Hoa Đào Ngày Xuân |
Tác Giả: Nguyễn Khuê |
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 09:18 |
Mùa Xuân không thể không nói đến hoa, bởi lẽ "Xuân đáo bách hoa khai", Xuân là mùa trăm hoa đua nở, trăm hoa khoe sắc. Mùa Hạ thì nóng bức, hai mùa Thu và Đông thì lạnh lẽo, chỉ mùa Xuân ấm áp mới thích hợp với hoa. Cùng chia sẻ quan niệm ấy, Nguyễn Trãi (1380-1442), một nhà thơ sống hòa mình với thiên nhiên hoa cỏ, đã ca ngợi vẻ đẹp của hoa xuân: Ba tháng hạ thiên bóng nắng dài Thu đông lạnh lẽo cả hòa hai Đông phong từ hẹn tin xuân đến Đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi. (Xuân hoa tuyệt cú, bài 1) Đông phong không phải là gió mùa Đông, mà là gió từ phương Đông thổi đến, tức gió xuân. Theo vũ trụ quan của người Trung Quốc, mùa Xuân thuộc hành mộc, ở về phương Đông. Xuân về đem theo cả trăm hoa với những dáng vẻ và màu sắc khác nhau, nhưng được cho là hoa của mùa Xuân thì chỉ có đào và mai. Ở đây chỉ xin nói về hoa đào. Mỗi năm, hoa đào lại trở về với tất cả vẻ thắm tươi mơn mởn vốn có của nó giữa khi trời đất sang xuân: Một đóa đào hoa khéo tốt tươi Cách xuân mơn mởn thấy hoa cười. Nguyễn Trãi (Đào hoa thi, bài 1) Người xưa coi đào là loài cây vốn ở thượng giới, trồng tại vườn đào của Tây Vương Mẫu. Theo Hán Vũ cố sự, Tây Vương Mẫu trồng đào ba ngàn năm mới ra quả một lần. Đông Phương Sóc ba lần đến ăn trộm đào, Tây Vương Mẫu giận, đày ông xuống cõi trần. Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Đào hoa thi là chùm thơ vịnh hoa đào, gồm có sáu bài thất tuyệt, thì hết ba bài có nhắc tới chim xanh (sứ giả của Tây Vương Mẫu), Dao Trì, Tây Vương Mẫu và Đông Phương Sóc. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng điển tích này để viết câu: Vẻ chi một đóa yêu đào, Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh. Đào yêu (đào tơ mơn mởn) lại là tên một bài thơ trong Kinh Thi. Đào Tiềm (365-427) đời Tấn viết bài Đào hoa nguyên ký kể chuyện một người đánh cá đi lạc đến suối Hoa Đào, vào động Đào Nguyên(1), gặp con cháu những người lánh nạn đời Tần sống ở trong đó; người ấy lưu lại vài ngày rồi ra về, sau trở lại thì không tìm thấy chốn cũ. Bài ký nổi tiếng ấy đã tạo nên một màn sương khói huyền ảo vây phủ động Đào Nguyên, khiến nơi đó đối với người đời trở thành một cõi tiên và cây đào cũng trở thành một loài cây đặc trưng của cõi tiên. Chùm thơ của Tào Đường thời Vãn Đường (836-905) nói về Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi Thiên Thai(2) hái thuốc, gặp tiên nữ, kết duyên vợ chồng, ở được nửa năm thì nhớ nhà, từ giã tiên nữ xuống núi; sau muốn trở lại Thiên Thai nhưng không nhớ đường. Chùm thơ gồm có năm bài thất ngôn bát cú, ba bài trong số đó có nói tới hoa đào. Hay nhất là hai câu cuối bài Tái đáo Thiên Thai: Đào hoa lưu thủy y nhiên tại Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân. (Nước vẫn êm trôi, đào vẫn nở Đâu người thuở ấy chuốc ly bôi?) Trần Trọng San dịch Hai câu thơ khép lại cõi tiên mà người thế tục, nhờ tiền duyên, chỉ có thể đặt chân đến một lần. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) vịnh hoa đào cũng cho rằng đào là giống cây xuất xứ từ cõi tiên: Tiên thụ thùy tương quán lý tài? Hảo xuân nhất độ hảo hoa khai. (Đào hoa thi) Cây tiên bên quán bởi ai trồng? Mỗi độ xuân về rực rỡ bông. Nguyễn Khuê dịch Theo Nguyễn Trãi, mùa Xuân đẹp nhất hoa đào: Khí dương hòa há có tư ai Năng một hoa này nhẫn mọi loài. (Đào hoa thi, bài 4) Trước kia, một cành đào thắm, mội đôi câu đối đỏ và vài cặp bánh chưng xanh là cái Tết đặc trưng ở miền Bắc nước ta. Ngày Tết mà thiếu một trong ba thứ ấy thì hương vị Tết không trọn vẹn. Vào dịp Xuân về, các ông đồ ở nhà quê ra chợ viết câu đối Tết để bán, tạo thành hình ảnh quen thuộc một thời: Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu giấy đỏ Bên phố đông người qua. (Ông đồ - Vũ Đình Liên) Rồi Nho học suy tàn, chữ Hán cũng suy tàn theo. Số người biết chữ Hán ngày một ít đi. Câu đối đỏ ngày Tết cũng theo thời gian mà biến mất, chỉ còn lại cành đào và bánh chưng. Nhưng tại sao ngày Tết mọi người đều chưng cành đào trong nhà? Trước hết, một cành hoa đào tươi thắm không chỉ làm cho nhà cửa thêm phần đẹp đẽ và ấm cúng trong những ngày đầu năm, mà màu đỏ nhạt của nó còn tượng trưng cho những điều tốt đẹp người ta hy vọng sẽ trở thành hiện thực trong năm mới. Mặt khác, theo sách Phong tục chí, trên núi Độ Sóc ngoài biển có một cây đào rất lớn, ở gốc cây đào có hai vị thần tên là Thần Trà và Uất Lũy, cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào ác hại thì hai vị Thần này dùng dây lau trói lại, cho cọp ăn(3). Vì vậy, vào đầu năm người ta dùng hai tấm ván gỗ đào, trên có viết tên Thần Trà và Uất Lũy, treo hai bên cửa để trừ ma quỷ. Ở những vùng không có cây đào, người ta dùng giấy viết tên hai vị thần này dán lên cửa. Có thể phong tục này được cách tân, thay vì treo cành đào, người ta chưng hoa đào. Về hoa đào có một giai thoại thật kỳ thú. Thôi Hộ, nhà thơ đời Đường, nhân tiết thanh minh đi dạo chơi ngoài thành, thấy một vườn đào nở hoa rất đẹp, liền gõ cửa xin vào thưởng hoa. Một cô gái ra mở cửa hỏi, rồi đem nước mời uống. Năm sau, cũng vào tiết thanh minh, nhà thơ lại tìm đến chốn cũ, thì cửa đóng then cài. Chàng để một bài thơ ở cửa rồi đi: Đề tích sở kiến xứ Khứ niên kim nhật thử môn trung Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ khứ? Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Dịch thơ: Đề chỗ đã thấy năm trước Năm ngoái ngày này ở cửa trong Mặt ai ửng thắm với đào hồng. Mặt ai chẳng biết giờ đâu mất? Như cũ hoa đào cợt gió đông. Nguyễn Khuê dịch Mấy hôm sau Thôi Hộ trở lại, nghe trong nhà có tiếng người khóc. Một ông lão ra hỏi có phải là Thôi Hộ không, và cho biết con gái của ông sau khi đọc bài thơ đã nhịn đói mà chết. Thôi Hộ xin vào khấn trước xác người con gái. Lạ lùng thay cô gái sống lại. Ông lão cho là hai người có duyên nợ với nhau, nên gả con gái cho Thôi Hộ. Mượn ý thơ từ giai thoại này, Nguyễn Du tả cảnh Kim Trọng trở lại chốn cũ tìm Thúy Kiều: Trước sau nào thấy bóng người Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Đó là hoa đào trong sinh hoạt của người đời và trong văn chương. Đối với những vị xuất gia, hoa đào được xem như một biểu tượng qua đó nhận thức thực tại mà chứng ngộ. Vì thế, hoa đào thường được dùng trong những câu nói của các vị thiền sư như những công án. Một vị Tăng hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông (1258-1308) thế nào là "gia phong Phật quá khứ". Ngài đáp: Vườn rừng vắng vẻ ai xem sóc Lý trắng đào hồng hoa tự nhiên. Vị Tăng lại hỏi về "gia phong Phật hiện tại". Ngài nói: Gia phong sóng bạc mê yến sớm Tiên uyển đào hồng say gió xuân(4). Thiền sư Linh Vân đời Đường ở chỗ ngài Quy Sơn Linh Hựu lâu năm không ngộ. Một hôm nhân thấy hoa đào nở mà ngộ đạo, Sư làm bài kệ rằng: Tam thập niên lai tầm kiếm khách Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu Trực chí như kim cánh bất nghi. Dịch thơ: Ba chục năm tìm kiếm uổng thôi Mấy phen lá rụng lại đâm chồi Từ khi chợt thấy hoa đào nở Nghi hoặc như nay dứt sạch rồi. Nguyễn Khuê dịch Tổ Quy Sơn xem bài kệ, chất vấn sở ngộ của Sư, thấy khế hợp, liền bảo: "Từ duyên mà đạt ngộ, không bao giờ lui sụt, hãy khéo tự giữ gìn". Thiền lâm gọi chuyện này là "Linh Vân kiến đào minh tâm" hoặc "Linh Vân đào hoa ngộ đạo"(5). Chuyện ngài Linh Vân thấy hoa đào nở mà ngộ đạo trở thành đề tài cho những cuộc hỏi đáp giữa các thiền sư đời sau. Một vị Tăng hỏi Tuệ Trung Thượng sĩ (1230-1291) rằng: "Rậm rậm hoa vàng đều là Bát nhã" là ý gì? Thượng sĩ không đáp thẳng mà hỏi ngược trở lại: Hoa đào đâu phải bồ đề thụ Sao lại Linh Vân nhập đạo tràng?(6) Một vị Tăng hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm: "Ngài Linh Vân khi xem hoa đào ngộ thì thế nào?". Ngài trả lời: Tự nở tự tàn theo thời tiết Chúa xuân bị hỏi cũng khôn lời(7). Tùy theo căn cơ, có người thấy hoa đào nở mà ngộ đạo, có người lại thấy hoa đào rụng mà ngộ. Thiền sư Thủ Tuân (1079-1234) một hôm ngồi nhắm mắt tĩnh tọa suốt ngày, đến khi ngước mắt nhìn lên, thấy hoa đào rơi lả tả liền ngộ, bởi lẽ thấy "đào hoa lạn mạn" là nhận thức trọn vẹn cái quy luật "sinh, trụ, dị, diệt" của vũ trụ vạn hữu: Chung nhật khán thiên Chung nhật khán thiên bất cử đầu Đào hoa lạn mạn thủy đài mâu Nhiêu quân tiện hữu già thiên võng Thấu đắc lao quan tức tiện hưu. Dịch thơ: Suốt ngày nhìn trời Ngày trọn nhìn trời chẳng ngẩng đầu Ngước trông lả tả cánh hoa đào Che trời quanh bạn đều giăng lưới Chẳng vượt lao quan chẳng chịu nào. Nguyễn Khuê dịch Xuân là mùa của hy vọng. Hoa xuân tươi đẹp đáng yêu. Xuân sang, hãy cùng với mọi người đón Xuân, vui Xuân và thưởng hoa. Nhưng, như lời kệ của Thiền sư Giác Hải đời Lý nói: Hoa điệp bản lai giai thị huyễn Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì. (Hoa bướm xưa nay đều huyễn ảo Đừng nên giữ hoa bướm trong tâm) Có người nói "Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua". Thấy "bách hoa khai", không thể không nghĩ tới lúc "bách hoa lạc". Như thế không phải là bi quan, mà là cái nhìn biện chứng về vũ trụ vạn hữu. Đó chính là gỡ bỏ cặp kính màu hồng cũng như cặp kính màu đen để nhìn xuân, nhìn hoa, nhìn sự vật nói chung bằng đôi mắt của chính mình dưới ánh sáng của lý duyên khởi duyên sinh. 1. Đào Nguyên: tên núi ở Tây Nam huyện Đào Nguyên tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), dưới có động Đào Nguyên. 2. Thiên Thai: tên núi ở phía Bắc huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang. 3. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, Sài Gòn, Phong trào Văn hóa tái bản, 1970, tr.39 cũng có chép việc này, nhưng hơi khác với chúng tôi. 4. Xem Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1995, trang 292. 5. Xem Phật Quang đại từ điển, tr.6939 hạ. 6. Xem Thiền sư Việt Nam, sđd, tr.251. 7. Xem Thiền sư Việt Nam, sđd, tr.293. |