Cháu nội |
Tác Giả: Trần Hoài Thư | |||||
Thứ Hai, 12 Tháng 12 Năm 2011 23:53 | |||||
Ôi hai tiếng đầu lòng của một đứa bé, không phải là tiếng Anh tiếng Mỹ, cũng không phải hai tiếng như ông nhà thơ Tố Hữu đã làm nhục cả thi ca, hạ thấp hèn mạt cả nhân phẩm con người
Khi ông bà đến nhà, nhấn chuông, và khi cửa trong mở ra, thì gương mặt thằng cháu nội hơn một tuổi của ông bà hiện ra sau tấm kính. Trước hết là vẻ ngạc nhiên của nó qua cái nhìn đăm đăm chẳng hiếu khách tí nào. Có lẽ nó ngạc nhiên vì sự có mặt của hai người, lâu lâu lại cùng nhau xuất hiện. Có lẽ nó chưa đủ trí khôn để phân biệt thế nào là sự gần gũi ruột thịt ngoài bố mẹ của nó. Đôi mắt đen láy của nó hết rảo nhìn ông rồi đến bà, có vẻ lạnh lùng, chẳng có dấu hiệu gì mừng rỡ cùng hai kẻ lạ. Chỉ có ông bà thì như hai cơn gió lốc, ào đến. Ông đòi bồng, bà đòi ẵm. Ông hôn lên đầu, bà hôn lên chân. Ông cắn lên bàn tay, bà hít hà má. Thằng bé lại càng mở mắt lớn. Có lẽ nó phải khóc thét lên vì khi không có hai kẻ vồ chụp nó như con mồi. Thằng bé không chịu ông đứng yên một chỗ. Nó bắt đầu vặn mình, hai chân đạp. Có lẽ nó không cần biết về cảm xúc của ông nội của nó. Ông tuân phục, bồng đi khắp phòng. Tới cửa kính, ông dừng lại. Thằng bé trao đôi mắt nhìn ra ngoài sân. Trời nắng. Mây màu xanh nhạt. Bãi cỏ xanh. Hàng xe đậu dọc theo lề đường. Hai đứa bé Mỹ đang đạp xe đạp trên lối đi dành cho bộ hành. Ông thầm thì bên tai nó: Mau lớn lên để ông mua xe cho con đạp nhé. Đến một lúc nào đó, hai tay ông cảm thấy rã. Ông trao lại cho vợ ông. Và thằng bé lại thêm một lần đổi chủ. Có lẽ nó quá chán với cảnh kẻ bồng người ẵm này, nên nó bắt đầu phản kháng. Hành động phản kháng này được biểu lộ qua hai chân chùi xuống, thân mình vùng vẫy. Nó muốn được tự do chăng. Nó tụt xuống nhanh, đến nỗi bà nội của nó phải bó tay chịu thua. Không biết nó học ở đâu hành động phản kháng qua đường lối tích cực này. Không khóc, không nằm vạ, mà vùng vẫy rồi trườn cả thân hình như trăn xuống đất. Không ai có thể cản nó khi nó muốn. Và khi đôi chân vừa chạm xuống đất là nó bước như chạy. Đôi chân chưa vững, bước thấp bước cao, có lúc như thể hụt hẫng, thân hình như mất thăng bằng, khiến ông bà phải hoảng hốt, đưa tay đỡ. Ông ở góc phòng, bà ở đầu phòng. Và thằng bé thì cứ bước như bước vào chỗ không người. A, nó đến kệ sách của bố nó. Những cuốn sách dày cộm, bìa bọc giấy láng, người lớn cầm thấy nặng, vậy mà nó lại dám bỏ bàn tay nhỏ bé kia mà tìm cách lôi xuống. Không được, cậu quay sang mấy cái CD, rồi đổi hướng nhắm vào dàn máy stereo. Tội tình cho dàn máy hát tối tân, bị vá chùm vá đụp bởi băng keo, để đề phòng cậu bỏ tay vào lỗ điện nguy hiểm. Ông nhào đến, lái cậu sang mục tiêu khác. Ông bồng cậu bỏ lên sofa. May ra cậu ngồi yên một lúc. Quả vậy, cậu thích chỗ mới này. Hai chân duỗi ra. Mắt nhìn ông lung linh, miệng cười vui. Ông giả bộ làm chó, sủa gâu gâu. Cậu khoái lắm, cười thành tiếng. Được thể ông càng sủa nhiều hơn. Càng đóng vai một cách điệu nghệ hơn. Có nghĩa là ông nhăn mặt lè lưỡi, bò, sủa. Tất cả cho thằng cháu một tuổi của ông. Tất cả vì nó, để thấy mặt nó hớn hở, đôi mắt rực sáng, chiếc miệng nở nụ cười lộ mấy cái răng cửa mới mọc. Ông không cần nhân vị, nhân bản gì ráo. Ông là một thí sinh để cháu ông chấm điểm. Nhưng sau đó, chưa đầy hai, ba phút, ông bị loại. Có nghĩa là nó chẳng còn hứng thú gì đến tài năng điệu bộ mà ông nội của nó thủ vai. Nó bắt đầu tuột xuống sofa. Không phải tuột từ từ cho đến khi hai chân chạm lấy nền. Mà ngược lại, chân chưa chạm thì đã để cả thân hình rơi xuống như nhảy không cần dù. Nó ngã lăn ra trên nền thảm, miệng mếu. Vợ ông vội bồng nó, vừa dỗ vừa nói: “Này, để bà đập cái nền nhà này đã làm cháu bà đau, này bà đánh rồi…” Thằng bé ngưng khóc, lại trao đôi mắt ngơ ngác nhìn. Rồi lại đòi xuống. Rồi lại chạy, hai chân mới tập bước, chưa vững, ngả nghiêng như kẻ say rượu. Rồi ông lại chạy theo, lúc trái lúc phải lúc chặn đầu chặn đuôi. Có khi ông hết hồn vì thấy nó cứ đâm đầu vào bàn ghế hay cạnh tường nhà. Nhưng nó tài tình hãm kịp bước chân, rồi quay hướng khác tiếp tục. Ông lại nghĩ ra cách quyến dụ thằng bé để nó quên đi cái lối chạy như kẻ say rượu này. Ông đã mệt rồi. Ông mới hiểu về nỗi vất vả của những người giữ trẻ, nhất là đứa trẻ này mới biết đi như cháu ông. Có bao giờ ông nghĩ có một ngày trong đời ông lại được lên chức như hôm nay. Nên buồn hay vui khi nhận cái danh xưng này. Có phải vì hai tiếng ông nội là tiếng kêu báo hiệu cho những ngày trước mặt: xế tàn, hay nói văn hoa là hoàng hôn của một đời người. Có phải nó là lời cáo phó cho một cuộc dời bị gạt ra bên lề xã hội? Nhưng, bây giờ thì ông hiểu, ông đang vui, niềm vui thì tràn trề, niềm vui bất tận. Đã bao nhiêu lần hai ông bà lái xe đi thăm cháu nội. Suốt ba tiếng đồng hồ, qua bao nhiêu thị trấn, phải trả mấy lần toll, có khi trời tuyết trắng mịt mù, có khi mưa xối xả như trút nước, cái quạt thi nhau quạt liên hồi, ấy vậy, lòng ông thì hăm hở như kẻ đi tìm niềm vui. Vâng. Niềm vui thì quá nhiều: bạn bè tụ tập hát hò, danh lam thắng cảnh hay những chuyến đi xa gặp lại cố nhân. Nhưng có lẽ cứ gặp hoài, thì cũng nản. Nhắc đến chuyện cũ một vài lần, nhưng cả chục lần thì cũng cảm thấy nhàm tai. Nhưng trong những lần lái xe thăm cháu, thì hồn ông bà như ấp đầy nốt nhạc reo ca. Đến để nhìn nó, thấy lại nỗi thân yêu ruột rà. Đến để chứng kiến sự phát triển một hình hài. Từ khi thấy cậu bò, mắt đen lay láy, rồi đến khi tập đứng, tập đi, tập chạy… Tóc đã mọc dầy hơn. Chân tay cứng cáp hơn. Răng mọc nhiều hơn. Để thấy từ tuần trước, chỉ biết bò, hay mỗi lần đi là như tay say rượu, nay hai chân đã vững, bước từng bước... Để rồi mỗi lần thăm cháu, là mỗi lần ông mang theo niềm vui rộng ràng suốt cả đường dài. Bây giờ, cậu bé yêu quí ấy đã hơn ba tuổi. Khác với những đứa trẻ trạc tuổi, nó chậm nói. Nếu nói thì nói một thứ tiếng gì lạ lẫm. Tuy không nói ra, ba mẹ nó đều lo âu không ít. Riêng bà thì luôn luôn dùng kinh nghiệm của bà để an ủi con: Nó nghe được là không sao con à. Có đứa bốn năm tuổi mới nói. Lúc đó thì tha hồ mà trả lời… Việc nói chậm này đôi khi làm ông bà khổ tâm không ít. Có khi nó vòi vĩnh hay kêu ông bà làm cái gì, ông bà không hiểu, hay làm trái ý, là nó dậm chân khóc, tức tưởi. Ông bà thì chịu thua. Ba mẹ nó cũng chịu thua. Khi ấy ông thương cháu mình vô hạn. Muốn thỏa mãn cháu, nhưng không biết cháu mình muốn gì. Ngày tháng vẫn trôi qua, mỗi lần hai ông bà lái xe vượt xa lộ dài thăm thẳm, để thăm con, thăm cháu, niềm vui rộn ràng lẫn với nỗi lo âu canh cánh. Thằng bé vẫn lớn như thổi, răng đã mọc đầy, chạy nhảy, phá phách, biết ông bà đến, biết phe ta có ông bà, nên mặc sức nhõng nhẽo. Rõ ràng con hư tại mẹ cháu hư tại bà. Nhưng tiếng nói thì vẫn như tiếng Miên, tiếng Ả Rập lạ lùng… Một hôm, chiếc xe đậu trước nhà, sau ba tiếng đồng hồ dưới cơn mưa tuyết, thả ông bà xuống cùng niềm vui khó có thể diễn tả được. Đã một tháng đi xa, giờ ông bà trở lại thăm con thăm cháu. Bà xách một bọc đồ chơi, nào là xe chữa lửa, xe truck, xe cần câu. Ông bấm chuông điện. Ông nhìn vào nhà qua khung cửa kính. Ông thấy cháu ông chạy ra như cơn lốc. Và tiếng la mừng rỡ: ông nội ! ông nội ! vang lên rối rít... Ôi hai tiếng đầu lòng của một đứa bé, không phải là tiếng Anh tiếng Mỹ, cũng không phải hai tiếng như ông nhà thơ Tố Hữu đã làm nhục cả thi ca, hạ thấp hèn mạt cả nhân phẩm con người: Yêu biết mấy khi con tập nói/ Tiếng đầu lòng con gọi Stalin…. (Nguồn: Tạp chí Thư Quán Bản Thảo)
|