Bà chủ cây xăng |
Tác Giả: Phan | |
Thứ Năm, 27 Tháng 5 Năm 2010 19:37 | |
Nhà hắn cũng như bao nhiêu nhà khác cùng cảnh ngộ, cứ tính mua cái này thì thể nào cũng mua cái khác. Đơn giản là lúc đi shopping, thường cái cần không ưng, cái ưng không cần, lại gặp hôm “on sale” thì thể nào cũng dính. Nhưng vợ hắn có khác vợ người ta hay không thì hắn không biết, vì người ta không vấp một mô đá hai lần. Lấy vợ một lần đã tróc móng, còn có hai cái cùi chân để đi chứ không lẽ đi nạng. Cuối cùng, hắn cũng rút ra được kinh nghiệm phòng thân để giữ mạng là không bao giờ làm người quyết định mua. Việc chuyên chở, lắp ráp thì nói làm gì, chẳng lẽ đàn ông đi kể lể. Nhưng sau đó, có người khen đẹp, rẻ… thì công người biết lo xa, biết gia đình chưa cần nhưng mua để đó vì rẻ, kể hoài không hết. Gặp kẻ ăn mắm ăn muối như thằng P-VH, chê vợ chồng hắn bị tiền hành, thì hắn liền mang tội là kẻ xúi. Lắm khi ức quá, hắn cãi thì liền được tặng cho mớ nón, đội cả năm không hết! “Cái có không quý; quý cái không có!” Vợ hắn ngày càng đẹp ra nên “link” hay lắm, hai chuyện không mắc mớ gì nhau cũng link vô được. Kể công bằng thì hắn lười đi shopping một cách có tính toán. Thấy vợ phân vân giữa chợ đời thì hắn ưa nói đại cho được về sớm, “Mua đi, để thôi khi cần lại tìm không ra”. Ý kiến chung chung của hắn thường được liếc yêu, cười tình, “Ừ, em cũng thấy đẹp mà rẻ quá!” Nhưng người không thật lòng đâu có được hên hoài, lâu lâu quên cúng thần Phịa, cũng xui như thường. Hắn bị đả kích là lười biếng, không chịu chạy trăm chỗ để truy lùng: tốt, đẹp, rẻ, vài ba năm không tiền lời “free delivery! Hôm trái gió trở trời hắn còn bị lột da ngoài đường, “ Hoang phí, chém vè; việc nhà thì nhát việc chú bác thì siêng! Về. không mua gì nữa… (mấy câu lầm bầm lúc ra xe) – hắn không để tai cho mệt chí anh hùng. Nhưng lời khó nghe thường tự lọt vào tai, rồi ở đó, không bay qua tai kia như lời vợ dặn! “Ai nhờ thì sốt sắng lắm! Cứ anh anh em em… là tuốt tuồn tuột.” Chuyện shopping đang gây cấn chưa xong, tự nhiên link qua chuyện phòng the. Ai lại tuốt tuồn tuột ngoài đường, ma nó coi! Toàn những lời vu khống vô căn cứ, không biết có bà con với Phan Thúy Thanh hay không mà ngữ điệu y chang. Lại còn nêm thêm vài giọt nước mắt oan ôi ông địa cho trời đổ mưa, “Bây giờ, em nói, anh để ngoài tai mà! Người ta nói sống là sống; nói chết là chết. Nói gà là vịt cũng không sao…” Cũng ba cái chuyện vớ vẩn ấy mà gia cảnh hắn mấy hôm nay vần vũ. Không khí nén lại để chẳng biết lúc nào nổ ra một trận thunderstorm. Hắn đi làm về, bếp núc lạnh tanh. Mở tủ lạnh ra, cũng chỉ có vài hộp nhựa, đựng thức ăn cũ từ tuần trước. Mai về lại mở tủ lạnh. Ngày thứ ba, cái tủ lạnh biết nói: “Tao chưa thấy thằng nào óc lợn như mày! Bộ Dallas đóng cửa hết nhà hàng rồi sao?” Hắn chắp tay đa tạ cái tủ lạnh. Đi. Ra nhà hàng, hắn mua về một túi togo khệ nệ. Món hoà hợp hoà giải dân tộc. Phần rau có rau muống bào trộn chung với giá, bắp chuối, rau thơm ba miền. Phần đạm có sản phẩm chăn nuôi, hải sản, đào bới trên núi về các loại củ muôn năm lầm than. Hương vị quê hương nồng nàn thum thủm trong cái lẩu mắm danh bất hư truyền khó ngửi, khó ăn. Nhưng tính hoà hợp cao vì nhúng chung, gắp bỏ, mới thắm thiết tình nghĩa đôi ta không bao giờ ly biệt! Hắn dọn bàn ăn đâu đó, vô phòng mời cốt. Cốt nằm coi phim Hàn tỉnh bơ, nhìn mặt cũng biết sắp mở cửa mả tới nơi. Người ta giận cũng không nên bỏ ăn ba ngày, coi chừng người khác biết mình đói. Hắn không dám cười vì khi no, người ta dứ dứ chỉ là hù doạ thôi. Nhưng khi bộ óc tuột xuống cái bao tử, người ta sảng! Đánh vợ ở Mỹ là tiêu đời, nhưng đánh chồng không có ai can. Chưa kể tính khí mưa nắng như bệnh nghề nghiệp của bà chủ cây xăng cục gạch năm xưa. Cái nết mấy chục năm không chừa, giận thì nhịn đói nằm co chứ không đi ăn một mình như bà Tám. Lúc này còn sinh tật vây cánh với mấy đứa con, đứa nào cũng bênh vực má và sẵn sàng “xử” ba. “Đừng thấy tụi con đi hết rồi, ba bắt chước đi luôn… (cho má biết tay – nói lén)” chứ cha nó cũng không dám nói ra! Nhưng cũng vừa phải thôi chứ, hắn đã mời tử tế thì đừng trả lời khó nghe: “Ngon thì để dành ăn đi! Cám ơn.” Rồi gọi điện thoại khóc lóc với con gái, bới móc đàng trai là cha con nó như nhau, không ai thương má. Nước mắt chưa khô đã chuyển hệ hột xoàn đang sale… “Mày không nghe má… đến ông Phật cũng thê thiếp rồi mới đi tu. Phim Việt Nam bây giờ làm phim hay lắm! Làm sao tin nổi đàn ông trên đời. (Không cần biết ông Phật có ý kiến gì không?) Sang luôn ngành gọi tên người yêu chết trận pleime, …Bên Việt Nam bây giờ gọi hồn hay lắm…” Đến đây thì hắn hối hận đã để vợ đi Việt Nam một mình, mua về toàn ba cái nhảm nhí, rồi tin theo bọn xấu, trục lợi bất nhân. Đức Phật cũng không tha, Ngài bỏ cung son điện vàng đi cứu nhân độ thế. Ơn ngài không kể cũng đừng đả kích. Ngài đi tu nhưng vợ con vẫn ủng hộ ngài. Sau này, vợ con đều đi tu theo ngài… Hắn định mở lớp Phật học căn bản để phổ độ chúng sanh. Nhưng có thực mới vực được đạo. Người đang đói không no nhờ Phật pháp. Hắn đi lục ra cuốn “Đường xưa mây trắng” để củng cố kiến thức. Ngồi đọc không vô vì hắn cũng đói mờ mắt. Hắn để cuốn sách lên bàn rồi lặng lẽ đi nhà hàng một mình. Cùng lắm, Phật hỏi: “Làm sao con khóc?” thì hỏi lại: “Cách nào bỏ vợ?” Không biết bao lâu rồi, cảm giác một mình trong quán ăn, gợi nhớ thời xa xưa như cổ tích. Đó là thời kỳ đồ đểu ở quê hắn. Những người về thân đơn côi, ngồi bơm quẹt ga, bơm mực viết bic, vá xe đạp… đặc biệt không bán báo. Chỉ có cán bộ hưu trí mới bán báo. Tù cải tạo không tuyên truyền cho chế độ. Hắn tử tế gì đâu, hết xăng dọc đường mà cũng có tiền đâu để gọi là hết. Mượn được cái xe gắn máy một ngày để đi công việc xa, thì đẩy bộ hết nửa buổi. Lão bơm quẹt ga chờ thời nhìn ra thế sự! Lão gọi con gái lão bán chịu cho người ta lít xăng đi con. Nắng này mà đẩy cái xe gắn máy thì còn hơn vác thập tự lên đồi. Đâu ngờ lão trao qua tay hắn cây thập tự bê tông, hắn vác tới bây giờ, còn phải gọi lão là nhạc phụ. Thân phận người đi giữa hai làn đạn, xui luôn từ dạo đó! Mà đổ thừa cho lão cũng thiếu công bằng. Hắn thích tiếng cười, chỉ không có tiền để mua cái máy cười, phải cưới nguyên bà chằng đổ xăng cục gạch cho tối tăm mặt mũi… Lâu lắm rồi, uống một mình cũng có cái hay, không phải nghe thằng trả tiền nói hưu nói vượn như thời đồ đá. Ôi, biết bao chuyện ùa về theo từng ngụm, từng ngụm… Hắn quyết định gọi nhà hàng làm cho mấy món togo, quyết định đi mua hoa làm lành. Kính voi không chết vì ngà. Lòng hắn chợt từ bi bất ngờ, mình mua chịu lít xăng – trả nguyên cái mỏ dầu cũng chưa đủ. Nhưng nghĩ lại cũng còn tức, đổ có ba xị rưỡi mà tính tiền một lít! Thể nào hắn cũng phải kể chuyện tình của tôi cho mấy đứa con nghe. Phải lấy lại công đạo… Lâu lắm rồi, hắn mới phải lái xe có mở đèn. Mùa hè Texas, chín giờ tối còn mặt trời. Không biết trong đời có khi nào phải di cư thêm một lần đến miền không có đêm hay không có ngày… mới thiệt là đã đời di dân. Hay nơi ấy, những giận hờn, ham hố đều đá cuội. Không ngờ lái xe đêm, trời mát mẻ ghê ha! Hắm bấm kiếng xuống cho gió lùa thả cửa. Kéo cái cà vạt nới ra cho dễ thở, cũng chưa đã. Hắn cởi vài khuy áo cho gió lồng vô tim. Mát. Mát lắm. Hắn cười người mua xăng chịu còn chê đổ thiếu! Hắn huýt sáo theo nhạc yêu cầu trong radio… Đậu được cái xe vô garage. Hắn tức cái đèn nhà xe mới thay lại đứt bóng, sao tối thui vầy nè! Mà tối, thì sao thấy bóng mình? Chắc đèn ngoài đường rọi vô! Mà ngõ sau nhà, đâu có cái đèn nào đâu ta!.. Mai tính, giờ này không thay bóng đèn nữa. Nhưng thiệt là khó cho hắn vô nhà. Tay cầm hoa, tay xách thức ăn, chân lần từng bước, từng bước… cũng đến được cánh cửa cần mở. Nhưng không gian hắn mở ra được là khoảng sân, có ánh trăng nhờ nhợ, bóng lá rung rinh. Không phải đường xưa lối cũ – dẫn vô căn phòng mà hắn sẽ cởi tuốt tuồn tuột, rồi đi tắm rửa… Cái cửa đó đối diện với cửa ra patio. Hắn quay gót, lần mò trong garage chập chờn bóng đèn Trung quốc. Đúng rồi, cánh cửa mở ra phải thấy máy giặt, máy sấy. Đi qua ngưỡng cửa kế tiếp sẽ nghe mùi thức ăn. Không không, mùi xăng lậu do bà chủ cây xăng cục gạch đang chế biến… hắn cười ra tiếng. Sau đó, mình sẽ qua ngưỡng cửa nữa, rẽ trái là căn phòng to lớn. Đi chừng năm, sáu bước, rẽ phải, là tuốt tuồn tuột… không biết bà chủ cây xăng kiếm đâu ra cụm từ hắn khoái. Sao tối nay, hắn lại phải hình dung ra một nơi chốn đã quá quen thuộc. Hắn say à! Đặt được bước được chân vô căn phòng to lớn, có cái giường kia kìa trước mặt hắn, bức chân dung quá khổ. Lớn như tấm poster, lớn hơn tấm poster quảng cáo chương trình ca nhạc, live show của ca sĩ nữa. Bức chân dung to bằng cái bàn ăn bốn người. Vợ hắn na từ Việt Nam về. Năm chục đô la không phải là vấn đề hắn quan tâm. Hắn chỉ nói thật thà: “Anh không hiểu sao em lại có can đảm in ra tấm hình mình lớn tới cỡ này! Em có biết…” Hắn không lường được hậu quả: Ngủ một mình sau câu ngu xuẩn đó. Quần áo không ai giặt, cơm không ai nấu, cà phê không ai pha… Nhưng cái ngu của hắn như bệnh dịch, khi đã phát ra thì nó lan từ đầu xuống tay, từ suy nghĩ tới hành động! Hắn đi làm về, thấy chân dung Phật Bà Quan Aâm bằng bàn tay, trên bệ lò sưởi. Buồn cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam, buồn hơn là ảnh thờ mà người ta cũng đành lòng quấy quá thế thôi sao! Còn bức chân dung “hoành tráng” chiếm hết một khoảng tường như cái sân banh. Không. Không thể được… Hắn tháo bức chân dung, đem treo vô phòng ngủ. Chuẩn bị một câu trả lời khôn ngoan nhất mà hắn nghĩ ra được! Cùng lắm, người ta gối đầu lên gối để ngủ – hắn úp gối lên mặt – cũng qua đêm. Lòng chợt ăn năn với tàn phai hay mình phung phí! Nhưng lòng cứ tức cái thằng mắc dịch nào đó bên Việt Nam, nó cần năm chục thì gọi hắn, sao lại photoshop dã man tới độ hắn không nhìn ra vợ hắn! Năm chục bạc mà khủng bố người ta, có thất đức lắm không? Hắn tựa cửa phòng, ngắm bức chân dung càng lâu càng đẹp. Một gương mặt quê mùa, tóc tai bờm xờm, râu ria không cạo. Áo sống xộc xệch, cà vạt vắt trên vai… xấu tự nhiên dễ coi hơn photoshop. Tiếng điện thoại trong giỏ xách ai reo, làm hắn quay lại. Gương mặt quen thiệt là quen đang đầm đìa, “Thì anh không thích treo hình em mà! Em dẹp rồi. Em treo tấm kiếng lên đó đó” Anh coi, cái tướng anh kìa! Hắn trao bó hoa, nhớ ra câu tâm đắc, “Anh không thích ai ngắm hình em đâu, anh treo vô phòng mình là vậy. Sao tháo của anh!” Bà chủ cây xăng cục gạch lỏn lẻn cười. Nước mắt còn chưa khô… © Phan |