Sàigòn |
Tác Giả: Luân Hoán |
Thứ Bảy, 27 Tháng 12 Năm 2008 17:12 |
Bè Bạn, Bà Con, Sài Gòn và Tôi bất ngờ rớt giữa Sài Gòn luânhoán Chủ Nhật, ngày 11 tháng 8 năm 2002, đúng 10 giờ 12 phút, chúng tôi có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất. Chuyến bay VN 532, với phi hành đoàn gồm toàn người Việt, đã hoàn tất tốt một chặng nghiệp vụ của họ. Những cô tiếp viên xinh đẹp, linh hoạt trong dáng áo dài màu đỏ thắm , cùng các nam tiếp viên lịch sự, nhã nhặn, đã đem lại sự thân mật, thoải mái cho hành khách trong suốt chuyến đi liền 17 giờ, khởi từ phi trường Charles de Gaulle Paris. Nắng, Nóng là chuyện gần như thường trực của thành phố Sài Gòn. Tôi chợt nghe lành lạnh sau gáy, không thể không quay lui. Thuận dịp, đảo mắt một vòng. Căn phòng im vắng, thoáng mát. Vật dụng trang bị khá khiêm nhường, càng làm cho không khí trống vắng rộng thêm cái cảm giác đang bị theo dỏi, rình rập. Cặp vợ chồng trẻ nhìn chúng tôi cười cười. Nhờ tính tò mò sẳn có của Lý, vợ tôi, chúng tôi biết đôi nam nữ này là Việt kiều gốc Nhật. Anh chồng vừa săm se sổ thông hành, vừa ngại ngần nhỏ giọng hỏi... Thủ tục 'đầu tiên' để bắt đầu nhập vào nguồn hơi thở đích thực của quê nhà, tôi nghĩ không có gì đáng phiền. Nhưng vốn ngại những rắc rối bất ngờ, tôi giao thông hành của tôi cho Lý cầm luôn. Một chút quà khiêm nhường và rất thật tình, biết đâu không là một xúc phạm. Nhưng sự hồi hộp vẩn vơ của tôi đã nhanh chóng được đẩy lui, khi bàn tay anh công nhân viên, vừa khéo léo, vừa tế nhị ra dấu cho chúng tôi vượt qua một cánh cửa nhỏ. Trên đường tiến đến phòng lấy hành lý, chúng tôi phải dừng lại một quày với hai bàn làm việc khác. Nơi đây, chúng tôi nạp mẫu giấy quan thuế , đã khai khi còn ngồi trên máy bay. Vật dụng chúng tôi mang về gồm những thứ linh tinh, không có gì đáng lo. Vào những ngày cuối trước khi lên đường, chúng tôi nhận được điện thư của một người cháu từ Sài Gòn dặn : Cậu mợ nên có sẵn một ít tiền loại một đồng, để thuê xách hành lý xuống khỏi ‘đường chạy’. Vài ba người giúp việc này sẽ xớ rớ gần đó. Vừa đi vừa thọc trong vào túi quần, thăm lại nhúm bạc giấy, tôi suýt va vào một anh công nhân viên. Chưa kịp xin lỗi, anh đã hỏi chúng tôi - ông bà từ nước ngoài về ? Anh công nhân viên quan sát chúng tôi bằng cái nhìn lướt qua, nhưng chắc rất chuyên nghiệp . Anh bảo nhỏ đủ chúng tôi nghe, 'theo tôi'. Rồi anh vụt đi khá nhanh, bỏ chúng tôi một khoảng chừng ba, bốn thước. Rất hoang mang, chúng tôi im lặng, ngó cái lưng bạc màu áo trắng của anh và bước theo. Căn phòng thật vắng. Bạn đồng hành của tôi đã mau chân, lẹ miệng vượt qua mọi thủ tục. Hẳn họ đang cùng những người đến đón, tay bắt, mặt mừng thân thương. Tôi chợt nhớ trực đến cái bàn chân trái của mình. Một chút ngậm ngùi thoáng qua, tôi liếc nhìn vợ. Lý bước sát bên tôi. Con mèo Phước Ninh rõ ràng đang lo. Tôi nghe nhịp chân giàu băn khoăn quen thuộc của con linh miêu này như nhẹ hẳn đi. Thời gian có những bước đi cố định. Mau, lâu, nhanh, chậm một phần nào dựa lưng vào tâm cảm mỗi người. Những hồi hộp, căng thẳng rồi cũng qua. Chúng tôi đã có cơ hội, kiểm nghiệm trực tiếp về những tin đồn miệng, hoặc qua các phóng sự giàu tính chất châm biếm, đả kích trên báo chí từ nhiều năm qua. Có lửa nên có khói, đúng vậy. Nhưng mức độ 'ảnh hưởng xấu' chẳng có gì quá để bi quan. Không cứ gì sự nghèo khó mới sinh nở những tệ đoan xã hội. Và thật tình, trong việc 'phải không' chút chút này, chúng tôi cũng tích cực làm tòng phạm,để mong tránh được những giây phút căng thẳng, bực mình . điều đáng tiếc, do mục đích chuyến về thăm quá quan trọng, sợ bị trì chậm, trắc trở, chúng không đã dám mang theo một ít tập thơ về làm quà cho bè bạn. Khi chúng tôi ra tới bên ngoài, vạt đất đưa đón có lẽ đã vơi đi một số lượng người đáng kể. Nhưng vẫn còn khá đông. Chúng tôi đã thực sự, đứng trên đất nước của mình, đứng dưới sự quây quần, nhìn mặt của đồng bào mình. Với một chút ngượng ngập vô cớ, tôi hơi cúi đầu, bước những bước ngắn, sau cái xe đẩy hành lý. Chúng tôi cũng không được dịp, hưởng những níu kéo, mời mọc của các anh tài taxi, xe gắn máy, cyclo đạp... đám cháu chúng tôi,những thị dân của Sài Gòn, đã đủ mặt để đón cậu mợ chúng bằng phương tiện di chuyển của những người ‘ăn nên làm ra’ . Từ sân bay Tân Sơn Nhất về 22 Lê Lợi quận 1, nơi chúng tôi tạm trú, có gần bốn cây số. Một khoảng cách khá dài, Nhưng chưa đủ cho những người nôn nóng thèm nhìn lại thành phố sau 18 năm đi xa. Có lẽ nghĩ vậy, nên Ðịnh, người cháu trai, không nhỏ tuổi hơn tôi bao nhiêu, cho phép chiếc Camry đời 2000 có máy lạnh, thong dong qua nhiều ngã đường của cựu Thủ đô. Dưới mắt tôi, lúc này, người và xe vẫn lúc nhúc như thời trước 1975. Phố phường đã mang lại khuôn mặt tươi vui, linh hoạt. Sự giàu có sắc màu của những bảng hiệu, níu nhau, vực dậy triệu nhịp thở cần thiết của một thành phố biết sống. Sự chênh lệch về hình thức phô trương cũng là một bố cục, một phối trí điều hòa, bắt mắt. Nhìn chung, Sài Gòn là một họa phẩm sinh động, tuyệt hảo. Toàn bộ thịt da, hồn phách của họa phẩm không được mang chính-danh của nó .Nhưng vẫn được tất cả người Việt, trong, ngoài tổ quốc, thân mật gọi bằng phương danh cũ.Và chắc chắn một ngày bắt chợt nào đó, những cái gì của Sài Gòn sẽ về lại với Sài Gòn. Mười tám năm trước, tôi từng tin tưởng, nhưng không thể biết chính xác, hôm nay tôi có dịp đi trên những con đường xưa. Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng... vẫn còn đó. Phố đã gở đi những qúi danh Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản,Trương Minh Giảng, ...‘Nam Kỳ Khởi Nghĩa’ tiêu ‘Công Lý’, ‘đồng Khởi’ vùng lên mất ‘Tự Do’. Câu ca quần chúng man mác buồn này, không rõ tôi nhớ có được chính xác ? Những hình ảnh đẹp và đáng nhớ nhất của quê hương, đối với riêng tôi, là những con đường, những lối đi. Trong mọi tầm vóc, rộng, hẹp, ngắn dài, mỗi một con đường, mỗi một ngõ nhách đều mở cho tôi những thi vị. Chúng đưa tôi đến nhiều nơi, chúng cho tôi biết nhiều chỗ, chúng tặng cho tôi những cuộc gặp gỡ với nhiều người, nhiều vật. Tôi gần gĩu với những con đường như những nhân tình. Dù được giữ nguyên hay thay tên gọi mới, trước mắt tôi, những con đường Sài Gòn vẫn trong vóc dáng cũ. Chúng vẫn là những sợi chỉ tay, nằm chồng chéo, dài ngắn so le. Thân thể, hồn phách chúng hâm hấp, nồng nàn những nắng, những mưa, những cỏ rác, những phân vật, nước bọt người...Chúng không tỏ vẻ cam chịu những quá tải lĩnh khỉnh đó, mà như tuồng luôn luôn phơi phới, thong dong, mở lòng ra cùng mọi người qua lại. Sống ở bất cứ nơi nào, thời mới đến, tôi cũng nhớ rất kỷ tên gọi một số con đường. Lâu ngày, sự thân mật làm tôi quên dần đi. Ðường Sài Gòn, đối với tôi cũng vậy. Ði ,nhớ đường . Hỏi tên, nghĩ lâu ra. Trần Tiến Ðịnh, không chọn điểm đến, không dự trù lộ trình, hoàn toàn tùy hứng, đã đưa chúng tôi nhìn lại một số công trình kiến thiết vang bóng một thời. Chúng tôi chạy ngang chùa Vĩnh Nghiêm. Lần này, dĩ nhiên không ‘thấy ông Bùi Giáng lim dim ngủ ngồi’, nhưng vẫn còn thấy những lá cờ ngũ sắc, lấp lánh một thời Quách Thị Trang. Nhìn thoáng ngôi chùa được xây dựng vào năm 1964 theo họa đồ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, tôi không moi ra được chút kỷ niệm nào đáng qúi. Một đôi lần ghé tạt vào, đứng ngoài sân , vẩn vơ nhìn đỉnh Long Xà, hoặc tháp Quan âm, nhưng trong lòng không có một ý niệm tĩnh tâm , một ý nguyện tìm hiểu Phật Pháp. Tôi có thể là một người tò mò ,một du khách .Nhưng không thể là một tín đồ, mặc dù âm thanh của chuông mỏ, của những tiếng tụng kinh đã mê hoặc tôi từ nhỏ. Ðức Phật và những chư vị đắc đạo khác, nhất là Phật Bà Quan Thế âm, là những chiếc phao, tôi từng bám chặc mỗi khi phải vượt qua những bất hạnh trong đời. Không riêng gì chùa Vĩnh Nghiêm, những ngôi chùa khác, bất ở tại đâu, sự cung kính, ngưỡng mộ của tôi, chỉ được dâng lên từ ngoài sân, hay gần hơn là thềm cửa. ‘vào chùa thả bước chân trần Nhưng tôi đã không thể cởi bỏ giày, từ sau năm 28 tuổi. Năm tôi lêu lổng ngoài mặt trận, làm rớt một ống chân. Một ống chân tinh khiết, với một đôi mắt cá từng cọ sát cái kiềng bạc lấp lánh thời ấu thơ. Một ống chân qúi gía, với một bàn chân năm ngón thơm tho, mà mẹ tôi một thời từng hôn hít. Các chị tôi một thời từng chăm sóc, kỳ rửa. Tôi đã đánh mất nó vĩnh viễn rồi. Sự bất bình thường của cơ thể, đã đem lại cho tôi mặc cảm tự ti. Tôi thường thầm lặng quan sát mọi người chung quanh, để làm rõ nét dị biệt của mình. Và tôi nghiệm ra, mình đã bị tách khỏi một số sinh hoạt của một người bình thường. Lần về này, hoặc còn có lần sau nữa cũng vậy thôi. Tôi vẫn chỉ đi ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm với mắt nhìn xa vắng, buồn bã. Vừa lượt kể một số mặt đổi mới của Sài Gòn, Ðịnh vừa cho xe chạy vào đường Thống Nhất. Ðường Thống Nhất đã được đổi tên. Chúng tôi đang ở ngay sau lưng nhà thờ đức Bà. Xe chạy chậm, gần như đi bách bộ. Tôi chăm chú nhìn những lát gạch trần màu nâu thẫm. Chúng nằm kề cận nhau, để góp phần tạo thành một ngôi gíao đường trang nghiêm, lộng lẫy. Nghe nói những viên gạch cao tuổi này đã bỏ Marseille, tít mù bên Pháp mà đến đây, từ năm 1877. Ngày 07 tháng 10 năm đó, kiến trúc sư Bourard đã rập theo kiểu Roma để đựng ngôi nhà thờ này. Ðứng giữa một vùng đất thoáng rộng, ngôi nhà thờ không có vẻ trầm mặc, chỉ toát ra sự gần gũi,cởi mở với đời thường. Hai tháp chuông cao vút, như hai hiền sĩ, vừa theo hầu vừa bảo vệ cho Nữ Vương Hoàn Cầu, thánh thiện, nhân ái. Tổng thể hình ảnh này luôn luôn là điểm nhìn ngưỡng phục, cung kính của thị dân, du khách. Tôi là người không biết làm dấu thánh gía, nhưng đã có mặt và qùi gối ngoài mé cửa thánh đường này nhiều lần chỉ vì ‘em đi lễ sáng sang chiều..’. Sau khi qua đường Nguyễn Du, chúng tôi trở lại Thống Nhất, tiến đến đường Công Lý. Viên đá đầu tiên của ngôi nhà thơm tay ông De La Grandière, thủy sư đô đốc Pháp vào ngày 23 tháng 2 năm 1863. Toàn bộ công trình của kiến trúc sư Hermitte được khánh thành vào đầu năm 1875. Bỏ 12 năm xây dựng để ngồi trị vì gần 80 năm, người Pháp hẳn không buồn khi bắt buộc phải kéo xuống lá cờ tam tài vào ngày 7 tháng 9 năm 1954. Ngôi nhà được mang tên mới : Dinh độc Lập từ ngày đó. Dinh độc lập còn được gọi là Phủ Tổng Thống khi cặp Trần Lệ Xuân và Ngô Ðình Nhu xuất hiện trên chính trường. Ðiều hành quốc gia trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, hẳn nhiên rất khó khăn. Tổng thống Ngô đình Diệm không thể không có những sai sót. Tiếc rằng những nhắc nhở của quốc dân, qua tay hai viên phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử ngày 27 tháng 2 năm 1962, chỉ đủ giúp kiến trúc sư khôi nguyên La Mã Ngô Viết Thụ, có dịp làm mới lại Dinh ÐộcLập theo kiến trúc âu mỹ, lẫn lộn những nét đặc thù á đông. Dinh Ðộc Lập còn được gọi là Phủ Ðầu Rồng, thời tổng thống Nguyễn văn Thiệu, và ngày nay, cơ ngơi này tạm đứng lại với tên Hội Trường Thống Nhất. Thời còn làm sinh viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, tôi có mặt trong hàng quân, đứng nghe lời hiệu triệu của vị nguyên thủ quốc gia trong khuôn viên này, nhưng đây hẳn nhiên không phải là một kỷ niệm đáng trân qúi. Năm 1984, trong khi tôi và Lý ngồi xe xích lô chạy qua ngang đây, vào một buổi sáng sớm. Lý bị giật mất chiếc đồng hồ đeo tay, mới đúng là một kỷ niệm dễ thương. Sự lanh lẹ, lành nghề của anh chàng đi xe gắn máy. Sự hốt hoảng, phản ứng, suýt rớt ra khỏi xe cùa Lý, Sự lập lờ, chậm rãi, tạo điều kiện của người đạp xích lô, tôi còn hình dung lại được. Phải chăng kỷ niệm rõ nét thường có từ những bất ngờ ? Những công trình kiến thiết lộng lẫy của đô thị Sài gòn, không thể nào nhìn lại hết trong một vài giờ đầu sau khi rời sân bay. Tôi tự hẹn sẽ đi nhìn lại những....Sở Thú, Lăng ông, Tòa Ðô Chánh, Lăng Cha Cả, Bến Nhà Rồng...những nơi tôi đã từng thăm viếng nhiều lần, và mang mãi những hình ảnh thân qúi đó ở trong lòng, vào những ngày kế tiếp. Trên đường về 22 Lê Lợi, tôi bị hấp dẫn bởi Khách sạn Continental . Một kiến trúc kỳ vĩ, có tuổi thọ gấp đôi tuổi đời tôi. Quả là điểm không cho phép những cặp mắt yêu nghệ thuật, lẫn những cặp mắt quê mùa như tôi bỏ lơ. Một trăm hai mươi năm đi qua, chỗ từng ngồi của thi hào ấn độ, Ranbindranath Tagore, năm 1929,còn có chút thi ảnh nào ? Và những văn gia André Malraux, Graham Greene có trồng vào văn phẩm của các ông, những mùi hương lượm từ ở đây ? Dĩ nhiên, còn nhiều những hào kiệt, giai nhân khác đã từng dội nước, làm tình sau những cánh cửa kia. Và vẫn sảng khoái, như cựu tổng thống Pháp, J.Chirac, khi còn là thị trưởng của Paris màu sắc. Khách sạn Continental dĩ nhiên không phải là chỗ tôi có đủ khả năng tạm trú một vài hôm. Ðứa em 18 năm xa cách, bây giờ về đứng ngơ ngơ bên bàn thờ. Những gì và những gì đang lấp ló trong lòng hắn ? Căn phòng chừng như thiếu ánh sáng. Mùi trầm hương như đang cõng ai đó đi tìm một cái gì. Ðứng sát cạnh một con đường ồn ào sinh động vào bậc nhất Sài Gòn, người lạc quan, vẫn tạo được cho mình những giây phút lắng đọng, tịnh tâm. Tôi có được điều đó chăng ? Chị tôi đã đi xa, nhưng trong không gian này vẫn còn chị. Và mọi sự gần như xưa. Ngoài nét buồn tùy tâm người kiểm nhận. Chị tôi có nhân dáng và dung mạo giống tạc mẹ chúng tôi. Ðó cũng là điểm đầu tiên, để kéo anh em chúng tôi thường về với chị . Ra đời với một ngôi sao tốt, chị là người đàn bà suốt đời thanh nhàn, giàu có từ vật chất đến tình thương. Chị hiền lành hơn mức độ hiền lành cần thiết. Với người chồng vui tính, trí tuệ, cùng đàn con thành công trong cuộc sống, tôi nghĩ, chị chưa hề hình dung được hai chữ bi quan. Chị thương chúng tôi như thương những đứa con. 'Mày, tao' là lối xưng hô ngọt ngào, quen miệng của chị. Tôi vẫn nhớ, chị từng nói với tôi.'Tao với mày giống nhau hai điểm : lười biếng và thích sống nơi ồn ào'. Quả vậy,chị khác hẳn mẹ chúng tôi ở chỗ quán xuyến việc gia đình. Chị gần như không biết gì về việc làm bếp. Ngay trong thời sau 1975, chị cũng giữ được ít nhất hai người giúp việc cho gia đình, và vẫn duy trì đến ngày nay, dĩ nhiên nhân sự có thay đổi. Chị tôi mất, chiếc nan chính trong cái ổ riêng của tôi tưởng đã bung vỡ. May thay, những đứa cháu đã thừa hưởng được tình thương của mẹ chúng. Nhờ vậy, hai ông cậu tiếp tục được thương kính, chìu chuộng. Sài gòn đang bình tỉnh chen nhau sống phía dưới cặp mắt thưởng ngoạn của tôi. Con đường Lê Lợi mênh mang nắng. Chen giữa tám đường xe xuôi ngược , hai vồng cây cảnh chạy song song. Lá không mướt, nhánh không vươn cao, nhưng đã đủ để rủ rê những con gió đến thì thào,ca hát. Gía như có thêm những cánh chim thì tuyệt biết bao nhiêu. Ðại lộ Lê Lợi quả hơi nghèo giống lông vũ, thong dong sống cùng. Dù vậy, khó có thể nhìn thấy sự bất ổn, trắc trở, đang rình rập ở đây. Sự nghèo đói của một góc nhỏ xã hội cũng không dễ nhìn rõ mặt. Tôi không mang bất cứ một loại mắt kính nào khi mê mải ngắm một phần tốt đẹp nhất của tổ quốc tôi. Như đã thú thật, Tôi vốn hời hợt, nhưng sự an bình tôi thấy, quả đang có thực, đang âu yếm đùm bọc đồng bào thân thương của tôi. Dù đây có thể chỉ là một khoảng hở của chế độ. Ghi lại mươi dòng cho một chuyến về thăm vội vã, tôi không có đủ khả năng, và thật ra, cũng không muốn phải viết kiểu cách, cho ra hồn một cái gì. Những dòng chữ này không biết nói ba hoa. Chúng chỉ là một giọng kể chuyện tầm phào, vô cùng riêng tư. Mục đích chính, tôi kể cho chính tôi nghe. Bởi tôi muốn tức thì được về thăm quê hương một lần nữa. Hình dung, hồi tưởng cũng là một cách đi thực tế. Không chừng còn cặn kẽ, tỉ mỉ hơn. Ngồi một chỗ, thả lòng, thả trí, thong dong qua những nơi yêu dấu đã đi thật là một thú vị. Và vì vậy, bạn đừng phiền, nhất là khi chưa nản , gắng đọc tiếp những dòng sau. Ðường phố nối nhau, gọi nhau bằng những nhịp còi xe, thỉnh thoảng chỏi lên một giọng chưởi thề không nhiều ác ý. Cái vui, cái tha thiết là ở chỗ này. Và tôi tìm thấy tôi một thời, trong dòng người chảy đi một cách yêu đời ấy. Phẩm chất của dòng nắng Sài Gòn thật kỳ diệu. Cũng vàng thơm như nắng Montréal, cũng óng ả như nắng Boston, cũng đỏ tươi như nắng New York...Nhưng lạ, tại những thành phố cực kỳ hoa lệ, bát ngát kia, tôi lang thang , đầu phải để dưới một cái mũ vải. Với Sài gòn thì không, tóc râu tôi đầm đìa những nắng. Nhưng những cơn nhức đầu, sổ mũi đã tế nhị lánh mặt. Phải chăng nhờ những lớp bụi đường, nhờ những cặp mắt thanh xuân luôn luôn biết cười, biết vẫy gọi. Tôi tiếc đã không thấy được nhiều cánh môi trầm. Ðường xe có quá nhiều khẩu trang màu mè hoa lá. Những bàn tay mang gant sống trong thơ Nguyên Sa vẫn còn thấp thoáng. Vụng đi một chút, khoe khoang hơn một chút..nhưng vẫn hồn phách Sài Gòn... Ghé cho cái Yamaha ăn thật no xăng, tôi và Bisbis chạy thẳng lên bùng binh Quách Thị Trang, Cổng chính chợ Bến Thành. Chàng Phù Ðổng vẫn thẳng lưng trên mình ngựa. Cái ngã sáu quen thuộc mở ra nhiều nhánh nhớ nhung. Ðâu là Ngô Tùng Châu ? Ðâu là Lê Văn Duyệt ? Số nhà 61 nằm ở đâu ? ơi tòa soạn của tạp chí Văn Học , ơi cái gác xếp loại bỏ túi, một thời của Thế Uyên và Phan Kim Thịnh. Rõ ràng nơi đây mà lạ mất rồi. Phải chạy thẳng để rẽ trái vào Phan Thanh Giản, thăm cựu trung tá Soạn, anh Lý, trước bệnh viện Bình Dân, bên cạnh salon Xuân Quang. Nhưng cái thằng Bisbis lại đảo xuống Hàm Nghi ra bờ sông. Thôi cũng được. Bến Chương Dương sáng quá, tôi không tìm thấy những bụi cây thấp bé nằm dọc theo dòng sông. Những bụi cây của một thuở cùng bè bạn, thấp thỏm những hư hỏng. Chưa kịp cầm lên kỷ niệm, xe đã chạy tới Nguyễn Huệ. Chúng tôi nhập vào con đường thênh thang của thành phố. Không chạy để tìm một vườn hoa, mà để nhớ những cái kiosque. Bạn văn Cung Tích Biền thời 84, đã mất mối bán cho tôi một số tranh sơn mài chỉ vì người vợ sau cùng của nhà thơ Nguyễn Vỹ. Thời đó, Thao đã nói giỡn với tôi : 'ông ở nhờ ông Lê Lợi, tôi ở nhờ ông Nguyễn Huệ. Cả hai đều lớn cả, nhưng tôi với ông, chẳng làm nên gì'...Bây giờ tôi đã xa ông Lê Lợi. Cung Tích Biền đã mất ông Nguyễn Huệ. Và cả hai chúng tôi vẫn phất phơ như ngày nào. Bạn Cung Tích Biền ơi, bạn đang ở đâu vậy? Tôi có đọc một số truyện mới của bạn trên Hợp Lưu ở Hoa Kỳ, mừng chúng ta chưa bỏ cuộc chơi. Thế là đã quá đủ rồi . Từ Nguyễn Huệ, chúng tôi rẻ trái theo Lê Thánh Tôn, rồi quẹo phải vào Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gặp được thi hào Nguyễn Du.Vừa lạng vừa ngó, rồi qua Nguyễn Trung Trực, quẹo phải lại Lê Thánh Tôn, gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu, ra lại chợ Bến Thành. Sảng khoái trong dòng năm, dòng bảy, nhiều lúc vai chạm với vai người chạy bên cạnh. Ngon trớn, chúng tôi đâm lên Trần Hưng Ðạo, để thăm khu ba Tàu Chợ Lớn. Lên Chợ Lớn, không thể không chạy ngang chợ Bình Tây. Sự phồn thịnh của ngôi chợ này vẫn như xưa. Lật lại ngày tháng cũ, Chợ Bình Tây đã có một thời mang tên là chợ Quách Ðàm, tên một người Tàu nghèo mua bán ve chai. Nhờ cần cù và ý chí, họ Quách đã trở nên một phú thương giàu nức tiếng thời bấy giờ. ông cho đất, bỏ tiền theo yêu cầu của chánh quyền đương thời, để hóa thân và hoán chuyển vị trí ngôi chợ nhỏ sẵn có, chỉ duy một mục đích chủ yếu : được dựng tượng của ông ở sân cửa chính của chợ. Tâm nguyện của một người giàu nghị lực đã đạt. Tiếc rằng sau tháng 4 năm 1975, tượng hình của thương gia Ðàm phải đi vào nhà kho một phòng thông tin văn hóa. Vẫn còn may ! Tôi quét ngang những đường mắt trìu mến lên phố phường. Tôi đến nhiều nơi nhưng không dừng một chỗ nào. Quận 3, quận 4, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình... Nơi đâu cũng người bên người. Sự sinh hoạt rộ lên như một ngày hội. Mức thu nhập mỗi đầu người ra sao ? Với lạc quan vừa tìm thấy, tôi mong không phải lặp lại câu 'Phồn Vinh Giả Tạo' mà chế độ đương quyền đã có thời đánh gía sức sống của miền Nam, nói chung, Sài Gòn, nói riêng. Vừa ngồi xe vừa ngước nhìn, nhưng không còn nhận ra nơi vợ chồng bạn thơ Thành Tôn mở cửa hàng đan len. Ðã mất dấu quày sách vỉa hè của bạn thơ Chu Vương Miện. Nơi nào nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đưa tôi ra mắt người vợ lẻ của anh ? Nơi nào nhà báo Phan Kim Thịnh, thường viết dưới bút hiệu Lý Nhân Phan Thứ Lang, tiễn tôi ra đi bằng một bữa cầy tơ. Tất cả đều đã lạc dấu. Nhưng hình ảnh bè bạn xưa cũ vẫn đầy một bụng tôi đây. Sẽ gọi, sẽ thăm. Nhưng hãy khoan, cho tôi ngắm thêm, 'ăn' thêm một chút Sài Gòn...Chắc gì sẽ lại có một chuyến trở về . Ðây chẳng phải là điều bi quan. Tôi rời trạm điện thoại, không vui, cảm thấy như vừa bước hụt. Năm 1984, bạn thơ Trần Dzạ Lữ đã từng đèo tôi bằng xe đạp lộc cộc qua Chợ Búng, xuống trường Trịnh Hoài Ðức...đường xanh bóng cây, thơm ngát tình bè bạn, rề rà rồi cũng tới, huống chi bây giờ...Nhưng Thọ đang có cuộc vui gia đình. Tôi bỏ ý định vừa mới có. Tần ngần đứng bên lê đường, loáng thoáng nhớ vài đoạn thơ của Thọ viết, gởi cho trước ngày về : ... 'anh đến từ cát bụi Bạn tôi, gần như không lúc nào thỏa hiệp được với cuộc sống. Giàu lý tưởng, yêu cuộc đời, Châm biếm và đả kích không thể không thành văn. Dù hoàn cảnh nào cũng chung thủy với thơ.Tôi qúi bạn tôi như qúi thơ. Cháu Bisbis hỏi 'ông cậu' thích đi đâu ? Trước khi quay trở ra xe, tôi kịp thấy chữ ký của anh trên một số bức vẽ đã thành hình. Thì ra anh có tên Cương tên Cường gì đó. Trước cái tên viết hơi ngã ngược này, còn có cả một chữ Ð và một dấu chấm hơi khắng khít. Tôi chợt buồn cho bạn tôi, đã là một họa sĩ lẫy lừng trong làng sơn cọ Việt Nam, mà anh không được một người chuyên về vẽ vời biết tên. Tôi cũng thấy buồn cho tay cọ vừa gặp, anh đã ngồi vọc sắc màu chắc đã lâu, mà không tìm hiểu nhiều về sinh hoạt hội họa Việt Nam. Chán, tôi rũ thằng cháu chạy đi tìm một quán ăn. Quán là một câu lạc bộ, hình như vậy. Có tên hẳn hoi, nhưng tôi đã quên. Quán nằm đầu một com hẽm. Ngoài dãy nhà thoáng mát, cái sân là vị trí chính của quán. đây là một mặt bằng rộng rãi, được trang trí khá mỹ thuật. Những chiếc bàn, chiếc ghế dành cho khách cũng không nằm trong tầm vóc, hình dạng bình thường. Chúng có cốt cách rất nghệ sĩ. Bisbis hiện là 'thủ đài chủ' của một tụ điểm cờ tướng. Thằng cháu này mê cờ từ nhỏ. Ngồi với nó không thể không nghe nhắc đến tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã. Ðể vui lòng cặp chân đang cần của mình, tôi đã phải ngồi suốt một tiếng đồng hồ với ly cà phê, nghe nó cùng đám bạn, trạc tuổi tôi của nó, phẩm bình về những trận cờ đã đấu trong thành phố. Tôi chơi cờ tướng kể cũng được, nhưng so với các cao thủ này chắc không qua khỏi mười nước. * Thì ra, Lê Văn Phương đang trục trặc tình cảm, dù đã chia tay với Phước, người thứ nhất, trước đây. Trần Hữu Chí vẫn độc thân bên cạnh ba người phụ nữ và một cao ốc đang cho thuê phòng. Quảng cũng cho tôi biết dân Phan Châu Trinh Ðà Nẵng ở trong này khá đông, nhưng lớp cựu trào của chúng tôi gom không đủ một bàn tay. Riêng phần Quảng, con cái hầu hết đã thành lập gia đình. Cá nhân anh, con mắt mới mổ hơn tháng trước cũng đã khá. Lúc này tôi mới để ý tầm nhìn của Quảng có vẻ kém đi. Bạn tôi giống như tôi, thuộc từng thói quen, từng động tác đặc biệt của nhau. Nói không nhiều, nhưng tranh luận rất say. Chơi không nhiều, nhưng chơi tới chỉ. Trong ánh nắng chiều mỏng mảnh tạt vào, chúng tôi ngồi sát nhau như một cặp đồng tình luyến ái. Ngón trỏ của Lý bấm nhiều lần lên một nút trên chiếc máy Minolta bỏ túi. Làm gì có được hình ảnh hai đứa gặp nhau nơi bìa rừng, trong một cuộc hành quân ở Tam Kỳ. Nhưng cũng không sao quên được lời Quảng dặn đi dặn lại : Bọn chúng đông lắm. Nếu thấy cần tháo chạy thì ra hướng này, xe tau còn nằm ngoài đó, sẽ bốc mi... Làm gì có được hình ảnh hai đứa chụm đầu cắt bớt từng mắc chaine xe đạp Trung quốc, để dồn nối lại một sợi mới, của một thời tập và làm gian thương.Tất cả đều đã qua nhưng chưa hề mất. Phút gặp mặt hôm nay đã có thể là cuối cùng. Không nói ra nhưng chắc Quảng cũng nghĩ như tôi. Cuộc sống đã ưu đãi chúng tôi nhiều mặt, hơn rất nhiều người khác. Hơn nữa, cả hai cũng vừa vượt qua được mức đến 60 đã là một hạnh phúc lớn. Ngày tháng tặng thêm của cuộc đời tiếp theo, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tôi thúc Quảng về sớm. Ðứng nhìn người bạn già chìm trong dòng xe vừa lúc Sài Gòn lên đèn, tôi đã giữ lại trong cổ họng một hơi thở không mấy bình thường. Phải đến gần một giờ sau, tôi mới quay số điện thoại lần thứ tư. Cơn mưa không đủ rửa sạch khuôn mặt hâm hấp của thành phố. Tôi rũ Lý ra ngoài dạo vòng vòng. Chúng tôi ghé vào một cửa hàng 'dịch vụ internet' khá khang trang. Mua một phiếu xử dụng 'có chiều dài' , với dự trù gởi vài điện thư, để tin về gia đình ở Montréal. Luôn tiện phao vài tin đồn nhãm kiểu nhà thơ Ngu Yên , nhằm chọc hai bạn văn Song Thao, Hồ đình Nghiêm. Ngoài ra còn thăm bạn thơ Song Vinh và cháu Vinh con, sáu tuổi, rất sỏi tiếng Việt. Nhưng thật ngộ, những bộ vi tính có tuổi, chưa có hứng, hoặc giả kỳ thị chúng tôi, nên không có cái nào chịu chào đón. Phải đổi đến máy thứ tư mới 'truy cập' được. Lòng mở cờ, nhịp chân chờ đợi...và chờ đợi...Lâu. Con chuột không có vẻ khác thường. Chỉ cái ‘bình thông nhau’ nho nhỏ trên mặt màn ảnh, không chịu mở thành mũi tên, không chịu chiều theo thói quen của tôi. Thiếu nhẫn nại, tôi tặng cái phiếu cho một em, đang cùng chị nó chơi chung máy bên cạnh. Ðêm lọt tỏm vào thành phố. Trong trong tay, Lý nhắc lại thời đứa con gái đầu lòng học ở Lê Qúi đôn. Con bé cứng cỏi , không thiếu nhiều lần xung đột với đám con trai, mẹ nó đôi khi phải đưa đường. Lý nhắc đến Bảo, Bích, Bách lạc cả giờ đồng hồ trong đêm Giáng Sinh mà chỉ quanh quẩn trước trụ sở Quốc Hội (Nhà hát lớn bây giờ). Ðang hồi tưởng vui vẻ. Lý chợt nhớ trong số quà cáp mang về Ðà Nẵng còn thiếu phần cho một người, khá quan trọng. Chúng tôi thong thả hướng về cao ốc siêu thị. Ðịa điểm thương mại này chỉ cách nhà chị tôi ở từ tám trăm đến chín trăm thước,về hướng chợ Bến Thành. Quên nhắc, từ lúc sắp ra khỏi nhà , trời có vẻ như muốn mưa trở lại. Lý lo xa, đã mượn người cháu gái cái 'áo mưa tiện lợi'. Lại lười biếng cầm, nên mặc luôn vào người. Hẳn bạn chưa hình dung được cái áo mưa này ? Ðây là một loại áo đang được ưa dùng tại Việt Nam. Tên gọi ngộ nghĩnh của cái áo, khởi từ những đặc điểm của nó : đó là loại áo làm bằng chất nilon thật mỏng, nhẹ, nhiều màu tươi mát. Khi chưa mặc chỉ là một gói nhỏ, mang theo bên mình rất tiện. Nhưng căn bản nhất là gía mua cái áo rất rẻ, mỗi lần dùng xong có thể bỏ đi không thấy tiếc. Riêng với cô ba Lý, nhà-tôi, cái áo đã làm cho 'bả' một phen hết hồn. Khi chúng tôi hăm hở bước vào cửa siêu thị, thì bị gọi giật lại bằng một giọng sần sùi : Chúng tôi bước trở vào cửa siêu thị dưới những cái nhìn ‘đánh gía’của qúi anh chị phục vụ cửa hàng. Và rồi có đến hai người trong đám đang rãnh rỗi của họ, lặng lẽ theo gần sát gót chúng tôi. Bước chân tôi bất ngờ khập khiễng hơn. Như thói quen Lý đi sát bên tôi. Tay nắm tay, vừa bước vừa ngắm những vật dụng được bày bán với gía cả kê sẵn, ngay trên từng món đồ. Nhìn các mặt hàng nội, ngoại sạch sẽ, được trưng bày một cách mỹ thuật và thứ tự, chúng tôi mừng, việc mua bán trực tiếp với giới tiêu thụ tại Việt Nam, thật sự đã được cải tiến rất xa. Chúng không còn mang dáng dấp các quày phục vụ quốc doanh mà chúng tôi từng chạm mặt mười tám năm trước đây. Siêu thị này, có lẽ không phải là siêu thị lớn của thành phố. Tầm vóc của nó khá khiêm nhường. Tổng thể diện tích chưa đủ hơn một cửa hàng như Sears, Canadian Tire, Wal Mart, Jean Coutu, La Baie, Zellers vv...Dù sao, tiến đến việc tổ chức phân phối hàng đến tay người tiêu dùng một cách khoa học và tân tiến như hiện nay đã là một quyết tâm ngã theo lối đi của tư bản. Người sẽ nhận quà là một nhân vật từng có chức sắc, nên món hàng chúng tôi chọn, phải coi cho được một chút. Cân nhắc, trao đổi thì thầm một chặp, chúng tôi đồng ý chọn rượu là thích hợp nhất. Lẽ ra một cặp mới phải phép, nhưng hơi bũn xĩn, chúng tôi không cho loại XO Rare Reser Brandy đủ đôi, dù gía bán ở đây ngang với gía của Duty free. Chúng tôi không sờ vào chai rượu ngay, chỉ đứng nhận diện nó kỷ càng, rồi tiếp bước sang dãy hàng khác. Cái rề rà của chúng tôi ít ra đã giúp hai anh chị theo dõi từng cử chỉ của chúng tôi bớt buồn ngủ một phần nào. Khi trở ra với món hàng đã mua, vợ tôi theo thói quen cảm ơn cô thu ngân viên. Tôi cũng bắt chước, khẽ gật đầu chào anh bạn, có thể là quày hàng trưởng đang đứng gần đó. Nhưng lạ, cả hai vẫn giữ được nét mặt nghiêm nghị. Hẳn cũng là thói quen tốt của họ. Tôi vốn có mặc cảm về sự đi đứng thiếu nghiêm túc trời phạt của mình, nên quay ngó lui, và nhận ra, những đôi mắt từ cửa siêu thị có vẻ hoang mang, khi nhìn theo Lý đang nhặt ra từ thùng rác cái 'áo mưa tiện lợi' đã tạm gởi vào đó lúc nãy. Lý nói nhỏ bên tôi Khi ngang qua quán kem gần nhà, thấy còn đông khách, chưa ngán,chúng tôi cũng đua đòi vào tìm hai ghế, ngồi phơi mặt, hít thở không khí đang giảm nhiệt của đêm Sài Gòn. Tình trạng giao thông chưa được điều hành có qui cũ. ở những ngã tư, những Ngụy dân với ba con mắt chợt xanh, chợt vàng, chợt đỏ còn được trọng dụng, dù các anh ấy đã quá mòn mỏi, hao gầy. Nhưng dừng rồi đi, những dòng xe lại có dịp rối vào nhau thêm. Dường như ai cũng vội vã, và chẳng mấy ai trong lưu lượng hổn tạp ấy chịu nhường nhau. Lòng đường như được chêm kín, hở một có chút là có sự luồn lách nguy hiểm. Thật ra càng lấn nhau trong vô trật tự, tốc độ càng bị suy giảm. Khoản thời gian chi phí trên mặt đường đương nhiên gia tăng đáng kể. Không ai dám nói tình trạng giao thông rối mù như vậy là thiếu văn minh. Nhưng rõ ràng thật không mấy đẹp mắt. Không hiểu còn có ai biết rùng mình trước những con số thống kê tai nạn hàng năm trên cộng lộ ? Ngồi bên người tài xế, tôi vừa vải đều mặt kính camera ra ba bên, gắng thu lượm những hình ảnh quê nhà làm kỷ niệm, vừa phật phồng lo cho các bạn nam nữ chạy áp sát bốn phía xe. Bảng chỉ dẫn : 'Lối Vào Sân Bay Nội Ðịa' đã hiện ra. Anh tài xế cho xe đi về hướng trái và chẳng mấy chốc dừng lại sát bên một trạm gác. Tôi là người phải đóng lệ phí cho taxi vào phi trường. Ðã gần đến giờ bay, nhưng phòng đổi vé vắng hoe. Thì ra, chuyến bay của chúng tôi bị hoản lại đến 6 giờ chiều. Phòng vé của Vietnam airline không hề thông báo sự thay đổi này, mặc dù chúng tôi có ghi rõ số điện thoại liên lạc trong hồ sơ lưu tại phòng vé. Ðể nhận lỗi một cách thiết thực, họ chi trả cho chúng tôi một vòng xe taxi từ sân bay trở lại nơi xuất phát. Tính ra, chúng tôi vẫn phải trả hai lần chi phí di chuyển để đến phi trường. Không kể phí đi một khoản thời gian của ba người cháu. Cọng thêm một con số, có thể trên vài mươi bà con chúng tôi đang nao nức chờ tại sân bay Ðà Nẵng. Một điều đáng ngạc nhiên . Số lượng du khách người da trắng chiếm đến gần ba phần tư. Trong số này, những người cở tuổi như tôi chẳng bao nhiêu. Thành phần nam nữ trẻ tuổi chiếm đa số. Cùng với những chiếc ba lô cồng kềnh, họ phục sức gọn nhẹ, tự nhiên, một thói quen trong những cuộc du lịch, phiêu lưu của dân âu mỹ. Một phần tư hành khách còn lại, nhìn qua, đã thấy rõ có ba thành phần. Nổi nhất là đám công nhân viên, cán bộ. Vị nào cũng ăn mặc tươm tất, không com lê cũng cà vạt nghiêm chỉnh. Và gần như trên tay của những vị ấy, là những chiếc máy điện thoại di động, hợp thời trang, đang nằm trong tình trạng hồ hỡi chuyện trò. Nhóm thứ hai trong cái một phần tư, là đám thương gia gốc á châu. Họ luôn luôn trầm mặc, kín đáo như những chiếc samsonite cận kề bên mình. Nhóm thứ ba, tuyệt đối tiểu số, đó là hai kẻ đang trở về thăm quê hương, sau 18 năm vừa sống vừa nhớ nhà ở phương xa. Giờ và ngày trở lại Sài Gòn ghi trong vé khứ hồi của chúng tôi : 10 giờ...ngày 25-8-2002. Trước sức khỏe còn quá bi quan của ông gìa vợ và sự bịn rịn bà con, chúng tôi đành ghé phòng vé máy bay của Ðà Nẵng, dời lại ngày đi. Thoạt đầu chúng xin chuyến buổi sáng ngày 28-8. Ngày trở lại Canada của chúng tôi vào chuyến 19giờ 50 ngày 29-8. Ngại thời gian dành thêm cho Sài Gòn, không đủ để thực hiện một vài việc đã dự định. Chúng tôi lại ghé quày vé xin ghi lại chuyến 8giờ... ngày 26-8. Từ quày vé của hàng không Ðà Nẵng, chưa về đến nhà, chúng tôi lại một lần nữa, đến xin điều chỉnh để đi chuyến 3 giờ chiều... cùng ngày. Tinh thần chúng tôi quả không được ổn, đã liên tục lợi dụng sự dễ tính và vui vẻ của mấy cô nhân viên của Việtnam Airline Ðà Nẵng. Rất đáng lặp lại một lần xin lỗi và một lần cảm ơn nữa, ở đây. Kéo thêm dài vài giờ bên những người thân yêu, chúng tôi cảm thấy nhẹ bớt lỗi đối với họ, bởi lẽ đã dành quá ít thời gian cho đại gia đình sau một thời gian chia xa quá lâu. Ngay vào lúc chúng tôi bước chân lên bậc thang cửa mát bay, trời đổ ụp một trận mưa khá lớn. Chi tiếc này có thật, chúng tôi không cường điệu để cho chuyến chia tay vướng thêm một chút buồn, vốn đã không còn chỗ chứa. Tại những nơi đây, tôi mua thêm được một số sách, đại khái : Nhưng tôi chưa tìm ra được tập thơ do ông Khai Trí sưu tập và ấn hành. Tập thơ này, tôi có một bài trong đó và ông Khai Trí đã gởi tặng tôi một bản. Tiếc rằng với trọng lượng khá nặng của nó, người bạn họa sĩ Rừng, cũng là nhà văn Kinh Dương Vương của tôi, đã buồn lòng để nó lại tại phi trường Tân Sơn Nhất trước đây, vì hành lý của anh quá cân, so với mức ấn định. Về đến Mỹ, anh bạn họa sĩ kiêm nhà văn này, đã nhắn cho tôi biết điều này. Trong khi đi tìm tuyển tập thơ trên để lưu niệm, tôi gặp một vài khó khăn. Vì không biết rõ tên sách, quên tên thật người sưu tập đứng trên bìa sách , nên đến đâu, tôi cũng nói đại khái :‘muốn tìm một tuyển tập thơ tình của ông Khai Trí chọn lọc'. để giúp những nhân viên bán sách dễ hình dung, nhớ ra, tôi nhấn mạnh thêm : cuốn sách rất dày và nặng. Dĩ nhiên tôi chỉ nói đại như vậy, chứ chưa hề thấy mặt mũi tác phẩm đó. Cái ẩu của tôi được trả gía : không ai biết cả. Nhiều cô hàng sách còn rất thành thực : chưa hề biết hay nghe về ông Khai Trí ! Cuối cùng một người trung niên, trong đám nhân viên của Xuân Thu cho tôi biết cuốn sách đó đã hết từ lâu. Anh nhắc nhở tôi nên ghé qua các hàng sách cũ. Tôi là người không đủ khả năng chơi sách, nhưng lỡ đã có khá khá sách của các tác gỉa ký tặng, nên lúc nào cũng mong cho tủ sách gia đình khiêm nhường của mình ngày một giàu thêm. Từ lâu, tôi nghe nói các hàng sách cũ tại Sài Gòn có nhiều sách qúi, và không biết tự bao giờ, tôi đã giữ trong máy vi tính bảng địa chỉ những nơi lý thú đó. Trước khi về Việt Nam, tôi có in ra một bản, bỏ túi. Cụ thể như sau : Quận 1 : Quận 5 : Quận 10: Quận Gò Vấp : Quận Tân Bình : Quận Phú Nhuận : Chính danh tác phẩm đó là : 'Thơ Tình Việt Nam Và Thế Giới Chọn Lọc', Tối hôm đó, tôi ăn cơm thấy ngon miệng. Ðể Lý bớt buồn lo cho tính mạng thân, nhạc phụ, tôi rũ Lý ra phố. Chuyến đi dạo này còn có mục đích tìm lại một người bạn, nên lộ trình đã định sẵn trong đầu. Từ nhà, chúng tôi rẽ trái, băng qua vườn hoa trước tòa đô sảnh, rồi quẹo mặt đến Hai Bà Trưng. Cơ sở Quan Thuế trước kia ở góc này. Hoàng Trọng Bân, Hoàng Kim Uyên, á hậu đầu tiên Việt Nam một thời đã ở đây. Tôi cũng có nhiều đêm ngủ đậu nơi này. Cổng vào cư xá không thay đổi, nhưng hình dạng các ngôi nhà bên trong đã lạ. Một đám thiếu niên ngồi chơi bài trong một góc sân chung. Chúng tôi hỏi thăm nhà Hoàng Trọng Bân. Chẳng cậu nào biết. Chị chủ xe sinh tố, đứng bán đối diện với đám trẻ cũng ngơ ngác. Thất vọng chúng tôi quay trở ra. Thong thả nhìn cái lưng trụ sở quốc hội cũ bước tới. Bên tay trái chúng tôi, một vạt điện sáng nõn, tỏa ra từ một tiệm bán thuốc tây vắng khách. ông bà chủ đang sát đầu vào nhau nhìn ra đường. Ngượng bước, khi phát giác bị ngắm, Lý thúc nhẹ tay tôi : 'vào hỏi thử'. Không hy vọng, nhưng đã lỡ ngập ngừng, chúng tôi cùng bước lên thềm. Và chỉ trong khoảnh khắc, chúng tôi lượm được niềm vui cuối ngày. Mặt bằng tiệm dược phẩm nhỏ này thuộc sở hữu của Bân cho thuê. Nơi đây chính là căn nhà tôi từng lui tới. Bân đã cho trổ cửa xoay ra mặt đường. Bít kín bức vách ngăn với sân chung. Sự thay đổi đã đánh lừa trí nhớ của tôi. Sau khi bày tỏ đại khái một chút lý lịch và sự quan hệ, chúng tôi được cho số điện thoại của Bân. Tôi vấp xuýt ngã khi trở xuống bậc thềm, không hiểu vì mừng hay vì mũi giày lạng quạng. Lòng tôi nhẹ tênh. Ðêm êm ả rộng dần. Một số đèn màu từ những cửa hiệu, theo nhau trả không gian lại cho những vì sao. Chúng tôi đang nằm trong tầng thứ ba của căn nhà, sát vách rạp mini-rex ngày nào. Tiếng đêm tại khu vực này đã trở nên mỏng mảnh. Lý ngã dần vào giấc ngủ sau một ngày mệt mỏi, góp nhặt những kỷ niệm. Tôi khép lại cánh cửa sổ, khi trực nhớ phòng phía trước có ma, vịn theo lời chị tôi và đám cháu từng xác nhận. Thấp thoáng chút cảm giác lành lạnh.Tôi nhìn Lý ngủ, muốn táy máy một chút, nhưng lại thôi. Những tờ báo mua ban chiều giúp tôi bình tĩnh. Văn Nghệ, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị...Tôi đọc lướt những đề bài. Xem kỷ từng ảnh chụp và một số minh họa. Tôi gặp lại rất nhiều bút danh, đã từng được đọc : Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Lâm Thị Mỹ Dạ, Thanh Thảo, Ðông Trình, Nguyễn Nhật ánh, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Ðỗ Trung Quân, Mường Mán, Ðinh Trầm Ca, Lê Thị Kim. Phan Thị Vàng Anh...Trong vai trò người đọc, tôi vui mừng sắp được đọc thêm những sáng tác mới. Trong thú chơi sưu tập chân dung và tiểu sử tác gỉa, tôi cảm thấy gần gủi với từng người. Sân chơi văn học nghệ thuật hẳn là cõi trầm mặc, an bình. Và những người trong thế giới này, chắc chắn người nào cũng cỡi mở, dễ thương. Những cách ngăn từ những định kiến chính trị đã và đang tiếp tục được tháo gỡ. Theo thói quen khi đọc báo, sau khi lướt qua những đề bài, tôi đọc lại phần mục lục, để chọn bài đọc trước tiên. Tôi chợt khựng lại ở trang đầu. địa chỉ tòa soạn dán vào mắt những vẫy gọi. Tôi thèm được ngó qua các cánh cửa, mái hiên, bậc thềm...nơi những người trị sự của một tờ báo làm việc. Chẳng còn kịp nữa. Có bốn ngày lêu bêu ở Sài Gòn, đã tiêu hết quá nửa, tôi đành hẹn với mình chuyến sau. Lẩn thẩn suy nghĩ linh tinh, giấc ngủ bỏ đi đâu mất, tôi lục túi xách tìm một viên Ativan .Người bạn nhỏ luôn luôn mang theo bên mình này không là ca dao, không là lục bát, nhưng vẫn thường ru tôi qua ba, bốn tiếng mỗi đêm. Trong khi chờ chất thuốc an thần ngấm, tôi gác chân qua người Lý, tự thêm cho mình vài phút vẩn vơ. Lòng cảm thấy vui vì sắp gặp lại người bạn thân cũ. Hoàng Trọng Bân. Bân là con trai thứ của ông Hoàng Trọng Thược, cháu ruột của nhà văn Hoàng Trọng Miên và ông Thanh Nghị, người soạn bộ tự điển Pháp Việt. Thời học ở Phan Châu Trinh Ðà Nẵng, tôi chơi rất thân với Bân và Châu Văn Tùng. Ba chúng tôi đều thích sách báo và cùng dan díu chút ít với những sinh hoạt văn nghệ. Tùng và Bân có năng khiếu về hội họa. Bân đã là tác gỉa của nhiều họa phẩm sơn dầu, từng triển lãm chung, riêng tại một vài thành phố trong nước. Nhưng tên tuổi anh chưa được biết đến rộng rãi. Không hút thuốc, không uống rượu, ít ghiền cà phê, thú vui chính của Bân quanh đi, quẩn lại cũng là vẽ và đánh tennis. Vào Thủ Ðức sau tôi hai khóa, nhờ có chức nghiệp của người cha. Anh không trực tiếp ra mặt trận. Sau khi tốt nghiệp chính trị kinh doanh Ðà Lạt,ngành tâm lý chiến giữ anh cho đến ngày 30 tháng tư bảy mươi lăm. Thời khắc Việt Nam Cọng Hòa tan hàng, hình như Bân đang ở một tiểu đoàn chiến tranh chính trị nào đó xa Sài Gòn. Cả đại gia đình anh đều di tản qua Mỹ an toàn, từ 1975. Sót lại một mình, sau vài năm vất vả, Bân trở lại vẽ và chơi tennis. Vài đứa con của anh đã ra đời không tính giờ trước. Hồ sơ đoàn tụ gia đình vừa được chấp thuận, thì có thêm nhân khẩu. Hai lần lặp lại giống nhau, giúp Sài Gòn giữ được anh cho đến bây giờ. Lược xem thầm một đoạn đời người bạn, đã giúp tôi ngủ một đêm song suốt, quên cả con ma , có thể đang rình rập bên ngoài. Nghĩa trang thành phố nằm cách xa Sài gòn khoảng 12 cây số về hướng Thủ Ðức. Trên đường đi, tôi có dịp nhìn lại mặt mũi xa lộ Biên Hòa . Một thời, mỗi cuối tuần tôi đã đi về trên con đường này. Ðã ba mươi lăm năm nay mới trở lại , vậy mà tôi vẫn cảm thấy gần gũi. Mùi hương của nắng gió, của đất trời Việt Nam, hình như thơm ngọt hơn bất cứ nơi nào trên địa cầu. Có thể tôi chủ quan, làm dáng trong ngôn từ. Nhưng tâm cảm tôi còn thật hơn thế nữa. Từ lâu tôi vẫn nghi ngờ tình yêu nước trong tôi. Có hay không. Ðậm đà hay hời hợt. Nỗi xao xuyến thầm kín như đang muốn nói với tôi một điều gì. Xe chạy, bụi bay mù cùng những dòng suy tưởng trẻ con vỡ vụn, tản lạc... Nghĩa trang thành phố nằm trong một rừng cao su trước kia. Nơi đã có một Trường Sơn Quán nổi tiếng một thời. Khi vào bên trong khuôn viên Nghĩa Trang Thành Phố, tôi thoáng có chút giật mình. Hình như đa số hội viên của phần đất cõi âm này, từng là những người đã chống chế độ tôi phục vụ. Bây giờ hẳn chẳng còn thù hận gì. Mọi phân loại tiếp tục dành cho người sống. Nhìn những phần mộ vô cùng khang trang, lộng lẫy, tôi không khỏi ngậm ngùi. Hình ảnh nghĩa trang quân đội với bức tượng Thương Tiếc loáng thoáng trong đầu. Quả thật trong đời có những nỗi buồn không tên. Tôi cầm nén nhang Hòa vừa đưa, nghiêng mình trước nhiều bia mộ, thành tâm và kính trọng. Sự có mặt của chị và anh rễ tôi tại vị trí ưu tiên này, đã nói được cái khôn lanh, thành công của các đứa con anh chị tôi. Rời nghĩa trang, trên đường về, chúng tôi ghé qua Làng Báo Chí thuở nào. Gia đình cháu Hòa đang định cư ở đây. Hòa là con gái thứ của chị tôi, đã một thời hương sắc. Cuộc tình của Hoà và Huỳnh ngày xưa, nằm trong các cuộc tình đẹp nhất của thị xã Hội An. Huỳnh đã chia tay với cuộc đời khá sớm, chỉ kịp để lại cho Hòa một trai, một gái, nay cả hai đều đi song suốt đường học vấn và có đời sống riêng vững vàng. Quỳnh Dao, con gái của Hòa, đã lo giúp số công việc trong chuyến đi của chúng tôi. Con bé thật ngoan và tháo vác. Sau gia đình Hòa, chúng tôi thăm nhà các cháu Quế-Mười, ở đường Lê Quang Ðịnh, quận Bình Thạnh, rồi Ðịnh-Thủy ở đường Lý Thường Kiệt quận Tân Bình. Cơ ngơi của cặp vợ chồng người cháu trai này ngoài sức hình dung của chúng tôi. Nhìn chung mức sống của mấy cháu đều khả quan, Ngoại trừ, Qúi, con út của chị tôi, vốn ham chơi, nên chưa được ổn định lắm. Vài dòng về những người ruột thịt đúng là một khoe khoang, vô duyên. Nhưng nghĩ rằng các cháu sẽ vui khi được nhắc đến, nên tôi mong được lượng thứ. Tôi gặp được Hoàng Trọng Bân sáng sớm ngày 29 tháng 8. Mặc dù rất thảnh thơi nhưng bạn tôi cũng bị thời gian mạnh tay. Một số cọng tóc trước trán đã là những lá mùa thu, nên trông Bân mất đi nhiều nét đẹp trai của thời thanh xuân. ấy vậy, chàng ta cũng còn thừa bay bướm. Khi biết vào cuối ngày này tôi trở lại Canada, Bân tiếc rẻ...Gía có thêm một hôm, hoặc gặp nhau sớm hơn một ngày, chúng tôi đã có cơ hội thăm một số vườn lá hoa. Bân có nhiều địa chỉ thơm, sang trọng và 'an toàn xa lộ'. Dễ gì có 'hương vườn quê mẹ quê cha Nhưng đã trễ, để vớt vát, Bân chở tôi lang thang qua một số ngã đường, cho biết mặt mũi những tụ điểm sống vội, chơi nhanh, được hồi sinh sau năm 1975. Tôi đã đọc qua nhiều bài phóng sự từ trong nước. Không bỏ sót những cuốn vidéo, đại loại như Ký ức Sài Gòn, Phố Chợ Sài Gòn, Sài Gòn Ngày Nay, Sài Gòn Danh Lam ẩm Thực, Sài Gòn 1001 Cách ăn Chơi, Sài Gòn 1002 Cách ăn Chơi, Sài Gòn 1003 Cách ăn Chơi, Sài Gòn Nghệ Sĩ ăn Chơi, Sài Gòn Mỹ Nhân Ngày Nay, Sài Gòn Những Năm đầu Thế Kỷ Mới, Sài Gòn ăn Chơi Tới Chỉ...vv tôi sáng dạ hình dung được những phòng hớt tóc thanh nữ, những tụ điểm massage, những quán cà phê đèn mờ, những quán bia ôm...Thú thật, đã từng định bụng, có dịp phải nên ‘đi thực tế’ cho biết với đời. Nhưng giữa thanh thiên bạch nhật, những địa bàn thiên thai có vẻ trần trụi quá. Và tôi đã không tiếc khi bỏ qua mục thưởng thức này, trong chuyến không áo gấm mà về làng của mình Bân thả tôi lại 22 Lê Lợi. Lý đi mua sắm với Hòa và Thuấn chưa về. Sau Dũng, tôi gọi thăm Uyên Nguyên Lê Hiếu Ðằng, dù không mấy thân. Uyên Nguyên vốn là một cây bút thời sinh viên. Anh là em của Lê Viên Côn, bạn học của tôi, một cựu Trung Tá Hải Quân, Việt Nam Cộng Hòa, không biết giờ ở đâu. (1) Từ Ðằng tôi xin điện thoại của luật sư Nguyễn Ðăng Trừng. Nhà thơ Huy Giang đi vắng. đúng 37 năm, tôi vẫn nhớ đống củi cao ngất bên hiên nhà của Trừng ở đường Thống Nhất Ðà Nẵng. Nơi tôi ngồi nghe Trừng đọc những bài thơ mới viết như Cung Kiếm, Tiễn Hường vv... Thơ của Huy Giang giàu hình ảnh và âm điệu . Với những rung động chân tình, anh viết nên những giòng thơ giản dị, nhưng vô cùng thiết tha. Vừa để kỷ niệm tình bạn, vừa thấy thích hợp với chủ đề tập thơ, tôi đã trích hai câu của anh, chưng nơi trang đầu tập Về Trời, thi phẩm đầu tay của tôi : 'Khi khổ quá tôi muốn làm rơm cỏ Huy Giang là một thành viên chính của bút nhóm 'Cùng Ði Một Ðường' ở Ðà Nẵng. Ða số sáng tác của bút nhóm này được đăng trên báo Gío Mới ở Sài Gòn, tạo nên những tên gọi, ít nhiều được biết đến trong giới sinh hoạt văn nghệ trẻ thời bấy giờ : Phan Duy Nhân, Huy Giang, Tô Yên, Lam Hồ, Hồ Cư. Tôi không rõ ngoài những bạn này, còn văn tài nào khác không. Riêng Huy Giang, sự yêu mến văn thơ của anh khiến tôi không tin anh bỏ viết, dù đã quá lâu không còn đọc được bài thơ nào khác của anh. Thời chủ tịch hội sinh viên Luật Sài Gòn đã qua. Thời ra bưng, nhảy núi đã hết, Huy Giang khó có thể thờ ơ với thơ, khi bên đời, đâu đó vẫn còn thấp thoáng :‘đôi mắt Hường kia... nhưng quá xa’ Nhắc lại chuyện cũ, kể lướt một số chuyện mới và rồi chụp ít tấm hình, cuộc hội ngộ sau hơn hai mươi năm dẫu giản dị vẫn đầy thân tình. Trước đây, Tường có giữ hộ tôi một tập bản thảo, có tên 'Còn Xa Hơn Dĩ Vãng', tiếc rằng em ấy đã bỏ thất lạc. Tập thơ này chỉ có một số ít bài ,viết về một khuôn mặt xuất hiện cùng lúc với hai hình ảnh khác, qua sự chọn lựa khá bất ngờ của tôi. Tường vẫn còn thích văn thơ. Cuộc sống công chức lâu năm không làm mất vẻ trẻ trung trên khuôn mặt người bạn nhỏ, chắc là luôn yêu đời ấy. Sau Tường, tôi tìm những tên gọi thân thương khác. Nhà thơ Trần Hoan Trinh, người thầy dạy toán liền trong bốn mươi năm, qua cả hai chế độ chính trị. Và đặc biệt hơn nữa, ông chỉ đứng trên các bực giảng tại các trường thuộc thành phố đà Nẵng. Trong số này, trường trung học Phan Châu Trinh là chủ yếu. 'Một đời làm thơ, một đời làm thầy' quả quá đẹp. Ðời làm thơ vẫn tiếp tục. Ðời làm thầy vừa được khép lại, nhờ đó thành phố Sài Gòn, có thêm một gia đình thị dân mới, gia đình của giáo sư Trần Ðại Tăng. Tôi có 5 năm học ở Phan châu Trinh, nhưng tôi chưa được làm học trò trực tiếp của thầy giờ nào. Dù vậy, tôi rất kính mến vị giáo sư đã có tác phẩm xuất bản , khi tôi mới mon nem vào sân chơi văn thơ. (thời đó tôi học toán từ thầy Bùi Tấn). Trời tưng bừng nắng. Góc này của Sài Gòn có vẻ như hơi xa cuộc sống bề bộn chung quanh. Là những người bạn văn nghệ, quanh đi quẩn lại chúng tôi cũng chỉ nhắc chuyện sách báo, vẽ vời. Tôi hỏi thăm Hào về những người bạn từng có quen biết. Vớ vẩn như Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng, sau chuyến âu du năm 1995, hiện làm gì. Huy Tưởng vẫn còn chăm sóc quán cà phê ? Hà Nguyên Thạch với người bạn đời mới, lập nghiệp ở Vũng Tàu hình như đã khá ổn định ? Phạm Thế Mỹ đã nằm bất động mấy năm ? Không thăm được Thạch, Tưởng, Mỹ...là một khuyết điểm và niềm ân hận lớn của tôi. Tôi cũng hỏi thăm về những người bạn chưa quen, mà rất ngưỡng mộ, đại khái như : nghe nói nhà thơ Bùi Chí Vinh đào hoa lắm, chợt gặp một bông hồng trên đường, đã có thể thò tay vào túi lấy ra cả chùm thơ thơm lựng làm quà. Nhà văn Nguyễn Nhật ánh hẳn rất nổi tiếng . Tôi thấy nhiều nơi trên mạn lưới điện toán đều có link vào kho văn của anh ấy, ngay cả những 'Cõi Thiên Thai'. Tôi cũng không quên hỏi về những sinh hoạt của một số bạn văn, thơ, họa từ hải ngoại đã từng về thăm. Một Nghiêu Ðề phóng khoáng, từng ngồi bệt bên sân chung cư Thanh Ða chờ bạn. Một Rừng, đào hoa với nhiều bóng hồng trong tranh, lẫn trong phòng triển lãm.Một Khánh Trường được 'làm việc' nhiều lần với giới chức sắc....Và Khi hỏi đến Ðinh Cường, mới biết tôi đã nhớ sai, phòng tranh của anh và bạn Bửu Chỉ tại 53 Hồ Tùng Mậu, quận 1, đã kết thúc. Cường đã trở qua Hoa Kỳ, trước khi tôi về đây. Một tay che nắng, một tay mở khóa cửa, nhà văn Minh Quân không kịp nhận ra tôi. Tôi vẫn còn đây một mái tóc rất trù phú, một đôi mắt vốn biết cười, và một thân hình chực chờ đổ nhào, vì sự thiếu cân bằng của cặp chân, nhưng dễ gì nhận ra. Chị Minh Quân già yếu hơn năm chị qua thăm Canada. Hồi đó là lần đầu tôi gặp chị qua giới thiệu của nhạc sĩ Trần Văn Khê, trong dịp ông nói chuyện về âm nhạc ở Làng Cây Phong. Một Làng tu tập Phật học do nhà thơ Ðỗ Qúy Toàn, bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, giáo sư Hoàng Chiều Nhân...tạo dựng trên một đồi núi kỳ vĩ, cách xa thành phố Montréal khoản bảy mươi cây số. Trong thân tình từ Bách Khoa cũ, chị Minh Quân và tôi rất mừng được gặp mặt. Những ngày tiếp theo, tôi thường làm tài xế cho chị Quân thăm viếng nhiều nơi. Thời điểm này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có mặt ở Montréal. Chúng tôi có gặp nhau. Năm 1992, không khí bài chống chế độ quốc nội hãy còn cao điểm. Rất ít bạn văn nghệ dám gặp anh Sơn. Chị Minh Quân một phần nào cũng bị ngại ngùng. Có lẽ vì vậy, chị qúi chúng tôi, xem Lý như em gái. Vừa biết Lý cũng đang có mặt ở Sài Gòn, chị hối tôi đưa đến thăm, khi tách trà chị rót mời tôi, vẫn còn những sợi khói mỏng. Là một tác gỉa, còn được cung cấp tác phẩm cho các nhà xuất bản, chị Minh Quân hẳn có một đời sống tinh thần ổn định. Quà của chị cho chúng tôi là một số sách của nhà xuất bản Trẻ. Chúng tôi chẳng có gì biếu chị, ngoài những giọt nước mắt chớm rớt của Lý khi chia tay. Chúng tôi không kịp thăm các anh Lê Ngộ Châu, Tô Kiều Ngân, Tường Linh như chị Quân nhắc, đành nhờ chị chuyển lời kính thăm cùng lời xin lỗi. Ngồi trong lòng chiếc VN 533, tôi nhắm mắt. Chẳng để dỗ giấc ngủ. Mà để nhìn cho rõ hơn, một lần nữa Sài Gòn, nơi tôi đã rơm rớm nước mắt trong một lần đều bước với quân phục, dưới một màu cờ lộng lẫy vàng. Cảm ơn đức Trần Nguyên Hãn vẫn canh giữ lòng sông. Cảm ơn Phù Ðổng Thiên Vương chưa bị hóa kiếp. Cảm ơn những góc phố, những con đường. Cảm ơn thế hệ trẻ, đang đánh thức những mê muội hàng chục năm. Cảm ơn, cảm ơn tất cả. Sài Gòn không đứng lại sau lưng đường bay. Sài gòn đã theo tôi đến Montréal này. Sài Gòn đang lấp lánh mở ra trước mặt tôi.
|