Cha Tôi Và Mùa Xuân Yêu Dấu |
Tác Giả: Cát Biển |
Thứ Năm, 08 Tháng 1 Năm 2009 09:55 |
Hôm nay mùa Xuân lại sắp về trên xứ sở Hoa Kỳ. Đứa con trẻ dại ngày xưa giờ đã qua khỏi tuổi thanh xuân từ lâu, chợt nhớ về Ba xin ghi lại những dòng ký ức nhạt nhòa pha với giọt ướt nơi mắt. Vào tháng 4 năm 2002, Tôi từ Nam Cali và chị Hoàng Nam từ Minesota cùng hẹn nhau qua Philadelphia thăm Ba. Trí nhớ của Ba như đã cạn hẳn. Người cha yêu dấu với ngón đàn du dương, làn hơi truyền cảm và giọng kể chuyện đầy mê hoặc, người đã mang hình ảnh Tết thiêng liêng về bên bàn thờ tổ tiên mỗi mùa Xuân cho gia đình chúng tôi giờ chỉ còn là một thân xác gầy gò, tóc bạc sương, ngồi xe lăn với cặp mắt nhìn trống rỗng thờ thẩn xa xôi vào hư vô. Ba chỉ cười nhìn các con nhưng nét tinh anh sắc bén của tầm mắt không còn nữa. Ba như ngọn đèn leo lét trước gió. Một năm sau đó Ba vĩnh biệt cuộc đời. Con người sống nhiều nhất trong nỗi nhớ là khi mất mát, đau thương, gãy đổ. Nỗi nhớ sâu trong tâm thức có thể được dấy lên từ một tình yêu không tron vẹn nào đó, một thời tuổi ngọc qua đi, một mái ấm gia đình bị tan vỡ, hay một quê hương đã mất. Chỉ khi nào chúng ta tìm bắt lại được bóng dáng hạnh phúc khác thay thế vào chổ trống vắng đau thương ấy thì nỗi nhớ mới nguôi ngoai phần nào. Và lúc ấy con người mới có thể về sống lại cùng với hiện tại. Ba mất đi để lại nhiều kỷ niệm về một thời rất đẹp với quê hương khi gia đình còn có những buổi ăn tràn đầy tình thương yêu lúc các con của Mẹ còn quây quần đông đủ bên quầy canh chua cá nục kho tuyệt vời và thèm khát lắng nghe những chuyện kể đầy thích thú mê hoặc của Ba. Mùa Xuân đầu tiên trên đất Mỹ năm 1976 sau những biến đỗi to tát đời mình, tôi tìm được chút giây phút tỉnh lặng ngồi nhớ lại không khí Tết ở quê nhà, thấy tết quê mình sao mà thiêng liêng sao mà ấm cúng thiết tha như thế. Thế là thân xác thì sống trong hiện tại mà hồn thì cứ tưởng nhớ những kỷ niệm đẹp xa xưa. Sau khi tốt nghiệp ra trường ngành Kỹ Sư năm 1980 tôi được việc làm với hảng Exxon Production Research ở Houston TX. Những dịp Tết kế tiếp tôi cùng những đồng hương Việt tị nạn tại thành phố Houston tham dự Xuân Hội Ngộ tại Sharpstown. Tiếng trống lân trong xác pháo tại Hoa Kỳ lại làm tôi chạnh nhớ các buổi múa Rồng và Lân rất rình rang rầm rộ tại quê hương Phan Thiết để rồi lại nhớ quê hương cũ da diết. Nếu nói về những kỷ niệm hội hè ở quê nhà đáng nhớ nhất phải nói là ngày lể Tết được đi xem con Rồng Thanh Long của Phan Thiết múa. Lủ trẻ chúng tôi nô nức đi ra đường xem giửa rừng người, cảnh tượng con Rồng uốn lượn theo trái Châu được vũ lộng xoay vần liên tục bởi một thanh niên lực lưỡng để dẩn Rồng quây quyện, cuộn các con Lân vào giữa, theo tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." hùng dũng, tiếng chiêng "cheng...cheng..." ngân vang, tiếng tu huýt tíu tít điều khiển, tiếng chân người của đoàn Rồng to lớn, tiếng lục lạc từ thân Rồng lúc lắc theo nhịp chân chạy xào xạc reo vang khắp nơi, cùng xen lẫn các điệu trống Lân "cắc cá lắc cắc cắc... tùng tùng...." khi thì dồn dập, khi thì "xổ..." một tràng dài, khi nhịp đều "cắc tùng tùng... cắc tùng tùng..." lúc các con Lân chồng người lên cao để tung qua mình Rồng thoát khỏi vòng vây... Vì một dịp tình cờ tôi có đến Chuà Ông để ngắm nghiá một cách say sưa các chi tiết cuả con Rồng Phan Thiết, dầu không bao giờ tôi đủ can đãm đến quá gần vì sợ. Mình Rồng có cài hằng ngàn chiếc "vẩy" óng ánh. Một dịp nọ, có một trẻ lượm được một chiếc vẫy Rồng, tôi và các bạn tò mò đến ngắm nghiá. Mỗi vẩy Rồng là một miếng gương tròn (cở gương thời ấy dành cho các phụ nữ mang theo để soi mặt). Mặt sau của các vẩy gương Rồng ấy có in tên của ân nhân bảo trợ. Đầu Rồng màu trắng, với nét thanh cao, hùng vĩ, có hai chiếc sừng cong cong khúc khỹu. Mủi Rồng nở nang tròn lớn như sẵn sàng để khè ra lửa, mỗi bên mủi có các râu cong cong. Rồng có chiếc lưỡi đỏ thè dài, với hàng râu cằm toả đều xuống mé dưới miệng, vừa xinh đẹp vừa mang vẻ huyền thoại kỳ bí của một linh vật khiến chúng tôi sờ sợ né xa, không bao giờ "đụng" vào ... Cảnh tượng múa Rồng là cảnh của một linh vật đang đạp mây uốn mình quây lượn theo sự thu hút của trái Châu (tức là một bảo vật). Tục truyền khi nào có các linh vật Long, Lân. Qui, Phụng xuất hiện thì muôn dân sẽ hưỡng được cảnh thanh bình hoan lạc. Trong tâm niệm người dân, cảnh Rồng múa như mang được hình ảnh thiêng liêng cao cả về gần lại để chiếu cố những khó khăn của thực tế cuộc sống. Đầu rồng của rồng Thanh Long Phan Thiết do những người làm muối Phan Thiết làm ra. Con rồng này xuất hiện lần đầu trong Lễ hội Nghinh ông quan thánh năm 1918, dài 49 mét, phần đầu dài 1.7 mét. Thân rồng có 15 khúc, là con rồng lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Mỗi lần múa Rồng phải cần đến hơn 150 người chia thành 3 kíp múa thay nhau. Mỗi khi Rồng muá, tôi vẫn còn nhớ đầu Rồng khá nặng cần phải có 3 thanh niên cùng gồng vác, một người lực lưỡng mang chịu cây trụ chánh ở giửa, hai người kia mang 2 cây xéo chịu 2 bên. Mình Rồng là loại vải rất dầy vừa chắc vừa mềm mại cho dể múa, màu sắc lộng lẫy nhưng không diêm duá. Cách đều nhau giữa các khúc nối mềm mại bằng vải bố là 15 khúc thân cứng cáp cho các thanh niên mang đội vào vai để lượn múa. Mỗi khúc thân Rồng có 1 sườn bằng nan mây, vừa vặn cho 1 người thanh niên nai nịt chịu ở lưng, vai và đai ở hông. Cứ vài phút người này mõi lại có người khác vào thay thế. Lưng Rồng có dẩy Vi lỡm chỡm chạy dài từ đầu cho đến khúc đuôi. Cuối các chân Rồng với những móng vuốt nhọn là hình vẽ những cụm mây. Khúc đuôi cuối cùng của Rồng là những khiá vi nhọn liả chiả, khá cao, lắc lư khi múa, cũng có một cây trụ chính của đuôi do một người nai nịt ở hông và cầm chịu ở tay, và lại thêm 2 dây kéo bởi 2 người khác ở hai bên để múa lượn. Những ngày tôi còn bé theo xem hội hè đình đám, nghe tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm..." của đội Rồng Phan Thiết hoặc tiếng trống dòn dả "Cắc cắc tùng..." của các đội Lân chùa Ông hoặc các đội Lân Mặt Xẹp (với tiếng trống "tùm tùm...tùm tùm tùm...tùng tùng tùng, tùm tùm..." thật đặc biệt và kỳ dị), hay các đội Lân Sài Gòn (có leo cây trụ sắt thật cao và có muá võ) được mời về dự lể Thỉnh Ông, chân tay tôi bổng trở nên bủn rủn, tim hồi hộp, vì bị thu hút mãnh liệt bởi các âm thanh kỳ diệu ấy ... Sau này nghe nói ở thành phố nỗi tiếng nào như New York hoặc Singapore có các con Rồng rất hay và đẹp, tôi đều chú ý xem các hình ảnh để so sánh với con Rồng Phan Thiết. Và vì chưa tìm được các đối tượng đáng kể để mà so sánh nên lòng vẫn cứ còn cưu mang hình ảnh xa xưa... Khi tôi còn bé, ba tôi hay đi lưu diễn cùng với đoàn văn nghệ cãi lương tỉnh Bình Thuận nên ông được biết đến qua tên hiệu Phan Sinh hơn là tên thật. Vào dạo đoàn về trình diễn tại rạp Moderne, tôi bé tí teo, quá bé để nhớ nhiều; chỉ loáng thoáng trong ký ức cảnh rạp hát mờ mờ ảo ảo, ba đóng vai Hoàng Tử Lưng Gù và một vài cảnh đánh gươm mà tôi rất thích. Đến lúc ba bị gian thần đâm một nhát gươm trên sân khấu, tôi khóc lóc gào rên "Ba ơi, ba..." làm cho ai cũng bật cười. Tiệm may Phan Sinh tại Phan Thiết của ba tôi sát vách với nhà hàng nỗi tiếng Nam Thạnh Lầu, lúc nào cũng nhộn nhịp với hơn 10 thợ may nam nữ. Cảnh bên phố có những buổi chiều với tia nắng vàng nghiêng nghiêng nhẹ nhàng êm dịu như dòng đời, khác hẳn với những thời khẩn trương ngày Tây về ruồng bố bắt người đi lính như dạo anh chị tôi chào đời mấy năm trước đó. Những năm sau ngày bầu cử Tổng Thống Việt Nam đầu tiên quê tôi thật thanh bình êm ả làm sao bên mái gia đình thân thương. Tôi nhớ vào khoảng năm 1963 tỉnh Bình Thuận tổ chức diễn tuồng "Hoàng Hoa Thám", có ca nhạc và cả nhạc cảnh "Hòn Vọng Phu", để gây quỷ cứu trợ nạn lụt miền Trung. Đây là một tuồng công phu với sự đóng góp của nhiều người con Bình Thuận. Trong kịch bản Hoàng Hoa Thám do ông Trần Thiện Hải cha của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác, cha tôi đóng vai Đề Thám tức Hoàng Hoa Thám, phấn đấu chống Pháp trong hoàn cảnh bi thương nhất. Chú Tư Hí, chủ tiệm hớt tóc trước rạp Moderne, là 1 quái kiệt, chọc cười nghiêng ngã. Ông thủ vai anh lái dê, với mấy câu than thân trách phận về tật "dê" cố hữu khiến ai cũng cười lăn. Chú Mai Hiếu là một tài tử xi-nê bô trai mũi cao, to lớn, đóng vai quan toàn quyền Pháp, kẽ thù dân tộc. Chú Châu (cảnh sát) đóng vai Trần Quang Ngọc ngực mang thẻ bài, là kẽ bồi Tây chỉ điểm cho giặc, cùng với các chú Thạnh, Võ, Tư Kiên, và nhiều diễn viên khác mà đến nay tôi không thể nào nhớ hết. Cảnh bi hùng nhất là cảnh xử trảm anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí Việt Quốc (VNQDĐ). Để làm chiếc đầu người, tôi còn nhớ ba tôi dùng 1 quả đu đủ xanh cạo khắc mặt mủi giống nét người. Giưã ánh đèn sân khấu mờ ảo, chiếc đầu của anh hùng Nguyễn Thái Học rơi rụng trên đoạn đầu đài, vừa hào hùng vừa bi thãm không khác nào số mệnh đau thương chung của dân tộc Việt...Ngoài ra còn có 1 đội vũ công từ Sài Gòn về tham gia. Thuở đó, bên cạnh trường Tiểu Học Đức Nghiả gần nhà chị Ngô Đình Minh Khanh có 1 bải cát lún mà chúng tôi thường ra thả diều. Bải cát đó là nơi tập dợt của đội vũ, vì màn vũ có những cảnh nhảy cao và nâng người quá đầu, nên có té xuống cát lún thì cũng đở đau... Nhà tôi hầu như lúc nào cũng có tiếng cười tiếng ca. Có lúc các nghệ sĩ tề tựu quây quần, nguyên một dàn đờn gồm Kìm, Xến, Tỳ Bà, Guitar, Tranh cùng hòa tấu. Tiếng đàn đủ loại rượt bắt nhau thoăn thoát, vây lượn giữa tiếng ngân tiếng ca mùi mẫn của chị Tám, chú Võ, thật là 1 cảnh tượng hạnh phúc đáng yêu mà tôi không thể nào quên. Chú Năm (em chú Tư Sanh chích thuốc) từ Sài Gòn về, là một tay đờn guitar điệu nghệ vững vàng, vừa đệm đờn vừa nhịp tiếng song lang các bài Sương Chiều Tú Anh thật mùi, với các âm hưỡng đầy tình người. Những dịp đó, người qua đường tụ tập thật đông trước nhà tôi ở đường Phan Đình Phùng, với hàng rào hai bên cổng phủ đầy hoa hoàng anh vàng thắm, để vui lây trong cuộc say mê của nhóm nghệ sĩ trước sân nhà tôi. Trong những cuộc cầm ca mê hoặc đó, các giọng hát nam nữ tranh đua nhau trổ tài giửa không khí hào hứng khích lệ của các nghệ sĩ đánh đàn, vẽ nên hình ảnh sinh hoạt văn nghệ tiềm tàng của người dân Bình Thuận... Những ngày tháng ấy, tôi, một cậu bé, chỉ biết mang giử những hình ảnh thân thương đó theo cạnh cuộc đời không bao giờ tưởng tượng được sẽ có dịp bước ra sân khấu để sống lại những hình ảnh dấu yêu ấy mà các cha chú đã đi qua. Rồi cơ duyên đưa đẩy, năm 1995 Hội Thân Hữu Bình Thuận tại Nam Cali tổ chức Đêm Nhạc Hội Bình Thuận 20 Năm Viễn Xứ. Lúc ấy tôi và các anh chị chú bác, những người con Bình Thuận, mới có dịp trình bày tình yêu quê hương mình qua các tiết mục. Và tôi đã dựng lại nhạc cảnh Tiếng Dân Chài cùng với các diễn viên Nguyễn Tư, Tăng Thiện Thanh, Lê Hữu Đức, Nguyễn Văn Hòang, Võ Phương Quang Thụy, Nguyễn Thị Mỹ Hằng và Đinh Thị Thiệp như mình vẫn còn mang lại những hình ảnh xưa về để yêu thương quê cũ. Hạnh phúc làm sao khi được các chú các bác đồng hương tỏ lời yêu thích, nhưng sung sướng nhất đối với tôi là có sự hiện diện của Ba trong hàng ghế đầu ngồi xem say mê thích thú. Quê tôi chỉ cách Sài Gòn 200 cây số. Nếu tuổi ấu thơ của tôi có thể ví như mực nước sông Mường Giang bình dị, thì tuổi lớn lên của tôi phải ví như những đợt sóng Thái Bình Dương ồ ạt. Tôi được gửi vào Sài Gòn học theo chân người chị kế vào Sài Gòn học - chị Minh, mà sau này mấy ông thư ký trong xóm kém chử nghiả làm giấy tờ viết lộn tên của chị, kêu theo thứ thành tên "Năm", sau này được đổi lại thành Nam cho dể nghe. Năm thi trung học, chị Nam đậu hạng Bình, được nhận vào trường nữ Gia Long ỡ Sài Gòn. Chị có khiếu học sinh ngử, có nét xinh đẹp và bản chất thông minh nên thường có nhiều thanh niên theo đuổi. Gia đình muốn tôi cùng vô Sài Gòn học với chị để có chị có em cho vui. Người Pháp có nói "Đi là chết trong lòng một ít". Làm sao tôi quên được những đêm ngồi khóc thấm thía bên một góc tối sân thượng nhà Dì Hai chỉ vì một anh nghệ sỉ lãng mạng nào đó ỡ cuối hẻm 197A Lê Văn Duyệt đã thổi những tiếng sáo trầm uẩn não nề như cắt xé lòng kẽ xa nhà ra từng mãnh vụn. Và nhất là những ngày chuẩn bị về quê, từ rựng sáng chị em tôi thức dậy thật sớm để đón xe xích lô máy nổ bình bịch, náo nức ra bến xe đò để về Phan Thiết nghĩ Tết. Tuy nhớ nhà thương quê nhưng cái quyến rũ, cái náo nhiệt của Sài Gòn cũng khó mà cưỡng lại. Nếp sống nhộn nhịp, phồn hoa và táo bạo ấy tấn công tâm hồn trai trẽ vụng dại trong tôi như một cơn bão lốc. Hằng ngày học cùng lớp với những tên bạn lúc nào cũng nhai chewing gum, mặc quần jeans, đi Vespa, sáng sáng vô lớp chỉ kể chuyện đi "boum" (tức đi party) thật là khác xa với những người bạn cần mẫn chất phát quê nhà hằng ngày gắng đạp ngược gió những chiếc xe đạp củ kỹ từ Phú Long qua sỡ muối lên Phan Thiết học, hoặc có kẽ đi miệt mài hằng mấy cây số mới đến trường - và thông thường hay bỏ học vào những năm Đệ Tứ, Đệ Tam để đi lấy vợ hoặc đi cảnh sát. Rời xa những người bạn thân thương nối khố với những nụ cười dể dải hồn nhiên, vào Sài Gòn ngồi chung lớp với các cậu thanh niên chuyên ăn chơi thưỡng ngoạn nhạc ngoại quốc thường hay tán gẩu về Sylvie Vartan, Cliff Richard, Elvis Presley và ban The Beatles quả là một sự thay đổi đầy trái ngược. Những tháng đầu tiên vào trọ học Sài Gòn hồn tôi đầy những trống vắng hoang vu làm sao vì nhớ nhà nhớ bạn giữa một thế giới náo nhiệt chung quanh. Mỗi chuyến về thăm quê Phan Thiết như vậy là để tìm về với những ấm cúng thân yêu của gia đình với gỏi cá mai, cơm gà, mì quảng với những câu chuyện vui và hấp dẫn do cha tôi kể mà mọi người chúng tôi náo nức muốn nghe. Bao năm trường lớn lên, ngoài tính chất nghệ sĩ được hấp thụ từ cha, chúng tôi được Ba kể cho nghe không biết là bao nhiêu chuyện hay. Từ những chuyện đường rừng lạ lùng kỳ hoặc, chuyện ma Bình Thuận kinh dị, những mẩu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm kỳ thú của vương quốc Ba Tư, những chuyện tếu và ý nhị như loạt chuyện Thi Nói Láo đăng trên báo thời bấy giờ, những mẫu chuyện sâu sắc từ quyển "Để Trỡ Thành Một Vĩ Nhân", đến những chuyện Tam Quốc Chí nêu cao cái hay đẹp trong thuật xử thế của người xưa, chúng tôi đã học hỏi không biết bao nhiêu điều qua những mẩu chuyện hấp dẫn từ cha tôi. Chị Nam (tức Hoàng Minh) là một người giỏi về văn thơ, lúc nào cũng yêu đời, hay kể các chuyện vui Sài Gòn, nhất là chuyện các cô nữ sinh Gia Long tinh nghịch, với lối pha trò và điệu bộ rất dí dỏm. Các em Yến và Hà luôn lăng xăng quấn quít bên các anh chị từ xa về để góp tiếng cươì chung. Mỗi dịp các con về, mẹ tôi không bao giờ quên nấu những nồi canh chua thật ngon với đủ thứ cá tươi, giá, rau thơm, ngò, me, bạc hà, và nước cà chua vàng óng ánh đặc sản của Phan Thiết mà chúng tôi không còn được thưỡng thức khi vào Sài Gòn. Hình ảnh nồi canh chua vì vậy in khắc trong trí tôi trỡ thành biểu tượng cho sự hi sinh của người mẹ nói chung và người mẹ Phan Thiết thân yêu của chúng tôi nói riêng. Người mẹ ấy trước kia là một thiếu nử xinh xắn tại Phú Long, chị cả của một đàn em đông, chỉ được học xong lớp Ba. Vì thuỡ mới lớn nghèo khổ, mẹ phải phụ gia đình làm bánh bông lan bán nuôi đám em nhỏ dại. Bà gặp Ba tôi cũng là người anh cả trong một gia đình đông con tại Phan Rí, cũng không kém phần khổ cực. Ngày ba má tôi lấy nhau, cả hai gia đình đều khóc vì mất đi người phụ lo cho hai bầy em hai bên. Vì không một mảy may vốn liếng gì để làm ăn, ba tôi phải trôi dạt sang tận bên Miên (Cam Bốt) theo theo bác Tư Sào ba anh Nguyễn Văn Cao để học nghề may. (Sau này bác Tư Sào về lại Phan Thiết mỡ tiệm cầm đồ Phước Lợi). Trong cảnh bần cùng khó nhọc đó, ba tôi cuối cùng dành dụm được một ít tiền về lại Phan Thiết để bắt đầu một cuộc đời mới. Lúc hai chị em tôi trọ học ỡ Sài Gòn, mỗi lần có người vào Sài Gòn mẹ tôi thường hay gửi 1 nồi cá nục kho tặng Dì Hai, kèm cả một bầu trời thương yêu trong lá thư của mẹ. Thư của mẹ gửi chúng tôi có nét chữ nguệch ngoạc của bậc tiểu học nhưng đầy ý nghỉa của một người hiểu đời. Bà mẹ ấy không bao giờ quên quá khứ khổ nhọc và đã cố gắng dành hết những hạnh phúc cho các đứa con. Mẹ tôi rất khéo về buôn bán với lối giao tình thân mật với các khách hàng của bà. Chỉ một vài năm bán hàng trong chợ, bà đã mở rộng các gian hàng theo số thương vụ gia tăng. Chiều chiều mẹ tôi mua chè đậu xanh cho chúng tôi ăn, đến mùa mãng cầu, xoài, hay măng cụt mẹ tận tụy đem về cùng ăn với đám con. Có lẽ không gì đáng nhớ cho bằng một điều đặc biệt là mỗi khi đi đâu về nhà mẹ tôi đều mang về một chút quà cho con, dầu chỉ là 1 trái ổi, trái quít hay chỉ là một củ khoai. Tôi thích Sài Gòn với nhịp đập của cuộc sống mãnh liệt, mỹ lệ với các thời trang hấp dẫn, và vui tươi với nhiều mục giải trí. Nhưng tôi thương yêu thành phố Phan Thiết bình dị hiền hoà quê tôi bỡi đó là đất của những kỹ niệm thân thương, của những rung động và nhận thức đầu đời. Mùa Xuân, cha tôi và những hoa mai nỡ rộ ngày Mồng Một Tết. Ôi những hình ảnh thật thân yêu. Có những ký ức đẹp nào đó trong quảng đời cứ ám ảnh mê mãi người ta suốt chuyến xe trần gian như những viên lưu ly hay những gì trân quý nhất từng hiện hữu trên cõi đời này mà ta cứ muốn tìm bắt lại, dẫu biết rằng tất cả đã tan biến thành bọt bèo khói mây từ sau cuộc đổi đời 1975. Chuyến xe cuộc đời ấy đã trôi dạt về một vùng trời mới rất xa lạ. Người đi để tiếp tục sống còn phải đành cắt đứt một giây chuông, đoạn lìa với dĩ vãng. Người lữ hành mắt đang nhìn về phía trước hun hút gió lộng, nhưng hồn mình thì cứ mãi ngóng trông dõi tìm về hướng quãng sau lưng tít mờ xa, như cố ghi khắc lại những gì trân quý nhất đã lưu lại ý nghỉa mình từng hiện hữu đời này.
|