Ánh Mắt Buồn Của Biển Đông Dậy Sóng (01) |
Tác Giả: Trần Thu Nga |
Thứ Hai, 06 Tháng 4 Năm 2009 22:51 |
Chiếc thuyền bé nhỏ chở chị em chúng tôi cùng với trên mười người khác từ từ rẽ nước, tách khỏi bến đậu trên một nhánh sông, rẽ sóng tiến dần tới một nhánh sông khác mà tôi không thể biết là đâu. Tôi ngoái cổ nhìn lại hình ảnh thân yêu bé nhỏ gầy còm đến tội nghiệp của mẹ lần cuối cùng, vẫn còn đang đứng bùi ngùi trong vóc dáng hòa lẫn với làn sương mờ bao phủ ban mai đầy giá lạnh, nhìn theo chiếc thuyền bé nhỏ chở chúng tôi giữa làn khói sương trong buổi bình minh hôm ấy. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra trên khuôn mặt giá lạnh. Tôi cảm nhận thấy rằng, đây là lần chia tay cuối cùng của hai chị em chúng tôi với mẹ, của riêng tôi với vùng đất thân quen trên quê hương đầy lao nhọc buồn phiền, mà từ bấy lâu nay, mái gia đình hiền hòa bé nhỏ của chúng tôi bỗng nhiên phải chia lìa xa cách với lần ra đi không thấy ngày trở lại của cha tôi, một sĩ quan mà họ bảo hàng ngũ của Ngụy quân Ngụy quyền, cha phải lên đường trình diện đi tập chung cải tạo. Còn lại một mình mẹ với hai đứa con nhỏ dại, mẹ xưa kia là một tiểu thư trâm anh đài các, bây giờ cha đã vắng nhà, bên tay mẹ là hai chị em chúng tôi chưa biết làm bất cứ công việc gì để có thể giúp mẹ lo mưu sinh cho cuộc sống. Nhất là sau khi mẹ con chúng tôi bị bạo quyền mới vào, nhẫn tâm xua đuổi chúng tôi phải mau ra khỏi nơi đang trú ngụ trong khu cư xá sĩ quan để dắt díu nhau về một vùng kinh tế mới xa xôi hẻo lánh, để rồi chúng tôi không biết phải xoay xở thế nào với những bàn tay nhỏ bé gầy yếu để có thể tìm kế sinh nhai. Vùng đất cằn cỗi hoang dại ấy của quê hương bỗng nhiên trở nên xa lạ và lạnh nhạt khác thường. Tự nhiên một gia đình bé nhỏ đầy ư tư thiếu thốn và rất tội nghiệp của mẹ con chúng tôi trở nên những người hoàn toàn xa lạ, giống như chúng tôi đến nơi đây từ một nước nào khác, chứ không phải là những người con dòng cháu giống của nước Việt Nam. Đó là những ngày tháng tủi cực vô nghĩa nhất của mẹ con chúng tôi giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, ngày đêm lang thang lủi thủi kiếm sống như những kẻ lưu đày, mà chúng tôi, dù cố gắng đến đâu cũng không thể nào thích ứng được với nương rẫy cằn cỗi hắt hiu ở núi rừng. Vậy mà sự đau khổ tột cùng cũng vẫn chưa chịu buông tha cho chúng tôi, đến một buổi trưa, ngay giữa thiên thanh bạch nhật, hai chị em tôi từ rẫy vác củi về nhà, chứng kiến bi kịch mẹ tôi bị tên xã đội công an tìm đến cưỡng bức. Hắn mọi rợ làm nhục mẹ tôi và như để bù lại hắn ban phát cho chúng tôi một số thực phẩm phụ trội cùng với nhiều ưu tiên dễ dãi, mẹ tôi chẳng những không bị bắt buộc phải tham gia công tác lao động tập thể khác, mà còn được tự do đi lại buôn bán ở các thị xã quanh vùng. Chính nhờ có sự ưu tiên đặc biệt này mà chẳng bao lâu sau, mẹ đã tìm cách móc nối và chuẩn bị cho hai chị em tôi được đi vượt biên. Hơn một tiếng đồng hồ sau, chiếc ghe nhỏ đó đưa chúng tôi đến nơi đang bỏ neo của một chiếc tàu máy lớn hơn với khá đông người có mặt lố nhố trên tàu từ trước. Ngay sau đó, cuộc hành trình Biển Đông bắt đầu. Con tầu vượt biên này với cái nhìn đầu tiên của hai chị em tôi lúc đó, không phải là một chiếc tầu nhỏ bé, mà là một con tầu đánh cá có dạng khá lớn ở đại dương. Con tàu nương theo những con sóng bập bềnh hướng mũi ra khơi. Trọn một ngày đầu tiên, con tầu của chúng tôi bình yên nhấp nhô rẽ nước tiến sâu về phía nam xa tắp, đến trưa ngày hôm sau thì phía mặt biển đang rực sáng dưới ánh nắng chói chang giữa buổi trưa, bỗng nhiên mây xám vần vũ lan ra làm không gian tự dưng tối sầm lại, báo hiệu một cơn bão sắp sửa ập đến không bao lâu. Dưới gầm trời tối sẫm là mặt biển bao la đen ngòm và cơn mưa như chút nước bắt đầu đổ xuống với từng cơn sấm chớp xé trời gào thét ầm ì, trong khi những cơn sóng dữ nổi vùi dập con tàu một cách vô tình không thương tiếc. Hai chị em chúng tôi mặc dù vô cùng sợ hãi, nhưng nắm chặt lấy tay nhau tự trấn an và thầm cầu nguyện trời cao như lời mẹ ân cần căn dặn khi còn ở nhà, cho nên nhờ vậy mà không đến nỗi nào, nghĩa là chúng tôi không bị quá khinh hoàng hoặc ói mửa thốc tháo ra tới mật xanh mật vàng giống như những người đồng hành đang nằm vất vưởng chung quanh trên sàn tầu. Từng cơn sóng dữ có khi hùng hổ có khi nâng hẳn thân tầu lên, đưa phía mũi ghếch ngược lên cao, cách mặt nước biển đen ngòm cả mấy chục thước, rồi ngay sau đó, con tầu lại bị nhận chìm sâu suống giữa hai vách nước đen ngòm như trong hai bức tường kinh hoàng đen nơi địa ngục. Cơn giông bão gió mưa vật vã kéo dài quay cuồng cho đến xế chiều thì khoảng trời nước mênh mông dần dần êm ả trở lại. Từ cuối chân trời còn ánh lên le lói một vài tia sáng chiếu tỏa của ánh tà dương. Biển lặng sóng êm sau một cơn bão đầy thịnh nộ của trời đất, khiến cho toàn bộ con tầu chật hẹp của chúng tôi lúc này chẳng khác gì một con thú hoang dã cồng kềnh vừa trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Trên sàn tầu là những thân người nằm la liệt bên nhau với tóc tai quần áo ướt tả tơi vì trải qua những đợt sóng dữ ói mửa ra tới mật vàng, không còn chút gì trong bao tử. Chị em chúng tôi không hề bị ói mửa như hầu hết những người có mặt trên tầu. Có thể, nhờ sự cầu nguyện, cộng với hai chị em chúng tôi mang dòng máu di truyền đi biển của cha, vốn là một sĩ quan Hải Quân ưu tú, cho nên, dù sóng biển có vô tình vùi dập tới đâu, chúng tôi vẫn giữ được thản nhiên vô cùng. Tự nhiên chị em chúng tôi liên tưởng đến người cha thân yêu giờ đây đang ngậm đắng nuốt cay nơi chốn khổ sai lao tù, có thể người chưa được mẹ tôi đến thời kỳ thăm nuôi để thông báo kịp, để cho cha biết rằng đứa con ngoan hiền mà người rất yêu thương hiện giờ đang lênh đênh trên một con thuyền nhỏ giữa khoảng biển trời mênh mông vô định, đầy ắp những bất chắc gian nguy. Bất giác, chúng tôi cảm thấy thương nhớ và biết ơn cha một cách lạ lùng, thay vì chúng tôi cầu xin sự bình yên cho mình, thì tôi thầm khẩn cầu cho cha tôi gìn giữ được sự bình an khoẻ mạnh ở nơi rừng sâu núi thẳm. Buổi chiều xuống từ từ với những tia nắng quái rải đều ra trên mặt đại dương như những rải quạt nan rực rỡ khủng lồ, những rải ánh sáng trải ra chầm chậm rộn ràng trên mặt nước đại dương gợn sóng. Và cho đến giây phút này, sau khi tất cả mọi người có mặt trên tầu đã định lại được thần trí, mới kịp nhìn rõ những thiệt hại nặng nề mà con tầu của chúng tôi đã gánh chịu sau trận cuồng phong giông bão. Máy tàu giờ đây đã hỏng, không thể nổ máy lại được nữa. Trên sàn tầu là ngổn ngang những gói hành trang hỗn tạp ướt sũng, những túi đựng thức ăn khô dùng cho cả tầu và những thùng can nhựa đựng dầu máy, nước ngọt để uống cho suốt cuộc hành trình đã bị sóng lớn đánh văng xuống mặt biển từ lúc nào, chỉ còn lại một hai thùng dự trữ, chắc chắn sẽ không thể cung ứng đủ cho nhiều người trong những ngày sắp tới, và bắt đầu từ bây giờ, con tầu bé nhỏ của chúng tôi trở nên vô định vì chiếc máy tầu đã bị sóng bão đánh phá gẫy chân vịt mất rồi. Trong bao la của đại dương xa vắng giữa màu hoàng hôn rực nắng, chúng tôi ngồi co ro bên nhau nhìn mông lung những vạt nắng cuối ngày với một mỗi bận lòng về những hiểm nguy đang rình rập qua từng giây phút ghê gớm, mà chỉ biết phó thác mọi sự cho may rủi, lo lắng cho chính số phận của mình và của bao nhiêu con người đang có mặt trên con tầu mong manh bé nhỏ mỗi khi bóng đêm ụp xuống trên khắp vùng biển vắng, cho đến khi tôi mệt mỏi thiếp đi trong giấc ngủ vùi, trong làn gió thổi vi vu của biển... Tôi hốt hoảng choàng thức dậy giữa những tiếng kêu gào la khóc bất chợt vô cùng huyên náo. Trong bóng đêm mờ mờ, tôi chỉ có thể hé mắt nhìn thấy lố nhố những bóng người man rợ và đồ sộ khác thường không biết từ đâu xuất hiện, cùng với tiếng chân người nện thình thịch trên mặt sàn gỗ con tầu, rồi những âm thanh giằng co bùng vỡ quyết liệt cùng với những tiếng rú, tiếng rên la gào thét vang lên từng chập trong đêm nghe đến rợn người. Tôi tự hỏi mình không biết do đâu, trong cơn bấn loạn xô bồ đó, trọn cả thân người của tôi trong mầu quần áo tối sẫm và nhàu nát như một nắm giẻ rách bị hất nằm gọn lỏn trong một cái khe rãnh nhỏ ngay nơi phía mũi tầu trong đêm tối, chỉ thấy tôi như một đống vải rách được quăng ném vào chỗ không ai có thể ngờ này. Nhưng chính nhờ sự kỳ lạ đó mà tôi đã thoát khỏi được sự lùng sục man rợ của bọn cướp biển hung hăng, chúng lục lọi không chừa một gang tấc nào trên tàu, kể cả những nơi chốn kín đáo ở dưới hầm tầu, nhưng chỗ tôi nằm thì chúng lại không hề để ý. Và phép lạ này đã giúp tôi thoát khỏi nanh vuốt dã man tàn bạo của những tên cướp biển không còn tánh người. Đến tờ mờ sáng ngày hôm sau, toàn cảnh của con tầu bày ra một thực trạng mà có lẽ, suốt cuộc đời, tôi sẽ không thể nào quên được hình ảnh tả tơi khốn khổ của những người đàn bà con gái không may đã bị bọn cướp thay nhau liên tiếp làm nhục trong đêm với những tiếng la khóc đau đớn ghê rợn. Trong số nạn nhân bị bọn hải tặc làm nhục, có hai cô gái nhỏ cũng bằng trạc tuổi tôi. Một trong hai cô đã trút linh hồn cùng với hai người đàn ông khác vì đã chống cự quyết liệt với bọn cướp biển, nên chúng thẳng tay hạ sát hết sức dã man mà cho đến bây giờ, tôi cũng không có can đảm mô tả lại. Tôi chỉ biết nhắm nghiền đôi mắt lại để tránh không phải nhìn vào những cái xác nằm chết phơi trần thân thể đẫm máu phô bày dưới bầu trời đã bắt đầu sáng hẳn. Năm sáu ngày đêm sau, khi những người trên tàu đã tự động bảo nhau râm ran đọc kinh cầu nguyện thủy táng cho những xác người bất hạnh, thả mấy thân xác lạnh giá cứng đơ kia vào lòng biển cả, chiếc tầu nhỏ bé của chúng tôi vẫn tiếp tục bị thả trôi, mặc tình phiêu dạt trong một vùng biển hoàn toàn mang một màu hoang vắng, suốt ngày đêm chúng tôi không nhìn thấy một bóng chiếc phi cơ hay bất kỳ một chiếc tầu buôn thấp thoáng chạy qua vùng biển này giống như mấy ngày trước đó. Hầu hết những người còn lại trên thuyền mỏng manh trôi nổi giữa vùng biển khơi mênh mông đó đã kiệt lực hoàn toàn vì đói thì ít, nhưng vì khát nước thì nhiều. Sang đến ngày thứ sáu thì có thêm một anh thanh niên bị nóng sốt cùng với một em bé thơ khác rủ nhau trút hơi thở qua đời, vì trên tàu không còn một giọt nước uống. Riêng hai chị em chúng tôi, nhờ một sự may mắn rất tình cờ, khi đứa em trai của tôi, vào giữa trưa nắng cháy ban ngày, đã phải dầm mình xuống trong làn nước biển cho đỡ khát nước thì bất ngờ, nó phát hiện ra một nguồn nước thiên nhiên vô tận, vừa bổ dưỡng thay cho sự thiếu thức ăn không có đã cả một tuần lễ trôi qua, vừa khống chế được cơn khát nước kinh hoàng mà cả tầu chúng tôi đang phải chịu đựng khổ sở đến cùng cực. Tất cả mọi người bị thiếu nước uống đến nỗi trong từng cơn đồng thiếp mê tỉnh, chúng tôi chỉ có một mơ ước duy nhất là mong có được một ly nước lạnh để rồi chỉ dùng một cái đầu tăm nhúng vào ly nước đó mà nhấm nháp từng giọt nước quí báu nhỏ xuống từ cái đầu tăm bé nhỏ kia. Chúng tôi khát nước đến nỗi hai hàm răng đều bị dính lại như có một chất keo dán lại, không thể nào há miệng ra được cho đến khi nguồn thực phẩm quí giá kia được cả tầu hè nhau nhanh chóng tham dự. Đó là vô số những con hào nhỏ bé bằng ngón tay, chúng bám đầy đẫy bên dưới lườn ghe từ lúc nào, để cho chúng tôi tất cả thay phiên nhau cạo lấy chúng, rồi nhanh chóng rồn vào miệng nhai nát vỏ và hít lấy tinh chất ngọt lịm của những con hào cứu tinh này. Nhờ vậy mà tất cả chúng tôi có thể nhanh tróng hồi phục lại được phần nào sức khoẻ đang dần dần bị suy kiệt mà chỉ cần kéo dài thêm một hai ngày nữa thôi chắc chắn phải thủy táng thêm một số người chết vì kiệt lực, vì quá đói, quá khát. Trong những giây phút thập tử nhất sinh này, có vài người trên tàu chắp tay lại cầu xin để mong sao gặp lại bọn cướp biển để ít nhất, cũng được chúng ban phát cho ít lương thực hay vài lon nước uống hầu cứu vớt lấy cuộc sống còn, dù cho có bị chúng tác oai tác họa thêm nhiều sự hành hạ hay cướp bóc tàn khốc đi nữa thì cũng sẵn sàng chấp nhận như thường. Nỗi ám ảnh triền miên quay quắt của tất cả những người còn sống trên con tầu bé nhỏ mong manh của chúng tôi là được uống từng ngụm nước mát ngọt. Vào một đêm tối tăm âm u thứ tám, trên mặt đại dương êm sóng, từ một góc trời xa xa, bỗng hiện ra một vùng ánh sáng lập loè rực chiếu sáng cả một góc trời. Vùng ánh sáng chan hòa không hề di động này càng lúc càng tiến gần thêm với tầm nhìn của tất cả chúng tôi. Nhưng con tầu bại liệt của chúng tôi thì hoàn toàn không thể điều khiển để mong tiến về phía có ánh đèn, nên đành ngậm ngùi thả trôi, phó mặc cho nó dạt đến đâu thì đến, cho đến lúc chúng tôi đã dạt đến rất gần khu phát ra ánh đèn thì nhận ra đó là một cái dàn khoan khổng lồ. Nhưng khốn thay! con tầu nhỏ của chúng tôi vì không thể điều khiển được cho nên nó lại dần dần bị những con sóng nhẹ đưa đẩy, đánh dạt ra xa thêm. Cuối cùng, mấy người có trách nhiệm trên tầu bèn đánh liều đưa ra một ý kiến là cử hai thanh niên còn đủ sức khoẻ, hãy xung phong ôm một cái can đựng dầu đã trống, cố gắng bơi lại phía có ánh đèn kia để hy vọng tìm cách báo nguy với những người nơi dàn khoan biết được sự có mặt của con tầu đang bị lâm nạn của chúng tôi, với điều kiện đền bù là những người tình nguyện này sẽ được thưởng riêng một hộp sữa đặc, để họ uống xong rồi mới thi hành nhiệm vụ. Nhưng khi gạn hỏi từng gia đình xem có ai còn sữa hộp hãy dành lại cho hai thanh niên tình nguyện này thì không ai nói còn sữa. Thế là hai thanh niên đành nhẫn nại ôm hai can dầu trống bơi rời xa con tầu. Mãi cho đến sáng ngày hôm sau, con tầu nhỏ của chúng tôi tuy đã dạt đi khá xa dàn khoan, nhưng vẫn còn có thể nhìn thấy được dàn khoan dù vẫn thấp thoáng trong tầm mắt nơi cuối chân trời. Nhưng hai thanh niên tình nguyện kia thì đã mất tiêu tăm dạng, không thấy họ bơi quay trở về. Cả tầu đều cho rằng hai thanh niên này đã bị sóng nhồi đi biệt tăm dạng và bỏ xác trong lòng biển cả mất rồi. Bình minh ngày thứ tám trên mặt biển đên ngòm. Dàn khoan kia đã không còn xuất hiện trong tầm mắt chúng tôi nữa, vì tầu đã trôi dạt đến một nơi chốn nào đó khá xa trong lúc cả con tầu vừa mới bàng hoàng báo tin cho nhau biết có thêm một phụ nữ vừa trút hơi thở sau cùng. Có lẽ vì bà đã kiệt sức hoàn toàn sau thảm họa của bọn cướp biển dã man hành hạ tàn bạo từ mấy hôm trước. Một buổi lễ thủy táng vô cùng đơn sơ diễn ra, xác của bà được gói lại sơ sài rồi thả xuống lòng biển đen vô tình. Tôi để ý thấy cái xác cứng đơ của bà trong tư thế nằm ngước mặt lên bầu trời và bập bềnh trôi theo con tầu của chúng tôi cho đến khi biến mất... y như cái xác của anh thanh niên bị sốt qua đời, "nó" dường như còn cố trôi theo con tầu, nhưng lại bị nằm sấp chứ không ngửa mặt lên trời. Qua đến sáng ngày thứ chín, trong lúc tâm trạng của đoàn tầu hoàn toàn tuyệt vọng, thì bỗng nhiên có người hô hoán lên có một chấm đen nhỏ đang từ từ hiện ra càng lúc càng rõ nơi cuối chân trời xa tít, cho đến khi tôi có thể nhìn thấy rõ ràng đó là một con tầu sắt to lớn và đen xì, chứ không sơn mầu sắc sáng sủa đẹp đẽ như nhứng chiếc tàu du lịch mà chúng tôi đã có dịp chạm mặt vào mấy ngày đầu tiên bị lênh đênh trên mặt biển. Mãi cho đến khi con tầu sắt cặp sát chiếc ghe bé nhỏ của chúng tôi, mọi người mới nhận ra đó là chiếc tầu chở dầu khá lớn. Điều ngạc nhiên hơn cả là trên chiếc tầu đó, chúng tôi trông thấy khuôn mặt quen thuộc của một trong hai thanh niên đã tự nguyện bơi đi trong đêm hôm trước. Nhưng còn một người thì đã bị bặt vô âm tín. Chúng tôi chỉ còn biết bảo nhau đọc kinh cầu hồn cho người thanh niên kém may mắn kia. Thế là tất cả những thuyền nhân sống sót đã được chiếc tầu dầu của dàn khoan kia đến cứu vớt và được săn sóc đầy đủ thực phẩm và thuốc men, nhờ sự thông báo của anh thanh niên can đảm và may mắn kia. Chúng tôi được chiếc tầu dầu cứu tinh đó đến cứu vớt lên không sót một người. Điều mỉa mai là sau khi chúng tôi đã lên hết chiếc tầu sắt lớn. Những nhân viên cứu nạn còn cẩn thận lục lọi khắp hang hóc của chiếc ghe bé nhỏ, lúc đó mới phát hiện còn rất nhiều hộp sữa đặc không biết của ai đó đã cất giấu, nhưng nhất định không lấy ra để thêm sức cho hai thanh niên trước khi họ bơi đi để xin cấp cứu. Đến đêm hôm đó, tất cả chúng tôi được chuyển giao tạm trú trên đảo tị nạn có tên là đảo Pulua Bidong thuộc quốc gia Mã Lai Á. Cả tầu chúng tôi được đông đảo đồng bào thuyền nhân Việt Nam đã đến đây từ trước dàn hàng chật cứng chung quanh khu cầu tàu Jetty đón tiếp niềm nở, hướng dẫn cho làm thủ tục nhập trại ngay tức thì. Riêng hai chị em tôi thuộc diện không có cha mẹ hoặc người bảo hộ cho nên được một gia đình đồng bào nhanh chóng đứng ra bảo bọc, hướng dẫn đưa về một căn lều khá tươm tất và kín đáo ấm áp, là nơi tạm trú từ đây của hai chị em chúng tôi, cùng với một nồi cơm nóng hổi đã được nấu sẵn từ lúc nào. Bên cạnh nồi cơm nóng quí báu hơn vàng đó, hai chị em chúng tôi còn nhận được từ gia đình ông bà ân nhân đem đến tận chỗ cho nào mùng mền, quần áo, chăn gối và mấy chai nước mắm nhãn hiệu Nam Dương cùng khá nhiều thức ăn khô đóng hộp. Chỉ có hai chị em, chúng tôi đã vội vã ngồi xuống nghiến ngấu ăn sạch hết một nồi cơm nóng hổi khá lớn chỉ với một hộp đậu, một hộp thịt gà khui ra rồi dầm chung với nước mắm, sau đó, hai chị em khoan khoái thiếp vào một giấc ngủ dài không biết trong bao lâu, cho đến khi thức dậy, với những âm thanh sinh hoạt huyên náo của rất đông các gia đình tị nạn cư ngụ ở những căn lều cây tự lập ở sát xung quanh. Bỗng hai chị em chúng tôi vô cùng hốt hoảng khi phát hiện ra hai ống chân của mình bỗng chốc nở to ra như người mắc bệnh phù thủng. Chúng tôi hoảng sợ quá, đứa em trai tôi vội khóc rống lên như một lời báo động với mọi người rằng chúng tôi vừa thức dậy. Mọi người khi nghe tiếng của em trai tôi khóc, vội hè nhau nhốn nháo chạy đến ân cần thăm hỏi niềm nở hai chị em chúng tôi, đến khi họ nhận ra lý do sợ sệt khiến em trai tôi phải khóc thì bà con mới an ủi vỗ về, giải thích cho chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều người tương tự, vì bị nhịn đói lâu ngày, khi được ăn no quá thì phản ứng tự nhiên của cơ thể xảy ra như vậy, chứ không có gì nguy hiểm hết. Mặc dù như vậy, sau đó, chị em chúng tôi cũng được các anh chị lớn dẫn lên bệnh xá khai bệnh để lấy thuốc uống phòng ngừa các bệnh dịch tả và các chứng bệnh khác. Thời gian sinh hoạt trên đảo thật an lành, thật vui và đầy ấm áp tình người ở Bidong thấm thoát trôi nhanh. Tôi theo gương mấy chị lớn hơn tự nguyện làm việc trong ban xã hội để chuyên lo lắng phục vụ cho những đồng bào của mình mới đến, em trai tôi hăng hái giúp việc trong ban vệ sinh của trại cho đến khi rời trại. Chưa đầy một năm sau chúng tôi được Cao Ủy gọi lên thông báo đã có giấy tờ bảo lãnh của người chú ruột là em của ba từ California gởi qua cho chị em chúng tôi được định cư tại Mỹ. Ngày rời đảo lên đường đi định cư cũng là một ngày vấn vương bao nhiêu kỷ niệm êm đềm với những tâm tình quyến luyến, ngậm ngùi trước thâm tình đùm bọc chí thiết của những gia đình đồng bào thân thương, của những người bạn đồng lứa của những tấm lòng từ thiện bác ái trong Cao Ủy đầy bao dung. Giờ đây, trên vùng đất hứa tự do rộng mở này, chị em chúng tôi đã nghiễm nhiên trở thành những công dân thực thụ và thành đạt của quốc gia Hoa Kỳ đầy tinh thần dân chủ tự do nhân ái. Chúng tôi giờ đã không lớn, đã trưởng thành, đã chu toàn cương vị của những người con hiếu hạnh, đã đưa được cha mẹ sang đoàn tụ từ lâu để phụng dưỡng, để đáp đền lại cho cha mẹ chúng tôi vì những hy sinh vô bờ bến của mẹ, vì những oan khuất vô biên của một sĩ quan thất thế như cha. Chúng tôi đã nguyện thề rằng không bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào để góp công sức đền đáp lại phần nào ơn sâu của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nhân đạo, của những tấm lòng đồng hương đầy vị tha nhân ái đã hết lòng bao bọc, an ủi, nâng đỡ tinh thần chị em chúng tôi nơi sứ lạ quê người vào những ngày đầu chân ướt chân ráo, khi mà từng ngày từng đêm chúng tôi đã sụt sùi khóc hết nước mắt vì thương nhớ quê cũ với những hình ảnh kỷ niệm ấu thơ, Với lòng xót xa thương nhớ mẹ cha đang còn khốn khổ nhọc nhằn ở quê nhà. Để kết luận hồi ức vượt biển Đông này, tôi xin được một lần nữa, cảm tạ thượng đế toàn năng, cảm tạ đất nước và dân tộc Hoa Kỳ, cảm tạ những tấm lòng đầy ắp bao dung nhân ái của những cô bác, anh chị đã dang rộng vòng tay ấm áp thân tình ra để nâng đỡ và bảo bọc cho hai chị em chúng tôi trong những ngày tháng đầu tiên lưu lạc. |