Ðêm Mùa Ðông ấm áp |
Tác Giả: Hồ Hoàng Hạ |
Thứ Sáu, 23 Tháng 1 Năm 2009 12:19 |
Chưa đầy năm phút, sau khi bước chân vào ngôi nhà có khoảng sân thật rộng với bờ tường gạch xây kín chung quanh, với phòng khách thênh thang trang hoàng hào nhoáng mà ở đó sắp sửa diễn ra một party dạ vũ hứa hẹn nhiều sôi nổi, tôi nhận thấy ngay mình đã có một quyết định hoàn toàn nhầm lẫn. Nhưng đã lỡ theo chân một người bạn trẻ đến đây, chẳng lẽ lại quay về ngay. Tôi không muốn làm anh bạn buồn. Buổi chiều, anh bạn phone cho tôi, bảo rằng tối nay Noel, nếu không bận việc gì, có thể đi dự đêm dạ vũ với anh ta. Anh bạn trẻ này là trưởng một ban nhạc, chuyên nhận chơi những show đám cưới, tiệc tùng tổ chức tại tư gia hoặc nhà hàng. Anh bạn biết tôi cũng là tay đàn, lại có thể hát hò chút đỉnh góp vui, nên thật lòng rủ rê. Phần tôi, thật bụng chẳng mấy ham mê gì những chốn liên hoan rượu trà, nhẩy nhót lao xao. Tuổi không còn trẻ, dưới trướng lại còn hai thằng nhóc loi choi và... một vợ. Tôi không thể vui đâu vui chỉ một mình! Bởi lẽ, cái vướng chân vướng cẳng vì thê nhi, với tôi, lại là một điều hạnh phúc. Nhưng đêm nay, lần đầu tiên kể từ ngày sống tha phương trên đất khách, tôi đi chơi mà không mang theo vợ con. Và cũng là lần thứ nhất, sau nhiều năm dài, trong đêm Giáng Sinh tôi lại quyết định không đến Thánh Ðường. Có thể tôi chưa thật sự là một con chiên ngoan đạo. Nên dù rằng Chúa trời luôn còn ngự trị trong tôi, tôi cũng vẫn cam đành xa nhà Cha, ngay cả trong đêm Thánh thiêng liêng nầy. Ðiều gì ngăn trở bước chân tôi?... Chỉ có Chúa hiểu. Vì nguyên do thật khó cho tôi giãi bày. Hơn nữa, tôi cũng không muốn làm chuyện ấy. Chỉ là những chuyện lôi thôi về tình cảm giữa một vài cá nhân trong ban trị sự Hội Thánh mà tôi là một thành viên trong đó. Tôi biết mọi việc. Và điều “biết” nầy làm tôi ái ngại, muốn tránh họ. Nhưng e dè, không muốn góp ý gì. Bình phẩm càng không. Bởi con tim của mỗi người có những lý lẽ riêng của nó. Tôi làm sao thấu hiểu được. Chỉ có Chúa trời mới có quyền phán xét. Tự dễ dãi với bản thân mình mà lại khó khăn khi xét đoán người, trong mọi trường hợp, thiết nghĩ, đó là điều không nên. Chiều nay, sau khi chở vợ con đến ngôi Thánh đường gần nhà để dự đêm Thánh lễ, tôi đánh xe về nhà một mình. Do không chịu đựng được nỗi cô đơn vây phủ trong căn phòng trống vắng giữa đêm Chúa ra đời, nên tôi đã dễ dàng đồng ý với lời rủ ren của anh bạn trẻ... Căn nhà tôi đến thuộc khu vực Paradise Valley của đa số người bản xứ giàu có, hơi xa nơi tôi cư ngụ, thành phố Phoenix. Lúc tôi đến khách khứa chưa đông lắm. Người bạn trẻ sau một chặp loay hoay cùng vài tay nhạc công khác trong ban nhạc, lo set up mấy thứ đồ nghề lỉnh kỉnh, đến ngồi với tôi. Trước đó tôi đã có ý quan sát xem ai là chủ nhân căn nhà... nhưng chỉ thấy có mỗi anh chàng Mỹ trắng, trẻ, đến “Hi” với tôi một tiếng rồi bỏ đi. Anh bạn trẻ bảo tôi đó là con trai chủ nhà, người đứng ra tổ chức cuộc vui đêm nay. Vì tế nhị cũng như xét thấy không cần thiết nên tôi không hỏi, thế còn mom, và dad của anh ta đâu. Anh bạn đi tới cuối phòng khách, nơi có chiếc cầu thang hình vòng cung dẫn lên lầu; ngay phía trái chân cầu thang là lối vào phòng ăn, có đặt một dãy bàn dài trải khăn trắng muốt với đủ loại thức ăn nhẹ gồm trái cây cùng thức uống bên trên xen kẽ giữa mấy lọ hoa tươi thắm. Anh bạn mang đến cho tôi một lon Coca ướp lạnh và bảo tôi muốn dùng thêm gì cứ tự nhiên đến lấy. Họp mặt vui chơi kiểu Mỹ, ăn uống luôn luôn phải có, và có thừa mứa, nhưng bị xem nhẹ. Ai nấy tự mình self service, chẳng ai buồn mời mọc, để ý đến ai... Thoáng chốc trong sảnh phòng đã đầy người, lớp đứng lớp ngồi, đi lui đi tới, chuyện trò lao xao. Hầu hết là giới trẻ trong độ tuổi teenager, choai choai hay nhỉnh hơn một chút. Cũng có một vài khuôn mặt sồn sồn, trung niên, nhưng không phải là người Việt. Tôi tự hỏi không hiểu những bậc cha chú đó đến tham dự cái gì ở đây, giữa đám thanh thiếu niên đáng tuổi con cái. Nhưng rồi tôi lại chợt nghĩ đến mình. Biết đâu họ cũng đang ở vào hoàn cảnh và mang tâm trạng như mình? Không phải ham vui mà là để khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng hay trốn chạy một điều gì đó. Chàng trai Mỹ trắng, sau một hồi lăng xăng di chuyển, tiếp xúc người này, chuyện trò người nọ, anh ta trở lại báo cho người bạn trẻ của tôi cho ban nhạc bắt đầu chơi. Các nhạc công đồng loạt bước lên một chiếc bục nhỏ, hẹp dùng làm sân khấu mini. Nhạc bắt đầu trỗi lên. Âm thanh lúc đầu bùng lên trật vuột, chát chúa. Sau đó dược điều chỉnh dịu lại. Nhưng vì ngồi gần mấy thùng loa nên tôi vẫn nghe như muốn bùng lỗ nhĩ. Thật tình, cái thứ âm thanh ồn động, phát ra từ các nhạc cụ điện tử, tôi đã từng nghe quá nhiều từ thời xa xưa, kể cả những năm tháng gần đây trước khi xuất cảnh. Vì nghiệp vụ làm ăn cũng có. Và chỉ thuần túy vui chơi, cũng có. Nhưng hiện thời, dù nghiệp dĩ chưa buông, nhưng những loại thanh âm quá rầm rĩ, dù là hòa tấu nhạc, cũng làm tôi phát sợ. Nhất là trong giây phút hiện tại. Tôi đang muốn tìm một sự khuây khỏa, trầm tư, không hiểu sao lại tự mình mò đến chỗ ồn ào sôi động nầy. Cũng may, tôi chưa đến nỗi nhức đầu. Nhưng nhất định, không thể ngồi lại đây lâu. Ðiều khiến tôi chưa vội quyết định từ giã người bạn ra về sớm, bởi vì chưa biết mình sẽ về đâu... Về nhà ư? Thật điên! Mình chẳng phải từ nhà mới tới đây là gì!... Nên tôi đành miễn cưỡng nán lại. Nhưng tâm trạng bức bách, chẳng thấy gì hứng thú. Âm thanh nhạc cụ bắt đầu phát huy sức gọi mời, lôi cuốn của nó. Hầu hết mọi người đều bắt cặp kéo nhau ra nhẩy. Tôi cảm thấy mình trơ trọi, lạc lõng. Muốn đứng dậy để làm bất cứ một việc gì đó, trừ chuyện nhảy nhót mà tôi vốn không mặn mà lắm từ thuở thanh niên. Tôi đứng dậy bước tới sát chỗ người bạn trẻ đang chơi organ, nói lớn đủ cho anh ta nghe: “Anh ra ngoài hút một điếu thuốc, lát sau trở vô”. Người bạn, tay đang gõ dùi lia chia lên mấy mặt trống, nhưng cũng kịp nghe tôi nói gì, căn dặn: “Nhớ vô nghe anh Hoàng. Anh phải hát một hai bài đó!” Tôi không trả lời, cũng không cả gật đầu đồng ý. Men theo sát tường vách, tránh sự va chạm với những cặp chân đang say cuồng trong nhịp điệu, tôi thoát ra ngoài. Bên ngoài hoàn toàn vắng lặng. Quãng đường trước ngôi nhà, qua khoảng cách những chấn song của cánh cổng sắt tôi nhìn qua, cũng vắng ngắt. Một luồng gió lạnh bất ngờ lùa đến làm tôi chợt rùng mình. Lạnh nào hơn lạnh Mùa Ðông! Tự dưng tôi nghe thèm một hơi thuốc; đúng hơn, một đóm lửa trong tay. Tôi không hút thuốc bao giờ. Ban nãy tôi chỉ lấy cớ nói với anh bạn để ra ngoài mà thôi. Vậy ra, chưa kể là cái thú, hút một điếu thuốc đúng lúc, dường như cũng hưởng được một tác dụng tích cực nào đó của việc này. Tôi quay lui mở cửa, trở lại với cái thế giới nhỏ của đám đông cuồng loạn, không điên gì thi gan cùng gió lạnh đêm đông... Chẳng hiểu sao đôi chân tôi không tự dẫn về chỗ ngồi cũ, lại đưa tôi lướt qua một số bạn trẻ đang bắt cặp ngồi trên những chiếc ghế đặt sát tường, châu đầu thủ thỉ, trong khi nhiều cặp khác vẫn đang tiếp tục quay cuồng. Tôi lần về phía sau, qua khỏi chiếc cầu thang và dãy bàn đặt thức ăn uống. Tôi phát hiện bên phải là gian nhà bếp rộng rãi, ngăn nắp; còn bên trái là phòng ăn thiết kế khá lịch sự. Về phía cuối căn nhà, trước mắt tôi, là một khung cửa kính rộng, nhưng lại là loại đẩy ra để mở, không kéo ngang. Nhìn kỹ, một cánh cửa đang mở he hé. Chắc ai đó ra vào quên đóng. Tôi đâm tò mò muốn ra nhìn sân sau nhà. Mạnh dạn, tôi đi thẳng tới đẩy cánh cửa, bước ra. Sân sau nhà hiện ra trước mắt tôi, rộng không kém gì sân trước. Dĩ nhiên có hồ bơi giữa sân. Mặt hồ hình bầu dục uốn éo, hài hòa với cây cảnh chung quanh. Một phần của sận sau tiếp giáp căn nhà, có mái che, tôi thấy có đặt chiếc ghế xích đu, vài băng gỗ có lưng tựa cùng hai ba cái bàn gỗ hình chữ nhật với đầy đủ cả ghế. Những chiếc bàn đều có trải khăn lại còn thêm bình hoa tươi ở giữa. Chủ nhân quả là tươm tất, chu đáo. Tôi ngồi vào chiếc ghế nơi đầu bàn gần nhất, không chủ đích gì. Chưa kịp ấm lưng, chợt tôi nghe có tiếng bước chân phía sau. Tôi xoay hẳn người lại. Mấy ngọn đèn lắp đặt ở sau nhà nầy chỉ tỏa ánh sáng lờ mờ nhưng đủ để nhận ra ngay đó là một người đàn bà trung niên, ăn mặc diêm dúa và trang điểm nặng. Tôi thấy dường như quen quen. Người đàn bà tiến đến trước mặt tôi, cố tạo nụ cười tươi: - Chào anh. Còn nhớ tôi không? Ký ức về hình ảnh, nhân dạng vốn bén nhạy, nhưng tôi vờ như kém cỏi, chỉ ậm ừ trong miệng với động tác gật đầu chào bà ta. - Làm cùng hãng hai năm trước, không nhớ à? Tôi vốn e ngại những mẫu đàn bà quen chủ động trong cách ăn nói, nhưng vì lịch sự tôi phải đứng dậy kéo ghế mời bà ta ngồi. - Nhớ chứ! Mời chị ngồi. Người đàn bà vừa yên vị, vừa đon đả: - Dạo nầy anh làm đâu?... Ủa! Mà đi tới với ai vậy? Tôi “sợ” cũng đúng thôi. Trước đây, cũng với cách nói chuyện như vậy, bà ta đã tiếp cận tôi trong hãng cũ. Tất nhiên là tôi có cách thủ thế của riêng mình. Không làm mất hay phật lòng ai. Nhưng cái ranh giới của sự giao tiếp luôn luôn tôi vạch ra rất rõ để ai đó dù có “được đàng chân” cũng không thể “lân đàng đầu”. - Ði một mình. À, không. Tôi đi với anh bạn đang chơi đàn bên trong. Còn chị? Người đàn bà có vẻ ngập ngừng, nhưng rồi bà ta cũng tuôn ra: - Ði với một anh bạn Mỹ chung sở. - Rồi anh ta đâu? Tôi buột miệng bật ra câu hỏi hết sức kém tâm lý. Có lẽ do tâm trạng bị phá rối phút riêng tư. - Ối dào! Những anh Mỹ trẻ ấy! Anh ta tình cờ gặp lại cô bồ cũ. Hai cô cậu đang ôm nhau xà nẹo trong ấy đấy!.. Người đàn bà trút hết nỗi bực dọc trong câu trả lời tôi, hết sức tự nhiên. Tôi cũng cảm thấy ái ngại cho bà ta. Im lặng một chặp, người đàn bà tươi tỉnh trở lại, lên tiếng: - Ðang ngồi ở một góc, thấy anh đi ra đã ngờ ngợ. Chừng anh vào mới biết chắc nên theo ra... À, mà sao không kiếm người nhảy nhót, lại ra ngồi đây?! Cố nhiên, với người đàn bà nầy tôi không thể phơi ruột ra ngoài bụng. - Thèm một hơi thuốc. Ra tới ngoài nầy, móc túi mới biết bỏ quên ở nhà. - Tưởng gì. Thuốc lá hả, có sẵn đây. Marlboro, ngon đấy. Vừa nói người đàn bà vừa nhìn xuống mở chiếc ví mang lửng bên hông mà giờ tôi mới thấy. Nhờ vậy tôi được thấy thêm một chỗ khác trên người đàn bà. Ðó là chiếc váy đầm bà ta đang mặc, phần xẻ trước ngực hơi sâu quá đáng, để lộ gần như hai nửa bầu ngực trên nõn nà, khiến tôi làm chủ đôi mắt mình đột nhiên hết sức khó khăn, cực khổ. Lỡ miệng, tôi đành đưa tay nhón một điếu thuốc từ tay người đàn bà chìa ra mời. Bản thân bà ta cũng tự châm cho mình một điếu, hút và nuốt một hơi thật sâu rồi nhả khói ra từ từ, cả bằng hai lối thoát mũi miệng, trông hết sức điệu nghệ. Tôi tự nghĩ, không thể tiếp tục ngồi với người đàn bà trước mặt đến tàn điếu thuốc. Trong khi tôi cố rít nhanh nhiều hơi thuốc liên tiếp rồi thổi khói bừa bãi ra đằng miệng, cốt ý cho mau tàn, đột nhiên người đàn bà gợi ý: - Ở đây không vui! Hay là mình đi kiếm chỗ nào có rượu uống. Anh đi không? Lời đề nghị bất ngờ của người đàn bà khiến tôi bối rối hết mấy giây, không trả lời được. Thấy tôi sửng ra, bà ta đổi ý kiến: - Hay là mình dông xe đến Fort McDowell thử thời vận đi anh. Biết đâu đêm nay Chúa chẳng ban phúc lộc cho mình?... Nghe người đàn bà mời mọc, tôi đâm nổi da gà. Phải coi chừng. Satan lắm lúc kề cận bên mình với những dáng vẻ bên ngoài hết sức mỹ miều, đẹp đẽ... Dường như có lần tôi đã được một mục sư giảng cho nghe như vậy. Vậy thì, tôi còn chần chừ, lưỡng lự gì nữa! - Thôi chị à. Chắc tôi phải về với vợ con ngay bây giờ. Tôi cảm thấy hơi nhức đầu. Dụi vội đuôi thuốc vào chiếc gạt tàn trước mặt, không đợi người đàn bà cùng đứng dậy, tôi đi bằng những bước dài vào nhà, nhưng vẫn còn kịp nghe tiếng bà ta nói vói theo: “Rõ cái anh này! Ðúng là có hiếu...” Tôi buông lỏng cánh cửa sau lưng. Tiếng đàn và giọng ca ồn ào của một ca sĩ trong một bài nhạc Mỹ, hòa trộn, dội vào tai tôi đến nhức óc. Tôi quyết định chớp nhoáng. Phải rời khỏi nơi nầy, ngay! Băng mình giữa đám người ngửa nghiêng say nhạc, tôi đi thẳng ra cửa, bỏ luôn ý định thông báo người bạn trẻ. Chỉ tổ thêm việc níu kéo, chẳng ích lợi gì. Thấy vắng tôi lâu, hẳn nhiên anh ta biết tôi bỏ về. Ngày mai tôi sẽ điện thoại cho anh ta. Anh bạn trẻ dễ tính, chắc sẽ không buồn tôi. Tôi đi vòng ra bên hông nhà, nơi có parking, lấy xe ra cổng. Vừa định nhảy xuống xe mở cánh cổng sắt, bỗng đâu lù lù hiện ra một người đàn ông cao lớn mà thoạt trông qua sắc phục, tôi nhận ra ngay đó là security police. Vì là tiếng mẹ đẻ nên tay bảo vệ lanh miệng hơn tôi: - Hi! Why do you go home early? You don't like to dance? Nếu nói tiếng Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ không thua anh ta. Còn tiếng Mỹ, tất nhiên tôi phải cố rặn ra: - No, I'm regret being unable to dance and I'm feeling headach. - Oh, can you drive home, OK? - Yes. No problem. Khi đóng cửa kính xe tôi còn kịp nghe tiếng người bảo vệ: “Merry Christmas”. Tôi cũng ráng lịch sự chúc lại: “You too”. Nhưng chắc tay bảo vệ nghe không kịp vì cùng lúc đó xe tôi đã vọt ra đường. Trước mặt tôi là quãng đường dài hun hút, vắng ngắt, hoang lạnh. Ðêm nay là đêm của sum vầy, đoàn tụ. Mọi tâm hồn, mọi con tim dường như đều cảm thấy có nhu cầu náo nức tìm đến nhau, hòa chung nhịp đập trong cùng một niềm giao cảm hướng về Ðấng Cứu Thế. Vô phúc cho ai giữa đêm thiêng liêng nầy còn mải mê lặn ngụp trong chốn tối tăm, chưa chịu quay bước tìm về nẻo sáng Phúc âm. Nhưng, còn tôi. Tôi sẽ về đâu đêm nay? Một chốn nào cho tôi đến để tìm được niềm an bình, thư thái cho tâm hồn trong đêm Chúa ra đời? Vì sao tôi phải cam chịu tình huống khó xử “bỏ thì thương, vương thì tội”, bối rối mày mò trong đêm tối khi mà những tháng ngày trước, vốn dĩ tôi đã chọn rồi cho mình con đường đi về phía xán lạn, hiển vinh. “Lỗi tại tôi (?)Lỗi tại tôi mọi đàng (!)”... Tôi đã quá khắc kỷ, tự khép mình vào những kỷ cương nguyên tắc sống quá cứng nhắc. Ðến với Chúa và đi theo Chúa. Chẳng cần phải nể nang hay xuôi chiều theo bất cứ một con người nào của thế gian. Vả chăng, tội lỗi ai gây nấy chịu. Chúa quở phạt công bình. Tại sao cứ phải khăng khăng đi theo người mà tự họ tạo ra sự bất xứng. Ðến lúc phải hành xử quyền tự do lựa chọn của mình mà thôi. Người tốt, biết chuyện, ai sẽ trách mình là con chiên around khi mà Thánh đường nào cũng là nhà Chúa. Sao phải còn lo sợ nhầm lẫn, lạc lối khi đã quyết tâm đi theo hướng có vì sao cứu tinh soi tỏa. Mình quên rồi sao, xưa kia, ba vị Vua phương đông, nhờ ánh sao dẫn đường đã tìm đến được với Chúa Hài đồng cùng Maria và Josep giữa một đêm Mùa Ðông giá băng, tăm tối... Tôi nhẹ nghiêng người nhìn qua kính chắn gió. Không mất công tìm kiếm. Vì sao đưa đường đang lấp lánh, chiếu rạng giữa bầu trời đen thẳm. Nên dù chỉ là lần đầu tiên lái xe chạy theo sau người bạn trẻ nhạc công đến một vùng khá xa nơi trú ngụ, tôi cũng vẫn an lòng vững tin, không lo sợ lạc nẻo đường về. Tôi đưa tay mở núm radio. Một dòng nhạc Noel vang lên, thánh thót, rộn rã. Lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, lâng lâng. Phút chốc xe đã về đến ngã tư Central và Camelback. Cảm ơn Chúa. Tôi sắp về đến khu vực quen thuộc của gia đình mình. Giảm hẳn tốc độ, qua kính xe, tôi nhìn thấy bên trong những cửa hàng trang trí rực rỡ, đèn hoa nhiều màu liên tục chớp tắt với cành thông xanh phủ dây kim tuyến cùng những trái châu tròn tròn, lóng lánh theo ánh đèn. Ðồng hồ trên tay tôi mới hơn chín giờ. Tôi hoàn toàn bình tâm, biết chắc chắn rằng mình sắp sửa đến đâu. Bởi xe tôi tôi vừa vượt qua khỏi khu apartment nhà mình. Và rồi, cuối cùng, tòa nhà thờ phượng hiện ra trước mắt. Mọi người đang dự Thánh lễ bên trong, trong đó có vợ con tôi. Tôi đậu xe vào một chỗ ngoài rìa vì tin chắc sẽ không còn lấy một chỗ parking bên trong. Bằng những bước chân chim, tôi rời xe đi thẳng về phía cửa chính. Lúc bước chân đầu tiên vừa đặt lên thềm thánh đường, bỗng dưng tôi khựng lại, rụt rè. Cửa đóng kín, nhưng tai tôi vẫn nghe được trong không khí tiếng hát thánh ca của ca đoàn vọng ra thánh thiện, trầm lắng. “Ai gõ cửa nhà Cha, Ta sẽ mở...” Biết thế sao tôi mãi còn ngần ngại, đắn đo. Gõ đi. Cửa sẽ mở. Rồi cứ ung dung bước vào thế giới của bình an, hạnh phúc. Ðể kìm nén bớt niềm hân hoan chen lẫn hồi hộp, tôi quay đầu ngước nhìn lên bầu trời cao. Vì sao cứu tinh mãi mãi còn ngự trị trên đó. Và dường như sao đang nhìn tôi ấm áp mỉm cười... |