Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Tôi Nhói Lòng Đau Mãi Tháng Tư

Tôi Nhói Lòng Đau Mãi Tháng Tư PDF Print E-mail
Tác Giả: ThụyVi   
Thứ Sáu, 03 Tháng 4 Năm 2009 00:35

 
Ngày vui, ai cũng muốn dài thêm, mà có dài được đâu, hả em! Một thoáng thanh bình- tia lửa chớp! Một thời buồn thảm dể chi quên!

Buồn hồi chớm hạ, buồn vô tả! Một buổi trưa kia, mới giáp chiều: Tưởng Bắc với Nam ngồi đối diện, thì lời cửa miệng hẳn thương yêu…

Không ai ngờ được ngày hôm đó [ ngày cuối cùng của lịch tháng Tư ]
những cái bàn kê chờ dọn tiệc, những gì thơm thảo chực đem cho…

Người ta lẳng lặng lùi xe lại, rồi hút cho nghiêng cánh cổng chào, rồi chụp pô hình như kỷ niệm, rồi ngày chờ đợi…giấc chiêm bao!

Giây phút bỗng tan thành biển lệ! Thì cho các bụi nhé, Kiều Thu! [*]Vũ Hoàng Chương khóc trong nhà ngục, một trái tim ngàn vạn mảnh thơ!

Giây phút bỗng tan thành biển lệ! Lẽ nào Giải Phóng…Dải Khăn Tang? Hăm lăm năm chẳng ai chờ Tết, mà Tết vui gì nữa Việt Nam!

Ngày vui, ai cũng muốn dài thêm, mà có vui gì đâu, hỡi em! Nam Bắc liền nhau hai khúc ruột, giữa tình Dân Tộc lại ra riêng!

Tình Dân Tộc, đó, ôi là cát! Cái nghĩa Đồng Bào, hạt bụi rơi! Triệu kẻ vùi thây trong chiến trận, triệu người ai khiến chết ngoài khơi?

Giây phút bỗng tan thành biển lệ, thì cho cát bụi nhé, Kiều Thu! Chép câu thơ đẹp trùm lên mặt, tôi nhói lòng đau mãi tháng Tư!

Trần Vấn Lệ
[*]thơ Vũ Hoàng Chương

Grandrapids, ngày…tháng…năm…

Nguyệt Cầm ơi,

Thật kỳ lạ, cuộc gặp gở như một giấc mơ. Hôm cuối tuần rồi mình đưa một người bà con ra phi trường, sẳn rảnh rổi, mình đi loanh quanh trong gian hàng bán đồ kỷ niệm, bỗng dưng trước mặt mình, một người phụ nữ có dáng dấp quen quen, nhìn kỷ, trời ạ! Mai Anh ! Người phụ nữ quay lại. Hai người bạn thân thiết ngày xưa nhìn nhau im sửng giây lâu rồi ôm chầm nhau xúc động đến nhạt nhòa nước mắt.

Mình định gọi cho bồ để báo tin vui này, nhưng Mai Anh yêu cầu giữ kín vì trong hoàn cảnh hiện tại cô rất ngại ngùng chưa muốn gặp lại những người quen, mình hiểu và thông cảm hoàn cảnh éo le của bạn mà thấy thương bạn mình thật nhiều. Mai Anh làm thủ tục dời chuyến bay rồi theo mình về nhà. Lần đầu tiên gặp người bạn thân của mẹ nên hai đứa con mình vui lắm, cứ ríu rít và hỏi Mai Anh những chuyện ở nước ngoài, nhất là mẹ mình, bà lăng xăng làm những món ăn mà ngày nhỏ khi đến nhà chơi, Mai Anh cứ đòi mẹ nấu.

Bồ đang nóng ruột tò mò về người bạn xưa phải không? Mai Anh, vẫn còn nguyên vẹn nét dễ thương gọn gàng với mái tóc cắt tém như thưở nào, tuy nhiên có lẽ chịu nhiều áp lực từ những tai tiếng của người cha một thời quyền uy, lại thêm chuyện tư riêng tan nát do một cuộc hôn nhân bất ý, vì thế cô nàng thiếu mất đi nét ngổ ngáo dí dỏm ngày xưa, bây giờ Mai Anh trầm mặc hơn, tuy nhiên cái nét tư lự u ẩn kia mình lại thấy cô bạn của mình thật đẹp, cái đẹp đằm thắm làm nao lòng người, Mai Anh có thêm thói quen hút thuốc, nói tiếng Việt còn sỏi, đôi lúc nếu không diễn đạt hết ý thì cô giải thích thêm bằng tiếng Pháp, cô cho biết cô cảm thấy bằng lòng với cuộc hôn nhân hiện tại, chồng của Mai Anh là một người Ý, cả hai là quản trị viên và có cổ phần trong một hảng rượu vang nhỏ tại một miền quê nước Pháp.

Nguyệt Cầm ơi, cho dù gia đình của mình ai nấy đều rất ý tứ không dám nhắc đến những năm tháng bi thảm sau ngày mất nước, nhưng lúc ngồi ăn, chợt nhìn thấy di ảnh của ba mình trên tủ, Mai Anh chựng lại, sửng sốt hỏi han rồi chép miệng thẩn thờ “ Không ngờ bác lại mất sớm, mình nhớ ngày xưa bác trai khoẻ lắm!” Lời của Mai Anh như khơi lại nỗi đau đớn và sự uất ức dấu kín trong lòng, bây giờ được dịp vỡ oà tức tưởi. Tội nghiệp Mai Anh, cô bạn của chúng ta thật lúng túng khổ sở khi nhìn thấy những khuôn mặt chợt lặng lờ ủ ê và những giòng nước mắt của mẹ mình.

Đêm đó cả nhà đi ngủ sớm vì ngày mai dự định sẽ đưa Mai Anh đi chơi xa, viếng vài cảnh đặc biệt nơi vùng Bắc Mỷ. Nhưng mình biết đêm nay hai đứa làm sao ngủ được, mấy mươi năm mất hút lạc nhau, hai đứa có biết bao nhiêu chuyện để nói với nhau, anh Nam như đồng cảm đi pha một bình trà rồi tế nhị tránh mặt.

Mai Anh nói rất ngắn về gia đình, cô bạn của chúng ta dường như không thích kể lể cũng như không muốn bào chửa về những quyết định của cha mình, một vị tột đỉnh uy quyền. Là một trong những người đã giao miền Nam Việt Nam vào tay CS.

Sau kết cục của ngày 30 tháng 4 năm 1975, một kết cục đưa đất nước vào nơi tận cùng bất hạnh. Mấy mươi năm vừa qua là mấy mươi năm u buồn, cha mẹ và những người trong gia đình của Mai Anh sống gần như tránh mặt với tất cả mọi người, họ sống nặng nề ngột ngạt như bị nhận chìm trong những lời nguyền rủa ê chề, họ gần như nghẹn thở trong cái thòng lọng mênh mông thù hận, họ sống dấu mặt trong những tủi hổ ăn năn và tâm hồn của họ chưa có một ngày yên ổn bởi những trăn trở, ân hận và thất vọng cứ dằn vật không thôi. “ Cái bi kịch của gia đình mình là Papa không đủ can đảm chết, không đủ can đảm sống ” Mai Anh ngừng lại một chút rồi nói tiếp với giọng thật cay đắng “ Mình may mắn không có đứa con nào, nếu có thì tội nghiệp cháu phải chịu đựng cái hệ lụy oan nghiệt này biết tới chừng nào?”.

Mình tránh cái nhìn hiu hắt của Mai Anh, thẩn thờ lướt mắt qua khung cửa sổ, cố dấu tiếng tiếng thở dài. Bên ngoài, trời đêm mùa hè vùng Bắc Mỹ ánh sáng lấp ló còn soi rỏ những tàng cây kiểng Nhật thấp lè tè ngoài kia, chung quanh là những tảng đá sù sì, thô nhám nhiều góc cạnh không rỏ hình thể nằm rãi rác, đó là những đam mê mà ba mình đã góp nhặt cho khu vườn tĩnh lặng đầy nghệ thuật lãng đãng chút triết lý thiền học của ông và không gian đầy sách vở là nỗi vui đơn giản cuối đời của một người lính già thua trận.

Mai Anh nhắc tên những người bạn xưa, hỏi thăm từng người một, khiến lòng mình chùn xuống nôn nao nỗi buồn. Mình nhớ thật rỏ cảm giác ngơ ngác, ngỗn ngang, sợ hãi, hồi hộp, nảo nề trong những ngày đầu mất nước, cái cảm giác đó cứ lì lợm bám chặt không rời cũng như những hình ảnh thê lương ngày hôm đó như còn tươi nguyên trong trí nhớ. Mình dường như còn nghe được những tiếng súng vang lên từ hướng phi trường, cũng như tiếng ầm ĩ của những chiếc trực thăng lên xuống từ phía bên kia đường. Mình còn như thấy rõ những khuôn mặt thiểu nảo, rả rời, thất thần, méo mó của mọi người, mình còn nhớ rỏ dáng trầm ngâm và nét mặt của ba, có lẽ ba đau đớn lắm khi nhìn những người lính vừa bỏ ngủ tan hàng trần trụi không súng ống đi gầm mặt bơ vơ ngoài kia, cho nên ba lặng lẽ khép cửa quay lại nhìn mẹ, cả hai không nói gì, đăm đăm nhìn nhau, chảy nước mắt. Chứng kiến cảnh đó, không hiểu sao mình không khóc, nhẹ nhàng trở vào phòng ngủ, ngồi xuống dỗ dành hai đứa em …

Rồi, những năm tháng tả tơi kéo theo trùng trùng tai ương đổ xuống mọi gia đình, lúc đó hình như mỗi gia đình là một bi kịch. Mình hồi tưởng lại những bi kịch thương tâm và sụt sịt kể cho Mai Anh nghe chuyện gia đình của Ngự Hương.

Mấy tháng sau ngày mất nước, ba của Ngự Hương là thầy Đạt giáo sư dạy trường Lê Qúi Đôn, bất ngờ - có gia đình người bà con xa đi tập kết ngoài Bắc về ghé thăm, đó là gia đình ông năm Phước, quê ở Xoài Hột, tỉnh Mỷ Tho. Ngày đầu tiên bước chân đến nhà thầy, họ ngẩn người há hốc trước ngôi từ đường xưa cổ kính nóc bánh ích mà họ cứ trầm trồ khen đó là một dinh thự nguy nga tráng lệ.

Ở được vài ngày, họ thật thà thố lộ những mơ ước trong lòng, cái ước muốn thôi thúc nhất là bà cụ mẹ vợ ông Năm Phước, trong suốt cuộc đời, cụ luôn luôn thèm thuồng có được một cái mùng may bằng vải tuyn mát rượi mềm mại, cũng như gia đình ông Năm Phước cái ước mơ đầu tiên của ông là cả nhà được ăn cơm đựng trong những cái chén cái tô xinh xắn đầy màu sắc làm bằng nhựa dẽo. Thầy cô Đạt nghe nói thương tình chu cấp cho họ có phần hơn những ước mơ đơn sơ mà tưởng rằng không bao giờ họ với tới.

Trong khi chờ đợi nhà nước phân phối nhà, gia đình ông Năm Phước được thầy Đạt thù tiếp rất chí tình chí nghĩa, ấy vậy mà… Hôm vợ chồng ông Năm Phước về Xoài Hột thăm gia đình thì bỗng dưng nửa đêm ủy ban Quân Quản kéo tới bao vây nhà thầy, họ nói được mật báo nhà thầy có tài liệu phản động chống phá chính quyền cách mạng. Họ lùa mọi người vào góc phòng rồi họ lục lọi khắp nơi để chỉ thấy nhà toàn sách vở, những bộ sách qúi tiếng Pháp, những bộ từ điển, những bộ sách nghiên cứu, văn học, lịch sử… họ lôi ra xé nát quăng tung toé, cuối cùng họ tìm được cuốn sổ, trong đó có bài thơ viết tay mà họ nói đây là bằng chứng thầy Đạt chống chế độ Xả Hội Chủ Nghĩa !

Bài thơ mà họ vịện cớ bắt thầy là bài thơ thất ngôn, tựa “vịnh con khỉ”, bài này thầy cảm tác lúc đi dạo vườn bách thú. Họ chụp cho thầy tội danh “ phản động” và anh Trọng chồng của Ngự Hương đang dạy tại trường Mạc Đỉnh Chi vì ở chung nhà với thầy cũng bị gán tội đồng lõa ?!

Sau khi bắt nhốt thầy Đạt và anh Trọng, họ tới niêm nhà, đuổi cô Đạt, Ngự Hương và cháu Triết ra. Gia đình bên anh Trọng cưu mang ba người khốn cùng này. Ngôi từ đường của thầy bị tịch thu, người chủ mới nghiễm nhiên là ông năm Phước - người em bà con tội nghiệp, ngày nào.

Tai ương như cố tình đeo đẳng gia đình cô bạn Ngự Hương của chúng ta. Sau mấy năm bị giam cầm, thầy Đạt, anh Trọng lần lượt được họ thả cho về, anh Trọng vì mang án nên mất việc, thầy Đạt đã lớn tuổi cộng thêm mấy năm lao tù vì thế sức khoẻ rất kém, nhưng vì cũng muốn đở đần với con cháu cho nên thầy ra ngồi bán vé số nơi đầu hẻm, còn anh Trọng thì sửa xe đạp ngoài lề đường. Trong hoàn cảnh cô liêu tịch mịch của đất nước, lúc đó đứa học trò nào gặp lại thầy cũng chảy nước mắt, chỉ biết thương thầy mà có giúp gì được đâu, vì dân chúng khổ lắm ai nấy đều sống trong cùng cực, đói kém, thiếu thốn mọi bề.

Cuối cùng, ba má anh Trọng lo cho vợ chồng anh cùng cháu Triết đi vượt biên. Chiếc tàu lọt được ra biển, bất ngờ lại gặp hải tặc, bọn chúng cướp của và hảm hiếp phụ nử. Ngự Hương bị làm nhục trước mặt anh Trọng, anh không chịu nỗi nhào lại cứu vợ, tụi nó lia một dao đứt cuống họng, anh gục xuống chết ngay. Ngự Hương đau đớn sảng sốt như người điên, vùng vẩy kháng cự, tụi nó ôm người đàn bà này liệng xuống biển, mất xác. Tội nghiệp bé Triết, chưa đầy mười tuổi phải chứng kiến người ta giết cha giết mẹ của mình, đứa bé này không mất trí là một kỳ tích. Chiếc ghe bi thảm như chiếc quan tài nhấp nhô trôi nỗi trên biển Đông, như có phép lạ, nó cập bến và cháu Triết được một mục sư người Mỹ nhận làm con nuôi.

Mẹ của Ngự Hương, giòng giỏi hoàng phái, được tin rể và đứa con gái chết thảm, như sét đánh, bà uất hận lên cơn đau tim, không bao lâu thì qua đời. Thầy Đạt bị khủng hoảng đến ngẩn ngơ, cuối cùng nhờ những người bạn củ vận động với các hiệp hội nhân đạo bảo lảnh, thầy hiện ở Pháp.

Cháu Triết là một đứa bé rất mỏng manh so với cái thế giới rộng lớn này, và cháu là người bất hạnh thiếu thốn tình cảm, khao khát gia đình hơn bất cứ đứa trẻ nào, nhưng ai ngờ ý chí của cháu thật ghê hồn, cháu tự vượt lên số phận và hiện là một sinh viên ưu tú của trường đại học tiểu bang Michigan.

Nói về ông Năm Phước, một tay phá tan nát gia đình thầy Đạt, lại là một cán bộ “tiếp thu” thật nhanh, ông cướp nhà thầy Đạt không bao lâu thì ông được giữ chức vụ hiệu trưởng trường đại học Tổng Hợp thành phố HCM. Nghe nói ông Năm Phước đã chê ngôi từ đường củ kỷ của thầy Đạt, gia đình ông đang “ngự” trong một toà nhà cao tầng thật lộng lẫy hiện đại của một tư sản bị tịch thu.

Mai Anh lặng lẽ hút thuốc trong gian phòng ngập tràn bóng tối, hai đứa như chìm giữa đêm khuya trong không gian im ắng ngoài kia. Qua đốm lửa đỏ rực, mình thấy đôi mắt cô bạn đầm đìa nước mắt.

Trong những ngày thảng thốt đó, mạng sống của những người thua trận như chỉ mành treo chuông. Có người bạn thân rủ ba thoát đi, thoát một mình - chuyến bay chót, hình như chung chuyến với gia đình một nhân vật lẩy lừng trong ngành tình báo, ba kiên quyết lắc đầu, ba cam lòng cùng với vợ con đón đợi những điều xấu nhất. Ông nội của mình lúc đó ngã bịnh và yếu lắm, đang nằm tại bệnh viện, ông nội không sợ hiu quạnh lẽ loi, cứ nài ép năn nỉ đứa con trai duy nhất hãy kiếm đường ra đi. Ba mình vâng dạ cho ông nội yên tâm, chứ ba đâu thể nào một mình ra đi trong hoàn cảnh này. Ngày ba của mình quẩy cái túi nhẹ bổng đi trình diện ở trường Tabert là ngày ông nội của mình qua đời. Cả nhà sợ ba đau lòng nên cố tình dấu kín. Họ đưa ba ra Bắc, ba ở tù đúng tám năm ba tháng, ba may mắn chống gậy trở về, trong khi có rất nhiều người bạn tù của ba nằm lại.

Ba vừa đi tù là Thành Ủy đến tịch thu ngôi nhà của gia đình mình ngay. Mẹ sợ đi kinh tế mới, nên dắt díu ba chị em mình về bên ngoại quê ở Rạch Kiến, quận Bình Chánh, nơi đây tuy gần Saigon nhưng ngày trước là vùng sôi đậu, không có điện, không có nước, là vùng đất phèn khô cằn không một cây ăn trái nào sống nỗi, mỗi nhà đều có một lủy tre rậm ri bao bọc và chung quanh đào một vòng hào để lấy nước, cả nhà tắm giặt ăn uống cũng từ trong một cái hào nước thấp lé té, nổi váng nhờ nhờ bên trên.

Trong những năm tháng không có ba ở nhà mình mới thấy cái dũng cảm đáng kính nể của mẹ mình, mẹ như người bị dồn tới đường cùng và sẳn sàng đương đầu, không khóc lóc than van. Là một phụ nử yêu kiều sống và lớn lên tại Saigòn, là một công chức, bây giờ mẹ điềm nhiên xăn cao ống quần lội xuống ruộng làm cỏ lúa, cấy lúa, trồng cải, nuôi gà, nuôi heo, như một nông dân thực thụ.Trong thời gian bốn mẹ con tá túc dưới ngôi nhà hương hỏa của ngoại, ngôi nhà mênh mông với những hàng cột bằng gổ quí lên nước đen mun, mẹ không nệ cực nhọc ra công chăm sóc tươm tất trong ngoài và cư xử đẹp lòng bà con chòm xóm. Mẹ lại âm thầm tất tả ngược xuôi sắp xếp và nghiến răng gửi gấm cho Quỳnh Như và Tố Như đi vượt biển.

Lúc nhận được tin hai đứa em gái tới đảo bình yên, mình sửng người vì thấy tóc mẹ gần như bạc trắng.

Mai Anh và mình đón buổi sáng với ly cà phê nóng hổi và một tâm hồn thời trẻ nhỏ thân tình. Ánh mặt trời nhô lên tít tắp đàng kia như mỉm cười độ lượng chào hết thảy nhân sinh. Một ngày với những rộn ràng tiếng chân khua vang của những đứa con, tụi nó bây giờ vào lứa tuổi “ bổng nhiên mà chợt lớn” như bọn mình ngày xưa, chúng sắp vào đại học mà mình lúc nào cũng tưởng chúng rất còn bé bỏng rất đổi dại khờ.

Ngày hôm đó anh Nam đưa cả nhà đi chơi thật vui, đến những bờ hồ thật đẹp, như thầm khoe với cô bạn những thắng cảnh nổi tiếng của tiểu bang Michigan thật hiền hòa . Lúc cả nhà mướn xe đạp chạy dọc theo bờ cát có những ngọn đồi quanh co trên hòn đảo nhỏ còn giữ nguyên vẹn nét thiên nhiên, vắng bặt mọi tiếng động cơ, chỉ còn lại trong không gian hùng vĩ thơ mộng lồng lộng nắng và gió. Hai đứa ngồi riêng với nhau như cùng níu lại những giờ phút gần gủi còn lại thật hiếm hoi, cùng phóng tầm mắt ra khơi, phía xa kia cây cầu treo nổi tiếng như cọng giây mỏng manh trên vạt nước màu xanh trãi rộng tới chân trời.

Mai Anh nhắc mình để xin tấm hình của gia đình Nguyệt Cầm, cô nàng đặc biệt thích thú với đứa con trai “ sinh sau đẻ muộn” của bồ, cậu hoàng tử nhỏ dễ ghét tròm trèm bảy tuổi, những câu chuyện về cậu bé đưa mình lan man tới những chuyện buồn, mình kể về bố của Nguyệt Cầm một nhà văn nổi tiếng kiệt sức chết trong tù, trong khi đó bên ngoài gia đình của Nguyệt Cầm luôn luôn phải đối diện với những bất công tàn bạo, đành gạt nước mắt bỏ lại ông bố nằm quạnh hiu trên một cánh rừng hoang sơ nào đó để trốn đi ra khỏi nước. Vài năm, sau khi cuộc sống định cư ổn định và trong sự tận lực kiếm tìm, mẹ của Nguyệt Cầm đã cải táng ông cụ và ôm tro cốt của ông qua Úc để đoàn tụ cùng với con cháu. Đặc biệt cậu bé con hiếm qúi muộn màng của Nguyệt Cầm được mang tên ông ngoại.

Ngày mai, hai đứa phải chia tay. Mai Anh cứ căn dặn mình đi đâu thì đi nhưng cũng nên qua Pháp thăm nhau, cũng như người cha đở đầu của mình là thầy Lê Bá Sằng, dạy trường đại học Minh Đức ngày xưa cứ nhắn nhủ “con gái, nên đến Paris một chuyến nghe con” Mình cảm thấy bồi hồi, cảm động, lòng tràn ngập yêu thương và thầm nghỉ: nhân gian đâu chỉ là giọt lệ, phải dành nhiều thì giờ với nhau hơn nữa, kẻo rồi, không kịp.

Và, trong đống hành lý ngổn ngang của Mai Anh, mình sẽ gửi theo vài cuốn tạp ghi, bút ký của hai bác Trà Lủ và Phan Lạc Phúc cũng không quên kèm theo vài cuốn thơ của ông Trần Vấn Lệ. Có phải đến tuổi này, chúng ta mới thấy thời gian thật gấp rút!…

Tạm biệt,

Tương Như
thụyvi
Hầm Nắng, tháng 12 năm 2008