ANH ĐI LÍNH EM MỚI VỪA LÊN MƯỜI |
Tác Giả: NGUYỄN KHẮP NƠI. | |||
Thứ Bảy, 18 Tháng 2 Năm 2012 08:02 | |||
Thân tặng quý chiến hữu, quý độc giả . . . chưa biết yêu . . . đã yêu . . . lỡ yêu . . .đang yêu, và . . . còn yêu.
“Anh đi lính, em mới vừa lên mười. Anh về phép, em thường sang nhà chơi, Hay nũng nịu đòi quà, anh xin lỗi, Lỡ quên rồi, khi khác nhé, bé ơi.” (Đò Tình Lỡ Chuyến, Hoài Linh) Gia đình tôi ở Ninh Bình. Bố tôi có ít sào ruộng nhưng không có tiền tậu trâu cầy, nên đã nhờ anh Khanh là người có trâu, tới cầy hộ (người có trâu có giá hơn là người có ruộng). Vào khoảng năm 1945, khi Việt Minh đã cướp chính quyền và đang tìm cách đàn áp các tôn giáo, nhất là công giáo. Bố tôi và anh Khanh bỏ ruộng đất, bỏ cầy bừa gia nhập đoàn quân Vì Chúa do Đức Cha Lê Hữu Từ chỉ huy. Trong một trận đánh vói Việt minh, cả bố mẹ tôi đều bị thiệt mạng, hai anh em tôi trở thành mồ côi, vào sống trong nhà dòng chúa cứu thế. Tháng 7 năm 1954, khi tôi được 15 tuổi, cả xóm đạo chúng tôi di cư vào Nam, tỉểu đoàn Vì Chúa được cải tuyển để trở thành Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Anh em chúng tôi được nhà dòng nuôi dưỡng, cho ăn ở và đi học. Tới năm 1959, anh tôi nhập ngũ, được đổi ra phục vụ ở Vùng I, chỉ còn một mình, tôi xin với cha về ở với chú thím tôi ở vùng Phú Nhuận. Hình như là cả họ đạo chúng tôi đều ở chung quanh khu vực này, chúng tôi sống đùm bọc yên vui với nhau lắm. Bên cạnh nhà tôi có gia đình của chú Thương, hai vợ chồng vừa mới sanh được đứa con gái, cưng chiều lắm. Lâu lâu đi học về, tôi thoáng thấy cô Thương dắt đứa con gái nhỏ tập đi, nó đứng chưa vững đã vùng chạy như người say rượu, té lên té xuống, miệng cười như nắc nẻ. Vừa đậu xong bằng Tú Tài 1 năm 1967, tôi xin Cha và Chú Thím cho nhập ngũ, khoá 25 Thủ Đức (16 07 1967). Mãn khoá, tôi được sự vụ lệnh trình diện Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho và được đưa xuống Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 11, đúng vào thời điểm Việt cộng mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Đánh trận liên miên cả năm trời, tôi bị thương nặng, được đưa về điều trị tại bệnh viện trung đoàn. Vừa qua ca mổ, tôi còn đang vật lộn với cơn đau thì tôi đã được Tướng Hoàng vào tận bệnh viện gắn cho “Chiến Thương Bội Tinh”. Rời bệnh xá, tôi không còn được phục vụ nơi tiền tuyến nữa, mà ở lại hậu cứ chờ Ban 1 Trung đoàn phân phối qua đơn vị khác. Đang bơ vơ ở hậu cứ thì bất ngờ Trung Tá Khanh, Trung Đoàn Trưởng đến giám định quân số, tôi đứng nghiêm chào ông, ráng nhớ hình như tôi đã gặp ông ở đâu đó trong quá khứ . . . Nhìn căn phòng đầy những giấy tờ, Trung tá Khanh hỏi Đại Úy trưởng ban 1: “Sao mà phòng làm việc của Đại úy không ngăn nắp chút nào hết vậy?” Ông Đại úy than phiền là sĩ quan phụ tá đã được đổi đi đơn vị mới, ban 1 đang thiếu người làm. Trung tá Khanh nhìn tôi, rồi nhìn trở lại Đại úy trưởng ban: “Thiếu úy Thu đang làm gì ở đây?” “Trình Trung tá, Thiếu úy Thu bị thương vừa xuất viện, dang chờ bổ xung” “Vậy thì . . . để ông ấy ở đây mà làm phụ tá cho anh đi!” Tôi vội vàng đứng thẳng hơn nữa chào cám ơn ông Trung đoàn trưởng. Vừa khi ông bước ra ngoài thì tôi đã nhớ ra ông là ai, tôi vọt miệng kêu: “Anh Khanh!” Trung tá Khanh quay lại lườm mắt nhìn tôi . . . Đại úy trưởng ban 1 hốt hoảng nhìn tôi lo sợ . . . một tên Thiếu úy quèn dám gọi Trung Tá Trung Đoàn Trưởng là . . . Anh Khanh? Trung tá Khanh nhìn tôi . . . ông cũng ráng nhớ xem tôi là ai mà dám gọi ông như vậy. Tôi mau mắn nhắc ông: “Anh Khanh còn nhớ bố em không? Ngày xưa ở Ninh Bình, anh giúp bố mẹ em làm ruộng đó . . . em cứ chạy theo anh đi bắt cua đó . . . “ Trung tá Khanh lúc bấy giờ mới dịu ánh mắt đi để nhớ lại thời xưa . . . cuối cùng, ông reo lên vui mừng: “Chú mày là . . . thằng Thu còi đấy à! Bố mẹ mắt rồi, phải không?” Ông bước trở lại, ôm lấy vai tôi, hỏi thăm gia đình tôi ra sao? Ông cũng nhắc lại thời ông và bố tôi cùng phục vụ trong Tiểu Đoàn “Vì Chúa”. Cuối cùng, ông nói: “Thôi, em cứ làm ở đây với Đại úy Thơm đi, hôm nào rảnh, anh sẽ nói chị mời em tới nhà ăn cơm.” Ba mươi tuổi đời, tròn hai năm lính, cha mẹ mất sớm, tôi vẫn cứ ca bài: “Độc thân vui tính, tròn hai năm lính, chưa từng có bạn tâm tình . . . “ ( Nhịp Cầu Tri Âm, Hoài Linh) Lâu lâu được về phép, tôi trở về sống trong đại gia đình của nhà dòng và tiểu gia đình của chú thím tôi ở vùng Phú Nhuận. Một hôm về phép, tôi thoáng thấy có một cô gái chạy xe Honda 67 phóng ào ào từ ngoài đường lớn vào trong hèm, tôi vội vàng nhẩy vào sát tuờng nhường đường cho cô gái. Ở vùng Phú Nhuận từ nhỏ, tôi biết từng gia dình, từng cá nhân, nhưng đâu có bao giờ thấy đứa con gái nào giống như cô này đâu? Vào nhà, tôi vội hỏi thím xem đứa con gái đó là con nhà ai mà tôi lại không hề biết? Thím tôi à lên một tiếng, mỉm cười, trả lời: À! Đấy là con Kim, con chú Thông bên cạnh nhà mình ấy mà! Năm nay nó được 16 tuổi rồi đấy, đã nghỉ học để buôn bán giúp cha mẹ đấy. Tôi ngạc nhiên hết sức, vì hồi đó, khi tôi học Đệ Tứ thì Kim hãy còn nhỏ xíu, mẹ nó còn dẫn nó tập đi lũng chũng trước sân nhà. Khi tôi nhập ngũ, Kim vẫn còn chơi nhẩy dây đánh chuyền. . . Mới đây mà đã phóng Honda đàn ông chạy ào ào chẳng kiêng nể ai cả: “Anh đi lính em mới vừa lên mười, Anh về phép em thuờng sang nhà chơi. Hay nũng nịu đòi quà . . . Anh xin lỗi, Lỡ quên rồi . . . khi khác nhé bé ơi.” (Đò Tình Lỡ Chuyến, Hoài Linh) Buổi tối, tôi ăn cơm xong, đang đứng trước sân nhà hóng gió, Kim đi ngang qua nhìn thấy tôi, cô gái đỏ mặt lên mà cúi đầu đi một nước, chứ chẳng có chào hỏi tôi như ngày xưa nữa. Tôi cũng chẳn g để ý, đứng một lúc rồi vào trong nhà đi ngủ. Mấy tháng sau tôi mới lại được về phép. Nhớ lại cô gái lái xe Honda đàn ông, tôi vội vã đi nép vào bên đuờng, đề phòng trường hợp cô lại phóng xe chạy ngang đụng vào tôi. Nhưng tôi về đến nhà an toàn, không bị ai qua mặt ép cua hết. Suốt mấy ngày ở nhà, tôi cũng không gặp Kim, chỉ thoáng thấy cô đi ngang đâu đó. Công việc đa đoan, tôi ở nhà vài ngày rồi lại trở về Mỹ Tho. Lần sau nữa, khi về phép, tôi thoáng thấy có hôm nhà chú Thông có khách tới lui tấp nập, tôi tò mò hỏi thím: “Nhà chú Thông có gì mà đông thế hả thím?” “Ờ . . . có người đến . . . hỏi con Kim ấy mà!” Tôi hốt hoảng: “Kim . . . có nguời đến hỏi rồi à . . . ?” “Đương nhiên . . . con gái muời sáu tuổi rồi, ở nhà làm gì nữa!” Tôi thừ người ra, đứng như trời trồng . . .phân vân suy nghĩ: Không lẽ mới đây mà . . . con sáo đã sang sông? Không! Không! Không thể nào . . . làm gì mà . . . nhanh thế . . . tôi còn dang lo né cái xe Honda của cô, chưa kịp nói câu nào hết mà: “Thế rồi con sáo sang sông Thế rồi bé đi . . . lấy chồng, Lời yêu anh chưa kịp ngỏ . . .” (Đò Tình Lỡ Chuyến, Hoài Linh) Thím tôi nhìn tôi, ngạc nhiên: “Mày . . . làm sao thế . . .? “À . . . không . . . không có gì cả . . . “ “Mày . . . muốn . . . lấy nó hả . . . ?” “Ờ . . . Ờ . . . KHÔNG . . . Ờ . . . Ờ . . . MUỐN! MUỐN!” “Nếu . . . mày muốn, thì để sáng mai, thím qua . . . hỏi nó cho mày.” Sáng hôm sau, thím tôi qua nhà chú Thông thật sớm, to nhỏ gì với cô Thông một hồi, rồi chạy về báo cho tôi hay: “Nhà cô chú Thông có mấy con gà mái tơ đấy, nhát nữa . . . thím với cháu qua xem . . . có được cái gì không . . . “ Gia tài tôi có gì đâu ngoài bộ quần áo lính, tôi đóng bộ, chải lại cái đầu, nhìn bóng mình trong gương: “Tuổi đời vừa đúng ba mươi, Không dẹp, nguời cũng . . . dễ coi . . . “ (Nhịp Cầu Tri Âm, Hoài Linh) Tôi qua nhà chú Thông, căn nhà này, hồi nhỏ, tôi qua lại hàng ngày đó mà, nhưng hôm nay thì khác lắm. Tôi ngượng ngùng chào cô chú Thông, mắt nhìn quanh xem có Kim ở nhà không? Tôi hơi thất vọng vì Kim không có nhà. Ngồi một lúc, không có chuyện gì nói, cô Thông đưa hai thím cháu tôi xuống vườn sau . . . coi mấy con gà. Gà nhà thím tôi có thiếu gì, hơn nữa, từ nhỏ tới giờ, tôi đã nhìn thấy, tôi đã ăn thịt không biết bao nhiêu là con gà rồi, có gì lạ đâu mà phải xem! Ngay lúc đó, tôi nghe có tiếng xe Honda rú ầm ầm ở ngoài, rồi tiếng chân đi vào . . . Kim lên tiếng gọi mẹ: -“Mẹ ơi . . . con giao hàng xong rồi!” -“Mẹ ở đằng sau vườn . . . nhà có . . . khách.” Kim vừa đi vào vừa hỏi mẹ: -“Khách nào mà đến sáng sớm như thế này hả mẹ?” “A . . . Chú Thím Thìn . . . với . . . cậu Thu . . . qua . . . mua gà.” Kim tới nơi . . . ngạc nhiên nhìn tôi . . . Lần đầu tiên tôi mới được nhìn thấy Kim, một cô Kim mới lớn . . . “Em càng lớn trông càng xinh đẹp hơn . . . Không nũng nịu đòi quà anh xin nữa, Má em hồng khi nhắc chuỵên ngày xưa.“ (Đò Tình Lỡ Chuyến, Hoài Linh) Thím tôi nói ngay: “Khách với khứa gì! Thím dắt thằng Thu qua . . . xem mắt mày đấy!” Kim há hốc miệng, mở to đôi mắt ra mà nhìn tôi . . . nhìn thím tôi . . . nhìn mẹ . . . nhìn bố . . . rồi cô ù té chạy ra trước nhà, y như là cô đang lái Honda 67 vậy. Chú Thông dắt tất cả ra phòng khách ngồi uống trà, cô Thông xin lỗi đi ra ngoài, chắc là cô đi tìm Kim. Một hồi sau, cô đi vào, ngổi trở lại vị trí cũ, miệng tủm tỉm cười. Chú Thông lên tiếng gọi: “Kim ơi . . . đem nước chè ra mời khách đây này con. . . “ Tôi chờ . . . chờ mãi . . . chờ mờ người ra . . . chờ khô cả cổ họng mà vẫn chưa thấy chè nước gì cả. Trong đời tôi, chỉ trừ khi đi phục kích đêm, tôi mói phải ngồi im chờ bọn Việt cộng tới, chứ còn tôi chưa bao giờ phải chờ ai lâu tới như vậy. Cuối cùng, Kim cũng mang nước ra. Hai tay cô run run bưng bình nước trà, mặt cô đỏ lên, cúi gầm xuống đất. Chú Thông nói Kim ngồi xuống nói chuyện. Kim lóng nhóng đứng yên. Chú Thông uống một hớp nước, đằng hắng nói với Kim: “Này con, hôm nay có Chú Thím Thìn đưa cậu Thu sang đây . . . hỏi cuới con đấy! Con có . . . ưng cậu Thu không, thì cho bố mẹ biết . . .?” Mặt của Kim càng đỏ hơn lên nữa, hai tay cô rung thấy rõ . . . chắc là cô đứng cũng không vững nữa . . . Tôi nhìn Kim mà tội nghiệp cho cô. Biết vậy, tôi chẳng có qua đây mà làm phiền cô như thế này . . . Nhưng mà . . . nếu tôi không qua . . . thì . . . con sáo nó sẽ sang sông mất . . . biết đâu mà tìm? Chính mắt tôi đã thấy, ít nhất có hai đám đã tới hỏi Kim rồi, tôi đâu có muốn . . . lỡ chuyến đò đâu: “Vui bến mong thuyền tình em nên chuyến, Chốn Giang Đầu tôi lỡ con đò duyên.” (Đò Tình Lỡ Chuyến, Hoài Linh) Thím tôi làm vị cứu tinh, đứng lên, ôm lấy Kim vào người, vuốt ve cô nhẹ nhẹ: “Con ở ngay bên cạnh nhà của thím, con cũng biết anh Thu từ lâu lắm rồi mà . . . đâu có phải nguời xa lạ gì đâu . . . Nếu con đồng ý lấy Thu, hai nhà mình vẫn ở sát bên nhau, con vẫn về nhà bố mẹ được ấy mà . . . đâu có gì khác đâu . . . “ Thím tôi nói ngọn ngào quá, tôi cũng cảm thấy mủi lòng, nhưng thật tình mà nói, nếu tôi là Kim, tôi cũng . . . chẳng biết trả lời sao . . . cứ ngây mặt ra mà nhìn Kim. Trái với suy nghĩ của tôi, Kim ngước mắt nhìn bố mẹ rồi lại cúi xuống vân vê tà áo. Một lúc sau, cô ngập ngừng nói: “Bố mẹ . . . đặt đâu . . . con . . . ngồi đấy . . . “ Không biết Kim học câu này từ hồi nào mà nói hay như vây! Tôi mừng rỡ nhìn Kim, nhìn cô chú Thông, nhìn thím của tôi . . . Chú Thông nhìn Kim, hỏi một lần nữa: “Như vậy là con . . . đồng ý . . . lấy cậu Thu . . . phải không con?” Kim đứng im một lúc rồi vùng chạy ra sau nhà. Tôi thoáng thấy gương mặt cô tươi hẳn lên, nhưng nước mắt thì lại chầy đầy trên má. Thế là xong! Tôi lại đi xe đò về Mỹ Tho, để lại mọi việc cho chú thím tôi và cô chú Thông lo liệu. Mỗi đêm, trước khi ngủ, tôi nằm nhớ lại hôm qua nhà Kim, nhớ lại câu trả lời của Kim, nhó lại guơng mặt tươi vui và đầy nước mắt của Kim, tôi thích lắm, vui mừng lắm, nhưng tôi không biết phải làm gì nữa, và cũng chẳng có ai thân thiết dể cho tôi tâm sự cả. Tôi cũng . . . nhớ Kim lắm, nhưng mà chẳng có tấm hình nào của cô để mà ngắm cho đỡ nhớ cả. Thím Thìn viết thư hỏi tôi muốn làm đám hỏi hay không? Sau đám hỏi bao lâu thì làm đám cưới? Lính tráng như tôi . . . Thiếu úy quèn . . . trên răng . . . dưới . . . lựu đạn . . . Tiền đâu ra mà làm đám hỏi, đám cưới rùm beng! Tiền Lính là Tính Liền . . . tháng lương lãnh ra, trả tiền ăn ở câu lạc bộ, tiền uống bia nữa là . . . xong hết rồi . . . còn gì đâu nữa mà mong . . . còn gì nữa đâu mà chờ với nhớ! Chú Thìn gởi thơ, nói rằng, làm gì thì làm, tôi cũng phải về đây làm cái đám hỏi, chú viết chắc nịch: “Chú sẽ lo cho cháu . . .!” Tôi lại ráng gãi đầu gãi cổ xin mấy ngày phép làm đảm hỏi. Nhưng mà lại phải có cái nhẫn hỏi nữa chứ! Tôi đào đâu ra tiền mà mua nhẫn đây? Không lẽ . . . ngắt mấy cọng cỏ để vừa ca câu vọng cổ vừa trao . . . nhẫn cỏ cho em? Cưới hỏi làm chi cho mệt như vậy . . . tôi ở độc thân từ đó tới giờ, đâu có sao đâu! Nhưng mà khi nghĩ tới lúc . . . con sáo nó sang sông . . . tôi lại im lặng, cuốc bộ tới gặp . . . anh Khanh, gãi đầu gãi cổ xin muợn trước tháng lương. Ngày làm đám hỏi, tôi cũng đóng bộ đường hoàng, cùng chú thím tôi đi qua nhà cô chú Thông. Lúc đứng trước bàn thờ gia tiên, tôi vẫn ngài ngại lỡ Kim lạng xe Honda 67 đụng tôi, nên tôi lách người đứng . . . xa xa Kim một chút. Kim tỉnh bơ đưa tay nắm tôi kéo sát lại gần cô. Lần đầu tiên Kim nói một câu cho mình tôi nghe: “ . . . Đứng gì mà . . . xa quá vậy . . !” Khi chú Thìn tuyên bố, kể từ bây giờ, tôi có thể gọi cô chú Thông là Bố Mẹ, tôi vui vẻ bưng trà mời cha mẹ vợ và gọi theo như vậy, nhưng thực sự, tôi vẫn không biết gọi Kim là gì? Và xưng hô với cô như thế nào nữa. Còn Kim, cô cũng né, cứ nói trống không với tôi thôi. Buổi chiều, theo đề nghị của chú Thìn, tôi dẫn Kim đi chơi phố phường, đi ăn kem, đi xi nê (movie). Tôi mượn chiếc xe Suzuki của chú Thìn, Kim nhìn thấy, nói với tôi: “ . . . Đi xe . . . Honda 67 đi . . . “ Kinh dắt chiếc xe ra . . . tôi đâu có biết chạy Honda đâu! Không lẽ để cho Kim chở tôi rồi tôi ngồi đằng sau . . . ôm eo của Kim? Kẹt quá, tôi leo lên xe . . . tói luôn bác tài . . . Tôi hồi hộp ngồi lên yên xe, đưa chân tìm chỗ đạp máy. May quá, cái cần đạp đây rồi, tôi vừa mới đạp nhẹ một cái, máy đã nổ thật là dễ dàng . . . Tôi sang số, cứ thế mở tay ga chạy nhẹ nhàng ra khỏi ngõ . . . Ra khỏi ngõ, tôi thẳng đường Võ Di Nguy chạy về Sàigòn. Đang ngon trớn, chợt có thằng bạn chạy ngang, vỗ vai hỏi tôi: “Mày về phép đấy à? Đi . . . đâu đây?” Tôi chợt nhớ là đưa Kim đi chơi . . . nhưng mà sao không thấy . . . nặng ở yên sau? Cũng không thấy Kim vòng tay qua ôm eo tôi . . . lỡ bị ngã thì sao? Tôi vội liếc nhìn về phía sau: Chẳng có ai cả! Tôi hoảng hồn . . . không lẽ Kim bị ngã mà tôi không biết? Tôi từ từ nhớ lại . . . lúc tôi dạp máy nổ rồi, tôi cứ thế mà sang số, rồ ga . . . chạy thẳng . . . chắc là Kim chưa leo lên ngồi phía đằng sau! Chết tôi rồi! Tôi chở vợ đi chơi mà . . . quên mất vợ rồi! T rong cuộc đời độc thân, chưa bao giờ tôi . . . chở ai hết, thì làm sao mà nhớ nổi! Cầu mong Kim thông cảm cho tôi. Tôi vội vã quay đầu xe rú ga chạy như điên trở về nhà . . . Mừng quá! Kim còn đang đứng chờ tôi ở trước cửa nhà. Không phải chỉ một mình Kim , hình như . . . cả hai nhà đều đang đứng chờ tôi. Kim nhìn tôi cười: “ . . . Muốn đi . . . một mình à . . . ?” Quê hết sức là quê! Tôi chỉ muốn đất nó nứt ra để tôi chui xuống dưới đó cho xong. Cả buỗi đi chơi, hai đứa chúng tôi vui lắm, nói chuyện với nhau thật nhiều. Có lúc Kim đi trước tôi, có lúc tôi đi trước Kim. Vào xem xi nê, phim vui lắm, nhưng có lúc tôi như . . . buồn ngủ, giật mình thức dậy . . . Đưa Kim về nhà, tôi dựng xe xong, nói với Kim: “. . . Về đi!” Kim vào nhà Kim, tôi quay ra về nhà tôi . . . Trước sau, tôi vẫn chưa biết gọi Kim như thế nào? Và Kim cũng vẫn ngập ngừng, mỗi lần nói chuyện với tôi là cứ nói trống không, nhung mà chúng tôi vẫn hiều nhau và thuơng nhau lắm. Đám cưới của chúng tôi vui lắm, có đủ mặt mọi người, từ . . . Anh Khanh cho tới anh ruột của tôi từ Huế bay về, rồi cha sứ, họ hàng hai bên. Lúc ký hôn thú, tôi mới biết tên vợ tôi là Nguyễn Thị Kim, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1955. Lấy chồng thì phải theo chồng, sau đám cưới, Kim theo tôi về Mỹ Tho, ở trong trại gia binh. Trước ngày cưới, tôi đã xin được một căn phòng nhỏ cho hai vợ chồng để tiện việc đi làm. Tôi cũng có mua thêm mùng mền chiếu gối và dán giấy chung quanh những bức tường cho căn phòng được xinh đẹp ấm cúng cho đôi uyên ương. Thòi gian này, chiến trận vẫn còn nặng ghê lắm, quân số tăng giảm, bổ xung lia lịa, tôi làm việc tối tăm mặt mũi, có khi 10 giờ đêm mới về nhà. Kim vẫn vui vẻ chờ tôi về cùng ăn cơm. Ăn cơm xong, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau một lúc, rồi đọc kinh và đi ngủ. Thời gian trôi qua thật mau, thấm thoắt mà vợ chồng chúng tôi đã cuới nhau được một tháng rồi. Tính nết của Kim rất hiền và ăn nói nhỏ nhẹ, nên rất dễ làm quen với những bà vợ của những bạn bè lính tráng của tôi. Trong đó có bác sĩ Nhân, y sĩ trưởng của Trung đoàn. Một hôm, vào sáng Chủ Nhật, chị Nhân tới nhà vợ chồng tôi chơi, tôi có việc phải ghé qua văn phòng, nên để hai người đàn bà ở lại nói chuyện với nhau. Công việc ở văn phòng của tôi nhanh lắm, chỉ vài phút cộng lại con số là xong ngay, tôi đi bộ về mà hai bà vẫn không biết. Tôi thoáng nghe chị Nhân hỏi Kim: “Đêm Tân Hôn . . . có vui không?” Có tiếng của Kim trả lời lại: “Tân Hôn . . . là cái gì hả . . . bác?” “Mình là chị em . . . sao lại gọi tôi là . . . bác. Cứ gọi chị là chị được rồi. Tân hôn nghĩa là . . . động phòng đó . . Đêm động phòng đó . . . em . . . có vui không?” “À! Đêm nào chúng em cũng cầu kinh rồi . . . đi ngủ . . . “ “Không có . . . động phòng . . . gì hết à?” “Động phòng? Sao lại cần phải . . . động phòng, hả chị?” Chủ nhật sau, vào buổi chiều, tôi thấy vợ chồng bác sĩ Nhân lại tới nhà rủ vợ chồng tôi đi chơi. Tôi cũng mừng là có bạn và hai người đàn bà lại hợp với nhau. Nhưng trái với dự đoán của tôi, anh Nhân rủ tôi đi nhậu, còn chị Nhân lại rủ vợ tôi đi xem hàng hóa. Hai thằng đàn ông ăn nhậu với nhau thật là vui. Anh Nhân cụng ly vói tôi, uống một hơi bia rồi hỏi tôi: “Sao, toa . . . lấy vợ . . . có vui không?” A! Vui, vui lắm anh Nhân ạ. Đi làm về mệt, có vợ nầu cơm sẵn, khỏi phải đi câu lạc bộ. Ăn uống xong, hai vợ chồng rửa bát đũa, nói chuyện, đọc báo tới khuya. Chừng nào đi ngủ thì đọc kinh, xong là ngủ đến sáng.” “Vợ của . . . Toa, bà ấy có . . . vui không?” “Cũng vui . . . nhưng có lúc, bà ấy nói . . . muốn về Sàigòn . . . buồn, nhớ nhà quá.” “Hai vợ chồng định . . . chừng nào thì . . . có con?” “À! Chừng vài tháng . . . chú Thìn cũng muốn chúng tôi có con, vì anh tôi tới giờ vẫn chưa lấy vợ” “Có con sớm là tốt, đời lính mà, ai biết tương lai sẽ ra sao! Hai vợ chồng vẫn . . . gần nhau đều đều chứ?” “Gần nhau? Hai vợ chồng tôi vẫn . . . gần nhau đấy chứ” Bác sĩ Nhân nhìn tôi, chán nản: “Ông Thiếu úy ơi là ông Thiếu úy ơi! Ông cứ như thề này mà đòi có con . . . thì chừng nào ông mới có con . . . hả ông Thiếu úy ơi!” À! THÌ RA THẾ! Đúng là . . . Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. (tính từ ngày ông bác sĩ chỉ vẽ cho tôi đến ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã có với nhau bầy mặt con rồi đấy) Sau ngày mất nước, tôi bị đi tù cải tạo hai năm mười một tháng hai tuần. Bọn Việt cộng thả tôi về vói điều kiện là phải đi kinh tế mới. Ở cái khu rừng không mông quạnh được hai năm, vợ chồng tôi trốn về ở thuê ở muớn, mở quán nhậu sinh sống qua ngày. Tôi ráng vượt biên mấy lần, nhưng số không thoát. Lần cuối cùng, tôi cho đứa con gái đi thế, nó đi chót lọt, được định cư ở Úc. Khi chiến dịch HO được đưa ra, tôi bị loại vì thời gian học tập không đủ ba năm. Đến năm 2007, vợ chồng đứa con gái bảo lãnh chúng tôi qua Úc sống chung với chúng nó. Tôi đã xin được chấp nhận là cựu quân nhân đồng minh với ÚC, nhưng phải đợi sau 10 năm mới được lãnh tiền hưu trí cựu quân nhân. Tôi cố gắng đi xin việc khắp nơi, nhưng đâu có ai mướn một ông già 73 tuổi làm việc bao giờ! Ở nhà, hai vợ chồng tôi trồng rau trồng cà trồng ớt đỡ tiền mua. Một hôm, tôi bứng mấy gốc rau tía tô và ớt từ đằng sau dem ra đằng trước, tính trồng theo hàng rào cho có nắng, có người bộ hành đi ngay, thấy rau thơm tươi ngon quá, họ hỏi tôi: “Rau của ông trồng đấy à? Tươi ngon quá nhỉ! Ông có . . . bán không? Tôi đang cần mua ăn tối nay” Người ta đang cần mà sao mình không giúp! Tôi đưa tặng bà một chậu nhỏ. Bà không nhận, nói rằng nếu tôi bán thì bà mua, chứ không quen biết gì, không thể lấy không của tôi được. Thôi thì . . . bán rẻ cho bà vậy!” Thế là từ đó, tôi có nghề trồng rau thơm, trồng ớt. Tôi đã có đồng ra đồng vào, không phải trông nhờ vào ai. Rau thơm ở dưới đất, nó là cỏ là rác, nhưng nếu mình biết cách dùng, nó sẽ thành thứ nuôi sống mình. Trời sinh voi, sinh cỏ, phải không bạn! Hôm qua, vừa bán được mẻ cây lớn cho một nơi trồng cây thương mại, đến tối mịt mới xong. Mệt quá, hai vợ chồng thu dọn đồ nghề, rủ nhau vào tiệm ăn. Ăn xong, thả bộ một vòng dọc theo bờ sông . . . Không biết có phải đây là lần đầu tiên tôi . . . nắm tay vợ tôi không . . . ? Về đến nhà, cũng hơn 11 giờ đêm. Đứa con gái mở cửa cho chúng tôi, vừa che miệng ngáp, vừa hỏi: “Bố mẹ đi đâu mà bây giờ mới về?” “Bồ đưa mẹ đi ăn tối, rồi đi dạo bờ sông cho dãn gân cốt đó mà” “À! Bố mẹ tình tứ quá nhỉ! Ngày Valentine day, đưa nhau đi ăn, đi chơi, vui quá.” “Valentine day . . . là gì, hả con?” “Valentine day là ngày của tình yêu đó mà. Những ai còn yêu nhau, thì ngày hôm nay đưa nhau đi ăn . . . đi chơi . . . cho vui ấy mà.” À! THÌ RA THẾ!
Ghi chú: Tên và đơn vị trong bài viềt đều không đúng sự thật. Nếu có sự trùng hợp với cá nhân nào, cho tôi nói lời xin lỗi trước, vì tôi không cố ý.
|