Ngày Ấy Trong Tôi Vẫn Nhạt Nhòa. |
Tác Giả: Bích Huyền |
Thứ Năm, 01 Tháng 1 Năm 2009 02:41 |
Thân yêu tặng các bạn Trưng Vương của tôi, nhiều thế hệ, trong đó có Mai Phương, Quỳnh Lưu. Nhận được phone của Diệu Trang ngỏ lời mời góp... bài (chứ không phải "góp mặt" như tôi định đặt bút viết) cho Ðặc San Mùa Xuân Trưng Vương Houston. Ngày cuối cùng Diệu Trang cho tôi gửi bài là ngày mùng mười tháng tư - có nghĩa là chỉ còn có rất ít ngày - làm sao tôi viết cho kịp đây? Nhưng trước lời kêu gọi khéo léo của Diệu Trang, một người mà tôi chưa biết mặt, vì khi tôi xa Trưng Vương đã được vài năm thì Diệu Trang mới khép nép bước vào trường. Nhìn lại, khi tôi thực sự bước vào đời, Diệu Trang hãy còn là một cô bé rất hồn nhiên, nhìn đời bằng cả một màu hồng, không gian chỉ có hoa thơm và nhã nhạc đón bước chân sáo tuổi thơ ngây đi trong "Nắng Saigon..." Rồi ngày nay nữa... tôi ước mong những thế hệ Trưng Vương sau tôi cũng mang mãi một không gian mầu hồng như thế. Ðể cho chúng tôi mỗi khi quay trở lại quãng đời còn đi học, ít ra còn tìm được một chút gì để mà mua vui mà nhớ mà thương cho dù Thời gian là tất cả hương và phấn Xóa nhòa đi bao ký ức xa xăm ... Nhưng có thật thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả? Có thể lắm, nhưng không "xóa sạch" đâu. Nhòa nhạt là vẫn còn dấu tích mờ mờ và môt lúc nào đó sẽ hiện lên rõ rệt. Như kỷ niệm "Trưng Vương một thời của tôi" bỗng dưng lúc này bừng sáng trong trong tôi... Ngày xưa ấy của tôi đã xa lắm rồi, đã trở thành ký ức xa xăm, thế nhưng một quãng đời tôi đã đi qua, những ngày đi học đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm nhất, mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm vui tươi nhất, trong sáng nhất. Nhưng cũng chưa lần nào kỷ niệm cho tôi nhiều mất mát nhất như những ngày cuối cùng của năm học cuối cùng ở Trưng Vương. Bao nhiêu đẹp đẽ, bao nhiêu êm đềm của Trưng Vương dành cho tôi đã khép lại khi tôi từ biệt ngôi trường, để rồi mến yêu khi nhớ lại, mến yêu khi qua từng con đường cũ thì bỗng dưng Một thoáng hương xưa chợt trở về Như khói hoàng hôn cay trên mắt Cố nhân xa... xa tít ngàn khơi... Thường khi người ta nhắc đến "cố nhân" chỉ để nói về một người yêu xưa, một hình bóng cũ của một mối tình nào xa... xa lắm. Nhưng ở đây "cố nhân" tôi muốn nói gồm cả những "người muôn năm cũ", các bạn nhỏ bé của tôi, những nguời đã cùng tôi chung lớp chung truờng, hồn nhiên bên nhau trong chuỗi ngày đi học... Tôi hy vọng sẽ nhắc lại được một số tên của các bạn của tôi trong bài cảm nghĩ này. Khi còn đi học lớp nhất, mấp mé bước vào trường trung học, tôi ước mơ được là một nữ sinh trường Trưng Vương như chị Dung tôi. Nhìn chị trong chiếc áo dài màu lam Trưng Vương, đạp chiếc xe đạp mới cùng các bạn đi học, tôi cứ thèm thuồng và mơ ước. Ðồng thời tôi cũng lo lắm, không biết ước mơ của mình có trở thành sự thật hay không? Khi tôi thi xong bằng Tiểu học thì mùa hè năm ấy, đất nước bị chia đôi. "Vào Nam", hai tiếng ấy có nghiã là đổi thay tất cả. Bố mẹ tôi quyết định di cư, chạy trốn Việt Cộng - như đã từng bỏ quê nhà Duyên Hà, Thái Bình để vào thành. Nhưng lần này xa hơn, tận miền Nam xa lạ, tương lai chẳng biết đi về đâu? Tất cả là khởi đầu, dù còn rất nhỏ chỉ náo nức được đi xa, nhưng tôi cũng vẫn hiểu được nỗi lo âu của bố mẹ. Saigon đón gia đình tôi bằng một cơn mưa tầm tã suốt ngày đêm. Mưa rào rào trên mái tôn của các căn gác xép ngôi nhà gia đình tôi được tá túc trong con hẻm đường Võ Tánh quận Nhất. Rồi bố tôi được làm hiệu trưởng truờng Vĩnh Hội, Khánh Hội. Chúng tôi dọn đến ngôi nhà ở đường Trịnh Minh Thế. Thật ra bố mẹ tôi chỉ có đủ tiền thuê được một phòng khách ở phiá trước, kê vừa đủ chiếc giường đôi. Khổ nhất là những đêm mưa lớn, nước tràn vào nhà, nên cả nhà không thể nằm chồng chất trên chiếc giường ấy qua đêm. Cũng tại nơi nhỏ hẹp ấy, tôi đã có những buổi tối học thi vào đệ Thất Trưng Vương... để rồi ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực khi thấy tên mình được ghi ở bảng vàng. Không sao kể xiết nỗi vui của ngày đầu tiên đi học. Tôi cũng được mẹ may cho hai chiếc áo dài, cũng được mua xe đạp mới. Anh tôi, khi ấy ở trong cư xá đại học sinh viên, dẫn hai chị em tôi đến trường Gia Long mà Trưng Vương được học nhờ vào buổi chiều, và đón về một hai lần để chúng tôi nhớ đường. Vậy mà, lần đầu hai chị em đi về vẫn lạc đường. Lòng vòng mãi mới nhìn thấy cây cầu cao từ ngân hàng bắc qua Khánh Hội. Thật ra thì những con đường của thành pố Saigon rất dài, ngang dọc rất dễ nhớ, thế nhưng ngày ấy còn nhỏ quá, hơn nữa tên đường phố toàn là tên Tây dài lòng thòng khó nhớ nên hai chị em cứ đi lạc đều đều ... Tôi được học lớp đệ thất B1. Cô Hòa là giáo sư chính. Ở đây tôi có các bạn mới: Linh Linh Ngọc, Tú Anh, Tuyết Mai, Mộng Thúy, Thiếu Nga, Hoài Anh, Băng Sơn, Phương Lan... Hoàng Diệu Liên là trưởng lớp. Duy nhất có Thanh Thủy, là một người bạn cũ tiểu học tôi gặp lại ở Trưng Vương. Lớp đệ thất B1 ấy nằm ở cuối dãy, nhìn ra phía vườn cỏ xám. Bên trái là bức tường ngăn cách trường với đường Phan Thanh Giản. Tôi quên mất tên Tây của con đường ấy, hình như tên một ông đại tướng Pháp... Trên hè đường, nơi đó là một xe đậu đỏ bánh lọc rất ngon mà những năm sau học sau này, đệ lục, đệ ngũ, tôi cùng các bạn chen chúc nhau để có được một ly. "Nhạt quá cho thêm tí đường", "Ngọt quá cho thêm ít đá "... Thôi thì người bán cứ tíu tít múc đường và bốc đá bào vào ly đậu trước những ánh mắt nụ cười tinh nghịch của lũ học trò, vui vẻ hả hê vì ly đậu đỏ bánh lọc của mình được đầy thêm! Ở những ngày tháng cuối cùng của lớp đệ thất, tôi nhớ có những lần liên hoan văn nghệ, các bạn yêu cầu tôi hát. Lần đầu tiên tôi dám hát một mình cho nhiều người nghe với một bài hát người lớn, lại khó hát nữa. Ðó là bài "Hướng Về Hà Nội" của ông nhạc sĩ Hoàng Dương mà tôi thuộc vì nghe mãi trên đài phát thanh. Cả lớp vỗ tay khen làm tôi sung sướng. Càng sung sướng hơn khi cô bạn thời tiểu học Thanh Thủy của tôi nói một cách rất chân tình: "Ô, sao dạo này bồ hát hay quá vậy?" Có nghĩa là trở lại quá khứ một năm về trước, hồi ở ngoài Bắc, dạo ấy tôi không hát một mình bao giờ. Có chăng chỉ là hát đồng ca mà thôi. Có được vào ban múa thì cũng chỉ là văn nghệ tại lớp. Tôi còn nhớ lần đầu tiên được gắn đôi cánh mỏng bằng khăn voan vào tay áo dài để múa tiên, hình như bài Trào Lòng thì phải: Lá vàng bay theo gió Hoa tàn rụng bên sông Ôi, một chiều thu vàng Ôi, một chiều nhớ mong... Giờ đây nhớ lại, tôi chợt mỉm cười khi hình dung lại những động tác vẫy tay, nhún chân, chạy qua lại đổi chỗ lăng xăng... mà gương mặt đứa nào đứa nấy chăm chú, nghiêm trọng, chẳng dám cười. Trong lớp đệ thất B1 của tôi hồi đó có Tuyết Mai là hát hay nhất. Sau này Tuyết Mai có rủ tôi và Mộng Thúy đi tập hát dưới sự hướng dẫn của "chị Lai", một "ông" học sinh đệ Nhị Chu Văn An gương mặt giống như Tây lai. Học đệ Lục, tôi được cùng Tuyết Mai, Mộng Thúy sang trường Chu Văn An hát hợp ca cùng với Chu Văn An bài "Ly Rượu Mừng" nhân dịp liên hoan đón mừng anh hùng Rừng Sát. Cũng nhờ có Tuyết Mai mà tôi cùng được hát trong ban hợp ca gì đó mà tôi quên mất rồi. Tôi chỉ nhớ cái tên "Ban Hợp Ca Vợ Chồng Con Cái" mà mọi người đã trêu đùa đặt cho, vì trong ban ca có cả người lớn lẫn trẻ con. Cũng nhờ đó mà tôi được chọn hát trong ban đại hôp xướng hàng mấy trăm người do ông Cung Tiến làm nhạc trưởng. Bài hát "Sông Bến Hải" của ai và hát như thế nào thì quả thật ngày nay tôi chẳng còn nhớ, nhưng hát nhiều bè lắm, mỗi bè là một màu áo, và tôi thì được mặc áo màu xanh, hoa trắng bé tí xíu rất xinh. Ngày ấy Ngọc Trâm là trưởng ban văn nghệ toàn trường và cô Tỉnh là giáo sư Hiệu Ðoàn Trưởng. Mỗi lần Ðại Hội Sinh Viên Học Sinh liên trường hoặc toàn quốc là cô Tỉnh lại dẫn Ngọc Trâm đi vào từng lớp để... tuyển lựa tài tử. Tôi được lọt vào mắt xanh của Ngọc Trâm. Cùng với tôi có Hồng Thủy, Phương Khanh, Mỹ Dung, Mộng Thúy, v.v... Thế là những giờ học phụ như nữ công, nhạc... chúng tôi như chim được sổ lồng, rời khỏi lớp để tập dợt văn nghệ trên bãi cỏ xanh ở sân trường. Ở đó, tôi thường "chiêm ngưỡng" các chị lớp lớn đệ Tam đệ Nhị Trưng Vương được các ông anh lớn Chu Văn An đệm đàn ghi-ta tập hát. Những Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa... của Cung Tiến từ bãi cỏ sân truờng đi vào tâm hồn những cô bé học trò như chúng tôi chỉ ưa thích nhẩy nhót, chân sáo tung tăng, ưa thích ăn đậu đỏ bánh lọc, xuýt xoa với củ sắn, xoài xanh, me chua, chùm ruột ngâm đường chấm muối ớt cay cay. Ngày ấy thật sự vô tư, hồn nhiên, chưa biết điệu đà làm dáng là gì. Hát lên những bài hát nhớ nhung ly biệt mà lòng vẫn... vui như mở hội. Thật đúng với hình ảnh: Hồn nhiên những lời em ca hát Hồn nhiên nụ môi thắm em cười Hồn nhiên chân sáo đường em bước Mơ hồng phơi phới tuổi thơ ngây Thời gian ấy, khung trời Gia Long xanh ngát tuổi đời. Ghế đá, sân truờng, bãi cỏ non là nơi hò hẹn của lũ học sinh chúng tôi trong giờ chơi, sau giờ học. Chia nhau từng chiếc kẹo, miếng ô mai. Ðặt cho nhau những cái tên ngộ nghĩnh dễ thuơng và cứ thế là ghi vào lưu bút. Sau đây là đoạn lưu bút của Hồng Thủy viết cho tôi vào cuối năm học đệ Ngũ (bảo đảm 100% không thêm bớt): "...Ngày nào chúng mình cũng được gặp nhau để "dốc bầu tâm sự" trong buổi họp thường xuyên của ban "Hợp Ca Cá Chép" vào mỗi chiều sau buổi học. Nga ơi, cho đến bây giờ Thủy vẫn còn ..."hồi hộp" và "cảm động" khi nghĩ đến hôm chúng mình đi dự thi để "nàm tài tử xi-lê". Biết bao nhiêu các bạn khác...xấu số hơn mình như là Lê văn Ro (Mỹ Dung) và "phu nhân" là Nguyễn thị Gái (Phương Khanh), rồi Hai Thùng (Ngọc Trâm) và vợ là Lô Can, Cao văn Bồi (Hồng Nhật) v.v... cũng đẹp đẽ, hào hoa, cao ráo, mát mẻ đủ tiện nghi cũng đi dự thi với chúng mình thế mà "nại" không được cái "riễm phúc nàm tài tử" mới là khổ chứ! Có ai ngờ Nga của Thủy, à quên, Ninh-Loong của Trần Cu lại tuyển "nàm tài tử" và Trần Cu lại được "nàm lam tài tử". Chao ôi "thung thướng biết bao, hân hạnh biết bao! Cái "rê vờ đò" của chúng mình lại thành sự thật... ... Nga ơi, Thủy sẽ chẳng bao giờ quên được những buổi hội họp vĩ đại của "ban hợp ca lóc chép" yêu quí của chúng mình, chưa kể đến chuyện hai đứa mình "khảo kíu" kế hoạch để "nàm" quen với những người đẹp của Gia Long..." Học nhờ Gia Long được một hai năm học thì Trưng Vương có trường mới, là một bệnh viện cũ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi vùi đầu vào học tập bởi vì phải bước qua một kỳ thi trung học thật gay go với thi viết và vấn đáp, nếu đậu mới được tiếp tục học lớp đệ tam Trưng Vương... và chúng tôi đã vượt qua. Thời gian này tôi có thêm một vài người bạn thân nữa, đó là Tô Ánh Tuyết và Hương Kiều Loan...(Cho đến bây giờ vẫn còn thân thiết như một thành viên trong gia đình). Cho nên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngàn năm lá đổ, thơ mộng dẫn đến những vần thơ tình học trò, cho dù trái tim chưa yêu nhưng cũng vẫn có một chút gì rung động của một thoáng hương mơ... mà mãi đến năm đệ nhị đệ tam tôi mới cảm thấy. Chúng tôi bắt đầu mặc đồng phục quần trắng áo dài trắng đến truờng. Riêng ngày thứ Hai đầu tuần có lễ chào quốc kỳ thì mặc áo dài xanh màu da trời. Không riêng gì Trưng Vương mà các trường nữ trung học tư như Nguyễn Bá Tòng, các học sinh cũng mặc áo dài trắng. Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều những giờ đến trường, tan trường, cả thành phố Saigon ngập một màu trắng trinh nguyên, chập chờn linh động như những cánh bướm. Những tà áo lụa trắng ấy là nguồn cảm hứng dạt dào cho người có tâm hồn nghệ sĩ. Tự nhiên, rất tự nhiên nó đi vào thơ, nhạc, họa: Nắng Saigon anh đi mà chợt mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông Ý thơ đó của thi sĩ Nguyên Sa phải chăng bắt nguồn từ những hình ảnh thanh thoát ấy? Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng... Chỉ một tà áo lụa trắng thấp thoáng trên mỗi con đường nắng chói chang ở Saigon mà làm cho bao nhiêu trái tim rung động ... Những giờ Giảng văn không còn là những giờ... buồn ngủ nữa. Tâm hồn các cô học trò đã người lớn bắt đầu cảm nhận được những lời thầy cô giảng, ngay cả một giáng điệu nào đó của mỗi người... Ánh mắt mơ màng của cô Tỉnh khi giảng bài, chợt một phút xa vắng, im lặng nhìn ra ngoài khung cửa ở đó có một bầu trời xanh nhỏ, một chiếc lá rơi. Làm sao tôi quên được? Thầy Lữ Hồ thì miệng đọc Kiều, tay vẽ Thúy Kiều, Thúy Vân theo thơ của cụ Nguyễn Du. Cả lớp rũ ra cười khi hình ảnh gương mặt Thúy Kiều với núi xanh nước biển, còn Thúy Vân thì ôi thôi, trên khuôn mặt còn vành vạnh, hai con sâu qua nét vẽ linh động của thầy như đang dọa bọn nữ sinh nhát như cáy... Có nhiều bạn đã rú lên, hai tay che mặt. Có những giáo sư lúc ấy không những là những bậc thầy cô khả kính mà còn là những người bạn gần gủi với học trò. Tôi còn nhớ khi học lớp đệ tam A1, có một lần tôi và Hồng Thủy giận nhau vì một chuyện gì đó rất trẻ con. Cả hai không nói với nhau một lời, không nhìn nhau dù chỉ là một nửa ánh mắt. Năm ngoái lên San Jose dự đám cưới con gái của Hường Liên, Lan Nha có nhắc lại chuyện giận nhau giữa tôi và Hồng Thủy. Lan Nha còn kể rằng: "Mỗi lần thầy Lữ Hồ vào lớp là lại nhìn hai bạn và thầy mỉm cười đọc thơ "Ðừng giận hờn nhau thương tủi lắm!" Chiến tranh lạnh kéo dài chừng một hai tuần rồi kết thúc bằng một mảnh giấy Thủy viết chuyền sang bàn của tôi: "Gửi Nga một nụ cười thương yêu nhất của Thủy". Và tôi, đã nhìn sang phía bàn Thủy ngồi với ánh mắt reo vui... Hồng Thủy thuộc nhiều thơ lắm, của Quang Dũng, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Kiên Giang,... Lũ học trò chúng tôi yêu màu tím vì "Hoa trắng thôi cài trên áo tím", vì "Mầu tím hoa sim tím cả trời hoang biền biệt", yêu cái "Nắng vàng sao mà nhớ nhung", yêu mùa thu với "Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô... " yêu "Khu vườn bên cửa sổ" của Doãn Quốc Sỹ... Nhiều, nhiều lắm. Yêu thiên nhiên và cuộc sống quá khứ, hiện tại và dệt nhiều mơ ước ở tương lai. Chiến tranh lúc đó chưa xuất hiện, nhưng những hình ảnh đẹp một cách hùng tráng, bi thương vẫn làm rung động trái tim học trò khi nghe các giáo sư Việt văn giảng Chinh Phụ Ngâm. Nào "Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt", nào " áo chàng đỏ tựa ráng pha " nào "cùng trông lại mà cùng chẳng thấy..." Biết bao nhiêu vần thơ mỹ lệ kéo chúng tôi lại gần với những vần thơ thời 1945. Như của Quang Dũng chẳng hạn: "Em mới thành Sơn chạy giặc về Tôi từ chinh chiến cũng ra đi" Giản dị vậy thôi, nhưng những vần thơ ấy đã đi vào lòng người, ở lại lòng người qua bao thế hệ. Ðó là những hình ảnh quen thuộc, xảy ra trước và sau này trên đất nước Việt Nam. Ðó là một cuộc chia tay giữa hai người yêu nhau trong bối cảnh chiến chinh, bắt đầu cho những cuộc chia ly lớn lao hơn nữa của đất nước... Người thiếu nữ Sơn Tây ấy như bao người thiếu nữ khác có người yêu, có người chồng là lính, là quân đội, với đôi mắt u uẩn trong một chiều tiễn biệt. Ðôi mắt đẹp ấy đã theo người chiến sĩ suốt trên bước đường hành quân gian khổ... Thời nào cũng thế. Còn bao nhiêu bài thơ, bài văn, bài hát kỷ niệm của tôi... Tôi muốn nhắc đến nhưng giấy bút nào tả hết? Chỉ biết rằng tất cả như được thăng hoa, trở nên lóng lành vô ngần, mỗi ngày mỗi được nâng niu, trân trọng, đọng mãi trong tâm hồn tôi. Cảm ơn Trưng Vương. Cảm ơn các thầy, cô. Cảm ơn các bạn. Cảm ơn những người nghệ sĩ... đã cho tôi một cuộc sống phong phú cho đến ngày nay. Tôi đang bước đi trên chặng đường cuối của cuộc đời. Cuộc đời đầy ý nghĩa cao đẹp - trước, sau và mãi mãi ... với tôi. |