Trúng Số |
Tác Giả: Thanh Mai |
Thứ Năm, 05 Tháng 3 Năm 2009 04:50 |
Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Nghe cán bộ quản giáo gọi tên báo có người đến thăm nuôi, Chí rất mừng và hồi hộp. Mừng vì sẽ được gặp người nhà, và hồi hộp không biết người đến thăm anh kỳ này là ai, không biết sẽ mang đến tin lành dữ thế nào. Kỳ thăm nuôi trước, vợ anh có dẫn thằng con trai vào thăm. Nàng nói là vài hôm nữa hai mẹ con sẽ về quê thăm cậu Thu bị bịnh nặng. Đây là cách nói khéo cho anh biết nàng sẽ cùng con đi vượt biển vì cậu Thu là người cậu đã đi du học và ở lại Nhật luôn sau khi thành tài. Chí rất lo âu và nôn nóng, không biết chuyến đi của hai mẹ con lành dữ thế nào. Anh ở trong tù vô phương giúp đỡ, hoặc chia xẻ sự nguy hiểm và gian nan của chuyến hành trình vượt biển này. Ngày qua ngày, ruột gan cứ nóng như lửa đốt, anh giờ chỉ biết cầu nguyện cho vợ con bình an tới được bến bờ tự do, dù biết rằng nàng ra đi lần này là coi như "từ nay cách xa ngàn trùng". Chí dõi mắt tìm và nhìn thấy chị Sáu của anh đang đứng lẫn trong đám người chờ thăm tù. Mặt của chị trông mỏi mệt nhưng không dấu được nét hân hoan, vui vẻ khi nhìn thấy anh. Chí tạm yên tâm khi nhìn thấy nét mặt của chị. Sau ít câu thăm hỏi sức khỏe, chị Sáu cho biết: - Con Tâm (tên vợ Chí) dắt thằng Na và con Uy về quê gặp cậu Thu rồi ở dưới đó luôn không về nữa. Cậu Thu giữ mẹ con nó lại để phụ trông nom nhà máy xay lúa cho ổng. Chí mừng rỡ: - Mẹ con nó bình an mạnh khỏe hở chị? Em chỉ mong con cái được ăn học nên người, còn mẹ nó kiếm được chỗ làm tốt là em mừng rồi. Chị nhắn dùm mẹ con nó, và nhất là thằng Na con Uy cố gắng viết thơ cho chị biết tin tức thường xuyên nhé. Anh lập lại tên thằng Na với con Uy để chị Tư biết là anh đã hiểu ám hiệu của chị cho biết là hai mẹ con đã tới Na uy. Thật ra anh chỉ có một thằng con tên Bình. Chị Sáu cười khi thấy anh đã hiểu ý. Chị khuyên: - Ừa! Em cứ yên tâm học tập tốt để mau về đi thăm mẹ con nó. Thỉnh thoảng chị sẽ đi thăm và cho em biết tin tức. Em đừng lo! Cả ngày hôm đó, lòng Chí cứ hân hoan vui sướng. Anh như cất đi được một tảng đá đè nặng trong lòng cả tháng nay. Bình an đến được bến bờ tự do là mừng rồi. Từ nay vợ con anh phải tự lập và bắt đầu cho một cuộc sống mới nơi đất khách quê người. Anh đột nhiên mong mỏi vợ anh có thể tìm được một người tốt để nương tựa và giúp đỡ trong những bước đầu tha phương và có thể cho cả cuộc đời còn lại. Còn thân anh, thì coi như đã ký một bản án chung thân không có ngày về. Anh không mong muốn vợ anh phải mòn mỏi làm nàng vọng phu hóa đá chờ chồng. Chú Nhân là người bạn rất thân của Chí trong những ngày tháng cải tạo, ngạc nhiên hỏi: Tao thấy mày coi như mất vợ mất con mà sao tươi rói vậy? - Cuộc đời của mình coi như bỏ, tại sao phải ràng buộc người ta cho thêm tội. Tui chỉ mong vợ con mình có một cuộc sống mới và an lành. Người ta có đi bước nữa tui cũng mừng cho nó. Từ ngày mất nước thì tui đã coi như mình mất tất cả rồi đó chú Nhân à. Chú Nhân rất thương Chí. Hai người đã cùng nhau trải qua những khó khăn, chia xẻ cho nhau từng miếng cơm, bát nước từ mấy năm nay trong tù. Chú rất thích và phục thằng nhỏ có tư cách, có tinh thần vị tha, và nhân nghĩa này. Trong hoàn cảnh đói khổ hiện nay mà nó còn có thể nhịn ăn mà nhường miếng cơm cho người bạn tù khác, và nhiều khi chú thấy nó cố gắng làm thêm việc để âm thầm giúp đỡ cho những bạn tù già yếu hơn. Chú khoe với Chí: - A, tao mới nhận được thư của con Vành Khuyên. Con nhỏ thật tội, có tình có nghĩa hết sức. Ăn xong tao đưa cho mày đọc cho vui. - Cô Khuyên thật là tốt hở chú. Tui thấy mấy đứa con của chú không viết thư mà cô Khuyên là cháu lại viết cho chú hằng tháng. Chú Nhân hay chia xẻ thư của cô cháu gái cho Chí đọc chung đỡ buồn. Qua lối viết thơ, Chí nhận thấy cô nàng có một lối suy nghĩ rất thuần khiết, trong sáng và đạo đức. Hơn nữa, cô ta đã khuyên nhủ, động viên, và gây được một niềm tin mãnh liệt cho hai chú cháu có được thêm can đảm và nghị lực để sống, chịu đựng được những gian truân và thử thách. Ngày tháng qua nhanh, vợ con Chí đã ra đi được gần hai năm trời. Chị Sáu một đôi lần vào thăm nuôi để báo tin gia đình, bà con bạn bè hàng xóm. Cha mẹ Chí mất sớm, năm bà chị chị lớn đã thay cha mẹ nuôi nấng Chí nên người. Riêng chị Sáu lo lắng cho Chí từ miếng cơm manh áo, đối với anh như một người mẹ. Những lần chị Sáu vào thăm, Chí cứ nhờ chị nhắn vợ anh đừng chờ đợi, nếu có cơ hội cứ tìm một hạnh phúc mới. Hôm nay chị tới thăm nuôi và báo cho Chí biết: - Cậu Út à, con Tâm nó có viết thơ nhờ nói với em là nó xin lỗi đã không thể chờ em được. Nó đã lập gia đình với một người đã cứu giúp hai mẹ con từ lúc mới về quê. Nghe nó nói người đó rất tốt, thương và đối với đứa nhỏ như con ruột. Chí đã chuẩn bị tinh thần từ lâu và cũng đã mong vợ anh có thể quên anh để đi thêm bước nữa, nhưng anh cũng cảm thấy hụt hẫng và như đánh mất một cái gì thật quí báu. Chí hít một hơi thở sâu để tự trấn tĩnh mình và bình tĩnh nói với chị Tư: - Em cũng mừng cho Tâm và mong nó được hạnh phúc. Chị nhắn với nó dùm là em thật tình không trách gì nó đâu. Chị Sáu nắm tay Chí như muốn truyền qua em niềm cảm thông và sự khuyến khích: - Chị mong là cậu qua được ải này. Đời còn dài mà, rồi có ngày cậu cũng được tự do và tìm được hạnh phúc thôi. Chỉ cần cậu phải ráng giữ gìn sức khỏe và sự bình an trong tâm hồn. Chú Nhân nói với Chí sau đó: - Trước sau gì chuyện đó cũng phải tới thôi. Mày cũng đừng buồn. Cái gì không phải là của mình thì có níu kéo cho lắm nó cũng bay mất. Mày còn trẻ chán, ra đời thiếu gì người thương. Chí gượng cười: - Thì tui đã chuẩn bị tinh thần trước rồi mà. Không sao đâu chú, đừng có lo cho tui. Chuẩn bị thì chuẩn bị, đâu phải trái tim Chí là gan thép mà không đau lòng. Anh lúc thì buồn thắm thiết, lúc thì tự trách mình làm bộ ta đây quân tử Tàu bắt cầu xúi vợ làm điều bậy, lúc thì thấy cuộc đời sao vô nghĩa, mất hết niềm tin vào con người và ngay cả chính bản thân. Chú Nhân thường xuyên khuyên nhủ và động viên Chí. Chú hay đem thư của cô cháu gái cho anh đọc để khuây khỏa và có thêm nghị lực. Nhiều đoạn nàng viết không biết vô tình nhưng sao lại nhằm trúng nỗi buồn của anh mà an ủi và gây cho anh một niềm tin vào tình người để mà gượng dậy và vượt qua. Không biết từ lúc nào, Chí như thấy thân quen với cô cháu gái không thấy mặt của chú Nhân này. Anh rất mến người thiếu nữ đôn hậu, tốt bụng và đạo đức mà anh đoán ra qua thư nàng viết cho ông cậu. Rồi từ từ, thời gian đúng là một liều thuốc quên hiệu nghiệm, Chí nguôi ngoai và vượt qua được nỗi đau mất vợ mất con. Bù lại, anh có được một người bạn không chân dung và cũng là một chỗ dựa tinh thần mà anh chưa từng gặp và người ấy cũng không hề biết có anh hiện diện trên cõi đời này. Anh theo hỏi chú Nhân: - Chú Nhân à, không biết cô Khuyên đã có chồng hoặc người yêu chưa? sắc diện thế nào? có xinh không chú? Cổ là cô giáo dạy sinh ngữ và dạy đờn thì chắc là cao sang lắm? - Bây giờ không biết nó thế nào chứ 4 năm trước, trước khi tao vô tù thấy nó bịnh hoạn dữ lắm. Mặt mày dễ coi, tướng tá chẳng có gì đặc biệt. Chồng thì chưa có. Còn chuyện có bồ hay chưa tao không biết. - Bữa nào chú nói cổ gởi cái hình cho tui coi mặt với. Đọc thơ mấy năm nay mà không biết sắc diện thì cũng tò mò quá. Chú Nhân chìu ý Chí cũng viết thơ bảo cô cháu gởi cho chú cái hình. Khuyên nhớ lời Má có nói tướng mày giống con trai nếu cho ai hình thì cho coi mặt thôi nên nàng chọn một cái hình chụp chân dung gởi cho chú. Nàng đâu biết là chú mình xin hình chủ yếu để cho anh chàng Chí bạn chú coi mắt. Chí cầm tấm hình trên tay mà cứ trầm trồ suốt: - Trời ơi. Cô Khuyên không những đẹp nết mà còn đẹp người. Trông cổ phúc hậu quá. Vậy mà chưa có chồng sao kỳ cục quá vậy ta. Rồi anh gạ thêm chú Nhân: - Chú Nhân à, chú hỏi cổ dùm là cổ có ý nghĩ gì về ý trung nhân của mình. Cổ có nghĩ là có thể lập gia đình với một người đã có gia đình và đã gãy gánh rồi không? Chú Nhân kêu trời: - Mày mê nó rồi hở? Sao không trực tiếp viết thư hỏi thẳng nó đi? - Hồi giờ tui toàn đọc ké thư, giờ tự nhiên viết cho cổ thì cổ giật mình mắc cỡ ngay. Với lại tui hỏi cổ mấy chuyện đó thấy không tiện chút nào. Hỏi là hỏi cho biết vậy thôi chứ tui không dám quan hệ và gây thêm nỗi khổ cho ai, mình biết đến ngày nào mới được về mà còn ham vướng víu vào chuyện tình cảm. Vậy mà thắm thoát Chí đã ở tù được 9 năm - 9 năm lao lực, ăn đói mặc rách, cách biệt với sinh hoạt bên ngoài. Anh ốm và già đi nhiều, thân hình dong dỏng cao nay tiều tụy và khòm đi thấy rõ. Chú Nhân đã được tha về nửa năm trước nên anh không còn được đọc ké thư của cô cháu gái nữa. Trong anh mang mác một nỗi nhớ nhung, bâng khuâng về người con gái tuy xa lạ mà thật là thân quen này. Nhiều lúc tinh thần anh xuống dốc và tuyệt vọng cực cùng nhưng nhờ những lời động viên không phải cho anh trong những lá thư của nàng mà anh đã gượng dậy được và sống còn cho đến ngày nay. Anh thầm hy vọng một ngày nào đó anh cũng được thả khỏi nơi tù đầy và có cơ hội làm quen với nàng. Rồi tháng chạp năm 1984, hơn 9 năm trong các trại tù, Chí cũng được cầm lệnh tha trên tay bước ra khỏi cái trại cải tạo ác ôn này. Ba ngày sau anh tới thăm chú Nhân và rủ chú tới thăm cô cháu gái. Chú Nhân cảnh cáo anh: - Cái thằng này. Mày thương nó rồi hả? Nói trước là đừng có xây lâu đài trên cát đó nghe mậy. Đừng có trách tao là không báo trước. Chú Nhân có hai cô con gái. Chú âm thầm chấm Chí làm con rể mình nên hay nói ra. - Thì cho tui coi mắt một lần cho thỏa nỗi tò mò. Có gì tui cũng đâu dám trách chú. Chú Nhân chở Chí tới nhà nàng ở quận Phú Nhuận. Đây là một căn biệt thự nhỏ, tường cao cổng kín, tuy đã cũ nhưng vẫn không giấu được nét giàu sang một thời nào đó của chủ nhân. Chú Nhân bấm chuông và một cô gái cỡ hai mấy tuổi ra mở cổng. Chí cố đoán xem sự liên hệ giữa cô gái này và nàng. Gương mặt cô gái ốm và xương xương, không giống với gương mặt tròn trịa phúc hậu trong ảnh của Vành Khuyên. Chú Nhân như đoán được ý Chí nên vui vẻ hỏi: - Ba Má cháu có nhà không Họa Mi? - Dạ thưa cậu Năm, Má cháu có nhà còn Ba thì ra ngoài rồi. Mời cậu và... ông anh vào nhà ạ. Chú Nhân tiếp lời: - À, đây là bạn với cậu trong tù đó. Chú Nhân cùng Chí bước vào cổng. Chí nhìn thấy ở góc sân xa xa một đám lớn có nhỏ có đang chơi lò cò cãi nhau chí chóe. Một cô nàng tướng khẳng khiu ốm nhom ốm nhách, mặc quần short lòi hai cái chân như hai ống tre, nếu không có cái mặt thì không biết đâu là trước đâu là sau, đang cao giọng cãi: - Mày nhìn lộn rồi, tao đâu có giẫm mức. Nè, coi lại đi. Phải không nhỏ Bé? Cháu thấy dì không có đạp mức phải không? Một cô bé gân cổ lên cãi lại: - Chị Khuyên đạp mức tui thấy rõ ràng, ăn gian quá. Bé, mày thấy dì mày đạp mức hay không nói thiệt đi. Chú Nhân nhìn Chí cười cười rồi cất giọng kêu lớn: - Vành Khuyên. Cậu Năm tới chơi nè. Cô nàng đang cao giọng cãi lộn đó nghe tiếng chú Năm kêu vội quay lại nói lớn: - Dạ, cậu Năm tới chơi, cháu chào cậu ạ. Chí như té từ trên trời xuống đất. Ối trời ơi! Vành Khuyên đây sao? Một Vành Khuyên thuần khiết, đạo đức, thông minh, đôn hậu, xinh đẹp, vạn phần tuyệt mỹ trong mộng của anh bỗng dưng hiện nguyên hình là một con nhỏ lớn không ra lớn, nhỏ không ra nhỏ, đang chơi trò con nít đanh đá cãi nhau chẳng ra thể thống gì. Thần tượng trong anh đã sụp đổ! Hoàn toàn! Trong khi Chí đang bàng hoàng thảng thốt và tê tái cả cõi lòng thì chú Nhân dẫn anh vào phòng khách giới thiệu anh với một phụ nữ tóc bạc đã lớn tuổi nhưng trông rất cao quý, xinh đẹp: - Chị Hai ơi, chú em này là Chí, bạn học tập với em trong trại cải tạo. Chú mới ra khỏi đó thôi, gia đình không còn ai nên theo em tới nhà thăm chị cho vui. - À, chú Chí cũng đi cải tạo hở? Chú ở tù mới được thả vậy là cũng đến chín, mười năm? - Dạ, hơn chín năm đó bác. - Giờ chú sống ở đâu và làm gì? - Cháu ở nhà bà chị ở gần chợ Tân Định. Cháu mới về có 3 hôm nên mấy hôm nay phải lên phường trình diện làm một số giấy tờ xin nhập hộ khẩu. Cháu có nghề sửa máy móc cơ khí nên đang nhờ bạn bè giới thiệu kiếm việc. Rồi anh hỏi: - Cháu nghe nói cô Khuyên có dạy kèm sinh ngữ và đàn piano phải không bác? - Ủa, sao cậu biết con Khuyên? Chí giải thích: - Dạ cháu quen với chú Nhân hơn chín năm trong tù. Thấy cô Khuyên hay viết thơ thăm hỏi người cậu nên cháu rất mến cái tính nhân hậu có tình của cô ấy nên hỏi thăm thôi. - Ừa! Con nhỏ của tui có cái tính đó. Nhưng nó cũng con nít lắm cậu ơi. Chí dạ dạ thưa thưa nói cho qua chuyện. Chú Nhân hiểu ý anh nên kiếu từ ra về. Thấy bộ dạng ỉu xìu của Chí chú còn chọc quê: - Sao mậy? Lâu đài trên cát ngó bộ bị sóng đập tan tành rồi hả? Ha ha!! Ngoài sân, cô nàng Vành Khuyên vẫn đang tiếp tục trò chơi nhảy lò cò mà không biết rằng vừa giết đi thần tượng của một kẻ si tình. Khách vừa ra về thì Má kêu Vành Khuyên vào nhà và nói: - Con có biết là cậu Năm vừa dẫn người tới coi mắt không hở? Cậu ấy không nói nhưng Má đoán vậy. - Úy trời! Cậu Năm chơi cái trò gì kỳ vậy? Sao cậu không báo trước để con ăn mặc đàng hoàng một chút? Con mới có bộ đồ xoa xanh mặc vô dịu dàng yểu điệu hết ý. Họa Mi chọc bà chị: - Mặc bộ đồ đó rồi cầm cái khăn thêu đi ra vừa chào khách vừa nhún một cái thì càng hết ý luôn. Má nói: - Tới bất ngờ thì mới biết được mặt thật chứ. Người ta thấy con như vậy mà chấp nhận thì má mới an tâm. Coi bộ chú này nản rồi! - Má ơi con sống như vầy vui quá mà. Má cứ muốn con lấy chồng chi cho khổ vậy? Má nhìn Vành Khuyên, đứa con gái lớn mà lắc đầu không biết nói sao. Vành Khuyên học trong nhà dòng từ năm 3 tuổi cho đến 17 tuổi, đa phần là ở nội trú, mỗi cuối tuần mới về nhà. Trong trường dòng nàng được các soeur Pháp dạy tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, dạy văn hóa và chơi piano (dương cầm). Đối với nàng, lời ma soeur dạy là khuôn vàng thước ngọc, tất tất noi theo không bao giờ nghi ngờ hay cãi lại. Nàng được giáo huấn bằng giáo lý nên tâm hồn rất đạo đức và thuần khiết. Những lá thư nàng viết vô tù thăm ông cậu đã thể hiện những suy nghĩ chuẩn mực và nề nếp do hấp thụ nền giáo dục đó. Nhưng ngược lại, sự giáo dục khép kín của nhà trường và gia đình làm nàng thiếu đi sự nhạy bén trong giao tiếp hoặc tiếp xúc với xã hội nên vài cư xử hoặc đối thoại có vẻ hơi ngây ngô đối với người bình thường. Cũng giống như một số người học giỏi, suốt ngày cứ ngập đầu với sách vở, nhiều khi ra đời lại "ngố" như người ở hành tinh khác. Họ thường không thành công bằng người tuy đầu óc kém cỏi hơn nhưng lại rất thực tế và thường được mọi người cho là lanh lợi. Sau khi ra khỏi nhà dòng, Khuyên theo học tại trường Đại học Luật khoa. Nhưng đến năm thứ ba thì đổi đời, chính quyền mới dẹp đại học Luật khoa mà đổi thành Đại học kinh tế. Học một thời gian thấy ngành kinh tế không phù hợp nên nàng bỏ học về nhà mở lớp dạy kèm piano và sinh ngữ. Nàng vẫn không giao tiếp với xã hội bao nhiêu nên cho đến nay vẫn giữ nguyên cái tính chất tương phản như ngày nào vừa chính chắn nhưng cũng rất ngây ngô, khờ dại. Tuổi nàng nay đã ba mươi mốt nhưng lại ham vui như một đứa con nít. Có giờ rảnh hoặc một tí cơ hội là tranh thủ chơi ngay, bất kể trò chơi của lứa tuổi nào. Chẳng hạn đánh đu, lò cò, u mọi, đánh đáo, nhảy dây, tạc lon, đá dế, năm mười...đều có nàng hăng hái và nhiệt tình tham dự. Còn đối tượng chơi thì bất kể, mấy đứa cháu, con nít hàng xóm, và ngay cả mấy đứa học trò của nàng vừa dạy xong là cô rủ trò chơi ngay. Vành Khuyên là chị lớn, sau nàng còn một người em gái đã lập gia đình là Họa Mi. Tất cả đều ở chung trong căn biệt thự nhỏ đó do ông bà Nội của nàng để lại. Khuyên xinh đẹp hơn cô em Họa Mi nhưng cô em qua mặt lập gia đình trước vì Khuyên đã có lần từ hôn. Nàng đã chủ động dứt khoát cuộc tình khi phát hiện và khẳng định đối tượng trong tương lai không thể là người chồng tốt và người cha gương mẫu cho các con mình. Từ sau ngày vỡ mộng, Chí tìm cơ hội đi vượt biên. Anh có nghề sửa máy móc nên các chủ ghe hoặc người tổ chức vượt biên thường móc nối cho đi theo miễn phí. Anh đã tham gia một vài chuyến vượt biển nhưng đều thất bại. Cũng may mà không bị bắt. Sau vài chuyến, anh nản, bỏ ý định vượt biển để tính chuyện ổn định đời sống. Trong thời gian này, vợ Chí từ Na uy nghe tin anh ra khỏi tù đã gởi giấy tờ về yêu cầu anh ký giấy ly hôn. Vậy là từ nay anh đã dứt khoát với nàng cả về tinh thần và pháp lý. Thế cũng xong. Gần đây, Chí thấy mình như đang gậm nhấm một nỗi cô đơn, khắc khoải và...nhung nhớ. Anh mong muốn có được một người bạn đời để chia xẻ những vui buồn và người ấy phải tâm đầu ý hợp với anh, phải có một tấm lòng, bao dung, và chung thủy. Còn ai ngoài cô ấy? Hình ảnh Vành Khuyên lại trở về và tràn ngập trong tâm trí. Tâm trạng của Chí lúc này thật là mâu thuẩn. Một bên là chỗ dựa tinh thần trong một thời gian rất dài với những ấn tượng tốt đã hằn sâu trong tâm trí, mặc dầu đó chỉ là sản phẩm của sự cảm nhận và trí tưởng tượng. Một bên là hình ảnh đến với anh qua tai nghe, mắt thấy hình ảnh này mới đầu đã làm đo ván thần tượng của anh và làm cho anh choáng váng. Nhưng lần lần ngày qua ngày, trái tim của anh biện minh và cho rằng đó chỉ là một hiện tượng, chưa chắc đã nói lên được hoặc nói đúng bản chất. Anh muốn cho anh và cho nàng thêm một cơ hội để tìm hiểu kỹ càng hơn. Thế là anh lại rủ chú Nhân tới nhà Vành Khuyên lần nữa. Chú Nhân ngạc nhiên lắm, hỏi: - Cả nửa năm rồi mà vẫn chưa quên được hở mày? Tính kỹ chưa đó? - Tui muốn tìm hiểu kỹ hơn. Chú giúp tui đi mà. Hai chú cháu đến lúc Khuyên đang dạy đàn. Nhìn cô giáo tận tình, kiên nhẫn và thân ái chỉ bảo cho cô học trò nhỏ, Chí tìm lại được hình ảnh người con gái trong mộng của mình. Chờ nàng dạy xong, anh hỏi chuyện: - Cô Khuyên học piano lâu chưa? Giọng nàng thật trong trẻo: - Dạ thưa ông, em học lâu lắm từ hồi còn nhỏ lận. - Cô có nhận học trò lớn không? - Dạ thưa ông em chỉ dạy học trò lớn mà là phái nữ thôi. Phái nam trên mười tuổi em hổng có dạy. - Hồi nãy giờ cô dạy mệt quá, cho phép tui mời cô đi uống nước nhen. - Dạ hổng được đâu. Ma soeur của em nói đó hả, nước ở nhà cả đống sao không uống mà đi uống nước ở ngoài. Má la đó. Chi nghe nói mà tức cười cho sự bộc trực một cách ngây ngô của cô nàng. Anh bỗng thấy vui vui nên giả bộ ghẹo: - Sợ má la thì đi lén? - Càng không được nữa. Ma soeur của em nói đó hả, ai rủ mình đi lén thì người đó là kẻ gian! Chú Nhân và cả Chí không nín được rũ ra cười. Khuyên ngạc nhiên hỏi ông cậu: - Ủa? bộ không đúng hả? Lần tới thăm thứ ba, Chí lại gặp nàng đang chơi trốn tìm với một đám con nít. Nhìn nàng hồn nhiên reo vui, nụ cười rạng rỡ và đôi mắt bừng sáng trên gương mặt đầy đặn, anh không còn cảm giác bàng hoàng thất vọng như lần đầu năm ngoái gặp nàng, mà trái lại, lần này anh thấy thú vị với sự hồn nhiên trẻ thơ thật là trong sáng và ngộ nghĩnh. Ngồi nói chuyện với nàng, lựa dịp anh hỏi: - Cô Khuyên có suy nghĩ gì về đối tượng mà cô sẽ lấy làm chồng không? Phải là người như thế nào? Vành Khuyên hồn nhiên nói: - A, em có đến bốn đối tượng mà em thích và muốn lấy làm chồng. Thứ nhất phải giống như "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà", bởi vì thằng Gù đó có một trái tim thật rực rỡ, hy sinh và vị tha. - Còn đối tượng thứ hai? - Đối tượng thứ hai là Quan vân Trường trong Tam Quốc Chí vì đây là một con người cương trực và trung thành. Khi Gia cát Lượng dặn Quan vân Trường phải đi đại lộ về tiểu lộ, ông ta đã vì ngay thẳng, quang minh chính đại mà không chịu về tiểu lộ nên bị bỏ mạng. Rồi nàng cười hí hí kể tiếp: - Ông có biết là em đã nằm mơ thấy mình đạp xe đạp từ Sài gòn qua tận bên Tàu, tới doanh trại của Quan vân Trường không? Khi lính canh chận em lại hỏi cô đi đâu đó, em đã dõng dạc tuyên bố là tui từ Việt nam qua đây để làm đám cưới với Quan Vân Trường. Bây giờ mấy đứa nhỏ trong nhà cứ kêu em là Quan vân Trường phu nhân không hà. Chí cũng tức cười cho sự ngây thơ vui vẻ của nàng. Anh hỏi tiếp: - Còn đối tượng thứ ba? - Là Võ đại Lang. Ông có biết Võ đại Lang không? - Biết! Võ Đại Lang trong "Thủy Hử", chồng của Kim Liên, anh của Võ Tòng phải không? Võ Đại Lang làm nghề bán phở, sao cô lại thích ông ta? Vì thích ăn phở phải không? - Không phải vì thích ăn phở. Em thích Võ Đại Lang vì ông ấy thật thà và hết lòng yêu vợ. - Còn đối tượng cuối cùng? - Là các anh chiến sĩ Việt nam Cộng hòa. Ma soeur của em nói là các anh chiến sĩ Việt nam Cộng hòa đã hy sinh thân mình bảo vệ đất nước nên em rất thích mấy ảnh. Hồi xưa em hay mua bong bóng bay màu xanh, viết thơ cảm ơn và hỏi thăm rồi gắn lên đó thả cho nó bay đi, để lỡ mấy ảnh lượm được đọc cho đỡ buồn. Chí cảm động cho tấm lòng của người con gái trước mặt anh. Nhưng anh giả bộ hỏi: - Vậy chứ lỡ bong bóng không bay tới tay các anh chiến sĩ VNCH mà lại bay tới tay các anh Việt cộng thì sao? - Lo vậy nên em có khấn Chúa cho bong bóng bay tới đúng người rồi. Chí thấy vui vui, lắt léo hỏi vặn nàng: - Vậy chứ nếu có một lần 4 đối tượng thì cô sẽ ưu tiên cho đối tượng nào? Thấy Khuyên thừ mặt suy nghĩ, anh chọc: - Anh chiến sĩ Việt nam Cộng hòa thì chắc bị loại trước vì ảnh dễ hy sinh lắm. Cô mà chọn đối tượng này thì mau ở góa. Vành Khuyên nói: - Em nghĩ Quan vân Trường chắc cũng bị loại vì ổng chắc chắn không chịu theo đạo Thiên chúa của em rồi. Còn Võ Đại Lang và thằng Gù nhà thờ Đức Bà thì thằng Gù sẽ được ưu thế hơn vì đã theo đạo sẵn. Chú Nhân chọc thêm: - Đúng rồi đó cháu. "Củi khô dễ nấu, chồng xấu dễ xài". Cháu lấy thằng Gù khỏi lo ghen tuông và có nó phục vụ khỏi chê! Lần tới thăm thứ tư, Chí ngỏ lời xin cưới! Ai cũng ngạc nhiên, Má của Khuyên hỏi: - Ủa, sao nhanh vậy? Chú em tìm hiểu kỹ chưa? Chí thẳng thắn: - Dạ thưa, tuổi cháu nay cũng không còn nhỏ. Cháu không còn thời giờ mà long nhong bồ bịch nữa. Cháu rất mến và thương tính tình của em Khuyên. Khuyên hỏi: - Nhưng ông và em đâu có biết nhau bao nhiêu mà đòi cưới? - Cô không biết tui nhưng tui biết cô từ lâu lắm rồi. Chú Nhân đã nói nhiều với tui về cô từ chín năm trước kìa. Khuyên thật thà cãi: - Ông biết em nhưng em đâu có biết ông mà dám cưới. Lấy chồng kiểu đó lỡ nhằm người xấu thì khổ lắm. - Cam đoan là không có khổ đâu, cô cứ thử đi. Thấy Khuyên một mực không chịu, Chí đành xin phép cho anh tới thăm nàng mỗi tuần một lần để có thời gian cho nàng tìm hiểu và biết anh thêm. Sau đó, càng gặp gỡ anh càng thêm yêu nàng. Anh yêu cả cái tính tình trẻ con ngây thơ và bao dung cho cái ngờ nghệch nguyên tắc của nàng như lúc nào cũng răm rắp nghe theo lời soeur dạy từ thưở xa xưa. Có lần trời lạnh anh thấy nàng mặc cái áo cụt tay mà co ro, anh hỏi: - Sao em không mặc áo khác cho ấm hơn? - Bữa nay tới lượt em phải mặc bộ đồ này. Hỏi ra thì ma soeur ngày xưa dạy nàng không được chê bai những gì cha mẹ cho mình như quần áo hoặc thức ăn. Cho nên mỗi ngày nàng lấy một bộ quần áo được xếp theo thứ tự từ dưới lên để bộ nào cũng được mặc đều. Nàng nguyên tắc cho đến nỗi rút nhằm bộ đồ cụt tay vào ngày trời lạnh mà vẫn ráng mà chịu. Ngoài cái tính nguyên tắc, cô nàng còn có cái ý niệm thật kỳ quặc về chuyện đụng chạm giữa nam và nữ. Có lần anh rủ nàng đi xem phim, cô nàng phán cho một câu: - Ma soeur của em nói đó hả. Thân thể của mình là đền thờ của Chúa Thánh Thần, đừng đi với con trai vô chỗ vắng và chỗ tối, đừng để tụi nó đụng vô thân thể của mình, bị thúi đó. Anh thiếu điều kêu trời, ấy quên, kêu Chúa: - Chúa ơi! Ma soeur ơi! Sao em không đi tu luôn đi mà ra ngoài đời làm chi vậy hở? Cứ Ma Soeur nói, Ma Soeur nói. Mấy tháng trời, Chí tranh thủ mỗi thứ tư cúp điện, Khuyên nghỉ dạy để tới nhà thăm. Nhưng tình cảm của nàng dành cho anh vẫn không tiến triển chi mấy vì nàng luôn từ chối đi chơi riêng với anh. Nhưng đùng một cái, mùa đông năm đó, Vành Khuyên bị cúm bao tử nặng phải vào nhà thương. Nàng rất xanh xao, gầy yếu, ăn vào là ói ra ngay, và bị sốt cao. Chí xin phép được thay phiên với mẹ nàng vào nhà thương chăm sóc. Mỗi ngày, sau khi làm việc xong là anh vội về nhà nấu cháo cho nàng rồi đạp xe lọc cọc đi nuôi bệnh. Anh không nề hà cực khổ, dơ bẩn, hôi hám mà tận tụy nâng đỡ, và săn sóc cho Khuyên nên nàng cảm động lắm. Mẹ của Khuyên cũng nhận xét về Chí và nói với nàng: - Má thấy cậu Chí này rất có tình với con và là một người đàng hoàng, chịu thương, chịu khó. Cậu ấy không ngại lúc con bị bệnh hoạn xấu xí và dơ dáy, lại không ngại gia đình mình giờ nghèo khổ. Khuyên cũng thấy vậy! Chí đúng là một mẫu người đàn ông đạo đức, đàng hoàng và quan trọng là có một tấm lòng sâu nặng với nàng. Tính tình anh rất chân chất, thật thà, và nhiều khi giản dị một cách dễ thương. Vấn đề là anh với nàng không cùng chung một đạo. Khuyên cho rằng hai vợ chồng mà khác tôn giáo, không cùng một niềm tin thì khó mà đồng cảm với nhau để cùng vượt sóng gió ba đào hoặc hướng dẫn con cái sau này. Nhưng Chí rất yêu nàng, anh không ngại theo đạo của nàng và đi học giáo lý. Ba của Khuyên hỏi: - Tôi nghe nói vợ cũ của anh đã ra nước ngoài và có gia đình, vậy thì về mặt luật pháp đã ly hôn chưa? - Dạ đã dứt khoát và có giấy tờ chấp nhận ly hôn rồi. Cháu sẽ đem trình cho hai Bác và gia đình xem. Má nói: - Con Khuyên của tôi hồi giờ không biết và không bao giờ nấu ăn, tôi muốn cho cậu biết trước. Anh cam đoan: - Dạ cháu không lo về chuyện đó. Nếu cháu muốn tìm một người nấu nướng giỏi thì ở đâu cũng có. Còn hồng nhan tri kỷ thì chỉ có một, đó là em Khuyên. Cháu cam đoan sẽ lo cho em với hết sức của mình. Em Khuyên không biết hoặc không thích nấu nướng, cháu sẽ làm hết. Bác đừng lo. - Em nó tính tình còn con nít ham vui lắm. - Dạ không sao. Cháu nghĩ cô ấy có một thế giới riêng và cháu tôn trọng thế giới ấy. Khi yêu, người ta thường để lý trí ở dưới trái tim. Vấn đề là khi nào thì lý trí bị trái tim đè nghẹt thở sẽ vùng dậy đây? Chí xin phép chở Khuyên về quê ra mắt các chị của anh. Anh là con trai út nhưng lại là con trai đích tôn trong dòng họ. Các bà chị của anh đều lớn tuổi và con cái của họ lớn có nhỏ có đủ cả. Thấy cậu Út chở người yêu về từ đầu làng, một đứa chạy về thông báo và xe vừa ngừng trước cổng cả đám nhóc xúm lại xuýt xoa chào hỏi mợ tương lai ngay. Vành Khuyên thấy trẻ con là hòa đồng vui vẻ nói cười với chúng nên bọn trẻ thích lắm. Vài phút sau, chị Hai và chị Sáu từ nhà dưới đi lên, hỏi Chí: - Nghe nói cậu Út có chở con nhỏ về hả? Nó đâu rồi? Chí nhìn quanh quất: - Ủa, nó mới đứng đây với đám nhỏ mà giờ đâu mất hết rồi vậy cà? Chị Sáu chỉ tay vào bụi dâm bụt ở góc sân: - Phải con nhỏ đang chỏng khu trong bụi dâm bụt kia không? Chí nhìn kỹ và xác nhận: - Phải nó rồi đó chị. Chắc đang chơi năm mười với tụi nhỏ. Chị Hai kêu lên: - Trời ơi! Tôi lạy cậu. Cậu mà cưới cái con nhỏ còn non choẹt đó thì có nước đem về mà hầu thôi. Con nít con nôi không hợp với cậu đâu. Chí cãi: - Úy, nó không phải con nít con nôi đâu. Ngó vậy chứ nó trên ba chục rồi đó chị. Chỉ có cái tính ham chơi với trẻ con một chút thôi. Chị Hai: - Thì tùy cậu. Chị nghĩ là nay cậu cũng biết suy xét và biết chọn người bạn trăm năm rồi. Khôn nhờ dại chịu. - Cám ơn chị Hai. Em cũng tin lần này mình chọn đúng. À, em cũng muốn cho các anh chị biết là em sẽ theo đạo Thiên chúa để cưới em Khuyên. Nhưng về nhà mình em vẫn thờ cúng ông bà cha mẹ. Cũng may các chị của anh tuy ở thôn quê nhưng không cố chấp và bảo thủ nên vấn đề anh sẽ theo đạo Thiên Chúa họ cũng không có ý kiến gì. Họ chỉ cần anh biết thờ cúng ông bà tổ tiên. * - Em không biết nấu nướng thì phụ anh bưng thức ăn lên bàn thờ và lạy ông bà cha mẹ, mấy chị sẽ thương em lắm. Biết không? - Dạ! Vành Khuyên rất nghe lời chồng khuyên bảo dặn dò. Nàng cũng dọn bàn thờ, rồi thắp nhang lạy theo nghi lễ cổ truyền. Mấy chị của Chí cảm động lắm vì nghe nói bên Thiên Chúa họ không làm lễ thắp nhang hoặc lạy bàn thờ Phật. Nàng lại thưa gởi với mấy chị và anh rể rất tôn kính, lễ phép nên lần lần họ đều thương mến. Nhất là đám cháu, tụi nó mê Mợ Út như điếu đổ vì Mợ Út thật là chịu chơi, vui vẻ, lắm trò, lại thông thái biết đủ thứ. * - "Chị Hai tắm cho hết thúi". Con em thật có máu hài. Nó có lần nghe Khuyên dẫn lời Ma Soeur để nói với Chí khi anh rủ nàng đi xi nê nên có cơ hội là đía bà chị thẳng cánh ngay. Hai vợ chồng mới cưới thuê một căn nhà nhỏ ở Phú Nhuận chỉ cách nhà cha mẹ của Khuyên vài ba trăm mét để ở. Vợ anh muốn thường xuyên về nhà nhõng nhẽo cha mẹ và chơi những trò trẻ con của nàng với tụi nhóc xóm cũ nên anh thương vợ cũng chiều ý nàng. Khuyên vẫn tiếp tục nghề dạy kèm sinh ngữ và dạy piano. Chí làm cho một xưởng cơ khí sửa chữa ô tô. Kinh tế gia đình cũng tạm ổn. Khuyên là một phụ nữ ít khi quan tâm đến vật chất, và tiền bạc. Nàng cứ hồn nhiên mà sống. Đối với nàng "hạnh phúc là yêu những gì mình đang có", và nàng rất hạnh phúc với tình yêu và sự bảo bọc của chồng. Ngày chơi với trẻ nít, đêm về chơi trò...vợ chồng. Thùng xà bông thơm của cô em tặng chỉ thoáng là xài hết sạch, phải mua thêm không biết bao nhiêu mà kể. Nàng hay nhõng nhẽo với Chí: - Anh ơi. Em có thúi không hở? Và Chí luôn hôn lên má vợ: - Em luôn thơm như...múi mít mà, cưng ơi! Đừng lo, ma soeur của em nói không đúng đâu. Có lẽ vì nhõng nhẽo kiểu này nhiều quá nên cứ mỗi hai năm nàng sinh một nhóc trai gái xen kẽ. Đến năm 1994 khi được chấp thuận cho định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO thì gia đình Trí Khuyên đã thành đại gia đình 6 người trai gái đề huề. Qua xứ người, tất cả đều bắt đầu từ số không. Cũng may nhờ có chương trình welfare giúp đỡ thời gian đầu nên Chí không cần phải đi làm ngay mà có thể đăng ký đi học ESL (tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai) và đồng thời học ngành "Auto Repair" cho hợp với năng khiếu và sở trường của mình. Khuyên ở nhà săn sóc đám nhóc và nhận dạy kèm đàn piano. Giờ đây mẹ cũng thông qua trò chơi mà giáo dục trẻ nên trong nhà lúc nào cũng tưng bừng tiếng cười rộn rã. Giờ thì cần gì phải đi đâu xa để tìm bạn chơi. Còn Chí! Đi học về là nhào vô bếp nấu nướng phục vụ ngay. Anh vẫn giữ được lời hứa với cha mẹ vợ là không bao giờ để Khuyên đụng vào bếp núc. Trong khi Chí bận rộn xào xào nấu nấu thì mấy mẹ con vô tư nô đùa rộn ràng. Bạn bè Chí khi tới chơi thấy cảnh đó hỏi anh: - Sao anh không bảo chị ấy mà cứ để chỉ chơi trò con nít mãi vậy? Chí vẫn vui vẻ nói: - Hãy để bả trong thế giới riêng của mình. Nhưng còn thế giới của Chí trở thành thế nào? Nhiều hôm muốn được yên tĩnh, anh chui vào phòng và mới nằm yên được một vài phút là nghe tiếng tu huýt kêu vang. Tiếp theo là tiếng hô dõng dạc của chị nàng: - Hãy tìm anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ra đây! Bây giờ thì thằng Gù Nhà thờ Đức Bà có trốn trên nóc chuông, Quan vân Trường có chịu đi tiểu lộ, Võ Đại Lang có trốn xuống gầm giường, hoặc anh Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa có theo bong bóng bay lên trời cũng bị bọn nhóc bắt ra nộp mạng cho mẹ chúng! Và Chí lúc đó chỉ muốn tàng hình để tìm một thế giới riêng của mình mà vợ con anh không thể nào tìm ra. * Chí tốt nghiệp ra trường, kiếm được việc làm thì đứa út đến tuổi đi học. Khuyên cũng thu xếp đến trường. Nàng đã giỏi sinh ngữ nên có thể ghi tên thẳng vào chương trình Đại học. Khuyên chọn học ngành Social Worker vì rất thích những công việc xã hội, và một phần vì nàng không giỏi Toán. Khuyên là một người không thông minh nhưng rất cần cù, bền chí. Nàng như một con rùa, chậm chậm bò cho đến đích mới thôi. Trong cuộc sống vợ chồng. Chí là bóng mát, là chỗ nương tựa của nàng. Anh yêu cái tính ngu ngơ của vợ, đồng thời cũng khâm phục cái tính khí mạnh mẽ, dứt khoát, không lây nhây dây dưa của nàng. Khi Khuyên đã quyết định nên làm chuyện gì là nàng cố gắng tới cùng dù gặp muôn vàn khó khăn. Trong gia đình, việc lớn việc nhỏ đều do Chí quyết định và Khuyên là người vợ vâng lời chồng. Nhưng ra đời, Chí là người hay ngại ngùng, tự chịu phần thua thiệt có lẽ một phần cũng vì tiếng Anh bị hạn chế. Lúc này là lúc người vợ của chàng ra tay giải quyết mọi chuyện. Ngày xưa còn sống bên quê nhà, Vành Khuyên không thể thích nghi với một xã hội đầy những lòn lách, mánh mum. Nhưng với cuộc sống ở xứ sở mới này, mọi việc đều được sắp đặt một cách nguyên tắc, rạch ròi đâu ra đó thì nàng tỏ ra rất thoải mái và dễ dàng phát huy sở trường của mình. Khuyên cương quyết, mạnh mẽ đối đầu với những trở ngại và nàng chính là người đại diện cho gia đình để giao tiếp với xã hội bên ngoài từ việc trường lớp họp hành cho các con, đi bệnh viện, hoặc liên lạc với những trường sở công cộng khác. Đến khi Khuyên ra trường kiếm được việc làm là một Social Worker thì Chí bắt đầu ngã bịnh. Thời gian trong tù lao động cực khổ, thiếu ăn và những tai nạn gần chết đã ảnh hưởng đến sức khỏe anh sau này. Chí bị bịnh thấp khớp và đồng thời bị bệnh Parkison. Nhưng vì con đông nên anh vẫn phải đi làm. Khuyên vẫn còn là một phụ nữ không ham mê vật chất, tiền tài. Ngày xưa, và cả mãi đến ngày nay sống trong một xứ sở đầy vật chất xa hoa quyến rủ, nàng vẫn không thay đổi. Bình an trong tâm hồn, vui với những điều đơn giản, và sống có ích với đời, với mọi người là hạnh phúc rồi. Nàng luôn luôn tạo ra một thế giới lạc quan muôn ngàn màu sắc cho mọi người xung quanh, giúp Chí có thêm sức mạnh để chống đỡ với bệnh tật. * Một tuần sau người bạn gọi tới: - Chúc mừng ông bà nhé. Sao không thấy đãi tụi tui mà im ru vậy? Chí ngạc nhiên: - Ông nói gì tui không hiểu? Tui có gì mừng đâu! - Giỡn hoài cha nội! Giấu kỹ quá đấy nhé. Chí tưởng bị chọc: - Thôi đi cha. Cái gì thì nói đi, tui có gì mà giấu. Đến phiên người bạn ngạc nhiên: - Ủa, chớ ông bà chưa biết gì hả? Vé số hôm bữa tui tặng trúng rồi có biết không? Chí vẫn chưa nhớ ra nên hỏi: - Vé số nào? Sao lại trúng? Người bạn bắt đầu bực mình tưởng Chí đùa dai: - Cha nội! Sao không nhớ gì hết vậy? Hôm bữa party ở nhà tui có tặng mỗi gia đình một vé số lấy hên đó, nhớ không? Vé của ông bà trúng rồi đó. Tui ghi lại mấy vé số đã mua, mấy gia đình kia không có ai trúng vậy thì ông bà cầm tấm vé trúng chứ ai nữa. Chí giờ mới nhớ ra: - Ờ há! Bữa giờ quên mất đâu có nhớ. Mà cũng không biết cái vé nó nằm ở đâu nữa. Để tui hỏi bả thử xem. Mà vé số đó trúng bao nhiêu? - 200 ngàn đô la Mỹ đó cha. Tìm cho kỹ đi rồi báo tin cho tui biết ngay nha. Chí cúp máy, cuống cuồng kêu vợ: - Khuyên ơi! Tấm vé số hôm bữa đi nhà anh Nghi cho đâu rồi em. Trúng 200 ngàn đô rồi đó. Khuyên đang tắm. Nàng có tật vừa tắm vừa ca hát tưng bừng, lại còn làm thêm tiếng trống: - "Lời thiêng dâng chúa từ trong đáy tim âm thầm...Cà xịch! Cà xịch..." "Trời ơi! Dâng chúa mà trần truồng như thế Chúa nào dám nhận" Chí nghĩ thầm khi nghe lời vợ ca từ trong phòng tắm. Anh đập cửa kêu lớn: - Má nó ơi! Nghe nói nè. Vé số hôm bữa anh Nghi cho đâu rồi? Khuyên hỏi lại: - Bỏ đâu quên mất rồi. Hỏi làm chi vậy? - Trời ơi thì phải có chuyện rồi. Tắm lẹ lên rồi ra tìm nó đi. Trúng 200 ngàn đô lận đó. Khuyên nghe nói lật đật mặc quần áo chạy ra. Nàng chạy đi lục tung giỏ xách, rồi lục hộc tủ và thình lình nhớ lại kêu trời: - Chúa ơi chết con! Hình như em còn bỏ trong túi quần. Mà quần áo mới giặt sấy tối hôm qua. Không biết nó có sao không? Chí nghe nói mà thất kinh hồn vía. Cả hai vợ chồng chạy vào phòng giặt đồ moi quần áo đang còn trong máy sấy ra và tìm cái quần tây màu xanh nàng mặc hôm đi party. Trong túi quần là tấm vé số nhàu nát, mờ xịt, chẳng nhìn ra con số nào cả. Hai vợ chồng đứng lặng người ra một lúc lâu, rồi Khuyên run run nói: - Có chắc là vé số này trúng không hở anh? Chí lập lại lời của bạn nói hồi nãy cho Khuyên nghe. Nàng đề nghị: - Mình thử đi soi nó dưới kính hiển vi để coi còn nhìn được con số không? Nỗi tức giận bỗng dưng trào dâng trong lòng Chí, anh gắt: - Soi gì mà soi! Tờ vé số thiếu điều nát bét rồi mà còn đòi soi đòi ngó. Đầu óc gì mà cứ để trên mây trên gió, có tiền mà cũng không biết giữ. - Em có biết là nó trúng đâu. Anh biết rồi mà, em đâu có để ý đến tiền bạc... - Vợ người ta thì lo giữ tiền cành cạch. Còn vợ tui thì lo cái gì đâu không...Trời ơi là trời! Chí bứt tóc bứt tai tiếc của. Rồi anh nghĩ đến mấy người bạn sẽ cho là mình nói xạo và tham lam muốn hưởng một mình. Trời ơi 200 ngàn đô la Mỹ là một gia tài lớn làm biết bao nhiêu lâu mới có. Càng nghĩ càng giận vợ. Anh dằn dỗi thêm: - Tui đã dặn là trước khi giặt đồ phải xét lại và moi hết mấy cái túi mà không chịu nghe lời, cứ ẩu tả quen. Khuyên biết lỗi nên đứng im tiu nghỉu không nói lời nào. Nàng ít khi cãi lại chồng vì biết là khi giận hay mất khôn. Hãy để đối phương nói cho hả hê rồi sau đó nói hoặc phân trần thì mới có hiệu quả. Một phần nàng cũng đang tiếc ngẩn tiếc ngơ. Nói là nàng không màng đến tiền bạc hoàn toàn thì chắc là không đúng hẳn rồi. Lâu nay Chí lo và nắm kinh tế gia đình, Khuyên không quan tâm đến vì nghĩ rằng nếu không tiêu xài phung phí, sắm sửa xa hoa thì nhu cầu đâu có bao nhiêu mà cần nhiều tiền. Nhưng nay khi không bỗng một số tiền lớn trên trời rớt xuống, con người chứ có phải Thánh đâu mà không động lòng. Lòng tham của con người lâu nay nằm im đâu đó bỗng dưng thức dậy, thôi thúc và tấn công sự lãnh đạm trước tiền tài của nàng lâu nay. Mấy ngày sau, gia đình Chí Khuyên như bị một màn sương bao phủ. Cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ, rồi lại tự nhủ lòng là thôi đừng nghĩ đến nữa, cứ xem như một giấc mơ. Nhất là Khuyên, lâu nay nàng rất cương quyết và dứt khoát, nhưng không hiểu sao lần này cứ bị tờ vé số ám ảnh ngày đêm. Nhìn chồng bịnh hoạn, đau nhức mà vẫn phải lê thân đi làm thì nàng lại tự trách lấy mình. Nếu nàng không vô ý thì ngày nay Chí có thể về hưu sớm cho đỡ cực thân rồi. Hỡi ôi là mãnh lực của đồng tiền! May mà chỉ mất 200 ngàn chứ mất 200 triệu chắc điên lắm chứ chẳng chơi. Người ta bảo "Tiền tài là vật ngoài thân", nhưng cũng có người cho rằng "Đồng tiền liền khúc ruột". Khuyên không hiểu sao "Cái vật ngoài thân" này chưa chi đã làm cho nàng đau thắt cả ruột mỗi khi nghĩ đến. Nhất là sự tự trách cứ dằn vặt nàng ngày đêm...Trúng số đâu không thấy mà mệt và bần thần cả người như bị trúng gió. Mấy đứa nhỏ rủ mẹ chơi trò chơi nhưng mẹ chúng cứ rũ ra như cọng bún, không hứng thú mà chơi chút nào cả. Chí thấy vợ như vậy cũng phải khuyên nhủ và chọc cho nàng vui mà chẳng ăn thua gì. * - Nè, báo tin cho ông bà biết là tấm vé số của ông bà không trúng đâu. Ông Ngọc Trân trúng mà ổng giấu. Con Phú con ổng lên trường nói cho con bé tui biết đó. Chí và Khuyên nghe xong ôm nhau nhảy lên reo hò mừng rỡ... như trúng độc đắc. Hai người đều cảm thấy như vừa trút được gánh nặng ngàn cân, người nhẹ nhàng bay bỗng hẳn đi. Sự bình an tràn ngập cả tâm hồn bởi vì không có gì để mất. Hóa ra người ta nói không quan tâm đến tiền là bởi vì không có tiền. Chí bắt chước nhà Phật chấp tay xá Khuyên và nói: - "Nam Mô A Di Đà Phật! Không Tức Thị Sắc! Sắc Tức Thị Không!" Khuyên cũng kêu lên: - Chúa ơi! Mấy bữa nay rầu rĩ cả ruột gan vì một con số không to tướng. Mình không còn là mình nữa! - Không phải mình không còn là mình mà nói đúng ra khi gặp chuyện thì mình mới sống với con người thật của mình đó em à. Mà này! Hôm nay anh nghiệm ra cưới được em là trúng được vé số độc đắc rồi. Giải độc đắc này là nhất trên đời đó em ơi! Ngoài kia, sương mù tan hẳn. Bầu trời rực rỡ nắng vàng. Những tia nắng lung linh nhảy nhót tung tăng chào đón một ngày tươi đẹp. Trời xanh! xanh quá ai ơi! Gió reo, cây hát, cuộc đời đẹp sao. |