Ba Mươi Năm |
Tác Giả: Trương Ý Vy |
Chúa Nhật, 18 Tháng 1 Năm 2009 10:05 |
¨ Ba mươi năm hồn nửa khuya đau đáu . . . Mới đêm nao mù sương Đà Lạt, đạp hàng rào kẽm gai vọng gác Đông Quan, kéo cao cổ áo dã chiến – không phải chỉ vì lạnh, mà còn muốn che bớt đi màu xanh phu –la quấn cổ, che bớt đi con cá ( có đuôi ) đen trên ve áo – rồi đập bước chân rộn rã trên hè phố khuya Đà Lạt. Đôi khi chỉ vì thèm ly cà phê Tùng đắng chát. Hoặc cốc sữa đậu nành nóng hổi dốc Phan Đình Phùng. Nhưng trên tất cả , vẫn là thèm hơi ấm người tình nhỏ ( đã ngậm ngùi chưa hỡi những người xưa của một thời tuổi trẻ ? ). Vậy mà bây giờ đã 30 năm có lẻ. Nghe như có chút gì đắng ở cổ họng. Nghe như có chút gì nhói ở trong tim. Thế cũng đã xong cho một đời trai. Bạn bè tôi giờ đứa nào tóc cũng đã hai màu. Đàn anh tôi giờ ai tóc cũng đã hai màu. Đàn em tôi đứa nào giờ tóc cũng đã một màu rưỡi hoặc mấp mé bờ muối tiêu. Đã 10 năm qua, ngay từ khi mới đặt chân đến bến bờ tự do, tôi đã có ý định viết lại những kỷ niệm của một đời phiêu bạt. Sợ mai này trí nhớ tiêu hao. Bị thời gian mài mòn, kỷ niệm sẽ chỉ còn là một khuôn mặt không rõ nét giữa một thành phố mù sương không rõ nét. Thế rồi cuộc sống gia đình với mọi lo toan đời thường ( ôi cái lý do mà ai cũng muốn vin vào đó khi sắp sửa chết đuối giữa biển đời xứ lạ ) đã cuốn tôi đi theo nó như củi mục lênh đênh trên dòng sông nước cạn. Tôi buông bút buông tay. Tôi buông cả đời tôi cho nợ áo, nợ cơm, nợ xe, nợ nhà. Tôi đã để mặc tôi đi lạc trên đất khách. Thỉnh thoảng có những lúc chuyếnh choáng hơi men bên bạn bè và những câu chuyện xưa được nhắc lại. Nhưng cũng vẫn chỉ một thoáng ngậm ngùi. Rồi thôi. Cho đến hôm đầu năm ,kéo cả gia đình đi Denver thăm bọn Huế Khỉ, Song Bèo Nhèo và Khuê Thợ Điện. Trong cơn cảm khái của bạn bè cũ gặp lại nhau sau gần hơn 30 năm, tôi chợt nhận diện lại được mình. Và ý định cầm bút viết về bạn bè đồng khóa lại lởn vởn trong đầu. Về nhà, điện thoại cho Lý Phước Hồng, xin lỗi hôm anh em Dallas họp mặt cuối năm, Châu văn Đẳng có báo cho hay, nhưng vì bận chuẩn bị đi Denver nên không dự được. Tôi nhờ Hồng mượn Đặng Hiếu Sinh tập Kỷ Yếu, copy rồi gởi cho tôi một bản. Nhận được bản copy Kỷ Yếu qua đường Bưu Điện, mới giật mình. Không ngờ trí nhớ mình còm cõi đến như thế. Ý định ban đầu là viết một bài có nhắc đến tên của tất cả 165 thằng khóa 3. Nhưng không dễ dàng gì. Lực bất tòng tâm. Chẳng lẽ bó tay. Nhân vừa rồi mới liên lạc được với Đoàn văn Mã Ngựa ở Louisiana. Nghe Mã nhắc đến T. với màu rượu Courvoisier. Và bài viết “ trong cơn say cuối năm “ trên tờ báo Tỉnh hai đứa cùng phụ trách ở Long An hơn 25 năm về trước. Nghe Mã đọc một đoạn thơ T. viết khi đi ngang Cổng Lam Sơn Trường ĐH/ CTCT. Bài thơ mà Trần Hữu Thạnh vẽ minh họa Cổng Lam Sơn có cô gái tóc dài đứng cô đơn giữa buổi chiều Đà Lạt nắng vừa tắt. Thế rồi tôi ngồi vào bàn viết. Cần gì phải nhắc tên từng đứa. Một thành phố. Một mái trường. Và một người tình. Cùng những đêm trốn phố. Thế đã đủ chưa cho một khoảng đời kỷ niệm ? ¨Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa . . . Tôi rời Đà Lạt ngày ra trường với những nỗi nhớ đã được chuẩn bị sẵn ngay trong đêm cuối thức trắng cùng bạn bè ôn lại kỷ niệm. Vì ngày mai, không biết rồi có còn được gặp lại nhau để hàn huyên nữa hay không. Tôi xa Đà Lạt với nhiều nỗi nhớ và cũng đã nhiều lần trở lại Đà Lạt sau đó để chất cho nặng thêm những nỗi nhớ của mình. Vẫn T. của Thư Viện Yersin những buổi chiều Sài Gòn – Đà Lạt áo Manteau trắng phủ kín lối về trường xưa qua cổng Lam Sơn còn nghe tiếng hô nghiêm dõng dạc của Lê Hà Thọ cùng điệu nhạc Hồn Tử Sĩ Đêm Truy Điệu trước ngày Lễ Tốt Nghiệp có áo mũ xênh xang, có áo xanh áo đỏ, có nước mắt lẫn nụ cười, có lời từ biệt não lòng giữa những hẹn hò tái ngộ. Vẫn T. của những đêm Đà Lạt lạnh cóng tay ôm nhau co ro lần xuống dốc Phan đình Phùng uống ly sữa đậu nành vỉa hè mà mơ mơ màng màng thấy hồn những thằng trốn phố – kìa người lùn nhất khóa Phạm ngọc Yên, kìa Nguyễn-Thế-Cường-người-yêu-của-Cúc, đứa trung sĩ đứa chuẩn úy – lãng đãng ẩn hiện trong đám sương mù trước mặt. “ ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. “ Vẫn T. của những buổi sáng thức giấc vội vàng chạy vào trường cho kịp giờ leo lên chiếc xe cam nhông phạn xá ra phố lấy bánh mì và bơ điểm tâm cho sinh viên. Vẫn T. của những đêm trực gác Chúc Động, Đông Quan, Tây Đô, Đông Đô . . . nghe Trương Minh Hòa Sì-Lô nhóp nhép cơm phạn xá mà nhớ em quay quắt. Vẫn T. của những đêm trốn phố nhưng chưa lần nào bị tóm cổ. Dẫu có một lần xém chết. Đó là lần cả khóa đi công tác tại Quảng Ngãi đầu năm 1973. Nhớ T., nhớ Đà Lạt, tôi mượn tạm Hoàng kim Thiện sợi dây chuyền đem ra tiệm cầm đồ lấy 5 ngàn leo lên chuyến xe đò cuối cùng rời Quảng Ngãi đi Quy Nhơn. Ngang qua Cửa biển Sa Huỳnh lúc vừa tan khói súng một trận đánh đẫm máu. Mướn khách sạn ngủ đêm tại Quy Nhơn. Sáng hôm sau lò dò ra bến xe lấy vé về Nha Trang, quê hương của Nguyễn Tài-Dạo-Phố ( hãy ngủ yên đi Tài, tao thề không quấy rầy mày thêm một lần nào nữa ). Rồi từ Nha Trang về Đà Lạt. Một tuần sau, sợ tôi chết trước ngày ra trường, T. ăn cắp tiền của mẹ mua vé máy bay cho tôi trở ra Quảng Ngãi. Chuyến bay từ Liên Khàng đi Đà Nẵng. Đến phi trường Đà Nẵng, vừa bước ra khỏi khoang máy bay, thấy một chiếc xe Jeep chờ sẵn trên cổng quân sự. Trên xe là Liên Đoàn Trưởng Sinh Viên Thiếu Tá Nghiêm Viết Thành, Trung úy K2 Phụ Tá Trưởng Toán Văn Nghệ Nguyễn Đức Phương ( người gỉa gái đẹp nhất Đà Lạt và là tác giả câu nói bất hủ “ Phạt thì bảo là ác, không phạt thì bảo là gà “ – Đồng Trưởng Toán Văn nghệ Tiền Phương là Trường-Sơn-Dã-Mã Trần ngọc Hoàn và Nhạc-Trưởng-đẹp-trai-nhất-Đà-Lạt Đào quang Hùng) và K3 Nguyễn đỗ Tiến . Nhanh như cắt, tôi lẩn vào đám hành khách tay xách nách mang thoát ra lối dân sự. Rồi tức tốc đón xe thồ ra bến xe để về ngay Quảng Ngãi. Tối đó, Nguyễn đỗ Tiến chỉ mặt. Phúc bẩy đời nhà mày ông Thành lúc đó ngó đi chỗ khác. Thì ra, Thiếu tá Nghiêm viết Thành ra phi trường để về lại Đà Lạt vì hôm trước đã có Trung Tá Nguyễn thanh Nhung Trưởng Khối Khóa Sinh ra thay chỉ huy đoàn công tác. Vị đàn anh hiền lành Nguyễn đức Phương hôm đó cũng thấy tôi , nhưng lờ đi. Người chấp nhận mang tiếng Gà hơn là mang tiếng Aùc. Sau này, gặp lại Niên trưởng Phương ở Trại Long Giao, nhắc lại chuyện xưa chúng tôi cười hả hê. Đại úy Đào Ngọc Tố, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 SVSQ , hôm trước ngày Lễ Tốt Nghiệp K3 21 tháng 4 năm 1973, gặp tôi ở quán cà phê Tùng, đã cho tôi biết là ông cũng biết về chuyến “ đi phép động trời “ của tôi, nhưng nghĩ rằng ngày ra trường đã gần kề, nên lờ đi. Nghe hú vía và thấm thía. Quãng thời gian ra trường của tôi từ 21 tháng 4 năm 1973 cho đến 21 tháng 3 năm 1975 là một chuỗi những chuyến đi bất chợt từ Sài Gòn lên Đà Lạt sáng thứ bảy rồi lại đáp chuyến xe đò tài 1 từ Đà Lạt trở lại Sài gòn ngày hôm sau chủ nhật. Trong túi luôn luôn có một xấp Sự vụ lệnh đóng mộc đơn vị sẵn, ký tên sẵn ( tất nhiên là chữ ký giả ). Chỉ có ngày đi ngày về là để trống. Mỗi lần xe ngừng tại Đồn Quân Cảnh Prenn là mỗi lần tim tôi thắt lại. Chỉ sợ anh chàng Quân Cảnh tinh mắt nhận ra đơn vị là một tỉnh vùng 3 sao lại đi công tác ở một tỉnh vùng 2. Cũng may, chưa lần nào bị tổ trác. Vì hên hay vì Quân cảnh lờ mờ. Có lẽ cả hai. Những ngày gần cuối tháng 3 năm 1975 , tôi có mặt tại Đà Lạt để mua cặp lon trung úy mới tinh tại cửa hiệu Chị Chúc rồi tự gắn lên ve áo của mình với sự chứng kiến của T.. Cũng vừa lúc để túc trực tại Nhà xác Bệnh Viện Tiểu Khu với 3 SVSQ K5 mới qua đời vì một tai nạn đáng tiếc. Trưa hôm sau, vào trường đúng giờ cơm trưa. 3 khóa 4,5, 6 đang đi diễn hành trước giờ vào Phạn xá. Vẫn cờ quạt kiếm cung. Vẫn bài hát quen thuộc “ đoàn người tưng bừng về trong sương gió . . .”. Tôi đứng bên cạnh Sĩ Quan Trực Liên Đoàn Đại Úy Đào Ngọc Tố. Ông bảo bữa nay tụi nó đi đàng hoàng hơn mọi ngày, tại vì có niên trưởng ở xa về chứng kiến. Nghe thật thấm thía. Vào Phạn Xá thấy mấy trăm đôi mắt chú mục nhìn vào mình, đứng nghiêm chào. Nghe SVSQ trực Phạn Xá đọc thực đơn hôm nay gồm có nước mắm Phan Thiết, chuối La Ba , trà Blao , chúc các SVSQ thực đơn, ăn ngon. Bữa cơm có thịt heo kho, có cà rốt xào, có ớt tươi, đặc biệt của SVSQ trực Phạn xá móc từ trong túi áo dã chiến ra. Ngày hôm sau nữa, vào trường tranh luận với nhóm Lê quốc Hùng K4 về đề tài Đà Lạt Tuyên Đức sẽ là vùng trái độn cho một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc chiến. Trong lúc đó, đường bộ Sài Gòn – Đà Lạt đã bị cắt. Sau đó, được Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Nguyễn Quốc Quỳnh can thiệp cho đi chuyến máy bay quân sự cuối cùng rời phi trường Cam Ly về Sài Gòn. Mới chân ướt chân ráo về đến đơn vị, nghe đài phát thanh quân đội loan tin Đà Lạt Tuyên Đức đã di tản chiến thuật ngày cuối cùng của tháng 3. Vừa đang lo lắng , thì nhận tin T. và gia đình đã về được Sài Gòn bằng chuyến bay dân sự cuối cùng ngày 1 tháng 4 năm 1975. T. kể hai quân trường Đà Lạt đang trên đường về Sài Gòn. Tôi tiếc mình không ở lại Đà Lạt để chứng kiến những giây phút lịch sử ấy. Dẫu sao thì cũng cám ơn Thần Aùi tình. Nếu trái tim không bị rướm máu vì trúng tên thì dù cho nỗi nhớ Đà Lạt và Trường Xưa có mạnh cách mấy chưa chắc tôi đã đóng hụi chết cho hãng xe đò Sài gòn – Đà Lạt hàng tháng. Với tôi, 3 khái niệm : Người Tình, Trường Xưa và Đà Lạt là Một. Cả ba đã trộn lẫn vào nhau để tạo thành một quãng đời đáng sống nhất, đáng nhớ nhất của tôi. Suốt gần 9 năm trong tù, từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, tôi gậm nhấm kỷ niệm Đà Lạt từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây để quên đói, quên rét, quên khổ, quên nhục và để . . . nhớ em. ¨Kỷ niệm cũ, vẫn còn nguyên vẹn đó. Tôi trở lại Đà Lạt lần cuối cùng một ngày cuối tháng 3 năm 1989. Đi đến đâu cũng thấy mình đang dẫm lên bước chân của chính mình, của T. và của bạn bè gần 20 năm về trước. Đi đến đâu cũng thấy rưng rức những kỷ niệm. Ngược đường Hàm Nghi, đi ngang qua căn nhà trước đó 17 năm , T. đã ở đây để đón tôi những đêm trốn phố. Cũng từ căn nhà đó, T. đã khóc giọt nước mắt đàn bà lần đầu tiên. Vượt dốc Võ Tánh, ngang chùa Linh Sơn, nhớ hồn ma Sử Xuân Vĩnh Lộc. Một ngày cuối tháng 3 năm 1973, quan tài của Lộc đã được quàn ở chùa này. Đến trước cổng trường ( cũ ), lặng lẽ nhìn vào, thấy mình đang đứng cô đơn giữa Vũ Đình Trường, đầu đội mũ nhựa, tay đeo găng trắng, nách cặp gậy chỉ huy , nhưng từ hai hốc mắt đen thui lại chảy xuống hai hàng lệ đỏ như máu. Bước xế qua trường Bùi thị Xuân , thấy sân trường vắng hoe, không một bóng áo len xanh, không một đôi má đỏ. Và kia là đường lên Viện Đại học. Nhớ T. buổi chiều giảng đường Năng Tĩnh nụ hôn đầu đời quấn quýt, để từ đó nhớ nhung nhung nhớ.Thế đấy. Kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn đó. Như mới hôm qua. Như mới vừa lúc nãy. Tôi hôn tay mình. Vẫn còn thơm mùi da thịt em trinh nữ. Tôi gọi tên bạn bè. Nghe đâu đó trong gió có tiếng ời ơi đáp lại. Lồng lộng cả đồi Thông Thiên Học. Tôi gọi tên tôi. Nghe đâu đó có tiếng vọng lời nhắn nhủ nhau hôm tập họp lần cuối cùng ở sân Liên Đoàn Sinh Viên trước khi tan hàng cố gắng. Nếu chúng ta không làm được gì tốt đẹp cho quân trường Mẹ thì nguyện sẽ không làm điều gì xấu hổ cho trường Mẹ. Tôi thấy mình đứng cạnh quan tài Sử Xuân Vĩnh Lộc trước cổng chùa Linh Sơn, nhìn từng thằng bạn đến thắp nhang vái lạy. Tôi thấy Lâm quang Thiện, Lưu Xuân Quới, Hoàng Trai, Phạm anh Tuấn, Nguyễn văn Sáu, Trương quang Lý, Lâm quang Mầu, Lê văn Phú, Nguyễn văn Xuân, Trần văn Thành, Lê văn Nho, Nguyễn hữu Thụy, Nguyễn Tài xếp một hàng dọc chờ đến phiên mình. Đã gần 20 năm không gặp, kể từ ngày chia tay năm ấy. Nhưng tôi chẳng thấy đứa nào già đi cả. Khuôn mặt chúng nó trẻ y hệt như vừa nhẩy trong Kỷ Yếu ra.Thằng nào cũng đẹp trai. Riêng Vĩnh Lộc dường như hàm răng có đỡ hô một chút. Tội nghiệp ông Quận Trưởng Mỏ Cày của tụi tao. Tôi thấy chúng nó cười. Vẫn nụ cười ngày xưa. Mẹ kiếp, trong lúc mình rưng rưng muốn khóc. Muốn bắt chước Vũ trọng Khảo chửi thề. Cười cái đầu b… tao đây này. Nhưng lại thôi. Để chúng nó yên nghỉ. Chấp làm gì những thằng sớm lìa bỏ bạn bè. Chấp làm gì những thằng sớm lìa bỏ người tình. Chấp làm gì những thằng sớm lìa bỏ cuộc chơi. Hay là chúng mày sớm biết trước cuộc chơi sẽ có cái kết cuộc buồn thảm như thế này. Vậy thì, hãy để tụi tao – những thằng còn sống ( hay chưa chết ) – yên nghỉ. Rest in Peace. Buddies. Buổi chiều hôm ấy. Một buổi chiều tháng 3 năm 1989. Tôi như người mắc bệnh mộng du giữa một Đà Lạt hoang tàn. Không T.. Không bạn bè. Không hiện tại. Không tương lai. Chỉ còn dĩ vãng. Sau chuyến đi Sài gòn Đà Lạt lần cuối cùng ấy, tôi tự nhủ lòng sẽ không bao giờ quay lại chốn này một lần nào nữa. Và tôi đã giữ lời . Cho đến ngày hôm nay. Lần đó, trước khi rời Đà Lạt, tôi đã để một buổi chiều đi bộ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm Đà Lạt. Mong tìm lại những khuôn mặt quen biết cũ còn nấn ná đâu đó. Nhưng tôi không gặp ai. Hay có lẽ có gặp, nhưng tôi không nhận ra ai và cũng không ai nhận ra tôi. Tôi có đi tới đi lui nhiều lần ở phố Hoàng Diệu., mong tìm lại những người thiếu nữ năm xưa. Nhưng chẳng còn ai. Đã lâu quá rồi còn gì. Tôi mang tâm trạng của Từ Thức quay trở lại làng cũ thì biển xanh đã biến thành ruộng dâu, trường xưa đã biến thành trại lính. Còn người xưa thì đã khuất núi vì mòn mỏi đợi chờ. Y hệt những giấc mơ tôi thường gặp những ngày còn ở tù. ¨Tôi trở mình theo nỗi nhớ em . . . Tôi viết những dòng này mà sống mũi cay xè. Đầu tôi đã bạc một nửa. Có thể, sáng mai, tôi sẽ không tìm thấy một sợi đen nào. Tôi nhớ đoạn văn đâu đó của Hoàng Ngọc Tuấn. Kỷ niệm vùi chôn dưới đáy giếng. Mỗi lần muốn giở ra xem lại, phải xước da chảy máu vì những viên đá nhọn thời gian bám hai bên thành giếng. Ở một nghĩa nào đó, tay tôi đang rỉ máu. Những vết xước thật êm ái và dễ chịu. Oâi cái tuyệt vời của thú đau thương. Hạnh phúc là còn có kỷ niệm để được đau đớn, để được hân hoan. Là còn có bạn bè để chia sẻ, để nghĩ về và để tìm đến nhau thi thoảng. Là còn có người tình một thời tấm mẳng nay đã biền biệt phương nào ( để ảo tưởng rằng người ấy vẫn còn nuôi trong tim hình bóng cũ ). Chao ôi cuộc sống với muôn vàn những hệ lụy. Chẳng ai có thể cứ ngồi đó mà ôm hoài quá khứ . Chỉ còn lại được những đêm trở mình theo nỗi nhớ. Những đêm nhè nhẹ rời khỏi giường, ra ngồi trên bàn viết, mắt đăm đăm nhìn vào trang giấy trắng trước mặt mà thấy hiển hiện những hình bóng xưa tưởng như đã chết đuối trong tiềm thức. Rồi soi bóng mình trong tiền kiếp. “ Còn thấy gì, sáng mai đây thôi ta còn bạn bè . . . “ Tôi biết mình còn có bạn bè. Tôi biết mình còn có những đàn anh, những đàn em . Chúng tôi có chung những kỷ niệm . Chúng tôi ở trong cùng một quá khứ. Này Đinh Thiện Chí K4. Một đêm nào năm xưa ở nhà Nguyễn đỗ Tiến Oklahoma, nhìn cậu ôm chai rượu gật gù kể về những ngày xưa thân ái ấy, tôi nhớ mình có nói với nhau rằng phải có ai đó cầm bút ghi lại những kỷ niệm . Kẻo mai này . . . trí nhớ tiêu hao. Hình như bài viết này đã làm phần nào công việc đó. Dẫu cho những người được nhắc tên phần lớn là K3. Nhưng có hề gì đâu phải không Chí ? Đà Lạt vẫn là của mọi người để nhớ. Trường xưa vẫn là của mọi người để thương. Tháng Tư Định Mệnh vẫn là của mọi người để uất ức. Những người tình vẫn là của riêng từng người để bùi ngùi. ¨Tạ ơn đời, tạ ơn em … Có những người tình nay là những người bạn đời. Có những người tình mãi mãi ở trong quá khứ. Mệnh nước nổi trôi cuốn theo những mảnh đời. Anh hùng và thục nữ. Tôi chắp tay ngưỡng mộ những người-tình-người-bạn-đời trải bao năm tháng bể dâu , vẫn thủy chung bên cạnh người xưa một thời Worsted, Jasper. Tôi nghiêng mình chia sẻ những éo le của định mệnh đã đẩy đưa những người tình hôm qua nay chỉ còn là kỷ niệm. Tôi cúi đầu khâm phục lòng độ lượng của những người bạn đời hôm nay, tuy không phải là những người tình của hôm qua, nhưng đã đến với chúng tôi trong khoảng đời gian nan nhất, khi chúng tôi “ đã mất tất cả, chỉ còn có nhau “. Không một mảy may mặc cảm. Chia sẻ từng giọt đắng, từng giọt ngọt, từng giọt vui, từng giọt sầu. Khi tôi viết những dòng này, người mẹ tuyệt vời của các con tôi đang giả vờ say ngủ. Để cho tôi được một mình trong cuộc hành trình tìm về quá khứ. Ôi đẹp biết bao nếu cuộc đời này ai cũng biết bao dung, ai cũng biết độ lượng. Xin Tạ Ơn đời. Xin Tạ Ơn nhau. Xin tạ ơn em. Nhờ em, tôi biết mình đã lên bờ. Hơn 30 năm về trước, tôi yêu vô cùng một đoạn thơ và còn nhớ tới bây giờ, nhưng không nhớ tên tác giả ( Nguyễn Đình Toàn hay Nguyễn Xuân Hoàng ). Tôi chép lại ở đây, gởi đến tất cả những bạn bè, những đàn anh, những đàn em, như một lời tạm biệt. Gởi đến tất cả những người-tình-người-bạn-đời thủy chung, như một lời xưng tụng. Gởi đến tất cả những người tình hôm qua, như một lời xin tha thứ cho nhau. Gởi đến tất cả những người bạn đời của hôm nay, như một lời tri ân. Gởi đến tất cả những người quen và không quen ở thành phố ấy năm xưa, nơi có một ngôi trường tên là Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, như một lời chào thân ái. Tôi cũng không quên gởi đến những anh em bạn bè đã nằm xuống nơi quê nhà và quê người, như một lời đưa tiễn. Nào còn gì đâu, cầm lấy tay tôi Này đây những lời yêu thương thứ nhất
|