Đặt chân vào bất cứ một trường học nào ở Mỹ, An cũng đi bộ hoặc lái xe lòng vòng quanh khuôn viên của trường để tìm cổng trường mà không bao giờ tìm thấy. Là vì trường học ở Mỹ, dù là trường Tiểu học, Trung học, hay Đại học đều có những bãi đậu xe rộng quanh trường, nhiều trường còn có những sân vận động nhỏ với đường chạy track field quanh trường. Thời còn ở trường Đại học, vào cuối khóa học mùa Xuân, gần qua mùa hè, trời ấm lên, giữa những giờ học, An vẫn hay đi quanh quẩn trong campus rộng mênh mông mà tương tư... những cái cổng trường ở Việt Nam. Cổng trường Mẫu giáo của An màu xanh dương đậm, nổi bật giữa hàng rào trắng rất nhỏ nhưng rất dễ thương như những em bé học trò ngây thơ bé bỏng. Đó là hình ảnh đẹp nhất của cuộc đời An thu vào ký ức lúc bắt đầu bước ra khỏi vòng tay của Ba Mẹ và anh chị em trong nhà. Lên lớp một, cổng trường Tiểu học có màu xanh dương nhạt cũng giống như hình thức tất cả các cổng trường ở Việt Nam, một cái cổng chính rất lớn dài khoảng mười mét, cao khoảng sáu mét. Nằm giữa là bảng tên trường rất lớn dựng trên hai cái cột chính của cổng trường. Hai bên cái cột lớn đó là hai cổng nhỏ, kích thước tương tự cửa chính của nhà ở bên Mỹ. Cả ba cổng đều mở rộng một tiếng trước giờ vô học buổi sáng, hay buổi chiều. Chuông vô học vừa reo lên, ông cai trường đóng cái cổng chính lại, khóa bằng một cái ống khóa rất lớn dưới con mắt của những học sinh Tiểu học. Nhưng hai cổng phụ vẫn mở để cho các học sinh đi trễ có thể vào lớp. Mười lăm phút sau lúc tiếng chuông vào lớp reng lên, cổng phụ bên phải đóng lại, chốt cẩn thận bên trong, nhưng không có khóa. Nửa giờ sau tiếng chuông, cái cổng phụ bên trái cũng đóng luôn.. Lúc đó đúng là "cửa đóng then cài, nội bất xuất, ngoại bất nhập". Thời đó ở Việt Nam, không có Child Molestation, không có cảnh bắt cóc con nít đòi tiền chuộc, nhưng cổng trường đóng để đề phòng lũ học trò Tiểu học trong giờ ra chơi, đánh vũ cầu hay chơi banh văng ra khỏi cổng trường, sẽ cắm cổ chạy ra lượm, không chịu nhìn xe qua lại, dễ xảy ra tai nạn. Cổng chính chỉ mở rộng sau khi tiếng chuông tan học vang lên lảnh lót, đánh thức một vài đứa ngồi những bàn ở cuối lớp đang lim dim gần ngủ gục, đánh thức luôn cái bao tử rỗng tuếch của những cô cậu học trò ở sức ăn như "tằm ăn lên" thời thơ dại. Vào lớp sáu, lên Trung học, ở tỉnh lỵ nhỏ, có một trường Trung học Công lập duy nhất, con gái học buổi sáng, con trai học buổi chiều, cái cổng trường vẫn là một hình ảnh đậm nét trong đầu An đúng như câu "cửa Khổng sân Trình". Dù trường lớn hơn, cổng trường rộng hơn, cao hơn nhưng hình thức thì vẫn vậy. Cổng chính ở giữa, hai cái cột ở hai bên, mỗi cột cao khoảng mười thước, hình khối vuông, mỗi cạnh độ năm gang tay người lớn. Hai cổng nhỏ hai bên, mỗi cổng chỉ rộng khoảng ba thước, nối cổng chính với hàng rào quét vôi vàng bao quanh trường. Chỉ có vậy thôi nhưng đó là cả cái cổng dẫn vào "thánh địa Trung học công lập" của những học sinh Tiểu học được đậu vào lớp sáu của ngôi trường công lập duy nhất trong Tỉnh. Đến lúc được vào lớp sáu của trường, An mới có dịp "khám phá" là trường còn có một "cổng sau", nghĩa là một lối đi nhỏ phía sau trường, nối với con hẻm bên cạnh, mà lũ học trò lớp sáu của An còn nhỏ, đủ để len qua những bụi rậm nhỏ để vào hay ra khỏi trường mà không cần phải qua cổng chính, chỉ đóng và mở trước giờ vào học hay sau giờ tan học. Chưa bao giờ thấy những đứa nhỏ con "được việc" như vậy; là vì nhỏ con nên có thể chui ra, chui vô khoảng hở ở hàng rào, qua cái chợ nhỏ bên kia đường để mua quà vặt cho cả lớp. Cả lớp gọi đó là cổng sau, là nơi An và các bạn có thể vào ra trường mà không ai biết, kể cả các thầy cô Giám thị, chuyên môn để mắt đến lũ học trò tinh ranh, nghịch ngợm. Còn hơn thế nữa, mỗi lần đi trễ, cổng trường đã đóng, An và bạn bè chỉ việc chui hàng rào và an toàn vào lớp mà các thầy cô Giám thị không hề biết. Hai bên cổng trường là hai nhà để xe mái lợp tôn, nơi các lớp nhỏ như lớp An để xe đạp và các anh chị lớp lớn để xe PC, Yamaha, Honda....... Có những buổi trưa trời nắng gắt của miền Nam mưa nắng hai mùa, nhìn lũ học trò mặt mày phờ phạc (không hiểu là vì đói bụng, vì trời nắng hay vì một bài toán khó vừa học sáng nay ở trong lớp?), thầy Tổng Giám thị cho trồng hai cái cây con, cao khoảng một thước, nghe nói lúc cây lớn lên sẽ thành hai cây cổ thụ để có bóng mát cho học trò đứng chờ đến phiên lấy xe từ hai nhà để xe, Không biết ai đã trực tiếp trồng, nhưng cây chỉ được trồng từ giữa năm An học lớp sáu. Người tưới cây không ai khác hơn là học sinh khối lớp sáu của An (nhưng học sinh sẽ có cơ hội được "hưởng hạnh phúc đứng dưới cây cao bóng mát", vì còn đến sáu năm nữa lớp An mới ra khỏi trường). Thầy Tổng Giám thị còn ân cần đặt cho "đội tưới cây" một cái tên rất kêu "đội Cảnh sinh" (nghe giông giống cách gọi ngắn đi từ "Cảnh sát của học sinh"?) . Thế là sáu lớp sáu con gái học buổi sáng và sáu lớp sáu con trai học buổi chiều thay phiên nhau tưới cây, mỗi ngày một lớp (thời đó ở Việt Nam học sinh đi học 6 ngày mỗi tuần). Cả lớp An chăm chỉ tưới cây, ngay cả những ngày trời mưa. Học trò lớp sáu còn nhỏ, chỉ mười hay mười một tuổi, nên chưa biết làm điệu, và hăng hái thay phiên nhau cứ mỗi lần hai đứa xách nước từ cái vòi nước ở sân sau ra cổng trường tưới hai cái cây con đang lớn. Còn hơn thế nữa, mỗi lần An tan học, nước uống còn dư trong cái chai nhỏ mang theo, chưa uống hết (vì giờ ra chơi đã uống nước chanh muối hay nước xí muội ở hai cái quán nhỏ trong sân trường) được "hào phóng" tặng hết cho hai cái cây con. Cuối năm lớp sáu, An và các bạn chỉ lớn thêm được vài phân, nhưng hai cái cây thì lớn nhanh như thổi, từ một thước (nghĩa là thấp hơn học sinh lớp sáu) đã cao hẳn lên vượt trội cả lớp, tuy chưa cho được bóng mát như trong dự định của Thầy Tổng Giám Thị và trong tưởng tượng của học sinh lớp sáu của An. Lên lớp bảy, "nhiệm vụ cao cả" của học sinh lớp sáu tưới cây mỗi ngày, được lớp An trao lại cho lớp đàn em vừa đậu vào lớp sáu trường Trung học. Nhưng An và các bạn vẫn "để mắt" đến hai cái cây thân yêu ở cạnh cổng trường, mà cả lớp đồng ý đặt tên là "cây si". Mỗi giờ tan học, mặc dù đã không còn ở "đội Cảnh sinh", hôm nào An và các bạn có tiền uống nước chanh muối trong giờ ra chơi, hôm đó cây cũng được "uống ..... nước đá cục". Lúc đó, mỗi lần nhìn lên ngọn của cây, An và các bạn phải ngước cổ nhìn lên thay vì cúi đầu nhìn xuống như dạo cây mới được trồng. Không biết các anh chị lớp lớn có để ý đến cái cây, và có tưởng tượng gì không nhưng lớp An, những người đã "góp phần nuôi cây", nhất là học trò con gái đã tưởng tượng rất nhiều thứ về cái cây cạnh cổng trường. Những đứa "già trước tuổi" còn mơ mộng đến ngày mình lên đệ nhị cấp, đứng chờ "ai đó" trước cổng trường, còn có bóng cây che chở, không phải chỉ dựa cổng trường, đầu chỉ được che bằng cái nón lá mỏng manh của học trò con gái như các chị lớp lớn. . . . Giữa cuộc đời và những giấc mơ, nhất là giấc mơ thời mới lớn, thường có khoảng cách xa vời vợi. Chỉ hơn một năm sau ngày cả lớp An chuyên cần tưới hai "cây si" đứng sau cổng trường và được ban tặng "phần thưởng Cảnh sinh" cho cả lớp, miền Nam đổi chủ. Và cùng như một số ít bạn bè, An phải bỏ trường mà đi với nhìều giọt nước mắt được nuốt vào lòng. Giấc mơ được tựa "gốc cây si" cây dài bóng mát mà An và các bạn đã chăm sóc mỗi ngày suốt cả một niên học dài để chờ "cây si thiệt" lúc lên lớp mười hai tan thành mây khói.... An xa ngôi trường thân yêu, xa thành phố của tuổi thơ tĩnh lặng bình yên từ đó, mang theo nhiều ký ức êm đềm, trong đó có hình ảnh hai cây si thực vật mà mình đã góp phần "nuôi" cây lớn... Tháng 4/75, trong những hỗn loạn bất an, linh tính cho biết mình sẽ không còn có dịp tiếp tục học ở trường, An lén Ba Mẹ đạp xe đi ngang trường, thu lại hình ảnh "hai cây si" nép sau cổng trường vôi trắng thân yêu vào ký ức; môi mím chặt, mắt long lanh ngập nước, và thấy xót xa như vừa mất một quảng đời thơ dại hồn nhiên, hạnh phúc. . . . Những ngày đầu đến Mỹ, học ở một trường Trung học nhỏ ở St. Louis, Missouri, câu đầu tiên An hỏi đứa bạn ngồi cạnh là cổng trường ở đâu? Nó giương mắt nhìn An như nhìn một người từ hành tinh nào rớt xuống: - Trường ở đây không có cổng. Hồi đó, mới qua Mỹ, sợ là tiếng Mỹ của mình làm đứa bạn ngồi cạnh hiểu lầm vì phát âm không chính xác, giờ đổi lớp cho môn học kế, An lại hỏi một đứa khác ngồi bên cạnh, con nhỏ này chắc tính cẩn thận, hỏi lại cho .... chắc ăn: - Mày muốn nói cái cổng nào? An kiên nhẫn lặp lại: - Tao muốn hỏi cái cổng trường, chỗ để học sinh ra vô trường,ở đâu? Con nhỏ Meredith có cái mặt lấm tấm tàn nhang nhưng trông vẫn rất dễ thương cũng kiên nhẫn giải thích: - Thường thường tụi tao ra vô Cổng ở bên hông Trường, gần bãi đậu xe, chỗ Ba Mẹ học trò thả con xuống để tụi nó đến lớp. Đứa nào đi bộ đến Trường thì vô bằng bất cứ chỗ nào tiện đường của nó, từ sân vận động, từ dãy lớp tám nằm ở cuối trường, từ phòng thí nghiệm.... An ngây ngô hỏi lại: - Không có cổng thiệt hả? Làm sao ngăn được học trò trốn học. Meredith lại cười (chắc nó cười cho vẻ ngớ ngẩn "đồng chua nước mặn" của đứa bạn da vàng cùng lớp): - Nếu muốn trốn học thì tụi nó đâu cần phải vô trường, nhưng đi lớ ngớ ngoài đường sẽ bị Cảnh sát chở về giao lại cho Trường hay cha mẹ. Lâu lâu cũng có mấy học sinh lớp mười hai trốn học đi coi các buổi hòa nhạc, nhưng mặt họ cũng phải trưởng thành như những người trên 18 tuổi để không bị mấy ông Cảnh sát chận lại. Hình ảnh cái cổng trường học ở Việt Nam từ đó lại càng rõ nét trong đầu An. Ngoài việc nhớ những đứa bạn cùng lớp ngày xưa, An còn nhớ thêm cả cái cổng trường vôi trắng đã gắn liền với thời học sinh ở quê nhà. Lên Đại học, xuôi Nam, ở Dallas, Texas, trường rộng mênh mông, đi từ phân khoa này đến phân khoa kia nhiều khi phải đi bằng xe hơi, hay đi nhờ loại xe điện nhỏ đi tuần trong trường của mấy ông cảnh sát của trường. Nhưng những ngày đầu mùa học, bài vở chưa nhiều, An lại đi vòng vòng quanh khuôn viên trường, mà nhớ đến những cái cổng trường thân yêu ở Việt Nam thời thơ dại của mình. Khác với trường Trung học, tuy không có cổng chính với hai cổng phụ nằm hai bên, trường Đại học ở Mỹ có những "cổng chào", không có hai cánh cửa, nhưng có cả một khung lớn (bằng kim loại hoặc bằng đá) cao khoảng năm mươi feet, thường đặt ở trước Student Union, (một loại "shopping mall" nhỏ cho sinh viên và giáo sư trong trường) . Mỗi phân khoa còn có một "cổng chào" riêng mang biểu tượng của ngành học chính. (chẳng hạn Engineering school có công thức E=mc2 , Biology school có biểu tượng cấu trúc của DNA, Music school có đủ bảy nốt nhạc: do, re, mi, fa sol, la, si nằm vắt vẻo trên "cổng chào" trông rất vui mắt.) Trường Đại học rộng mênh mông có cả chục lối ra vào trường từ những bải đậu xe cò sức chứa cả ngàn chiếc, nên lại càng không có cổng trường Sân trường Đại học thường xanh mát và rất nhiều cây. Nước Mỹ tuy còn non trẻ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới nhưng các cây cổ thụ trong trường thì thường được trồng từ lúc Trường được thành lập. Có cây cả trăm tuổi, vẫn đứng "trơ gan cùng tuế nguyệt" chứng kiến rất nhiều thế hệ sinh viên vào, ra trường, rồi vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời. Lần đó, ông giáo sư dạy Triết bị bệnh, thay vì hò reo mừng rỡ vì được nghỉ học như thời còn học lớp sáu ở trong nước, sinh viên Đại học ở Mỹ, nhất là những đứa chưa chuẩn bị bài vở hôm đó dù vui nhưng cũng khôn hơn, giữ khuôn mặt bình thường tuy trong lòng rộn rả vì có được một tiếng đồng hồ tự do. Trong lúc hầu hết bạn học vào Lab để hoàn tất bài tập cho một lớp khác ,hay vào Cafeteria để.... tìm một góc ngủ bù, An chạy theo con nhỏ Yvonne cùng nhóm, vẫn ngồi sau lưng An trong ba lớp học chung, về phòng của nó ở khu nội trú cạnh trường,hỏi mượn cái xe đạp của nó để chạy vòng vòng trong khuôn viên của Trường, vừa để tập thể dục, vừa để nhớ lại những ngày đạp xe đạp đi học ở Việt Nam. Yvonne rất tử tế, đã chỉ An cách điều chỉnh yên xe dạp để vừa với chiều cao của An, lại còn giữ giùm cặp sách của An. Vừa đạp xe long nhong trong sân trường, An vừa nghĩ đến bài hát "xe đạp ơi" mà thấy bài hát đang thịnh hành ở trong nước bỗng trở thành "cung đàn lạc điệu" ở một trường Đại học rộng lớn ở Mỹ. Trước cổng chào (chứ không phải cổng trường), nơi mọi người ra vô tấp nập nhất, không chỉ sinh viên, giáo sư hay nhân viên trường, mà có cả các du khách, các đoàn học sinh Trung học đi field trip, không có "cây si bóng mát" như ở Việt Nam, nên cũng không có cảnh "em tan trường về anh theo Ngọ về", mà có những ông Mỹ gốc Mễ Tây Cơ - đội những cái mũ somboro rộng vành để tránh bớt cái nắng khắc nghiệt của Texas, một tiểu bang miền Nam rộng lớn - bán hotdog và soda trên những cái xe nhỏ đủ màu trông rất vui mắt. Một lần, An và một người bạn Việt Nam, dù không thích món thịt heo được điểm trang bằng mustard màu vàng và ketchup màu đỏ kẹp trong ổ bánh mì nhỏ, cũng la cà ở những cái xe bán hotdog để hồi tưởng những cái xe bán bò bía, đậu đỏ bánh lọt gần cổng trường Trung học năm xưa ở Việt Nam. Hôm đó, (may cho tụi An nhưng không may cho người bàn hàng), không đông khách lắm nên ông Mễ bán hàng to tròn không hề khó chịu khi thấy hai cô sinh viên da vàng chỉ mua hai cái hotdog mà "chiếm cứ" một trong hai cái bàn lộ thiên dưới bóng mát của cây cổ thụ ven đường gần cả tiếng đồng hồ. Hai đứa ngồi ngó trời ngó đất, nhìn ông đi qua bà đi lại, xe cộ nối đuôi di chuyển trên đường phố mà như không thấy gì vì An thả hồn về trường Ngô Quyền trên đường Quốc lộ 1 ở Biên Hòa của mình trong khi con nhỏ bạn nhớ lại trường Gia Long trên đường Phan Thanh Giản ở Saigon của nó. Thời gian tưởng như ngừng lại khi người ta chìm vào quá khứ. Cho đến lúc, cả hai đứa cùng giật mình khi một người Mỹ homeless dừng lại hỏi xin tiền lẻ. Dù đang đi học, làm part time, tiền bạc chỉ đủ để "đắp đổi qua ngày", cả hai đứa cũng móc đủ bốn túi quần đến hai túi áo ra một nắm đủ thứ tiền cắc: quarters, dimes, nickens va cả pennies, chắc chỉ được khoảng ba, bốn dollars, chỉ vừa đủ tiền đi một ngày xe bus. Nhưng người homeless cám ơn rối rít, làm cả hai đứa cũng thấy ái ngại. Nên An hỏi ông: - Ông có đói bụng không? Có muốn ăn hotdog không? Người đàn ông không may, có vẻ đang đói bụng, chưa kịp trả lời, bạn An đã nhanh nhẹn chạy lại hỏi xin một cái hộp đựng đồ ăn togo từ người bán hàng. "Tư tưởng lớn" gặp nhau, cả hai đứa cùng bỏ hai phần hotdog của mình vào hộp, và gói lại cẩn thận trước khi trân trọng đặt vào tay người homeless với khuôn mặt dù hốc hác nhưng vẫn hồng hào, vóc dáng vẫn to cao, và áo quần, giày dép vẫn tươm tất. Câu cám ơn "Thank you, ladies" của người đàn ông hình như đứt quảng, có lẽ ông ta cảm động vì cả hai đứa cùng áp dụng câu tục ngữ Việt Nam "cách cho hơn của đem cho". Con mắt màu xám của ông ta hình như long lanh ngập nước. Không hẹn mà cả An và con nhỏ bạn cùng lên tiếng: - Không có gì hết, ông giữ lấy để ăn khi nào đói, chúng tôi cũng sắp về nhà, sẽ ăn ở nhà. Chúc ông may mắn. Không muốn người đàn ông bận tâm, cả hai đứa cùng đeo cặp lên vai quay vào trường, bụng đói, túi rỗng, nhưng lòng tràn ngập niềm vui, một niềm vui không một khoản tiền nào có thể mua được. Hôm đó, cả hai đứa vô lớp học giờ kế, đầu óc vẫn còn mang theo cái cổng trường Trung học ở Việt Nam có xe bán bò bía, có "nắng Saigon anh đi mà chợt mát"; và cái "cổng chào của Trường Đại học ở Mỹ có xe bán hotdog, có khuôn mặt khắc khổ, và ánh mắt biết ơn của người homeless bản xứ. Hai góc trời của hai quê hương không chỉ rõ nét hôm đó, kéo dài suốt hai năm còn lại ở Đại học, mà còn theo An không rời. Mỗi lần đầu óc tạm thảnh thơi, rời khỏi những bổn phận với "nợ áo cơm", với những trói buộc vật chất thường tình mỗi ngày, hình ảnh năm nào lại hiện lên, rõ nét như mới vừa xảy ra hôm qua. |