LTG- Câu chuyện này không nhất thiết đúng sự thực. Nếu có sự trùng hợp về tên người, tên đất và thời gian cùng sự việc là ngoài ý muốn của người viết.
Rồng trắng lấy nước vụ mùa, Rồng đen lấy nước cho vua đi cầy. (Ca dao) Ðứng trên đê Ðài Môn, nhìn về phía hạ lưu sông Ðáy, khách bộ hành thấy rất rõ hiện tượng Rồng Lấy Nước. Ðó là hình ảnh chiếc vòi voi khổng lồ đen nghịt trên nền trời xám mờ báo hiệu sắp có một trận mưa to. Cùng với những người đồng hành, tôi vội vã rảo bước tới một ngôi đình ven đê hầu tránh cơn mưa đang ào ào ập tới. Lát sau, chúng tôi đã yên ổn ngồi trên những hàng ghế dài trong hiên đình. Không ai bảo ai, mọi người vẫn còn mải mê theo dõi cảnh Rồng Lấy Nước, dù lúc đó chiếc vòi voi đang cuồn cuộn di chuyển về phía nam rồi mất hút.
Một giọng nói dõng dạc cất lên: - Ðủ nước rồi, Rồng đã lên trời!
Tôi ngoảnh nhìn người vừa cất tiếng. Ðó là một lão ông khoảng trên sáu chục tuổi. Cụ mặc chiếc áo the dài, quần cháo lòng, chân mang dép cao su Con Hổ. Áng chừng mọi người chưa hiểu mình nói gì, cụ nhìn qua hai bên, mỉm cười: - Các ông bà và anh chị em vừa chứng kiến cảnh Rồng Lấy Nước, ắt hiểu là muốn làm mưa, bao giờ Trời cũng sai rồng lấy nước từ biển lên. Khi lượng nước hút lên vừa đủ, Rồng cuốn vòi lại, bay về trời.
Cặp mắt cụ dừng lại trên khuôn mặt một thanh niên mặc Âu phục, đeo kiếng trắng, ngồi bên cạnh một bà lớn tuổi vấn khăn mỏ quạ: - Ông.... nghĩ có phải không? Ông....
Thanh niên nghiêng đầu, tự giới thiệu: - Kính thưa cụ, cháu tên là Thường, dạy học dưới Giáo Lạc.
Ông già vui vẻ: - Ông giáo có tin chuyện Rồng Lấy Nước không? Cơn mưa này xem ra còn khá lâu mới tạnh. Bà con mình nói chuyện cổ tích cho vui. - Thưa cụ, theo cháu thì hình ảnh mà Cụ và các ông bà, anh chị em vừa thấy, dân chúng địa phương này vẫn gọi là Rồng Lấy Nước, chỉ là cách đặt tên cho một hiện tượng thiên nhiên. Còn tin hay không, không thành vấn đề. Ðó là thiển ý của cháu.
Ông già mỉm cười: - Ông giáo chưa trả lời câu hỏi của tôi.
Thanh niên chưa kịp lên tiếng thì đã nghe người đàn bà "khăn mỏ quạ" xen vào: - Thưa cụ và thầy giáo, nếu tin là trên trời không sẵn nước, nên muốn làm mưa thì Rồng phải hút nước lên. Tôi là đàn bà nhà quê đã từng trải qua những cảnh lụt lội vì mưa quá nhiều, nhưng trước đó lại chẳng thấy Rồng Lấy Nước như bữa nay.
Ông già điềm đạm: - Có thể là Rồng đã lấy nước tại một nơi nào đó trên biển Ðông mà ở đây bà không trông thấy...
Người đàn bà im lặng. Lại nghe thầy giáo lên tiếng: - Có người cho rằng, đó là một cơn lốc gió xoáy vô cùng khủng khiếp. Do cuồng phong từ nhiều hướng chuyển tới một điểm, xoáy vòng theo chiều nghịch rồi di chuyển với tốc độ ghê gớm, nên đã bốc theo đà gió xoáy, tất cả sinh vật, nhà cửa... Cảnh tàn phá không thể nào tả hết mà con người đành bó tay không cách gì chống đỡ được. Khi bà con trông thấy cảnh Rồng Lấy Nước, tức thảm cảnh đang xảy ra ở một nơi rất xa. Cũng may...
Ông già gật gù: - Già đang định nói về cơn cuồng phong này. Cảm ơn ông giáo đã mở đầu. Chúng ta không hẹn mà cùng họp mặt tại đây, theo già thì chúng ta đã có duyên hội ngộ, dù rằng khi tạnh mưa. chúng ta lại chia tay. Cũng vì chúng ta có duyên với nhau, già xin kể một câu chuyện, nhân có hiện tượng Rồng Lấy Nước ban nãy, để tặng các ông bà và anh chị em.
Ông già đưa mắt nhìn qua hai bên thêm một lần rồi khoanh tay trước ngực, bắt đầu câu chuyện:
* * *
Thôn Vũ An thuộc xã Bình Thọ, một vùng đất nhỏ hẹp với khoảng ba chục gia đình người Kinh, từ miền xuôi lên khai khẩn trồng rẫy, trong địa đầu tỉnh Yên Báy, mé tây nam giáp ranh Sơn La. Hàng năm, cứ vào độ cuối đông, thôn dân thường lên khu nghĩa trang để làm cỏ, dọn dẹp, chuẩn bị cho lễ Tảo Mộ thường tổ chức vào ngày mồng bốn Tết.
Ngày 24 tháng chạp năm Canh Ngọ (1930), khoảng nửa năm sau khi 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng đền nợ Nước, cụ Ðồ Vũ cùng con cháu lên nghĩa trang như mọi năm để sửa sang phần mộ cụ Bà. Do một chứng bệnh nan y, cụ Bà 62 tuổi đã thất lộc ba năm trước. Ðối với cụ Ðồ, bà Vũ vừa là người bạn đời, vừa là người đồng chí trong những hoạt động chống Pháp.
Gần tới nghĩa trang, Cụ rất ngạc nhiên khi thấy rẻo đất phía Nam xưa nay vẫn bỏ hoang, mọc lên một thảo am mà ba mặt chung quanh đã trồng những hàng chuối xanh tươi cùng nhiều luống rau diếp, xu hào, cải bắp...
Công việc sửa sang phần mộ cụ Bà xong xuôi, cụ Ðồ cho con cháu về nhà trước, rồi men theo một lối mòn đến gần thảo am. Ðó là một ngôi nhà nhỏ một gian hai chái lợp bổi, tường vách đất. Trên sân cỏ, một lão nhân mặc quần áo nâu đang phơi khoai lang khô.
Nhác thấy cụ Ðồ đang bước tới, lão ông ngước nhìn, vui vẻ: - Xin chào cụ!
Cụ Ðồ tươi cười: - Không dám, chào ông! Gần năm nay tôi mới lên khu nghĩa trang này nên chưa được biết ông...
Lão ông đứng lên, chắp tay trước ngực: - Thưa cụ, chúng tôi họ Ðiền, từ miền xuôi lên mới nhập tịch, lại phải tự túc nơi ở nên thật có lỗi vì chưa đi chào thăm quý cụ...
Cụ Ðồ niềm nở ngắt lời: - Ðiền tiên sinh không cần khách sáo. Sẽ còn nhiều dịp để tiên sinh cùng các Bô Lão thôn này tương kiến. Tôi họ Nguyễn, người quen thường gọi là cụ Ðồ Nguyễn. Thực là tam sinh hữu hạnh được gặp tiên sinh hôm nay.
Ðiền lão vái thêm một lần rồi vui vẻ: - Cảm ơn Cụ hạ cố. Nhưng xin đừng dùng hai tiếng tiên sinh. - Vâng, ông Ðiền! Chẳng hay quý quyến... - Thưa, chúng tôi chỉ ở một mình từ nhiều năm nay. Kính mời Cụ vô trong dùng trà.
Cụ Ðồ lắc đầu: - Cảm ơn ông Ðiền, chúng tôi phải về kẻo bọn trẻ mong. Chẳng là bữa nay có đám giỗ tiện nội. Xin ông Ðiền cho phép.
Ðiền lão lại chắp tay: - Vậy tôi không dám giữ. Xin cho tôi tâm hướng góp phần tưởng niệm cụ Bà.
Cụ Ðồ cũng chắp tay đáp lễ: - Ða tạ ông Ðiền, mong có dịp tái kiến! - Tôi cũng mong như vậy. Cụ lại nhà! - Chào ông Ðiền.
Ðó là lần đầu tiên và cũng là lần sau chót cụ Ðồ gặp Ðiền lão. Vì mùa Thu năm ấy, một cơn lốc xoáy lướt ngang rẻo phía nam của nghĩa trang thôn Vũ An, đã cuốn theo ngôi nhà tranh của Ðiền Lão, hầu như không còn để lại vết tích gì, ngoài một ống tre già vẫn còn đậy kín bị gió cuốn văng ra mé sông Ngòi Hút, gần Liên Tỉnh Lộ 13.
Sở dĩ thôn dân biết ông tre này là của Ðiền lão, vì người nhặt được đem về trao cho cụ Ðồ Nguyễn, nhờ cụ đọc những trang chữ Nôm cuộn tròn để bên trong. Ngay buổi tối hôm đó, sau nhiều toán dò tìm tông tích Ðiền lão cả năm ngày mà chưa có tăm hơi, cụ Ðồ mở cuộn giấy bản, đọc bút tự của Ðiền lão, người mà tuy chưa ở lâu tại địa phương này, nhưng đã khiến bà con cảm mến vì đức độ, vì lòng thương người luôn cứu giúp kẻ lỡ đường hay gặp khó khăn trong quan hôn tang tế. Của cho không bằng cách cho, - cổ nhân thường nói -, của Ðiền lão qua cung cách biểu lộ từ tâm, ân cần, đã khiến thôn dân trân trọng. Thiên tai vừa xảy ra, lại chỉ giáng họa trên Ðiền lão làm cho nhiều người vội cho là Trời không có mắt. Người ta đắp một ngôi mộ tượng trưng ngay trên nền thảo am của Ðiền lão, trên bia đá có khắc dòng chữ: Ðiền Thị Lão Ông Chi Mộ để tỏ lòng kính nhớ.
Dưới ánh sáng của ngọn đèn Hoa Kỳ , cụ Ðồ Nguyễn chăm chú đọc những hàng chữ nôm, di bút của Ðiền lão: Tôi viết những dòng chữ này trong lúc còn khỏe mạnh sáng suốt, như một cách bày tỏ sự thống hối về tội ác mà tôi đã gây ra nhiều năm trước. Những việc thiện mà tôi thực hiện trong nhiều năm gần đây ở những nơi khác và tại địa phương này, không đủ chuộc tội cho tôi trong muôn một! Từ nhiều năm nay, tôi linh cảm sắp đến ngày hình phạt sẽ tới. Nhưng tôi không thể biết trước Việc Trời: tôi sẽ bị sét đánh, bị người ta sát hại, bị đắm thuyền, hỏa tai, ngộ độc...hay một tai họa nào khác. Dù dưới hình thức nào của Luật Trời giáng họa để xử phạt tội lỗi do mình gây ra, tôi cũng cúi đầu nhận lãnh. Tôi còn được sống đến ngày hôm nay - tháng trọng hạ, năm Tân Mùi (*) - cũng đã là may mắn lắm.
Sau khi tôi đền tội, dám mong đồng bào đừng tang chay, lập mộ, cầu siêu... tôi không đáng nhận lòng thương của đồng bào. Hãy chôn cất sơ sài, hợp vệ sinh cho kẻ tội lỗi này, được như vậy tôi thành kính tri ân liệt quý vị.
Tôi đã gây nhiều trọng tội, nay trước khi đền trả, tôi xin giãi bày cùng đồng bào, trước là để giải oan cho hai kẻ bất hạnh đã nằm xuống dưới bàn tay vấy máu của tôi, sau là để vạch trần bộ mặt thực của một tên sát nhân đáng nguyền rủa là tôi.
Năm Ất Mão (**), tôi gia nhập một đảng cướp dọc theo miền duyên hải phủ Nghĩa Hưng thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Chúng tôi uống máu ăn thề không bao giờ phản bội tổ chức. Ðảng cướp của chúng tôi chuyên xử dụng những cây phóng có hình dáng chiếc bút chì, giống như chiếc mai thường dùng để đào đất, nhưng lưỡi lớn cuộn tròn và cán dài hơn, làm bằng một thứ tre già đã ngả màu vàng ánh. Một đầu là lưỡi "bút" được "tô" bằng thép đủ tuổi, sắc bén vô cùng; một đầu được đục lỗ để buộc sợ dây dài tùy theo sức phóng đi, bắt lại của người sử dụng.
Sau vài năm đánh cướp nhiều nơi, năm ấy, chúng tôi 6 người, "ăn hàng" tại nhà một tên điền chủ gian ác ven sông Ðáy nhân đêm tân hôn đứa con trai của y. Vì là một địa chỉ quen, nên chúng tôi cẩn thận bịt mặt trước khi bật hồng (***). Thường lệ, trong một chuyến ăn hàng, cần thu chiến lợi phẩm, chủ yếu là vàng bạc rối tắt đuốc rút nhanh về nhiều phía khác nhau.
Một tay cầm cây đuốc cháy rực, một tay cầm Bút Chì , tôi đạp cửa căn phòng có hai chữ Tân Hôn bằng giấy đỏ. Không thấy chú Rể. Tôi cho rằng tên này đã chạy thoát, không kịp kéo theo cô vợ mới. Cô dâu mặc áo cưới, run rẩy nép mình bên góc giường.
Thốt nhiên tôi quên bẵng việc lột nữ trang mà đăm đăm nhìn cái nhan sắc mơn mởn đào tơ của cô gái. Tà tâm nổi dậy, tôi dập tắt ngọn đuốc rồi dùng sức đè bẹp sự chống cự yếu ớt của cô ta để thỏa mãn thú tính...
Bất ngờ chiếc khăn bịt mặt của tôi bị kéo lệch qua một bên. Tiếng cô gái rú lên: - Trời ơi! Ông Phó Tách!
Phản ứng tức khắc của tôi là cầm mép chiếc khăn đen che mặt lại. Thừa lúc tôi vô ý, cô gái còn lõa thể vụt chạy ra ngoài. Tôi thoáng thấy một người kéo tay cô ta đi. Tôi vội cầm bút chì đuổi theo. Ðã lộ diện, tôi giết người, diệt khẩu. Hai ngọn bút liên tiếp được tôi phóng ra, thâu lại. Trước khi tháo chạy, tôi còn thấy hai bóng người gục ngã trên sân phơi lúa, gần một gốc cây cau và chiếc chum hứng nước mưa!
Sau vụ này, tôi bị loại ra khỏi tổ chức, vì không có ... chiến lợi phẩm trong đêm cướp đó.
Nhiều ngày liên tiếp, tôi thường nằm mơ thấy hai thây người bị ngọn bút đâm từ sau lưng ra trước ngực, máu tuôn xối xả. Nhất là khuôn mặt khiếp đảm của cô gái. Có buổi chiều nhìn ra khoảng trời nước mênh mông, tôi thấy sợ hãi một sự báo oán nào đó từ hai kẻ bị chết oan giữa tuổi thanh xuân. Dần dần, tôi thấy hình như sự đền tội sắp bắt đầu.
Sống căng thẳng như vậy hơn hai năm, tôi không cón chịu nổi khung cảnh quen thuộc mỗi khi đi qua nơi bị cướp, tôi từ giã vợ con, nói là đi lên Hà Nội tìm việc làm, viện lẽ nghề thợ mộc không khá được! Những số của dành dụm được sau hai năm trong Ðảng Cướp Bút Chì, tôi để lại phân nửa cho vợ con, phân nửa tôi đem theo.
Tôi đã sống nhiều năm ở mạn Núi Voi, Hòa Bình và Nghĩa Lộ, Sơn La, trước khi tới ngụ cư nơi đây. Tôi tự tu trong những năm xa nhà, ráng cứu giúp những người cùng khổ hòng tạ tội trong muôn một với Trời.
Tại đây, như đồng bào đã biết, tôi làm ngôi nhà tranh, bề ngoài sống bằng hoa lợi mấy thửa vườn, mục đích làm việc thiện để hồi hướng công đức cho hai người bị tôi sát hại. Từ hơn nửa năm nay, tôi linh cảm sắp tới ngày mình phải đến tội. Luật trời chí công, tôi tin như vây. Chỉ không biết tôi sẽ phải đền trả bằng cách nào: bị sát hại, sét đánh, ngộ độc, đắm thuyền, Tây bắt đem chém vì nghi ngờ chống Pháp (nếu vậy cũng vinh dự cho tôi là kẻ không xứng đáng). Nhưng dù bằng cách nào, tôi cũng cam lòng nhận lãnh. Chỉ mong được toàn thân mà chết và vợ con tôi không bao giờ biết đã có người chồng, người cha đáng nguyền rủa này.
Sau cùng là nguyện vọng của tôi, xin chính quyền địa phương vui lòng giúp cho: Tôi có hai mẫu vườn có giấy tờ trước bạ, ít hiện kim và ngôi nhà tranh, xin được cúng vào việc từ thiện.
Tôi xin ký tên sau đây là: Ðoàn Văn Tách
Có tiếng người đàn bà "khăn mỏ quạ" tiếp theo lời ông già kể chuyện: - Thưa cụ, nhà cháu nghe câu chuyện thảm quá. Nhưng xin cụ tha lỗi, trong câu chuyện cụ vừa kể, sao nhà cháu không thấy có Rồng Lấy Nước?
Ông già điềm đạm: - Có đấy, bà ạ. Vì trong buổi chiều đã xảy ra cơn lốc xoáy cuốn đi mất ông già họ Ðiền và thảo am của ông ta, thì bên này sông Hồng, người ta đã thấy cảnh tượng Rồng Lấy Nước ở mạn đó. Một cái vòi rồng đen sì guộn mình ra phía biển Ðông rồi mất hút!
Thầy giáo Thường nhìn ra phía ngoài rồi nói với ông già: - Cảm ơn cụ cho nghe câu chuyện có ý nghĩa. Tạnh mưa rồi, ta lên đường thôi.
|