũng không biết anh à (cũng tiếng Việt) _Sao không dịch ha em ? Bày người ta hả ? (Bà già hỏi thằng ...mắc dịch) _..........dạ vì tui đi tìm tự do.(người đàn ông nói). Và cứ loanh quanh như mèo bắt chuột, cuối cùng thì người đàn ông nọ cũng đã không đưa ra được cái lý do nào chính đáng để "thuyết phục" bàn bốn cả. Bà Fong mau mắn và lạnh lùng nói như máy: _Thưa ông, rất tiếc là ông đã không đủ điều kiện để nhập cư vào Hoa Kỳ theo diện tị nạn, tuy nhiên ông có thể làm đơn xin tái cứu xét nếu ông thấy rằng trong cuộc phỏng vấn này, ông chưa nói và chưa đưa hết được các bằng chứng ông có. Ngoài ra, ông nên biết là ông cũng có thể nhập cư vào Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh blah blah.... Vừa nói tay bà ký rèn rẹt lên mấy tờ giấy, thằng tôi ngồi bên thò tay cầm con dấu có chữ "DENIED" và chữ "MARY FONG" đóng cồm cộp lên mấy tờ giấy kia. _Giấy xù hả chú, vậy là tui bị xù hả ? Người đàn ông ngơ ngẩn hỏi như không thể tin được rằng, người bị tù tội, bắt bớ như ông lại bị bàn bốn xù lẹ như vậy. Ông thẩn thờ bước ra, thằng nhân viên hội trường thò đầu hỏi : _Ăn trưa hay làm tiếp vậy anh. _Hai case nữa. Cứ thế, "ngày dài" của tôi tiếp tục trong cái buồn chán, đau khổ của bàn bốn. Nói vậy, không có nghĩa là không có cái vui, nhưng tỷ lệ là 2 nhận 3,4 xù thì cũng là buồn nhiều hơn vui . Ngày ở Bidong đói thuốc, đói cafe bao nhiêu thì ngày qua Sungei Besi, tôi được mời cafe nhiều bấy nhiêu. Nhưng bụng đâu mà chứa, chiều tối, sau một ly ở canteen, tôi âm thầm về đem tài liệu chuyên dành cho đám ...mắc dịch bọn tôi ra coi lại. À, anh Giàu, Nguyễn duy Giàu, trưởng ban thông phiên dịch đã soạn ra cuốn này (ê, còn sống không cha nội ? đọc được bài này hê lên nghe). Cũng cám ơn vợ chồng Nguyễn đoàn Bằng nữa, đã lo cơm nước cho "thầy" ba tháng. Giờ này chắc làm giám đốc rồi hả em ? Từ từ sau một thời gian, tôi đã nắm được phần nào cái tiêu chuẩn, guidelines của INS khi họ quyết định nhận một ai vào Mỹ, và cũng từ từ, những người sắp lên bàn bốn cũng biết nơi tôi cư ngụ và từ đó, tự do riêng tư của tôi hoàn toàn mất hẳn và tôi lại có "Gà". Gà là gì ? bạn hỏi. Ừ, gà là người tới gặp riêng mình, mời mình uống cafe, mua thuốc cho mình hút để mình bày cho những câu nói, những lý do khôn ngoan để bàn bốn nhận vô Mỹ. Ngày mà gà lên bàn bốn gặp mình, gà và thằng nuôi gà cả hai cùng run. Và nếu gà bị xù, tôi cũng đau khổ gần như là bản thân tôi bị xù vậy. Nói vậy không có nghĩa là tôi xấu xa nhe, không phải là ai cho tôi cafe thuốc lá tôi mới giúp ý. Tôi luôn bỏ thì giờ ngồi giải thích, thực tập hỏi đáp cho bất cứ ai nhờ đến tôi. Nhưng rồi, nhiều đêm, tôi phải trốn ra thư viện, rồi lại phải tìm nơi khác, như là góc sân banh, khi thư viện đã bị lộ. _Vậy, thưa cô, theo giấy tờ này, cha cô chỉ là hạ sỹ phải không ? _Dạ, cháu cũng không rành, ngày ba cháu đi lính, cháu còn nhỏ xíu. _Thưa cô, ba cô có đi cải tạo hay không ? _Dạ có, hình như ba ngày thì phải. _Gia đình cô có bị tịch thu tài sản gì không ? _Hình như là không có, nhà cháu không có nhiều đất nên không nghe nói gì về chuyện này. _Vậy, thưa cô, tại sao cô rời Việt Nam ? _Uhm....um....cháu ....cháu.... _Cô không muốn nói hay không có lý do để nói ? _Dạ, kỳ quá...cháu...đi buôn cà phê...bị quản lý thị trường lấy hết rồi hắn...ấy cháu mới chịu cho cháu lấy hàng ra. _Tôi phải dịch chữ "ấy" là "hiếp" cô có chịu không (thằng mắc dịch hỏi) _Dạ được anh (nói với mắc dịch)...rồi trong xã ai cũng biết chuyện này nên cháu thấy khó lấy chồng quá, đành đi vượt biên. (nói với bà Fong). Bà Fong bỗng như ngồi phải cọc, bỏ cặp kiếng lão ra nhìn cô gái trước mặt như nhìn một nạn nhân chất độc da cam. Bà lại đeo kiếng vào, hí hoáy viết lia lịa trên tờ giấy ghi lý do. Bên cạnh, thằng mắc dịch kia thò tay chụp cái mộc "APPROVED" và đóng cồm cộp, miệng nói: _Chúc mừng cô, đơn của cô xin định cư tại Hoa Kỳ đã được cứu xét và chấp nhận...blah.. blah. _Vậy là được nhận hả anh, trời........ôi.........ôi,.........ah ha.!! Cô cười và cười, có lẽ miệng cô còn quá nhỏ để chứa đựng nụ cười kia chăng ? Tối hôm đó, về tới nhà, tôi đã thấy cô đứng chờ tôi từ bao giờ, cô cầm trên tay ba gói thuốc Lucky Strike. Cô nói: _Em tới lâu rồi, nghe mấy người ở đây nói là anh hay hút thuốc này nên chạy mua tặng anh. Ôi cha, không ngờ anh bày cho em cái "độc chiêu" này, nó hiệu nghiệm như thần. Tôi chỉ ngán ngẩm nói : _Mong là cô đừng bày cho ai, lần sau nếu có ai nói giống như vậy, sẽ có hại chứ không có lợi, vì bà Fong sẽ nghi ngờ. _Em mời anh ra canteen uống nước với tụi em nhe, hôm nay còn bao nhiêu tiền, em sẽ xài hết. _Cám ơn cô, tui bận quá, ăn cơm xong, tui sẽ.........đi trốn. Chúc cô nhiều may mắn. Giờ này, có lẽ cô đã có chồng con đàng hoàng, có lẽ cô phải "đi walk" hàng ngày cho bớt mập, và cô than là "đứng cook" đau đầu gối quá ? Hay là cạo frost lạnh quá ? Ghi chú : Giới chức INS khi phỏng vấn, họ luôn dùng Sir và Ma'am nên khi đọc, bạn sẽ thấy nhiều "thưa ông, thưa cô, thưa bà v.v..." Thời gian đầu làm việc với bà Fong, tôi luôn nghĩ bà là một người "thiết diện, vô tư", là hung thần, hay là gì gì nữa.... Có lẽ ngày ấy, tôi quen với quan niệm sống của người Việt, chưa giao tiếp với lối suy nghĩ của người Tây Phương chăng? Nhưng rồi từ từ, thỉnh thoảng, bà ngừng cuộc phỏng vấn của bà vài mươi phút, tâm sự với tôi đôi câu, hỏi thăm tôi vài lời về gia cảnh, kể chuyện về bản thân bà hay chỉ để khoe một cái áo mới mà con bà mua tặng. Và bà sẽ để dành không mặc nó, chờ cho đến ngày về Honolulu thăm nhà, bà sẽ mặc vào cho con bà thấy là bà đã trân trọng món quà đó thế nào. Thỉnh thoảng, sáng sớm buớc vào phòng, bà chìa cho tôi một món quà nhỏ mà bà mua cho tôi ngoài Kuala Lumpur. Có khi là phong kẹo, gói thuốc hay chỉ là lon cà phê. Nhưng món quà mà bà thường tặng cho tôi nhất, và tôi cũng thích nhất là câu: _Mình nghỉ chút đi, ừ, chắc mày (cháu?) thèm thuốc rồi phải không ? Và tôi lại được chạy ra ngoài, hút vài hơi, nhìn trời mây lung tung đâu đó. Rồi đến một ngày nọ, đã sắp đến giờ nghỉ trưa, case chót trong buổi sáng. Một người đàn ông lên bàn phỏng vấn, lý lịch bình thường, binh nhất, làm ruộng, không cải tạo lâu ngày, cũng không có chi đau khổ. Lý do rời Việt Nam : tìm tương lai. Bà xù cái rẹt và hai người bọn tôi chia tay, đi ăn cơm. Một giờ chiều, case đầu tiên, một cậu bé 12 tuổi lên bàn. _Cháu đi với ai hay chỉ có một mình ? _Dạ con đi với chú hàng xóm. _Ba má cháu gởi cháu cho ông đó hay sao ? _Dạ. _Vậy cháu ở với ai trong trại ? _Dạ con ở với chú hàng xóm. _Ô, vậy ổng là người trông nom cho cháu hả. _Dạ. _Tại sao cháu rời Việt Nam. _Ba má con nói là qua Mỹ để có tương lai hơn, chớ ở Việt Nam nghèo hoài à. Bà Fong thở dài nói : _Theo cái guidelines mới thì phải nhận cháu thôi. Tôi hoàn tất thủ tục cho cậu bé xong thì thấy bà vẫn đang bận đọc mảnh giấy nhỏ dán kèm theo hồ sơ của cậu. Chờ cho cậu bé ra khỏi phòng, bà nhìn tôi hỏi : _Cháu có nhớ anh chàng bị xù trước khi mình đi ăn trưa không ? _Dạ không...à...có. _Anh đó là ông hàng xóm của cậu hồi nãy đó. _Ô, vậy sao ? _Nè, ghi chú của JVA có nói, nhưng vì không có liên hệ ruột thịt nên tách ra thành hai hồ sơ riêng. Hừ, nhưng anh chàng kia... uhm. Cháu ra kêu JVA đưa hồ sơ của ổng vô đây lại dùm. Cô Linda (một cô làm việc thiện nguyện từ Florida, xấu ma chê quỷ hờn) đem hồ sơ vào cho bà Fong ngâm cứu. Bà săm soi hồi lâu, lật qua lật lại rồi thở dài : _Xù là đúng, anh này không có lý do gì để nhận hết. Cậu bé kia qua Mỹ sẽ có người bảo trợ khác. Không sao. Bà lắc đầu như cố xua đi cái ý nghĩ đã chia uyên rẽ thúy một đôi con người rồi chúng tôi lại tiếp tục. Bà bỗng như trầm lặng hơn và ít nói hơn cho đến 4 giờ 30. Giờ về. Cầm trên tay tập hồ sơ của anh binh nhất, bà ra lệnh mà không nhìn tôi _Cháu ra kêu anh kia lên đây tái phỏng vấn. Lòng mừng rộn ràng cho anh chàng lạ mặt, tôi chạy ra nói với thằng bên phát thanh và chỉ 5 phút sau, anh binh nhất bị xù đã có mặt, áo chưa kịp cài hết nút. Mặt mày anh đầy nét hoảng hốt lo âu. Bà Fong hỏi : _Ông làm ơn nhớ lại là tài sản gia đình ông có bị tịch thu gì hay không ? _Anh cứ nói đại đi rồi em dịch cho anh, bả muốn nhận anh đó (thằng mắc dịch nói thêm) _Nói làm sao hả anh, nói là bị tịch thu nhà hả (anh binh nhất hỏi tôi) Không như lệ thường, bà Fong lại như đang bận rộn tìm cái chi đó trong xách tay của bà mà chẳng thèm rầy la tôi khi tôi nói chuyện riêng với người được phỏng vấn. _Dạ, nhà tui thì không bị lấy cái gì, nhưng có 5 sào ruộng hương hỏa thờ ông bà bị tịch thu thôi, tui là trưởng nam vậy có tính không ? (Lời thằng mắc dịch phẹt ra chứ ông binh nhất kia có nói vậy bao giờ). Bà Fong cười hỉ hả. _Tính chớ, vậy là 5 sào hả, ừ đưa cái giấy xù hồi sáng đây, cháu làm ơn làm lại ba cái giấy tờ nghe. Bà xé giấy xù rét rét, ký rẹt rẹt xong là dông tuốt, người đàn ông vẫn đứng như trời trồng và tôi, tôi bước ra ngoài và hình như đó là lần đầu tiên, làm xong một ngày với bàn bốn mà tôi thấy vui vẻ, yêu đời. Bên ngoài, không khí cũng thấy ấm áp và trời cũng xanh hơn như ông Đông Nghi đã có lần nhìn thấy như vậy. Làm với bà Fong hơn hai tháng, bà nghỉ phép về Honolulu thăm nhà, tôi được chơi rong mấy ngày vì ngay sau đó, sẽ có ông Addington từ Thái Lan bay qua phỏng vấn các quân nhân đã mất hết giấy tờ chứng minh. Sáng nay, tôi lại được ra ngồi canteen chơi và khi đang uống cà phê, tôi thấy một người đàn ông Mã lai quen quen mà dường như tôi đã gặp ở đâu rồi, ông cũng đang ngồi bàn kế bên, đang ăn sáng và bỗng nhiên bốn mắt nhìn nhau. Tôi bỗng rùng mình, tôi nhớ ông này là ai rồi. Ngày đó, khi ghe của tôi trôi vào Pattani sau 10 ngày lênh đênh, lần mò từ đó về Narathiwat rồi tới Tak Bai. Tôi được đưa vượt qua con sông biên giới Thái-Mã, tới Tumpat và rồi Marang. Trong khi chờ Tàu Gà đưa ra Bidong, tôi thường được đi lên Terengganu để dịch cho bệnh nhân từ Bidong qua và đặc biệt là hai người Việt đã trốn trại về Việt Nam, nay lại tới Bidong lần hai. Vì lý do an ninh, hai người này được ở riêng, được phỏng vấn bởi Task Force Mã Lai và bị tạm coi như là gián điệp (?). Sau hai lần phỏng vấn hai gã "gián điệp" Việt kia, hôm sau, một chiếc xe ghé vào Marang mà lần này chỉ chở có mình tôi đi Terengganu. Gã Mã lai phỏng vấn mà tôi quen mặt, hôm nay thân thiện lạ lùng, gã bắt tay, mời thuốc rồi lại còn pha cả cà phê mời tôi uống, một ân huệ mà tôi chưa từng có được trong mấy ngày qua. Gã xởi lởi : _Hôm nay, tao có người cấp trên muốn hỏi mày vài câu đó mà. Tôi thầm nghĩ _Hỏi gì ta, mình thì có gì mà hỏi ? Hay là nó nghi mình cũng là gián điệp ? Từ đàng sau, một người Mã Lai chừng ngoài 50 tuổi, khỏe mạnh, da ngăm đen, tóc ngắn, mặc thường phục, thân thiện bước tới bắt tay tôi và tự giới thiệu : _Tao là Mahomed ..(quên rồi).. chịu trách nhiệm về an ninh cho thuyền nhân Việt Nam ở đây. Hy vọng là mày có thể giúp bọn tao chút ít với những điều mày biết. Má, ơi, biết gì mà nói đây ta, mới chân ướt, chân ráo tới đây, số tỵ nạn còn chưa có, mắc gì hỏi tui. Tôi cũng cố nở nụ cười thân thiện, cọng tác, chứ lỡ nó giận, nó nhốt mình sao ? Vài lời hỏi thăm làm quen xong là hai đứa trải ngay ra một bản đồ Việt Nam to tướng ra trước mặt tôi và Mahomed hỏi: _Ở bển, mày có biết dân tộc Champa hông ? _Ờ, có biết chớ. _Họ có thích chính quyền mới không vậy ? _Chắc hông ai thích đâu ah, ai mà thích ? _Vậy mày có bao giờ nghe tới Fulro chưa ? _Có nghe chớ, hình như là nhóm này đang quậy ở trên cao nguyên gì đó mà. Bỗng nhiên, trong đầu tôi như có sét đánh, tôi đang nói gì đây trời ? Tại sao tôi lại đi kể chuyện này cho bọn Mã Lai nghe ? Như vậy tôi có phải là Việt Gian ? Có nên vì ghét cái chính quyền Cộng sản mà đi qua đây vạch áo cho bọn này coi ? Những câu hỏi trong đầu tôi cứ như nhảy múa lung tung, nhưng ngay lúc đó, như có một kẻ nào đó trong tôi ra lệnh. _Cứ làm thằng khờ, không biết gì hết. Lo cho cái thân tỵ nạn là trên hết. Sau khi không moi được tin gì từ một thằng như tôi. Mahomed đổi đề tài và hỏi : _Mày có biết ở Bidong đời sống ra sao không ? _Tui chưa ra Bidong, đâu biết gì đâu. _Ở ngoài đó, tình hình lung tung lắm, có du đãng, có đĩ điếm, có nhậu nhẹt, đánh lộn rắc rối lắm. _Thiệt ah, bộ bà con hổng lo đi định cư sao mà lộn xộn vậy ? _Tại nhiều người ở lâu quá nên không còn thiết tha gì, có người trồng rau, nấu rượu lậu, có người mở quán buôn bán rất khá. _Thiệt ? Quán gì ? _Thì quán cà phê, quán bán tạp hóa. Mày có muốn làm chủ một cái quán hong ? _Trời, tui trụi lủi, chưa biết đi nước nào, Bidong mặt mũi ra sao tui còn chưa biết mà. _Ờ, tao chỉ đề nghị thôi, mày ra đó suy nghĩ rồi cho tao biết. _ ???. _Như tao có nói, tao chịu trách nhiệm về an ninh của thuyền nhân Việt. Ngoài đảo Bidong, bọn em út tao nó quậy, rồi du đãng đĩ điếm, rồi nấu rượu lậu, ngay cả mấy cố vấn thiện nguyện nước ngoài cũng có khi có quan hệ tình dục với mấy cô tị nạn nữa. Tùm lum thứ, mà mọi chuyện là do đàn em tao báo cáo về, tao không tin tưởng mấy. Nay tao muốn có một nguồn tin độc lập, mà người tao chọn là mày. Nếu mày đồng ý, tao sẽ thu xếp cho mày làm chủ một cái quán, mày sẽ báo cho tao những gì mắt thấy, tai nghe về hành vi của bọn Task Force đàn em tao, về du đãng Việt trên đảo, về hành vi của các cao ủy, đủ thứ hết. Mày chịu không ? _Rồi cái tiền lời bán quán ai hưởng ha ông ? _Dĩ nhiên là mày hưởng chứ, nhưng tao cũng nói luôn cho mày biết, công việc của mày sẽ rất nguy hiểm, vì nếu bọn đàn em tao biết mày là ăn ten của tao thì mày cũng chết, bọn du đãng biết thì cũng chết mà cao ủy tị nạn biết thì mày cũng khỏi mong được giới thiệu đi đâu hết. ...Móa ! ghê vậy cha, vậy thằng nào dám làm... Tôi đánh nước đôi: _Vậy ông cho tôi suy nghĩ chớ, tui chưa ra đó chưa biết gì hết làm sao trả lời chắc chắn được. Mahomed cười : _Được lắm, một tháng sau, nếu có ai tìm mày, nói là có người bạn lớn tuổi hỏi thăm, đó là người của tao. Chúc mày may mắn. Bắt tay ra về, Mahomed còn cho tôi mấy cuốn tạp chí Nam cầm thep đọc đỡ buồn nữa. Tôi đứng dậy và bước tới bàn ông ngồi rồi chào : _Chào ông Mahomed, ông còn nhớ tôi không ? Ông cười và nói : _Nhớ mặt thôi nhưng quên tên rồi, mày đã được nhận rồi hả ? _Tôi được Canada cho định cư, ngày đó, người của ông có tới tìm tôi nhưng rất tiếc là tôi...... _Tao biết, một tương lai đang chờ đợi, ít ai chịu liều mà làm chuyện đó lắm. Mày biết không, những kỹ sư, bác sỹ Mã Lai mà muốn tới các nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc định cư mà đâu có dễ, tụi mày chỉ thoát ra khỏi Việt Nam là đổi đời rồi (giọng ông như có vẻ ganh tị) Hà hà, tao nhớ có lần tao ghé Marang, tao nói với một nhóm thuyền nhân mới tới là ở Mã lai này, cũng là nước tự do, có ai muốn định cư ở đây hay không. Cả nhóm ngồi im, không ai lên tiếng, chắc họ chê Mã Lai nghèo. Tôi cố gỡ gạc: _Thì cũng không trách được, nếu cho lựa chọn nước nào để định cư sau khi rời Việt Nam, người ta sẽ chọn chứ, không lẽ lại chọn Mã Lai thay vì Mỹ, tôi thấy chuyện đó cũng bình thường. Chúng tôi ngồi nói chuyện thêm chừng 10 phút nữa thì ông đi, không hiểu, ông đã tìm ra ai làm cái công tác kia cho ông hay không . Mấy ngày sau, tôi có tin báo là bà Fong sẽ không trở lại nữa, ông Addington sẽ thay thế và bay từ Thái Lan qua để phỏng vấn các quân nhân mất giấy tờ. Addington hút thuốc như xe lửa nên tôi cũng hút theo, phòng lạnh của bàn bốn khi nào cũng mù mịt khói. _Anh khai anh làm công việc bảo trì máy bay F5 ở Biên Hòa hả ? _Dạ đúng. _Anh có biết cái "&%$@*&" là gì không ? _Oh, biết chớ, cái đó nằm dưới cánh máy bay đó mà, dùng để khi cất cánh, nó.... APPROVED. _Anh là phi công Caribou ? Vậy anh cho biết khi cất cánh, máy phải quay đủ bao nhiêu RPM ? _Dạ, tối thiểu là 3500 RPM. APPROVED. _Cái trại đó ở Đà Nẵng năm xưa, cái cổng sau có tên gì, anh còn nhớ không ? _Có chớ, kêu là Dog Gate. APPROVED. Thời gian này có lẽ là thời gian dễ thở nhất cho tôi, vì hầu như ai cũng được nhận. Và chỉ mấy ngày sau, tôi có list bay đi Canada. Sáng sớm, ngồi trên chiếc xe buýt chở tôi ra phi trường, tôi chỉ còn nhìn thấy hội trường thấp thoáng sau hàng cây. Trong đó, có Bàn Bốn của tôi. Hai ngày sau, máy bay đáp xuống phi trường Vancouver trong một chiều đầu Thu có nhiều nắng vàng. |