Bạn tôi: Thiếu Úy Huệ |
Tác Giả: Phạm Hoà |
Chúa Nhật, 02 Tháng 11 Năm 2008 07:54 |
Nó nằm trên giường đôi mắt mở to, bên cạnh hai người đàn ông già, cái giường bên phải của một người không biết nói tiếng Anh, chuyên đi qua lại dơ ngón tay cái lên và nói “very good, very good.” Có lẻ ông ta là người Armenian, vì khu vực Glendale phía Bắc của thành phố Los Angeles là khu vực tập trung của người di dân Armenian. Người đàn ông bên tay trái là người da trắng địa phương có đôi mắt kính cận dày cộm, nằm im lặng nhắm mắt bất động, có lẽ chẳng còn gì để nói. Cậu nhỏ mặc bộ đồ y tá màu xanh nước biển người Phi bước vào phòng, đi thẳng vào chỗ treo cái đồng hồ trên tường điều chỉnh giờ, để lộ hai cùi chỏ xâm hình màn nhện màu xanh loại mực Tàu. Cậu quay lại nhìn người lạ ngồi cạnh nó và chào, khuôn mặt Á Châu hiền hậu. Nhưng trước khi vào đây làm, chắc cậu ta cũng một thời sóng gió ngang tàng trong các băng đảng một vùng nào đó của thành phố này. Cậu cứ lui hui tìm cách điều chỉnh giờ của cái đồng hồ treo tường. Thấy vậy, người đàn ông da trắng mở mắt ra với giọng nói trầm và ồ ề, lập đi lập lại nhiều lần “no battery, come on, the clock got no battery, can you see?” Hai ba người đàn ông bên hành lang dừng lại và cùng nói một lúc “that's right, no battery”. Trong khi đó, từ một phòng khác thật xa vang vọng tiếng của những người già khác la hét thật lớn như cố gắng trút hết nỗi ưu phiền của mình. Âm thanh vang dội qua cái hành lang dài nực mùi khai và hôi của một ngày nóng hơn trăm độ và tiếng la hét vẫn tiếp tục như chẳng ai màng để nghe. Thỉnh thoảng có một vài người ngồi trên xe lăn đẩy vào knob cửa trên tường để tìm cách di chuyển cái xe nặng nề. Một người đàn bà tóc bạc trắng lưng còm gần như song song với mặt đất di chuyển phía sau cái xe lăn. Cậu y tá chẳng buồn trả lời, và đang tìm cách điều chỉnh giờ vì tối hôm qua đổi giờ vào nửa đêm, bây giờ đã bốn giờ chiều cậu ta mới đến. Cái đồng hồ này trên mặt kính còn có một cửa sổ nhỏ cho ngày và tháng. Ðiều chỉnh xong, nhìn đồng hồ, cậu y tá quay lại chào trước khi rời khỏi phòng. “Mày nhớ hôm nay đúng ba tháng từ ngày mày bị stroke lần đầu tiên không?” Nó gật đầu và đôi mắt liên tưởng nhìn thật xa vời vợi. Từ đó đến nay, nó đi chuyển từ nhà thương này đến nhà thương khác, rồi bây giờ nó nằm ở cái run down Convalescent Hospital tồi tệ này. Hôm trước Noel, nó nhớ hôm đó ngày 11 Tháng Mười Hai, cơn stroke đầu tiên đã đến với thân thể nó. Từ Orange County, nó cố gắng lái xe về Monterey Park nơi nó ở, đoạn đường bình thường chỉ khoảng nửa giờ đồng hồ lái xe trên xa lộ, nhưng hôm nay thật khó khăn vô cùng. Toàn thân bên trái tê liệt, may còn cái chân phải để đạp ga và thắng cũng như cái tay phải quậy qua, quậy lại, thế mà nó cũng lết về đến nhà. Chực nhớ lại đứa em gái là y tá, nó bèn gọi đến, đầu dây bên kia trả lời “đi nhà thương gấp anh bị stroke rồi.” Vậy mà nó cũng lết cái xe lộc cộc, cũ nát đến El Monte Community Hospital, không biết họ có chữa trị gì không? Nó được xuất viện và người ta đề nghị nên đến USC Medical Center ở dưới Los để tiếp tục điều trị may ra nó còn sống, chứ cái nhà thương cộng đồng này nổi tiếng là Roach Hotel “Check in and never check out” như là one way ticket loại “đi tàu suốt.” Rồi nó lại liên tưởng đến... Nó nhớ lại ngày xưa đi “nhảy toán” ít ra cũng có hy vọng trở về dù là mong manh, lần nhảy toán điều động và chứng kiến trận đánh bom cuối cùng của B52 trong vùng lưỡi câu của Cam Bốt. Hôm đó là ngày 27 Tháng Giêng năm 1973 nhưng vì Hoa Kỳ đi sau Việt Nam một ngày -Hoa Kỳ vẫn còn ngày 26- và Hiệp Ðịnh Ba Lê vẫn chưa có hiệu lực, các Pháo Ðài Bay B52 đả tập trung dành hết mọi phi vụ cho trân không kích cuối cùng này. Lúc đó, nó phục vụ ở Ðoàn Công Tác 68 Sở Công Tác thuộc Nha Kỹ Thuật. Khu vực Long Thành và Quân Ðoàn 3 cũng như Cam Bốt là vùng trách nhiệm của nó. Toán nó vào vùng trước đó một ngày sau khi nhận dạng và xác nhận mục tiêu, tọa độ đã thuyết trình tại khu cấm trước ngày xâm nhập. Nó liên lạc và báo cáo với hai lần tư tưởng cho biết chi tiết tọa độ và sinh hoạt trong vùng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, từng đợt và từng đợt B52 tới tấp vào mục tiêu, đâu đây nó còn nhớ văng vẳng bên tai trên ống liên hợp của máy PRC-25 zulu zulu zulu. Nó hối hả trả lời “nhận 5” roi nhét cái ống liên hợp trong cái balô của người truyền tin mang máy và cắm đầu chạy. Lúc bom nổ, nó nằm dưới đất chống tay theo kiểu hít đất, toàn thể mặt đất rung chuyển và chấn động dội vào khắp mọi nơi trên thân thể. Tai nó ù lên và hơi thở nén lại như vỡ tung lồng ngực theo từng đợt liên tục của trận oanh tạc. Toán của nó lồm cồm bò dậy và chạy thật nhanh ra khỏi vùng đánh bom mà nó đã chấm tọa độ báo cáo về hai lần tư tưởng của nó hôm qua. Cứ chạy rồi nằm, lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Khi toán nó được triệt xuất, mấy người đi đón toán chẳng còn nhận dạng ra tụi nó là ai cả. Từ xa, cả toán của nó như những bóng ma hiện về áo quần tả tơi trộn lẫn đất và bùn khô xám nghịt, miệng há hốc không nói được tiếng nào, không biết là nỗi mừng rỡ hay những tràng bom B52 đã xé nát lồng phổi và cuống họng của nó. Anh Ba cứ nhắc đến chuyến đánh bom B52 nầy mà anh chứng kiến từ lúc toán xâm nhập cho đến lúc triệt xuất. Anh Ba nói đâu phải đi một chuyến này thôi. Từ khi nó tình nguyện vào Biệt Kích cho đến nay, nó không còn nhớ bao nhiêu chuyến công tác nó đã đi qua, chỉ nhớ lờ mờ nó đi khóa 5/70 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, lúc đó nó được 23 tuổi, nhưng trước đó nó đã gia nhập quân đội không biết là năm nào, sau đảo chánh ông Diệm vài năm là nó đã đi lính rồi. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến được hai năm thì thân mẫu nó hạ sinh ra nó trong Chợ Lớn. Gia đình cũng khá giả lắm, nhưng nó lại chọn kiếp trôi nổi làm trai thời chinh chiến. Nó nói đi lính nào cũng chết mà chết là hết, nhưng sống ngang tang tang bồng hồ thỉ cho thỏa chí trai. Rồi nó tình nguyện vào Biệt Kích thử lửa một lần cho biết. Hồi đó, nó còn nhỏ lắm, nó nhỏ tuổi mà người cũng nhỏ con. Mấy thằng Mỹ trong toán thằng nào thằng nấy cao lêu khêu. Nó không là thông dịch viên nhưng nó nói gì mấy thằng Mỹ cũng hiểu hết. Nó rất thông hiểu lịch sử thế giới và nhất là lịch sử Việt Nam cũng như Trung Hoa cái thời của Tưởng Giới Thạch và trước đó là Mao Trạch Ðông. Nó kể chuyện chi tiết và dẫn chứng rõ ràng cũng như những dữ kiện lịch sử của Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa. Rồi hơn ba mươi năm đi qua, những gì đã xảy ra chung quanh cuộc sống của nó tại Hoa Kỳ cũng như những gì đã đi qua trong cuộc chiến vẫn đeo đuổi lấy nó. Ðôi mắt lim dim, nó liên tưởng đến một nơi nào xa lắm. Hôm đó trưa ngày 29 Tháng Tư. Thằng bạn nó lui hui nhặt mấy cây súng bỏ ngổn ngang trong mấy dãy nhà tạm trú ở kho 18 bên Khánh Hội. Nó hỏi: “Sao mày về đây được hay vậy? Tao nghe mầy ở tù trên Tổng Tham Mưu phải không?” “Ừ, tao bị gửi lên nằm trên Ðại Ðội 1 Tổng Hành Dinh của Tổng Tham Mưu từ hôm Dinh Ðộc Lập bị mấy thằng phi công nằm vùng đánh bom đến nay.” “Cái lúc dầu sôi lửa bổng mà mày nằm trên đó thật phiêu lưu, ở đây anh em mình đi nhảy trên Lái Thêu Bình Dương cũng như chung quanh Biệt Khu Thủ Ðô, người ta tìm đường đi ra nước ngoài nhiều lắm...” “Có, tao biết chớ, tao nằm kế phi trường Tân Sơn Nhất ngày nào cũng đến phi vụ C141 lên xuống thấy mà não ruột, cả tháng nay không có tin tức gia đình. Ông già tao ở Chi Khu Gò Vấp kế bên đây mà không sao có phương tiện liên lạc được. Hồi nẫy lúc vô cổng trại mấy đứa báo tin gia đình tao leo lên một chiếc tàu đánh cá đi vô Vũng Tàu rồi. Lúc ở trong Tổng Tham Mưu trưa nào tao cũng ra dưới tàng cây kế phòng giam, kể chuyện nhảy toán cho mấy chàng Quân Cảnh nghe, ngày nào cũng vậy, gần hết đề tài mà chẳng thấy ai vô lãnh tao về. Tối hôm qua, tụi nó pháo kích vô phi trường Tân Sơn Nhất và mấy trái pháo lạc qua Tổng Tham Mưu kế chỗ tao nằm. Hồi sáng nầy, Quân Cảnh 207 đến Tổng Hành Dinh lãnh tao ra bỏ ngoài cổng, may mà tao còn bọc “trái mini” trong túi mặt nạ, dí xe ôm về đến Bộ Chỉ Huy Nha trên trường đua Phú Thọ. Vậy mà tao phải chờ cả tiếng đồng hồ ông trung úy phát lương moi ngủ trưa dậy, tao cũng lãnh được nửa tháng lương, còn nửa tháng kia họ đóng tiền cơm trong tù. Tao nói bao nhiêu cũng được. Lúc đi ra kiếm cái thằng xe ôm trả tiền thì nó đã đi mất từ lúc nào. Nhìn qua trường đua tao thấy mấy anh em mình dưới Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế Long Thành về khui quân trang, quân dụng ở kho 50 trong nha, và đang cùng với đơn vị Biệt Ðộng Quân chất bao cát ngoài trường bãi cỏ trống giữa trường đua. Tao đón xe ôm về dưới Khu Quốc Tế, không ngờ gặp đông đủ anh em mình mấy đứa nhỏ trong xóm Ðổ Quang Ðẩu-Phạm Ngũ Lão bu lại mừng rỡ và xin đồ kỷ niệm. Nó nói anh đi kỳ này không biết bao giờ mới về. Tao cho tụi nó chục trái lựu đạn M26, rồi nhảy lên xe jeep về dưới này. Thôi mày xuống mấy chiếc tàu đổ bộ của quân vận đậu ngoài sông, người ta bảo tối nay sẻ đi Phú Quốc hoặc về dưới vùng bốn tử thủ. Tối hôm qua mà đi thì mày kẹt lại rồi, tao thấy mấy toán đi bốc mấy tay bự trên Sài Gòn tới khuya vẫn chưa về, và anh em mình nhiều toán còn kẹt lại ở Lái Thêu Bình Dương, cũng như một số đi bộ về đến chi khu Gò Vấp cũng chưa về kịp. Hồi sáng nầy có một toán về đến Ngã Ba Hàng Xanh, mấy người dân cứ tưởng là Việt Cọng về đến rồi. Lúc trưa, xe của mình rước Toán về đến Bến Bạch Ðằng xém bị Phòng Thủ của Hải Quân bắn. Nhờ tụi nó la lớn 'bạn, bạn, bạn,' và giơ bản đồ và panô lên bên kia mới mở hàng rào cho đi... Tối hôm đó, đoàn tàu di chuyển cả đêm, phía bên phải kho đạn thành Tuy Hạ bị nổ tung, cháy sáng cả một góc trời. Ðoàn tàu đi cả đêm mãi sáng hôm sau mới ra đến hải phận quốc tế, nó nhớ hết. Hai cái stroke cộng một cái heart attack, máu bầm đọng lại hơn sáu mươi phần trăm phía sau não bộ của nó, mà nó vẫn còn nhớ rõ ràng, tuy nó không nói được chỉ gật đầu. Và thỉnh thoảng nó cố gắng ngọng nghịu một vài câu nhưng trong tiềm thức nó tất cả những gì xảy ra nó nhớ rõ ràng và chi tiết lắm. Ðôi khi nó nhìn thật xa và cố nhớ lại tất cả như một đoạn phim trắng đen quay chậm. Từ những ngày đầu di tản, nó đã phụ giúp công việc an ninh di chuyển người tỵ nạn tại Subic Bay, Philippines, Phi Trường Quân Sự tại đảo Guam, rồi đến đảo Wake nó cũng phụ giúp công việc an ninh tại phi trường. Ngày nào nó cũng mang về một bịch rác to lớn chứa đựng những đồ quý rồi mang cho lại những cụ già nào là ống quấy, trầu, cau, vôi, dầu nhị thiên đường, dầu cù là con cọp, dầu gió xanh Bác Sĩ Tín, đủ loại đồ lặt vặt trong cái bịch to tướng mà các quân nhân An Ninh Hoa Kỳ tịch thu tại phi trường. Họ đâu biết đây là những đồ quý giá nhất thời bấy giờ, nhất là những cái ống quấy của các cụ ăn trầu. Mỗi lần nó xách cái bịch nylon clear màu trắng về, bà con chạy ra, nó giống như những anh hùng vừa mới lập chiến công trở về. Ngày nào cũng vậy, thỉnh thoảng nó kéo một số anh em đi tuần tiễu quanh đảo Wake với quân cảnh Mỹ để bảo vệ an ninh cho đồng bào tỵ nạn, suốt mấy tháng ở bên đảo cho đến ngày đóng cửa. Sau về trại Pendleton của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ nó cũng đi làm trên Processing Center kiếm từng cái áo, cái quần, giầy dép cho anh em. Ngày nào cũng vậy, nó đi từ sáng sớm đến tối mới về, mỗi đêm nằm trên ghế bố lót hai ba cái mền mà cái lạnh nó xuyên thấu xương trên mấy dãy lều thiết kế dưới thung lũng trong căn cứ Huấn Luyện Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Cái lạnh về những ngày cuối Thu, nhưng có lẽ lạnh nhất vẫn là cái cô đơn của những kẻ vừa trải qua một cuộc chiến dài, nằm liên tưởng đến những tháng ngày tương lai vô định trên xứ lạ, và tiếp tục cho đến ngày ra trại. Tuy vậy, anh em độc thân vui tính lúc nào cũng chọc ghẹo nhau và vui cười. Sau cái ngày ra trại mỗi đứa một nơi, người tỵ nạn được định cư rải rác khắp nơi trên Hoa Kỳ. Không biết do cơ duyên nào đó tất cả lại tập trung tại Los Angeles, khu vực người Mễ và Ðại Hàn góc đường Vermont và đường Số Chín nầy, rồi anh em cũng quay quần bên nhau nơi cái thành phố định mệnh gió. Hôm Thứ Hai, một tuần sau ngày bị stroke, nó nhờ một người bạn đưa vào USC, và từ đó đến nay hết nhà thương, đến trung tâm hồi lực rồi về lại nhà thương, qua trung tâm hồi lực rồi cuối cùng nó nằm tại cái bệnh viện tàn tạ dành cho những người già bệnh hoạn cuối đời nầy. Còn ba ngày nữa đến Noel. Cả tháng nay êm ru không thấy nó gọi. Tôi đang đi sửa xe dưới Orange County. Trời cũng vừa tắt nắng. Bỗng điện thoại rung lên, bên kia đường dây như mật khẩu thường lệ “có gì lạ không?” nó nói theo cái kiểu nửa Việt, nửa Tàu của nó. “Tao cũng thường, mấy đứa nhỏ học ra trường đi kiếm việc làm trên Oxnard, bị bà già Mỹ đụng xe bung air bags, bể bình nước, xe kéo về Amarillo bỏ trên đó, tao đang đi kiếm cái xe chạy tạm, mầy khỏe không?” Nó trả lời thật rõ ràng: “Tao bị stroke nằm nhà thương hai tuần nay, cái điện thoại hết pin, hồi sáng nầy vợ chồng thằng Craig đến thăm, con vợ nó ngồi đây còn thằng chồng chạy xuống phố kiếm cho tao cái đồ charge pin, nhờ vậy tao mới gọi cho mày được”. “Mày đang ở nhà thương nào?” “Tao cũng không biết, nó nằm gần Los, khu của người Mễ Tây Cơ, gần freeway 710 qua khỏi Los”. “Mày có số điện thoại ở đó không?” “Tao không có. Mà hình như nó tên là Rancho Amigo gì đó”. “Thôi được, tối nay về nhà tao sẽ lên trên net kiếm, thế nào cũng tìm ra. Mày nhớ charge điện thoại, ngày mai tao lên sớm, tao sẽ gọi trước khi đi.” Và từ đó đến nay nó không còn nói được nữa. Ngày hôm sau, còn hai ngày nữa thì đến Noel. Khi đến nhà thương, tôi thấy nó ngồi trên giường hớt hải phân trần ngọng nghịu. Mâm đồ ăn đặt trên một cái bàn nhỏ loại di chuyển trên giường dành cho bệnh nhân. Ðồ ăn vung vãi một nửa trên giường còn một nửa ở dưới đất, thức ăn được xoay nhuyễn dành cho những bệnh nhân sau khi stroke để tránh bị sặc khi nuốt. Trên tấm ra trải giường nhàu bốc lên mùi đồ ăn, mùi phân và nước tiểu lẫn lộn. Khuôn mặt nó thật hãi hùng, quầng mắt thâm sâu, đôi mắt đỏ và lờ đờ, râu lởm chởm khắp nơi trên khuôn mặt. Nó cố gắng phân trần và giải thích một điều gì đó... Tối hôm qua sau khi phổ biến hung tin và số điện thoại, anh em gọi thăm, nó đâu có nói chuyện được. Cái điện thoại cầm tay của nó rớt xuống giường mà không sao nó lấy lên được. Nó vẫn tiếp tục hớt hải và phân trần, một lúc sau mới kiếm ra cái điện thoại, trấn an và tìm cách nói chuyện với y tá nhà thương. Sau này mới biết tối hôm qua nó vừa bị một cơn stroke lần thứ hai. Hôm nay là Christmas Eve. Nhân viên nhà thương le que có mấy người, chẳng thấy bác sĩ hoặc y tá, chỉ có mấy người phụ dọn dẹp cho bệnh nhân. Từ sáng đến giờ chẳng thấy nhân viên của nhà thương, chẳng thấy thuốc men. Trên giường có một miếng giấy với hàng chữ quen thuộc của một anh bên Lôi Hổ vừa đến thăm, chắc là anh nhận được nhắn tin trên e-mail tối hôm qua. Trên bàn, một con teddy bear của một người bạn đến thăm hôm qua, bình hoa màu xanh và bao giấy nhôm màu đỏ như nhắc nhở Noel đã đến. Buổi trưa, một bác sĩ người Á Ðông đến nhưng để thăm người bệnh nhân da màu giường kế bên, và ông cho biết bác sĩ của nó sau Noel mới làm việc trở lại. Người đem cơm đỡ nó ngồi dậy và tìm cách đút thức ăn cho nó, những đồ ăn đã được xoay nhuyễn, nhưng nó tìm cách phun ra, vì lưỡi nó không còn điều khiển để nuốt đồ ăn. Mâm đồ ăn còn nguyên vẹn được mang đi, nó cố gắng nói với những lời ngọng nghịu cho đến buổi chiều. “Tao phải về, mày nằm đây nghỉ. Tối nay là Noel, mầy biết không? Thôi mày nằm nghỉ cho khỏe, ngày mai tao lên sớm.” Lúc tôi ra về, nó cố gắng tiếp tục phân trần, như muốn giữ tôi lại, cho đến tôi khi rời khỏi khu vực bệnh nhân. Bên ngoài, trời bắt đầu lạnh. Ðèn Noel trên các nóc nhà cháy sáng. Tiếng nhạc rền dứt khoảng từ chiếc radio cũ kỹ qua cái loa rè rè vì đã rách. Bản nhạc “Ðêm Ðông Lạnh Lẽo” từ một đài phát thanh địa phương trỗi lên. Ðiếu thuốc tôi đốt nửa chừng rồi lại quăng đi. Mùi vị đắng nghét của một gói thuốc cũ lâu ngày hôi mốc như một quãng đời dang dở không trọn vẹn đã đi qua. Như cuộc đời của nó trong đêm Noel lạnh lẽo nầy. Năm nay, chẳng có cây Noel, chẳng có quà vặt. Ba mươi mốt cái Noel trên xứ Mỹ nầy bao nhiêu cái Noel đã đi qua như cuộc đời nó nằm đây mà tất cả đều trống vắng, duy chỉ còn lại cái hạnh phúc của hơi thở, của sự sống và một ngày lại đi qua. Sau Noel một ngày, nhà thương sinh hoạt thật tấp nập, kè đi qua người đi lại tất cả thật nhộn nhịp. Nó nằm trên giường với một miếng band-aid dán qua sống mũi, miệng của nó máu khô đọng lại từ tối qua. Người ta cho biết tìm thấy nó mặt úp nằm sõng sượt trên sàn nhà vào sáng sớm, không biết tối hôm qua nó muốn đi đâu? Tay chân bên trái của nó tê liệt do stroke lần đầu tiên. Stroke lần thứ hai đã tàn phá phần còn lại của thân thể nó. Không biết trong giấc mơ hiện về tối qua những gì đã xảy đến cho nó, không ai biết đến luôn cả chính nó. Viên bác sĩ của nó gọi bác sĩ chánh của nhà thương, và một vài bác sĩ thực tập đi cùng tất cà bác sĩ nhìn thấy nó đều lắc đầu. Và họ ra dấu hiệu chuyển gấp nó về USC để điều trị, tình trạng sức khỏe nó sa sút một cách trầm trọng. Nó được đưa từ phòng hồi sinh thường, cho đến phòng hồi sinh loại nặng. Một tuần đã đi qua. Một đêm, điện thoại reng. Bác sĩ trực của nó muốn nói chuyện riêng với thân nhân. Người ta vô cho nó hai bịch máu, và không biết nó mất máu chỗ nào? Nhà thương thí USC là nơi quy tụ tất cả bác sĩ thực tập, cứ vài ngày là bác sĩ thay đổi. Và cuộc đời nó cũng vô định như những câu hỏi không bao giờ được trả lời. Một hôm, trung tâm hồi lực thông báo người ta sẽ di chuyển nó đến một viện dưỡng lão nào đó trên vùng Los Angeles. Nó chẳng có bảo hiểm sức khỏe, chẳng nó Medical, tất cả phần chữa trị của nó tương đương với những kẻ vô gia cư hoặc tù nhân của thành phố nầy. Một hôm, tôi đến thăm và thấy hồ sơ bệnh nhân của nó trên bàn y tá màu đỏ chói. Tôi nhìn trên tường và thấy có miếng giấy cấm tiếp xúc với bệnh nhân, sợi dây xích hai chân của người bệnh vào song giường. Thỉnh thoảng, người cảnh sát vào phòng nhìn vào sợi dây xích rỗi đi ra. Nó chưa đầy sáu mươi, và cuộc đời gian truân và cái anh hùng tánh cũng theo đuổi suốt cuộc đời của nó... |