Home Văn Học Tùy Bút Thư Gửi Trong Gió

Thư Gửi Trong Gió PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoa-Hoàng-Lan   
Thứ Tư, 08 Tháng 4 Năm 2009 07:37

Dung thương mến,

 

Dung ơi! Sáng nay, cơn mưa lớn vừa trút một lượng nước khổng lồ xuống thành phố

em đang ở. Cơn mưa khiến em nhớ đến cơn mưa của Saigon ba mươi ba năm về trước.

Và hơn hết, em nhớ Dung, nhớ vô cùng! Em viết thư này cho Dung. Dung ơi, cũng

ngày này của ba mươi ba năm trước, hai chị em mình cùng với người dân của thủ đô

Saigon đang chạy nhốn nháo để thoát ra khỏi cơn hấp hối của thành phố thân yêu.

Dòng người như thác lũ đổ ra các ngả đường, những toan tính cũng rối tung cả

lên. Không ai bảo ai là đi hay ở, vì tất cả chỉ có một con đường là lên phi cơ

hay xuống tầu thủy. Dung nhớ không? Chị em mình thiếu kinh nghiệm nhưng thừa thì

giờ, nên Dung chở em đi khắp nơi để tìm đường thoát thân cho cả gia đình. Em còn

nhớ em đã ngây thơ nói với Dung “tìm chỗ nào đi bằng phi cơ, chứ đi bằng tầu

thủy, em sợ lắm Dung ơi!”, vì em không bao giờ quên được hình ảnh những người

chết trên xà lan, khi di tản từ Đà Nẵng vào Saigon.

Dung còn nhớ, em đã lắc đầu quầy quậy khi chú Khâm đưa ra tờ danh sách dài thậm

thượt để ghi tên xin đi Úc. Em đã nói với chú rằng “gia đình cháu chỉ đi Mỹ chứ

không đi Úc, chú ạ!” Em nhắc với Dung những chi tiết này, để muốn nói với Dung

rằng chị em mình khờ khạo và trẻ con quá, vậy mà bố mẹ giao cho mình nhiệm vụ

tìm đường di tản, thì thật là tội nghiệp cho gia đình mình. Vì khi đó cấp bách

quá rồi, mà mình còn lựa chọn nơi đến, thật là khờ dại. Thân phận người dân như

chiếc thuyền con giữa dòng, chỗ nào đến được, cũng sẽ là nơi chốn nương thân tìm

tự do. Nhưng có ai dạy chị em mình điều đó đâu Dung nhỉ?

 

Kết quả là sau ngày mất nước, gia đình mình cũng còn đầy đủ ở Saigon. Ngày quân

cướp nước vào, nhà mình vẫn quây quần, không thiếu một ai. Nhưng chưa ai cảm

nhận được sự đầy đủ ấy là một nỗi bất hạnh, để sau đó, oan khiên phủ chụp xuống

gia đình mình: Bố đi tù không có ngày về. Mẹ lang thang lếch thếch các nẻo chợ

mưu sinh để tiếp tế cho Bố và nuôi bầy con dại khờ. Rồi chị em mình lần lượt bỏ

học. Dung nghỉ học trước tiên, theo mọi người đi đan giỏ. Sau đó ít lâu, em cũng

nghỉ học, theo Dung đi đan giỏ. Bàn tay của chị em mình đã chai sần theo những

sợi dây cói cứng và nhám. Nhưng từ những bàn tay ấy, mình có miếng cơm, manh áo

để sống còn. Em nhớ mãi hình ảnh Dung chăm chỉ, miệt mài, mím môi dưới ánh điện

vàng vọt không đủ sáng, để luồn những sợi dây cói, đan thành những cái giỏ bán ở

các chợ. Đôi tay Dung thoăn thoắt, nhưng em biết lòng Dung suy nghĩ lao lung

lắm. Dung đã từng nói với em “Chị lo lắm. Ba không biết bao giờ được thả về, mà

gia đình anh Dũng cứ đòi... cưới!”. Em đã cười tươi mà bảo “Ai lại lấy chồng bây

giờ? Phải chờ Bố về chứ. Dung đi lấy chồng rồi, ai đan giỏ kiếm tiền nuôi tụi

em? Một mình Mẹ không nuôi nổi đâu”. Dung mím môi, không nói gì, nhưng đôi mắt

đẹp của Dung chớp chớp, bối rối vô cùng.

 

Rồi trước sự hối thúc của ba mẹ anh Dũng, Dung lên xe hoa về nhà anh Dũng. Em

biết Dung khóc ghê lắm, khóc sưng cả mắt. Mẹ đã không dỗ Dung mà còn khóc theo.

Em ngạc nhiên lắm. Lấy chồng mà khóc, lạ thật! Em thua Dung bẩy tuổi, còn nhỏ

dại quá, nhất định không thể nào hiểu được tại sao khi đi lấy chồng, đám cưới

linh đình với bao nhiêu là quần áo đẹp và bao nhiêu là hoa tươi, mà người con

gái - cô dâu xinh đẹp, diễm lệ là Dung ấy - lại có thể khóc như trời mưa, trời

gió được?

 

Nhưng rồi, một buổi tối tháng 4, Dung chạy về nhà, dặn dò Mẹ gì đó trong phòng.

Dung cũng dặn cả tụi em và tỏ vẻ vô cùng quyến luyến mọi người. Rồi Dung ra xe,

có anh Dũng chờ ngoài cửa. Em chạy theo Dung gọi với “Dung ơi! Đi đâu vội thế?

Về có tí xíu, đi liền à? Em nói này!”. Anh Dũng đã định chạy xe đi, Dung bảo

dừng và Dung nhẩy vội xuống, tháo cái đồng hồ trên tay, nhét cho em và nói “đổi

đồng hồ của em cho chị đi. Vào với Mẹ nhanh lên”. Dung cầm tay em, gỡ cái đồng

hồ cũ của em, mang vào tay Dung và giục anh Dũng chạy lẹ. Em thấy lạ, nhưng cũng

còn đủ tỉnh táo để la lên “đồng hồ em cũ mèm, Dung ơi!”. Rồi xe Dung vụt chạy.

Em vào nhà, thấy Mẹ đang thắp nhang trước bàn thờ, hai mắt Mẹ đỏ hoe. Em biết Mẹ

mới khóc, nhưng không biết tại sao. Em không dám hỏi, chỉ lẳng lặng, buồn bã

nhìn Mẹ. Dung ơi, nếu lúc ấy em biết Dung đã ra đi, nhất định em sẽ chạy theo

xin được đi với Dung, vì em thương Dung nhất nhà. Chỉ có hai chị em gái, đúng ra

em phải gọi Dung bằng chị, nhưng Dung xưng tên với em và bảo em chỉ gọi bằng tên

“Dung” rất thân và rất thương, như hai chị em mình không thể chia lìa được. Thế

mà Dung đã đi lấy chồng, rồi Dung lại cùng chồng vượt biên, bỏ Bố, bỏ Mẹ và bỏ

hai em lại bơ vơ với lũ giặc dã man. Em nhất định bắt đền Dung. Nếu em gặp lại

Dung, em sẽ bắt đền Dung đấy.

 

Tháng 4 tang tóc của năm 1975, đã khởi đầu bằng những giọt nước mắt của Mẹ khóc

ngày Bố khăn gói lên đường đi tập trung cải tạo. Rồi tiếp nối những giọt nước

mắt Mẹ khóc ngày Dung lên xe hoa về nhà chồng. Rồi sụt sùi, ẩn giấu bằng những

giọt nước mắt của Mẹ khóc ngày Dung vượt biên cùng chồng. Rồi cũng giọt ngắn

giọt dài, thâu đêm suốt sáng của Mẹ khi có tin Bố đã bị chết trong trại tù cải

tạo ở miền Bắc. Và những giọt nước mắt của Mẹ đã không ngừng chẩy suốt trong

những năm tháng còn lại của cuộc đời. Em lớn lên và trưởng thành qua những dòng

nước mắt ấy của Mẹ. Dung đi biền biệt, nào có biết để thương Mẹ, thương em, phải

không Dung? Dung không phải là người vô tình. Dung cũng không phải là người chỉ

biết sung sướng một mình, nhưng sao Dung không nói gì với Mẹ và với em cả, hở

Dung? Em ganh với Dung và em giận Dung đấy. Dung ơi! Dung có biết không? Rồi đứa

con trai duy nhất của gia đình - thằng Nghĩa của Dung và cũng là anh Nghĩa của

em, người anh trai mà em yêu quý nhất - đi nghĩa vụ quân sự, rồi chết bỏ xác

bêân Cao-Miên, Dung cũng không có một lời một tiếng nào để an ủi Mẹ? Để ngày

phát tang Bố, một mình Mẹ và em chít vành khăn trắng trên đầu. Nhìn tấm ảnh bán

thân của Dung treo trên tường, em thầm trách Dung sao nỡ vô tình? Em chỉ trách

Dung thôi, nhưng em vẫn yêu quý Dung vô cùng, Dung ạ!

 

Rồi có người nhờ mai mối, hỏi em làm vợ. Lẽ tất nhiên là em từ chối, vì em không

thể bỏ Mẹ một mình để đi lấy chồng như Dung được. Ờ, mà không. Ngày Dung đi lấy

chồng, thì Mẹ còn có anh Nghĩa và em. Nếu ngày ấy, nhà mình không còn ai nữa,

thì chắc Dung không đi lấy chồng, phải không Dung? Em biết Dung thương yêu Bố Mẹ

và hai đứa em lắm. Vì thế, không bao giờ em trách Dung, mà nhiều lúc em lại mừng

Dung đã không phải khổ sở, cơ cực như em và Mẹ đang phải chịu đựng. Thà em chịu

còn hơn để Dung phải chịu, em thương Dung như thế đấy. Ở nơi xa xôi, Dung có

thương em không nhỉ? Có bao giờ Dung nghĩ rằng em thương Dung hơn cả thương Mẹ

và thương thân em nữa không hở Dung? Nếu biết ngày ấy, Dung ra đi mãi mãi, thì

em nhất định dùng thân xác em để cản ngăn không cho Dung bước xuống tàu. Em và

Dung chưa bao giờ xa nhau, và chỉ có một lần xa nhau là xa mãi mãi ư Dung?

 

Dung không biết được rằng, ngày làm hồ sơ đi Mỹ trong thành phần HO vì Bố chết

trong trại cải tạo, Mẹ và em đã nhẹ nhàng, vui vẻ lên đường, vì nhà mình chẳng

còn gì để lại cả. Dung thấy không? Bố chết ở miền Bắc. Anh Nghĩa bỏ mình trên

đất Miên. Dung đang ở nơi nào, ai mà biết được? Có gì để cầm chân Mẹ và em lại

đây nữa, ngoài hai chữ “quê hương” thiêng liêng và đầy xúc động? Quê hương, thôi

đành cất để trong đáy lòng thôi, quê hương yêu dấu ạ! Ngày đi bốc mộ Bố, Mẹ đã

khóc rấm rứt khi nhìn người thợ hai tay lần mò trong lòng đất cạn, để bươi móc

những đám đất đen, mà họ tin rằng đấy chính là da, là thịt, là xương, là máu của

Bố chúng mình. Không còn gì nữa Dung ạ! Lấy gì để xác nhận đây là Bố của mình,

có chăng là sự xúc cảm cùng cực của Mẹ và em. Tiếng khóc của Mẹ lan tỏa trong

khoảng đồng không mông quạnh. Gió đồng nội vi-vu, lòng em tan nát, vỡ vụn như

những nắm đất da, thịt, xương, máu của Bố vừa được bới lên. Cũng ở địa danh này,

phía xa kia, bên trong hàng rào là trại tù của Bố, nơi Mẹ và em đã có những

chuyến thăm nuôi, gặp gỡ và tiếp tế cho Bố. Thế mà... Bây giờ Bố chỉ còn là

những nắm đất đen như mạt cưa trộn than bột! Em nhìn quanh, tìm những dòng họ ký

sinh trùng nào đã trưởng thành và sinh sôi nẩy nở trên thân xác của Bố? Những

con dòi bọ nào đã đục khoét xác thân tội nghiệp của Bố? Em lâm râm trong miệng

như người mộng du:

 

“Bố ơi! Hôm nay con đi với Mẹ bốc nắm xương mục nát của Bố. Mai kia, khi quân

thù bị diệt vong, thế giới an bình, con sẽ đưa Mẹ sang đất Miên, để tìm nắm

xương tàn của anh Nghĩa, mà góp nhặt về đây với Bố. Bố ơi! Xứ Chùa Tháp rộng

mênh mông, đất lạ quê người, con biết tìm anh Nghĩa ở đâu? Bố có giúp Mẹ và con

không hở Bố? Rồi... Rồi Bố ơi! Nếu biển Đông cạn đi, ngày ấy chắc Mẹ già lắm

rồi, con sẽ dắt dìu Mẹ theo đoàn người đông như kiến, lần mò đi trong lòng biển

đã cạn, để tìm nắm xương của Dung! Trời ơi! Con khóc rồi, Bố ơi! Chắc Bố đã biết

rằng chuyến tàu định mệnh của Dung bị hải tặc và chỉ có gần hai mươi người được

sống sót sau nhiều ngày lênh đênh đói khát trên biển. Trong số những người này

có anh Dũng, Bố ạ! Biển Đông mênh mông và xương trắng chất chồng, cho dù đã cạn,

nhưng con biết Dung ở đâu mà tìm? Họa chăng, nếu thấy được chiếc đồng hồ cũ của

con dưới lòng biển cạn, mới biết rằng nơi đây Dung của Bố, Dung của Mẹ. Dung của

anh Nghĩa và Dung của con đã an giấc ngàn thu. Nhưng chắc gì những cơn sóng

cuồng biển Đông đã giữ lại cho. Bố ơi! Một lần nữa, con lại van xin Bố giúp Mẹ

và con tìm Dung, Bố nhé!”

 

Tuy lâm râm, thì thầm trong miệng, nhưng em biết Bố nghe, vì đã có gió đưa lời

em đi vào tận cõi trời xa, cõi trời mà ai trong chúng sinh cũng phải một lần lưu

lại. Dung! Dung còn ở đấy không? Dung có chờ Mẹ và em không? Em vẫn giữ vững ý

định khi gặp Dung, sẽ bắt đền Dung thật nhiều, vì tội Dung đã bỏ em, để một mình

đi vào cõi hư vô. Dung không dắt em theo Dung, để em phải chịu đọa đầy với lũ

giặc Cộng bạo tàn. Vì sống với chúng, thà chết như Bố, như Dung, như anh Nghĩa

còn sung sướng hơn, Dung ạ! Chết mà được đoàn tụ bên nhau, còn hơn sống mà phải

phân ly vì những nhu cầu cơm áo tầm thường. Vì ước muốn đoàn viên ấy, nên Mẹ đã

gửi hũ tro cốt của Bố tại chùa Vĩnh-Nghiêm ở Saigon, mà không đem theo Mẹ và em

trên bước đường lưu lạc sang đất Mỹ. Mẹ và em biết chắc rằng Dung và anh Nghĩa

đang quấn quýt bên Bố rồi. Lòng thầm hẹn: sẽ trở về, khi một mai không còn bóng

quân thù. Khi ấy, không biết Mẹ có còn không, hay chỉ còn một mình em bơ vơ, trơ

trọi? Dung thấy không? Chỉ vì một tháng 4 năm 1975 oan khiên và nghiệt ngã, mà

gia đình ta gồm năm người đang quây quần sống với nhau, thân yêu và hạnh phúc

biết bao, nay tan nát ra làm nhiều mảnh, âm dương cách trở, để bây giờ còn nơi

dương thế này, một thiếu nữ như em, tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng hận thù giặc

Cộng chất chứa còn cao hơn căm hờn của một lão niên bách tuế!

 

Trên đất Mỹ, vật chất tuyệt đỉnh, văn minh tuyệt vời nhất hoàn vũ, Mẹ và em vẫn

lang thang như hai linh hồn vô định trong hai thân xác lưu đầy. Phải nhiều năm

sau, Mẹ và em mới lấy lại thăng bằng trong cuộc sống lưu vong. Những đêm dài

mộng mị, em vẫn mơ được nằm gối đầu lên mái tóc dài óng ả của Dung. Mơ được Dung

chở đi chơi đây đó khi đất nước còn thanh bình. Mơ sống lại quãng thời gian

tháng 4 năm 1975, Dung chở em đi nhiều nơi ở Saigon để tìm đường di tản. Dung

biết không? Em cứ lẩn thẩn nghĩ rằng nếu ngày ấy chị em mình tìm đúng chỗ để ra

đi, thì ngày nay, trên đất tự do này, chị em mình còn có Bố, em còn có anh Nghĩa

và nhất là Dung ơi, em còn có Dung, phải không? Chúng ta chỉ lỡ một chuyến đi,

mà vĩnh viễn mất nhau. Hay ngày ra đi của Dung mà không gặp hải tặc hãi hùng,

thì ngày nay em có thể cùng Dung gạt đau thương mà sống với Mẹ trên xứ người đến

hết cuộc đời, phải không Dung? Những ray rứt ấy ám ảnh em mãi, không nguôi ngoai

được. Dung thấy đó, sống mà băn khoăn, bứt rứt cũng không sung sướng gì. Ước gì

em còn có Dung trên xứ Mỹ này, em sẽ thừa nghị lực để phăng phăng tiến tới,

không có gì có thể cản bước tiến của em. Nhưng, Dung ơi! Em đã mất Dung rồi! Em

đã mất hết ba phần tư năng lực để sống còn vì thiếu vắng Dung rồi. Dung biết

không?

 

Hằng năm vào tháng 4, cùng với ngày giỗ đất nước suy vong, cũng là ngày giỗ của

nhiều người đã nằm xuống trên đất liền, cũng như trong lòng đại dương sâu thẳm,

Mẹ và em vẫn có mâm cơm tưởng nhớ đến Dung. Không biết Mẹ và em đã vĩnh viễn mất

Dung vào ngày nào, nhưng Mẹ cứ lấy ngày Dung ra đi để cúng giỗ Dung. Dung ơi, có

linh thiêng về chứng giám cho lòng em thương nhớ Dung khôn nguôi. Năm nay ba

mươi ba năm sau ngày quân giặc cướp nước, và cũng là năm thứ ba mươi ngày Dung

bỏ Bố, bỏ Mẹ, bỏ anh Nghĩa và bỏ em ra đi, trải qua bao đau thương chất chồng và

hận thù không nguôi, em vẫn hướng vọng về một cõi xa xăm để tưởng nhớ và thương

tiếc Dung vô vàn đấy Dung ơi! Ba mươi ba năm rồi, em vẫn chưa quên được cảm giác

nóng bỏng khi ngồi sau Dung, xe chạy vòng vòng đến những nhà quen biết trong

thành phố Saigon để tìm đường di tản. Chị em mình đã tạt vào một mái hiên nhà để

núp cơn mưa tháng 4. Dung đã đưa tay vuốt mái tóc ướt nước mưa của em. Và Dung

ơi! Bây giờ em đang thèm bàn tay Dung vuốt mái tóc rối vì cuộc đời của em. Và ba

mươi năm rồi, em vẫn thấy như mới hôm qua, Dung đưa tay tháo gỡ cái đồng hồ

Seiko cũ của em để đổi lấy cái đồng hồ mới, quà của anh Dũng tặng Dung.

 

Dung ơi! Cái đồng hồ của Dung vẫn âm thầm và bền bỉ bên em, nhịp nhàng như nhịp

tim của em thương nhớ Dung. Mà giờ này, Dung đang lưu lạc nơi nào? Dung có biết

em thương nhớ Dung vô cùng không, Dung ơi? Em vẫn nhắc lại điệp khúc ngày xưa

rằng: Nếu không có tháng 4 năm 1975 oan nghiệt, thì giờ này em vẫn còn có Dung,

có Bố, có anh Nghĩa và là em có tất cả. Phải không Dung?

 

Chờ em, Dung nhé! Cho dù bao lâu nữa, Dung vẫn cứ chờ em nghe Dung! Dung đã là

một phần ba cuộc đời của em, không có gì thay thế được. Dù đã ba mươi năm qua,

Dung ạ! Lá thư này đã kết tinh lòng em thương nhớ Dung trong ba mươi năm qua. Em

sẽ không thể gửi theo đường bưu điện đến Dung. Lát nữa đây, trong ngọn lửa, theo

gió mang đi, thư sẽ tới Dung ở cõi xa xăm mà em chưa tới được. Hẹn gặp nhau,

Dung nhé!

 

Yêu Dung vô cùng! Và thương nhớ Dung vô vàn!

 

San Jose, ngày 25 tháng 4 năm 2008.