Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Chuyện Một Khách Hàng

Chuyện Một Khách Hàng PDF Print E-mail
Tác Giả: Khánh Hoàn   
Thứ Năm, 08 Tháng 10 Năm 2009 12:34
Bài viết là chuyện cảm động về một khách hàng Mỹ, được kể bởi một người bỏ báo gốc Việt.  
"Bỏ báo mà cứ gặp mấy cái nhà kiểu này thì hết ăn!". Không biết Minh đã lập đi lập lại như vậy bao nhiêu lần khi bỏ báo ở nhà này.
Đó là một ngôi nhà trông hơi nhỏ và khá cũ, nằm tụt lại phía sau cả hai chục thước so với những ngôi nhà khác cùng dãy. Trước mặt nhà, từ sân cho tới đường lộ lại có một số cây bóng mát che chắn hết ánh sáng của mấy ngọn đèn đường khiến ngôi nhà về đêm càng tăng vẻ u ám. Lối đi từ nhà ra đường lộ là một đoạn đường đất, hai bên trồng hai dãy hoa các loại. Nó chỉ rộng đủ cho một chiếc xe hơi chạy. Lái lạng quạng một chút là xe có thể vướng gẫy những cành hoa. Minh lái dở, lại ngại chiếu đèn xe vào nhà người ta lúc ban đêm nên anh thường ngừng xe trước ngõ, nhìn trước nhìn sau rồi nhảy xuống chạy thật lẹ vào quăng tờ báo trước hiên. Vừa chạy vừa ngoái cổ liếc chừng xe. Trong khu vực này đêm hôm vẫn hay có bọn bất hảo đi lang thang làm chuyện xằng bậy. Đã có nhiều đồng nghiệp của anh vừa nhảy xuống quăng báo là bị cướp nhảy lên lái xe chạy mất. Quăng xong tờ báo Minh lại hấp tấp chạy trở ra xe.
Cái vườn này đặc biệt lại có rất nhiều mèo. Chúng hay rượt nhau chạy ngang chạy dọc, kêu gào hết cỡ có khi nghe rợn cả người. Đã nhiều lần Minh bị vấp phải chúng khi chúng phóng chạy bất ngờ, có lần suýt té nhào. Bỏ một tờ báo mà phải hồi hộp lo sợ như thế, lại mất nhiều thì giờ, Minh đâm ra có ác cảm với vị khách hàng nhà này.
Một đêm trăng sáng, cũng tại nhà này, khi bỏ tờ báo xong quay ra gần tới xe, Minh giật mình thấy một bóng người từ vườn nhà hàng xóm băng rào bước sang. Anh sợ hãi chạy lẹ về chiếc xe của mình. Ngồi lên xe xong anh mới dám quay nhìn lại bóng lạ. Anh hơi thẹn và tức cười khi nhận ra bóng lạ chỉ là một người đàn bà. Có lẽ bà ta chẳng quan tâm gì đến sự có mặt của Minh, loay hoay làm gì đó dưới một gốc cây rất tự nhiên. Dáng vẻ cóm róm của bà ta khiến Minh đoán bà đã khá lớn tuổi. Bà ta là người trong nhà hay người hàng xóm? Hay một người mất trí từ đâu lọt vào? Nếu bà ta là người ngoài mà làm gì bậy bạ ở đây chủ nhà có thể nghi là người bỏ báo lắm. Anh hơi lo. Vì muốn biết bà ta đang làm gì nên Minh chần chờ chưa đi vội. Khi thấy bà ta vào hiên nhà nhặt tờ báo rồi mở cửa bước vào bên trong anh mới yên tâm lái xe đi.
Một lần khác, khoảng bốn giờ sáng, Minh lại thấy bà già ấy đang lúi húi làm gì dưới gốc cây thông ở hông ngôi nhà bên cạnh. Trong đầu anh lại chớm lên nỗi thắc mắc: Sao bà già này ban đêm hay sang nhà hàng xóm làm gì?
Lần thứ ba, cũng khoảng bốn giờ sáng, Minh lại thấy bà già đang lúi húi gần hiên chái ngôi nhà đối diện bên kia đường lộ. Nỗi thắc mắc trong đầu óc Minh càng tăng: Tại sao bà già hay lúi húi ở vườn hàng xóm vào những giờ ấy? Có thể bà ấy làm điều gì ám muội chăng? Mối ác cảm của Minh đối với bà già càng tăng.
Một ngày kia, khi đi đòi tiền báo, Minh lại đi ngang qua ngôi nhà này. Lúc ấy đã hơn mười giờ sáng. Nhìn vào sân nhà, Minh bất ngờ được chứng kiến một cảnh tượng thật đẹp mắt. Anh ngừng xe lại để xem.
Một bà già đứng giữa sân với nét mặt phúc hậu tươi cười rải thức ăn cho lũ chim ăn. Đây là lần đầu Minh thấy rõ mặt bà già. Tay bà cầm cái thau nhựa nhỏ, tay kia bốc từng nắm thức ăn đựng trong thau vung vãi xuống sân. Dưới chân bà hàng mấy trăm con chim nào hải âu, nào bồ câu, nào chim sẻ và một số chim sáo, chim quạ lẫn lộn đang lao nhao lúc nhúc chen nhau mổ thức ăn. Tiếng lũ chim mổ vào mặt sân đều đều lẫn với tiếng kêu ư ử trong họng chúng tạo thành một thứ âm thanh rì rào nghe lạ lạ hay hay. Một vài con có lẽ đã no, hoặc bị nghẹn, xúm lại dưới một gốc thông gần sân, ở đó có mấy cái hũ đựng sẵn nước, chúng uống và vẩy nước lên mình rồi giũ lông giũ cánh một cách thích thú...
Một lát sau, bà già vỗ cái thau không xuống sân rồi bước vào nhà. Một số chim vẫn cặm cụi ăn, một số khác dáo dác nhìn theo hướng bà già vừa khuất, chờ đợi... Khi bà già trở lại, vẫn với cái thau trên tay, lũ chim đều ngước cổ nhìn theo bà. Bà già lại từng nhịp vung tay lên như một bà tiên đang ban ân phước cho lũ khách trần. Mỗi cái vung tay của bà là một phép thiêng mầu nhiệm khiến lũ chim đều đổ dồn mắt hướng theo rồi sung sướng hưởng lộc. Nhìn cảnh này Minh chợt nhớ đến hình ảnh một bà già ở xứ mình đang cho gà vịt ăn. Nhưng so sánh như thế đâu được! Hai việc làm giống nhau nhưng mang ý nghĩa khác nhau xa. Cho gà vịt ăn là một hoạt động kinh tế cầu lợi, còn việc cho chim ăn này là một hoạt động tinh thần, một việc làm hoàn toàn vị tha, vì lòng thương yêu loài vật, một việc làm cao cả khác thường. Bà già đã qui tụ được một số "thực khách có cánh" đông đảo và quen thuộc đến như vậy hẳn bà đã trải qua một thời gian dài nuôi chúng và đã tốn kém nhiều rồi...
Chợt nhớ lại việc cũ, Minh nhìn đến những chỗ anh từng thấy bà già lum khum làm gì ở đó vào lúc bốn, năm giờ sáng. Lúc ấy chỗ nào cũng có mấy con mèo đang quanh quẩn bên những cái hũ, cái tô, có lẽ chứa nước hoặc chứa thức ăn... Hèn gì trước đây Minh cứ thắc mắc tại sao vườn nhà này có nhiều mèo quá!
Bấy giờ thì chuyện đã sáng tỏ. Hóa ra bà già hay dậy thật sớm lúi húi ở vườn hàng xóm cũng chỉ nhằm mục đích lo việc nuôi ăn lũ mèo hoang và tới sáng thì nuôi ăn lũ chim trời... Thế là bao nhiêu ác cảm đối với vị khách hàng này tồn trữ trong đầu Minh lâu nay phút chốc tan biến hết. Lúc này anh thấy bà già chính là hiện thân của một vị bồ tát...
Quá cảm động trước việc làm đẹp đẽ dễ thương ấy, Minh xuống xe tiến lại gần bà già để bày tỏ một lời tán thán. Tuy anh lúng túng vì thiếu ngôn ngữ để diễn tả, bà già cũng có vẻ hiểu ý. Khi anh xưng là carrier, người bỏ báo cho bà, gương mặt bà già vui vẻ lên thấy rõ. Lúc này Minh mới nhận ra bà ta đã quá già, ít nhất cũng tám mươi. Da mặt bà hoàn toàn nổi đồi mồi giống như da những người Việt Nam ở lứa tuổi đại thọ. Bà tươi cười nói chuyện huyên thiên với Minh. Khổ nỗi mười tiếng anh chỉ nghe được một, hai. Bà chỉ vào nhà, rồi chỉ vào những con chim nói gì gì Minh không thể nào hiểu nổi. Thật tình Minh chỉ muốn đến gặp bà già để khen bà một tiếng tỏ lòng cảm kích thôi, anh không ngờ bà già lại khoái nói chuyện đến thế. Anh đã "sorry, I don't speak English" và "bye bye" bao nhiêu lần nhưng bà già chẳng cần biết, cứ tiếp tục tươi cười nói chuyện khiến anh không thể rời bỏ đi được. Lần đó anh mất gần hai tiếng đồng hồ...
Cũng từ đó, dù gặp khó khăn, anh không còn bực bội khi bỏ báo cho bà già nữa.
Về sau, hễ có dịp qua đoạn đường này, Minh không khi nào quên chú ý đến ngôi nhà của bà già. Nhiều hôm Minh thấy bà già ngồi trước sân vui cười vuốt ve chải lông cho những con mèo. Có lúc bà nhấc từng con lên như muốn xem nó nặng nhẹ thế nào. Có con còn được bà âu yếm hôn hít như mẹ với con. Lũ mèo cũng tỏ ra sung sướng chun qua trèo lại hoặc cọ đầu vào người bà hết sức thân ái...
Ngoài những lúc cho chim hay vuốt ve lũ mèo, Minh còn thấy bà già lúi húi ở các luống hoa, tay cầm cái muỗng xới đất bới những gốc cỏ dại, hoặc cầm kéo cắt tỉa bớt cành ở những cây trong dãy hàng rào. Cũng có khi bà già cầm cái cuốc nhỏ đào lỗ trồng một hai cây gì đó. Những khi ấy thường có vài ba con mèo lẽo đẽo theo chân bà. Nhìn cảnh đó, anh cảm thấy có cái gì rất gần gũi, quen thuộc với mình. Lòng anh lại thấy vui vui liên tưởng tới mấy câu ca dao "Mẹ già lút cút lui cui, Mua đồ cúng đất đất xui làm giàu" hoặc  "Mẹ già cuốc đất trồng khoai, Con đi mua ngọn nghe ai không về"...
Minh thích nhất là được nhìn cảnh bà già đang cho chim ăn. Gặp những lúc ấy thế nào Minh cũng ngừng xe một hồi khá lâu để xem. Việc ngừng xe để xem cảnh chim ăn của Minh cũng làm bà già quen mắt dần. Một hôm vừa thấy Minh ngừng xe, bà già liền đưa tay ngoắt anh. Minh xuống xe tiến về phía bà. Lũ chim đang ăn, nhất là mấy con hải âu, lấm lét nhìn anh rồi tránh dạt ra. Anh phải dè dặt  đi vòng quanh rồi đứng xa xa để lũ chim khỏi sợ. Bà già lộ vẻ mừng, hớn hở đi vào nhà rồi trở ra với cái túi nylon đựng một trái bưởi lớn trao cho Minh, Minh nói thank you và nhận lấy. Thế rồi bà già lại bắt đầu cười cười nói nói với Minh. Minh cũng chỉ biết đứng nghe mà không hiểu được bao nhiêu. Bà già ham nói chuyện đến muốn quên cả việc cho chim ăn. Bà già cứ nói và Minh cứ ậm ự gật đầu, chẳng ai cần hiểu ai... Thế mà cuộc nói chuyện vẫn kéo dài ngót hai tiếng. Cuối cùng Minh phải cương quyết giã từ mặc cho bà già vẫn chưa muốn kết thúc cuộc nói chuyện...
Hôm sau Minh đem câu chuyện trên kể lại cho các đồng nghiệp nghe. Một đồng nghiệp nghe xong đưa ra nhận xét:
-Nghe qua tôi nghĩ chắc hẳn bà già này cô đơn lắm. Tánh người già vẫn ưa nói. Chắc bà không có con cháu hay bạn bè nên mới thèm khát nói chuyện đến thế. Và có lẽ đầu óc bà cũng đã có vấn đề nên chỉ biết nói mà không biết để ý đến đối tượng của mình có thu nhận được những gì mình nói ra hay không...
Một người khác tiếp lời:
-Đúng! Bà già ấy chắc hẳn cô đơn lắm. Nếu không, sao bà ta mới thèm khát nói chuyện đến thế? Bà ta phải làm bạn với chim, với mèo cũng chứng tỏ điều đó phần nào rồi.
Một người khuyên Minh:
-Anh Minh ơi, từ nay tốt nhất anh nên tránh bà ta đi! Bà ta bây giờ như ngọn đèn trước gió, có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Anh mà cứ đến đó rủi khi có chuyện bất ngờ xảy ra cho bà ta, có phải anh có thể đổ nợ ra không?
Một người khác lại nói:
-Anh ấy khuyên vậy là phải đấy. Lỡ có tên du thủ du thực nào dở trò cướp bóc hay làm gì bà ta, nếu bắt được thủ phạm không nói làm gì, nếu không bắt được thủ phạm, anh sẽ trở thành một đối tượng bị nghi ngờ! Người ta cứ cho là anh hay lui tới với bà ta với mục đích thăm dò tình hình anh làm sao cãi? Nhất là anh không rành tiếng Anh, đến với bà già ấy hằng giờ để làm gì?
Nghe các đồng nghiệp nói lên sự lợi hại khi tiếp xúc với bà già Minh mới giật mình. Ách giữa đàng mang vào cổ như chơi! Tình ngay lý gian, nếu những chuyện nói trên xảy ra thật anh làm sao khỏi bị phiền phức? Thế là từ đó anh không dám ngừng xe để xem bà già cho chim ăn hoặc săn sóc mấy con mèo nữa.
 *
Một đêm vào dịp lễ Thanksgiving, Minh thấy ở chỗ anh hay quăng báo có một gói gì khá lớn. Nhìn kỹ Minh thấy bên ngoài có kèm mảnh giấy đề chữ "for Bee Carrier". Minh nghĩ đây là quà Noel của bà già tặng sớm. Cầm cái gói lên thấy hơi nhẹ, anh đoán chừng là một cái áo thun. Về nhà mở ra Minh mới hay đó là những bao nylon anh gói báo khi trời mưa và một mớ thun cột báo hằng ngày. Những bao nylon đều còn dùng được nhưng mớ thun thì hầu hết đã mục cả, khi đem dùng nó cứ đứt bựt bựt búng đau cả tay. Minh cảm thấy vui vui và càng thêm kính mến bà già về đức tiết kiệm. Sự việc một người dám bỏ tiền ra để nuôi cả đàn chim trời, cả lũ mèo hoang không cho phép Minh nghĩ rằng bà già bỏn xẻn! Minh đem chuyện ấy kể lại với các đồng nghiệp ai cũng cười.
Rồi tết Noel đến, đây là dịp mà khách hàng đọc báo hay tặng quà cho carrier nhất. Nhưng Minh không nhận được quà của bà già. Một đồng nghiệp hỏi Minh:
- Lễ Noel này bà già nuôi chim nuôi mèo ấy có tặng quà cho anh không?
Minh đáp nửa đùa nửa thật:
-Tặng trong dịp Thanks-giving rồi chứ tặng gì nữa! 
Anh bạn cười rồi phê phán:
- Người Tây phương đôi khi cũng kỳ thật! Đối với thú vật, chim chóc bà ta rộng rãi như vậy mà sao đối với người đưa món ăn tinh thần đến cho mình hằng ngày bà ta hà tiện đến thế nhỉ?
Các đồng nghiệp nghe cũng chỉ cười. Rồi Minh cũng quên dần câu chuyện gói quà.
 *
 
Tới đêm giao thừa tết Nguyên Đán Việt Nam, khi vừa quăng tờ báo ở thềm hiên, Minh bất ngờ nghe tiếng mở cửa. Minh thấy bà già từ trong nhà bước ra, tay cầm một cái bao thư, cất giọng nhỏ nhẹ, run run:
- Happy new year!
Bao thư trên tay bà già chắc hẳn là bao thư "lì xì". Minh hết sức ngạc nhiên và xúc động. Anh không ngờ bà già này lại sâu sắc đến thế! Cái ý nghĩa lớn lao nhất là một bà già Mỹ lại quan tâm đến ngày tết dân tộc của một người bỏ báo như anh! Từ khi nước mất nhà tan, lưu lạc quê người, Minh chẳng mấy khi tìm lại được chút hương vị ngày tết của quê hương. Đã bao nhiêu năm, không một ngày tết nào Minh được nghỉ việc. Bây giờ đột nhiên Minh được một người "lì xì" vào ngày tết như thuở còn thơ ấu không xúc động sao được?
Minh đứng sửng lại, bà già chậm chạp bước tới gần anh. Bà run rẩy trao cái bao thư cho anh. Anh thấy rõ cái bao thư trên tay bà cũng run bần bật. Bà già nói mấy tiếng cám ơn anh đã làm việc tốt. Nhưng lần này giọng bà nghe sao hiu hắt quá! Trông bà có vẻ yếu lắm rồi. Minh cảm thấy ở bà già đã có một vẻ gì rất mong manh. Nghĩ đến cảnh sống một mình của bà anh cảm thấy ái ngại. Tại sao một người đàn ông còn khỏe mạnh như mình lại nhận quà của một bà già như thế? Anh cảm thấy hổ thẹn. Nhưng rồi anh không biết làm sao để diễn tả suy nghĩ của anh. Anh cũng không muốn dùng dằng lâu vì chiếc xe anh đang nổ máy nằm hớ hênh ngoài đường. Lúng túng một chút rồi anh đành ấp úng cám ơn bà già mà nhận quà rồi giã từ.
Về nhà mở bao thư ra Minh thấy một câu chúc năm mới hạnh phúc với tờ bạc hai mươi đồng. Anh lại xúc động nhớ tới bàn tay run rẩy của bà già. Ôi, một tâm hồn vị tha, một nỗi cô đơn to lớn của tuổi già, một vẻ mong manh của ngọn đèn gần cạn dầu trước gió! Anh lại liên tưởng tới những hình ảnh bèo bọt  phù sinh của kiếp người. Những suy nghĩ ấy lẩn vẩn trong đầu óc anh đến mấy ngày...
*
Ngày tháng vẫn trôi. Thời gian sau này nhà báo trực tiếp thu tiền khách hàng nên Minh không còn đi đòi nợ nữa. Do đó anh cũng ít khi đi qua nhà bà già vào ban ngày. Mấy tháng sau, một hôm Minh chợt để ý thấy lũ mèo ít rượt nhau, kêu gào trong vườn bà già như trước. Một số mèo còn đi lang thang ra cả đường lộ, chúng có vẻ ngơ ngơ ngáo ngáo... Nhìn lại những nơi chúng thường tập trung ăn uống anh vẫn thấy những cái hũ cái tô nhưng không thấy con nào quanh quẩn. Khi ấy anh mới sực nhớ cả chục tờ báo anh quăng hằng ngày vẫn còn nằm ngổn ngang trước hiên nhà bà già. Đó là một hiện tượng rất khác thường. Từ trước lúc nào bà già luôn nhặt báo liền trong ngày chứ có để thế đâu? Có lẽ bà già đi đâu vắng chăng?
Vì tánh tò mò, một buổi sáng Minh lái xe đến nhà bà già vào giờ bà vẫn hay cho chim ăn. Anh đậu xe lại, tay cầm một tờ báo bước xuống. Mấy con chim đậu rời rạc trong vườn thấy anh liền cất cánh bay đi. Anh lại gần chỗ để những cái hũ cái tô đựng nước, đựng thức ăn cho mèo và chim chóc quanh đấy thì thấy tất cả đều khô rúc, sạch không. Hèn gì lũ mèo trông có vẻ đói khát... Bà già đi đâu nhỉ, bao giờ bà trở về?
Hôm sau Minh sững sờ trước cái tin mới: nhà báo đã cắt báo của bà già với lý do "deceased". Minh bàng hoàng xúc động như mất một người thân.
Nhiều hôm liên tiếp, trong khi đi bỏ báo, Minh cứ liên tưởng đến hình ảnh bà già. Thật trớ trêu, một khách hàng mà trước đây Minh từng mong cho người đó nghỉ, giờ được toại nguyện, Minh lại thấy buồn mênh mang...
Cuối tuần, nhân đọc một tờ báo Việt ngữ tại địa phương, Minh thấy được một cái tin với tựa đề "Một bà lão chết trong nhà cả tuần hàng xóm mới biết". Bài báo cho biết: "Một bà lão 85 tuổi tên M..., sống một mình ở số... đã chết trong nhà một tuần mới được phát giác. Cảnh sát cho biết, sau nhiều ngày không thấy bà lão lấy thư, người đưa thư đã hỏi thăm mấy người dân ở gần đó. Lúc đó người ta mới để ý đến chuyện nhiều ngày rồi không thấy bà lão cho chim cho mèo ăn. Bà lão này hằng ngày vẫn cho chim ăn, mèo ăn tại sân nhà của bà. Cũng có người nói họ cảm thấy như có mùi gì khác lạ. Họ đâm nghi ngờ bèn kéo nhau đến nhà bà lão. Trong nhà đèn vẫn bật sáng và cả TV cũng đang mở với tiếng nói oang oang. Thế nhưng trước cửa ra vào có cả một đống báo chưa mở đọc. Hai đầu hiên nhà đều có lót hai tấm mền cũ nhớp nhúa dính đầy lông mèo. Họ bấm chuông thì không có ai mở cửa. Thế là họ gọi cảnh sát. Khi cảnh sát mở được cửa, người ta thấy bà già đang ngồi dựa ngửa trên chiếc ghế xa lông dáng như người đang ngồi xem TV. Trên chiếc bàn trước mặt bà có hai cái thau đựng thức ăn cho mèo và một tô xúp mới ăn nửa chừng, phần còn lại đã đặc quánh. Có lẽ bà già đã chết đã nhiều ngày...".
Từ khi bà già mất, ngôi nhà ấy bỏ hoang một thời gian khá dài. Thỉnh thoảng mới thấy một vài người nào đó đến lo việc cắt cỏ tỉa cành. Minh cũng không hề thấy bóng dáng một con chim hải âu nào xuất hiện ở đó nữa. Có chăng lâu lâu mới thấy thấp thoáng vài con mèo có lẽ còn lưu luyến nơi ăn chốn ở cũ... Và hằng đêm khi đi ngang qua đó, Minh vẫn hay mường tượng đến bàn tay run run của bà già khi trao cái bao thư quà cho anh trong dịp tết Nguyên Đán...