Bà Cháu ... PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyên Nhung   
Thứ Sáu, 04 Tháng 11 Năm 2011 05:40

 Đúng thế thật, chẳng ai hiểu bà bằng cháu và con bé chỉ gào thật to khi đói bụng thôi, thế là vội vội vàng vàng, bà nội pha ngay một bình sữa...

 
Trời đang mùa hè, mới xế trưa mà nắng đã chói chang trên mảnh  vườn sau, sân trước thuộc hướng Đông nên còn tý bóng mát. Khung cửa sổ rộng được che bằng cây hoa bông bụt trắng cao tới mái nhà, bên cạnh là một cây hoa vàng cũng trổ hoa rực rỡ để bà nội Tý anh, Tý em đôi khi tức cảnh sinh tình mà mần thơ ...con cóc.
 
Trưa chủ nhật nắng chưa gì đã vội vã hắt cái nóng  cháy da lên miền "đất nóng tình sôi" này, báo hiệu một mùa hè khủng khiếp vì nóng. Cái nóng ở đây rất giống ở quê nhà, vừa nóng vừa ẩm nên khách từ phương xa đến sẽ tha hồ lau mồ hôi rin rít trên người, vừa chắc lưỡi khâm phục người địa phương sao giỏi chịu đựng cái lò lửa thiên nhiên suốt một mùa hè dằng dặc.
 
Bà nội Tý anh dạo này hay ốm vặt  nên lười biếng chẳng ngó ngàng gì đến cây cỏ, bỏ mặc mấy cái cây phía sân trước tự vươn lên nhờ mưa nắng ơn Trời, thế mà chúng nó cũng lớn lên sơi sởi mà chẳng hề trách móc chủ nhân  hững hờ với cỏ cây. Nắng ơi là nắng, đi chợ về vừa bước xuống xe chưa vội vào nhà, bà đứng núp dưới gốc cây bông bụt đang nở rộ những bông hoa trắng ngà, tàn lá xanh làm dịu hẳn đi cái nóng của mùa hè Texas. Hồi mới mua nhà, vì mê cái sắc hoa màu trắng hơi ngà ngà như màu áo lụa Hà Đông, nên bà đã tống khứ cây trúc đào ra khỏi cái mảnh sân tý xíu ấy.
 
Những tưởng hoa bông bụt chỉ be bé xinh xinh cao bằng cái hàng rào bông bụt ở quê nhà mà thôi, ai ngờ đất lành cây tươi tốt, mưa ở Texas có thể gọi là mưa bốn mùa, mùa nào cũng mưa được, nhưng đặc biệt hai năm nay trời lại rất khô hạn. Những cơn mưa đột ngột để bù trừ cho những cơn nóng nghiệt ngã gần trăm độ.  Cây bông bụt lớn như thổi vươn cao lên tới mái nhà, lòa xòa phủ bóng cho cái khung cửa sổ , mới đó mà đã 5 mùa bông trổ hoa. . .
 

 
Tý anh bây giờ đã đi học, dịp hè nó được nghỉ ở nhà ba tháng tha hồ chơi,  thằng Tý em bụ bẫm ngày nào còn đứng trong cũi mơ màng nhìn cây hoa chanh, nay cũng lon ton đi theo bà nội ra đứng dưới bóng cây bông bụt. Bỗng bà nội tưởng mình lóa mắt vì cái nắng ban trưa, khi thấy trên cây hoa bụt màu trắng treo lơ lửng một bông hoa màu đỏ tươi roi rói. Mới đầu bà tưởng có đứa nhỏ hàng xóm nghịch ngợm treo vào đó bông hoa giả, nhưng dí mắt vào tận nơi bà mới phát hiện ra chuyện lạ. Thế là bà kêu ầm lên:
 
" Giời ơi! sao lại có chuyện lạ lùng thế nhỉ."
 
Bà thét cháu gọi ông nội đang lúi húi mở cửa "garage":
 
" Tý, nói ông nội lấy cái máy chụp hình ra đây. Giời ơi! Phép lạ chứ không phải đùa, không lẽ nhà mình sắp trúng số..."
 
Tý em còn ngọng nghịu lật đật ra níu ông nội lôi gần rách cả áo, khiến ông bực mình nhăn như cái bị:
 
" Ơ hay! Bà cháu mày làm gì như bị khủng bố vậy?"
 
Bà rên lên như trời xập:
" Ông ơi! Cái hoa màu đỏ ..."
 
" Màu đỏ thì đã sao?"
 
Bà lôi ông lại gần cây bông bụt cao  nghệu, dí đầu ông vào sát  cái hoa màu đỏ:
"Ông đeo kính vào nhìn cho kỹ đây nè. Cái hoa màu đỏ nở trên cây hoa bông bụt màu trắng. Thế,  thế không phải là phép lạ thì là gì?"
 
Ông bĩu môi:
"Chuyện ấy là thường, bà đi học chữ trả Thầy nên quên ráo trọi rồi. Môn Vạn Vật năm đệ nhị có bài học cha mẹ là chuột trắng, lấy nhau đẻ ra một đàn chuột 10 con, trong ấy lại lẫn vào 1 con chuột đen xì như cái mõm chó. Chẳng qua vì từ đời cha ông cụ kỵ nhà chúng nó, đã có ông chuột trắng đi tò tý với bà chuột đen nên sau này đến đời cháu chít, nhớ nguồn xưa mà sản xuất ra được 1 tý nhau màu đen đó mà..."
 
Bà giương cặp mắt toét ra nhìn ông:
" Hừ ! Ông nói cũng có lý, nhưng giá như tôi với ông ngày xưa là dân da vàng, bỗng nhiên thòi ra bố thằng Tý mà lại da trắng mắt xanh thì ông có chịu được không nào?"
 
Hai ông bà lại sắp cãi nhau đây, Tý anh chạy vào nhà đã lấy ra cái "digital camera" đưa cho ông nội:
" Ông nội chụp hình đi để Tý đem cho cô giáo và các bạn cùng xem nghe ông nội."
 
Ôi! Cái thời tin học này thì chỉ lát nữa đóa hoa bông bụt màu đỏ nhà bà nội Tý anh sẽ đi khắp toàn cầu, nhưng trước hết thì phải có cuộc tranh luận giữa " hai con khỉ già " cái đã. Ông nội bấm máy xoành xoạch, hết kiểu xa rồi lại kiểu gần, bụi hoa vươn lên cao hơn mái nhà nếu như mùa Đông năm vừa qua ông không cắt trụi đi  những cành to và khỏe thì nó còn  muốn vươn lên đến trời xanh.
 
Bà vẫn đứng vạch lá tìm hoa, nhất quyết tìm ra chân lý dù ông đã cắt nghĩa:
 
" Tôi vẫn thấy nó vô lý làm sao ấy ông à. Cả mấy tháng nay người mệt mỏi, tôi có thiết gì hoa với lá, có chăm sóc cho nó đâu mà bảo rằng đã tưới tắm một loại phân gì đó nên hoa mới đổi ra màu đỏ. Nếu cả cây đều màu trắng pha đỏ thì mình còn dễ hiểu đôi chút về cái sự pha giống mà người ta gọi là "Hai, hai" gì đó..."
 
Ông kiên nhẫn giảng giải:
" Khoa học họ gọi là sự pha trộn Gene của 2 giống hoa vào nhau, tên khoa học gọi là Hybrid, sự pha trộn này giống như ở nhà quê người ta tháp cây này vào cây kia, lấy cành mãng cầu mà tháp vào cây bình bát, cây sẽ khỏe và khi kết trái sẽ cho trái nhiều và lớn hơn ..."
 
Bà ngắt lời ông:
" Ăn trái cây kiểu ấy thì thà đừng ăn cho xong, chẳng ngon lành gì vì vẫn còn hương bình bát khai ngấy chua lè. Nhưng tôi muốn nhắc ông quan sát kỹ cái cây hoa này rồi hãy nói chuyện khoa học khoa hiếc dông dài có được không? Đây nè! Cái cành này không phải cành lớn mọc từ dưới đất lên nghe, nó chỉ là một cành nhỏ từ thân cây mẹ, bao nhiêu hoa cùng một cành đều trắng, mà lại chen lẫn bông hoa màu đỏ này, vậy ông cắt nghĩa cho tôi nghe xem có êm lỗ tai không nào?"
 
 
Ông quả tình bối rối, dễ thường có phép lạ thật, chẳng gì màu đỏ cũng là màu phục lâm, màu của hỷ tín thì chắc nhà ông sắp phát tài đến nơi, nhưng ông mấy khi tin vào những cái nhảm nhí ấy, nên cố lấy một ví dụ khác để lung lạc cái đầu mê tín của bà nội Tý anh Tý em:
" Hà hà, thời buổi này khoa học đã chứng minh được nhiều điều mà các cụ xưa cho là chuyện lạ. Chuyện này nếu không do con người làm thì cũng là sự tự tạo bởi thiên nhiên, giống như bây giờ vì giá dầu xăng đắt đỏ, người ta chế chiếc xe có thể vừa dùng Gas, vừa dùng Eletricity, miễn sao xe chạy tốt là được, y như cây cỏ vậy thì sự lai  tạo cũng chỉ với mục đích làm dồi dào thực phẩm, tạo thêm màu sắc tươi đẹp cho thiên nhiên ."
 
Bà gật gù nhưng vẫn không chịu thua:
" Tôi chỉ thắc mắc điều này là cái cây mình trồng đã cho hoa 5 mùa rồi, toàn hoa trắng ngà như áo lụa Hà Đông..."
 
Ông tủm tỉm cười ngắt ngang:
" Sư tử Hà Đông thì có..."
 
Bà lườm ông một cái thật dài, mắt đã mù mờ nhưng cái đuôi mắt còn dài lắm:
 " Hừ, ông chỉ muốn lạc đề đánh lận con đen. Này, trên cùng một cành cây xuất phát từ thân cây mẹ, không thể nào lại có sự pha trộn lầm lẫn như cách tháp cây của các " home depot" thường làm. Cây nào cũng ghép dưới đất hai ba gốc, đến chừng đem về trồng chẳng đứa nào chịu đứa nào, cuối cùng ngỏm hết có đứa nào sống được đâu. Đằng này cây nở 5 mùa hoa, không pha trộn mà bỗng nhiên lại lòi ra một bông hoa đỏ nguyên si như thế này, không lai một ly ông cụ nào thì bảo sao tôi chẳng nghi ngờ..."
 
Ông đuối lý gật gù.Bà cười lườm ông thêm một cái nữa, trông vẫn tình ra phết. Bà lại thêm một cái thí dụ nữa để bảo vệ lập trường của mình cho ăn chắc:
" Tôi lấy giả dụ như có một cặp vợ chồng da trắng, bỗng dưng bà vợ đẻ ra một đứa con đen xì, liệu rằng ông chồng có tin rằng đây là sự hôn phối của tổ tiên nhà bà ấy để cho ra đời một thằng bé màu cà phê không? "
 
Ông nhẫn nại tìm một hình ảnh cụ thể nữa để chứng minh cho hiện tượng trắng đỏ của hoa, và đen trắng của loài người:
" Bà có nhớ hồi xưa ở Việt Nam gia đình nhà anh Luân cũng ở trong trường hợp này không? Chị ấy đẻ ra một con bé xinh ơi là xinh, cái mặt hệt như bố nhưng nước da trắng bóc, tóc lại vàng óng từng lọn như búp bê. Ai cũng bảo con bé không lai Tây thì cũng lai Mỹ, nhưng thời buổi ấy không còn Tây mà cũng chẳng còn Mỹ, ăn toàn bo bo chứ có phải vì bơ sữa mà được mởn ra đâu. May là con bé giống bố chứ không thì chị ấy cũng khó ở nổi với mấy mụ giặc bên Ngô không bằng cô bên chồng. Sau này con bé lớn dần lên, tóc nó lại từ từ xậm hơn rồi đổi thành màu hung hung đen, lại trở về nguyên si cái gốc Á Đông của nó, thế là thế nào, có phải phép lạ không?"
 
Bà im lặng ngẫm nghĩ :
" Ừ, nhưng nghe nói chị ấy nhà có dòng họ lai từ thời mấy ông cố Tây đi truyền đạo, trong dòng họ đã có người lấy Tây rồi đẻ ra ông nội chị ấy, mà phải đợi đến cái đời con của chị hiếm hoi lắm mới ảnh hưởng cái giống tóc xanh mũi lõ nhà ông cố ông sơ ở bên Tây. Thế nhưng lai gì thì lai, nó vẫn giống cái mặt anh Luân, chứ đâu lại tuyền một màu đỏ như cái bông bụt này..."
 
Ông đã ghi xong mấy tấm hình cho bà giữ làm "kỹ nghệ", trời nóng đổ mồ hôi hột mà chỉ vì cái bông hoa bụt đỏ lạ kỳ khiến ông bà quên cả nóng. Ông bảo:
" Bà vào nấu cơm cho tôi với các cháu ăn đi, chả lẽ đứng đây phơi nắng mãi nhỉ?"
 
                                                                     * * *
 

 
 
Chiều đến, cơm nước xong, bà bắt Tý anh Tý em mỗi đứa ăn một quả chuối to đùng, chỉ cái quả chuối thôi mà trong nhà cũng đã khối chuyện để bàn bạc. Bà luôn luôn lo lắng hai thằng cháu nội mất gốc quên nguồn cội , còn ông thì cho là bà lẩm cẩm đầy tự ty mặc cảm, chỉ lo chuyện con bò trắng răng. Chuối nào chẳng là chuối, chuối xiêm, chuối  tây, chuối tiêu, chuối ngự, chuối nào ông cháu cũng xực tuốt, nhưng với bà thì hương vị vẫn khác nhau, và ẩn dấu trong đó là cái cội nguồn của dân tộc. Dù sao thì cũng đất nước người ta, xứ sở người ta, đứng cách nào, cao hay thấp, giàu hay nghèo thì cái vỏ của nó vẫn không thể hòa nhập vào nhau để trở thành một. Đến lúc nào đó trong cuộc đời, các cháu bà lớn lên sẽ tưởng nó hoàn toàn thuộc về xứ sở này và quên mất nguồn cội của nó, nhưng chắc chắn cuộc đời sẽ có lúc mở mắt cho nó nhìn ra điều khác biệt giữa những cái vỏ chuối. . .
 
Tối đến, ông nội ngồi xem tin tức trên truyền hình, Tý anh Tý em còn đùa  giỡn với cha mẹ trong phòng riêng, bà nội lại lên ngồi lướt Net. Ôi! Thời buổi văn minh này mà không biết lướt Net thì đời vô cùng "boring" như trăng tàn trên hè phố, dù gì bà cũng có một số bạn thân phương xa cùng trang lứa để tâm sự vụn. Như cái hình bông hoa bụt đỏ này thì chắc chắn không thể nằm trong im lặng ở cái sân trước nhà bà được, chỉ nội tối nay nó sẽ bay đến bạn bè muôn phương. Trước tiên bà định hỏi cái ông anh chuyên trồng cây cảnh, nhưng nghĩ thế nào lại chợt nhớ ra cái Net Khoa Học, có sẵn bao nhiêu tài liệu quý hiếm thì thế nào chẳng được một câu trả lời hợp lý, chứ không lấp lửng như "con khỉ già" chỉ hay nửa thực nửa đùa chọc vợ suốt mấy chục năm rồi.
 
Tức nhiên buổi sáng hôm sau, bà nhận được rất nhiều "feedbacks" với những lời nửa đùa nửa thực rất giống ông nhà bà không sai một ly. Người thì bảo tại bà không chịu thêm đất, bón phân, tưới tắm đầy đủ nên có một bông hoa "đỏ mặt tía tai" lên mà nhắc khéo bà nên tử tế với cây cỏ một chút. Người thì văn chương đầu óc tưởng tượng lênh láng,  kết hợp một câu chuyện tình ướt át , để hoa vì mặn tình mà bỗng đổi sang màu đỏ. Người thì cám cảnh thế thái nhân tình, tình đời đổi trắng thay đen nên nhân dịp này trách hoa cũng khéo theo thời  mà đổi từ màu trắng sang màu đỏ. Người thì đổ thừa hoa bị nhiễm thể vì một hóa chất nào đó, nhưng theo lý luận của bà thì nếu cây bị nhiễm chất lạ, nó phải đổi màu nguyên cây chứ đâu lại có mỗi một bông hoa.
 
Còn bao nhiêu lời bàn Mao Tôn Cương rộn rã đem lại niềm vui cho bà suốt mấy ngày đề tài xem tầm thường nhưng rất lạ. Nào là màu đỏ là hỷ tín, đi mua vé số mau kẻo hết. Nào là đi Casino lấy hên, kéo máy tiền vô như nước. Nào là biết đâu sau hai thằng Tý anh và Tý em, nhà lại sắp thêm cái " hĩm" để có nếp có tẻ cho vui nhà vui cửa. Có lẽ bà cũng mong như thế thật, vì đời bà đẻ toàn con trai, đến đời cháu lại vẫn toàn đựa rựa, vì thế mà lúc nào Bà  cũng được ưu tiên theo lối Mỹ khi người ta xếp thứ tự: "Thứ nhất đàn bà, thứ nhì trẻ con, thứ ba con chó Ki Ki, sau cùng mới đến  cái người quanh năm đi cày đóng thuế".
 
* * *

 
Thế mà qua hai mùa Đông khắc nghiệt thì cây bông bụt cũng lăn ra chết. Chị ta ra đi để lại nỗi thương tiếc vô bờ trong lòng chủ nhân, kể từ ngày đi từ Home Depot về nhà đã mấy mùa cây trổ bông, hoa trắng hoa đỏ chen với nhau trên một cành khiến khách khứa đến nhà chơi đều phải bị hay nghe bà chủ nhà kể chuyện, lại còn dẫn nhau ra chụp dăm bô hình làm kỹ nghệ nữa.
 
Cái bông đỏ đỏ ấy hình như ứng với nhà bà nội Tý Anh Tý Em, trông đứng trông ngồi mãi trời cho dòng họ cũng thòi ra được hai công chúa. Một cô nay gần bốn tuổi thì đỏng đảnh hay làm duyên, còn một cô bé tý mới được hơn 3 tháng mai sau có triển vọng làm ca sĩ Opera.
 
Thôi thì trời cũng bù đắp cho tý cháu gái để nhà có bông có hoa cho vui, mai sau bố mẹ chúng nó được phước có người đến cắt cỏ và sai vặt. Con cháu bé nhất nhà mà cũng ham ăn nhất nhà, vì ham ăn nên càng ngày cô càng tròn ra như cục bột, bà nội đặt cho cô cái hỗn danh là “Cô Phán Cảnh” vì ngày xưa hồi bà còn bé cả nhà cũng đặt cho bà danh hiệu “Bà Phán Cảnh”
 

 
Mới ba tháng rưỡi mà cô Phán tròn như hạt mít, cô thích nói chuyện tâm tình, cười tý toét mà ngôn ngữ thì chỉ cần u ơ là được rồi. Phiền nỗi cô lại mang hai dòng máu Việt-Hoa trong người, gốc gác ông bà ngoại cô từ khu Hồng Kông bên hông Chợ Lớn, sau năm 75 người Hoa bị đánh tư sản mại bản và phải tìm đường chuồn qua Hồng Kông rồi dông qua xứ Cờ Hoa lánh nạn. Hôm cô về thăm bên ngoại, khi trở về chả hiểu đầu óc bị lộn xộn “xí xô xí xào, ngộ tả nị sị” sao đó mà về nhà bà nội cứ phải hỏi cô theo giọng Chợ Lớn:
 
“Nị quen cái tiếng Tàu “dzồi” hở, quên  tiêng Dziệt “dzồi” hở?”
 
Cô toét miệng cười ra chiều thông cảm, chứ “bà bà” hay “phò phò” đối với cô không bằng cái chai sữa. Nhưng bà nội thì nhất quyết phải đem ngôn ngữ Việt, tiếng nói Việt vào đầu đứa cháu hai dòng máu, vì vậy mà trong căn nhà vắng vẻ chỉ có hai bà cháu, lúc nào cũng nghe “ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh”, đôi khi nổi hứng bà nội còn cho cháu nghe luôn cả vọng cổ miền Nam, có “chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm”, qua màn tân nhạc thì réo rắt “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...” Chắc chắn là cô chẳng hiểu gì, nhưng âm điệu của câu hò giọng hát mênh mang văn hoá dân tộc thế nào chẳng đi vào lòng cháu, “mưa lâu ngày thấm đất” mà lỵ!
 
Tý Em là hiện thân của một cậu bé rất tình cảm, hôm về thăm ông bà nội thấy cô em họ khát sữa cất giọng hét thất thanh như nhà cháy, ông bà xưa bảo “con không khóc sao mẹ biết mà cho bú” là nó báo động ngay:
 
“Bà nội, bà nội, “baby” đói bụng kìa”
 
Đúng thế thật, chẳng ai hiểu bà bằng cháu và con bé chỉ gào thật to khi đói bụng thôi, thế là vội vội vàng vàng, bà nội pha ngay một bình sữa đem đến tận giường cho cô Phán:
 
“Ôi, cháu bà ngoan nào, nín đi kẻo mai sau lớn lên làm ca sĩ nó mất giọng đi, cứ hét to thế lại ế chồng nữa đấy.”
 
“Cô Phán” xơi xong bình sữa nín ngay, miệng lại cười toe toét. Trong đôi mắt bà nội thì cô chính là một thiên thần, mà trong đôi mắt nhìn chưa xa của cô Phán thì bà nội cũng là một bà tiên . Thiên thần của trời cần có cánh để bay, nhưng thiên thần của nhà bà thì không cần cánh cũng đủ sức bay vào lòng người. Thật vậy, chẳng gì bằng “nắm tận tay, day tận mặt” lúc đó mới cảm nhận được cái tình nó mênh mông, bát ngát thế nào. Mỗi lúc “cô Phán” cầm ngón tay “bà Phán” mà xiết chặt, đắm đuối nhìn thì lúc đó đôi mắt mới thật sự là cửa sổ của tâm hồn, không vờ vịt như mấy diễn viên đóng phim tình cảm Hàn Quốc. Khi đói, đôi mắt của “thiên thần không cánh” không tuôn ra những giọt lệ đài trang, khóc thật tình, khóc hết hơi, khóc vì một nhu cầu thật của con người , và bé thơ cũng biết cô đơn dù đôi mắt chưa nhìn xa trông rộng, nhưng cũng biết đó ai là người gần người xa, hít được mùi hương thương yêu tự nhiên của ông, bà, cha, mẹ ...
 
Mỗi ngày dù bận bịu trông cháu nên bà nội Tý Anh cũng đã không còn được hưởng cái thú bách bộ sân trước vườn sau, nhưng hề gì, cô bé cứ lớn phỗng lên thì bà nội đã tìm ra được môn cử tạ hạng nặng mà bình thường bà nhấc không nổi.
 
“Một, hai, ba. bốn...
Năm, sáu, bảy, tám, chín, mười...”
 
Cứ vậy mà đếm, giơ cháu lên khỏi đầu cho “thiên thần không cánh” bay chơi một phát vào không khí, cháu cười sung sướng còn bà thì hai tay cũng có cái để mà thể dục thể thao. Phụ nữ tuổi chập chờn sáu bó thường mấy bà đã giữ được cho cái bắp thịt nó đứng yên một chỗ, tỷ lệ với thời gian thì còn bao nhiêu thứ đi theo kim đồng hồ chỉ sáu giờ, chứ nào phải cái bắp tay lỏng lẻo. Tay nhờ vậy mà khoẻ, cứ cái đà này khi đi dự tiệc, trong ánh đèn mập mờ bà vẫn có thể diện áo hai dây hay hở nguyên một bờ vai chưa khảm xà cừ  “thòng thõng một mùa thu lá đổ”, hí hí hí ...
 

 
Chuyện “Bà Cháu” nói bao nhiêu cho hết đây nhỉ, nó giống như một cuộn phim xem đi xem lại mà không chán. Ôm cháu trong lòng mà nghĩ đến con, mỗi một giai đoạn trong đời người hình ảnh người mẹ hay người bà gánh theo bao kỷ niệm. Hôm trước trên đường lái xe đi chơi xa, một người quen tặng cho ông bà cái CD để nghe về “oan gia nghiệp chướng”, không biết vị thầy nào thuyết pháp về đề tài này nghe hấp dẫn quá chừng. Cuộc đời đầy những oan gia, oan gia gần oan gia xa, những cái gần như con cái cháu chít xoắn xít lấy nghiệp thân mà không sao dứt bỏ được, lại còn thương gần chết. Về nhà, cháu toét miệng cười, tay quơ chân đạp muốn bà bế, bà thấy cái “oan gia” hình như chả nhằm nhòi gì với niềm vui và hạnh phúc của tuổi già khi gần gũi bên con, cháu. Oan gia thì oan gia, chiều hôm ấy khi ru cháu ngủ, văn hoá Việt Nam lại thêm một câu ca dao mới:
“ Oan gia thì mặc oan gia
Nhà mà  không cháu cái nhà buồn hiu
Mặc ai xuôi ngược sớm chiều
Cháu bà là chút tình yêu tuổi gìa”